Sẽ ban hành khung trình độ quốc gia về giáo dục

gaconueh2005

Thành viên thân thiết
Thành viên thân thiết
Tham gia
3/3/2013
Bài viết
4.056
NDĐT- Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ Giáo dục - Đào tạo đang cùng xây dựng khung trình độ giáo dục quốc gia về giáo dục, đào tạo nghề và lao động. Dự kiến, hệ thống này sẽ được trình Chính phủ thông qua vào quý 2 năm sau.


95e1615a3f9df9b02bbc7f6dff9f6d27_L.jpg



Dạy nghề tại Trung tâm dạy nghề Thanh Xuân, Hà Nội (Ảnh: thanhxuan.edu.vn).​


84% lao động không có trình độ chuyên môn


Ông Hoàng Ngọc Vinh, Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, Bộ Giáo dục - Đào tạo, cho biết, trong cơ cấu trình độ chuyên môn của lực lượng lao động trong nước, có tới 84% lao động không có trình độ chuyên môn kỹ thuật. Tỷ lệ lao động qua dạy nghề các trình độ là 4%, trung cấp chuyên nghiệp và cao đẳng là 5,5%; đại học và trên đại học là 6,1%. Đây là những con số “đáng buồn” từ điều tra lao động - việc làm của Bộ Kế hoạch - Đầu tư.

Thông tin trên được ông Vinh đưa ra tại hội nghị “Xây dựng khung trình độ quốc gia - Hỗ trợ Việt Nam hội nhập ASEAN” do Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ Giáo dục - Đào tạo, Hội đồng Anh cùng tổ chức diễn ra ngày 15-8 tại Hà Nội.

Ông Vinh nhận định, quy mô đào tạo giáo dục của nước ta hiện nay khá lớn. Trong đó, số lượng đào tạo đại học là hơn 2,2 triệu; trung cấp chuyên nghiệp: 550 nghìn; trung cấp nghề và cao đẳng nghề: khoảng 250 nghìn, đào tạo kỹ năng: xấp xỉ hai triệu người/năm.

Tuy nhiên, nguồn lực dành cho giáo dục còn hạn chế, suất đầu tư thấp. Đầu tư cho giáo dục đại học mới bằng 1/30 hoặc 1/35 so với các nước trong tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD). Hệ thống giáo dục - đào tạo khá phức tạp, thiếu liên thông, thiếu tính tiêu chuẩn trong đào tạo, giáo viên, thiết bị cũng như bảo đảm chất lượng, văn bằng.

Do đó, một trong những mục đích ra đời của khung trình độ quốc gia là thúc đẩy hợp tác giáo dục - việc làm giữa các quốc gia trên cơ sở công nhận văn bằng, chứng chỉ của nhau; hình thành cơ chế bảo đảm chất lượng gắn với công nhận văn bằng và trình độ tương ứng để có lòng tinvào giá trị của văn bằng.

Tới năm 2015, Việt Nam có thể thực hiện dịch chuyển lao động trong cộng đồng ASEAN. Dự báo, lực lượng lao động Việt Nam di cư không nhỏ nên việc công nhận trình độ cho người lao động là vấn đề quan trọng nhằm bảo đảm quyền lợi cho họ.

Khung trình độ quốc gia giúp người lao động không thiệt thòi

Ông Dương Đức Lân, Tổng cục trưởng Tổng cục Dạy nghề, nhấn mạnh, việc xây dựng khung trình độ quốc gia quan trọng với bất cứ nước nào. Người sử dụng lao động luôn muốn biết người tốt nghiệp có năng lực thế nào về kiến thức, kỹ năng, thái độ… để sắp xếp vị trí phù hợp. Hệ thống đào tạo của Việt Nam được chia theo các trình độ sơ cấp, trung cấp, cao đẳng, đại học, thạc sĩ… nhưng trong thực tế không rõ ràng. Nhiều sinh viên tốt nghiệp đại học không làm được việc, kỹ năng không bằng trình độ trung cấp. Điều này cũng làm cho đào tạo liên thông gặp khó khăn. Vì thế, rất cần thiết phải có một khung trình độ quốc gia từ thấp đến cao, thể hiện các bậc trình độ.

Trong bối cảnh đến năm 2015, ASEAN trở thành cộng đồng ASEAN, các quốc gia sẽ công nhận trình độ lẫn nhau. Khi đó, không còn mười thị trường lao động mà sẽ có một thị trường lao động lớn. Lao động trong nước có thể làm việc tại Malaysia, Thái-lan… Nếu được công nhận về trình độ, họ sẽ không bị thiệt thòi. Còn ngược lại, lao động có bằng đại học cũng bị trả mức lương như lao động phổ thông.

Nhìn rộng ra, Việt Nam cần có khung trình độ quốc gia tham chiếu để các quốc gia có thể so sánh, công nhận. Hiện giờ, nhiều quốc gia chưa công nhận bằng cấp của nước ta.

Ông Nguyễn Quang Việt, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu khoa học dạy nghề, chia sẻ, tới năm 2012, khoảng 130 quốc gia trên thế giới đã xây dựng khung trình độ quốc gia. Riêng trong cộng đồng ASEAN còn bốn quốc gia chưa xây dựng khung trình độ quốc gia là Cam-pu-chia, Lào, Myanmar và Việt Nam. Hai nước mới ban hành là Indonesia và Malaysia. ASEAN đã ký kết công nhận lẫn nhau trong bảy lĩnh vực. Đây mới là những việc làm ban đầu, nếu không có khung trình độ quốc gia, sẽ rất khó cho các nước trong khu vực công nhận lẫn nhau.

Theo ông Việt, khung trình độ quốc gia/khung trình độ nghề quốc gia lần đầu tiên được đề cập trong Chiến lược phát triển giáo dục 2011-2020 và Chiến lược phát triển dạy nghề 2011-2020. Hiện Tổng cục Dạy nghề đã xây dựng được khung trình độ kỹ năng nghề quốc gia cho 173 nghề, 126 nghề đã ban hành tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia.

Bộ Giáo dục - Đào tạo, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội thống nhất một trong hai nội dung trọng tâm của Chiến lược phát triển giáo dục Việt Nam và Chiến lược phát triển dạy nghề thời kỳ 2011-2020 là xây dựng khung trình độ giáo dục quốc gia. Hai cơ quan này cũng phối hợp xây dựng một khung trình độ chung bao gồm các trình độ đại học và trình độ nghề nhằm bảo đảm chất lượng, tính thống nhất và công nhận trình độ lẫn nhau giữa các nước. Khung trình độ quốc gia cũng sẽ giúp các sinh viên học liên thông từ các trình độ nghề chuyển học tiếp các bậc mang tính chuyên môn, hàn lâm.
Theo nhandan
 
Khung sao cho hợp lý, chứ đừng có cái kiểu phổ cập nữa nha, mệt lắm á, cứ phổ cập riết ai cũng giỏi mà thất nghiệp vẫn dài dài í :(
 
×
Quay lại
Top