Hoàn Sáng, Trưa, Đêm - Sidney Sheldon

Monmunmon

Thành viên thân thiết
Thành viên thân thiết
Tham gia
1/1/2012
Bài viết
4.527
CHƯƠNG 1 - DỊCH TỪ NGUYÊN BẢN TIẾNG ANH: MORNING, NOON & NIGHT
Dmitri hỏi:
- Ông có biết chúng ta đang bị bám đuôi không, ông Stanford?
- Biết. - Ông phát hiện ra họ đã hai mươi tư giờ nay.
Hai gã đàn ông và người đàn bà đó ăn bận xoàng xĩnh, cố trà trộn vào đám du khách mùa hạ đang đi vãn cảnh trên những con phố rải cuội vào lúc sáng sớm, song ở đâu chứ trong cái làng nhỏ xíu của xứ St. Paul de Vence nầy thì giữ cho mình khỏi bị tình nghi quả không phải là dễ.
Lần đầu tiên Harry Stanford nhận ra họ bởi họ ăn bận xoàng xĩnh quá, cố gắng quá mới không nhìn vào ông. Bất cứ ông quay về hướng nào cũng thấy một trong ba người đó vật vờ trước mặt.
Bám theo một mục tiêu như Harry Stanford thì có gì là khó. Ông cao một mét chín mươi, mái tóc bạch kim đổ xuôi xuống cổ áo và một gương mặt với những đường nét cao sang quí phái gần như là đế vương. Cùng đi với ông là một cô gái trẻ và đẹp đến choáng ngợp, một con chó chăn cừu giống Đức trắng tuyền, và Dmitri Kaminsky, gã vệ sĩ cao hơn hai mét với cái cổ bò mộng và cái trán gồ. Chúng ta thì lẫn vào đâu cho được, Stanford nghĩ bụng.
Ông biết ai là kẻ đã phái họ theo dõi ông, biết cả lý do của nó nữa. Và ông cũng linh cảm được một nỗi nguy hiểm đang sắp sửa xẩy đến. Từ lâu ông đã có thói quen tin vào linh cảm của mình. Chính linh cảm và trực giác đã giúp ông trở thành một trong nhứng nhân vật giầu có nhất hành tinh. Tạp chí Forbes ước tính giá trị tài sản của tập đoàn Stanford Enterprises ở mức sáu tỉ đô la, trong khi tờ Fortune 500 thì cho là bảy tỉ. Cả Wall Street Journal, Barron s lẫn Financial Times đều cố gắng lột tả Harry Stanford, cố giải thích cái bí ẩn trong ông, cái khả năng kỳ diệu về sắp xếp thời gian và cảm quan nhạy bén không tin nổi của ông để có thể gây dựng nên cái tập đoàn Stanford Enterprises khổng lồ như ngày nay. Song không một tạp chí hay tờ báo nào thực sự thành công khi khám phá về ông cả.
Điều mà ai nấy đều thừa nhận là ông có một sức lực phi phàm, không biết mệt mỏi là gì. Triết lí của ông thật đơn giàn: Một ngày không giao kết được một vụ làm ăn là một ngày bỏ đi. Ông khiến cả đối thủ lẫn nhân viên của mình và bất cứ ai khác tiếp xúc với ông đều kiệt sức. Ông là một hiện tượng kỳ lạ một cái gì đó lớn hơn cả bản thân cuộc sống. Ông nghĩ về mình như một kẻ hữu thần. Ông tin vào Chúa, và vị Chúa ông tin muốn ông phải giàu có còn kẻ thù của ông thì phải chết.
Harry Stanford là một hình ảnh quảng đại, và báo chí biết mọi điều về ông. Harry Stanford là một hình ảnh riêng tư, và báo chí chẳng biết gì về ông hết. Họ từng viết về sức lôi cuốn của ông, về lối sống phóng túng của ông, về chiếc máy bay chuyên cơ, cái du thuyền, cùng với những toà nhà huyền thoại của ông ở Hobe Sound, Morocco, Long Island, London, Pháp, và dĩ nhiên, về toà lâu đài Rose Hill hùngvĩ của ông ở vùng Back Bay, Boston. Thế nhưng con người thật của Harry Stanford ra sao thì vẫn là một hiện tượng bí ẩn.
- Chúng ta đang đi đâu đây? - Cô gái hỏi.
Ông đang mải nghĩ nên không đáp. Hai kẻ bám đuôi phía bên kia đường đang sử dụng kỹ thuật chuyển chéo, và chúng đã thế chân nhau một lần nữa. Cùng với cảm giác về mối nguy hiểm, Stanford thấy giận sôi người vì chúng đang xâm phạm tới quyền tự do cá nhân của ông. Chúng cả gan mò tới đây săn ông, tới cái nơi nghỉ ngơi bí mật không một ai biết đến nầy của ông.
St. Paul de Vence là một cái làng trung cổ, phong cảnh ngoạn mục, dấu những nét cổ kính huyền thoại của mình trên dãy Alps Maritimes, giữa Cannes và Nice. Làng được bao quanh bởi một loạt những quả đồi lúp xúp và những thung lũng ngập tràn những hoa, cây ăn quả và những rừng thông. Bản thân ngôi làng là nơi hội tụ của những xưởng vẽ, phòng tranh và những hiệu đồ cổ, một cái nam châm khổng lồ thu hút du khách bốn phương.
Đoàn của Harry Stanford rẽ sang đường Rue Grande. Ông hỏi Sophia, tên cô gái:
- Em có thích các viện bảo tàng không?
- Thưa ông, có. - Nàng đang háo hức được làm vui lòng ông. Nàng chưa gặp một ai như Harry Stanford cả. Hãy đợi cho đến khi ta kể cho các bạn gái của ta nghe về anh. Ta từng nghĩ, về t.ình d.ục ta chẳng còn gì để học hỏi thêm nữa cả, nhưng Chúa ơi, anh sáng tạo quá đi! Anh sẽ rút kiệt sức lực của ta mất.
Họ leo đồi lên viện bảo tàng nghệ thuật Fondation Maeght và xem lướt những bộ sưu tập nổi tiếng của Bonnard và Chagall cùng nhiều nghệ sĩ đương thời khác. Khi Stanford giả bộ vô tình liếc quanh, ông trông thấy người đàn bà bám đuôi đang mải ngắm một bức của Miró.
- Ông quay sang Sophia:
- Đói chưa?
- Em đói rồi, nếu như anh cũng đã đói. - Mình không được ép anh ấy.
- Tốt lắm. Chúng ta sẽ ăn trưa ở La Colombe d Or.
La Colombe d Or là một trong những nhà hàng khoái khẩu của Stanford, một toà nhà xây từ thế kỷ mười sáu, nằm ngay lối vào làng, gần đây nó được chuyển thành một khách sạn và nhà hàng. Stanford và Sophia ngồi trong vườn, cạnh hồ nước, còn Prince, con chó chăn cừu tuyền trắng nằm dưới chân ông với đôi mắt đầy cảnh tỉnh. Con chó là biểu tượng của Stanford. Ông đi đâu Prince theo đó. Có lời đồn rằng khi Stanford ra lệnh, con vật có thể cắn nát họng người ta. Không ai muốn thử xem lời đồn đại đó thực hư thế nào.
Dmitri ngồi bên chiếc bàn kề lối vào khách sạn; quan sát cẩn thận những kẻ đang theo dõi Stanford khi họ cứ thay nhau xuất hiện rồi bỏ đi:
Stanford quay sang Sophia:
- Em yêu, anh gọi món cho em nhé?
- Dạ.
Stanford luôn tự hào về mình là kẻ sành ăn. Ông gọi một đĩa xa lát xanh và món Fricas Bee de lotte cho hai người. Khi hầu bàn bê món chính tới, Danielle Roux, người đàn bà điều hành khách sạn cùng chồng mình là François, đi đến bên ông và mỉm cười:
- Mọi việc ổn cả chứ, ngài Stanford?
- Tuyệt lắm, thưa bà Roux.
- Và mọi chuyện sẽ tuyệt cả thôi. Chúng nó là một nhóm người lùn Pygmy đang cố tạo cho mình cảm giác của những chàng khổng lồ. Chúng tới đây để chuốc lấy một nỗi thất vọng lớn
Sophia nói:
- Lần đầu tiên em tới đây đấy. Cái làng mới dễ thương làm sao.
Stanford quay sang nhìn nàng. Dmitri vừa "thửa" cho ông cô bé nầy hôm qua.
- Ông Stanford, tôi "mua" cho ông một người đấy.
- Có trục trặc gì không? - Nghe vậy, Stanford hỏi.
Dmitri ngoác miệng cười. "Không". Anh ta thấy cô nàng ở sảnh khách sạn Negresco, bèn sán lại.
- Xin lỗi, cô có nói được tiếng Anh không?
- Có - Nàng đáp bằng một thứ tiếng Anh ngữ điệu Italia.
- Bạn tôi muốn mời cô dùng bữa tối với ông ấy.
Nàng nổi cáu:
- Tôi không phải điếm. Tôi là một diễn viên điện ảnh. - Thực thì nàng từng kiếm được một vai phụ trong bộ phim mới nhất của Pupi Avati và một vai với hai dòng thoại trong một phim của Giuseppe Tornatore. - Làm sao tôi có thể ăn tối với một người lạ cơ chứ?
Dmitri lôi ra một cục tiền một trăm đô la và dúi vào tay nàng năm tờ.
- Bạn tôi hào phóng lắm. Ông ấy có một cái du thuyền, và ông ấy đang cô đơn. - Gã quan sát thái độ của Sophia đang thay đổi từ cáu giận sang tò mò, rồi ham thích.
- Thực thì tôi đang trong thời gian chờ đợi cuốn phim tới. - Nàng nhoẻn cười. - Chắc ăn tối với bạn ông cũng chẳng hại gì.
- Tốt lắm. Ông ấy sẽ rất vui.
- Thế ông ta đang ở đâu?
- Ở St. Paul de Vence.
Dmitri chọn khá lắm. Gái Ý hẳn hoi. Tuổi ngoài hai nhăm. Khuôn mặt gợi tình, tựa như mặt mèo nhung vậy. Bộ ngực thật cao và đầy. Lúc nầy nhìn nàng ngồi bên kia bàn, Stanford bỗng nẩy ra một ý:
- Em có thích du lịch không, Sophia?
- Em thích lắm.
- Tốt. Chúng ta sẽ đi chơi với nhau một chuyến ngắn. Anh xin lỗi một phút nhé.
Sophia nhìn ông đi ra một máy điện thoại công cộng đặt kế buồng vệ sinh nam.
Stanford tra đồng xu vào khe máy và quay số:
- Cho xin tổng đài viên hàng hải.
Vài giây sau có tiếng đáp:
- Đây là người điều hành liên lạc vùng bờ biển…
- Tôi muốn đặt một cuộc gọi cho du thuyền Blue Skies, chín tám không…
Cuộc gọi kéo dài chừng năm phút và khi kết thúc, Stanford gọi tiếp cho sân bay Nice. Lần nầy thời gian đàm thoại ngắn hơn.
Xong, Stanford quay sang nói gì đó với Dmitri và gã nầy nhanh chóng đi ra khỏi nhà hàng. Stanford trở lại với Sophia:
- Em sẵn sàng chưa?
- Dạ, rồi.
- Vậy chúng ta hãy đi dạo một lát. - Ông cần thời gian để vạch ra một kế hoạch.
***
Hôm ấy là một ngày đẹp trời. Nắng chiếu hồng những áng mây và ánh sáng bạc tràn ngập những con đường rải cuội.
Họ đi dọc đường Rue Grande, ghé qua nhà thờ Eglise, một nhà thờ cổ kính xây cách đây đã hai nghìn năm. Tới trước cửa nhà thờ, họ dừng lại mua một ít bánh mì nóng. Khi quay đi thì một trong ba kẻ theo dõi đã đứng sẵn ở bên ngoài, đang vờ chăm chú ngắm mặt trước của nhà thờ. Thấy Dmitri đã đang đợi ở đó, Stanford dúi túi bánh mì cho Sophia:
- Em mang lên nhà trước dùm anh. Anh sẽ lên ngay.
- Vâng.
Stanford nhìn Sophia đi xa dần, rồi quay sang Dmitri:
- Cậu có phát hiện ra được gì không?
- Con đàn bà và một gã đang ở tại khách sạn Le Hameau, trên đường La Colle.
Stanford biết chỗ nầy.
- Còn gã thứ ba?
- Ở Le Mas d Artigny. Ngài muốn tôi làm gì với chúng đây?
- Không làm gì cả. Tự tôi sẽ săn sóc chúng.
***
Toà biệt thự của Stanford nằm trên đường Rue de Casette, trong một quần thể những ngôi nhà rất cổ và những con phố nhỏ rải cuội. Biệt thự xây bằng đá cổ trát vữa. Tầng hầm có ga ra và một cái hang giả làm hầm rượu. Một cầu thang bằng đá dẫn lên lô phòng ngủ, phòng làm việc, và một sân hiên lợp ngói. Toàn bộ toà nhà được trang trí bằng đồ cổ Pháp và đâu cũng có hoa.
Lúc Stanford về đến nhà thì Sophia đang nằm đợi ông trong phòng ngủ. Nảng đã hoàn toàn sẵn sàng:
- Sao đi lâu vậy anh? - Nàng hỏi thì thào.
Ngoài những lúc đóng phim, Sophia Matteo phải làm thêm nghề kỹ nữ phục vụ qua điện thoại để kiếm sống, và thường khi làm tình nàng luôn giả bộ mình đạt được tột đỉnh khoái cảm để chiều lòng khách. Song với người đàn ông nầy thì nàng khỏi phải "diễn" làm gì. Ông ta tham lam vô độ và nàng thấy mình liên tục được ông đưa lên tận trời xanh.
Khi cả hai đã mệt lả, Sophia ôm ngang người ông và lẩm bẩm một cách mãn nguyện, "Em có thể ở lại nơi nầy mãi mãi".
- Tôi chỉ cũng mong muốn có vậy thôi, - Stanford thầm nghĩ và thấy thoáng buồn.
Họ ăn tối ở nhà hàng Le Café de la Place, ngay lối vào làng. Bữa tối thật ngon miệng, và đối với Stanford, mối nguy hiểm thực sự đã thêm gia vị vào thức ăn.
Trên đường về biệt thự, Stanford bước chậm rãi để đoán chắc những tên bám đuôi theo được.
Lúc một giờ sáng, gã đàn ông đứng bên kia đường thấy đèn trong biệt thự đã tắt hết, bèn bỏ đi.
Lúc bốn rưỡi sáng, Stanford đi sang phòng ngủ dành cho khách, nơi Sophia đang ngáy ngon lành.
- Ông khẽ lay vai nàng:
- Sophia…
Nàng mở mắt, mỉm cười chờ đợi, song lại cau mặt ngay. Ông đă ăn mặc chỉnh tề. Nàng ngồi dậy.
- Có chuyện gì vậy, anh?
- Không có chuyện gì cả, em yêu ạ. Em nói em thích đi du lịch. Thì được, chúng ta sẽ đi với nhau một chuyến ngắn nhé.
Nàng đã tỉnh ngủ hoàn toàn.
- Đi vào lúc nầy ư?
- Đúng. Chúng ta phải hết sức khẽ khàng mới được!
- Nhưng mà…
- Vội lên đi.
Mười lăm phút sau, Stanford, Sophia, Dmitri và Prince đã thao bậc thang đá xuống tầng hầm, nơi chiếc Renault màu nâu đang đỗ. Dmitri nhẹ nhàng mở cửa ga ra và nhìn ra đường. Ngoài chiếc Corniche trắng của Stanford đang đỗ ở đó tịnh không còn một vật gì khác.
- Sạch sẽ, - gã nói.
Stanford quay sang Sophia:
- Chúng ta sẽ chơi một trò chơi nhỏ. Anh và em sẽ nằm dán xuống sàn xe ở hàng ghế sau.
Nàng mở to mắt:
- Tại sao lại phải thế?
- Một đối thủ làm ăn đang theo dõi anh, - ông nói không giấu giếm: - Anh sắp kết thúc một vụ lớn, còn chúng thì đang muốn khám phá xem đó là vụ gì. Nếu để chúng biết thì anh sẽ phải thua thiệt nhiều lắm.
- Em hiểu, - nàng đáp, song thực thì chẳng hiểu ông đang nói gì.
Năm phút sau họ đã tới cổng làng và phóng về xa lộ đi Nice. Một gã đàn ông ngồi trên ghế băng nhìn chiếc Renault tăng tốc độ lao qua cổng. Sau tay lái là Dmitri, còn cạnh gã là con Prince. Gã đàn ông vội rút điện thoại di động và bấm số.
- Chúng ta có thể có rắc rối, - gã báo với người đàn bà.
- Rắc rối gì vậy?
Chiếc xe Renault nâu đã ra khỏi làng. Dmitri Kaminsky cầm lái. Ngoài gã ra trong xe chỉ có con chó thôi.
- Không thấy Stanford à?
- Không.
- Tôi không tin. Gã vệ sĩ không bao giờ rời hắn một bước lúc đang đêm, còn con chó thì luôn ở bên hắn.
- Chiếc Corniche còn đỗ ở trước biệt thự không? - Gã đàn ông kia hỏi.
- Còn, song hắn có thể đổi xe lắm chứ!
- Chúng ta trúng mẹo hắn rồi! Gọi sân bay ngay.
Một phút sau họ đã liên lạc được với đài chỉ huy bay.
- Máy bay của ông Stanford ấy à? Nó vừa hạ cánh cách đây một giờ và đã nạp xong nhiên liệu.
Toán bám đuôi Stanford lập tức chia đôi, hai ra sân bay, người còn lại tiếp tục canh toà nhà lúc đó đang im lìm ngủ.
- Xe vừa qua La Coalle-sur-Loup, Stanford ngồi hẳn lên ghế:
- Ngồi dậy được rồi đấy, Sophia. - Ông quay sang Dmitri, - Phi trường Nice. Nhanh!
 
CHƯƠNG 2 - SÁNG
Nửa giờ sau, tại phi trường Nice, chiếc Boeing 727 chậm rãi lăn bánh trên đường băng tới điểm xuất phát. Trên đài chỉ huy, nhân viên kiểm soát bay nói:
- Rõ là họ đang vội lên đường. Viên phi công đã yêu cầu được cất cánh ba lần rồi.
- Chiếc máy bay đó của ai?
- Harry Stanford.
- Chắc hắn đang đi kiếm thêm vài ba tỉ gì đó. - Viên kiểm soát bay quay nhìn chiếc Learjet cất cánh rồi nhấc microphone và nói:
- Boeing tám chín năm Cha, phòng kiểm soát cất cánh sân bay Nice đây. Các anh được phép cất cánh. Còn năm phút nữa. Sau khi cất cánh, lượn phải về hướng một bốn không.
Viên lái chính và lái phụ của Stanford nhìn nhau nhẹ nhõm. Lái chính ấn nút microphone:
- Roger đây. Boeing tám chín năm Cha sẵn sàng cất cánh. Sẽ lượn ngay sang hướng một bốn không.
Tích tắc sau, chiếc phi cơ khổng lồ gầm máy trên đường băng và lao vút vào trời đêm.
Viên lái phụ lại nói vào microphone:
- Cất cánh, Boeing tám chín năm Cha đang ra khỏi ba ngàn để lên mức bay bảy không. - Anh ta quay sang lái chính. - Hô, ông già Stanford chắc lo chúng ta không cất cánh nổi lắm, đúng không?
Lái chính nhún vai:
- Việc của chúng ta không phải là luận xem tại sao. Việc của chúng ta là hoặc làm hoặc chết. Nó ra sao ở phía sau?
Viên phụ lái đứng lên bước tới ngưỡng cửa nhìn sang khoang hành khách rồi ngoảnh lại nói vào khoang lái:
- Nó đang nghỉ.
Từ trong xe họ gọi đài chỉ huy sân bay:
- Máy bay của ông Stanford còn dưới mặt đất không?
- Không, thưa ông. Nó đã cất cánh rồi.
- Phi công có lưu lại kế hoạch bay không?
- Dĩ nhiên là có, thưa ông.
- Tới đâu?
- Máy bay nhằm hướng JKF.
- Cám ơn. - Gã quay sang đồng sự. - Phi trường Kennedy. Chúng ta sẽ cho người đón hắn ở đó.
Lúc chiếc Renault đã vượt qua ngoại ô Monte Carlo, nhằm hướng biên giới Ý, Stanford nói:
- Còn khả năng chúng vẫn bám đuôi không, Dmitri?
- Không đâu, thưa ông. Chúng đã mất vết chúng ta rồi.
- Tốt. - Stanford ngả người ra ghế, thư giãn. Chả còn phải lo nghĩ gì nữa. Họ sẽ bám theo chiếc máy bay.
Ông điểm lại tình huống trong đầu. Vấn đề là họ đã biết gì và biết từ khi nào. Họ chỉ là những con chó rừng lẩn theo vết sư tử mà thôi, hy vọng sẽ hạ gục được ông. Stanford cười thầm. Họ đánh giá quá thấp cái người đang khiến họ bận tâm. Những kẻ từng phạm những sai lầm loại nầy đều đã phải trả giá đắt. Lần nầy rồi cũng vậy thôi. Ông là Harry Stanford, bạn bè của các vị tổng thống và các vị vua chúa, có đủ quyền lực và sức mạnh tài chính để vực dậy hay làm lụn bại nền kinh tế của cả chục quốc gia chứ đâu phâi chuyện đùa.
Chiếc Boeing 727 đang bay trên bầu trời Marseilles. Lái chính nói vào microphone:
- Marseilles nghe đây, Boeing tám chín năm Cha đang ở trong tầm kiểm soát của các vị. Chúng tôi đang ra khỏi tầng bay một chín không để vào tầng hai ba không. Roger.
***
Chiếc Renault tới San Remo ngay khi trời vừa sáng. Stanford còn nhớ rõ thành phố nầy lắm, song nó cũng thay đổi rất nhanh. Ông nhớ ngảy nó còn là một mảnh đất tao nhã với những khách sạn và nhà hàng hạng nhất, với một sòng bạc mà các con bạc khi bước vào đều phải đeo cà vạt đen và người ta có thể thắng hoặc thua cả một gia tài trong một buổi tối. Nay nó đã không chống đỡ nổi với tệ nạn du lịch, với những ông bầu lớn miệng đánh bạc trong ống tay áo.
Xe của Stanford tiến dần tới vịnh, cách biên giới Pháp-Ý mười hai dặm đường. Vịnh có hai hải cảng, Marina Porto Sole ở phía đông và Porto Communale ở phía tây.
- Chúng ta tới cảng nào đây? - Dmitri hỏi - Porto Communale, - Stanford đáp. Càng vắng người càng hay.
Chỉ vài phút chiếc Renault đã đỗ sát bên mạn du thuyền Blue Skies, một chiếc tàu bóng mượt dài một trăm tám mươi bộ. Thuyền trưởng Vacarro và mười hai thành viên thuỷ thủ đoàn đã xếp hàng chờ sẵn trên boong. Thuyền trưởng xăng xái đi xuống đón đoàn.
- Chào ngài Stanford. Để chúng tôi xách hành lí cho, và…
- Không có hành lí. Nhổ neo thôi.
- Rõ, thưa ngài.
- Chờ một phút. - Stanford nhìn đám thuỷ thủ và cau mặt. - Người đứng cuối hàng ấy. Anh ta mới vào đúng không?
- Vâng, thưa ngài. Buồng lái của chúng tôi thiếu mất một thuỷ thủ do ngã bệnh ở Capri, chúng tôi bèn tuyển anh ta vào thay chân. Anh ta…
- Tống cổ nó đi, - Stanford ra lệnh.
Viên thuyền trưởng bốì rối nhìn ông.
- Trả tiền và hãy để nó đi khỏi con tàu nầy.
Thuyền trưởng gật đầu: "Rõ, thưa ngài".
Nhìn quanh, linh tính cho Stanford thấy có chuyện chẳng lành. Cảm giác đó mỗi lúc một trỗi lên, rõ ràng tới độ ông gần như có thể đưa tay ra là sờ được nó. Ông không muốn có một người lạ mặt nào ở gần mình. Thuyền trưởng Vacarro cùng thuỷ thủ đoàn đã đi với ông nhiều nằm nay. Ông có thể tin cậy ở họ. Ông quay nhìn cô gái. Dmitri đã nhặt cô ta một cách ngẫu nhiên nên có thể coi nguy hiểm sẽ không đến từ phía đó. Còn với Dmitri, gã vệ sĩ nầy đã cứu mạng ông không chỉ một lần trong đời. Stanford quay sang bảo gã:
- Hãy luôn ở bên tôi.
- Vâng, thưa ông.
Stanford nắm tay Sophia:
- Lên tầu đi, em yêu.
Dmitri đứng trên boong quan sát đám thuỷ thủ chuẩn bị khởi hành. Gã nhìn bao quát hải cảng một lượt song không thấy gì khả nghi. Vào lúc sáng sớm thế nầy chưa có một hoạt động nào diễn ra cả. Động cơ kỳ vĩ của chiếc du thuyền khởi động và con tàu lừng lững lướt đi.
Viên thuyền trưởng đến gần Stanford:
- Ngài chưa nói chúng ta sẽ đi đâu, thưa ngài Stanford.
- Chưa, tôi chưa nói, hẳn thế? - Ông suy nghĩ một giây - Đi Portofino.
- Rõ, thưa ngài.
- Mà nầy, tôi cấm ông không được sử dụng liên lạc bằng sóng vô tuyến.
Thuyền trưởng Vacarro cau mày:
- Không được sử dụng liên lạc vô tuyến ư? Rõ, thưa ngài, nhưng ngộ nhỡ…
- Khỏi lo chuyện đó. Cứ làm như tôi nói đi. Và tôi không muốn một ai sử dụng điện thoại vệ tinh.
- Rõ, thưa ngài. Chúng ta có nán lại Portofino không ạ?
- Tôi sẽ cho ông biết có nán lại đó hay không.
Stanford dẫn Sophia đi một vòng quanh tầu. Con tầu là một trong những tài sản đoạt giải của ông nên ông thích phô trương nó. Ai nhìn cũng phải choáng ngợp trước sự xa xỉ nầy. Nó có một lô phòng ở cao cấp, kèm phòng chờ và một phòng làm việc.
Phòng làm việc, rộng thênh thang và tiện lợi với một chiếc đi văng, vài ghế mềm và một cái bàn giấy mà trên đó, có đủ mọi phương tiện để điều hành cả một thành phố nhỏ. Trên tường treo một tấm bản đồ điện tử lớn với một chiếc thuyền nhỏ chuyển động cho thấy vị trí thực của con tàu. Hai cửa kính trượt mở ra một hàng hiên có đặt một xích đu, một bàn với bốn chiếc ghế. Vào những ngày thanh bình Stanford thích dùng bữa sáng ngoài hàng hiên nầy.
Có sáu phòng ngủ dành cho khách. Phòng nào cũng được trang trí bằng lụa có hoạ tiết thủ công, có cửa sổ và bồn tắm. Còn thư viện lớn thì được ốp gỗ kola.
Phòng ăn đủ chỗ cho mười sáu thực khách. Du thuyền có một hầm rượu và một phòng chiếu phim lí tưởng.
Harry Stanford là một trong những nhà sưu tầm phim khiêu dâm lớn nhất thế giới. Tất thẩy đồ đạc trang trí trong du thuyền đều là nhữag thử quí hiếm độc nhất vô nhị, còn các bức hoạ thì có thể khiến bất cứ viện bảo tàng nào cũng phải thèm thuồng.
- Vậy là em đã xem gần hết du thuyền rồi đấy, - Stanford nói với Sophia. - Anh sẽ cho em xem nốt những gì còn lại vào ngày mai.
Nàng cảm thấy ngượng ngùng:
- Chưa bao giờ em được thấy một cái gì như thế nầy! Nó giống… nó giống như một thành phố vậy.
Stanford nhoẻn cười trước sự ngưỡng mộ của nàng.
- Em sẽ được chỉ cho phòng riêng và hãy nghỉ ngơi cho thoải mái nhé. Anh có ít việc phải làm cho xong đã Stanford trở lại phòng làm việc và kiểm tra vị trí của con tàu.
Chiếc Blue Skies đã đến Biển Ligurian và đang đi về hướng đông bắc. Chúng sẽ không đoán nổi ta đi đâu, Stanford nghĩ bụng. Chúng sẽ chờ ta ở JKF. Khi tới Portofino ta sẽ làm rõ mọi chuyện với chúng.
Ở độ cao ba mươi lăm dặm trong không trung, lái chính của chiếc Boeing 727 đang nhận chỉ thị mới.
"Boeing tám chín năm Cha, anh được phép bay thẳng đến Delta India November đúng như trong hồ sơ đường bay."
Anh ta nói với lái phụ, đoạn đi ra cửa vào khoang hành khách.
- Vị hành khách của chúng ta ra sao rồi? - Anh lái phụ hỏi.
- Nó có vẻ đói.
 
CHƯƠNG 3 - SÁNG
Xa từ ngoài biển nhìn vào, Portofino đã gây ấn tượng với những sườn đồi xanh ngát ô liu, thông, bách và cọ: Stanford, Sophia và Dmitri đứng trên boong ngắm cảnh trong khi con tầu tiến dần vào bờ.
Sophia hỏi:
- Anh có đến Portofino thường xuyên không?
- Mới vài lần thôi.
- Thế nơi ở chính của anh ở đâu?
Câu hỏi riêng tư quá. Stanford bèn đáp:
- Em sẽ được thưởng ngoạn Portofino, Sophia. Nó rất đẹp.
Thuyền trướng Vacarro đến gần:
- Ngài có dùng bữa trưa trên tầu không, thưa ngài Stanford?
- Không, chúng tôi sẽ dùng bữa ở Splendido.
- Tốt lắm. Vậy tôi có phài sẵn sàng nhổ neo ngay sau bữa trưa không?
- Tôi nghĩ là không. Hày thưởng thức phong cảnh của thành phố nầy cho chán đã.
Viên thuyền trưởng nhìn Stanford, bối rối. Mới một nháy mắt trước ông ta còn cuống cà kê là vậy, giờ đã đổi giọng hoàn toàn, cứ như ông ta đang có cả nghìn năm để sống. Còn cái vụ cấm ngặt sử dụng liện lạc vô tuyến nữa. Chúa ơi!
Khi chiếc Blue Skies đã thả neo, Stanford cùng Dmitri và Sophia đáp xuồng vào bờ.
- Chúng ta sẽ ăn trưa ở khách sạn trên đỉnh đồi. Từ trên đó nhìn ra biển đẹp lắm, - Stanford nói với Sophia. - Em hãy tới chỗ kỳa bắt tắc xi, anh sẽ đến sau vài phút.
- Dạ.
Stanford nhìn theo Sophia cho đến khi nàng đi xa, đoạn ông quay sang Dmitri:
- Tôi phải gọi một cú điện thoại.
Không thể gọi từ trên tàu được. Dmitri nghĩ bụng.
Hai người đi ra hai buồng điện thoại công cộng kề mép ke. Dmitri nhìn Stanford bước vào một buồng điện thoại, nhấc máy và thả đồng xu vào khe.
- Điện thoại viên, tôi muốn đặt một cuộc gọi tới Nhà băng Union, Thuỵ Sĩ.
Vừa lúc đó có một người đàn bà bước tới buồng điện thoại thứ hai. Dmitri đứng chắn lấy lối vào.
- Xin lỗi, - bà ta nói. - Tôi…
- Tôi đang đợỉ một cuộc gọi.
Bà ta ngạc nhiên nhìn gã, "Ra thế", rồi quay nhìn buồng điện thoại mà Stanford đang ở trong đó.
- Theo tôi thì bà không nên đợi, - Dmitri gầm gừ nói. - Ông ta sẽ còn gọi lâu đấy.
Người đàn bà nhún vai rồi bỏ đi.
- A lô?
Dmitri nhìn Stanford nói vào máy.
- Peter đấy hả? Chúng tôi đang gặp phải một trục trặc nho nhỏ. - Stanford đóng chặt cửa buồng điện thoại lại. Ông nói rất nhanh khiến Dmitri không thể thấy gì được hết. Cuộc gọi kết thúc Stanford mới mở cửa và bước ra.
- Mọi chuyện ổn cả chứ, ông Stanford?
- Đi ăn trưa thôi.
Splendido mới là hòn ngọc của Portofino. Đấy là một khách sạn có tầm nhìn khoáng đạt xuống mặt vịnh lóng lánh như thuỷ tinh ở bên dưới. Khách sạn được xây dựng để đón những vị khách cực kỳ giàu có nên luôn rất dè chừng với uy tín của mình.
Stanford, Sophia và Dmitri ăn trưa ở ngoài hiên.
- Anh lại gọi món cho em nhé? - Stanford hỏi - Họ có một số món đặc biệt mà anh đoán em sẽ thích.
- Vâng.
Stanford gọi món trenette al pesto, một món mì địa phương, thịt bê và focalina, một thứ bánh mì trộn muối cũng của bản xứ.
- Và cho chúng tôi một chai Schram tám tám. - Ông quay sang Sophia. - Loại rượu nầy đã đoạt huy chương vàng tại cuộc thi rượu vang quốc tế ở London. Chủ vườn nho là tôi đó.
Nàng nhoẻn cười.
- Ông thật là may mắn.
May rủi chẳng liên quan gì tới đây hết.
- Tôi tin là con người ta sinh ra là để tận hưởng những của ngon vật lạ trên đời.
- Ông là con người khiến ai cũng phải kinh ngạc.
- Cám ơn.
Stanford thấy thú vị khi có một cô gái đẹp ngưỡng mộ mình. Cô bé nầy đủ trẻ để làm con gái ông và điều đó càng khiến ông khoái trá hơn.
Ăn xong Stanford cười hết cỡ:
- Chúng ta ra tầu thôi.
- Ồ, phải rồi!
Harry Stanford là một người tình không kiên định, rất đam mê và điệu nghệ. Cái tôi lớn lao khiến ông cố làm cho người tình của mình thoả mãn hơn là vì sự thoả mãn của chính mình. Ông biết cách kích thích vào những vùng nhạy cảm của đàn bà, và ông điều khiển cái dàn nhạc ân ái hài hoà tới mức có thể đưa người tình của mình lên những độ cao họ chưa bao giờ đạt tới trong đời.
Hai người sài trọn cả buổi chiều trong lô phòng của Stanford, và khi cuộc làm tình kết thúc thì Sophia cũng mệt rã rời. Stanford mặc quần áo và ra ngoài tìm thuyền trưởng Vacarro.
- Ngài muốn tới Sardinia phải không, ngài Stanford?
- Hãy tới Elba trước.
- Rõ. Còn điều gì khiến ngài không được hài lòng không?
- Không đâu, anh làm việc tốt lắm.
Stanford lại bỗng cảm thấy cơn hứng tình trỗi dậy, bèn lộn trở lại phòng Sophia.
Họ tới Elba vào chiều hôm sau và thả neo ở cảng Portoferraio.
***
Khi chiếc Boeing 727 vào không phận Bắc Mỹ, lái chính liên lạc với đài điều khiển mặt đất:
- Trung tâm bay New York, Boeing tám chín năm Cha đang ở trong vùng điều khiển của các vị. Chúng tôi chuẩn bị qua tầng hai sáu không để vào tầng hai bốn không.
Trung tâm bay New York đáp:
- Roger, anh được phép vào đến tầng một hai bảy, thẳng hướng JKF
Từ phía sau vẳng tới một tiếng gầm gừ khe khẽ.
- Yên nào, Prince. Để tao quàng dây an toàn quanh người mày.
Có bốn người đã đợi sẵn khi chiếc 727 hạ cánh.
Họ đứng ở những vị trí khác nhau để có thể quan sát trọn vẹn các hành khách ra khỏi máy bay. Họ chờ nửa tiếng đồng hồ. Vị hành khách duy nhất bước xuống là con chó chăn cừu giống Đức tuyền trắng.
***
Portoferraio là trung tâm siêu thị của Elba. Hai bên hè phố là những cửa hiệu hào nhoáng và tối tân, còn mặt sau vịnh là những căn nhà thế kỷ mười chín ẩn trong bóng một pháo đài lừng lững do Quận công Florence xây dựng từ thế kỷ mười sáu.
Stanford đã đến hòn đảo nầy nhiều lần, và lạ thay, ông thấy nơi nầy thân thuộc như ở nhà mình vậy. Napoleon Bonaparte từng bị đày ở đây.
- Chúng ta sẽ tham quan nhà của Napoleon, - Ông nói với Sophia. - Anh sẽ gặp em ở đó. - Ông quay sang Dmitri. - Đưa cô ấy tới biệt thự del Mulini.
- Vâng, thưa ông.
Stanford nhìn theo Dmitri và Sophia, rồi liếc nhìn đồng hồ. Thời gian đang trôi. Giờ nầy hẳn chiếc máy bay của ông đã hạ cánh xuống Kennedy. Khi thấy ông không có mặt trong chuyến đó, bọn kia hẳn sẽ lại săn đuổi từ đầu. Chúng phải mất một thời gian để tìm ra dấu vết của ta, Stanford thầm nghĩ. Đến khi đó thì mọi việc đã đâu vào đấy cả rồi.
Ông vào một buồng điện thoại công cộng và nhấc máy:
- Tôi muốn nói chuyện với London. Nhà băng Barclays. Một bảy một…
Nửa giờ sau ông qua đón Sophia và đưa nàng trở lại cảng.
- Em lên thuyền trước nhé. Anh phải đi gọi tiếp vài cuộc điện thoại nữa.
Nàng nhìn ông đi về phía buồng điện thoại công cộng và tự hỏi không hiểu tại sao Stanford lại không sử dụng phương tiện liên lạc ở trên tầu.
Trong buồng điện thoại, Stanford đang nói:
"Sumitomo Bank ở Tokyo…"
Mười lăm phút sau, ông trở lại tầu, sắc mặt hết sức nghiêm nghị.
- Chúng ta có thả neo ở đây qua đêm không? - Thuyền trưởng Vacarro lại hỏi.
- Có - Stanford đáp nhát gừng. - Không! Hãy đi Sardima. Ngay lập tức.
Costa Smeralda ở Sardinia là một trong những nơi có thắng cảnh đẹp nhất của miền Địa Trung Hải. Thị trấn nhỏ Porto Cervo là nơi nghỉ ngơi của những người giầu có khi họ cần yên tĩnh. Thị trấn có một khu lớn những biệt thự do Aly Khan xây dựng.
Việc đầu tiên Stanford làm khi bước chân lên bờ là tìm một buồng điện thoại. Dmitri theo sát chân ông và đứng canh ở ngoàỉ.
- Tôi muốn đặt một cuộc gọi đi Rome… - cánh cửa phòng điện thoại khép lại.
Cuộc đàm thoại lần nầy kéo dài ngót nghét nửa giờ.
Khi bước ra, sắc mặt của Stanford trông rầu rĩ. Dmitri thầm hỏi không biết có chuyện gì đang xảy ra.
Stanford và Sophia ăn trưa trên bãi biển Liscia di Vacca. Stanford gọi món cho cả hai người.
- Chúng ta sẽ bắt đầu với món malloreddus, rồi đến món porceddu. Về thức uống ta sẽ dùng Vernaccia, còn thức nhắm ngọt sẽ là sebadas.
Đang nói với Sophia thì ông bỗng giật mình khi thấy ngay lối vào nhà hàng có hai người đàn ông đang ngồi bên một chiếc bàn và chăm chú nhìn ông.
Mặc com lê đen sang trọng giữa cái nắng mùa hạ nầy, rõ là chúng chẳng buồn đóng vai khách du lịch nữa. Chúng đang bám theo ta hay đây chỉ là những người lạ tình cờ có mặt? Không được để mất khả năng tưởng tượng. Stanford bụng bảo dạ.
Sophia đang nói:
- Em chưa hỏi là anh đang kinh doanh trong lĩnh vực gì?
Stanford nhìn kỹ nàng. Đi cùng một người không biết gì về ông quả có làm ông hưng phấn lên thật.
- Tôi đã nghỉ hưu và đang chơi quanh thế giới cho thoả chí tang bồng thôi.
- Ông sống độc thân sao? - Giọng nàng dần thông cảm. - Hắn ông cảm thấy cô đơn lắm nhỉ?
Suýt nữa thì Stanford phá ra cười.
- Phải, tôi cô đơn lắm. Tôi rất vui vì có cô ở bên.
Nàng để tay mình lên tay ông. "Em cũng vậy"
Khi bữa trưa đã tàn, Stanford cùng Dmitri và Sophia trở vào thị trấn.
Stanford lại xăm xăm đi tìm một buồng điện thoại.
- Tôi muốn nói chuyện với Credit Lyonnais ở Paris…
Nhìn ông, Sophia nói với Dmitri:
- Ông ta thật là một con người tuyệt vời, đúng không? Không có ai như ông cả.
- Anh theo ông ta đã lâu chưa?
- Hai năm, - Dmitri đáp.
- Anh may mắn thật đấy.
- Tôi biết - Dmitri tới buồng điện thoại và đứng canh ở ngoài. Gã nghe Stanford nói: "René đấy à? Anh biết tại sao tôi gọi chứ? Đúng… đúng… Anh sẽ làm vậy chứ… Tuyệt lắm? - Giọng ông nhẹ nhõm hẳn đi. - Không… không phải ở đấy. Hãy gặp nhau ở Corsica thì hơn. Tốt lắm. Sau khi gặp nhau rồi chúng ta có thể chạy thẳng về nhà. Cám ơn anh nhé, René".
Stanford cúp máy, đứng lặng một giây, túm tỉm cười đoạn quay một số máy ở Boston. Người thư ký thưa máy:
- Văn phòng ngài Fitzgerald đây.
- Tôi là Harry Stanford. Hãy cho tôi nói chuyện với ông ta.
- Ồ ngài Stanford? Tôi xin lỗi, ngài Fitzgerald đang đi nghỉ. Còn ai hầu chuyện được ngài không?
- Không. Tôi đang trên đường về Mỹ. Cô nói với ông ta rằng tôi muốn ông ta có mặt ở Boston, tại Rose Hill vào chín giờ thứ hai. Bảo ông ta mang theo bức di chúc của tôi và một chứng viên nhé.
- Tôi sẽ cố…
- Chớ có cố! Hãy làm đi, cô bé. - Ông bỏ máy xuống và đứng lặng đi. Đầu óc quay cuồng. Lúc bước ra khỏi phòng điện thoại, giọng ông trở nên trầm lắng. - Anh có chút việc phải làm, Sophia. Em hãy tới khách sạn Pitrizza và chờ anh ở đó.
- Vâng, em sẽ tới đó. Anh đừng đi lâu quá nhé, - Sophia ngoan ngoãn đáp.
- Anh sẽ đến với em ngay.
Hai người đàn ông nhìn nàng bước đi.
- Quay lại tầu thôi. - Stanford nói với Dmitri. - Chúng ta phải lên đường.
Dmitri ngạc nhiên nhìn chủ:
- Còn…
- Nó sẽ tìm được đường về nhà.
Về đến du thuyền, Stanford bảo thuyền trưởng Vacarro:
- Chúng ta sẽ đi Corsica. Nhổ neo thôi.
- Tôi vừa nhận được bản tin cập nhật thời tiết, thưa ngài Stanford. Tôi e là đang có một cơn bão lớn. Tốt nhất là chúng ta nên chờ ở đây cho nó tan đi rồi hãy lên đường.
- Tôi muốn đi ngay, thuyền trưởng ạ.
Thuyền trưởng Vacarro do dự:
- Chuyến đi sẽ vất vả lắm, thưa ngài. Đây là một cơn libeccio - gió đông nam. Sẽ có những cơn lốc rất dữ dội.
- Tôi chả quan tâm tới chuyện đó.
Cuộc gặp gỡ ở Corsica sẽ giải quyết hết mọi vấn đề trắc trở của ông. Ông quay sang Dmitri. - Tôi muốn anh bố trí một chiếc trực thăng đón chúng ta ở Corsica đi Naples. Anh hãy dùng điện thoại công cộng trên cảng ấy.
- Vâng, thưa ông.
Dmitri lên cảng gọi điện thoại.
Hai mươi phút sau, chiếc Blue Skies khởi hành
 
CHƯƠNG 4 - SÁNG
Thần tượng của gã là Dan Quayle và gã thường dùng cái tên đó như một tiêu thức.
- Tôi cóc cần biết anh nói gì về Quayle, ông ta là chính trị gia duy nhất với những giá trị đích thực. Gia đình: tất cả là ở đó. Gia đình đã bại hoại thì quốc gia cũng suy vong. Hãy xem bọn trẻ đang sống chung sống chạ với nhau, ngủ với nhau tùm lum, rồi thậm chí sinh con đẻ cái mà chẳng cưới xin gì. Nghe mà hãi. Vậy thì tội phạm cả đống như vậy cũng đâu có lạ. Nếu Dan Quayle ứng cử Tổng thống thì chắc chắn ông ta sẽ được một phiếu của tôi. - Thật là một nỗi nhục, gã thầm nghĩ, khi gã không thể bỏ phiếu bởi một nền luật pháp ngu xuẩn, song dù thế nào đi nữa thì gã cũng hậu thuẫn Quayle đến cùng.
Gã có bốn con: Billy lên tám và ba đứa con gái - Amy, Clarissa, và Susan, mười, mười hai và mười bốn tuổi. Chúng là những đứa trẻ tuyệt vời và niềm hạnh phúc lớn lao nhất của gã là chơi với con cái.
Những phút như vậy đã được gã gọi là thời gian chất lượng. Gã dành trọn mọi kỳ nghỉ cuối tuần cho bọn trẻ. Gã nướng thịt cho chúng ăn, đùa nghịch với chúng, đưa chúng đi xem phim, xem thể thao và giúp chúng làm bài tập ở nhà. Mọi bọn trẻ trong khu đều ngưỡng mộ gã. Gã sửa xe đạp và đồ chơi cho chúng, gã dẫn chúng đi pic nic cùng với gia đình mình. Chúng tặng cho gã cái tên lóng - "Cha".
Một buổi sáng thứ bảy nắng đẹp, gã ngồi trên khán đài xem một trận bóng chày. Đứa con lên tám của gã Billy, lúc đó đang chơi ở một vị trí quan trọng, trông rất có dáng nhà nghề và lớn hắn lên trong bộ đồng phục đội bóng thiếu niên. Ba cô con gái và vợ gã ngồi bên cạnh. Không thể khá hơn thế nầy được nữa, gã sung sướng nghĩ thầm. Sao tất cả những gia đình khác đều không như chúng ta?
Lúc đó đã cuối lượt chơi thứ tám, tỉ số đang sát nút, với hai lần bóng ra ngoài sân và đưa vào cuộc.
Billy đang ở vạch ngang, phải ứng phó với ba bóng và hai cú đánh.
"Cha" cao giọng cổ xuý: "Bắt lấy chúng, Billy?"
Billy đang chờ cú ném bóng. Đường bóng đi căng và thấp. Billy vung gậy quật thật lực, nhưng trượt.
Trọng tài nổi còi kết thúc lượt chơi.
Những tiếng than thở chán ngán xen lẫn tiếng cườỉ nói hỉ hả trỗi lên từ đám cổ động viên là các bậc cha mẹ lũ trẻ cầu thủ. Billy đứng như trời trồng nhìn hai đội đổi sân.
"Cha" la lớn:
- Không sao đâu, Billy. Lần tới con sẽ đánh trúng.
Billy cố nhoẻn cười.
John Cotton, huấn luyện viên của đội Billy đang chờ nó:
- Em ra khỏi sân ngay! - Ông ta bảo.
- Nhưng, thưa ông Cotton…
- Không nhưng gì hết. Ra khỏi sân ngay.
Cha của Billy đau đớn nhìn con thất thểu rời sân cỏ. Ông ta không thể làm như thế, gã bụng bảo dạ. Ông ta phải cho Billy thêm một cơ hội nữa chứ. Ta phải nói chuyện với ông ta mới được. Vừa lúc đó, điện thoại di động của gã đổ chuông. Gã cho nó reo bốn lần mới tiếp nhận cuộc gọi. Chỉ có một người biết được số máy cầm tay của gã thôi. Hắn biết mình muốn được yên vào những ngày cuối tuần mà, gã tức tối nghĩ.
Người ở máy bên kia nói khẽ độ vài phút. "Cha" lắng nghe, thỉnh thoảng gật đầu. Rút cuộc gã đáp:
- Vâng, tôi hiểu. Tôi sẽ lo việc đó.
- Mọi chuyện ổn cả chứ, anh yêu? - Vợ gã hỏi.
- Không, anh e là không. Họ muốn anh làm việc cả vào thứ bảy và chủ nhật còn anh thì đã có kế hoạch làm món thịt nướng cho cả nhà vào ngày mai.
Vợ gã cầm lấy tay gã mà nói âu yếm:
- Anh khỏi phải lo chuyện đó. Công việc của anh quan trọng hơn.
Không có gì quan trọng hơn gia đình ta hết. Dan Quay le hẳn hiểu điều nầy.
Tay gã bắt đầu ngứa ran và gã gãi. Sao nó lại ngứa ghê thế nhỉ? Ta sẽ phải đi gặp bác sĩ da liễu mình được.
***
John Cotton làm trợ lý giám đốc siêu thị địa phương. Ông ta là người lực lưỡng, tuổi ngoài năm mươi.
Cotton nhận lời làm huấn luyện viên cho đội tuyển thiếu nhi bởi có con trai chơi trong đó. Đội ông ta thua trận hôm thứ bảy là do lỗi của Billy.
Khi siêu thị đã đóng cửa và John Cotton đang đi ra xe thì một người lạ mặt tiến đến.
- Xin lỗi, ông Cotton.
- Vâng?
- Không biết ông có cho phép tôi nói chuyện với ông một lát không?
- Siêu thị đã đóng cửa.
- Ồ không phải chuyện cái siêu thị. Tôi muốn nói chuyện với ông về con trai tôi kia. Billy đã rất chán nản khi ông đuổi nó ra khỏi sân và nói với nó rằng nó sẽ không được chơi nữa.
- Billy là con trai ông à? Tôi lấy làm tiếc vì đã để nó chơi. Nó sẽ không bao giờ trở thành một cầu thủ bóng chày được.
Cha của Billly chân thành nói:
- Ông làm như vậy là không công bằng, ông Cotton.
- Tôi biết Billy chứ. Nó là đứa chơi tốt. Rồi ông sẽ thấy nó chơi trong trận thứ bảy tới.
- Nó sẽ không chơi vào thứ bảy tới đâu. Tôi đuổi nó rồi.
- Nhưng mà…
- Không nhưng gì cả. Chuyện thế đấy. Thôi nhé, nếu không còn gì khác thì xin phép ông, tôi đi đây.
- Ồ, vẫn còn đấy. - Cha Billy mở cái gói trong tay ra, để lộ một cây gậy bóng chày. Gã nói với giọng nài nỉ. - Đây là cây gậy Billy vẫn dùng. Ông thấy đấy cây gậy đã vỡ đầu nên thật không công bằng khi phạt nó như vậy…
- Nầy ông, tôi cóc cần biết cáì gậy đó ra sao đâu. Con ông đã bị đuổi!
Cha Billy thở dài chán ngán:
- Ông có tin là mình sẽ không đổi ý không?
- Không có cơ hội cho tôi đổi ý đâu.
Cotton vừa sờ vào tay nắm cửa xe thì cha Billy cũng vung cây gậy lên và đập vỡ tan kính hậu.
Cotton bàng hoàng nhìn gã.
- Ông… ông làm cái trò gì thế?
Khởi động chút xíu cho ấm người ấy mà, - vừa nói gã vừa đánh mạnh vào xương bánh chè của Cotton.
John Cotton thét lên và ngã xuống, quằn quại vì đau đớn.
- Mày điên rồi. Cứu tôi với.
Cha Billy quì xuống bên cạnh, nói khẽ:
- Mày mà còn kêu thêm một tiếng là tao đập vỡ nốt cái xương bánh chè còn lại.
Cotton kinh hoàng nhìn gã. Gã lạnh lùng tiếp:
- Nếu con trai tao không có mặt trong đội hình vào thứ bảy tới thì tao sẽ giết mày và giết con trai mày. Tao nói vậy đã rõ chưa?
Cotton cố nghiến răng kỳm cơn đau và gật đầu.
- Ồ mà tao không muốn chuyện nầy lộ ra đâu nhé.
- Tao có bạn bè. - Gã nhìn đồng hồ. Gã vừa đủ thời gian để đáp chuyến bay tới Boston.
Tay gã lại bắt đầu ngứa.
Vào lúc bảy giờ sáng ngày chủ nhật, gã vận com lê, tay xách chiếc cặp da sang trọng đi bộ qua Quảng trường Copley ra phố Stuart. Gã bước vào toà nhà hiệp hội Luật gia Boston. Với cả tá chủ nhân trong toà nhà đồ sộ đó, nhân viên bảo vệ có tài thánh cũng chẳng nhận ra gã là ai.
- Chào ông, - gã lên tiếng.
- Chào ngài. Tôi có thể giúp gì ngài không?
Gã thở dài:
- Đến Chúa cũng chẳng giúp gì được tôi. Người ta nghĩ tôi chẳng có việc gì khác ngoài bỏ ra cả ngày chủ nhật để làm cái việc mà một kẻ nào khác có thể đã làm rồi.
Viên bảo vệ nói, giọng thông cảm:
- Tôi hiểu cảm giác đó. - Ông ta kéo chốt cửa. - Ông làm ơn kí vào đây.
Gã kí đánh xoẹt và đi ra chỗ thang máy. Văn phòng mà gã đang tìm nằm ở tầng năm, song gã theo thang máy lên tầng sáu rồi mới lội bộ xuống. Đi dọc hành lang một đoạn gã thấy có tấm biển đồng, ghi: "RENQUIST, RENQUIST & FITZGERALD, LUẬT SƯ".
Gã nhìn quanh, và khi thấy hành lang trống trơn mới mở cặp, lôi ra một túi đồ nghề. Gã mở cửa phòng trong khoảng năm giây.
Gian tiếp tân được bài trí theo lối cổ, thị hiếu bảo thủ, đúng kiểu một hãng luật hàng đầu Boston. Gã đứng yên một lát để định vị, đoạn đi vào gian lưu trữ hồ sơ. Trong đó có một dãy tủ sắp xếp theo thứ tự chứ cái. Gã lần đến chứ R-S. Tủ khoá.
Gã bèn rút trong cặp ra một bản chìa khoá chưa khoét răng, một cái cưa nhỏ và một đôi giũa. Gã tra bản chìa khoá vào ổ, lắc nhẹ một lát. Sau vài giây gã rút nó ra và ngắm nghía những vệt đen hằn trên đó rồi hí hoáy giũa. Miệng gã nhoẻn cười khi nhận ra mình đang lẩm bẩm: "Phải đi những nơi thật xa"
Một kỳ nghỉ thực thụ nhé. Ta tin lũ trẻ sẽ rất khoái Hawaii
Cánh cửa tú rút cuộc cũng được mở. Chỉ nháy mắt gã đã tóm được bộ hồ sơ cần tìm. Gã rút chiếc máy ảnh Pentax nhỏ ra và bắt đầu bấm. Mười phút sau thì xong. Đoạn gã lấy vài mẩu giấy Kleenex, đi ra vòi nước nhúng cho ướt rồi thấm sạch những vụn kim loại rơi ra sàn nhà. Gã khoá tủ hồ sơ lại, bước ra hành lang, đóng nốt cửa văn phòng và chuồn khỏi toà nhà.
 

CHƯƠNG 5 - SÁNG
Ngoài khơi tối hôm ấy, thuyền trưởng Vacarro tới phòng Stanford.
- Ngài Stanford…
- Có tôi.
Thuyền trưởng chỉ lên tấm bản đồ điện tử trên tường và nói:
- Tôi e là cơn bão đang mạnh lên. Tâm cơn Libeccio nầy nằm ở eo biển Bonifacio. Theo thiển ý của tôi, chúng ta nên tạm lánh vào vịnh chờ đến khi…
Stanford vội cắt ngang:
- Đây là một con tầu tốt, và ông là thuyền trưởng tốt Tôi tin ông có thể vượt qua cơn bão.
Thuyền trưởng Vacarro lưỡng lự:
- Tôi sẽ cố hết sức, thưa ngài.
- Tôi tin như vậy, thuyền trưởng ạ.
Stanford ngồi trong văn phòng và vạch chiến lược của mình. Ông sẽ gặp René ở đảo Corsica và giải quyết mọi chuyện trong buổi gặp ấy. Sau đó, trực thăng sẽ đưa ông đi Naples, rồi từ Naples ông sẽ gọi máy bay đưa ông về Boston. Mọi chuyện sẽ suôn sẻ cả ông thầm nghĩ. Ta chỉ cần có bốn mươi tám tiếng đồng hồ. Chỉ bốn mươi tám tiếng thôi.
***
Ông tỉnh giấc vào lúc hai giờ sáng bởi tiếng gió rít và con tàu tròng trành dữ dội quá. Stanford đã gặp bão biển nhiều lần, song chưa có cơn nào ghê gớm như cơn nầy. Thuyền trưởng Vacarro nói đúng.
Stanford ngồi dậy, tay bám chặt thành gi.ường cho khỏi ngã rồi lần mò đi ra chỗ tấm bản đồ. Con tầu đang ở vùng eo biển Bonifacio. Chúng ta sẽ tới Ajaccio trong vài giờ nữa. Tới được đó là an toàn
Những sự kiện tiếp theo xảy ra trong đêm đó chỉ là sự phỏng đoán. Báo chí chọ rằng bâo lớn đã hất một số người xuống biển, và Stanford đã cố cứu họ, song vì con tầu tròng trành nên ông đã mất thăng bằng và ngã ra ngoài bao lơn. Dmitri Kaminsky thấy ông ngã xuống nước liền vớ lấy máy liên lạc nội bộ và kêu lên:
- Có người rơi!
 
Hiệu chỉnh bởi quản lý:
CHƯƠNG 6 - SÁNG
Đại uý cảnh sát trưởng đảo Corsica, François Durer, đang trong tâm trạng bực bội. Hòn đảo nầy giờ nhung nhúc những khách du lịch mùa hè vụng dại đến độ ngay cả việc giữ tấm hộ chiếu, ví tiền hay thậm chí cả con cái mình cũng không xong.
Những lời phàn nàn đổ như thác cả ngày về cái phòng cảnh sát bé tí hon của gã ở số 2, đường Napoleon.
- Tôi bị đánh cắp mất ví tiền.
- Tàu của tôi nhổ neo và bỏ rơi tôi. Vợ tôi lại ở trên tàu.
- Tôi mua cái đồng hồ nầy từ một kẻ bán rong ngoài phố. Mở ra thì bên trong rỗng tuyếch.
- Các hiệu thuốc ở đây chả quan tâm tôi thực sự cần cái gì.
Các vụ việc cứ thế được trình báo một cách bất tận.
Và giờ thì hình như có một viên thuyền trưởng đang giữ một cái xác trong tay.
- Tôi không có thời gian giải quyết việc nầy ngay bây giờ đâu, - gã cáu kỷnh nói.
- Nhưng người ta đang chờ ở ngoài kia, - viên phụ tá thông báo. - Tôi biết nói gì với họ đây?
Đại uý Durer đang nóng lòng về với tình nhân, chỉ muốn nói, "Bảo họ mang cái xác sang đảo khác," song nghĩ cho kỹ thì gã đường đường là một sĩ quan cảnh sát trên hòn đảo nầy.
- Thôi được, - gã thở dài. - Tôi sẽ tiếp họ một lát vậy Không đầy một phút sau, thuyền trưởng Vacarro và Dmitri đã hiện ra lù lù trong phòng.
- Ngồi xuống, - Đại uý Durer hất hàm nói.
Hai người làm theo.
- Hãy nói cho tôi biết chuyện gì đã xảy ra?
Thuyền trưởng Vacarro đáp:
- Tôi không biết chính xác lắm. Tôi đã không trông thấy những gi xảy ra. - Ông ta quay sang Dmitri. - Anh ấy mới là người tận mắt chứng kiến. Có lẽ nên để anh ấy trình bày thì hơn.
Dmitri hít một hơi thật sâu:
- Chuyện thật là kinh hoàng. Tôi làm việc… tôi từng làm việc cho ông ấy.
- Ông làm cái gì?
Vệ sĩ, mát xa, tài xế. Tầu chúng tôi gặp bão đêm qua. Cơn bão thật dữ dội. Ông ấy bảo tôi xoa bóp cho ông ấy đỡ mỏi. Sau đấy ông ấy bảo tôi mang cho vài viên thuốc ngủ. Thuốc ngú lúc đó đang để trong phòng tắm. Khi tôi quay lại thì ông ấy đang đứng ngoài hiên, tựa vào lan can tầu, trong tay cầm một tập giấy. Một tờ bị gió thổi bay ra, và ông ấy nhoài người cố bắt lấy nó nên mất thăng bằng và ngã lộn ra ngoài. Tôi chạy tới cứu, song không kỵp, đành bó tay. Tôi gọi cấp cứu. Thuyền trưởng Vacarro lập tức dừng con tàu lại, và nhờ những hành động dũng cảm của thuyền trưởng chúng tôi mới tìm thấy ông ta. Song quá muộn rồi. Ông ấy đã chết đuối.
- Tôi rất lấy làm tiếc. - Đại uý Durer nói nhẹ tênh.
Thuyền trưởng Vacarro lên tiếng:
- Gió và sóng biển dưa cái xác trở lại con tầu. Thật ra thì đấy chỉ là sự may mắn thôi, nay chúng tôi muốn xin phép đưa cái xác về nhà.
- Cái đó không khó. - Gã vẫn còn đủ thời gian uống với người tình một li rượu trước khi về nhà với vợ. Tôi sẽ cấp ngay cho quí vị một giấy chứng nhận tử vong và một thị thực xuất cảnh cho cái xác - Gã cầm lên một tệp giấy mầu vàng. - Tên nạn nhân là gì?
- Harry Stanford
Đại uý Durer bỗng ngây người ra. Gã nhìn lên:
- Harry Stanford à?
- Vâng.
- Ông Harry Stanford đó?
- Vâng.
Đại uý Durer liền nẩy ra một ý. Vậy là Chúa đã thả vàng vào lòng gã rồi. Harry Stanford là một huyền thoại của cả hành tinh! Tin về cái chết của ông ta mà tung ra khắp thế giới thì xôm phải biết.
Thì đại uý Durer đang kiểm soát cái đó chứ còn ai?
Vấn đề bây giờ là làm sao nhào nặn nó theo hướng có lợi nhất cho gã. Durer nhìn trân trân vào khoảng không, suy nghĩ rất căng.
- Sau bao lâu thì cái xác có thể được xuất cảnh? - Thuyền trưởng Vacarro hỏi.
Đạỉ uý Durer ngẩng lên.
- À câu hỏi hay lắm. - Sau bao lâu báo chí có thể tới đây? Có nên đề nghị viên thuyền trưởng cùng tham gia trả lời phỏng vấn không nhỉ? Không nên. Việc gì phải chia sẻ vinh quang với hắn? Ta sẽ xử lí một mình. - Phải chuẩn bị một số giấy tờ. Có thể mất một tuần hoặc hơn.
Thuyền trưởng Vacarro ngạc nhiên:
- Một tuần hoặc hơn ư? Nhưng ngài vừa nói…
- Có một số thủ tục hành chính nhất định phải tuân thú. Những việc như thế nầy không vội được đâu - Gã lại cầm tệp giấy màu vàng lên. - Ai là thân nhân của nạn nhân?
Thuyền trưởng Vacarro nhìn Dmitri cầu cứu:
- Tôi nghĩ câu hỏi nầy nên dành cho các luật sư của ông ta ở Boston trả lời.
- Tên vị luật sư đó là gì.
- Hãng luật Renquist, Renquist & Fitzgerald.
 
CHƯƠNG 7 - SÁNG
Tuy tấm biển trên cửa đề RENQUIST, RENQUIST & FITZGERALD hai vị Renquist đều đã quá cố từ lâu. Chỉ còn Simon Fitzgerald là vẫn sống khoẻ, và ở tuổi bảy mươi sáu ông vẫn là cái đầu tầu cung cấp năng lượng cho cả văn phòng với sáu mươi luật sư làm việc dưới trướng ông. Ông gầy, với mái đầu bạc trắng, và dáng đi thẳng như dáng đi của một nhà binh. Vào lúc nầy ông đang đi tới đi lui, đầu óc rối bời.
Ông dừng lại trước mặt cô thư kí:
- Lúc ông Stanford gọi điện tới, ông ta có để lộ dấu hiệu nào cho thấy muốn gặp tôi gấp như vậy về việc gì không?
- Không, thưa ông. Ông ta chỉ nói muốn ông có mặt tại nhà ông ta vào lúc chín giờ sáng thứ hai, khi đi mang theo di chúc của ông ta và một công chứng viên.
- Cám ơn. Cô làm ơn gọi Sloane vào cho tôi gặp.
Steve Sloane là một trong những luật sư thông minh và năng động nhất trong văn phòng Fitzgerald.
Steve tốt nghiệp Trường Luật Harvard năm bốn mươi tuổi. Anh ta có đáng người cao, rắn chắc, mái tóc vàng, đôi mắt xanh vui nhộn. Anh ta là chuyên gia giải quyết bế tắc của hãng và được Simon Fitzgerald lựa chọn làm người kế vị của mình trong tương lai. Nếu ta có một đứa con trai thì ta muốn nó phải giống Steve. Ông nhìn Steve đi vào.
- Ông có kế hoạch đi câu ở tận Newfoundland cơ mà? - Steve nói.
- Có một trục trặc nhỏ khiến tôi không đi được.
- Cậu ngồi xuống đây, Steve. Chúng ta đang có vấn đề phải giải quyết.
Steve thở dài:
- Còn gì rắc rối nữa dây?
- Chuyện của Harry Stanford.
Stanford là một trong những khách hàng sộp nhất của hãng. Hàng chục các hãng luật khác đang làm đại diện cho các chi nhánh khác nhau của Stanford Enterprises, song chỉ có Renquist, Renquist & Fitzgerald là hãng duy nhất được chăm lo đời sống của ông. Ngoài Fitzgerald ra chưa một ai trong hãng từng được thấy mặt Stanford, ông chỉ ở trong tâm trí các nhân viên như một huyền thoại mà thôi.
- Stanford đã làm gì lần nầy? - Steve hỏi.
- Ông ta đã làm cho mình hồn lìa khỏi xác.
Steve trố mắt nhìn xếp:
- Ông ta làm gì?
- Tôi vừa nhận được fax từ phòng cánh sát đảo Corsica. Hôm qua, rõ là Stanford đã ngã lộn ra ngoài thành tàu và chết đuối.
- Chúa ơi!
- Tôi biết anh chưa từng gặp ông ta, nhưng tôi thì đã đại diện cho ông ta suốt ba chục năm nay. Ông ta là người rất khó chơi. - Fitzgerald ngả người ra ghế, hồi tưởng lại quá khứ. - Thực thì có hai con người Harry Stanford. Con người mà ai nấy đều biết là một Harry Stanford hái tiền như người ta hái lá trên cây, còn một Harry Stanford súc sinh kia thì lấy sự huỷ diệt con người làm nguồn vui. Ông ta có thể là con người đáng mến, song cũng có thể vờn múa với anh như một con rắn hổ mang bành. Ông ta có hai tính cách, là hai mặt của một con rắn.
- Nghe đầy kích động.
- Khoảng ba mươi năm trước, chính xác là ba mươi mốt năm, khi tôi vào làm cho hãng luật nầy. Thời đó ông già Renquist đang làm luật sư riêng cho Stanford. Anh có biết người ta thường nói " lớn hơn cả cuộc sống không?" Thế nầy nhé, Stanford thực là con người lớn hơn cả cuộc sống chứ không ngoa.
Cứ như ông ta là do trời đất sinh ra vậy. Đó là một gã khổng lồ. Ông ta có một năng lượng và những tham vọng thật khủng khiếp, là một vận động viên điền kinh đại tài. Thời sinh viên ông ta từng là võ sĩ đấm bốc và là cầu thủ polo 10 bàn thắng. Song thậm chí khi còn rất trẻ, Stanford đã là người không ai bì kỵp. Ông ta độc ác và thích báo thù, và ông ta có một bản năng tàn nhẫn. Ông ta thích đẩy đối thủ tới phá sản. Người ta đồn rằng có không ít người phải tự tử vì ông ta.
- Nghe cứ như ông ta là một con quái vật vậy.
- Điều đó đúng ở một mặt. Mặt khác, ông ta nhận đỡ đầu cho một trại trẻ mồ côi ở New Guinea và một bệnh viện ở Bombay, ông ta từng tặng hàng triệu đô la tiền từ thiện. Thực không ai hiểu chuyện gì xảy ra tiếp theo.
- Làm sao ông ta có thể giàu có đến thế nhỉ?
- Kiến thức về thần thoại Hy Lạp của anh tới đâu?
- Thứ kiến thức đó ở tôi cùn lắm.
- Anh biết chuyện Ơ-đíp chứ?
Steve gật đầu:
- Ông ta đã giết cha mình để lấy mẹ mình.
- Đúng vậy đó, chính là Harry Stanford. Chỉ có điều ông ta đã giết cha để lấy lá phiếu của mẹ mình.
Steve ngây ra nhìn.
- Cái gì?
Fitzgerald nhổm người lên trước.
- Vào đầu những năm ba mươi, bố của Harry có một cửa hiệu tạp hoá ở thành phố Boston nầy. Cửa hiệu của ông làm ăn phát đạt tới mức chẳng mấy chốc ông mở thêm cái thứ hai, thứ ba, rồi cả một hệ thống. Lúc Harry tốt nghiệp đại học bố Harry liền đưa ông ta vào làm ăn cùng và thu xếp cho ông ta một chân trong hội đồng quản trị. Như tôi đã nói, Harry là người giầu tham vọng. Thay vì mua thịt đóng hộp, ông ta muốn có cả dây chuyền sản xuất. Ông ta muốn mua đất và tự trồng lấy rau, đóng hộp lấy sản phẩm của mình. Ông bố không nhất trí, và hai cha con cãi vã thường xuyên. Rồi một hôm Harry nói với bố rằng ông muốn công ty xây dựng một hệ thống các siêu thị bán mọi thứ từ xe hơi đến vật dụng tiện nghi, bảo hiểm sinh mạng với giá hạ rồi thu của khách hàng một khoản phí hội viên. Bố Harry cho con trai đã hoá điên bèn gạt phăng ý định đó. Nhưng Harry đã quyết là làm.
Việc đầu tiên là phải loại bỏ ông già đã. Ông thuyết phục bố đi nghỉ mát thật lâu, và nhân lúc ông bố đi vắng, Harry ra sức lấy lòng hội đồng quản trị. Harry Stanford là một nhà buôn thông minh và ông ta bán được món hàng với điều kiện của mình. Lại còn chèo kéo bà cô và ông cậu mình, là những thành viên của hội đồng quản trị, bỏ phiếu cho mình.
Rồi ông ta mơn trớn và khen ngợi những thành viên khác. Ông ta mời họ đi ăn, đi săn với người nầy, đánh golf với người kia. Ông ngủ với bà vợ một thành viên hội đồng quản trị, người có ảnh hưởng lớn đối với quyết định của chồng mình. Song mẹ ông ta lại là người có cổ phần lớn nhất và là người ra lá phiếu quyết định. Harry bèn thuyết phục bà nhường cổ phần cho ông và bỏ phiếu chống.lại chồng mình.
- Thật không thể tin nổi!
Lúc bố Harry trở về ông mới nhận ra mình đã bị bỏ phiếu loại khỏi công ty.
- Lạy Chúa?
- Còn hơn thế nữa. Harry đâu có chịu dừng lại ở đó Khi bố Harry cố lọt vào văn phòng của con trai, ông nhận thấy mình bị chặn lại trước cửa toà nhà.
Và hãy nhớ, lúc đó Harry mới ngoài ba mươi. Cả công ty gọi ông ta bằng cái tên lóng "Người băng".
Nhưng ông ta biết giữ chữ tín ở những đâu cần chữ tín, Steve ạ. Một tay ông ta gây dựng Stanford Enterprises thành một trong những tập đoàn lớn nhất hành tinh. Ông ta mở rộng hoạt động công ty sang các lĩnh vực cao su, hoá chất, viễn thông, điện tử và bất động sản.
- Ông ta quả là con người huyền thoại, - Steve nói.
- Đúng thế. Huyền thoại với cả đàn ông lẫn đàn bà.
- Ông ta có vợ không?
Simon Fitzgerald trầm ngâm một lúc rồi mới nói:
- Harry Stanford lấy một phụ nữ đẹp nhất mà tôi từng gặp trong đời, Emily Temple. Họ có với nhau ba đứa con, hai trai một gái. Emily xuất thân từ một gia đình danh giá ở Hope Sound, Florida. Bà ta mê Harry và cố nhắm mắt làm ngơ trước cá tính hoang đàng của ông, nhưng rồi một ngày bà cảm thấy không chịu đựng nổi nữa. Bà nuôi một nữ gia sư tên là Rosemary Nelson để dạy dỗ mấy đứa con.
Trẻ và hấp dẫn. Cái làm cho cô gia sư ngày càng trở nên hấp dẫn hơn trong mắt Harry Stanford là việc cô kiên quyết không chịu ngủ với ông. Harry điên cuồng vì thế. Ông đâu có chịu nổi sự từ chối bao giờ? Song một khi Harry Stanford muốn tỏ ra dễ thương thì đàn bà thật khó lòng cưỡng nổi. Rút cuộc ông ta cũng kéo được Rosemary lên gi.ường. Ông ta làm cho Rosemary có thai, và cô ta bèn tìm tới bác sĩ. Khốn thay đứa con rể ông bác sĩ là nhà báo, nhặt được mẩu tin liền cho đăng ngay. Tiếp theo đó là một vụ scandal ghê gớm. Anh còn lạ gì cái thành phố Boston nầy. Thẩy báo chí đều làm rùm beng. Tôi còn lưu giữ vài bài ở đâu đây thì phải.
- Cô ta có phá thai hay không?
Fitzgerald lắc đầu:
- Không. Harry thì muốn, nhưng cô ta lại không, nhất định không. Ông ta bèn nói rằng yêu cô ta và muốn lấy làm vợ. Dĩ nhiên ông ta đã nói như vậy với cả chục người đàn bà. Nhưng Emily nghe được mẩu đối thoại trên và ngay đêm đó đã tự vẫn.
- Khủng khiếp quá. Thế chuyện gì đã xảy ra với cô gia sư?
- Rosemary Nelson biến mất. Chúng tôi biết cô ấy đã sinh hạ một đứa con gái tên là Julia ở bệnh viện Joseph, thành phố Milwaukee. Cô ta gửi thư báo cho Stanford biết song tôi tin ông ta đã chẳng thèm trả lời. Đến khi đó ông ta đã cặp kè với một người đàn bà khác ông ta chẳng còn thích thú gì Rosemary nữa. Tấn bi kỵch thực thụ sau đó mới diễn ra. Con cái đổ lỗi cho cha đã đẩy mẹ chúng tới chỗ tự tử.
Lúc đó chúng mới lên mười, mười hai và mười bốn. Đủ khôn lớn để cảm nhận nỗi đau, song lại quá non nớt để chống lại cha mình. Chúng chỉ còn biết căm thù ông ta. Và nỗi sợ hãi lớn nhất của Harry là đến một ngày nào đó chúng sẽ đối xử với ông như ông đã cư xử với cha mình. Bởi thế mà ông ta làm tất cả những gì có thể để đoán chắc điều đó sẽ không bao giờ xảy ra. Ông ta gửi chúng đi thật xa, tới các trường nội trú và trại hè khác nhau, và sắp đặt sao cho chúng gặp nhau càng ít càng tốt. Ông ta không cho chúng tiền. Chúng sống bằng số tiền lãi ít ỏi mà mẹ chúng để lại. Suốt cả quãng đời chúng, ông sử dụng chiến thuật treo củ cà rốt trước mũi con bò. Ông chia gia sản của ông ra như củ cà rốt, rồi thu nó về khi chúng làm mếch lòng ông.
- Chuyện gì đã đến với lũ trẻ?
- Tyler làm thẩm phán cho toà biện lý ở Chicago. Woodrow chẳng có nghề ngỗng gì. Anh ta là tay chơi. Anh ta sống ở Hobe Sound, chuyên chơi cá độ golf và polo. Vài năm trước anh ta chài một cô bồi bàn ở một bữa ăn tối, làm cô ta có thai, rồi cưới cô ta trước sự ngạc nhiên của mọi người. Kendall là một nhà thiết kế mẫu thời trang thành đạt, lấy một ông chồng người Pháp. Họ sống ở New York. - Fitzgerald đứng lên. - Anh đã bao giờ đến Corsica chưa?
- Chưa.
- Tôi muốn anh bay sang đó. Người ta đang giữ xác của Harry Stanford và cảnh sát không chịu nhả nó ra. Tôi muốn anh làm cho rõ chuyện.
- Tốt thôi.
- Liệu anh có thể thu xếp bay ngay hôm nay không?
- Được
- Cám ơn anh.
Trên chuyến bay từ Paris tới Corsica, Steve mới bắt đầu đọc cuốn sách du lịch về hòn đảo nầy. Anh hiểu ra rằng phần lớn diện tích hòn đảo là núi, thành phố cảng chính là Ajaccio, và đây cũng là nơi Napoleon Bonaparte đã sinh ra. Quyển sách chứa đầy những con số thống kê thú vị, song vẻ đẹp của hòn đảo mới khiến Steve bất ngờ.
Máy bay đáp xuống phi trường Ajaccio. Taxi đưa Steve về phố Napoleon, con phố chính chạy dài từ Place General de Gaulle lên tận ga xe lửa ở phía bắc. Anh đã thu xếp một chiếc máy bay dự phòng để chở xác Harry Stanford về Paris, nơi chiếc quan tài sẽ được chuyển tiếp về Boston. Anh chỉ cần lấy được cái xác ra là xong việc.
Steve cho taxi đỗ lại trước cửa toà nhà quận trưởng trên phố Napoleon và đi thẳng vào phòng tiếp tân.
Viên hạ sĩ mặc quân phục ngồi sau bàn hỏi:
- Xin chào, tôi giúp được gì cho ngài?
- Ai phụ trách ở đây?
- Đại uý Durer.
- Làm ơn cho tôi gặp ông ta.
- Ông có quan hệ gì với đại uý?
Steve chìa danh thiếp của mình ra.
- Tôi là luật sư riêng của Harry Stanford. Tôi tới để đưa xác ông ta về Mỹ.
Viên hạ sĩ cau mày.
- Ông chờ cho một lát.
Nói xong hắn lặn mất vào văn phòng của đại uý Durer, cẩn thận khép cửa lại. Văn phòng lúc đó đang chật ních những phóng viên truyền hinh và báo chí từ mọi ngõ ngách trên địa cầu. Tất cả nhao nhao cùng nói:
- Thưa đại uý, lí do gì khiến ông ta lên tàu khi đang cơn bão?
- Làm sao ông ta có thể rơi ra khỏi tầu?
- Có dấu hiệu gì về một cú chơi bẩn không?
- Các ông có giải phẫu tử thi không?
- Còn những ai khác ở trên tàu với ông ta?
- Xin quí vị trật tự. - Đại uý Durer giơ tay lên và nói. - Xin quí vị giữ trật tự. - Gã nhìn quanh gian phòng, vào đám phóng viên đang nuốt lấy từng lời gã, và gã ngây ngất sung sướng. Gã mơ một giây phút như thế nầy từ lâu lắm rồi. Nếu mình thu xếp tốt vụ nầy hẳn phải được thăng chức lớn chứ chẳng chơi. Viên hạ sĩ bỗng cắt ngang luồng suy nghĩ của gã.
Hắn thì thầm vào tai Durer và chìa cho gã xem tấm danh thiếp của Steve.
Đại uý Durer cau mày ngắm tấm danh thiếp một lúc rồi đáp:
- Tôi không tiếp ông ta ngay bây giờ được đâu. Bảo ông ta quay lại đây vào mười giờ sáng mai.
- Rõ, thưa đại uý.
Đại uý Durer trầm tư nhìn theo viên hạ sĩ. Còn lâu gã mới để người ta cướp mất khoảng khắc huy hoàng nầy. Gã quay lại với đám phóng viên và mỉm cười tủm tỉm.
- Nào, các vị đang hỏi gì ấy nhỉ?
Ở phòng ngoài viên hạ sĩ nói với Steve.
- Thành thực xin lỗi ông, đại uý Durer của chúng tôi hiện đang rất bận. Ông ta muốn ông trình diện vào mười giờ sáng mai.
Steve hoảng hốt nhìn hắn:
- Sáng mai ư? Như vậy thì kỳ cục quá. Tôi không muốn phải chờ lâu đến thế đâu.
Viên hạ sĩ nhún vai.
- Cái đó tuỳ ông.
- Ông có thể chỉ dùm tôi một khách sạn không?
- Tôi khuyên ông trú tại khách sạn Colomba, số tám, đại lộ Paris.
Steve do dự.
- Có cách gì…?
- Hẹn gặp ông mười giờ sáng mai.
Steve quay người bước ra khỏi toà nhà.
Trong văn phòng của Durer, một phóng viên truyền hình hỏi:
- Làm sao ông đoán chắc đó là một tai nạn?
Durer nhìn thẳng vào camera:
- Cũng may mà có một nhân chứng chứng kiến sự khủng khiếp đó. Cabin của ngài Stanford nhìn ra một cái sân hiên. Rõ là có một số giấy tờ quan trọng bỗng tuột khỏi tay ông, bị gió cuốn ra ngoài, và ông ta đã đuổi theo để bắt lấy chúng. Khi vươn người ra ông bị mất thăng bằng và ngã xuống nước. Vệ sĩ của ông thấy vậy bèn lập tức kêu cứu. Con tàu dừng lại, và họ đã vớt được cái xác lên.
- Kết quả giải phẫu cho thấy điều gì?
- Corsica là một hòn đảo nhỏ, thưa quí vị. Chúng tôi không được trang bị để tiến hành một cuộc giải phẫu đầy đủ và nghiêm túc. Tuy nhiên kết quả khám nghiệm sơ bộ cho thấy nguyên nhân cái chết là do nạn nhân đã uống nhiều nước. Chúng tôi phát hiện thấy nước biển trong phổi của ông. Không phát hiện thấy các vết bầm tím hay bất kỳ dấu hiệu nào của bạo lực trên thi thể nạn nhân.
- Xác nạn nhân hiện đang ở đâu?
- Chúng tôi đang bảo quản trong buồng lạnh và đang chờ giấy phép để có thể đưa thi thể nạn nhận đi.
Một nhà nhiếp ảnh nói:
- Xin đại uý cho phép chúng tôi chụp ảnh ngài.
Đại uý Durer lưỡng lự một giây:
- Không được. Mà thôi, xin quý vị cứ việc.
Và các đèn máy ảnh bắt đầu loé chớp.
Lúc đó Corsica đang vào mùa du lịch. Đường phố nhộn nhịp du khách nói tiếng Pháp, tiếng Ý, tiếng Nhật và tiếng Đức.
Tối ấy, Steve ăn tại một nhà hàng Italia rồi trở về khách sạn của mình.
- Có ai nhắn lại gì tôi không? - Anh hỏi người trực phòng.
- Không, thưa ngài.
Anh nằm trên gi.ường và bị ám ánh bởi nhưng gì Simon Fitzgerald đã kể về Harry Stanford.
"Cô ta có phá thai không". "Không. Harry thì muốn, nhưng cô ta lại không nhất định không. Ông ta bèn nói rằng yêu cô ta và muốn lấy làm vợ. Dĩ nhiên ông ta đã nói như vậy với cả chục người đàn bà. Nhưng Emily nghe được mẩu đối thoại trên và ngay đêm đó đã tự vẫn".
Steve thầm hỏi không biết Emily đã tự tử thế nào.
Rồi anh ngủ thiếp đi.
Đúng mười giờ giáng hôm sau, Steve xuất hiện trước toà nhà quận trưởng. Vẫn viên hạ sĩ hôm qua ngồi ở bàn tiếp tân.
- Xin chào, - Steve nói.
- Chào ông, liệu tôi có thể giúp gì ông?
Steve lại đưa cho viên hạ sĩ một tấm danh thiếp.
- Tôi tới để gặp đại uý Durer.
- Ông chờ cho một phút. - Viên hạ sĩ nói và biến mất vào trong.
Đại uý Durer mặc bộ quân phục mới toanh, đang trả lời phỏng vấn trước một phóng viên truyền hình từ Italia. Gã đang nhìn vào ống kính.
- Khi tôi nhận trách nhiệm xử lí vụ nầy, việc đầu tiên tôi làm là giám định xem có sự hành hung nào liên quan tới cái chết của ngài Stanford không?
- Và ông đã hài lòng vì rằng cái chết của ngài Stanford không phải do bạo lực gây ra?
- Hoàn toàn hài lòng. Chắc chắn ông ta đã chết do một tai nạn.
Đạo diễn nói:
- Hãy chuyển ống kính ra một góc quay khác gần hơn.
Viên hạ sĩ thừa cơ dúi vào tay đại uý tấm danh thiếp của Steve. "Ông ta đang chờ ngoài kia".
- Anh làm sao thế? - Durer lừ mắt hỏi. - Anh không thấy tôi đang bận hay sao? Bảo ông ta ngày mai quay lại. - Gã vừa hay tin có một toán hơn chục phóng viên nữa đang tới, một số từ những vùng xa xăm như Nga hay Nam Phi.
- Ngài đã sẵn sàng chưa, thưa đại uý? - Đạo diễn hỏi.
Đại uý Durer mỉm cười.
- Tôi đã sẵn sàng.
Viên hạ sĩ trở ra phòng ngoài.
- Xin ông thứ lỗi. Đại uý Durer hôm nay đi công vụ vắng.
- Thì tôi cũng đang đi công vụ đây, - Steve vặc lại - Nói với ông ta rằng ông ta chỉ việc ký giấy thả xác ông Stanford ra cho tôi là tôi đi liền. Tôi đâu có yêu sách gì ghê gớm, hẳn thế.
- Đấy là một yêu sách ghê gớm, thưa ông. Đại uý có nhiều trách nhiệm phải gánh vác, và…
- Còn ai khác có thẩm quyền cấp giấy phép cho tôi không?
- Ồ không, thưa ông. Chỉ mình đại uý có thẩm quyền thôi.
Steve tức tối đến lặng cả người.
- Bao giờ tôi mới có thể gặp ông ta?
- Ông cứ thử một lần nữa vào sáng mai xem.
Chữ "thử lại lần nữa" vang trong tai Steve như tiếng lựu đạn nổ.
- Tôi sẽ làm như vậy. Mà nầy, vệ sĩ của ngài Stanford, Dmitri Kaminsky, đã tận mắt chứng kiến tai nạn xảy ra?
- Đúng thế.
- Tôi muốn nói chuyện với anh ta. Liệu ông có thể cho tôi biết anh ta đang ngụ ở đâu không?
- Australia.
- Đấy là một khách sạn à?
- Không, thưa ông. - Giọng viên hạ sĩ pha chút thương hại. - Đấy là tên một nước.
Steve cao giọng phẫn nộ:
- Phải chăng anh đang nói với tôi rằng nhân chứng duy nhất trong cái chết của Stanford đã được cảnh sát cho phép rời khỏi đây trước khi có ai đó kỵp tiếp xúc với anh ta?
- Đại uý Durer đã tiếp xúc.
Steve hít một hơi thật sâu:
- Cám ơn.
- Không có gì, thưa ông.
Trở về khách sạn, Steve liền báo cáo lại cho Simon Fitzgerald.
Có vẻ như tôi còn phải ở đây thêm một đêm nữa.
- Sao vậy, Steve?
- Gã phụ trách đồn có vẻ rất bận rộn. Bây giờ đang mùa du lịch ở đây. Hẳn gã ta đang mải tìm mấy cái ví tiền bị đánh cắp. Tôi nhất định sẽ phải rời khỏi đây ngày mai.
- Liên lạc thường xuyên với tôi nhé.
***
Tuy trong lòng tức tối, Steve vẫn không khỏi rung động trước vẻ đẹp của Corsica. Hòn đảo có hàng nghìn dặm bờ biển, với những ngọn núi đá Granit cao vút, đỉnh phủ tuyết trắng tới tận tháng Bảy mới tan. Người Ý từng thống trị hòn đảo cho đến khi người Pháp tiếp quản nó. Chính sự kết hợp giữa hai nền văn hoá đã mang đến cho hòn đảo một sức quyến rũ kỳ lạ.
Trong bữa ăn tối tại nhà hàng Crêperie Usan Carlu, Steve nhớ lại những gì Simon Fitzgerald mô tả về Harry Stanford. Stanford là người duy nhất tôi biết không ai bì kỵp. Ông ta độc ác và thích báo thù, và ông ta có một bản năng tàn nhẫn.
Thực hư thế nào chưa biết, chỉ thấy Harry Stanford đang gây ra cả đống rắc rối, thậm chí khi đã về chầu ông vải rồi, Steve nghĩ thầm.
Trên đường về khách sạn, Steve dừng lại mua một tờ International Herald Tribune. Một hãng tít lớn đập vào mắt anh: CHUYỆN GÌ SẼ ĐẾN VỚI ĐẾ CHẾ STANFORD? Anh trả tiền toan quay đi thì lại thấy một loạt những hàng tít khác na ná như vậy trên những tờ báo nước ngoài. Anh cầm chúng lên, lướt nhìn mà thấy tay mình run lên vì giận dữ. Thẩy mọi tờ báo đều dành trang nhất để mô tả cái chết của Stanford, và ở đâu hình ảnh đại uý Durer cũng nổi lên như một ngôi sao. Ra gã bận vì thế nầy đây! Mình phải săn sóc thêm gã nầy mới được.
Chín giờ bốn mươi nhăm phút sáng hôm sau, Steve quay lại phòng tiếp khách của đại uý Durer. Viên hạ sĩ đang không có ở đấy, còn cửa phòng đại uý Durer thì mở hé. Anh bèn bước vào trong. Viên đại uý lại thay thêm một bộ quân phục mới nữa và đang hí hoáy chuẩn bị cho các cuộc phỏng vấn buổi sáng của mình. Gã ngẩng nhìn Steve:
- Anh làm gì ở đây? Đây là văn phòng riêng. Hãy ra ngay!
- Tôi là phóng viên của tờ New York Times, - Steve tự giới thiệu.
Sắc mặt Durer bỗng sáng ngời lên.
- Mời vào, mời vào… Ông nói tên ông là…
- John. John Jones.
- Ông dùng gì? Cà phê? Cognac?
- Không, cám ơn.
- Mời ông ngồi xuống. Mời. - Durer rối rít nói. - Hẳn ông tới đây về tấn bi kỵch khủng khiếp đã xẩy đến với hòn đảo nhỏ nầy của chúng tôi. Ngài Stanford xấu số tội nghiệp.
- Đến bao giờ các ông mới có kế hoạch thả cái xác ra?- Steve hỏi.
Đại uý Durer thở dài:
- À, tôi hy vọng việc đó sẽ không mất nhiều ngày cho lắm. Một trường hợp quan trọng như ngài Stanford thì sẽ có một số tờ khai phải điền vào. Có những thủ tục phải theo, ông hiểu đấy.
- Tôi nghĩ là tôi hiểu, - Steve nói.
- Có thể mất mười ngày, có thể hai tuần gì đó. - Lúc ấy chắc cái tin không còn giật gân với báo chí nữa.
- Đây là danh thiếp của tôi. - Steve dí tấm danh thiếp vào mũi Durer.
Durer nhìn kỹ rồi thốt lên:
- Ra ông là luật sư chứ không phải nhà báo?
- Không. Tôi là luật sư của Harry Stanford. -Steve vừa nói vừa đứng lên. - Tôi muốn có giấy phép thả xác ông ấy ra.
- Ra thế. Tôi cũng muốn cấp cái giấy phép đó cho ông lắm chứ. Hiềm một nỗi tay chân tôi bị trói hết cả rồi. Tôi không thấy có cách gì…
- Ngày mai.
Không thể làm gì được! Không có cách gì giải quyết vào ngày mai được…
- Tôi khuyên ông nên liên lạc với thượng cấp của mình ở Paris. Stanford Enterprises có một số nhà máy rất lớn ở Pháp. Nếu hội đồng quản trị của chúng tôi quyết định đóng cửa tất cả và chuyển sang xây dựng ở những nước khác thì ông hiểu điều gì sẽ xảy ra.
Đại uý Durer ngây ra nhìn Steve.
- Tôi… không thể kiểm soát những việc như vậy, thưa ông.
- Nhưng tôi thì kiểm soát được, - Steve đoan quyết - Hoặc nội nhật ngày mai ông thả xác của Stanford ra, hoặc ông sẽ thấy mình gặp những rắc rối mà lúc nầy nếu ông có cố hình dùng cũng chẳng nổi đâu.
- Hãy đợi một chút, thưa ông. Hy vọng trong vài ngày tới tôi có thể…
- Ngày mai. - Và Steve biến mất.
Ba giờ sau, Steve nhận được một cú điện thoại tại khách sạn:
- Ông Sloane? Tôi có tin mới cho ông đây! Tôi đã thuyết phục được thượng cấp hoàn thành ngay thủ tục trả xác ngài Stanford cho ông. Tôi hi vọng ông thông cảm cho khó khăn của chúng tôi…
- Cám ơn ông. Sẽ có chuyên cơ tới vào tám giờ sáng mai để đưa chúng tôi trở về. Tôi cho mọi giấy tờ sẽ được hoàn tất trước khi đó.
- Vâng, dĩ nhiên rồi. Xin ông khỏi lo. Tôi sẽ thu xếp sao cho…
- Tốt lắm, - Steve nói và cúp máy.
Đại uý Durer ngồi lặng đi một lúc. Merde! Xúi quẩy quá! Không có cái gã chết dẫm ấy xuất hiện thì có phải mình còn vui thêm được một tuần nữa không?
Khi máy bay chở xác Stanford đáp xuống sân bay quốc tế Logan ở Boston thì đã có một đám đông cùng một chiếc xe tang chờ sẵn. Tang lễ sẽ được cử hành sau đó ba ngày.
Steve nói lại tình hình cho Simon Fitzgerald.
- Vậy là cuối cùng ông ta cũng đã trở về nhà, - Fitzgeral nói. - Chắc chắn đây sẽ là một cuộc đoàn tụ lớn.
Đoàn tụ ư?
- Đúng. Một cuộc đoàn tụ thú vị. Con cái của Harry Stanford đã trở về để ăn mừng cái chết của cha chúng. Tyler, Woody và Kendall.
 
CHƯƠNG 8 - SÁNG
Thẩm phán Tyler Stanford lần đầu tiên hay tin bố chết là qua kênh truyền hình WBBM của Chicago
Y nhìn màn hình như bị thôi miên, trống ngực đập thình thình. Y thấy ảnh chiếc Blue Skies, và người bình luận viên đang nói, "… tai nạn xảy ra trong một trận bão tại vùng biển Corsica. Dmitri Kaminsky, vệ sĩ của Harry Stanford đã tận mắt chứng kiến tai nạn song không thể cứu nổi chủ mình. Harry Stanford được giới tài chính biết đến như một nhà tài phiệt lẫy lừng nhất…"
Tyler ngồi đó, nhìn những hình ảnh dịch chuyển và hồi tưởng lại…
Tiếng cãi vã oang oang khiến nó giật mình tỉnh giấc vào lúc nửa đêm. Năm đó nó mười bốn tuổi.
Nó lắng nghe tiếng nói giận dữ một lúc rồi ra khỏi phòng, lẳng lặng đi xuống cầu thang. Trong phòng nghỉ bên dưới bố mẹ nó đang có một cuộc chiến kỵch liệt. Mẹ nó gào thét, và nó nhìn thấy bố tát vào mặt mẹ.
Màn hình tivi chuyển sang một cảnh khác. Harry Stanford ở trong văn phòng hình ô-van của toà Bạch Ốc, đang bắt tay tổng thống Ronald Reagan. "Là một trong những con át chủ bài trong đội quân xung kích tài chính của Tổng thống, Harry Stanford từng là một cố vấn quan trọng của… "
Chúng chơi bóng ở sân sau. Em nó, Woody, ném quả bóng về phía toà nhà. Tyler chạy đuổi theo. Vừa nhặt quả bóng lên thì nghe thấy tiếng cha mình nói ở bên kia bờ dậu. " Anh yêu em. Em biết thế mà!"
Nó dừng lại, sướng điên lên vì nghĩ cha mẹ nó đã làm lành với nhau. Nhưng rồi nó nghe tiếng cô gia sư Rosemary. " Anh có vợ rồi. Em muốn anh để em yên".
Lòng nó quặn lại. Nó yêu cả mẹ nó lẫn Rosemary.
Chỉ có cha là người lạ mặt mang đến nỗi kinh hoàng.
Tivi chuyển sang giới thiệu một loạt ảnh Harry Stanford ngồi với Margaret Thatcher… Tổng thống Mitterand… Mikhail Gorbachev… Bình luận viên nói: "Nhà tài phiệt huyền thoại nầy bình đẳng như người thân trong gia đình với cả công nhân ở nhà máy lẫn lãnh đạo quôc gia siêu cường…"
Nó vừa bước qua ngưỡng cửa vào văn phòng của cha thì nghe tiếng Rosemary. "Tôi đi đây…". Rồi tiếng cha nó, "Anh sẽ không để em đi đâu. Em phải hợp lí một chút, Rosemary! Đây là cách duy nhất để anh và em có thể…"
- Em không thể nghe theo anh được. Em sẽ giữ đứa bé.
Rồi Rosemary biến mất.
Màn hình tivi lại chuyển cảnh lần nữa. Gia quyến Stanford đứng trước cửa nhà thờ nhìn chiếc quan tài đang được đưa lên xe tang. Tường thuật viên nói, "… Harry Stanford và các con ông bên quan tài. Bà Stanford tự tử được cho là do sức khoẻ suy sụp Theo các điều tra viên, Harry Stanford…"
Đang lúc nửa đêm cha nó bỗng dựng nó dậy.
- Dậy đi, con trai. Bố có tin dữ muốn báo với con.
Cậu bé mười tuổi bỗng run lên lẩy bẩy.
- Mẹ con bị tai nạn, Tyler ạ.
Đấy là một lời nói dối. Cha nó đã giết mẹ nó. Mẹ nó tự vẫn vì cha nó và cuộc tình vụng trộm của ông với Rosemary.
Bào chí làm rùm beng về cái chết của mẹ nó. Đấy là một vụ scandal làm rung chuyển cả Boston, và các báo khổ nhỏ tận dụng hết ưu thế lá cải của mình. Không có cách gì bưng bít với bọn trẻ được nữa. Các bạn cùng lớp bàn tán làm chúng khổ tâm vô cùng. Trong vòng có hai mươi bốn giờ, ba đứa trẻ đã mất đi hai người mà chúng yêu mến nhất. Đó là mẹ và cô gia sư. Tất cả chỉ tại cha chúng.
- Em cóc cần biết ông ta có phải là bố của chúng ta không. - Kendall nức nở. - Em căm thù ông ta.
- Anh cũng thế!
- Em cũng thế!
Chúng tính chuyện bỏ đi, song không biết đi đâu, bèn quyết định nổi loạn.
Tyler cầm đầu lũ trẻ nói chuyện với cha.
- Chúng tôi muốn một ông bố khác. Chúng tôi không muốn ông.
Harry Stanford nhìn nó và nói lạnh lùng:
- Tao nghĩ chuyện đó có thể thu xếp được.
Ba tuần sau mỗi đứa được gửi tới một trường nộỉ trú khác nhau.
Năm tháng qua đi, bọn trẻ gặp cha chúng rất ít.
Chúng đọc về cha chúng trên báo, xem ông trên tivi, lúc thì đi cùng người đàn bà đẹp nầy, lúc thì đàm đạo với một nguyên thủ khác. Chúng chỉ ở bên cha mình vào những dịp đặc biệt như tuần lễ Giáng sinh hoặc những ngày nghỉ, khi ông cần chứng tỏ ông là người cha hết lòng vì con cái như thế nào. Sau đấy mỗi đứa mỗi ngả về trường của mình.
Tyler ngồi lặng đi. Tivi đang giới thiệu một loạt những nhà máy tại những miền khác nhau trên thế giới, cùng những bức ảnh của cha y. "… một trong nhưng tập đoàn tư nhân lớn nhất thế giới. Harry Stanford, người đã tạo ra nó, là một hưyền thoại. Các chuyên g ia tài chính của Wall Street đang đặt câu hỏi điều gì sẽ xảy đến với tập đoàn khi người sáng lập nó đã ra đi? Harry Stanford để lại ba đứa trẻ, song chưa rõ ai trong chúng sẽ là người thừa kế cái tài sản nhiều tỉ đô la mà Stanford đã bỏ lại đằng sau, hoặc ai sẽ là người lãnh đạo tập đoàn…"
Nó lên sáu. Nó thích sục sạo vào mọi ngõ ngách của toà nhà, khám phá từng gian phòng bí ẩn một.
Nơi duy nhất nó không thể tới là văn phòng của cha nó. Tyler biết rằng các cuộc họp quan trọng thường diễn ra ở trong đó. Những người đàn ông vận comple đen sang trọng thường xuyên lui tới gian phòng.
Việc nó không được phép vào đã đẩy trí tò mò của nó lên tới tột cùng.
Một ngày, nhân lúc cha đi vắng, Tyler quyết định đột nhập vào văn phòng xem sao. Gian phòng mênh mông được cấp điện thừa mứa, không khí tẻ nhạt.
Tyler đứng nhìn chiếc bàn lớn và chiếc ghế da đồ sộ mà cha nó thường ngồi . Sẽ có ngày mình ngồi vào cái ghế đó, và mình cũng sẽ quan trọng như cha mình. Nó đi tới chiếc bàn và ngó nghiêng một lúc.
Trên đó có cả chục tập giấy tờ trang trọng. Nó vòng sang bên kia bàn và chễm chệ ngồi vào chiếc ghế bành bọc da. Tuyệt quá. Giờ mình cũng đă quan trọng rồi.
- Mày làm cái khỉ gì thế?
Tyler giật mình ngẩng lên. Cha nó đang đứng lù lù trên ngưỡng cửa, vẻ mặt tức tối.
- Ai bảo mày có thể ngồi ra sau chiếc bàn kia?
Cậu bé run lẩy bẩy:
Con… con chỉ muốn xem nó như thế nào thôi.
Bố lập tức sừng sộ:
- Để tao cho mày biết nhé, mày sẽ không bạo giờ biết được nó như thế nào đâu! Không bao giờ! Giờ mày hãy cút khỏi đây và tránh xa nó ra!
Tyler khóc nức nở chạy lên phòng mình. Mẹ nó vào với nó. Bà vòng tay ôm lấy cậu con trai:
- Đừng khóc, con yêu của mẹ. Mọi chuyện sẽ ổn cả thôi.
- Không… không ổn đâu mẹ ạ, - nó nói trong tiếng nấc. - Ông ta… ông ta ghét con lắm.
- Không đâu. Ông ta không ghét con đâu.
- Tất cả những gì con đã làm là ngồi vào chiếc ghế của ông ta.
- Đấy là chiếc ghế của ông ta, con yêu ạ. Ông ta không muốn ai ngồi lên nó cả.
Nó khóc không nín được. Bà ôm chặt lấy nó mà an ủi:
- Tyler, khi cha mẹ cưới nhau, cha nói là ông muốn mẹ trở thành một thành viên của công ty. Ông tặng mẹ một cổ phiếu. Việc đó trở thành chuyện tiếu lâm trong gia đình. Nay mẹ tặng lại cổ phiếu đó cho con. Mẹ dành cho con toàn bộ lãi cổ phần đấy. Như vậy là con đã trở thành một thành viên của công ty rồi. Được không?
Tập đoàn Stanford có cả thảy một trăm cổ phiếu như vậy, và Tyler giờ có thể tự hào rằng nó đang nắm một phần trăm cổ phần công ty.
Lúc Harry Stanford hay chuyện vợ mình làm, ông ta cáu kỷnh nói:
- Em nghĩ nó có thể làm nên tích sự gì với tờ cố phiếu đó? Mua lại cả công ty chắc?
Tyler tắt tivi và ngồi suy nghĩ về những dòng tin vừa nhận được. Y cảm thấy hoàn toàn thoả mãn.
Thông thường, những đứa con trai luôn gắng thành đạt để làm nức lòng cha. Còn với Tyler Stanford, y chỉ muốn thành đạt để đủ sức tiêu diệt cha mình.
Lúc còn thơ dại, nó ấp ủ ước vọng cha nó bị kết tội giết chết mẹ nó, còn nó là người chịu trách nhiệm thông qua bản án. Ta kết tội ngươi phải chết trên ghế điện. Đôi khi mơ ước của nó thay đổi, và nó muốn cha nó bị treo cổ, hạ độc hay bị bắn. Nay thì y gần như đã được toại nguyện rồi.
Trường quân sự mà nó được gửi đến là trưỡng võ bị Mississippi, và đấy là bốn năm nó sống trong cảnh địa ngục. Tyler ngán lối sống kỷ luật cứng nhắc.
Năm đầu vào trường, nó không nghĩ tới chuyện gì khác ngoài tự tử. Song nó không làm chuyện đó bởi không muốn cho cha nó hưởng cái sung sướng được thấy nó tự tử. Lão đã giết chết mẹ mình. Lão sẽ không thể giết mình theo cách đó.
Tyler có cảm giác các sĩ quan hết sức nghiệt ngã với nó, và tin chắc rằng cha nó phải chịu trách nhiệm về những nỗi thống khổ nầy. Tyler quyết không để trường học đánh gục mình. Tuy nó chỉ phải về nhà vào những ngày nghỉ, những cuộc gặp hiếm hoi giữa hai cha con mỗi ngày một trở nên khó chịu hơn.
Hai em nó cũng về nhà vào những ngày nghỉ, song giữa chúng không có tình máu mủ thông thường.
Cha chúng đã huỷ diệt thứ tình cảm đó. Chúng hoàn toàn xa lạ với nhau, chỉ mong ngày nghỉ chóng qua để lại được ra đi.
Tyler biết cha nó có nhiều tỉ đô la, song nó, Woody và Kendall lại phải sống bằng sự trợ giúp của bà mẹ. Càng lớn Tyler càng băn khoăn không biết nó có được thừa hưởng tài sản của gia đình không. Nó biết chắc rằng anh em nó đang bị đánh lừa. Mình cần một luật sư. Cái đó thì đúng quá đi rồi, song ý nghĩ tiếp theo của nó là, mình sẽ trở thành một luật sư. Lúc bố Tyler biết được kế hoạch của con trai, ông nói:
- Vậy là mày sẽ trở thành luật sư đấy? Mày nghĩ tao sẽ cho mày một việc làm ở Harry Stanford chứ gì? Quên đi nhé. Tao sẽ không để mày lởn vởn tới gần nó quá một dặm đâu.
Lúc Tyler tốt nghỉệp trường luật, y có thể thực tập tại Boston, và với uy tín gia đình hàng chục công ty sẵn sàng mời y vào hội đồng quản trị. Song y lại muốn tránh cha mình ra thật xa. Y quyết định thực tập nghề luật sư ở Chicago.
Những ngày đầu thật vất vả. Vì y không chịu tận dụng thanh danh của gia đình nên chẳng có mấy thân chủ chịu tìm đến với y. Tuy vậy, sống ở Chicago, Tyler nhanh chóng nhận ra rằng một luật gia trẻ cần phải tham gia vào Hội Luật gia quận Cook thì mới có cơ nên người. Y tìm được việc làm ở văn phớng luật sư quận. Y có trí nhớ tốt và học rất nhanh. Chẳng bao lâu y đã trở thành một tài sản vô giá của văn phòng luật. Y khởi tố mọi phạm nhân có thể buộc tội được, và bảng thành tích của y ngày một dài ra.
Y được thăng tiến rất nhanh và cuối cùng được bổ nhiệm làm thẩm phán toà biện lý quận Cook. Y tin cha y sẽ tự hào về y. Song y đã nhầm.
- Mày ấy à? Một thẩm phán toà biện lý ấy à? Vì Chúa, tao sẽ không để mày xử thậm chí một vụ kiện mất gà.
Thẩm phán Tyler Stanford thấp, mập, có đôi mắt tinh nhanh và khoé miệng rắn rỏi. Y không thừa hưởng được một đường nét hấp dẫn nào ở người cha. Cái nổi bật nơi y là một giọng nói trầm, khoẻ, vang, như được trời phú cho để đọc các bản án Tyler Stanford là kẻ ít cởi mở, không bao giờ bộc lộ ý nghĩ của mình. Y bốn mươi tuổi, song trông già hơn nhiều. Y tự hào vì mình chẳng có lấy một chút tính hài hước nào hết. Cuộc đời quá ảm đạm để mà cười. Thú vui duy nhất của y là cờ tướng, và môi tuần một lần y chơi ở một câu lạc bộ địa phương, nơi y luôn thắng tuyệt đối.
Tyler Stanford là một luật gia lỗi lạc, được các thẩm phán đồng nghiệp đánh giá rất cao, và họ thường xuyên tìm tới y để tham khảo ý kiến. Rất ít người biết rằng y chính là con trai của Harry Stanford. Y chưa bao giờ nhắc tới tên cha mình. Các đồng nghiệp của Tyler biết rất ít về cuộc đời của y. Họ chỉ nghe phong phanh rằng y có một cuộc hôn nhân cay đắng, và rằng y sống một mình trong một ngôi nhà nhỏ ba buồng trên đường Kimbark, quận Hyde Park. Y không kết bạn với một láng giềng nào, và các láng giềng cũng chẳng biết gì về y. Y thuê một người tới dọn dẹp mỗi tuần ba lần, riêng việc mua sắm thì y tự làm lấy. Thỉnh thoảng, tại những buổi gặp mặt chính thức, Tyler có trò chuyện với vợ các đồng nghiệp của mình. Họ cảm thấy y là gã trai cô đơn và tìm cách giới thiệu cho y một vài bạn gái, hoặc mời y tới nhà chơi. Y luôn chối từ: "Tối nay tôi bận rồi".
Dường như tất cả các buổi tối y đều bận, có điều họ không hiểu y bận cái gì.
- Tyler không quan tâm tới điều gì khác ngoài luật - một thẩm phán giải thích với vợ mình. - Và anh ta chưa quan tâm tới phụ nữ đâu. Anh nghe anh ta dã từng có một cuộc hôn nhân tồi tệ.
Vị thẩm phán nói không sai.
Sau khi li hôn, Tyler thề sẽ không bao giờ dính líu vào chuyện tình cảm nữa. Rồi y gập Lee, và mọi chuyện bỗng đổi khác. Lee đẹp, nhạy cảm và tận tuỵ - con người mà Tyler muốn dành toàn bộ cuộc đời còn lại để chung sống. Tyler yêu Lee, nhưng sao Lee lại phải yêu y? Là một người mẫu thành đạt, Lee có cả tá người ngưỡng mộ, phần đông trong số họ đều rất giầu sang. Và Lee thì lại thích những đồ đắt tiền.
Tyler cảm thấy vô vọng. Về sức quyến rũ, Tyler chẳng so bì được với ai. Tuy nhiên, chỉ trong một đêm, với cái chết của cha y, mọi chuyện có thể đổi khác. Y sẽ trở nên giầu có ngoài sức tưởng tượng ngông cuồng nhất của y.
Y có thể cho Lee cả thế giới.
Tyler bước vào phòng làm việc của chánh án.
- Keith, tôi e rằng mình phải đi Boston vài ngày. Việc gia đình. Không biết bà có thể thu xếp ai đó xử nốt những vụ án còn dang dở của tôi hay không?
- Dĩ nhiên rồi. Tôi sẽ thu xếp việc đó, - vị chánh án đáp.
- Cám ơn bà.
Chiều hôm đó, thẩm phán Tyler Stanford lên đường về Boston. Trên máy bay, một lần nữa y nhớ lại lời cha y đã nói trong cái ngày khủng khiếp đó: "Tao biết cái bí mật nhỏ ghê tởm của mầy".
 
CHƯƠNG 9 - SÁNG
Paris hôm đó đổ mưa, một cơn mưa tháng bảy khiến khách bộ hành nháo nhác tìm chỗ trú. Trong thính phòng của một toà nhà màu xám đồ sộ ở góc đường Faubourg St. Honoré mọi người cũng đang trong cơn hoảng loạn. Hàng chục người mẫu mình trần chạy ngược xuôi va cả vào nhau, trong khi các nhân viên chỉ chỗ ngồi đang sắp đặt ghế còn các tay thợ mộc thì hối hả đóng nốt những cái mộng cuối cùng. Ai cũng gào thét và khuơ khoắng tay chân loạn bậy, tiếng ồn đạt tới mức đủ làm thủng màng nhĩ người ta.
Đứng giữa trung tâm cơn bão, cố dẹp yên cái mớ hỗn mang đó là Kendall Stanford Renauld. Bốn giờ trước khi màn trình diễn thời trang dự định bắt đầu thì mọi chuyện đổ vỡ ra từng mảng.
Thảm hoạ: John Fairchild bỗng dưng tới Paris mà không còn lấy một chỗ trống nào dành cho ông ta.
Bi kỵch: hệ thống loa phóng thanh không làm việc.
Tai biến: một trong những người mẫu hạng nhất bị ốm.
Tình trạng khẩn trương hai nhân viên hoá trang cắn xé nhau ở hậu trường nên không theo kỵp chương trình.
Nói cách khác, Kendall mông lung nghĩ, mọichuyện đều bình thường.
Nhìn Kendall Stanford Renauld ai cũng nghĩ nàng là người mẫu, và đã có thời nàng làm người mẫu.
Mọi thứ về nàng, từ búi tóc, mầu sơn móng tay, cho đến điệu cười toát lên một vẻ hết sức quí phái. Gương mặt nàng, nếu gột bỏ lớp phấn trang điểm thì thực sự không phải là quá đẹp, song nghệ thuật trang điểm của nàng đạt tới độ không một ai nhận ra điều đó cả
Cùng lúc nàng đang có mặt ở khắp nơi.
- Ai chiếu sáng đường chạy đó, hả Ray Charles?
- Tôi muốn một cái phông xanh…
- Đường kẻ nầy lộ quá. Chấm lại đi!
- Tôi không muốn các người mẫu làm tóc và trang điểm trong khu vực chờ Hãy bảo Lulu tìm cho họ một phòng thay quần áo!
Viên giám đốc chương trình của Kendall vội vã đỉ tớỉ chỗ nàng:
- Kendall, ba mươi phút thì dài quá! Dài quá! Buổi trình diễn chỉ dừng lại ở hai mươi lăm phút là vừa.
Kendall ngưng việc mình đang làm lại.
- Anh muốn đề nghị gì, Scott?
- Chúng ta có thể cắt đi một vài cảnh…
- Không. Tôi sẽ cho người mẫu vận động nhanh hơn.
Nàng lại nghe có người gọi tên mình, bèn quay lại.
- Kendall, chúng tôi không tìm thấy Pia đâu cả. Cô có muốn Tami chuyển sang bộ áo vét tím than không?
- Không. Đưa bộ đó cho Dana.
- Còn chiếc áo nịt len mầu tối thì sao?
- Dành cho Monique. Nhớ bảo cô ta đi tất màu tối nhé.
Kendall nhìn lên tấm biển lớn dán ảnh các người mẫu trong những chiếc áo choàng khác nhau. Khi tấm biển hoàn thành, các bức ảnh sẽ được đặt vào vị trí chính xác của chúng.
- Hãy thay đổi bố cục tấm biển nầy. Tôi muốn chiếc áo len đan mầu be xuất hiện trước, tiếp theo là những chiếc áo xẻ, rồi đến những chiếc áo nịt bằng lụa không đai, rồi đến chiếc áo choàng mặc buổi tối bằng vải mỏng, đồ mặc buổi chiều cùng với áo vét.
Hai phụ tá đi tới chỗ nàng.
- Kendall, chúng tôi đang tranh luận về chỗ ngồi. Bà muốn những người bán lẻ ngồi với nhau, hay để họ ngồi lẫn với những người danh tiếng?
Viên phụ tá kia nói:
- Chúng ta có thể cho những nhân vật danh tiếng ngồi lẫn với giới báo chí.
Kendall không còn nghe thấy gì nửa. Nàng đã thức trắng hai đêm, kiểm tra từng chi tiết để chắc chắn rằng không còn gì trục trặc xảy ra.
- Các anh cứ tự thu xếp lấy! - nàng nói.
Nàng quan sát tất cả những hoạt động đang diễn ra và nghĩ về buổi trình diễn sắp sửa bắt đầu cùng những tên tuổi lớn từ khắp nơi trên thế giới đổ về để chiêm ngưỡng những gì nàng đã sáng tạo nên.
Mình nên cám ơn cha vì tất cả. Ông đã bảo mình sẽ chẳng bao giờ thành công…
Nàng luôn biết rằng mình muốn trở thành một nhà tạo mốt. Từ khi còn là một cô bé nàng đã có một cảm nhận bẩm sinh về kiểu dáng. Những con búp bê của cô bé luôn có những bộ váy hết sức vui mắt. Cô bé thường cho mẹ xem những sáng tác mới nhất của mình. Lần nào mẹ cũng ôm lấy cô và nói: "Con của mẹ thật là tài năng. Một ngày nào đó con sẽ trở thành một nhà tạo mốt lớn".
Và Kendall hoàn toàn tin như vậy.
Ở trường, Kendall học thiết kế đồ hoạ, vẽ kết cấu, các phương pháp bố cục không gian, và phối mầu.
- Cách tốt nhất để bắt đầu, - một thầy giáo khuyên nàng, - là tự em phải làm một người mẫu. Bằng cách đó em sẽ được gặp những nhà tạo mốt hạng nhất, và nếu tinh ý, em sẽ học hỏi được rất nhiều từ họ.
Khi Kendall nói cho cha biết mơ ước của mình, ông trố mắt nhìn nàng và bảo, "Mày mà cũng đòi làm người mẫu cơ đấy! Thật không biết xấu hổ!".
Tốt nghiệp phổ thông trung học, Kendall trở về Rose Hill. Cha cần mình lo toan công việc ở nhà, nàng nghĩ. Trong nhà nuôi hàng chục gia nhân song không có ai đứng đầu. Harry Stanford thì đi vắng thường xuyên nên đám gia nhân mạnh ai nấy làm.
Kendall gắng tổ chức lại công việc. Nàng lên kế hoạch cho từng gia nhân, tiếp khách khứa cho cha mỗi khi có tiệc tùng vả làm tất cả những gì có thể để ông cảm thấy dễ chịu. Nàng chỉ mong nhận được một lời khen của cha. Nhưng không, ông chỉ biết quở mắng mà thôi.
- Ai thuê thằng tài xế chết giẫm đó? Hãy tống cổ nó đi cho tao.
- Tao không thích những cái đĩa mày mới mua. Thị hiếu của mày làm sao thế hả?
- Ai nói với mày rằng mày có quyền trang trí lại phòng ngủ của tao? Chớ có đụng đến nó.
Dù Kendall làm gì, thì việc đó cũng chưa bao giờ đủ tốt.
Chính sự nhẫn tâm của người cha rút cuộc đã đuổi nàng ra khỏi nhà. Đó luôn là một ngôi nhà không có tình yêu, với ông bố chẳng bao giờ để tâm tới con cái ngoại trừ việc cố gắng kiểm soát và đưa chúng vào kỷ cương. Một đêm Kendall nghe bố nói với một người khách, "Con gái tôi có bộ mặt giống như mặt ngựa. Nó sẽ cần cả đống tiền để chài một thằng khố rách áo ôm cho mà xem".
Đấy là giọt nước cuối cùng. Ngày hôm sau, Kendall bỏ Boston lên New York.
Nằm một mỉnh trong phòng khách sạn, Kendall nghĩ, Cũng được. Vậy là mình đã tới New York. Mình sẽ trở thành nhà tạo mode bằng cách gì đây? Mình sẽ thâm nhập vào công nghiệp thời trang bằng con đường nào? Làm sao để người ta nhận thấy mình? Nàng nhớ lời thầy dặn. Mình sẽ làm một cái mẫu trước. Đó là cách duy nhất để khới đầu.
Sáng hôm sau, Kendall lật những trang vàng tìm danh sách các đại lí thời trang và bắt đầu đi một vòng. Mình phải trung thực với họ mới được. Mình sẽ nói với họ rằng mình chí có thể làm việc đó tạm thời thôi, cho đến khi.mình tự thiết kế được Nàng bưởc vào văn phòng của đại lí đầu tiên. Một người đàn bà trung niên ngồi sau bàn hỏi:
- Tôi có thể giúp gì cô?
- Bà có thể giúp tôi đấy. Tôi muốn làm một người mẫu.
- Tôi cũng thế, cô bé ạ. Quên chuyện đó đi.
- Cái gì?
- Cô cao quá.
Quai hàm Kendall bạnh ra.
- Tôi muốn gặp người phụ trách văn phòng nầy.
- Cô đang nhìn vào bà ta đấy. Tôi là chủ của văn phòng nầy.
Dăm cuộc viếng thăm tiếp theo không mang lại kết quả nào khá quan hơn.
- Cô thấp quá.
- Gầy quá.
- Mập quá.
- Trẻ quá.
- Lớn tuổi quá.
- Không hợp típ.
Cho đến cuối tuần thì Kendall hoàn toàn thất vọng.
Trên danh sách chỉ còn lại một cái tên.
***
Paramount Model là đại lí thời trang hàng đầu ở Manhattan. Không có ai trực tại bàn tiếp tân cả.
Một giọng nói từ một văn phòng bên trong vang ra:
- Bà ta sẽ có mặt ở đây từ thứ hai tuần tới. Song cô chỉ có thể gặp bà ta vào một ngày thôi. Tất cả thời gian còn lại cho ba tuần tiếp theo đã chật hết cả rồi.
Kendall đi tới gian phòng đó và nhìn vào trong.
Một phụ nữ mặc đồ may sẵn đang nói chuyện điện thoại.
- Đúng, tôi sẽ xem tôi có thể làm gì. - Roxanne Marinack bỏ máy và ngẩng lên. - Xin lỗi, chúng tôi không tìm kiếm típ người mẫu như cô.
Kendall tuyệt vọng đáp:
- Tôi có thể trở thành bất cứ típ người mẫu nào bà muốn. Tôi có thể cao lên hoặc thấp đi. Tôi có thể gầy đi hoặc mập ra, già đi hoặc…
Roxanne chìa tay ra cho Kendall bắt.
- Tôi chỉ muốn có một cơ hội thôi. Tôi cần nó lắm.
Roxanne lưỡng lự. Cô ta ham nghề quá, còn thân hình của cô ta thì khó mà chê vào đâu được. Cô ta không đẹp. Song nếu biết cách trang điểm…
- Cô đã có kinh nghiệm gì trong nghề nầy chưa?
- Có. Tôi đã mặc quần áo từ bé đến giờ.
Roxanne cười.
- Thôi được. Hãy cho tôi xem bộ ảnh của cô?
Kendall ngây ra nhìn bà:
- Bộ ảnh của tôi…?
Roxanne thở dài:
- Cô gái thân mến của tôi, không một người mẫu tự trọng nào lại đi tìm việc mà không mang theo một bộ ảnh của họ Đấy là thánh kinh của mọi người mẫu. Các thân chủ sẽ xem chúng trước. – Roxanne lại thở dài. - Tôi muốn cô chụp lấy hai kiểu ảnh đầu; một cái cười, cái kia nghiêm túc. Quay đằng sau xem.
- Được - Kendall bắt đầu xoay người.
- Chậm thôi - Roxanne quan sát Kendall thật kỹ. - Không tồi lắm. Tôi cần thêm một kiểu ảnh cô mặc đồ tắm hoặc đồ lót, thứ gì tôn nổi nhất thân hình của cô ấy.
- Tôi sẽ chụp cả hai, - nàng hồ hởi nói.
Roxanne lại mỉm cười trước sự sốt sắng của nàng.
- Tốt lắm. Cô… cô khác, song cô vẫn phải có ảnh.
- Cám ơn bà.
- Chớ có cám ơn tôi vội. Làm người mẫu cho một tạp chí thời trang không đơn giản như người ta tưởng đâu. Đây là một nghề rất khó nhọc.
- Tôi sẵn sàng chấp nhận khó nhọc mà.
- Để rồi xem. Tôi sẽ phải thử thách cô đấy. Tôi sẽ cho cô đi ra mắt một vài nơi.
- Dạ.
- Ra mắt là việc các thân chủ làm quen với các người mẫu mới. Các đại lí khác cũng có người mẫu mới của mình. Việc nầy nó na ná như chọn giống súc vật ấy mà.
- Tôi sẽ ứng phó được.
Mọi việc đã khơi đầu như vậy. Kendall phải tham gia hàng chục buổi ra mắt khác nhau mới có được một nhà tạo mốt chấp nhận cho nàng mặc thử bộ quần áo do ông ta thiết kế. Căng thẳng quá, suýt nữa thì nàng làm hỏng cơ hội của mình bởi đã nói quá nhiều.
- Tôi thực sự thích bộ quần áo của ông, và tôi nghĩ nó rất hợp với tôi. Tôi muốn nói nó hợp với bất cứ phụ nữ nào, dĩ nhiên là thế. Chúng thật tuyệt. Nhưng tôi nghĩ tôi mà mặc nó thì không còn gì đẹp hơn.
Nhà tạo mốt gật đầu thương cảm:
- Đây là việc làm đầu tiên của cô, có đứng không?
- Vâng, thưa ông.
Nhà tạo mốt mỉm cười.
- Thôi được, tôi sẽ để cô mặc thử. Cô nói tên cô là gì nhỉ?
- Kendall Stanford. - Nàng thầm hỏi không biết cái tên đó có tạo nên một mối liên quan gì giữa nàng với ông Stanford kia không, song dĩ nhiên là nhà tạo mốt không thể nhận ra mối liên hệ đó.
Roxanne nói không sai. Làm nghề người mẫu thật cực. Kendall phải học cách chấp nhận sự từ chối liên tục những buổi ra mắt không dẫn tới đâu và những tuần nằm dài không có việc làm. Khi có việc, nàng phải trang điểm xong vào lúc sáu giờ sáng, thử mốt xong ở một nơi rồi đến nơi khác, và thường quá mười hai giờ đêm mới về đến nhà.
Một buổi tối, sau ngày thử mốt dài lê thê với một chục cô gái mẫu khác, Kendall nhìn vào gương và bỗng rên lên:
- Tớ không thể đi lâm ngày mai được. Mắt tớ sưng vù lên rồi đây nầy!
Cô bạn đồũg nghiệp bèn khuyên:
- Hãy đắp vài lát dưa chuột lên là khỏi thôi mà. Nếu không có dưa chuột thì thả vài túi chè vào nước nóng, để nguội rồi đắp lên mắt trong mười lăm phút.
Sáng hôm sau, những vết sưng đã biến đâu mất.
Kendall lấy làm ghen ty với những cô gái mẫu được mời thường xuyên. Nàng thường nghe Roxanne sắp đặt công việc:
- Cho Scaasi đi thử lần hai ở Michelle. Hãy gọi điện và báo cho họ biết cô ta sẽ có mặt…
Kendall nhanh chóng nhận ra một bài học: không bao giờ được phê phán những bộ quần áo mà nàng trưng diện. Dần dà nàng làm quen được với những nhà nhiếp ảnh hạng nhất và đã có được một bộ ảnh rất có sức thuyết phục. Nàng luôn mang theo mình một cái xắc tay đựng những vật dụng cần thiết - son phấn, dụng cụ sửa móng tay, nữ trang, v v…
Nàng biết cách búi tóc để tạo cho nó một kiểu dáng hoặc làm những búp tóc xoăn bằng cách uốn tóc con lăn. còn bao nhiều thứ phải học hỏi. Nàng được lòng các nhà nhiếp ảnh, và một người đã kéo nàng ra một góc mà khuyên:
- Kendall nầy, hãy nhớ chụp các điệu cười vào cuối buổi thử. Bằng cách đó miệng em sẽ tươi tắn hơn.
Mỗi ngày qua đi Kendall lại thêm nổi tiếng. Vẻ đẹp của nàng không rỗng tuếch và vô hồn như ở phần đông các cô người mẫu khác, nàng có cái gì đó hơn thế, một phong thái thanh lịch, cao sang.
- Cô ta là người mẫu có hạng, - một đại lí quảng cáo nhận xét.
Nàng là cô gái cô đơn. Thỉnh thoảng nàng cũng có những buổi hẹn hò, song tất cả đều nhạt nhẽo và vô nghĩa. Nàng làm việc không ngừng nghỉ, song vẫn cảm thấy mình không gần hơn bao nhiều tới cái đích đã đặt ra khi nàng tới New York. Mình phải tìm cách tiếp cận với các nhà tạo mốt hàng đầu.
- Tôi đã bố trí kế hoạch cho bốn tuần sắp tới của cô Ai cũng thích cô rồi đó, - Roxanne nói.
- Roxanne…
- Sao, Kendall?
- Tôi không muốn làm người mẫu nữa.
Roxanne nhìn Kendall như không tin vào tai mình.
- Cô nói gì?
- Tôi muốn mở sàn diễn thời trang kiểu đường chạy.
Thời trang đường chạy là kiểu trình diễn mà phần đông các người mẫu đều mê. Đấy là lối trình diễn thời trang sôi động nhất và cũng khó khăn nhất về kỹ thuật.
Roxanne tỏ vẻ hoài nghi.
- Đó là lĩnh vực gần như không thể xâm nhập nổi…
- Tôi sẽ xâm nhập được.
Roxanne nhìn kỹ nàng:
Cô nghiêm túc đấy chứ?
- Vâng!
Bà gật đầu:
- Tốt lắm. Nếu đã quyết, việc đầu tiên cô phải làm là tập đi xà.
- Cái gì ạ?
Roxanne giải thích.
Chiều hôm đó Kendall mua một cây xà gỗ dài hai mét, đánh giấy ráp cẩn thận rồi đặt nó lên sàn nhà.
Mấy lần đầu nàng bước trên đó song đều té ra. Bài tập nầy thật không dễ. Song cứ kiên trì tập sẽ khắc thành. Mỗi sáng nàng dậy sớm và tập đi kiễng chân trên xà. Mỗi ngày thăng bằng của nàng một tốt lên. Nàng đi tiến và lùi trước một tấm gương dài, có nhạc đệm.
Rồi nàng tập với cuốn sách gác trên đầu. Nàng chuyển nhanh từ giầy thể thao và quần soóc sang guốc cao gót và áo choàng mặc buổi tối.
Khi thấy đã thành thạo, Kendall tìm đến Roxanne:
- Tôi đã đưa cái đầu tôi ra để tiến dẫn cô đấy. - Roxanne nói với nàng. - Ungaro đang tìm một người mẫu đưởng chạy. Tôi đề xuất cô. Ông ta sẽ cho cô một cơ hội.
Kendall sướng rơn. Ungaro là một trong những nhà tạo mốt sáng giá nhất trên các sàn diễn thời trang đường chạy.
Tuần sau, Kendall đến sàn diễn. Nàng cố tỏ ra bình thản như các người mẫu khác.
Ungaro trao cho nàng bộ đồ đầu tiên và mỉm cười:
- May mắn nhé.
- Cám ơn ông.
Lúc bước ra đường chạy, người xem có cảm giác nàng đã làm việc đó cả đời rồi. Thậm chí các người mẫu cùng trình diễn với nàng cũng không khỏi trầm trồ thán phục. Buổi trình diễn thành công lớn, và từ đó Kendall trở thành một thành viên trong giới quí tộc.
Nàng bắt đầu làm việc với các chàng khổng lồ trong công nghiệp thời trang - Yves Saint Laurent, Halston, Christian Dior, Donna Karan, Calvin Klein, Ralph Lauren, St John. Kendall được mời diễn liên tục và phải đi khắp mọi nơi trên thế giới. Ở Paris, mùa diễn rộ lên vào tháng Giêng và tháng Bảy. Ở Milan, cao điểm là các tháng Ba, Tư, Năm và Sáu, trong khi ở Tokyo thì vào tháng Tư và tháng Mười. Nàng tận hưởng một cuộc sống cuồng nhiệt và bận rộn, và nàng trân trọng từng phút từng giây của cuộc sống đó.
Kendall vừa làm việc vừa học tập miệt mài. Nàng mặc đồ thời trang của các nhà tạo mốt nổi tiếng và tìm cách đưa vào đấy những sáng tạo của mình.
Nàng học cách chọn vải như thế nào cho phù hơp, cách đưa mảnh vải đó lên th.ân thể con người như thế nào cho đẹp mắt. Nàng học cách cắt, làm nếp gấp và may, và nàng cố khám phá phần nào của cơ thể người phụ nữ muốn giấu đi, phần nào họ muốn phô ra. Nàng vẽ nháp ở nhà, và ý tưởng cứ thế tuôn ra như suối.
Một ngày, nàng đưa các bản thiết kế của mình tới tạp chí I Magnin s. Họ hết sức thích thú:
- Ai đã thiết kế những mẫu nầy?
- Tôi đó.
- Đẹp lắm. Rất đẹp.
Hai tuần sau, Kendan đến làm việc cho hãng Donn Karan với tư cách một trợ lí và bắt đầu học nghề kinh doanh hàng may mặc. Ở nhà, nàng văn thiết kế miệt mài. Một năm sau, nàng có buổi trình diễn thời trang đầu tiên. Nó thất bại thảm hại.
Thiết kế của nàng chưa có gì đặc sắc và chẳng có ai quan tâm. Nàng thử lại lần hai, vẫn không một ai buồn ngó.
Mình vào nhầm nghề mất rồi. Kendall thầm nghĩ. Một ngày nào đó con sẽ trở thành một nhà tạo mốt rất nổi tiếng.
Mình sai lầm ở chỗ nào đây?
Rồi một đêm mọi chuyện bỗng dưng bừng sáng.
Kendall tỉnh giấc và bỗng phát hiện ra. Mình đang thiết kế cho những người mẫu chuyên nghiệp mặc.
Đáng nhẽ mình phải biết thiết kế cho những phụ nữ của cuộc đời thực, với những công việc thực và gia đình thực. Đẹp, song phái tiện lợi. Sang trọng, song phải thực dụng.
Phải mất một năm nữa Kendall mới có cuộc trình diễn thứ ba, và lần nầy thành công đến tức thì.
***
Kendall ít khi về thăm Rose Hill, và chuyến về thăm nhà nào của nàng cũng hết sức thất vọng. Cha nàng vẫn chẳng hề đổi thay. Nếu có đổi thay thì cũng theo hướng tệ đi.
- Mày vẫn chưa chài nổi thằng nào à? Ngữ mày có cố cũng chỉ vô ích thôi.
Chính trong một buổi vũ hội từ thiện Kendall đã gặp Marc Renauld. Anh làm việc cho một công ty môi giới quốc tế, chuyên về ngoại tệ. Trẻ hơn Kendall năm tuổi, anh là một chàng trai Pháp hấp dẫn, cao lớn, rắn chắc. Anh chan hoà và quan tâm tới mọi người. Mới gặp anh lần đầu Kendall đã mê ngay.
Tối hôm sau anh mời nàng đi ăn, và đêm đó Kendall ngủ với anh. Tư đấy về sau đêm nào họ cũng có nhau.
Một buổi tối, Marc nói:
- Kendall, anh yêu em đến điên dại, em có biết không?
Nàng nói nhẹ nhàng:
- Em đã tìm kiếm anh suốt cả cuộc đời, Marc à.
- Có một vấn đề nan giải. Em là một ngôi sao. Số tiền anh kiếm được so với em chẳng bõ bèn gì. Có lẽ một ngày nào đó…
Kendall đặt ngón tay trỏ lên môi anh và nói:
- Anh hãy im đi. Anh đã trao cho em nhiều hơn những gì em có thể trông chờ.
Giáng sinh năm đó, Kendall đưa Marc về Rose Hill để ra mắt cha.
- Con tính cưới hắn? - Harry Stanford bùng nổ. - Hắn là một đứa tiểu tốt vô danh! Hắn cưới con vì những đồng tiền mà hắn nghĩ con sẽ có.
Nếu Kendall cần thêm một lí do nữa để cưới Marc thì cha nàng đã cho nàng lí do đó rồi. Ngày hôm sau họ làm lễ cưới ở Connecticut. Cuộc hôn phối với Marc đã mang đến cho nàng một niềm hạnh phúc nàng chưa từng biết đến trong đời.
- Em không nên để cho cha áp bức như vậy, - anh nói với Kendalll - Suốt cuộc đời ông ta đã sử dụng đồng tiền như một vũ khí. Chúng ta không cần tiền của ông ta.
Và Kendall yêu Marc vì lẽ đó.
***
Marc là người chồng tuyệt vời - tốt bụng, ân cần và tận tuỵ. Mình đã có tất cả, Kendall sung sướng nghĩ. Quá khứ giờ đây đã chết. Nàng đã thành đạt mà không cần tới cha. Chỉ vài giờ nữa thôi, thế giới thời trang sẽ tập trung chú ý vào tài năng của nàng.
Trời đã ngừng mưa báo hiệu một điềm lành.
Buổi trình diễn thành công vang dội. Trước khi hạ màn, trong tiếng nhạc và giữa muốn vàn ánh đèn rực vỡ, Kendall bước ra đường chạy, cúi mình chào khán giả, và đón nhận tiếng hoan hô vang trời. Kendall chỉ mong có Marc ở Paris để cùng nàng chia sẻ những phút giây huy hoàng đó, song công ty môi giới của anh đã không cho phép anh rời New York lấy một ngày.
Khi đám đông đã tan hết, Kendall trở về văn phòng trong một tâm trạng lâng lâng. Người phụ tá của nàng nói:
- Bà có một cái thư tay.
Kendall nhìn chiếc phong bi mầu nâu và bỗng rùng mình. Chưa mở ra nàng đã biết nó nói gì trong đó.
"Thưa bà Renauld,
- Tôi lấy làm tiếc thông báo với bà rằng hiệp hội Bảo tồn động vật doang dã lại thiếu kinh phí hoạt động, chúng tôi cần ngay 100.000 đô la để trang trải chi phí của mình. Số tiền trên phải được chuyển vào tài khoản số 804072-A tại nhà băng ở Crédit Suisse ở Thuỵ Sỹ".
Bức thư không có chữ kí.
Kendall ngồi chết lặng. Việc tống tiền nầy sẽ không bao giở chấm dứt.
Một phụ tá khác hớt hải chạy vào văn phòng.
- Kendall! Tôi thật xin lỗi. Tôi vửa mới nghe một cái tin khủng khiếp.
Mình không thể chịu đựng thêm một cái tin khúng khiếp nào nữa.
- Tin… tin gì vậy?
- Radio Luxembourg vừa công bố thân phụ cô đã qua đời. Ông bị chết đuối.
Phải mất một lúc Kendall mới lĩnh hội được cái tin ấy. Ý nghĩ đầu tiên của nàng là, không biết một trong hai điều sau, cái nào khiến ông ta tự hào hơn? Sự thành đạt của mình hay thực tế mình là kẻ giết người?
 
CHƯƠNG 10 - SÁNG
Cô gái bồi bàn hai mươi nhăm tuổi, chẳng lấy gì làm xinh xắn, thi phổ thông trung học cũng chẳng qua nổi, và là con của một người lao công với một bà nội trợ.
Người ta kinh ngạc hơn nữa bởi ai cũng nghĩ Woody phải lấy Mimi Carson, một cô gái xinh đẹp, có học thức, lại là người thừa kế một công ty cao su lớn và yêu Woody điên cuồng.
Thói thường, dân Hobe Sound thích đàm tiếu về những chuyện trăng hoa của người hầu hơn là của ông chủ, song trong trường hợp của Woody, vì cuộc hôn phối của anh ta kỳ dị quá nên người ta đành chấp nhận một ngoại lệ. Tin tức lan đi nhanh chóng rằng gã đã làm cho Peggy mang bầu nên phải cưới cô ta. Người ta biết rõ giữa cưới và không cưới tội nào nặng hơn.
- Vì Chúa, tôi hiểu thằng bé đã làm nó có bầu. Nhưng không ai đi cưới một gái chạy bàn cả.
Đúng là truyền thống cha truyền con nối. Hai mươi bốn năm trước, Hobe Sound cũng đã từng rung chuyển vì một vụ scandal của nhà Stanford. Emily Temple, con gái một gia đình lâu đời nhất ở đây, đã tự tử vì chồng bà ta làm cô gia sư có chửa.
Woody Stanford không giấu giếm chuyện gã căm thù cha đẻ mình, và cảm giác chung của mọi người là gã cưới cô bồi bàn, bấp chấp mọi chuyện, để chứng tỏ gã là người đàn ông trọng danh dự hơn cha.
Vị khách duy nhất được mời dự đám cưới của Woody là Hoop, anh trai Peggy, bay đến từ New York. Hoop làm cho một lò nướng bánh ở Bronx. Gã cao và gầy hốc hác, có bộ mặt rỗ và một giọng nói đặc sệt chất Brooklyn.
- Mày lấy được cô vợ hết ý đấy, - gã nói với Woody sau khi lễ cưới kết thúc.
- Tôi biết, - Woody đáp
- Mày phải chăm sóc em gái tao tử tế đấy, nghe chưa?
- Tôi sẽ cố hết sức.
- Khá lắm.
Đấy là mẩu đàm thoại không ai nhớ giữa một thợ nướng bánh và con trai của một trong những người giầu có nhất hành tinh.
Bốn tuần sau ngày cưới, Peggy sẩy thai.
Hobe Sound là một cộng đồng hết sức cục bộ, và đảo Jupiter là phần cục bộ nhất của Hobe Sound.
Phía tây đảo là eo biển Intercoastal, còn phía đông là Đại Tây Dương. Đây là nơi trú ẩn của những người giầu có và dè dặt. Hòn đảo có số cảnh sát tính trên đầu người cao nhất thế giới, và người dân ở đây tự hào vì bị đánh giá thấp theo cách đó. Họ lái những chiếc Taurus hoặc xe hòm, có những thuyền buồm nhỏ như loại Lightning mười sáu bộ hoặc Quickstep hai mươi bốn bộ.
Nếu một người không phải sinh ra ở đây, anh ta phải tìm mọi cách để có được quyền làm một thành viên của cộng đồng Hobe Sound nầy. Sau cuộc hôn phối giữa Woody Stanford và "cô bồi bàn đó", câu hỏi nổi cộm là người dân ở đây có chấp nhận cô dâu vào cộng đồng của mình hay không.
Bà Anthony Pelletier, "già làng" của Hobe Sound, là vị trọng tài cho mọi cuộc tranh chấp xã hội, và bà đặt ra cho mình sứ mạng bảo vệ cộng đồng của bà khỏi những người giầu có mới phất và ngông nghênh. Dân mới nhập cư không may làm mếch lòng bà thì đừng nói chuyện sống nổi ở đó. Bà có lệ gửi cho con người vô ý đó một chiếc túi du lịch da, do tài xế của bà mang đến chứ bà không bao giờ đích thân làm việc đó. Đấy là lối nói bóng gió của bà cho người ấy rằng anh ta không được hoan nghênh vào cộng đồng.
Bạn bè bà rất khoái chí mỗi khi kể lại chuyện vợ chồng một thợ cơ khí mua nhà ở Hobe Sounđ. Bà Pelletier gửi cho họ chiếc túi du lịch da, song khi hiểu ra sự trầm trọng của vấn đề thì người đó chỉ cười khẩy. Chị nói: "Nầy, con mụ phù thuỷ ấy nghĩ rằng có thể đuổi được ta ra khỏi đây thì hẳn là mụ ta điên rồi!".
Nhưng sau đấy thì mới sinh chuyện. Thợ sửa chữa điện, nước bỗng dưng không đến khi được gọi. Còn người bán tạp hoá thi luôn hết mặt hàng chị ta yêu cầu và dù cố đến đâu, vợ chồng họ cũng không thể làm thành viên của Câu lạc bộ đảo Jupiter được, thậm chí muốn đặt bàn tại một nhà hàng tốt trên đảo cũng không xong. Tệ hơn nữa, hễ gặp họ là người ta ngoảnh mặt đi, chẳng buồn tiếp chuyện bao giờ.
Ba tháng sau khi nhận được cái túi du lịch, đôi vợ chồng buộc phải bán nhà mà ra đi…
***
Vậy là khi tin Wood lấy vợ được tung ra ngoài, cả cộng đồng nín thở. Rút phép thông công Peggy Malkovich cũng có ý nghĩa là rút phép thông công người chồng nổi tiếng của cô gái. Trong cộng đồng người ta lặng lẽ đặt cược với nhau.
Trong mấy tuần đầu, đôi vợ chồng mới cưới không nhận được giấy mời đi ăn tối, dạ hội hay khiêu vũ nào cả. Song người dân ở đây khoái Woody và dầu sao đi nữa, ông ngoại Woody cũng là một trong những sáng lập viên của cộng đồng Hobe Sound. Dần dà, người ta bắt đầu mời gã và Peggy về nhà mình
Người ra sốt ruột muốn biết cô vợ của Woody ra sao.
- Đứa con gái lỡ thì đó phải có cái gì đặc biệt thì thằng Woody mới lấy nó chứ?
Song khi gặp được Peggy thì cả làng thất vọng.
Peggy trông trì độn và xơ cứng, hoàn toàn không có chút cá tính nào, còn cách ăn vận của cô gái mới tuỳ tiện và kém thẩm mỹ làm sao.
Bạn bè của Woody thì hỏi nhau:
- Nó tìm thấy cái quái gì ở con bé chứ? Nó thì lấy ai mà chả được.
Một trong những lời mời đầu tiên đến từ Mimi Carson. Cô nầy cảm thấy ngày tận thế đã tới khi nghe tin Woody lấy vợ, song lại quá kiêu hãnh để nói ra điều đó. Khi bạn bè thân cận an ủi, "Hãy quên chuyện nầy đi, Mimi. Cậu sẽ vượt qua anh ta thôi mà", thì Mimi nói, "Tớ sẽ sống với nỗi bất hạnh nầy, song tớ sẽ không thế nào vượt qua anh ta được cả".
Woody cố đạt lấy một thành công của cuộc hôn phối. Gã biết gã đã phạm phải một sai lầm song không muốn trừng phạt Peggy. Gã dốc hết tâm lực làm một người chồng tốt. Vấn đề là ở chỗ Peggy chẳng có gì chung với gã hay bạn bè gã.
Người duy nhất Peggy cảm thấy dễ chịu khi ở gần là anh trai cô ta. Hoop và Peggy ngày nào cũng gọi điện cho nhau.
- Em nhớ anh ấy, - Peggy than thở với Woody.
- Em có muốn mời anh ấy xuống chơi vài ngày không?
- Anh ấy không thể, - Peggy nhìn chồng và nói với giọng quan trọng. - Anh ấy có việc làm.
Mỗi khi đi dự tiệc Woody thường cố đưa Peggy tham gia vào câu chuyện, song chỉ được vài câu là Peggy chẳng còn gì để nói nữa. Cô ngồi căng thẳng, lưỡi líu lại, thỉnh thoảng lại liếm môi với vẻ bứt rứt lo lắng và rõ là không lấy gì làm dễ chịu cả.
Bạn bè Woody biết rằng tuy sống trong toà biệt thự Stanford nguy nga là thế, Woody chẳng nhận được xu nào từ cha mình cả, và gã phải sống bằng khoản tiền lãi hàng năm mà bà mẹ quá cố để lại.
Đam mê của gã là môn polo, song tiền mua một con ngựa gã cũng chẳng bói đâu ra. Gã phải cưỡi nhờ chúng bạn. Trong thế giới polo, thứ hạng cầu thủ được đo bằng số bàn thắng, nếu ghi được mười bàn là cầu thủ siêu sao. Woody là cầu thủ chín bàn và gã đã từng chơi với Marrianno Aguerre ở Buenos Aires. Wicky Effendi từ Texas, Adres Diniz từ Brazil và hàng chục các cầu thủ số một khác. Cả thế giới chỉ có chừng mười hai cầu thủ mười bàn, vì thế Woody có tham vọng làm cầu thủ thứ mười ba.
- Cậu hiểu tại sao chứ? Một người bạn của gã nhận xét – Bởi bố Woody là cầu thủ mười bàn
Vì biết Woody không mua nổi ngựa polo, Mimi Carson mới tặng gã một đàn để gã chơi. Khi bạn bè hỏi tại sao thì Mimi nói:
- Tớ chỉ muốn anh ấy cảm thấy hạnh phúc nên cố làm bất cứ việc gì có thể làm vì anh ấy!
Khi những người mới đến hòn đảo hỏi Wood kiếm sống bằng gì thì dân bản xứ chỉ biết nhún vai. Thực tế Woody đang sống một cuộc sống vô vị. Gã đánh golf ăn tiền, chơi cá cược polo, mượn ngựa của bạn bè, cưỡi thuyền buồm, và thỉnh thoảng, vợ người.
Cuộc hôn phối với Peggy nhanh chóng trờ thảnh nỗi thất vọng lớn đối với Woody, song gã không chịu nhận điều đó
- Peggy, - gã thường nói, - khi dự tiệc, em phải cố chuyện trò với người ta chứ!
- Tại sao lại phải thế? Hẳn bạn bẻ anh đều nghĩ họ đã tốt quá mức cần thiết với em.
- Không, họ không nghĩ vậy đâu! - Woody đoan quyết
Câu lạc bộ văn học Hobe Sound sinh hoạt mỗi tuần một lần để trình những cuốn sách mới nhất, sau đó là một bữa tiệc trưa…
Trong cái ngày đặc biệt đó, khi những người đàn bà đang dùng bữa, thì người chạy bàn đi tới bên bà Pelletier và nói:
- Cô Wood Stanford đang đứng ở bên ngoài. Cô ấy muốn được dùng bữa cùng bà đấy?
Một tiếng "xuỵt" khẽ thốt lên bên bàn.
- Cho cô ấy vào! – Bà Pelletier nói:
Vài giây sau, Peggy đi vào phòng ăn. Cô đã gội đầu thơm tho và mặc bộ đồ đẹp nhất của mình. Peggy đứng ái ngại nhìn đám phụ nữ.
- Bà Pelletier gật đầu với cô và nhẹ nhàng nói:
- Cô Stanford!
Peggy mỉm cười nhiệt thành:
- Có, thưa bà!
- Chúng tôi không cần cô phục vụ đâu. Chúng tôi đã có người hầu hàn rồi! – Bà Pelletier nói và lại cắm cúi ăn.
Khi Woody nghe chuyện, giận dữ nói:
- Sao mụ ta dám cả gan làm việc đó? - Gã cầm lấy tay Peggy. - Lần sau em nhớ hỏi anh trước khi định làm một việc như vậy. Phải được mời tới dự bữa trưa.
- Em đâu có ngờ, - Peggy rầu rĩ nói.
- Thôi, không sao đâu. Tối nay chúng ta sẽ tới dự tiệc ở nhà hàng Blakes, và anh muốn…
- Em chẳng đi đâu.
- Chúng ta đã nhận lời mời rồi mà.
- Anh hãy đi một mình thôi.
- Anh không muốn đi mà không có em.
- Em chẳng đi đâu.
Thì gã đi ăn tiệc một mình. Từ đấy, mỗi khi đi nhậu nhẹt ở đâu gã chẳng mang theo Peggy nữa.
Gã có thể về nhà vào bất cứ giờ nào, và Peggy tin là gã đã ngủ với những người đàn bà khác.
***
Cú tai nạn đã khiến mọi thứ đổi thay.
Woody đang chơi ở vị trí số một. Một cầu thủ đối phương cố đánh quả bóng ở một ô gần và vô tình phang vào chân ngựa Woody. Con ngựa đổ nhào xuống và lăn trọn một vòng lên người gã. Tiếp theo đó con ngựa thứ hai hoảng sợ đã đá liên tiếp vào Woody. Tại phòng cấp cứu, các bác sĩ chẩn đoán một chân gã bị gãy, ba cái xương sườn bị rạn và một lá phổi bị thủng.
Trong hai tuần tiếp theo, có ba cuộc phẫu thuật liên tiếp xảy ra, và Woody đau đớn cùng cực. Các bác sĩ phải cho gã uống morphin để làm dịu cơn đau. Peggy tới thăm gã hàng ngày. Hoop từ New York bay tới để động viên em gái.
Nỗi đau thể xác của Woody dường như không thể chịu nổi, và lối thoát duy nhất là xài thứ thuốc giảm đau mà các bác sĩ không ngớt kê cho gã. Trở về nhà, Woody bỗng trở chứng. Tâm trạng của gã thay đổi không biết đâu mà lưởng. Mới phút trước gã còn sôi nổi là thế, phút sau đã nổi giận đùng đùng hoặc ngược lại, trầm uất. Vào bữa tối, đang cười đùa bỗng dưng Woody sừng sộ mà mắng mỏ Peggy không tiếc lời. Nhiều khi đang nói dở câu thì gã quên mất ý định đó. Gã trở nên đãng trí. Gã hẹn người ta rồi quên; gã mời người ta tới nhà chơi rồi không có mặt khi khách tới. Ai cũng lấy làm lo ngại cho gã.
Rồi gã làm nhục Peggy ngay trước mặt mọi người.
Một buổi sáng, khi pha cà phê cho Woody, cô làm tràn ra vài giọt và Woody mỉa. "Một thời làm bồi bàn thì mãi vẫn là bồi bàn thôi".
Rồi gã đánh đập khiến mặt mày Peggy sưng tím.
Khi người ta hỏi có chuyện gì thì Peggy nói thác rằng cô va vào cửa hoặc bị ngã. Đến lượt người ta thấy thương hại cho Peggy. Song khi Woody có sinh sự với ai đó thì Peggy nhất mực đứng ra bênh cho chồng.
Woody đang mắc chứng bệnh căng thẳng thần kinh trầm trọng. Anh ấy không là anh ấy nữa!
Mãi sau bác sĩ Tichner mới đưa chuyện của Wool ra ánh sáng. Một ngày ông gọi Peggy tới vẫn của mình.
Peggy lo lắng hỏi:
- Có chuyện gì vậy, thưa bác sĩ?
Ông nhìn cô một lúc. Gò má cô thâm tím, còn mắt thì sưng húp
- Peggy, cô biết là Woody đã nghiện ma tuý không?
Peggy quắc măt lên, nói:
- Không. Tôi không tin! - Cô đứng bật dậy - Tôi sẽ không cho phép ông nói đâu!
Ngồi xuống đi, Peggy! Đã đến lúc cô phải nhìn thẳng vào sự thật. Giờ ai cũng đã biết chuyện rồi. Tôi tin cô nhận ra những sự thất thường gần đây của anh ta. Anh ta có thể đang rất lạc quan về thế giới, nhìn gì cũng thấy đáng yêu, và ngay sau đó thì chán nán như người sắp tự tử vậy.
Peggy nghe ông bác sĩ nói mà tái mặt:
- Anh ta nghiện rồi!
Peggy bậm môi:
- Không, Wood không thể nghiện ma tuý được!
- Đấy là sự thật. Cô phải thực tế mới được. Cô không muốn giúp anh ta sao?
- Dĩ nhiên là tôi muốn rồi. Tôi sẽ làm tất cả để giúp anh ấy. Bất cứ việc gì!
- Tốt lắm! Vậy chúng ta hãy bắt đầu Tôi muốn cô giúp tôi đưa Woody đến một trại cai nghiện Tôi đã yêu cầu chồng cô tới gặp tôi.
Peggy nhìn ông bác sĩ một lúc lâu, rồi gật đầu:
- Tôi sẽ nói chuyện với anh ấy! - cô khẽ nói.
Chiều hôm đó, Woody tới văn phòng của bác sĩ Tichner lúc gã đang phê.
- Ông muốn gặp tôi há, bác sĩ? Về chuyện Peggy có phải không?
- Không. Về anh đấy, Woody.
Woody ngạc nhiên nhìn ông:
- Về tôi ấy à? Vấn để của tôi là gi vậy?
- Tôi nghĩ anh hiểu mình có vấn đề gì rồi?
- Ông đang nói gì tôi không hiểu.
- Nếu anh cứ tiếp diễn như vậy thì anh sẽ huỷ hoại cả cuộc đời mình lẫn cuộc đời của Peggy. Anh đang xài gì đấy, Woody?
- Xài ấy à?
- Anh nghe tôi hỏi rồi đấy.
Có một khoảng trống im lặng dài.
- Tôi muốn giúp anh.
Woody ngồi ngây ra nhìn sàn nhà. Khi gã lên tiếng thì giọng đã khàn cả lại.
- Ông nói đúng. Tôi… tôi đã tự lừa dối mình, song không thể làm thế mãi được.
- Anh đã xài đến gì rồi?
- Bạch phiến.
- Chúa ơi!
- Hãy tin tôi, tôi đã cố bỏ, nhưng… không bỏ nổi.
- Anh cần được giúp đỡ, và có những nơi anh có thể nhận được sự giúp đỡ đó.
Woody yếu ớt nói:
- Có Chúa chứng giám là tôi thấy anh nói đúng.
- Tôi muốn anh đến trung tâm cai nghiện ở bên Jupiter.
Woody do dự một thoáng. "Vâng".
- Ai cung cấp bạch phiến cho anh đấy?
Woody lắc đầu:
- Riêng về điều nầy thì tôi không thể nói ra được.
- Không sao. Tôi sẽ thu xếp thủ tục cho anh vào nơi đó.
Bác sĩ Tichner gặp ngay cảnh sát trưởng vào sáng hôm sau.
- Có kẻ cung cấp bạch phiến cho Woody. Song anh ta từ chối không tiết lộ tên kẻ đó.
Cảnh sát trưởng Murphy nhìn bác sĩ Tichner, gật đầu Tôi bắt đầu hình dung ra kẻ đó là ai rồi.
Có vài đối tượng nghi vấn. Hobe Sound bé như lòng bàn tay nên mọi người đều biết nhau và nghề nghiệp của nhau.
***
Một cửa hàng rượu mới mở trên Bridge Road, cung cấp rượu cho Hobe Sound hai bốn giờ trong ngày.
Một bác sĩ ở một phòng khám đa khoa địa phương bị phạt vì kê quá nhiều đơn thuốc ma tuý.
Có tin đồn ông huấn luyện viên một phòng tập mở năm ngoái ở phía bên kia eo biển xài ma tuý và có hàng bán cho khách quen.
Song cảnh sát trưởng Murphy có một đối tượng nghi vấn khác ở trong đầu…
Tony Benedotti làm thợ vườn cho nhiều gia đình ở Hobe Sound đã nhiều năm nay. Ông ta nghiên cứu làm vườn và rất ham mê với việc tạo nên những khu vườn đẹp Những vườn cây và thảm cỏ của ông ta bao giờ cũng đẹp nhất Hobe Sound. Benedotti sống lặng lẽ và kín đáo nên những người chủ vuờn biết rất ít về ông ta. Có vẻ như ông ta được giáo dục quá tốt để làm nghề thợ vườn, và người ta nghi ngờ quá khứ của con người ấy.
Murphy cho mời ông ta đến.
- Nếu về chuyện bằng lái của tôi thì tôi đã làm lại nó rồi! - Benedotti nói:
- Ngồi xuống - Murphy ra lệnh
- Có chuyện gì trục trặc về tôi hay sao?
- Phải. Ông là người có học, đúng không?
- Đúng…
Viên cánh sát ngả người ra ghế:
- Vậy 1ý do gì ông lại phải làm nghề thợ vưòn?
- Đấy là do tình yên thiên nhiên của tôi thôi!
- Ngoài thiên nhiên ra ông còn yêu gì nữa?
- Tôi không hiểu ý ông?
- Ông làm vườn đã bao nhiêu năm rồi?
Benedotti nhìn cảnh sát trưởng, bối rối:
- Có khách hàng phàn nàn tôi chăng?
- Cứ trả lời câu hỏi đi
- Gần mười lăm năm.
- Ông có một căn nhà đẹp và môt cái thuyền buồm?
- Vâng!
- Nếu làm nghề thợ vườn thì ông lấy đâu ra tiền mua những thứ đó?
- Căn nhà đó nhỏ, còn cái thuyền thì cũng chẳng lớn lắm đâu!
- Biết đâu ông còn những nguồn thu nhập khác?
- Ông muốn nói…
- Ông đang làm vườn cho một số người ở Miami có đúng không?
- Đúng.
- Vùng đó nhiều dân Italia lắm. Đã bao giờ ông giúp họ làm một cái gì đó chưa?
- Cụ thể là gì?
- Tỉ dụ như tiêu thụ ma tuý chẳng hạn…
Benedotti kinh hoàng nhìn cảnh sát.
- Lạy Chúa… Không đâu!
Murphy nhồm người lên trước:
- Nghe đấy nhé, Benedotti. Tôi theo dõi ông đã từ lâu rồi, tôi cũng đã nói chuyện với một vài người từng thuê ông làm vườn: Họ không muốn muốn ông và những thằng bạn mafia của ông lảng vảng ở mảnh đất nầy nữa! Rõ chưa?
Benedotti nhắm nghiền mắt lại một lúc rồi mở ra:
- Rõ cả!
***
Woody Stanford điều trị ở trại cai nghiện được ba tuần thì trở về nhà. Người ta gặp lại một Woody của ngày trước, vui tươi, yêu đời và ham sống. Gã trở lại sân polo cưỡi những con ngựa của Mimi Carson.
Chủ nhật đó người ta kỷ niệm lần thứ mười chín ngày thành lập Câu lạc bộ Polo và Đồng quê Palm Beach.
Đại lộ Sound Shore tấp nập người xe của ba ngàn cổ động viên đổ về sân polo. Một số cầu thủ xuất sắc nhất thế giới cũng sẽ tới tham dự trận đấu.
Peggy ngồi cạnh Mimi Carson như một khách mời của Mimi.
- Woody bảo tớ đây là lần đầu tiên cậu xem một trận polo. Sao, từ trước tới giờ cậu không hề tới đây à? - Mimi hỏi.
Peggy bậm môi:
- Tớ… tớ đoán là tớ luôn căng thẳng mỗi khi xem Woody chơi. Tớ không muốn anh ấy lại bị thương lần nữa. Đây là một môn thể thao nguy hiểm, đúng không?
Mimi trầm ngâm nói:
- Đúng đấy. Khi có tám cầu thủ, mỗi người nặng tám chục kí, củng với tám con ngựa, mỗi con nặng bốn trăm kí phi như điên vào nhau trên cự li ba trăm mét với tốc độ tám chục cây số mỗi giờ thì đúng là tai nạn có thể xảy ra, Peggy run lẩy bẩy:
- Nếu có chuyện gì xảy ra với Woody thì tôi chết mất. Tôi đang điên lên vì lo cho anh ấy.
Mimi dịu dàng động viên:
- Đừng lo. Anh ấy là một trong những cầu thủ xuất sắc nhất. Hector Barrantas là thầy dạy của anh ấy, cậu biết rồi.
Peggy ngây ra nhìn Mimi.
- Ai cơ?
- Ông ta là cầu thủ mười bàn. Một trong những huyền thoại của môn polo đấy.
- Ra thế.
Đám đông rộ lên khi đoàn kỵ sĩ phi ngựa chéo qua sân.
- Người ta đang làm gì thế? - Peggy hỏi.
- Họ đã khỏi động xong và sẵn sàng vào cuộc.
Trên sân, hai đội đang sắp hàng dưới cái nắng Florida chói chang, chờ đón trọng tài tung bóng vào cuộc.
Woody trông thật yêng hùng với nước da sạm nắng và tư thế sẵn sàng vào trận. Peggy vẫy tay với gã và gửi gã một cái hôn gió.
Hai đội đã xếp hàng cạnh nhau. Các cấu thủ hạ tay vờ chờ tranh bóng.
- Cuộc chơi thường có sáu hiệp! - Mimi Carson giải thích với Peggy - Mỗi hiệp dài bảy phút. Hiệp kết thúc khi có tiếng chuông rung. Sau đấy là một vài phút gỉải lao ngắn ngủi. Mỗi hiệp các cầu thủ thay ngựa một lần. Độỉ nào ghi nhiều bàn hơn thì thắng
- Ra thế!
Mimi thẩm hỏi không biết Peggy hiểu được bao nhiêu những điều cô vừa giải thích
Trên sân, cảc cầu thủ dán mắt vào trọng tài, chờ quả bóng được tung ra Người trọng tài nhìn qua đám đông một lượt rồi bỗng tung quả bóng bằng nhựa trắng vào giữa hai hàng cầu thủ. Cuộc chơi bắt đầu.
Wood cướp được bóng đầu tiên và tiu mạnh phía khung thành. Một cầu thủ đối phương phi ngựa nước đại đuổi theo quả bóng. Woody rượt theo và móc lấy vồ cầu thủ đối phương, ngăn không cho anh ta đánh bóng.
- Tại sao Woody lại làm như thế - Peggy hỏi.
Mimi giải thích:
- Khi đối phưỏng có bóng, mình được phép móc vồ của anh ta, ngăn không cho anh ta ban bóng hoặc ghi bàn. Woody sẽ đánh bóng về phía khung thành thay vì giữ bóng.
Tốc độ trận bóng nhanh chóng mặt.
Có tiếng kêu, "Trung lộ…"
- Biên.
- Bỏ bóng lại…
Các cầu thủ phi ngựa vèo vèo. Trong một trận polo, con ngựa tốt đóng góp bảy mươi phần trăm chiến thắng. Ngựa phải nhanh, có bản năng polo và hiểu được ý chủ.
Woody là ngôi sao sáng trên sân trong ba hiệp đầu.
Gã ghi được hai điểm mỗi hiệp và được khán giả hò reo tán thưởng. Ở đâu cũng thấy cây vồ của gã tung hoành. Lại là Woody Stanford của ngày trước, cưỡi ngựa truy phong, không biết sợ là gì. Sang cuối hiệp năm, đội của Woody đã dẫn rất xa. Các cầu thủ ra sân nghỉ giải lao ít phút.
Lúc đi qua trước hàng ghế của Peggy và Mimi, Woody nhoẻn cười với họ.
Peggy quay sang Mimi, sung sướng thốt lên.
- Trông anh ấy mới tuyệt làm sao?
Mimi nhìn Peggy.
Đúng. Anh ấy trông thật tuyệt trên mọi phương diện.
Đồng đội của Woody chúc mừng gã:
- Cậu lấy lại được phong độ rồi. Cừ lắm.
- Một trận giòn giã.
- Cám ơn.
- Chúng ta sẽ lại ra sân và giã thêm cho chúng một chập nữa. Chúng hoàn toàn mất hết cơ hội rồi.
Woody cười hết cỡ: "Không có vấn đề gì".
Gã nhìn đồng đội ra sân, và bỗng nhiên gã cảm thấy kiệt sức. Mình đã chơi hăng quá. Thực ra thì thể lực của mình chưa hồi phục hoàn toàn. Mình khó mà theo nổi đến hết trận. Nếu mình ra sân lúc nầy thì chỉ lám trò cười cho khán giả thôi. Gã hoảng sợ thật sự, ngực đập như trống chầu. Cái mình cần lúc nầy là chút xíu Pick-me-up (tên một loại thuốc kích thích) Không! Mình sẽ không làm như vậy. Mình không thể. Mình đã thề rồi. Nhưng cả đội đang chờ mình. Mình chỉ làm lần nầy nữa thôi, quyết không lặp lại nữa! Thề có Chúa, đây là lần cuối cùng.
Gã ra xe và mở cốp. Lúc bước ra sân, Woody lúng búng nói một mình, còn ánh mắt thì lại quắc lên như ngây dại. Gã vẫy tay với đám đông rồi hoà vào đội hình đang chờ. Ta thậm chí không cần cả một đội làm gì. Mình ta đủ sức cho cả đám ăn đủ thì thôi. Ta là tay chơi số một thế giới. Woody khúc khích cười thầm
Tai nạn xảy ra trong hiệp thứ sáu, mặc dầu sau nầy có người khăng khăng cho rằng không xảy ra một tai nạn nào hết.
Đàn ngựa đang quấn lại với nhau, cùng phi về phía khung thành, và Woody đang có bóng. Qua khoé mắt gã thấy một cầu thủ đối phương đang phi đến gần.
Gă khéo léo chuyển quả bóng ra phía sau ngựa. Cầu thủ khá nhất trong đội đối phương, Rick Hamilton, cướp được và phi về phía khung thành. Woody tức tốc đuổi theo. Gã cố gài vồ của Hamilton song trượt. Đàn ngựa đã tới rất gần khung thành. Woody cố gắng giành lại bóng, song không thể làm nổi.
Hamilton đã gần khung thành lắm rồi, và trong cơn tuyệt vọng, Woody bèn kè ngựa của mình vào ngựa anh ta để hất bằng được quả bóng ra. Hamilton cùng ngựa ngã sóng soài ra đất. Đám đông nhất loạt đứng lên la ó. Trọng tài tức giận nổi còi và giơ tay lên.
Luật polo không cho phép cắt ngang đường phi của ngựa đối thủ khi đối thủ đang có bóng và đang phi về phía khung thành. Cầu thế nào phạm lỗi nầy thường gây nguy hiểm cho đối phương.
Cuộc chơi dừng lại Trọng tài tiến lại chỗ Woody, giọng phẫn nộ.
- Đây là nỗi cố ý gây nguy hiểm, anh Stanford.
Woody cười chống chế:
- Không phải là lỗi do tôi đâu, mà do con ngựa còi của anh ta đấy chứ…
- Đội phạm lỗi sẽ phải chịu phạt đền.
Hiệp đấu trở thành một thảm hoạ. Trong vòng có ba phút Woody đã phạm thêm hai lỗi nguy hiểm nữa. Các cú phạt đền mang lại cho đội kia thêm hai bàn thắng. Còn ba mươi giây cuối cùng, đối phương đã ghi được bàn quyết định. Từ trên đỉnh cao của thượng phong, đội của Woody bị đánh tơi bời và chịu một thất bại quá ư cay đắng.
Trên hàng ghế khán giả, Mimi ngồi chết lặng đi trước sự thay đổi đột ngột của cục diện trận đấu.
Peggy rụt rè nói:
- Đội Woody chơi không ổn lắm, đúng không?
- Đúng đấy, Peggy. Tôi e là rất tồi đấy.
Một tiếp viên tiến tới chỗ hai người:
- Cô Carson, tôi muốn nói riêng với cô một chuyện không biết có được không?
Mimi xin lỗi Peggy và đi ra với người tiếp viên.
Peggy nhìn theo hai người.
Sau khi trận đấu kết thúc, một không khí tang tóc trùm lên đội của Woody.
Woody thấy nhục nhá quá, không dám nhìn đồng đội nữa. Vừa lúc đó Mimi hớt hải chạy tới:
- Woody, em xin lỗi phải báo cho anh một cái tin khủng khiếp. - Cô đặt tay lên vai gã. - Bố anh mất rồi.
Woody ngẩng nhìn Mimi và lắc đầu quầy quậy.
Gã bắt đầu nấc lên.
- Anh, anh phải chịu trách nhiệm. Tất cả… chỉ tại anh.
- Không. Anh không được đổ lỗi cho mình như vậy. Việc nầy không phải lỗi của anh đâu.
- Lỗi của anh, - Woody quát lên. - Nếu không vì mấy quả phạt đền do anh gây ra thì đội anh đã thắng trận nầy rồi.
 
CHƯƠNG 11 - SÁNG
Julia Stanford chưa bao giờ gặp mặt cha. Nay thì ông đã chết, co lại thành một hàng tít đen trên tờ Kansas City Star: NHÀ TÀI PHIỆT HARRY STANFORD CHẾT ĐUỐI NGOÀI KHƠI!
Nàng ngồi bất động nhìn vào trang nhất tờ báo với những dòng tình cảm lẫn lộn. Mình hận ông ấy đã đối xử tàn tệ với mẹ mình hay mình yêu ông ấy vì đấy là cha mình? Lìệu mình có lỗi vì đã không thử liên lạc với ông ấy dù chỉ một lần không, hay mình nên giận ông ấy vì đã khôngbao giờ tìm cách liên lạc với mình? ch.uyện ấy giờ đây chẳng còn ý nghĩa gì nữa. Ông ấy đã ra đi.
Cha nàng đã chết trong nàng suốt những năm qua, nay ông ta lại chết thêm một lần nữa khiến cho nàng không còn gì để nói. Tuy vậy, nàng vẫn cảm thấy mất mát một cách không lí giải được. Rõ là ngớ ngẩn!
Làm sao có thể thương nhớ một người mình chưa bao giờ gặp mặt được? Nàng nhìn lại bức ảnh trong tờ báo. Mình có chứa đựng cái gì của ông ấy không đấy.
Julia nhìn xoáy vào gương. Đôi mắt. Mắt mình cũng nâu và xám như mắt ông…
Nàng ngồi xuống mép gi.ường và mở cái hộp của mẹ ra. Trong hai tiếng liền nàng nhìn ngắm những kỷ vật trong đó. Có vô số ảnh của mẹ trong trang phục gia sư chụp chung với Harry Stanford và Emily Stanford cùng với ba đứa con của họ. Phần lớn ảnh đều được chụp trên du thuyền, ở biệt thự Rose Hill hoặc ở biệt thự Hobe Sound.
Julia cầm lên những mảnh cắt các bài báo đã úa màu thời gian về vụ scandal xảy ra từ bao nhiều năm trước ở Boston. Các hàng tít tuy đã phai màu song vẫn âm vang một cách rùng rợn:
TỔ ẤM TÌNH YÊU TRUỚC CUỒNG PHONG.
TỈ PHÚ HARRY STANFORD DÍNH SCANDAL.
VỢ NHÀ TÀI PHIỆT TỰ TỬ VÌ CÔ GIA SƯ.
ROSEMARY NELSON BIẾN MẤT.
Có hàng chục những cột báo viết đầy những chuyện ngồi lê đôi mách nhảm nhí.
Julia ngồi lặng yên, chìm trong suy tưởng.
Nàng sinh tạỉ bệnh viện St. Joseph ở Milwaukee.
Hồi ức về tuổi thơ ấu của nàng là một cuộc sống trong những căn hộ ổ chuột, chưa ấm chỗ ở thành phố nầy đã phải lên đường đến một thành phố khác.
Có những lúc mẹ nàng không còn một xu dính túi và thậm chí ăn còn chẳng đủ no. Bà ốm triền miên nên không tìm nổi một việc làm ổn định. Cô con gái bé nhỏ nhanh chóng nhận thấy tình cảnh nên chẳng bao giờ dám vòi mẹ quần áo mới hoặc đồ chơi.
Julia đến trường lúc lên năm. Bạn cùng lớp không ngớt chế giễu cô bé bởi ngày nào cô bé cũng chỉ mặc độc một bộ đồ tã. Khi bị bọn trẻ trêu chọc, Julia đánh lại. Cô bé có máu nổi loạn trong người nên thường xuyên bị đưa lên văn phòng hiệu trưởng để nghe khiển trách. Các thầy cô giáo không biết phải làm gì với Julia. Gần như lúc nào cô bé cũng có vấn đề. Đáng lẽ thì nhà trường đã đuổi học, song vì Julia là đứa trẻ học khá nhất lớp nên người ta còn nương tay.
Mẹ Julia nói với cô bé rằng cha nó đã chết, và Julia tin như vậy. Song khi lên mười hai, cô bé đã mở quyển album của mẹ ra xem và thấy một loạt ảnh mẹ mình chụp với những người lạ.
- Họ là những ai thế hả mẹ? - Julia hỏi.
Rosemary thấy Julia đã khôn lớn bèn quyết định nói cho con gái biết sự thật.
- Con ngồi xuống đây. - Bà nắm chặt lấy tay Julia. Không có cách gì tung cái tin ra êm thấm cả. - Họ là cha con, chị và hai anh trai cùng cha khác mẹ của con.
Julia nhìn bà bối rối:
- Con không hiểu.
Sự thật cuối cùng đã được nói ra và làm cô bé choáng váng. Cha nó vẫn còn sống! Và nó có một người chị và hai người anh. Việc nầy vượt ra ngoài sức tưởng tượng của nó.
- Sao… sao mẹ lại nói dối con?
Mẹ sợ con còn nhỏ quá nên không hiểu được chuyện. Mẹ và cha con… đã có một cuộc tình. Lúc đó ông ta đã có vợ. Tình thế buộc mẹ phải ra đi để giữ lấy con.
- Con căm thù ông ta!
Con không nên căm thù ông ta.
- Làm sao ông ta có thể làm một việc như vậy với mẹ? - Julia chất vấn.
- Thực ra thì cả mẹ lẫn ông ta đều có lỗi như nhau. - Mỗi từ bà thốt lên đều đau đớn như một nhát dao. - Cha con là một người đàn ông quá hấp dẫn, còn mẹ thời đó thì còn trẻ và nhẹ dạ quá. Mẹ biết cuộc tình đó sẽ chẳng dẫn đến đâu. Ông ta nói ông ta yêu mẹ… nhưng ông ta đã có gia đình. Và… và rồi mẹ có thai.
Bà cảm thấy khó mà kể tiếp câu chuyện.
- Một nhà báo chộp được mẩu tin đã tung ra trên tất cả các báo. Mẹ bỏ trốn. Mẹ dự tính sẽ quay lại với ông ta khi con ra đời, nhưng rồi vợ ông ta đã tự tử, và mẹ… mẹ không còn đủ can đảm để đối mặt với bọn trẻ nữa. Con thấy đấy, là lỗi của mẹ. Bời thế mẹ không oán trách ông ta.
Song còn một phần nữa của câu chuyện mà Rosemary không tiết lộ ra với con gái mình. Lúc đứa trẻ chào đời, hộ lí bệnh viện hỏi,
- Chúng tôi đang làm giấy khai sinh cho đưa bé. Tên nó là Julia Nelson?
Rosemary toan gật đầu thì nghĩ lại: Không! Nó là con gái của Harry Stanford. Nó phải được mang họ cha và được sự giúp đỡ của ông ta.
- Tên con gái tôi là Julia Stanford.
Bà gửi thư báo tin Julia ra đời cho Harry Stanford biết song đã không nhận được một lời phúc đáp nào.
Julia cảm thấy phấn kích khi biết mình cũng có một gia đình, tuy chưa được gặp bất cứ ai, và việc gia đình cô nổi tiếng đến mức được báo chí viết đến.
Cô tới thư viện và tìm mọi thông tin có thể có về Harry Stanford. Có cả chục bài viết về ông. Ông là một nhà tỉ phú, và ông sống trong một thế giới khác, cái thế giới mà Julia và mẹ nó không được phép bén mảng tới bao giờ.
Một ngày, khi bọn trẻ trong lớp chế giễu nó nghèo, Julia đã nói:
- Tao không nghèo! Cha tao là một trong những người giầu có nhất thế giới. Nhà tao có một cái du thuyền, một máy bay và hàng chục toà nhà đẹp.
Cô giáo nó nghe thấy.
- Julia, em đi lên đây.
Julia đi đến trước bàn cô giáo.
- Em không được nói dối như vậy.
- Em không nói dối, - Julia cãi lại. - Cha em là một nhà tỉ phú! Ông ấy quen biết các quốc vương và tổng thống!
Cô giáo nhìn Julia bé nhỏ và tiều tuỵ trong bộ quần áo bạc màu đứng trước mặt mình, nói:
- Julia, điều đó không phải là sự thật.
- Đó là sự thật, - Julia vẫn khăng khăng một cách bướng bỉnh.
Cô bé bị gọi lên phòng hiệu trưởng. Từ đó nó không bao giờ dám nhắc tới cha mình ở trường nữa.
Julia hiểu ra rằng lí do khiến mẹ nó không dám ổn định chỗ ở là vì bà sợ báo chí. Harry Stanford xuất hiện thường xuyên trên các phương tiện thông tin, và cùng với ông là những lời đồn đại mà báo chí có được về vụ scandal đã qua. Các phóng viên điều tra cuối cùng sẽ tìm thấy Rosemary Nelson, bởi thế cách duy nhất là bà phải cắp theo Julia chạy trước.
Julia đọc tất cả các bài báo viết về Harry Stanford, và mỗi lần như vậy cô bé lại muốn gọi điện cho ông.
Cô bé muốn tin rằng trong suốt những năm qua ông đã không ngớt tìm kiếm tung tích hai mẹ con. Mình sẽ gọi điện và nói: "Con gái của cha đây. Nếu cha muốn gặp mẹ và con…"
Và ông sẽ đến với cả tâm tình, rồi cưới mẹ nó, rồi mọi người lại sống với nhau hạnh phúc.
Julia Stanford lớn lên thành một cô gái đẹp. Nàng có mái tóc đen bóng mượt, cái miệng phóng khoáng, tươi cười đôi mắt như có ánh lân tinh và một thân hình với những đường cong mềm mại. Nhưng khi nàng nhoẻn cười thì người ta quên hết tất cả, chỉ còn đọng lại mỗi nụ cười của nàng thôi.
Vì hai mẹ con phải thay đổi chỗ ở thường xuyên nên Julia phải qua tới năm bang khác nhau mới học xong phổ thông trung học. Những dịp nghỉ hè nàng phải làm thêm tại các cửa hiệu hay ngồi bàn lễ tân ở các văn phòng. Nàng luôn là người tự lập.
Khi Julia tốt nghiệp đại học với học bổng thì hai mẹ con đang sống ở Kansas City. Nàng chưa biết phải làm gì với cuộc đời ở phía trước. Bạn bè, ngưỡng mộ trước sắc đẹp của nàng, khuyên nàng nên theo nghề điện ảnh để trở thành một minh tinh.
- Với nhan sắc và trí thông minh của cậu thì chỉ sau một đêm lả cậu thành ngôi sao?
Julia gạt bỏ ý tưởng đó và đùa:
- Có ai muốn sáng nào cũng phải dậy sớm đâu.
Song lí do thực khiến nàng không mấy hứng thú với nghề đó là khát vọng có một cuộc sống riêng kín, không bị quấy nhiều của nàng. Hai mẹ con chịu cái cảnh lang thang lưu lạc vì phải trốn tránh báo chí như vậy đã quá đủ.
Giấc mơ bố mẹ đoàn tụ của Julia chấm dứt khi mẹ nàng qua đời. Julia cảm thấy một nỗi mất mát không chịu đựng nổi. Cha mình phải biết chuyện nầy mới được, Julia nghĩ bụng. Mẹ là một phần của cuộc đời cha. Nàng giở danh bạ điện thoại và quay số máy văn phòng của ông ở Boston.
- Xin chào, đây là trụ sở của ông Stanford Enterpises.
Julia ngập ngừng.
- A lô, trụ sở của Stanford Enterprises đây. Tôi có thể giúp gì quí vị?
Julia chậm rãi bỏ máy xuống. Ở dưới suối vàng hẳn mẹ không muốn mình có cuộc gọi nầy.
Giờ đây nàng hoàn toàn cô độc. Nàng chẳng có ai trên đời nữa cả.
Julia an táng mẹ tại nghĩa địa Memonal Park ở Kansas City. Không có ai đi đưa tang ngoài nàng.
Julia đứng bên mộ mẹ và thầm nói với bà: Mẹ ơi như thế nầy thật bất công cho mẹ quá. Mẹ đã chỉ phạm một sai lầm song phải trả giá cho nó suốt cả cuộc đời. Con chỉ mong gánh chịu giúp mẹ được một phần nỗi đau. Con yêu mẹ nhiều lắm, mẹ ạ. Và con sẽ yêu mẹ suốt đời. Tất cả những gì bà mẹ quá cố đã để lại là một hộp đựng đầy những bức ảnh và những mảnh báo cắt đã phai mầu.
Khi mẹ đã ra đi, ý nghĩ của Julia hướng về gia đình Stanford ngày một nhiều hơn. Họ giầu. Nàng có thể tìm đến họ để được giúp đỡ. Không bao giờ, nàng cương quyết gạt ý định đó ra. Không thể làm như vậy khi Harry Stanford đã đối xử với mẹ mình bạc bẽo thế kia.
Nhưng nàng phải kiếm sống. Nàng đối mặt với sự lựa chọn con đường công danh, sự nghiệp. Hay mình làm một nhà phẫu thuật não?
Một hoạ sĩ chăng?
Hay một ca sĩ opera?
Một nhà vật lí?
Một nhà du hành vũ trụ?
Nàng bèn đi học thêm khoá đào tạo thư kí ở một trường cao đẳng của Kansas City. Một ngày sau khi nhận chứng chỉ khoá học, nàng tìm đến một đại lí giới thiệu việc làm. Có hơn một chục ứng viên đang chờ. Ngồi cạnh Julia là một cô gái đẹp, trạc tuổi nàng.
- Chào cậu. Tớ là Sally Connos.
- Julia Stanford.
- Tớ phải kiếm được việc làm trong ngày hôm nay, - Sally rên rỉ nói. - Tớ bị tống cổ khỏi căn hộ đang thuê rồi.
Julia nghe tiếng người ta gọi tên mình.
- May mắn nhé!- Sally nói.
- Cám ơn.
Nàng bước vào văn phòng bà giám đốc.
- Mời cô ngồi. Cô khai trong hồ sơ xin việc rằng cô có học vấn đại học và một vài kinh nghiệm làm việc trong các dịp nghỉ hè. Và cô được trường thư kí đánh máy đánh giá rất cao. - Bà nhìn tập hồ sơ trên bàn. - Cô có thể tốc kí chín mười từ một phút và đánh máy sáu mươi từ một phút?
- Vâng, thưa bà.
- Tôi có thể giới thiệu việc làm ngay cho cô đấy. Có một hãng kiến trúc nhỏ đang tìm một thư kí. Nhưng lương thì không được cao lắm, tôi e là thế.
- Không sao, - Julia đáp ngay.
- Tốt lắm. Tôi sẽ giới thiệu cô tới đó. Họ sẽ phỏng vấn cô vào trưa mai.
Julia cười sung sướng. "Rất cảm ơn bà".
Nàng vừa ra thì Sally được gọi vào.
- Tớ hy vọng cậu sẽ được một cái gì đó, - Julia nói.
- Cảm ơn.
Như một thứ bản năng, Julia quyết định nán lại chờ Sally. Chừng chục phút sau thì Sally bước ra, toét miệng cười.
- Tớ đã được thẩm vấn. Bà ta đã gọi điện thoại, và tớ sẽ vào làm nhân viên tiếp tân cho Công ty Bảo hiểm đầu tư Mỹ từ ngày mai. Cậu thế nào?
- Ngày mai tớ mới biết.
- Tớ tin cậu sẽ được nhận. Chúng ta cùng đi ăn trưa mừng có việc làm đi.
- Tuyệt lắm.
Trong bữa trưa hôm đó, hai cô gái trò chuyện và tình bạn giữa họ hình thành tức thì.
- Tớ tìm được một căn hộ ở Overland Park,- Sally nói. - Căn hộ có hai buồng ngủ, một phòng tắm, một bếp và một phòng khách. Nó đẹp. Song mình tớ thì khó mà đủ tiền thuê, nếu như hai chúng ta hợp lại…
Julia nhoẻn cười:
- Tớ khoái ý tưởng của cậu rồi đấy. - Nàng búng ngón tay đánh tróc. - Nếu tớ được nhận vào làm việc.
- Cậu sẽ được nhận, - Sally đoán chắc.
Trên đường tới văn phòng công ty Peters, Eastman & Tolkin, Julia nghĩ, Đây có thể là cơ hội lớn, chứ không chỉ là một việc làm đơn thuần Nó có thể dẫn mình tới bất cứ đâu. Mình sẽ được làm việc với các kiến trúc sư. Những người mơ mộng nầy đang xây dựng và hình thành những toà nhà chọc trời, tạo nên những điều kỳ diệu từ những phiến đá. Có thể mình sẽ nghiên cứu khoa học kiến trúc để có thể giúp họ và làm một bộ phận cấu thành trong những giấc mơ của họ.
***
Văn phòng công ty nằm trong một toà nhà cũ trên đại lộ Amour. Julia bắt thang máy lên tầng ba và dừng lại trước một cánh cửa đề PETERS, EASTMAN & TOLKIN, KIẾN TRÚC SƯ. Nàng hít một hơi sâu để giữ bình tĩnh rồi mới bước vào.
Ba người đàn ông đang ngồi chờ nàng trong phòng tiếp tân, chăm chú nhìn nàng đi đến.
- Cô tới để xin làm thư kí có phải không?
- Vâng, thưa các ông.
- Tôi là Al Peters. - ông nói.
- Tôi là Bob Eastman. - ông để tóc đuôi ngựa.
- Tôi là Max Tolkin. - ông bụng bự.
Bọn họ đều trạc bốn mươi.
- Chúng tôi hiểu đây là việc thư kí đầu tiên của cô - Al Peters nói.
- Đúng thế ạ, - Julia đáp, rồi mau miệng nói thêm. - Nhưng tôi có thể học rất nhanh. Tôi sẽ làm việc chăm chỉ. - Nàng quyết định chưa nói ý đồ theo học một trường kiến trúc ra vội. Nàng sẽ chờ cho đến khi họ đã biết được năng lực của nàng.
- Tốt lắm. Chúng tôi sẽ thử thách cô, - Bob Eastman nói, - để xem cô làm việc thế nào.
Julia cảm thấy phấn chấn.
- Ô, cám ơn các ông! Tôi sẽ không…
- Về lương, - Max Tolkin nói, - tôi e sẽ không thể trả cho cô được nhiều trong thời gian đầu.
- Cũng được, - Julia nói, - Tôi…
- Ba trăm một tuần, - Al Peters nói.
Họ nói đúng. Một đồng lương như vậy là quá ít ỏi.
Julia lập tức quyết định:
- Tôi chấp nhận công việc.
Ba người nhìn nhau và cùng mỉm cười.
- Tuyệt! - Al Peters thốt lên. - Để tôi đưa cô đi tham quan một vòng.
Chuyến tham quan chỉ kéo dài có vài giây. Có một phòng tiếp tân và ba phòng làm việc nhỏ bài trí như trụ sở của một đội quân cứu tế. Bồn rửa để ngoài hành lang. Cả ba đều là kiến trúc sư, song Al Peters làm kinh doanh, Bob Eastman làm bán hàng, còn Max Tolkin làm kỹ thuật công trình.
- Cô sẽ làm cho cả ba chúng tôi, - Peters nói với nàng.
- Vâng. - Julia hiểu nàng sẽ trở nên không thể thiếu được đối với họ.
Al Peters nhìn đồng hồ.
- Đã mười hai rưỡi. Chúng ta ăn trưa chứ?
Julia cảm thấy lâng lâng. Nàng đã chính thức vào đội hình của họ. Họ đang mời mình ăn trưa.
Anh ta quay sang Julia:
- Dưới nhà có một cửa hàng bán đồ ăn. Tôi sẽ dùng Sandwich thịt bò muối, mạch đen và sa lát khoai tây.
Tolkin nói:
- Tôi sẽ dùng Sandwich pastarami và súp gà.
Bob Eastman nói:
- Tôi sẽ dùng tôm hùm nướng và nước ngọt.
- Ồ nhớ là thịt bò muối phải lẳn nhé, - Al Peters bảo nàng.
- Vâng, thịt bò muối lẳn.
- Nhớ là súp phải nóng đấy. - Tolikin dặn.
- Vâng, súp nóng.
- Nước ngọt là cola ăn kiêng nhé.
- Vâng, cola ăn kiêng.
- Tiền đây, - Peters đưa cho nàng một tờ hai mươi đô la.
Mưởi phút sau Julia đã có mặt ở cửa hàng đồ ăn, nêu thực đơn của mình cho người đàn ông đứng sau quầy:
- Tôi mua một sandwich thịt bò muối và mạch đen, một sa lát khoai tây, một bánh sandwich pastarami, một súp gà thật nóng, một tôm hùm nướng và cô la ăn kiêng.
Người bán hàng gật đầu:
- Cô làm việc cho Peters, Eastman, & Tolkin hả?
***
Tuần sau Julia và Sally chuyển tới sống tại căn hộ đường Overland Park. Nhìn căn hộ tuyềnh toàng Julia thầm nghĩ: người ta sẽ không nhầm căn hộ nầy với khách sạn Ritz.
- Chúng ta sẽ thay nhau nấu nướng, - Sally đề nghị.
- Tốt thôi.
Sally nấu bữa đầu tiên và nấu rất ngon.
Tối hôm sau đến lượt Julia. Sally nếm một thìa và nói:
- Julia, tớ chưa mua bảo hiểm sinh mạng đâu. Sao cậu không để tớ làm bữa còn cậu thì giặt giũ và lau nhà cửa?
Hai cô gái cùng phòng sống với nhau rất hoà thuận, vào dịp nghỉ cuối tuần, họ thường đi xem phim ở GlenWood 4, mua sắm ở Bannister Mall. Họ mua quần áo ở cửa hàng bán đồ hạ giá Super Flea Discount House. Mỗi tuần một lần, họ đi ăn tối ở một nhà hàng rẻ tiền - Stephenson s Ole Apple Farm hay Cafe Max. Khi trong túi họ xông xênh, họ có thể đến Charhe Charlie nghe nhạc Jazz.
Julia thích công việc ở Peters, Eastman, & Tolkin lắm. Nói họ đang làm ăn khó khăn là đánh giá ba người đàn ông hơi thấp. Họ có ít khách hàng. Julia có cảm giác nàng đã không làm được gì nhiều giúp họ xây nên những toà nhà chọc trời, nhưng nàng thích được làm việc gần gũi với ba ông chủ đó. Mỗi khi có khó khăn gì họ đều thổ lộ với nàng. Với bản tính nhanh nhẹn, chỉ mấy ngày sau khi vào làm việc nàng đã tổ chức lại văn phòng một cách gọn gàng và khoa học.
Julia quyết định phải làm một việc gì đó để lôi kéo thêm khách hàng cho công ty. Nhưng bằng cách nào? Và nàng đã nhanh chóng tìm ra lời giải đáp.
Báo Kansas City Star vừa đăng tin về một bữa tiệc trưa dành cho một hội các thư kí điều hành. Thư kí hội là bà Susan Bandy.
Trưa hôm sau Julia nói với Peters:
- Chiều nay tôi có thể về muộn một chút.
- Không sao, Julia, - Al Peters nói và nghĩ họ đã may mắn khi có được nàng.
Julia tới Plaza Inn và đi thẳng vào phòng tiếp tân, nơi tiệc trưa đang diễn ra. Người đàn bà ngồi kề cửa sổ nói:
- Tôi có thể giúp gì cô?
- Vâng. Tôi tới đây để dự bữa tiệc trưa của hội thư kí điều hành.
- Tên cô là gì?
- Julia Stanford.
Người dàn bà nhìn danh sách trước mặt:
- Tôi e là không thấy tên cô…
Julia mỉm cười:
- Cũng như Susan ấy mà. Tôi có chuyện muốn nói với bà ta. Tôi là thư kí điều hành của Peters, Eastman, & Tolkin.
Người đàn bà do dự.
- Bà đừng lo. Tôi chỉ muốn vào gặp Susan một lát, rồi đi ngay thôi mà.
Trong phòng ăn là một nhóm phụ nữ ăn mặc đẹp đang trò chuyện rôm rả. Julia Stanford đi đến gần:
- Xin lỗi, tôi muốn hỏi ai là Susan Bandy?
- Bà ta ở đăng kia kỳa, - cô ta chỉ tay vào một người đàn bà lộng lẫy ở tuổi bốn mươi.
Julia đến chỗ bà ta:
- Chào. Tôi là Julia Stanford.
- Chào cô.
- Tôi làm cho Peters, Eastman, & Tolkin. Tôi tin là bà đã nghe tên công ty nầy.
- À, tôi… - Họ là hãng kiến trúc tăng trường nhanh nhất ở Kansas City.
- Tôi hiểu.
- Tôi thực không có nhiều thời gian, nhưng tôi muốn đóng góp bất cứ cái gì có thể cho hiệp hội.
- Vậy thì tốt lắm. À, cô tên là…
- Stanford
Đấy là bước khởi đầu.
Hiệp hội thư kí điều hành đại diện cho các công ty hàng đầu ở Kansas City, và Julia trở thành một bộ phận của nó từ lúc nào không biết. Nàng ăn trưa với một hoặc vài thành viên chí ít mỗi tuần một lần.
- Công ty tôi sắp xây dựng một trụ sở mới ở Olathe.
Julia lập tức báo cáo về cho ba ông chủ của mình.
- Ông Hanley muốn xây dựng một nhà nghỉ ở Tonganoxie.
Và trước khi ai đó kỵp hiểu xem chuyện gì đang xảy ra thì Peters, Eastman, & Tolki đã có hợp đồng.
Một hôm Bob Eastman gọi nàng vào và nói:
- Cô xứng đáng được tăng lương, Julia. Cô đã làm việc tốt không thể tưởng được. Cô là một thư kí tuyệt vời.
- Ông làm ơn giúp tôi một việc được không?
- Dĩ nhiên rồi.
- Hãy gọi tôi là thư kí điều hành. Như vậy tôi sẽ làm việc dễ dàng hơn với các công ty bạn.
Thỉnh thoảng Julia lại bắt gặp một bài báo viết về cha mình, hoặc thấy ông xuất hiện trên tivi. Tuy nhiên nàng chưa bao giờ cho Sally hay ba ông chủ của mình biết nàng là con gái Harry Stanford.
Ở tuổi mới lớn, một trong những mơ ước của Julia là vào một ngày nào đó nàng được một vị thần đưa ra khỏi Kansas tới một nơi huyền diệu, đầy những du thuyền, cung điện và máy bay riêng. Nhưng giờ đây khi nhận được tin về cái chết của cha, giấc mơ đó đã bị chôn vùi vĩnh viễn.
Mình không còn gia đình nữa rồi. Không, mình vẫn còn một gia đình. Mình có hai anh trai và một chị gái cùng cha khác mẹ. Họ là gia đình của mình. Mình có nên tới thăm họ không nhỉ? Phải chăng đây là một ý tưởng hay? Không biết khi gặp nhau mình và họ sẽ nghĩ thế nào về nhau nhỉ?
Quyết định của nàng hoá ra đã trở thành một vấn đề sống còn. Không chỉ với riêng nàng.
 
CHƯƠNG 12 - SÁNG
Đấy là cuộc tụ họp của một nhóm những người xa lạ Bao nhiêu năm rồi họ chẳng gặp mặt nhau hay liên lạc gì với nhau.
Thẩm phán Tyler Stanford về từ Boston bằng máy bay.
Kendall Stanford Renauld bay tới từ Paris. Marc Renauld đáp xe lửa từ New York.
Woody Stanford và Peggy đến bằng xe hơi từ Hobe Sound.
Gia quyến được thông báo rằng tang lễ sẽ cử hành tại nhà thờ King. Con phố trước cửa nhà thở được chặn lại, cảnh sát được bố trí để trông coi đám đông tụ tập ở bên ngoài xem lễ tang. Phó Tổng thống Mỹ cùng các thượng nghị sĩ, đại sứ và đại diện ngoại giao từ các nước xa xôi như Thổ Nhĩ Kỳ hoặc Ả-rập Xê-út cũng có mặt. Sinh thời, Harry Stanford đã toả một cái bóng khổng lồ lên trái đất và bởi thế, bảy trăm chỗ ngồi trong nhà thờ lúc nầy đều chật khách ngồi.
Tyler, Woody và Kendall, cùng với vợ, chồng họ gặp nhau trong phòng họp nhà thờ. Cuộc gặp thật miễn cưỡng và thiếu tự nhiên. Họ xa lạ nhau quá, và vật duy nhất họ có chung là cái xác của người cha đang nằm trong chiếc xe tang bên ngoài nhà thờ.
- Đây là chồng tôi, anh Marc, - Kendall giới thiệu.
- Đây là vợ tôi cô Peggy. Peggy à, đây là chị gái anh, Kendall, và anh trai anh, Tyler.
Họ trao nhau những cái chào xã giao, rồi đứng nguyên, vụng về nhìn nhau mà chẳng nói gì cho tới khi người phụ trách tang lễ đi vào.
- Xin lỗi quí vị, - Ông ta hối hả nói. - Tang lễ sắp sửa cử hành. Xin mời quí vị theo tôi.
- Ông ta dẫn nhóm người tới một phòng riêng trước cửa nhà thờ. Họ ngồi xuống và đợi, mỗỉ người theo đuổi một ý nghĩ riêng.
Tyler có một cảm giác xa lạ khi trở lại Boston. Hồi ức đẹp nhất còn lại trong y là cái thời mà cả mẹ lẫn Rosemary còn sống. Năm lên mười một, Tyler được xem bức hoạ nổi tiếng Thần Xa-tuya ăn sống con trai của Goya, và chẳng hiểu sao y luôn gán nó cho cha mình.
Còn bây giờ, nhìn chiếc quan tài đang được khiêng vào nhà thờ, Tyler thầm nhủ, Xa-tuya đã đi đời nhà ma.
Tao biết cái bí mật nhỏ bẩn thỉu của mày.
- Ông mục sư bước lên bục giảng kinh.
"Đức Chúa nói với bà, Ta là sự phục sinh và là cuộc sống, ai tin ở ta, dù đã chết cũng sẽ được phục sinh, và những ai sống và tin ở ta sẽ không bao giờ chết".
Woody đang phê. Gã đã xài một liều bạch phiến trước khi đến nhà thờ, và hiệu ứng của nó vẫn chưa tan hết. Gã liếc nhìn ông anh trai và bà chị. Tyler mập lên. Anh ấy trông giống một thẩm phán. Kendall xinh ra nhiều, nhưng hình như chị ta đang rất căng thẳng. Không biết có phải vì cái chết của cha không? Không phải. Chị ta hận bố chẳng kém gì mình. Gã nhìn vợ đang ngồi bên cạnh. Mình có lỗi chưa kỵp giới thiệu Peggy với ông già Nếu mình làm việc đó sớm thì có phải lão đã ngoẻo vì đau tim rồi không?
Ông mục sư vẫn nói:
"Như người cha thương yêu đứa con, Chúa cũng dành một tình thương như vậy cho những ai tôn kính Ngài. Bởi Ngài biết thân xác của chúng ta; Ngài nhớ chúng ta là cát bụi".
Kendall không nghe bài kinh. Nàng đang nghĩ tới bộ đồ mầu đỏ. Một buổi chiều, cha nàng gọi điện cho nàng về New York: "Vậy là mày đã thành một nhà tạo mốt lớn rồi đấy Ghê thật. Hãy để tao kiểm tra xem tay nghề mày tới đâu. Tao sẽ đưa cô bạn gái mới của tao đi dự một vũ hội từ thiện vào tối thứ bảy nầy. Số đo của cô ta như của mày đó. Tao muốn mày thiết kế cho cô ta một bộ đồ thật đẹp".
- Thứ bảy nầy ư, thưa cha? Không thể kỵp được. Con không thể…
- Mày sẽ làm như tao nói.
Và Kendall đã thiết kế một bộ quần áo xấu xí nhất mà nàng có thể nghĩ ra. Nó có một cái nơ con bướm tổ bố cùng một đống đăng ten, râu ria ở trước ngực. Mặc nó vào người ta trông như quái vật ngay. Nàng gửi nó cho cha. Mấy tiếng sau, cha nàng gọi tới:
- Tao đã nhận được bộ đồ. Nhưng thật tiếc là bạn gái tao có việc bận nên không thể đi vũ hội cùng tao vào thứ báy nầy được. Bởi thế, mày sẽ đi cùng tao tới đó và mặc bộ đồ mày đã thiết kế cho cô ấy!
- Không.
Rồi nàng nghe câu nói khủng khiếp đó:
- Mày không muốn làm cha thất vọng, đúng không?
Và nàng phải đi cùng ông tới buổi vũ hội ấy, không dám mặc cái gì khác ngoài bộ đồ ông đã chi định, và đấy là buổi tối nhục nhã nhất trong đời nàng.
"Bởi chúng ta không mang đến cho thế giới nầy cái gì nên chắc chắn cũng không thể mang theo cái gì đi khỏi nó. Chúa cho chúng ta và Chúa lấy đi, sáng danh Chúa đời đời!"
Peggy Stanford thấy bất tiện. Cái nhà thờ nầy tráng lệ quá, những người tham dự lễ tang trông sang trọng quá. Cô chưa tới Boston bao giờ, song trong tiềm thức thì Boston có nghĩa là thế giới của Stanford với tất cả những gì nguy nga, tráng lệ nhất. Những con người nầy trông cao quí hơn cô nhiều quá.
Cô nắm lấy tay chồng.
"Tất cả thịt da là cỏ dại, và tất cả nhung gì tinh tuý trong đó là hoa trái trên đồng… Cỏ sẽ tàn, hoa sẽ héo, songlời của Chúa thì vĩnh cửu".
Marc đang mải nghĩ về bức thư tống tiền mà vợ chàng vừa nhận được. Lời lẽ của bức thư đã được cân nhắc rất cẩn thận và viết rất khôn ngoan. Chịu, không thể phán đoán kẻ nào đứng đằng sau bức thư đó. Chàng nhìn Kendall, xanh xao và căng thẳng.
Nàng còn chịu được bao lâu nữa? Chàng thầm hỏi và xích lại gần vợ.
"Chúng ta sống trong tình thương và sự che chở của Chúa. Chúa ban phước lành cho chúng ta và gìn giữ chúng ta. Đức Chúa chiếu sáng chúng ta và bao dung với chúng ta. Đức Chúa cho chúng ta hoà bình, hôm nay và muốn đời. Amen".
Phần hành lễ kết thúc, và vị mục sư tuyên bố:
- Lễ an táng sẽ tiến hành trong nội bộ tang gia.
Tyler nhìn chiếc quan tài và nghĩ tới cái xác trong đó Đêm qua, trước khi đóng nắp quan tài, y đã tức tốc phi thẳng từ sân bay Quốc tế Boston tới nhà tang lễ
Y muốn nhìn tận mắt cái chết của cha y.
Woody theo dõi chiếc quan tải khi nó được khiêng ra khỏi nhà thở và diễu qua trước mặt những người đưa tang. Gã mỉm cười: Hãy trao cho người ta cái người ta muốn đi.
Lễ hạ huyệt tại nghĩa địa Mount Auburn ở Cambridge diễn ra rất chóng vánh. Gia quyến nhìn xác Harry Stanford được hạ từ từ xuống nơi an nghí cuối cùng, và khi những nắm đất đầu tiên được ném xuống, ông mục sư nói:
- Quí vị tang gia có thể trở về nhà nếu không muốn ở lại đây thêm nữa.
Woody gật đầu "Đúng". Hơi bạch phiến đã tan hết và gã bắt đầu cảm thấy bứt rứt.
- Chúng ta đi khỏi cái nơi khỉ gió nầy thôi.
Marc hỏi:
- Chúng ta đi đâu bây giờ?
Tyler quay ra nói với cả nhóm:
- Chúng ta sẽ ở tại Rose Hill. Mọi thứ đã được sắp đặt cả rồi. Chúng ta sẽ ở lại đó cho đến khi vấn đề phân chia tài sản được giải quyết xong.
Vài phút sau họ đã ngồi vào chiếc xe hòm lớn, đi về toà nhà.
Boston là thành phố có đẳng cấp rõ ràng. Những gia đình cực kỳ giầu có sống ở đại lộ Commomwealth, tầng lớp thượng lưu bậc trung sống ở phố Newbury.
Những gia đình có vị thế kém cỏi hơn thì sông ở phố Marlborough. Back Bay là địa chỉ mới nhất và có thanh thế nhất, song Beacon Hill mới là dinh luỹ của những gia đình lâu đời nhất và giầu có nhất.
Đấy là một sự pha trộn xa hoa giữa những toà nhà tháp kiểu Victoria với những nhà thờ cổ và những khu thương mại sầm uất.
Rose Hill, dinh cơ của nhà Stanford, là một toà biệt thự kiểu Vitoria mới xây trên một thửa đất rộng ba acrơ trên đồi Beacon. Bọn trẻ nhà Stanford lớn lên trong toà biệt thự đầy ắp những hồi ức kinh hoàng đó.
- Tôi không thể hình dùng nổi việc cha đang không có nhà chờ chúng ta, - Kendall nói.
Woody cười hết cỡ:
- Giờ nầy ông ta đang mải điều hành công việc ở địa ngục.
Tyler hít một hơi thật sâu:
- Vào thôi.
Mọi người vừa đi đến cửa tiền thì cánh cửa cũng lập tức mở ra và Clark, vị quản gia đang đứng chờ sẵn ở đó. Ông đã ngoài bảy mươi và đã làm quản gia cho nhà Stanford hơn ba chục năm nay. Ông nhìn bọn trẻ lớn lên, trưởng thành và đã sống qua tất cả các vụ scandal trong nhà.
Trông thấy nhóm người, mắt Clark sáng lên:
- Chào các cô, các cậu chủ.
Kendall ôm chầm lấy ông:
- Bác Clark, thật hạnh phúc khi gặp lại bác.
- Lâu quá rồi nhỉ, cô Kendall.
- Cháu giờ là bà Renaud rồi đấy. Đây là chồng cháu, Marc.
- Chào ngài.
- Vợ tôi đã kể rất nhiều về bác.
- Không có gì quá khủng khiếp chứ, tôi hy vọng?
- Trái lại đấy. Về bác, cô ấy chỉ có những hồi ức rất đẹp thôi.
- Cám ơn ngài. - Clark quay sang Tyler. - Chào thẩm phán Stanford.
- Chào bác.
- Tôi rất vui được gặp lại cậu chủ.
- Cám ơn bác. Trông bác khoẻ mạnh lắm.
- Cậu chủ cũng thế. Tôi rất lấy làm tiếc về chuyện buồn đã xảy ra với nhà ta.
- Cám ơn bác. Bác chuẩn bị như vậy để đón tất cả chúng cháu có phải không?
- Ồ, phải. Tôi nghĩ chúng tôi có thể làm cho mọỉ người cảm thấy dễ chịu khi ở đây.
- Cháu lại sẽ ở phòng cũ của mình chứ?
Clark cười:
- Đúng vậy. - Ông quay sang Woody. - Rất vui được gặp cậu chủ. Tôi muốn…
Woody khoác lấy tay Peggy:
- Thôi nào. Cháu đang muốn tắm gội, nghỉ ngơi cho người sảng khoái lên chút đây.
Mọi người nhìn Woody bước qua trước mặt và kéo Peggy lên lầu.
Những người còn lại tập trung ở thư phòng lớn. Gian phòng được án ngữ bởi hai cái bàn kiểu Louis XIV. Rải rác quanh tường là những chiếc bàn nhỏ kiểu tấm chìa, mặt lát đã cẩm thạch cùng một loạt ghế tựa, ghế băng có tay ngăn. Trên tường treo những bức hoạ thời trung cổ, màu tối.
Clark nói với Tyler:
- Thẩm phán Stanford, tôi có một lời nhắn cho cậu.
- Ông Simon Fitzgerald muốn cậu gọi đỉện báo cho ông ta biết lúc nào ông ta có thể gặp mặt gia đình.
- Simon Fitzgerald là ai vậy? - Marc hỏi.
- Ông ta là luật sư của gia đình. Cha thuê ông ta đã lâu lắm rồi nhưng mọi người ở đây chưa ai gặp ông ta cả.
- Tôi cho là ông ta muốn bàn chuyện chia tài sản, - Tyler nói. - Nếu các vị nhất trí, tôi sẽ mời ông ta tới đây vào sáng mai.
- Tốt thôi, - Kendall nói.
- Đầu bếp đang làm bữa tối. Các cô, các cậu dùng bữa vào lúc tám giờ có được không?
- Vâng, - Tyler đáp. - Cám ơn bác.
- Eva và Millie sẽ dẫn các cô cậu lên phòng.
Tyler nói với Kendall và chồng nàng:
- Chúng ta gặp lại nhau ở đây lúc tám giờ tối nhé.
Lên tới phòng riêng, Peggy lo lắng hỏi Woody:
- Anh có làm sao không?
- Anh không sao cả, - Woody nói lúng búng. - Hãy để anh yên.
Cô nhìn gã đi vào buồng tắm và đóng sầm cửa lại.
Mười phút sau, Woody đi ra, miệng cười rất tươi:
- Chào em yêu.
- Chào anh.
- Em có thích ngôi nhà cổ nầy không?
- Nó… nó đồ sộ quá!
- Nó là cái địa ngục. - Gã vòng tay ôm ngang người Peggy. - Đây là phòng cũ của anh. Em thấy trên tường còn treo các dụng cụ thể thao. Thời nhỏ anh muốn làm một vận động viên điền kinh. Anh có những ước mơ to lớn. Thời là học sinh ở trường nội trú anh từng làm đội trưởng đội tuyển bóng đá của trường. Anh nhận được hàng chục giấy mời của các huấn luyện viên các trường đại học khác nhau.
- Anh đã nhận lời mời nào?
Gã lắc đầu:
- Anh chối tất. Cha anh nói họ chỉ quan tâm đến cái tên Stanford thôi, rằng họ chỉ muốn đưa anh vào để nhận tài trợ của cha anh. Ông gửi anh tới một trường đại học kỹ thuật, nơi chẳng có ai đá bóng cả. - Gã im lặng một giây, rồi lẩm bẩm. - Anh đã có thể làm một vận động viên chuyên nghiệp…
Peggy nhìn Woody, bối rối:
- Anh nói sao?
Gã ngẩng lên:
- Đã bao giờ em đọc dòng chữ "Đứng đầu ngọn sóng" chưa?
- Chưa.
- Đấy là câu Marlon Brando (tên một diễn viên điện ảnh Mỹ) đã nói. Nó có nghĩa anh và cha anh đã không thể chịu nổi nhau thêm nữa.
- Cha anh chắc là nghiêm khắc lắm.
Woody hú lên cười:
- Chưa thấy ai nói về cha anh tốt như em. Anh còn nhớ thời nhỏ có một lần anh bị ngã ngựa. Song anh không sợ ngựa và muốn được cưỡi lại. Ông ta cấm anh làm việc đó. "Mày không bao giờ thành một kỵ sĩ được đâu", ông nói. "Mày quá ư vụng về" - Woody nhìn vợ. - Vì câu nói đó mà anh đã trở thành một cầu thủ polo chín bàn.
Họ xuống gặp lại nhau quanh bàn ăn tối, một bữa ăn của những người lạ với nhau. Họ ngồi trong cái im lặng thiếu tự nhiên, với một mối ràng buộc duy nhất là những vết thương của tuổi thơ ấu.
Mãi sau Kendall mới lên tiếng:
- Anh Tyler, em đã đọc về quyết định của anh trong vụ Fiorello. Hắn ta đáng nhận cái anh đã tuyên phạt.
- Làm một thẩm phán chắc phải thích lắm nhỉ, - Peggy nói.
- Đôi khi cũng thú vị.
- Anh xử những án gì?- Marc hỏi.
- Án hình sự: hiếp dâm, ma tuý, giết người…
Sắc mặt Kendall bỗng tái đi. Nàng toan nói cái gì đó song Marc đã bóp mạnh tay nàng ngăn lại.
Tyler nhã nhặn nói với Kendall:
- Em đã trở thành một nhà tạo mốt nổi tiếng rồi.
Kendall thấy khó thở quá:
- Dạ.
- Cô ấy khá lắm, - Marc nói.
- Còn Marc, anh làm gì?
- Tôi làm môi giới tài chính.
- Ồ ra anh là một trong những nhà triệu phú trẻ, năng động của Wall Street đấy.
- Thưa, không hẳn vậy. Tôi chỉ mới vào nghề thôi mà.
Tyler nhìn Marc thăm dò:
- Tôi cho là anh may mắn khi có được một người vợ thành đạt.
Kendall thầm thì vào tai Marc:
- Anh chớ có chấp nê anh ta làm gì. Hãy nhớ là em yêu anh.
Woody bắt đầu cảm nhận được hiệu ứng của bạch phiến. Gã nhìn vợ mà nói:
- Peggy có thể mặc đẹp, song cô ấy vốn tính tuềnh toàng, không để tâm tới ngoại hình của mình. Phải vậy không, thiên thần của anh?
Peggy ngồi lặng đi, lúng túng không biết nói gì.
- Hay em mặc đồ bồi bàn? - Woody gợi ý.
- Tôi xin lỗi, - Cô đứng dậy và chạy vội lên lầu.
Cả bọn ngây ra nhìn Woody.
Gã cười hề hề:
- Cô ấy quá ư nhạy cảm. Thế nào, ngày mai chúng ta sẽ thảo luận về tờ di chúc có phải không?
- Đúng thế, - Tyler nói.
- Tôi dám cá ông già chẳng để lại cho chúng ta một xu me.
Marc nói:
- Tài sản của ông ta đáng giá bao nhiêu là tiền…
Woody khịt mũi:
- Anh không biết cha chúng tôi đấy thôi. Tôi đồ ông ấy chỉ để lại cho chúng tôi cái áo vét cũ và hộp xì gà hút dở. Lão ta khoái dùng đồng tiền để điều khiển chúng tôi. Câu nổi tiếng của lão là "Mày không muốn làm tao thất vọng" đúng không. Và tất thẩy chúng tôi đều hành xử như những đứa trẻ ngoan ngoãn, bởi như anh nói, ông có quá nhiều tiền. Dẫu sao đi nữa, tôi thề là lão già đã tìm cách mang theo toàn bộ những đồng tiển lão có.
- Thôi, đằng nào ngày mai chúng ta cũng rõ mà. - Tyler nói.
***
Sáng hôm sau, Simon Fitzgerald và Steve Sloane xuất hiện. Clark dẫn hai người vào thư viện:
- Tôi sẽ thông báo với cả nhà rằng hai vị đã tới,- lão nói.
Thư viện là một phòng lớn mở ra một vườn hoa bằng hai cửa sổ cao tới trần. Tường phòng ốp gỗ sồi, kê những giá sách chất đầy những cuốn sách bọc da rất đẹp. Rải rác trong phòng có những chiếc ghế mềm tiện lợi và những đèn đọc sách kiểu ý. Góc phòng là bộ sưu tập súng của Harry Stanford, bày trong một chiếc tủ kính bằng gỗ dái ngựa. Tất cả toát lên một không khí cổ kính và nghiêm trang.
- Sáng hôm nay sẽ là một buổi sáng thú vị đây, - Steve nói. - Không biết họ sẽ phản ứng thế nào nhỉ?
- Chúng ta sẽ biết rất chóng thôi.
Marc và Kendall xuống đầu tiên.
Simon Fitzgerald nói:
- Xin chào ông bà. Tôi là Simon Fitzgerald, còn đây là đồng sự của tôi, Steve Sloane.
- Tôi là Kendall Renaud, còn đây là chồng tôi, Marc.
Marc bắt tay hai người đàn ông.
Woody và Peggy đi vào.
Kendall nói:
- Woody, đây là ông Fitzgerald và ông Sloane.
Woody gật đầu:
- Chào. Các ông có mang theo luôn tiền mặt cho chúng tôi không đấy?
- À thực thì…
- Tôi đùa đấy. Đây là vợ tôi, Peggy. - Woody nhìn Steve. - Lão già có để lại gì không?
Tyler đến.
- Chào mọi người.
- Ông là thẩm phán Stanford phải không ạ?
- Vâng, chính tôi.
- Tôi là Simon Fitzgerald, còn đây là Steve Sloane, đồng sự của tôi. Chính Steve đã đưa thi hài thân phụ ông từ Corsica về Mỹ.
Tyler quay sang Steve:
- Rất cám ơn ông vì việc đó. Chúng tôi thực không hiểu rõ chuyện gì đã xảy ra. Báo chí có quá nhiều phiên bản về cái chết của cha chúng tôi. Liệu ông có thể bị sát hại không?
- Không. Đấy có vẻ là một tai nạn. Tầu của thân phụ ông gặp một cơn bão lớn ở ngoài khơi Corsica.
Căn cứ lời thuật lại của vệ sĩ Dmitri Kaminsky, thì thân phụ ông đứng ngoài sân hiên và gió đã thổi bay khỏi tay ông một số tờ giấy. Ông nhoài ra bắt, mất thăng bằng và ngã xuống biển. Lúc họ vớt được xác ông lên thì quá muộn rồi.
- Một cái chết rùng rợn quá đi, - Kendall rụt cổ lại - Ông đã nói chuyện với gã Kaminsky đó chưa? - Tyler hỏi.
- Tiếc là chưa. Khi tôi tới đảo Corsica thì anh ta đã đi khỏi đó rồi.
Fitzgerald nói:
- Thuyền trưởng của chiếc tầu chở thân phụ anh cho biết đã hết lời can ngăn ông chớ có lên đường ngày hôm đó, song vì lí do nào đấy mà ông đã rất vội về Mỹ. Ông đã bố trí sẵn một trực thăng để bay tiếp sau khi tầu thuỷ cặp bến. Tôi đoán là ông có một vất đề khẩn cấp phải giải quyết.
- Ông có biết đó là vấn đề gì không? - Tyler hỏi.
- Không. Tôi đang đi nghỉ mát thì phải quay về để gặp ông ấy ở đây. Tôi không biết rằng…
Woody nói chen ngang:
- Tất cả những chuyện đó nghe rất kỳ thú, song giờ chúng chỉ là lịch sử thôi. Chúng ta hãy nói về bản di chúc thì hơn. Nào, ông ta có để lại cho chúng tôi chút gì không?
- Chúng ta ngồi xuống đi chứ, - Tyler mời.
Fitzgerald ngồi đối diện với gia đình Stanford.
- Ông mở cặp và lôi ra một tập giấy tờ.
Woody có vẻ không chịu đựng được nữa:
- Thế nào? Vì Chúa, ông ta có để lại gì cho chúng tôi không chứ?
- Woody…- Kendall nhắc nhở em trai.
- Tôi biết câu trả lời rồi,- Woody giận dữ nói. - Lão ta chẳng để lại cho chúng ta một xu sứt nào hết.
Fitzgerald nhìn mặt đàn con Stanford và nói:
- Thực thì mỗi quí vị sẽ được hưởng một phần tài sản bằng nhau của người cha đã quá cố.
Steve có thể cảm nhận được một bầu không khí hào hứng bao trùm lên căn phòng.
Woody há hốc mồm nhìn Fitzgerald.
- Cái gì? Ông nói cái gì? - Gã nhảy dựng lên. – Kỳ diệu quá. Các anh chị có nghe thấy gì không? Cuối cùng thì lão già đáng nguyền rủa đó cũng làm được cái việc mà chúng ta mong mỏi. - Gã nhìn Fitzgerald. - Chúng ta đang nói đến một khoản tiền bao nhiêu đây?
- Tôi không có con số chính xác. Theo số mới nhất của tạp chí Forbes thì trị giá của Stanford Enterprises được ước tính vào khoảng sáu tỉ đô la. Phần lớn tài sản nầy được đầu tư vào các công ty khác nhau, chỉ có khoảng bốn trăm triệu đô la là thành khoản ngay được.
Kendall lắng nghe và run rẩy thốt.lên:
- Vậy là mỗi chúng ta được hơn một trăm triệu đô la. Thật không thể tin nổi? - Mình được tự do, nàng nghĩ. Mình trả quách số tiền chúng nó đòi hỏi và thoát khỏi chúng vĩnh viễn. Nàng nhìn Marc, ánh mắt sáng ngời.
- Xin chúc mừng, - Marc nói. Chàng hiểu nhiều hơn người khác ý nghĩa của đồng tiền.
Simon Fitzgerald lên tiếng:
- Như quí vị đã biết, chín mươi chín phần trăm cổ phần của Stanford Enterprises là do thân phụ quí vị giữ. Bởi thế, nay cổ phần nầy sẽ được chia đều cho các quí vị. Ngoài ra, thẩm phán Stanford được bảo lưu quyền của mình đối với một phần trăm cổ phần còn lại hiện đang được kí thác tại nhà băng. Dĩ nhiên, có một số thủ tục phải hoàn thành. Hơn nữa, tôi phải thông báo với quí vị rằng có khả năng còn một người thừa kế nữa can dự vào đây.
- Một người thừa kế nữa ư? - Tyler hỏi.
- Di chúc của thân phụ các vị qui định rằng tài sản của ông phải được chia đều cho tất cả con cái.
- Nghĩa là sao? - Woody hỏi.
- Ý tôi muốn nói ngoài ba vị ra có thể còn có một người thừa kế hợp pháp nữa.
- Ai vậy? - Kendall hỏi.
- Tôi tin các vị biết một sự thật rằng nhiều năm trước thân phụ các vị có một đứa con riêng với cô gia sư làm việc cho nhà ta.
- Rosemary Nelson, -Tyler nói.
- Đúng. Con gái bà sinh ở bệnh viện St. Joseph ở Milwaukee. Tên là Julia.
Gian phòng bỗng chìm trong im lặng.
- Nầy! - Woody thốt lên. - Việc đó cách đây hai mươi lăm năm.
- Hai mươi sáu năm, nếu nói chính xác.
Kendall hỏỉ:
- Có ai biết hiện cô ta đang ở đâu không?
Simon Fitzgerald như nghe được tiếng nói của Harry Stanford: "Cô ta viết thư báo cho tôi biết cô ta sinh con gái. Hừm, nếu cô ta nghĩ cô ta sẽ kiếm chác được ở tôi thì quên đi nhé!". Không, - Fitzgerald chậm rãi nói. - Không ai biết cô ta đang ở đâu.
- Vậy thì còn bàn đến cô ta làm quái gì? - Woody lầu bầu.
- Tôi chỉ muốn quý vị ý thức một điều rằng nếu cô ta xuất hiện thì cô ta sẽ được quyền thừa hưởng một phần di sản của ông Harry Stanford như mỗi quý vị ở đây.
- Tôi cho rằng chúng ta chả phải lo nghĩ đến chuyện nầy làm gì. - Woody nói với vẻ tự tin. - Cô ta thậm chí còn không biết cha mình là ai đâu.
Tyler quay sang Simon Fitzgerald:
- Ông nói ông không biết trị giá tài sản của cha tôi. Liệu tôi có thể được biết tại sao không?
- Bởi vì hãng luật của chúng tôi chỉ đại diện cho ông Stanford trong những giao dịch cá nhân thôi. Các công việc.kinh doanh của ông do hai hãng luật khác đại diện. Tôi đã liên lạc với họ và yêu cầu họ chuẩn bị các báo cáo tài chính càng nhanh càng tốt.
- Chúng ta đang nói đến một thời hạn bao nhiêu đây? - Kendall sốt sắng hỏi. Chúng tôi cần 100.000 đô la ngay lập tức để trang trải chi phí.
- Có lẽ hai, ba tháng gì đó.
Marc đọc thấy nỗi lo lắng trên gương mặt vợ. Chàng quay sang Fitzgerald:
- Có cách gì xúc tiến cho sự việc nhanh lên không?
Steve Sloane đáp:
- Tôi e là không. Bên di chúc phải được trình lên toà án nhận thực, còn lịch làm việc của họ thì đã chật lắm rồi.
- Toà nhận thực là gì vậy? - Peggy hỏi.
- Nhận thực xuất phát từ chữ chứng nhận và sự thật. Đấy là hành vi…
- Cô ta không xin ông một chầu bài giảng tiếng Anh đâu, - Woody gắt lên. - Tại sao chúng ta không thể giải quyết mọi chuyện ngay bây giờ?
Tyler nói với em trai:
- Luật không làm việc theo lối đó. Khi có một cái chết, di chúc phải được đưa ra toà chứng thực. Phải tiến hành việc thẩm định lại toàn bộ tài sản, bất động sản các công ty đang nắm giữ, tiền mặt, đồ trang sức… rồi danh mục chi tiết các tài sản đó cùng với giá trị của chúng phải được trình trước toà. Phải thu xếp các khoản thuế và thanh toán những món nợ tồn đọng. Sau đó, phải trình toà một lá đơn xin phân chia số tài sản còn lại cho những người thừa kế.
Woody nhe răng cười:
- Zích zắc quá nhỉ. Tôi đã phải đợi suốt gần bốn chục năm để trở thành một nhà triệu phú. Tôi cho mình có thể đợi thêm vài tháng nữa.
Simon Fitzgerald đứng lên:
- Ngoài tài sản thân phụ quí vị để lại cho quí vị thừa hưởng còn một số món quà phải tặng, tuy nhiên giá trị của chúng không lớn nên không ảnh hưởng tới tổng giá trị tài sản mỗi vị được chia đều. Thôi nhé, nếu không có gì…
Tyler đứng lên:
- Tôi cho là chẳng còn gì nữa đâu. Cám ơn hai vị.
Nếu có trục trặc, chúng tôi sẽ chủ động liên lạc.
Ra khỏi toà biệt thự nhà Stanford, Simon Fitzgerald hỏi Steve:
- Vậy là cậu đã gặp mặt toàn bộ gia đình nhà người ta rồi đấy. Cậu nghĩ thế nào?
- Họ đang ăn mừng ông bố chết thì đúng hơn là để tang ông ta. Nếu như ông bố ghét họ như họ ghét ông ta thì việc gì ông ta phải cho họ quyền thừa kế nhỉ?
Simon Fitzgerald nhún vai:
- Đấy là điều mà chúng ta sẽ không bao giờ hiểu được. Có thể đấy chính là lí do ông ta tìm gặp tôi để trao lại tài sản cho một ai đó khác.
Đêm đó không ai trong số mấy anh em ngủ được, mỗi người chìm đắm trong ý nghĩ của mình.
"Chuyện đó đã xảy ra, - Tyler nghĩ - Nó xảy ra thật rồi. Giờ mình đã có thể cho Lee cả thế giới. Bất cứ cái gì! Tất cả!"
Kendall thì nghĩ: ngay khi nhận được tiền mình sẽ tìm cách mua đứt chúng vĩnh viễn, và chúng sẽ không bao giờ còn dám tống tiền mình nữa.
Còn Woody: mình sẽ tậu một đàn ngựa polo tốt nhất thế giới. Vĩnh viễn không phải mượn ngựa của người khác nữa rồi. Mình sẽ là cầu thủ mười bàn!
Gã nhìn sang Peggy đang ngủ say bên cạnh. Việc đầu tiên mình sẽ làm là rũ khỏi con điếm ngu dốt nầy. Rồi gã nghĩ lại, không, mình không thể làm như vậy Gã vùng dậy và đi vào phòng tắm. Lúc bước ra tâm trạng của gã đã lại lâng lâng.
Bầu không khí bữa sáng ngày hôm sau thật là cởi mở.
- Tôi cho là các anh, các chị đã lên xong kế hoạch của mình, - Woody nói.
Marc nhún vai:
Làm sao người ta có thể lên được một kế hoạch trong một tình huống như thế nầy? Một khối lượng tiền lớn đến mức không thể tin nổi.
Tyler ngẩng lên:
- Chắc chắn nó sẽ đổi đời tất cả chúng ta.
Woody gật gù:
Đáng lẽ lão già chết dẫm đó phải chia của cho chúng ta từ lúc lão còn sống mới phải. Nếu căm thù người chết không phải là hành động thiếu lịch sự thì tôi phải nói với các anh chị thế nầy…
- Woody… - Kendall nhắc em.
- Thôi đi. Chúng ta hãy chấm dứt cái trò đạo đức giả nầy đi. Thẩy chúng ta đều căm thù lão và lão đáng bị như vậy. Hãy xem lão đã làm gì?
Clark bước vào phòng ăn và nói với giọng của người có lỗi:
- Xin lỗi các cô, cậu chủ. Có cô Julia Stanford đang chờ ở ngoài.
 
CHƯƠNG 13 - SÁNG
"Julia Stanford"
Họ nhìn nhau, lạnh nhạt.
- Quỷ tha ma bắt cô ta đi. - Woody thốt lên.
Tyler nói nhanh:
- Có lẽ chúng ta nên sang phòng thư viện.
Rồi y quay sang bảo Clark:
- Hãy đưa cô ta vào trong đó!
- Vâng, thưa ngài!
Nàng đứng trên ô cửa, nhìn vào từng người trong bọn họ, vẻ không thoải mái lộ rõ.
- Tôi… có lẽ tôi không nên đến. - Nàng nời.
- Đúng đấy. - Woody nói. - Thế cô là ai?
- Tôi là Julia Stanford. - Nàng lắp bắp trong sự bối rối pha chút sợ hãi.
- Không. Ý tôi muốn hỏi thật ra cô là ai?
Julia định nói cái gì đó nhưng rồi lại lắc đầu.
- Mẹ tôi là Rosemary Nelson. Harry Stanford là bố tôi.
Đám người trong thư viện nhìn nhau.
- Cô có bằng chứng gì không? - Tyler hỏi.
Julia nuốt nước bọt.
- Tôi không nghĩ rằng tôi có bất kỳ bằng chứng thật nào.
- Tất nhiên là cô không có. - Woody bật ngón tay.
- Vậy làm thế nào mà cô lại có can đảm để…
Kendall ngắt lời, nói với Julia:
- Đây quả là một cú sốc đối với bọn tôi, như cô thấy đấy. Nếu những gì cô nói là thật, cô chính là đứa em cùng cha khác mẹ của chúng tôi.
Julia gật đầu:
- Chị là Kendall. - Nàng quay nhìn vào chỗ Tyler. - Anh là Tyler, - rồi quay sang Woody. - Còn anh là Woodrow. Song người ta vẫn gọi anh là Woody.
- Như tạp chí People đã nói với cô. - Woody đáp một cách hài hước.
Tyler cất cao giọng:
- Tôi tin chắc rằng cô hiểu được vị trí của chúng ta, thưa cô. Nếu không có chứng cớ chính đáng thì không có cách gì…
- Tôi hiểu. - Nàng bối rối nhìn quanh. - Tôi cũng không hiểu vì sao mình lại đến đây.
- Tôi nghĩ là cô biết. - Woody nói. - Vì tiền!
- Tôi không quan tâm đến tiền. - Nàng nói một cách phẫn nộ. - Sự thật là… Tôi đến đây với hy vọng được gặp gia đình của mình.
Kendall hỏi tiếp:
- Mẹ cô hiện đang ở đâu?
- Bà ấy đã đi xa. Khi tôi biết rằng cha mình đã chết…
- Cô liền quyết định tới trông nom chúng tôi. - Woody tiếp lời nhạo báng.
- Cô nói rằng cô không có chứng cớ nào hợp pháp để chứng tỏ mình là ai? - Tyler hỏi.
- Hợp pháp? Tôi nghĩ là không. Tôi thậm chí còn không nghĩ tới điều đó. Nhưng tôi có biết một vài điều từ mẹ tôi.
- Ví dụ? – Marc thốt hỏi.
Nàng dừng lại suy nghĩ.
- Tôi nhớ mẹ tôi vẫn thường nói về căn nhà mầu xanh ở sân sau. Bà yêu cây cỏ, hoa lá và bà dành nhiều thời gian để ở đó.
Woody nói to:
- Những bức ảnh của căn nhà đó vẫn còn trong nhiều cuốn tạp chí.
- Mẹ cô còn nói những gì nữa? - Tyler hỏi.
- Ồ, rất nhiều thứ! Bà hay nói về tất cả những người ở đây và quãng thời gian tươi đẹp mà mọi người đã trải qua. - Nàng nghĩ một lát. - Có một ngày, khi các anh, chị còn rất bé, bà đã dẫn các anh chị đi tầu thuỷ. Và một người đã ngã ra khỏi tầu.
- Tôi không nhớ là ai nữa.
Woody và Kendall nhìn Tyler.
- Chính là tôi! - Y nói.
- Có lần bà dẫn các anh chị đi mua sắm ở cửa hàng Filence. Một người bị lạc và tất cả đều rất sợ hãi.
Kendall chậm rãi:
- Tôi bị lạc ngày hôm đó.
- Còn gì nữa không? - Tyler hỏi.
- Bà dẫn các anh, chị tới cửa hàng bán đồ biển và anh đã ăn con sò đầu tiên trong đời, sau đó anh bị bệnh.
- Tôi vẫn nhớ chuyện đó.
Họ nhìn nhau, im lặng.
Nàng nhìn vào Woody.
- Anh và mẹ tôi đã đến khu trại của hải quân để xem họ tập trận, và anh đã không chịu về. Bà đã phải lôi anh đi. - Nàng tới gần chỗ Kendall. - Và tại vườn hoa công cộng, chị đã hái trộm hoa và đã bị bắt.
Kendall nuốt nước bọt.
- Đúng vậy!
Họ lắng nghe những điều Julia nói một cách chăm chú và đầy thú vị.
- Có một ngày, mẹ tôi dẫn tất cả các anh chị tới Viện bảo tàng lịch sử tự nhiên và các anh chị đã vô cùng hoảng sợ trước bộ xương rắn biển và những con voi răng mấu khổng lồ.
- Tất cả chúng tôi không ai ngủ được đêm hôm đó. - Kendall nói.
Julia nói tiếp với Woody:
- Vào một lễ Giáng sinh, bà dẫn anh đi trượt tuyết. Anh bị ngã và bị gẫy răng. Khi anh lên 7 tuổi, anh lại bị ngã từ trên cây xuống và phải khâu ở chân. Ở đó có một vết sẹo.
- Nó vẫn còn đó. - Woody nói một cách miễn cường.
Nàng quay lại với những người khác.
- Một người ở đây đã bị chó cắn. Tôi không nhớ là ai. Mẹ tôi đã đưa người đó vào phòng cấp cứu của bệnh viện đa khoa Massachusetts.
Tyler gật đầu.
- Tôi phải tiêm phòng dại.
Những lời của Julia vẫn tiếp tục tuôn trào ra:
- Woody, khi anh lên tám, anh đã đi xa. Anh đi đến tận Hollywood để trở thành diễn viên. Cha anh hết sức giận dữ vì anh, ông nhốt anh vào phòng và không cho anh ăn tối. Mẹ đã phải lén đưa thức ăn cho anh.
Woody gật đầu, im lặng.
- Tôi… tôi… không biết còn nói được gì cho các anh chị nghe. - Bỗng nhiên nàng nhớ ra điều gì. - Tôi có một bức ảnh trong túi. - Nàng mở túi và lấy nó ra, đưa cho Kendall. Tất cả mọi người đều đi đến xem nó. Đó là bức ảnh của ba người trong số họ, khi còn bé, đứng cạnh một phụ nữ trẻ, quyến rũ trong bộ đồ gia sư.
- Mẹ đã đưa nó cho tôi.
- Bà còn để lại cái gì không? - Tyler hỏi?
Nàng lắc đầu:
- Không, rất tiếc. Bà không muốn bất cứ vật gì xung quanh gợi cho bà nhớ đến hình ảnh của Harry Stanford.
- Ngoại trừ cô phải không? - Woody nói.
Nàng quay lại với gã, vẻ thách thức.
- Tôi không quan tâm đến việc các người có tin tôi hay không. Anh chẳng hiểu gì cả. Tôi… tôi chỉ hy vọng… - Nàng sững lại.
- Như em gái tôi nói, sự xuất hiện của cô đã gây bất ngờ cho tất cả chúng tôi. Có nghĩa là… một người tình cờ xuất hiện và tự nhận là thành viên của gia đình… Cô có thể hiểu tâm trạng của chúng tôi. Tôi nghĩ chúng ta cần có thời gian để giải quyết chuyện nầy. - Tyler nói.
- Tất nhiên, tôi hiểu.
- Cô đang ở đâu?
- Khách sạn Tremont.
- Vậy cô nên quay lại đó. Chúng tôi sẽ cho xe đưa cô đi. Và chúng ta sẽ gặp mặt sau.
Julia Stanford gật đầu.
- Được! - Nàng nhìn từng người một và sau đó nói khẽ. - Cho dù các người có nghĩ gì, các người vẫn là những người thân của tôi.
- Tôi tiễn cô ra cửa. - Kendall nói.
Julia cười:
- Thế là đủ. Tôi tự về một mình. Tôi có cảm giác tôi biết đến từng phân vuông của căn nhà nầy.
Họ nhìn từng bước chân "đứa em gái" ra khỏi căn phòng.
- Có vẻ như chúng ta đã có một cô em rồi, - Kendall nói.
- Tôi không tin! - Woody lên tiếng.
Tyler giơ tay lên:
- Hãy nhìn vấn đề một cách hợp lý nào. Trong ý thức, người phụ nữ nầy là người bị xét xử, còn chúng ta là những bồi thẩm. Chúng ta sẽ quyết định xem cô ta có tội hay vô tội. Trong vụ xét xử nầy, quyết định cuối cùng phải được tất cả mọi người đồng ý.
- Chúng ta phải nhất trí với nhau.
- Đúng! - Woody gật đầu.
- Tôi bỏ lá phiếu đầu tiên. Tôi nghĩ rằng cô ta là kẻ giả mạo. - Tyler nói và bỗng giơ lên một cánh tay.
- Giả mạo? Làm sao cô ta có thể như thế được? - Kendall nói. - Cô ta không thể biết một cách tường tận về những chi tiết riêng tư của chúng ta nếu cô ta là giả mạo.
Tyler quay lại với Kendall:
- Kendall, có bao nhiêu người làm trong nhà nầy khi chúng ta còn bé?
- Tại sao? - Kendall nhìn Tyler bối rối.
- Mười hai người, đúng không? Và vài người trong số họ nhất định từng biết những gì cô ta vừa nói với chúng ta. Qua nhiều năm, đã có nhiều người hầu gái, lái xe, quản gia, đầu bếp… Một người trong số họ đã cho cô ta bức ảnh đó.
- Ý của anh là cô ta có thể đã liên kết với một ai đó?
- Một hoặc nhiều hơn. - Tyler nói. - Đừng quên rằng vụ nầy dính dáng đến một món tiền khổng lồ.
- Nhưng Julia đã nói cô ta không cần tiền. - Marc nhắc nhở mọi người.
Woody gật đầu.
- Đúng, đó là những gì cô ta nói. - Gã nhìn Tyler.
- Nhưng bằng cách nào chúng ta mới chứng minh được cô ta là giả mạo?
- Có một cách? - Tyler nói quả quyết:
Tất cả nhìn sững vào y.
- Như thế nào? - Marc hỏi.
- Tôi sẽ trả lời vào ngày mai.
***
- Anh nói rằng Julia Stanford đã xuất hiện sau nhiều năm? - Simon Fitzgerald chậm rãi.
- Một người phụ nứ tự nhận là Julia Stanford. - Tyler chữa lại.
- Và anh không tin cô ta? - Steve hỏi.
- Hoàn toàn không. Cái được gọi là bằng chứng mà cô ta đưa ra chỉ là một số chuyện lúc nhỏ của chúng tôi, những chuyện ít nhất có tới một tá người làm cũ biết được và một bức ảnh cũ mèm chẳng nói lên điều gì. Cô ta có thể đã hợp tác với một trong số những người làm cũ đó. Tôi nhất định sẽ chứng minh cô ta là đồ giả mạo.
Steve cau mày.
- Anh sẽ làm điều đó như thế nào?
Rất đơn giản. Tôi muốn thử bằng phương pháp xác định ADN.
- Có nghĩa là phải đào xác bố anh lên? - Steve Sloane ngạc nhiên.
- Đúng. - Tyler quay sang hỏi Simon Fitzgerald. - Có nghiêm trọng lắm không?
- Trong hoàn cảnh hiện tại, tôi có thể phải chấp nhận lời đề nghị nầy. Song liệu cô ta có đồng ý thử không?
- Tôi chưa hỏi. Nếu cô ta từ chối, điều đó có nghĩa cô ta là đồ giả mạo. - Y do dự. - Tôi phải thú nhận rằng tôi không muốn làm như vậy. Nhưng tôi cho rằng đây là cách duy nhất để chúng ta tìm ra sự thật.
Fitzgerald suy nghĩ một lúc.
- Rất tốt. - Rồi ông nhìn Steve. - Anh nhận vụ nầy chứ?
- Tất nhiên! - Anh nhìn Tyler. - Có lẽ anh cũng đã biết cách thức tiến hành. Một trong số các con của người đã chết phải đệ đơn lên văn phòng điều tra về các vụ chết bất thường để xin phép khai quật tử thi. Các anh sẽ phải trình bầy lí do của việc khai quật. Nếu được tiến hành, các nhân viên ở Văn phòng điều tra sẽ liên hệ với nghĩa trang và cho phép họ tiến hành công việc. Người của Văn phòng sẽ có mặt tại buổi khai quật.
- Làm những điều đó mất bao lâu? - Tyler hỏi.
- Ba hoặc bốn ngày để nhận được sự đồng ý. Hôm nay là thứ tư. Chúng ta có thể khám nghiệm tứ thi vào thứ hai tới.
- Tốt, - Tyler ngập ngừng. - Chúng ta cần có một chuyên gia về ADN, người mà toà án có thể tin tưởng. Tôi hy vọng là anh biết một người như thế.
Steve gật đầu nói.
- Tôi biết. Tên anh ta là Perry Winger. Anh ta sống ở đây tại Boston nầy. Anh ta từng được nhiều quốc gia công nhận là một chuyên gia. Tôi sẽ mời anh ta.
- Tôi rất kỳ vọng vào việc nây. Nó đến càng sớm bao nhiêu chúng ta càng có lợi thế bấy nhiều.
Mười giờ sáng hôm sau, Tyler đến thư viện Rose Hill, nơi mà Woody, Peggy, Kendall và Marc đang chờ. Bên cạnh Tyler là một người lạ.
- Tôi muốn mọi người gặp Perry Winger. - Tyler nói.
- Anh ta là ai vậy?
- Chuyên gia AND của chúng ta.
- Chúng ta cần một chuyên gia ADN để làm gì? - Kendall trợn mắt nhìn Tyler.
- Để chứng minh người phụ nữ đột nhiên xuất hiện đó là giả mạo. Tôi không có ý thả cô ta đi một cách dễ dàng đâu.
- Anh sắp quật mộ ông già lên à? - Woody hỏi.
- Đúng vậy, Tôi đã được phép làm điều đó. Và cuộc thử ADN sẽ cho ta biết Julia Stanford có thật sự là cô em gái yêu quí của chúng ta hay không.
- Tôi e là tôi chẳng biết một tí gì về ADN. - Marc nói. Perry Winger lấy tay xoa cổ.
Chỉ đơn giản ADN là một phân tử di truyền. Nó chứa đựng những mã số di truyền riêng của từng người. Nó có thể được trích ra từ vệt máu, tinh dịch, nước bọt, chân tóc và thậm chí từ xương: Những dấu vết đó có thể tồn tại trên một hài cốt tới hơn 40 năm.
- Tôi hiểu… Xem ra nó khá là đơn giản. - Marc nói.
Perry Winger cau mày.
- Tin tôi đi, cũng không hoàn toàn ngon xơi như thế đâu. Có hai cách thử ADN. Cách thử PCR cần ba ngày để có kết quả còn cách thử RFLP thì cần đến từ sáu tới tám tuần. Trong trường hợp của chúng ta, nên dùng cách thử đơn giản thôi.
- Anh thực hiện nó như thế nào? - Kendall hỏi.
- Có một vài bước. Đầu tiên các mẫu được tập hợp lại và ADN sẽ bị cắt ra thành các mảnh nhỏ. Các mảnh nhỏ ấy được phân chia theo độ dài và vị trí trên một miếng gel nhỏ và cho một dòng điện chạy qua. Những ADN nào không được lắp ghép sẽ di chuyển lại với nhau và vài giờ sau chúng sẽ tự sắp xếp theo độ dài. Dung dịch kiềm được dùng để tách từng phần ADN ra và sau đó các phần nầy sẽ được đặt lên một miếng nilon nhỏ, được ngâm trong nước và máy dò phóng xạ…
Những cặp mắt của đám con Harry Stanford đờ đẫn ra, chán nản.
- Độ chính xác của thử nghiệm nầy là bao nhiêu? - Woody ngắt lời.
- Một trăm phần trăm nếu người đàn ông không phải là cha. Nếu cuộc thử nghiệm rõ ràng, có đến 99,9% chính xác.
Woody quay sang bảo Tyler.
- Tyler, anh là thẩm phán. Hãy nêu lên lý do để cô ta thật sự là con của Harry Stanford. Mẹ cô ta và bố chúng ta chưa bao giờ làm đám cưới. Tại sao cô ta có quyền làm như vậy?
- Theo pháp luật. - Tyler giải thích. Nếu như tư cách làm cha của bố được xác minh, cô ta sẽ có quyền ngang với chúng ta.
- Vậy thì hãy tiến hành cuộc thử ADN chết tiệt kia và hãy vạch mặt cô ta ra.
***
Tyler, Woody, Kendall, Marc và Julia ngồi tại phòng ăn của khách sạn Trermont.
Peggy ở lại Robe Hill.
- Tất cả những cuộc nói chuyện về việc khai quật người chết đều làm tôi cảm thấy ghê rợn. - Cô nói.
Bây giờ thì họ đang đối mặt với người phụ nữ tự xưng là Julia Stanford.
- Tôi không hiểu anh đang muốn tôi làm gì?
- Rất đơn giản. - Tyler cho nàng biết. - Một bác sĩ sẽ lấy một mẩu da nhỏ của cô để so sánh với mẫu da của bố tôi. Nếu các phân tử ADN phù hợp, điều đó chứng tỏ cô quả thực là con gái của ông. Về một khía cạnh khác, nếu như cô không sẵn lòng thử nghiệm…
- Tôi… tôi không thích đỉều nầy.
Woody nôn nóng:
- Tại sao không?
- Tôi không biết. Việc khai quật tử thi bố…
- Để chứng minh cô là ai.
Nàng nhìn vào mặt từng người một.
- Tôi mong các anh sẽ…
- Gì cơ?
- Không còn cách nào khác, phải không?
- Đúng. Hãy nhận lời đi.
Im lặng kéo dài.
- Được Tôi đồng ý.
***
Việc xin khai quật khó hơn những gì người ta dự tính trưởc. Simon Fitzgerald đã phải đích thân nói chuyện với các nhân viên điều tra.
- Không, làm ơn đi, Simon? Tôi không thể đồng ý được! Anh có biết cái gì sẽ xảy ra không? Nếu nó truyền ra ngoài, sẽ to chuyện đấy. Đám báo chí lại được dịp bới lại đống phân cũ và mùi thối của nó lại làm ô uế khắp thành phố nầy, chưa kể…
- Marvin, điều nầy rất quan trọng. - Simon ngắt lời Đây là chuyện liên quan đến cả tỉ đô la. Nên anh phải đảm bảo nó sẽ không lộ ra ngoài.
- Không còn cách nào khác sao?
- Tôi e là không. Người phụ nữ đó đáng làm cho người ta tin cậy.
- Nhưng lại không ai trong gia đình tin cô ta?
- Không.
- Anh có nghĩ cô ta là giả mạo không?
- Frankly, tôi không biết. Nhưng ý kiến của tôi không có ý nghĩa gì. Trong thực tế, không một ý kiến nào trong số chúng tôi có ý nghĩa gì. Toà án thì yêu cầu bằng chứng, và bằng chứng thì chỉ xuất hiện qua cuộc thử ADN.
Người nhân viên lắc đầu.
- Tôi biết ông Stanford. Ông ta nhất định sẽ ghét vụ thử nầy lắm. Tôi thấy thực sự ta không nên…
- Nhưng anh nhất định phải làm cho tôi, vì tôi.
Người nhân viên thở dài.
- Tôi cho rằng đành phải như thế. Anh sẽ giúp đõ tôi chứ?
- Tất nhiên!
- Giữ kín nhé. Đừng để xảy ra vụ tranh cãi nào.
- Tôi sẽ câm như hến. Bí mật tuyệt đối. Tôi sẽ đưa gia đình Stanford đến đó.
- Khi nào anh định tiến hành?
- Chúng tôi dự định vào thứ hai tới.
Người nhân viên lại thở dài.
- Được Tôi sẽ gọi điện cho nghĩa trang. Anh nợ tôi một việc, Simon.
- Tôi sẽ không quên!
Chín giờ sáng thứ hai, cổng vào khu vực núi Auburu Cemetery, nơi có cái xác Harry Stanford được ngăn lại tạm thời với lí do sửa chữa, bảo trì.
Không có người lạ nào đi theo đám con Harry Stanford. Woody, Peggy, Tyler, Kendall, Marc, Julia, Simon Fitzgerald, Steve Sloane và bác sĩ Collins - đại diện cho văn phòng điều tra đứng quanh ngôi mộ của Harry Stanford, nhìn bốn người công nhân đang nâng cỗ quan tài lên. Perry Winger khoang tay đứng đợi sẵn ở bên.
Khi chiếc quan tài đã nằm trước mặt mọi người, viên đốc công hỏi:
- Chúng tôi phải làm gì bây giờ?
- Làm ơn mở nắp ra. - Fitzgerald nói. Rồi ông hỏi Perry Winger. - Khoáng bao lâu thì xong?
- Không hơn một phút. Tôi chỉ lấy một mẩu da thôi.
- Được! - Fitzgerald nói, gật đầu với người đốc công người nầy cùng mấy nhân viên bắt đầu mở nắp quan tài.
- Tôi không muốn nhìn. - Kendall nói. - Chúng ta phải làm thế sao?
- Ừ! - Woody trả lời. - Chúng ta bắt buộc phải làm thế.
Tất cả đều nhìn, hồi hộp. Nắp quan tài được từ từ nhấc sang một bên. Họ đúng yên, chăm chú.
- Ôi, Chúa ơi! - Kendall thốt lên.
Cỗ quan tài rỗng không.
 
CHƯƠNG 14 - SÁNG
Trở về Rose Hill, Tyler lao thẳng đến điện thoại:
- Fitzgerald nói rằng sẽ không chuyện gì được lọt ra ngoài. Nghĩa trang đã đồng ý không để dư luận đàm tiếu về vụ nầy. Các nhân viên điều tra đã yêu cầu bác sĩ Collins giữ bí mật và Perry Winger thì hoàn toàn tin cậy được.
Woody không hề quan tâm một chút nào.
- Tôi không biết mụ đó làm như thế nào. - Gã nói.
- Nhưng mụ ấy sẽ không rời khỏi đây được. - Gã trừng trừng nhìn mọi người, - Tôi cho rằng các vị không nghĩ rằng mụ ta đã dàn xếp vụ nầy.
Tyler chậm rãi:
- Tôi e rằng tôi phải đồng ý với chú, Woody. Không ai khác có thể có được lý do để làm như vậy. Cô ta rất thông minh và quỷ quyệt, và cô ta rõ ràng không hành động một mình. Tôi không biết là chúng ta đang phải đương đầu với một thế lực nào?
- Thế chúng ta phải làm gì bây giờ? - Kendall hỏi.
Tyler nhún vai.
- Tôi không biết. Tôi cũng mong là tôi biết. Tôi cho rằng cô ta sẽ ra toà và sẽ tham dự vào tờ chúc thư.
- Cô ta có cơ hội chiến thắng không? - Peggy dụt dè hỏi.
- Tôi e là có. Cô ta rất có sức thuyết phục và đã chẳng làm một vài người trong chúng ta tin tưởng vào cô ta đấy thôi.
- Chúng ta phải làm gì chứ. - Marc kêu lên. - Có nên gọi cảnh sát vào vụ nầy không?
- Fitzgerald nói rằng cảnh sát cũng đã tiến hành điều tra vụ cái xác mất tích và họ đang đi vào ngõ cụt. Không phải chuyện đùa đâu. - Tyler nói - Hơn thế, cảnh sát cũng muốn giữ bí mật, nếu không họ sẽ phải đưa ra một tên dở hơi và đổ vấy cho hắn tội cướp xác. Chúng ta có thể yêu cầu họ điều tra sự giả mạo nầy.
Tyler lắc đầu:
Đây không phải chuyện của cảnh sát. Đây là chuyện riêng. - Y dừng lại một chút, sau đó nói. - Các vị có cho rằng…
- Cái gì?
- Chúng ta nên thuê một thám tử tư để lột mặt nạ cô ả ra.
- Ý kiến không tồi đâu. Anh có biết ai không?
- Không, không rõ lắm. Nhưng chúng ta có thể yêu cầu Fitzgerald tìm giúp một người. Hay là… - Y ngập ngừng. - Tôi chưa bao giờ gặp người nầy nhưng tôi nghe nói có một thám tử tư ở Chicago có những mối quan hệ rất tuyệt vời. Anh ta còn có một danh tiếng rất chắc chắn.
- Tại sao không tìm hắn nếu chúng ta định thuê hắn?- Marc hỏi.
Tyler nhìn quanh.
- Điều đó tuỳ thuộc vào các vị.
- Chúng ta có thể mất cái gì? - Kendall hỏi.
- Có lẽ giá cả sẽ đắt. - Tyler cảnh cáo.
Woody khịt mũi.
- Đắt? Chúng ta đang nói đến cả tỉ đô la cơ mà?
Tyler gật đầu.
- Tất nhiên. Chú nói đúng.
- Tên hắn là gì?
Tyler cau mày.
- Tôi không nhớ. Simpson… Simmons. Không, không phải vậy. Có thể là một cái tên gì đó tương tự như vậy. Để tôi hỏi văn phòng ở Chicago.
Họ nhìn theo Tyler nhấc điện thoại lên và quay số Hai phút sau, y đã nói chuyện với người phụ trách bên đó.
- Tôi là thẩm phán Tyler Stanford. Tôi biết rằng văn phòng của ông có một cộng tác viên là thám tử tư làm việc rất xuất sắc. Tên anh ta hình như là Simmons hay là…
Giọng nói từ phía bên kia:
- Ồ chắc là ông muốn nói đến Frank Timmons:
- Timmons. Đúng là anh ta đấy. - Kendall đưa mắt nhìn mọi người và mỉm cười. - Không biết các ông có thể cho tôi số điện thoại của anh ta để tôi liên lạc trực tiếp được không?
Sau khi viết số điện thoại, Tyler đặt máy xuống quay lại mọi người và nói:
- Tốt, bây giờ, nếu tất cả đã đồng ý tôi sẽ gọi hắn.
Không ai phản đối.
***
Buổi chiều hôm sau, Clark đi thẳng vào phòng khách, nơi mọi người đang chờ.
- Ông Timmons đã đến!
Đó là một người đàn ông khoảng 40 tuổi làn da nhợt nhạt và vóc dáng như một võ sĩ quyền anh.
Trên khuôn mặt ông ta là một cái mũi gẫy và một cặp mắt sáng, hơi pha chút tò mò ông ta nhìn Tyler, Marc, rồi đến Woody và cất giọng hỏi:
- Thẩm phán Stanford?
- Tôi là Stanford. - Tyler gật đầu.
- Frank Timmons. - Ông ta nói.
- Mời ngồi, ông Timmons.
- Cảm ơn! - Ông ta ngồi xuống. - Ông là người đã gọi điện cho tôi, đúng không?
- Vâng!
- Thật ra mà nói, tôi cũng chưa biết có thể làm gì cho ông. Tôi không có một văn phòng liên lạc nào ở đây.
- Hoàn toàn không cần thiết. - Tyler trả lời - Chúng tôi đơn thuần chỉ muốn vạch ra bộ mặt thật của một người đàn bà.
- Người mà anh đã nói với tôi qua điện thoại, rằng cô ta tự nhận là em gái cùng cha khác mẹ, và không còn cách nào để tiến hành cuộc thử ADN?
- Đúng vậy, - Woody nói.
Timmons nhìn mọi người:
- Và các vị không tin rằng cô ta là đứa em gái cùng cha khác mẹ của mình?
Một khoảnh khắc do dự.
- Không! - Tyler trả lời. - Về một khía cạnh khác, có thể cô ta nói đúng. Tất cả những gì chúng tôi muốn anh làm là cung cấp những bằng chứng xác thực để chứng tỏ cô ta là em gái của chúng tôi thật hay chỉ là giả mạo.
- Đủ rồi. Các anh sẽ phải trả tôi một ngàn đô la một ngày kèm một số chi tiêu khác.
- Một ngàn? - Tyler hỏi, vẻ sứng sốt.
- Chúng tôi sẽ trả. - Woody ngắt lời. - Bây giờ tôi cần tất cả thông tin các vị có về cô ta.
- Có vẻ nhử không nhiều lắm đâu. - Kendall nói.
Tyler bắt đầu:
- Cô ta không có một bằng chứng nào cả. Cô ta đến cùng với nhiều chuyện về thời thơ ấu của chúng tôi và nói rằng mẹ cô ta đã kể lại, và…
Timmons giơ tay lên:
- Khoan đã. Mẹ cô ta là ai?
- Từng là gia sư trong nhà chúng tôi, tên là Rosemary Nelson.
- Chuyện gì đã xảy ra với bà ta?
Họ nhìn nhau, khó chịu.
Woody lên tiếng:
- Bà ta có một đoạn tình với bố tôi và đã có thai. Bà ta đã bỏ đi cùng cái thai đó. - Gã nhún vai - Bà ta đã biến mất.
- Tôi hiểu. Và người phụ nữ nầy tự nhận là con của bà ta.
- Đúng!
- Có quá ít thông tin để tiếp tục điều tra. - Timmons ngồi đó, nghĩ ngợi. Cuối cùng ông ta ngửng đầu lên:
- Được! Tôi biết tôi phải làm gì.
- Đó cũng là tất cả những gì chúng tôi yêu cầu. - Tyler nói.
***
Việc đầu tiên của Timmons là đến ngay thư viện Boston và đọc tất cả những bài báo về những vụ scandal dính líu đến Harry Stanford, về cô giáo dậy trẻ, về việc tự tử của vợ Stanford. Có đầy đủ tư liệu để viết thành một cuốn tiểu thuyết.
Bước tiếp theo là thăm Simon Fitzgerald.
- Tên tôi là Frank Timmons. Tôi…
- Tôi biết ông là ai, ông Timmons. Thẩm phán Stanford yêu cầu tôi hợp tác với ông. Tôi có thể giúp gì ông?
- Tôi muốn điều tra cô con gái ngoài giá thú của Harry Stanford. Cô ta khoảng 28 tuổi, đúng không?
- Đúng. Cô ta sinh ngày mồng 9 tháng 8 năm 1969 tại bệnh viện St. Joseph s ở Milwaukee, Wiscousin. Bà mẹ đặt tên cho cô ta là Julia. - Ông nhún vai. - Rồi họ đã biến mất. Tôi e đây là tất cả những gì tôi có.
- Đó mới chỉ là sự bắt đầu. -Timmons nói. - Một sự bắt đầu.
***
Bà Dougherty, người quản lí tại bệnh viện St. Joseph s ở Milwaukee, là một người phụ nữ khoảng 60 tuổi, tóc xám.
- Vâng, tất nhiên tôi nhớ. - Bà ta nói. - Làm sao tôi có thể quên chuyện đó. Đó là một scandal khủng khiếp. Câu chuyện xuất hiện trên tất cả các mặt báo. Các phóng viên ở đây đã điều tra ra cô ta là ai và họ không lúc nào rời khỏi cô gái đáng thương đó.
Sau khi rời khỏi đây, họ đã đi đâu?
- Tôi không biết. Cô ta không có địa chỉ để lại.
- Thế cô ta có trả đầy đủ viện phí trước khi đi không, thưa bà Dougherty?
- Không… đúng là không.
- Tại sao bà nhớ chuyện nầy vậy?
- Bởi vì nó thật thương tâm. Tôi nhớ rõ cô ta ngồi đúng cái ghế mà ông đang ngồi, và nói với tôi rằng cô ta chỉ có thể trả một phần viện phí nhưng cô ta có hứa sẽ gửi tiền đến, trả nốt phần còn lại. Điều nầy vi phạm quy tắc của bệnh viện, tất nhiên, nhưng tôi cảm thấy thương cô ta quá, cô ta vẫn còn ốm lắm khi ra đi và tôi đã nói "ừ".
- Thế cô ta có gửi tiền đến không?
- Dĩ nhiên là có - khoảng hai tháng sau. Bấy giờ cô ta đã có việc làm tại một văn phòng nào đó.
- Bà có còn nhớ nó ở đâu không?
- Không, Chúa ơi. Hai mươi mấy năm rồi, ông Timmons.
Bà Dougherty, bà có giữ hồ sơ bệnh nhân không?
- Có - Bà nhìn thẳng vào Timmons. - Ông muốn tôi kiểm tra lại hồ sơ?
- Nếu bà không phản đối. - Ông ta cười vui. - Nó sẽ giúp Rosemary chứ?
- Có thể sẽ là một sự tuyệt diệu đối với cô ta.
Bà Dougherty rời khỏi văn phòng.
Mười lăm phút sau, bà quay lại với một tờ giấy trên tay.
- Đây rồi, Rosemary Nelson. Địa chỉ để lại: Văn phòng Elite, Omaha, Nebraska.
***
Văn phòng Elite được điều hành bởi Otto Broderick, một người đàn ông khoảng 60 tuổi.
- Chúng tôi thuê rất nhiều nhân công tạm thời. - Ông ta nhấm nhẳn - Làm sao anh có thể bắt tôi nhớ về một người đã làm cách đây lâu như vậy?
- Đây là một vụ rất quan trọng. Cô ta có một mình, khoảng gần 30 tuổi, sức khoẻ tồi. Cô ta có một đứa con và…
- Rosemary.
- Đúng rồi. Tại sao ông lại nhớ ngay đến cô ta?
- Tôi thích những điểu trùng hợp, ông Timmons.
- Ông có biết thuật nhớ là cái gì không?
- Tốt, đó là cái tôi đã sử dụng. Tôi kết hợp nhiều từ ngữ với nhau. Có một bộ phim được chiếu mang tên Đứa con của Rosemary. Còn Rosemary khi đến đây cũng nói cô ta có một đứa con, tôi nhập hai cái làm một và…
- Rosemary ở đây bao lâu?
- Ồ gần một năm, tôi đoán vậy. Sau đó báo chí điều tra ra cô ta là ai và dĩ nhiên, họ không để cô ta yên. Cô ta phải rời khỏi đây vào ban đêm để thoát khỏi họ.
- Ông Broderick, ông cho rằng Rosemary Nelson sẽ đi đâu khi cô ta rời khỏi đây?
- Tôi nghĩ là Florida. Cô ta thích thời tiết ấm áp. Tôi đã giới thiệu cô ta với một hãng tôi quen biết ở đó.
- Tôi có thể biết tên hãng đó chứ?
- Dĩ nhiên. Đó là hãng Gale. Tôi có thể nhớ tên nó vì tôi thấy nó giống tên những cơn bão ở Florida hàng năm.
***
Mười ngày sau cuộc gặp gỡ ở nhà Stanford, Timmons trở lại Boston. Ông ta đã gọi điện trước và khi tới, ông thấy cả nhà Stanford đang đợi mình.
Họ ngồi thành một hình bán nguyệt, nhìn Timmons khi ông ta bước vào phòng khách ở Rose Hill.
- Ông nói có tin mới cho chúng tôi phải không? - Tyler mở đầu.
- Đúng vậy. - Ông ta mở cặp và rút ra mấy tờ giấy.
- Đây đúng là một vụ rất thú vị. - Ông ta nói. - Khi tôi bắt đầu…
- Làm ơn đừng dài dòng. - Woody nóng nẩy cắt ngang. - Cô ta có phải là giả mạo hay không?
Ông ta nhìn mọi người:
- Nếu ông không phản đối, ông Stanford, tôi sẽ trình bày theo cách của tôi.
Tyler đưa mắt cho Woody.
- Thế cũng được. Làm ơn bắt đầu đi.
Họ nhìn ông ta xem lại tài liệu:
Cô giáo dạy trẻ nhà Stanford, Rosemary Nelson, có một đứa bé gái, là con của Harry Stanford. Bà ta và đứa con đã đến Omaha, Nebraska, ở đó bà ta đã làm việc trong văn phòng Elite. Ông chủ của bà ta đã nói với tôi rằng bà ta không thích nghi được với thời tiết ở đấy. Tiếp đó, tôi theo dấu họ đến Florida, ở đây bà ta làm việc cho hãng Gale. Họ chuyển nhà xoành xoạch. Tôi lần theo dấu đến San Francisco, nơi họ đã sống cách đây hơn mười năm. Và đây cũng là dấu vết cuối cùng. Sau đó, họ biến mất. - Ông ta ngửng lên.
- Thế hả, Timmons? - Woody hỏi gặng. - Anh mất dấu họ từ mười năm trước à?
- Không, không phải vậy. - Ông ta lục trong cặp và lôi ra một tờ giấy khác - Cô con gái, Julia, nộp đơn xin cấp bằng lái xe khi cô 17 tuổi.
- Thế thì sao? - Marc hỏi.
- Ở bang California, các lái xe đều phải để lại dấu vân tay. - Ông ta chìa ta một tấm thẻ. - Đây là dấu vân tay của Julia Stanford thật.
Tyler nói, vẻ kích động.
- Tôi hiểu. Nếu chúng phù hợp…
- Thì cô ta thật sự là em gái của chúng ta. - Woody ngắt lời.
- Đúng vậy, - Timmons gật đầu. - Tôi đã mang theo cái máy lấy dấu tay đây, để phòng trường hợp các vị cần kiểm tra cô ta ngay. Cô ta có ở đây không?
- Cô ta ở khách sạn. - Marc nói. - Sáng nào tôi cũng nói chuyện với cô ta, cố gắng thuyết phục cô ta ở lại đây cho tới ngày chúng ta đạt được kết quả.
- Hãy đi gặp cô ta! - Woody nói - Ngay lập tức!
Nửa giờ sau, cả nhóm đã tới khách sạn Tremont.
Vừa bước vào, họ thấy cô ta đang xách hành lý đi ra.
- Cô đi đâu vậy? - Kendall hỏi.
Julia quay lại.
- Về nhà! Thật là sai lầm khi tôi đã định đến đây.
- Cô không thể trách chúng tôi vì… - Tyler nói.
Cô nhìn y, giận dữ:
- Từ lúc mới đến tôi đã bị các vị nghi ngờ. Các vị nghĩ rằng tôi đến đây vì tiền. Không, tôi không cần. Tôi đến vì tôi muốn có một gia đình. Tôi… tôi không bao giờ… - Nàng quay lại với đống đồ đạc.
- Đây là Frank Timmons. Ông ta là một thám tử tư Tyler nói. Nàng ngẩng lên:
- Sao? Tôi bị bắt à?
- Không, thưa cô! Julia Stanford đã thi lấy bằng lái xe ở San Francisco khi mới 17 tuổi.
- Đúng vậy. Điều đó trái với luật pháp à?
- Không, thưa cô… Điểm chính là…
- Điểm chính là, - Tyler đỡ lời, - dấu tay của Julia Stanford ở trên tấm bằng lái xe.
Nàng nhìn mọi người.
- Tôi không hiểu gì cả.
- Chúng tôi muốn kiểm tra xem dấu tay của cô có giống thế không.
Môi cô mím lại:
- Không! Các vị không có quyền.
- Cô nói rằng sẽ không để chúng tôi lấy dấu tay cô? - Woody gằn giọng.
- Đúng vậy!
- Tại sao? - Marc hỏi.
- Bởi vì tất cả những gì các vị làm khiến cho tôi có cảm giác mình là một tên tội phạm. Thôi, tôi thấy đủ lắm rồi. Các vị hãy để cho tôi yên.
- Đây là cơ hội tốt để chứng minh thân phận của cô. - Kendall nói nhẹ nhàng. - Chúng tôi cũng thấy bối rối như cô vậy. Chúng tôi bắt buộc phải giải quyết cho xong chuyện nầy.
Nàng đứng đó, nhìn vào mặt họ, từng người một.
Cuối cùng nàng nói, giọng mệt mỏi:
- Được! Các vị cứ thực hiện đi.
- Tốt lắm.
- Ông Timmons. - Tyler nói.
- Đây - Ông ta lôi ra một cái máy lấy dấu tay nhỏ và đặt nó lên bàn, sau đó ông ta mở hộp mực. - Nào, mời cô. lại đây.
Tất cả im lặng dõi theo từng bước chân của Julia tiến về phía chiếc bàn. Timmons cầm tay Julia lên và lăn từng ngón tay một vào hộp mực. Sau đó ông ta ấn chúng lên một tờ giấy trắng.
- Không tồi phải không? - Ông đặt tấm bằng lái xe cạnh những dấu tay còn tươi mầu mực.
Cả đám người đến vây quanh chiếc bàn và nhìn vào hai mẫu vân tay. Chúng thật giống nhau.
Woody thốt ra đầu tiên.
- Giống hệt nhau.
Kendall nhìn Julia với nhiều cảm xúc lẫn lộn.
- Cô thật sự là em gái của chúng tôi, đúng không?
Julia cười qua nước mắt.
- Đó là tất cả những gì tôi đang muốn nói với các người.
Tất cả bỗng nhiên ồ lên.
- Thật không thể tin được…!
- Sau bao nhiêu năm…!
- Tại sao mẹ em lại không trở về?
- Xin lỗi vì đã xử tệ với em.
Nụ cười của Julia toả sáng cả căn phòng.
- Không sao. Mọi việc giờ đã ổn cả.
Woody cầm hai tấm giấy có dấu tay lên:
- Lạy Chúa, mảnh giấy nầy đáng giá tỉ đô la. - Gã cho miếng giấy vào ví. - Tôi sẽ làm một miếng như vậy bằng đồng.
Tyler quay lại với cả nhà:
- Đây đúng là một buổi lễ thật sự. Chúng ta nên quay về Rose Hill. - Y quay lại cưởi với Julia. - Chúng tôi sẽ tổ chức một bữa tiệc để đón em. Trước hết, em hãy làm thủ tục trả buồng đi.
Nàng nhìn họ, cặp mắt sáng lên:
- Nó như một giấc mơ đã thành hiện thực. Rốt cuộc tôi cũng đã có một gia đình.
Nửa giờ sau, tất cả đều đã ở tai Rose Hill và Julia thì đang bận bịu với căn phòng mới. Những người khác ở dưới nhà nói chuyện ầm ĩ
- Nó nhất định cảm thấy như mình vừa trải qua một cuộc điều tra vậy. - Tyler trầm ngâm.
- Dĩ nhiên. - Peggy phụ hoạ. - Tôi không biết cô ấy chịu đựng bằng cách nào?
- Còn tôi thì muốn biết đứa em nầy sẽ hoà nhập vào cuộc sống mới ra sao đây. - Kendall nói.
- Giống như chúng ta thôi. - Woody đáp một cách khô khan. - Với rất nhiều rượu champagne và trứng cá caviar.
- Tôi cũng như mọi người, rất vui vì chuyện nầy đã giải quyết xong. Để tôi đi xem cô ta có cần giúp đỡ gì không? - Tyler đứng dậy.
Y lên lầu và đi dọc theo hành lang, đến cửa phòng cô gái y gõ cửa và gọi to:
- Julia?
- Cửa không khoá. Cứ vào.
Y đứng trên bậc cửa và cả hai im lặng nhìn nhau.
Rồi Tyler thận trọng đóng cửa lại, cầm tay cô gái và nở một nụ cười.
- Thành công rồi, Margo! Chúng ta thành công rồi.
 
CHƯƠNG 15 - SÁNG
Yđã mưu toan vụ nầy bằng đường đi nước bước vừa cẩn trọng vừa táo bạo của một kỳ thủ cự phách, bậc thầy. Trong lịch sử, chỉ có ván cờ nầy là sinh lời nhiều nhất mà thôi, hàng bao nhiêu tỉ đô la và y đã thắng?
Lòng y tràn ngập cảm giác về một sức mạnh vô địch.
Có phải là cảm giác mỗi khi ông kết thúc một vụ làm ăn lớn không hả Cha? Ồ, mà chưa vụ nào cha làm lại lớn như vụ nầy đâu. Con đã sắp đặt một vụ tội phạm thế kỷ, và con đã bị nó cuốn đi.
Kỳ thực là mọi việc bắt đầu từ Lee. Lee xinh đẹp, Lee tuyệt vời. Người mà y yêu nhất trên thế gian nầy. Hai người gặp nhau ở quán The Berlin, quán dành riêng cho nhưng kẻ đồng tính, trên đại lộ West Belmont. Lee cao, tóc sáng, cường tráng và là người đàn ông đẹp nhất mà Tyler từng gặp.
Cuộc gặp gỡ của họ bắt đầu bằng:
- Tôi có thể mời anh một ly được không?
Lee nhìn Tyler khắp lượt rồi gật đầu:
- Vâng, được thôi.
Sau ly thứ hai, Tyler nói:
- Tại sao chúng ta lại không đến uống ở chỗ tôi nhỉ?
Lee đã mỉm cười:
- Giá tôi đắt lắm đấy!
- Đắt là bao nhiêu?
- Năm trăm đô la qua đêm.
Tyler không lưỡng lự:
- Đi nào!
Họ qua đêm đó ở nhà Tyler.
Lee vừa nồng nàn, nhậy cảm vừa đầy quan tâm và Tyler nhận thấy chưa với ai khiến y có được cảm giác gần gũi đến thế. Trong y ngập tràn những tình cảm chưa bao giờ xuất hiện. Đến gần sáng thì Tyler dường như điên dại vì yêu.
Trước kia, y đã từng rủ những thanh niên trẻ ở quán The Cairo, rạp The Bijou Theater rồi một số kẻ đồng tính khác đứng đường ở Chicago, nhưng giờ đây y hiểu rằng mọi việc đang đối khác. Từ giờ trở đi y chỉ muốn mình Lee mà thôi.
Sáng dậy, trong khi sửa soạn bữa sáng, Tyler hỏi:
- Đêm nay cưng muốn làm gì?
Lee ngạc nhiên nhìn lên:
- Xin lỗi. Tối nay tôi có hẹn rồi.
Tyler cảm thấy như vừa bị ai thúc vào bụng.
- Nhưng, Lee, tôi nghĩ rằng tôi và cưng…
- Tyler, bạn thân yêu, tôi là một thương gia có đầu óc Tôi đến với ai trả giá cao nhất. Tôi thích anh, nhưng e rằng anh không đu sức giữ tôi đâu.
- Tôi có thể cho cưng bất cứ thứ gì cưng muốn, - Tyler nói.
Lee cười uể oải.
- Thật sao? Ở, thứ mà tôi muốn lúc nầy là đi chơi một chuyến tới St. Tropez bằng thuyền buồm du lịch màu trắng thật đẹp. Anh lo được không?
- Lee, tôi giàu có hơn tất cả đám bạn cưng cộng lại kia.
- Ồ tôi nghĩ rằng anh đã tự giới thiệu mình là một thẩm phán kia mà?
- Hừm, đúng thế thật, nhưng tôi sắp giàu có rồi. Tôi muốn nói rằng… rất giàu.
Lee quàng tay ôm y:
- Đừng sợ, Tyler. Tôi được rỗi từ thứ năm. Nhưng quả trứng kia trông ngon quá.
Đó là sự khởi đầu. Trước đó, tiền quả cũng quan trọng đối với Tyler, nhưng giờ thì nó trở thành một nỗi ám ảnh lớn. Y cần tiền cho Lee. Y không thể dứt bỏ suy nghĩ về Lee ra khỏi tâm trí. Chỉ nghĩ đến việc anh ta làm tình với những người đàn ông khác y đã không thể chịu đựng được. Ta phải giành Lee bằng được cho riêng mình.
Từ tuổi đôi mươi, Tyler đã biết mình là một homosexual. Một hôm, cha y đã bắt quả tang y đang sờ soạng và hôn một học sinh nam khác ở trường và Tyler đã hứng trọn sự tức giận của cha.
- Tao không thể tin được rằng tao lại có một thằng con trai lại cái! Bây giờ, khi tao đã biết được cái bí mật bẩn thỉu của mày rồi, thì tao sẽ để mắt đến mày cẩn thận hơn đấy, bà chị ạ.
Cuộc hôn nhân của Tyler như một trò đùa tếu do một vị Chúa trời có khiếu hài hước rùng rợn xe duyên cho.
Một hôm, Harry Stanford nói:
- Tao muốn mày gặp một người.
Đó là vào dịp giáng sinh và Tyler đang nghỉ ở Rose Hill. Kendall và Woody đã ra đi và Tyler cũng đang sửa soạn thì một quả bom giáng xuống.
- Mày chuẩn bị làm đám cưới.
- Cưới? Không thể có chuyện đó! Con không…
- Nghe đây, bà chị. Người ta đã bắt đầu đàm tiếu về mày, mà tao thì không chịu được điều đó. Nó làm ô danh tao. Nếu mày chịu lấy vợ thì việc đó sẽ làm chúng câm họng.
Tyler bướng bỉnh:
- Con không cần biết mọi người nói gì. Đây là cuộc đời của riêng con.
- Còn cha lại muốn cho con một cuộc sống giàu sang, Tyler! Cha đang ngày một già đi. Chẳng mấy nỗi mà… - Ông nhún vai.
Đúng là cây gậy và củ cà rốt.
Naomi Schuyler là một phụ nữ chẳng có gì đặc sắc con một gia đình tầng lớp trung lưu, song lại ôm ấp cái khát vọng cháy bỏng là sẽ có cuộc sống xa hoa, thừa thãi. Naomi bị cái tên Harry Stanford gây ấn tượng, mạnh mẽ tới mức cô ta sẵn lòng cưới con trai của ông ta, kể cả khi anh ta làm nghề bán xăng chứ không phai thẩm phán như thế nầy.
Harry Stanford đã từng đưa Naomi lên gi.ường một lần. Khi có ai hỏi tại sao thì Stanford trả lời rằng:
- Vì cô ta đã ở sẵn đấy.
Cô ta nhanh chóng làm ông chán ngán, nên ông quyết định rằng cô ả nầy sẽ rất thích hợp với Tyler.
Một khi Harry Stanford muốn cái gì thì đố cái đó thoát được.
Lễ cưới được cử hành hai tháng sau đó. Đấy là một đám cưới nho nhỏ - một trăm năm mươi người - và cô dâu chú rể đi Jamaica để hưởng tuần trăng mật.
Đó là một sự gán ghép lố bịch và nó đã thất bại hoàn toàn, đến mức thảm hại.
Vào đêm tân hôn Naomi nói:
- Chúa ơi, tôi cưới phải loại đàn ông gì thế nầy? Anh có cái ấy mà làm gì?
Tyler cố nhẹ nhàng thuyết phục vợ:
- Chúng ta không cần phải làm tình. Chúng ta có thể có cuộc sống riêng. Chúng ta vẫn cứ sống với nhau nhưng mỗi người sẽ có… bạn tình của riêng mình.
- Anh nói đúng đấy, chúng ta sẽ như thế!
Naomi trả thù chồng bằng cách trở thành một người mua sắm cỡ đại cao thủ. Cô ta mua mọi thứ ở những cửa hàng đắt nhất trong thành phế, rồi thực hiện những chuyến đi mua hàng tận New York.
- Tôi không thế lo đủ cho những trò thái quá của cô bằng thu nhập của mình được. - Tyler phản đối.
- Thế thì lo để được tăng lương đi. Tôi là vợ anh. Tôỉ có quyền được chồng trợ cấp.
Tyler đến gặp cha, kể lại sự tình.
Harry Stanford cười tỉnh queo:
- Đàn bà được quyền tốn kém phải không? Anh gắng thu xếp thôi.
- Nhưng, cha, con cần một số…
- Một ngày nào đó, anh sẽ có tất cả tiền trên trái đất nầy.
Tyler cố giải thích cho Naomi, nhưng cô ta không thèm để tâm đến việc đợi cho tới "cái ngày nào" đó.
Cô ta cảm tưởng rằng "cái ngày đó" sẽ không bao giờ đến. Khi Naomi đã bòn rút của Tyler được những thứ cần thiết rồi thì cô ta đâm đơn ly dị, nhằm cuỗm nốt những gì còn lại trong tài khoản của y ở ngân hàng, rồi biến.
Khi Harry Stanford nhận được tin, ông ta chỉ nói:
- Một khi đã là thằng lại cái, thì chỉ mãi mãi là một thằng lại cái mà thôi.
Và câu chuyện chấm dứt ở đó.
Cha y càng tìm cách hạ nhục y mỗi khi có dịp. Một ngày kia, khi Tyler đang trên ghế thẩm phán giữa một cuộc kiện thì người nhân viên(1) đến bên thì thầm:
- Xin lỗi, thưa ngài thẩm phán…
Tyler quay sang, sốt ruột:
- Cái gì?
- Có điện thoại cho ngài.
- Cái gì? Anh làm sao thế? Tôi đang bận…
Nhưng đó là cha ngài gọi, thưa ngài thẩm phán.
- Ông ấy nói là rất khẩn nên phải nói chuyện với ngài ngay.
Tyler rất bực bội. Cha y không có quyền gián đoạn công việc của y. Đã định bỏ qua cú điện thoại, nhưng y lại sợ nếu có việc gì khẩn cấp thật…
Tyler đứng lên:
- Toà tạm nghỉ mười lăm phút.
Tyler vội vã vào phòng của mình và nhấc máy:
- Cha ạ?
- Cha hy vọng không làm gián đoạn công việc của con, Tyler. - Giọng ông ta có vẻ hiểm độc.
- Trên thực tế là cha đã thực sự lầm rồi. Con đang dở một vụ kiện và…
- Ôi! cứ ghi đại cho nó một chiếc vé phạt giao thông rồi quên chuyện đó đi.
- Cha...
- Cha cần con giúp một vấn đề nghiêm trọng.
- Vấn đề thuộc loại gì ạ?
- Người đầu bếp ăn cắp của cha.
Tyler không thể tin được những gì vửa nghe thấy.
Y tức giận đến mức không nói được gì.
- Cha gọi con tới chỉ để...
- Con là luật pháp, đúng không? Thế mà nó lại phá luật. Cha muốn con quay về Boston ngay để kiểm tra lại toàn bộ nhân viên của cha ở đây. Bọn chúng nó ăn cướp của cha đến tối tăm cả mặt mày!
Tất cả những gì Tyler làm được là cố nén để khỏi nổ bùng: "Cha..."
- Người ta thật không thể tin được những cái hãng giới thiệu việc làm chết tiệt đó.
- Con đang dở một vụ kiện. Bây giờ con không thể về Boston được.
Một phút im lặng đầy đe doạ trôi qua.
- Con nói gì vậy?
- Con nói rằng...
- Con không thể lại làm cha thất vọng nữa chứ, Tyler? Có thể cha sẽ nói với Fitzerald để sửa đổi đôi chút trong di chúc của cha thôi.
Lại một cú cà rốt nữa. Tiền. Phải, gia sản hàng tỉ đô la đang chờ đợi y khi ông ta chết đi.
Tyler dọn gọng:
- Nếu cha gửi máy bay đến đón con thì…
- Quỉ sứ, không!
- Ông thẩm phán nầy, nếu ông chơi đúng bài thì một ngày kia chiếc máy bay đó sẽ thuộc về ông. Cứ nghĩ lại về điều nầy đi. Trong khi chờ đợi thì cứ chịu khó ngồi máy bay khách như mọi người thôi. Nhưng tao muốn cái thân lừa của mày về đây!
Đường dây tắt ngấm.
Tyler ngồi lặng đi, đầy nhục nhã. Cha ta sẽ tiếp tục hành hạ ta như thế nầy cả đời! Quỉ tha ma bắt ông ta đi! Ta sẽ không đi. Không đi.
Tối hôm đó Tyler bay về Boston.
***
Harry Stanford thuê một đội ngũ gồm hai mươi hai người làm. Đó là một nhóm liên kết chặt chẽ gồm các thư kí, quân gia, báo vệ, hầu gái, đầu bếp, lái xe, người làm vườn và một vệ sĩ.
- Quân trộm cướp, đứa nào cũng thế, - Harry Stanford kêu ca với Tyler.
Nếu cha lo lắng thế, sao không thuê một thám tử tư hay đi báo cảnh sát?
- Tại vì tao đã có mày, - Harry Stanford nói. - Mày là thấm phán, đúng không? Thế, mày xét xử chúng cho tao?
Một sự độc ác cố ý của ông bố xuất phát từ lòng cám ghét đứa con trai.
Tyler nhìn quanh ngôi nhà lớn với đồ đạc và những bức tranh đắt tiền, chạnh lòng nghĩ đến ngôi nhà bé nhỏ tồi tàn mình đang ở. Đây là thứ ta xứng đáng được hưởng, y nghĩ . Rồi một ngày, ta sẽ có…
Tyler hỏi chuyện Clark, người quản gia, và những nhân viên có thứ bậc cao ở trong nhà. Y cật vấn những người hầu, từng người một, và kiểm tra lý lịch của họ.
Phần lớn nhân viên đều mới tuyển vì Harry Stanford là một ông chủ khó chiều. Sự thay đổi nhân viên trong nhà thật bất thường. Có những người chỉ trụ được một hoặc hai ngày. Vài nhân viên mới tuyển có thủ vài ba thứ lặt vặt, một kẻ thì nghiện rượu. Còn lại, Tyler không thấy có gì nghiêm trọng cả.
Trừ Dmitri Kaminsky.
Dmitri Kaminsky được Harry Stanford thuê làm vệ sĩ và làm người mát xa. Ngồi ghế thẩm phán đã lâu tạo cho Tyler một sự đánh giá nhạy bén về tính cách con người, mà ở Dmitri có cái gì đó khiến Tyler liên tục thấy nghi ngờ. Gã là nhân viên mới nhất.
Người vệ sĩ trước của Harry Stanford đã bỏ việc Tyler có thể hiểu vì sao - và anh ta đã tiến cử Kaminsky.
Người đàn ông nầy rất bự con, có bộ ngực vạm vỡ và hai cánh tay cơ bắp nổi cuồn cuộn. Anh ta nói tiếng Anh bằng một giọng Nga nặng trịch:
- Ông muốn gặp tôi?
- Vâng! - Tyler chỉ vào một chiếc ghế. - Hãy ngồi xuống. - Y đã xem qua lý lịch của con người nầy, chẳng biết gì mấy, trừ một điều rằng Dmitri mới ở Nga sang.
- Anh sinh ra ở Nga à?
- Vâng! - Anh ta nhìn Tyler, đầy cảnh giác.
- Vùng nào?
- Smolensk.
- Tại sao anh rời Nga để sang Mỹ?
Kaminsky nhún vai:
- Ở đây có nhiều cơ hội hơn.
Cơ hội cho việc gì? Tyler tự hỏi. Thái độ của gã vệ sĩ nầy có vẻ gì rất khả nghi. Họ nói chuyện với nhau trong hai mươi phút, và cuối cùng Tyler hoàn toàn tin rằng Dmitri Kaminsky rõ ràng đang che đậy một điều gì đó.
Tyler gọi điện cho Fred Masterson, một người quen đang làm cho FBI(2).
- Fred nầy, mình muốn cậu giúp cho một việc.
- Được thôi. Nếu mình đang ở Chicago thì cậu có lo được vé tầu xe cho mình không?
- Mình nóì nghiêm túc đấy.
- Nói đi?
- Mình muốn cậu kiểm tra hộ một người Nga mới đến đây sáu tháng trước.
- Gượm đã. Cậu muốn hỏi bên CIA à?
- Có thể, nhưng mình không quen ai bên đó cả.
- Mình cũng thế.
- Fred nầy. Nếu cậu giúp mình việc nầy thì mình rất biết ơn đấy.
Tyler nghe thấy một tiếng thở dài.
- OK. Hắn tên gì?
- Dmitri Kaminsky.
- Mình sẽ kể cho cậu mình định làm gì. Mình biết một người trong Đại sứ quán Nga ở Washingtơn. Mình sẽ hỏi xem anh ta có biết tin tức gì về Kaminsky không. Nếu không, e rằng mình cũng chẳng giúp gì hơn được cho cậu đâu.
- Thế là tốt lắm rồi.
Tối hôm đó, hai cha con Tyler ăn bữa tối với nhau sâu trong tiềm thức, Tyler cứ hy vọng rãng ông bố già đi, dễ bị tổn thương, và sẽ suy sụp theo thời gian.
Nhưng ngược lại, Harry Stanford trông lại khoẻ hơn, đầy nhuệ khí hơn, ồn ao hơn như đang trong thời gian sung sức nhất của cuộc đời vậy. Ông ta sẽ sống mãi. Tyler cay đắng nghĩ . Tất cả bọn ta sẽ chết trước cả ông ta kia.
Cuộc nói chuyện bên bàn ăn chỉ từ một phía.
- Tao vừa mới kết thúc một vụ, mua được cái công ty năng lượng ở Hawaii… Tuần sau họ sẽ bay sang Amsterdam để giải quyết dứt điểm vài rắc rối của GATT(3). Bộ trưởng ngoại giao mời tao cùng sang thăm Trung Quốc…
Tyler hiếm khi góp một lời. Cuối bữa ăn, ông bố đứng lên:
- Mày giải quyết bọn người hầu thế nào rồi?
- Con vẫn đang kiểm tra chúng.
- Hừm, nhưng đừng có quá lâu đấy!
Cha y gầm gừ, rồi đi ra khỏi phòng.
Sáng hôm sau Tyler nhận được điện thoại của Fred Masterson ở FBI gọi đến.
- Tyler đấy à?
- Ừ!
- Cậu gặp may lớn rồi nhé.
Dmitri Kaminsky là một tay giết mướn cho vụ polgorudnenskaya.
- Là cái quái gì vậy?
- Mình sẽ giải thích. Có tám băng tội phạm hoạt động ở Moskva. Chúng đánh lẫn nhau, nhưng phần thắng nghiêng về hai băng mạnh nhất là chechens và polgorudnenskaya. Ông bạn Kaminsky của cậu làm việc cho băng thứ hai. Ba tháng trước đây, bọn chúng thuê hắn thịt một trong những tên cầm đầu băng chechens. Thay vì thực hiện hợp đồng thì Kaminsky lại đến báo cho tên kia để có được món kiếm chác béo bở hơn. Băng polgorudnenskaya biết được bèn thuê một sát thú khác giết Kaminsky. Các băng tội phạm bên đó có luật kỳ quặc lắm. Trước tiên chúng chặt ngón tay của anh, để cho chảy máu một lúc, rồi mới bắn chết.
- Trời đất!
- Kaminsky phải chạy trốn khỏi nước Nga nhưng bọn kia vẫn đang truy lùng. Thậm chí còn truy lùng gắt gao hơn.
- Thật không thể tin được, - Tyler nói.
- Chưa hết đâu. Cảnh sát bang cũng đang muốn bắt hắn vì vài vụ giết người nửa. Nếu cậu biết hắn ở đâu thì họ sẽ rất muốn có được thông tin đó đấy.
Tyler lặng nghĩ giây lát. Y không thể dính vào vụ nầy. Điều nầy đồng nghĩa với việc phải đưa lời khai rồi sẽ tốn rất nhiều thời gian.
- Mình không biết gì cả. Mình chỉ muốn kiểm tra hắn hộ cho một người bạn Nga thôi. Cám ơn nhiều nhé, Fred.
Tyler tìm thấy Dmitri Kaminsky đang xem một quyển tạp chí đồi truỵ ở trong phòng riêng của gã.
Dmitri nhổm dậy khi Tyler bước vào.
- Tôi muốn anh thu xếp đồ đạc và biến khỏi đây ngay.
Dmitri chằm chằm nhìn y.
- Có việc gì vậy?
- Tôi cho anh hai sự lựa chọn. Một là anh biến khỏi đây ngay chiều nay, hai là tôi sẽ báo cho cảnh sát Nga anh đang ở đây.
Mặt Dmitri tái nhợt đi.
- Anh hiểu chứ?
- Vâng. Tôi hiểu.
Tyler đi tìm cha. Ông ấy sẽ hài lòng, y nghĩ. Ta đã giúp ông ấy một việc lớn. Y thấy cha đang ngồi xem xét giấy tờ gì đó.
Con đã kiểm tra hết các nhân viên, - Tyler nói.
- Tao rất có ấn tượng. Thế mày có tìm thấy thằng nhỏ nào để rủ lên gi.ường không?
Mặt Tyler đỏ bừng lên.
- Cha…
- Mày là một tên pê-đê, và mãi mãi chỉ là một thằng pê-đê mà thôi. Tao không hiểu ở đâu lại nảy ra cái giống mày từ huyết thống của tao cơ chứ. Hãy biến về Chicago với cái lũ bạn cống rãnh của mày đi.
Tyler đứng đó, gắng gượng kỳm nén.
- Phải, - hắn nói nhanh. Rồi hắn đi ra.
- Mày có tìm thấy điều gì về bọn người làm mà tao cần phải biết không?
Tyler quay lại nhìn cha thăm dò giây lát rồi chậm rãi nói:
- Không. Không gì cả.
Khi Tyler đến phòng Kaminsky thì thấy gã đang thu xếp hành lý.
- Tôi đi đây, - Kaminsky rầu rĩ nói.
- Thôi, tôi đổi ý rồi.
Dmitri ngẩng lên, do dự.
- Gì cơ?
- Tôi không muốn anh đi khỏi đây nữa. Tôi muốn anh tiếp tục ở lại làm vệ sĩ cho cha tôi.
- Thế còn… ông biết rồi đấy, cái việc kia?
- Chúng ta cùng quên nó đi.
Dmitri nhìn Tyler, đầy cảnh giác.
- Nhưng tại sao? Ông muốn gì ở tôi?
- Tôi muốn anh làm tai mắt cho tôi ở đây. Tôi cần có người để mắt đến cha tôi, và báo cho tôi biết mọi việc xảy ra.
- Sao tôi phải làm như vậy?
- Bởi vì nếu anh làm như tôi bảo, thì tôi sẽ không giao anh cho người Nga. Và bởi vì tôi sẽ biến anh thành một người giầu có.
Dmitri Kaminsky nhìn Tyler giây lát, cân nhắc.
Một nụ cười từ từ làm khuôn mặt gã sáng lên.
- Tôi sẽ ở lại.
Đó là nước cờ mở đầu. Một con tốt đã được di động.
Đó là hai năm trước. Thỉnh thoảng Dmitri gửi tin đến cho Tyler. Đó là những tin đồn rẻ tiền về những cuộc tình mới nhất của Harry Stanford hay những vụ kinh doanh mà Dmitri nghe lỏm được. Tyler bắt đầu nghĩ rằng y đã sai lầm, lẽ ra nên giao Dmitri cho cảnh sát. Rồi một hôm, cú điện thoại định mệnh ấy đã được gọi đến từ Sardinia.
- Tôi đang ở trên thuyền buồm du lịch cùng cha ông. Ông ta vừa gọi cho luật sư. Thứ hai tới ông ta sẽ gặp gỡ luật sư để sửa đổi di chúc.
Tyler nghĩ đến tất cả nỗi nhục nhã mà cha y đã đổ lên đầu con cái. Y bỗng thấy giận sôi lên. Nếu lão già thay đổi di chúc thì bấy nhiều năm qua ta chịu đựng sự sỉ nhục là công cốc hay sao! Ta không thể cho lão ta đi thoát! Chỉ còn một cách để ngăn lão ta lại.
- Dmitri, tôi muốn anh gọi lại cho tôi vào ngày thứ bảy.
- Vâng!
Tyler đặt ống nghe xuông, ngồi thừ ra suy nghĩ.
Đã đến lúc đi quân mã rồi đây.
Chú thích:
(1) Bailiff: Nhân viên chấp hành ở toà án, đặc biệt là lo thu xếp mọi người ngồi vào chỗ của mình và loan báo việc quan toà đã đến.
(2) FBI - (Federal Bureau of Investigation): Cục điều tra liên bang của Mỹ thuộc bộ Tư pháp
(3) GATT (General Agreement on Tariffs Trade): Hiệp ước chung về thuế quan và Thương mại.
 
CHƯƠNG 16 - SÁNG
Ở toà án lưu động của quận Cook, số lượng bị cáo tăng giảm liên tục và khá đều đặn. Họ bị kết vào các tội cố ý gây hoả hoạn, hiếp dâm, buôn lậu ma tuý giết người, và hàng loạt những hành động bất hợp pháp và ô nhục khác. Chỉ một tháng mà thẩm phán Tyler Stanford phải xử đến ít nhất nửa tá vụ giết người. Những bị cáo ở độ tuổi thành niên không ra trước toà vì các luật sư của họ thường xin toà thương lượng, và bởi vì lịch của toà và buồng của các nhà tù đều đã chật quá rồi nên chính phủ Bang vẫn thường đồng ý. Hai bên sẽ cùng ký một cam kết rồi đưa cho Thẩm phán Stanford duyệt.
Nhưng vụ của Hal Baker là một ngoại lệ.
Hal Baker là một người có nhiều dự định tốt đẹp nhưng thường không gặp may. Khi hắn mới mười lăm tuổi, hắn đã bị người anh trai rủ rê đi cướp một cửa hàng rau. Hal đã cố cản trở anh mình nhưng khi không được thì đành đi theo. Hal bị bắt, còn anh trai hắn trốn thoát. Hai năm sau, khi rời trường cải tạo, Hal Baker đã quyết tâm sẽ không làm gì để dính líu với pháp luật nữa. Một tháng sau, hắn theo một người bạn đến cửa hàng bán đồ trang sức.
- Tao muốn nhón một cái nhẫn để tặng bồ tao! - Bạn Hal nói.
Rồi khi đã lọt vào trong cửa hàng, bạn hắn rút ra một khẩu súng lục và hét: "Cướp đây!"
Cuống quýt vì sợ hãi, một nhân viên đã bị bạn Hal bắn chết. Hal Baker bị bắt và bị kết tội cướp có vũ trang. Bạn hắn chạy thoát.
Trong thời gian Baker ở trong tù, Helen Gowan, một nữ nhân viên làm công tác xã hội đã đọc hồ sơ của hắn và tỏ ra thương xót, bèn đến nhà tù thăm hắn. Đó là tình yêu ngay từ phút đầu gặp gỡ, nên khi Baker được thả, hai người đã cưới nhau. Tám năm tiếp sau, họ đã có bốn đứa con thật đáng yêu.
Hal Baker rất yêu gia đình mình và tự hào về nó.
Do lý lịch có tiền án tiền sự, hắn rất khó tìm việc, nên để nuôi gia đình hắn đành miễn cưỡng làm việc cho anh trai, thực hiện các vụ hoả hoạn, cướp và hành hung người khác. Không may cho Hal, hắn lại bị bắt quả tang - không thể chối cãi được - khi đang ở trong nhà người khác với lí do không thể trình bày được. Hắn lại bị bắt giam vả bị đưa lên xét xử
Ở toà án của thẩm phán Tyler Stanford.
Đã đến giờ phán xét. Baker là bị cáo thứ hai, với một hồ sơ bí bét và đó lại là một vụ rõ ràng tới mức các luật sư trợ tá còn đánh cuộc về số năm ở tù mà thẩm phán Stanford sẽ buộc cho Baker.
- Ông ấy sẽ ném sách vào đầu hắn cho mà xem? - Một trong bọn họ nói.
- Tôi cuộc rằng ông ấy sẽ phán cho hắn ta hai mươi năm tù. Chẳng phải Stanford được gọi là thẩm phán đao phủ là gì. - Một người khác chêm vào.
Hal Baker, người từ đáy lòng thấy mình vô tội, tự biện hộ cho chính mình. Hắn đứng trước toà, mặc bộ comple đẹp nhất và nói.
- Thưa quí toà, tôi biết tôi đã phạm tội, nhưng chúng ta ai cũng là người phải không ạ? Tôi có một người vợ và bốn đứa con tuyệt vời. Giá mà ngài được gặp họ, thưa quí toà, họ tuyệt vời lắm. Tất cả những gì tôi làm, đều là làm vì họ.
Tyler Stanford ngồi trên ghế thẩm phán, lắng nghe, mặt không biểu hiện gì. Y đợi cho Hal Baker nói xong để đưa ra lời phán xét của mình. Có phải cái thằng ngốc nầy thực sự nghĩ rằng hắn sẽ được rũ tội khi kê ra câu chuyện nghe động lòng nầy chăng?
Hal Baker đang nói những lời cuối cùng, Hal Baker đang nói những lời cuối cùng:
- Thế đó, thưa quí toà, cho dù tôi đã làm sai, nhưng tôi làm vì lí do đúng: cho gia đình. Tôi không cần nói với ngài điều nầy quan trọng như thế nào. Nếu tôi phải vào tù, thì vợ con tôi sẽ chết đói. Tôi biết rằng tôi đã phạm tội, nhưng tôi sẵn sàng chuộc tội. Tôi sẽ làm bất cứ điều gì mà ngài muốn, thưa quí toà…
Và chính câu nói đó đã làm Tyler Stanford chú ý.
Y nhìn người bị cáo trước mặt với một sự quan tâm mới. Bất cứ điều gì mà ngài muốn. Tyler chợt có một linh cảm như đã có với Dmitri Kaminsky. Đây là người mà một ngày nào đó sẽ rất được việc cho y.
Trước tiếng kêu kinh ngạc của bên nguyên, Tyler nói.
- Ông Baker, có một số yếu tố có thể làm nhẹ tội cho ông. Vì chúng và vì gia đình của ông, tôi xử ông năm năm án treo, chịu sự quản thúc của nhân viên pháp lý. Tôi trông chờ ông sẽ thực hiện sáu trăm giờ làm việc cho dịch vụ công cộng. Hãy vào phòng của tôi, và chúng ta cùng thảo luận.
Vào đến văn phòng riêng, Tyler nói với giọng khác hẳn:
- Anh biết đấy, tôi có thể tống anh vào ngục. Rất lâu rất lâu.
Hal Baker tái xám.
- Nhưng thưa ngài! Ngài vừa nói rằng…
Tyler ngả người về phía trước.
- Anh có biết cái ấn tượng nhất ở anh là gì không?
Hal Baker ngồi ngẩn ra, cố nặn óc nghĩ ra hàng tá lí do:
- Không, thưa ngài.
- Đó là tình cảm của anh đối với gia đình, - Tyler nói ra vẻ trân trọng - Tôi thực sự cảm phục.
Hal Baker rạng rỡ mặt mày.
- Cảm ơn ngài. Họ là những gì quan trọng nhất trên đời tôi. Tôi…
- Nên anh không muốn mất họ phải không? Nếu tôi cho anh vào ngục thì các con anh sẽ lớn lên không cha, vợ anh có thể sẽ tìm một người đàn ông khác.
- Anh hiểu tôi muốn nói gì rồi chứ?
Hal Baker lúng túng, lắp bắp:
- Kh… không, thưa ngài. Không hiểu chính xác là…
- Tôi đã cứu gia đình anh cho anh, Baker ạ. Tôi nghĩ rằng anh sẽ rất biết ơn.
Hal Baker nóng vội đáp.
- Ôi vâng, thưa ngài! Tôi không thể diễn đạt nổi tôi biết ơn ngài đến thế nào.
- Có thể anh sẽ chứng tỏ điều đó với tôi trong tương lai. Một ngày nào đó tôi sẽ nhờ anh làm một vài việc vặt cho tôi chẳng hạn.
- Làm gì cũng được ạ!
- Tốt. Tôi sẽ cho anh về nhà chịu sự quản thúc. Và nếu tôi nhận thấy thái độ anh có gì khiến tôi không hài lòng thì…
- Ngài chỉ việc nói ngài muốn gì là được!
- Tôi sẽ cho anh biết khi nào cần thiết. Còn từ nay đến lúc đó, điều nầy phải tuyệt đối bí mật, chỉ giữa hai chúng ta biết mà thôi.
Hal Baker đặt tay lên ngực thề.
- Tôi sẽ chết trước khi nói cho ai biết.
- Anh nói đúng đấy. - Tyler làm hắn ta yên lòng.
Không bao lâu sau Tyler nhận được điện thoại của Dmitri Kaminsky gọi đến.
- Cha ông đã gọi luật sư. Họ sẽ gặp nhau ở Boston vào thứ hai để sửa bản di chúc.
Tyler biết rằng cần phải xem bản di chúc cũ như thế nào. Đã đến lúc gọi Hal Baker.
- Tên công ty là Renquist, Renquist &Fitzgerald.
- Hãy chụp bản di chúc và đem nó về đây cho tôi.
- Không vấn đề gì. Tôi sẽ lo vụ nầy, thưa ngài.
Mười hai tiếng sau, Tyler đã có trong tay bản sao tờ chúc. Y đọc và cảm thấy một niềm sung sướng tràn đầy. Y, Woody và Kendall là những người thừa kế duy nhất. Thế mà thứ hai tới lão ta định sửa di chúc. Thằng con hoang đó sắp cướp trắng của chúng ta! Tyler cay đắng nghĩ. Cuối cùng thì chúng ta cũng đã vượt qua…, hàng tỉ đô la đó thuộc về chúng ta. Ông ấy đã cho phép chúng ta có chúng kia mà? Chỉ còn một việc duy nhất có thể ngăn ông ta lại.
Khi cú điện thoại thứ hai của Dmitri gọi đến thì Tyler nói.
- Tôi muốn anh giết ông ấy. Ngay đêm nay.
Im lặng một lúc lâu, rồi:
- Thế nếu tôi bị bắt gặp?
- Đúng để bị bắt quả tang. Anh đang ở ngoài khơi.
- Nhiều điều có thể xảy ra ở đó lắm chứ? Được thôi. Khi xong rồi?
- Đã có tiền và vé máy bay đi Australia sẵn cho anh.
Và rồi sau đó là cú điện thoại tuyệt vời y chờ đợi hơn mọi thứ trên đời.
- Tôi đã lảm xong rồi. Nhẹ nhàng thôi.
- Không! Không! Không? Tôi muốn biết chi tiết.
- Hãy kể hết đi. Đừng bỏ sót bất cứ việc gì.
Trong khi lắng nghe, Tyler có thể hình dung ra từng cảnh rõ ràng trước mắt.
Chúng tôi gặp một trận bão xấu trên đường đến Corsica. Ông ấy gọi tôi lên ca bin để mát-xa cho ông…
Tyler nhận ra mình đang bấu chặt lấy ống nghe.
- Ừ! Kể tiếp đi…
Dmitri cố giữ thăng bằng chống chọi lại sự chao đảo điên cuồng của con tàu trong khi tới cabin của Harry Stanford. Gã gõ cửa và ngay sau đó nghe thấy giọng Stanford.
- Vào đi - Stanford gào lên. Ông ta đã nằm dài trên bàn mát-xa. - Đấm vào chỗ thấp dưới lưng ấy nhé.
- Tôi sẽ làm, ông chỉ việc thư giãn thôi, ông Stanford.
Dmitri đến bên bàn và xoa dần lên lưng Stanford.
Những ngón tay khoẻ khoắn của gã bắt đầu làm việc một cách thành thạo, xoa bóp những phần cơ mệt mỏi. Gã cảm thấy Stanford bắt đầu thư giãn.
- Thế, tốt đấy! - Stanford thở dài.
- Cám ơn ông!
Cuộc mát-xa kéo dài một giờ, và khi Dmitri làm xong thì Stanford gần như ngủ thiếp đi.
- Tôi đi lo nước tắm cho ông nhé? - Dmitri hỏi. Rồi hắn đi vào buồng tắm, người nghiêng ngả vì chuyển động của con tàu. Hắn mở vòi nước biển ấm áp cho chảy vào bồn tắm bằng mã não màu đen rồi quay lại phòng ngủ. Stanford vẫn đang nằm trên bàn, mắt nhắm nghiền.
- Ông Stanford…
Stanford mở mắt ra.
- Bồn tắm đã sẵn sàng ạ.
- Tao thấy không cần…
- Tắm vào sẽ làm ông ngủ rất tốt đêm nay. - Gã giúp Stanford xuống bàn và dìu ông ta vào buồng tắm.
Dmitri nhìn Harry Stanford đầm mình xuống bồn.
Stanford ngước lên bắt gặp cặp mắt lạnh lùng của Dmitri, và ở chính khoảnh khắc đó, linh tính mách bảo ông điều gì sẽ xảy ra.
- Không! - ông ta kêu lên và cố gắng đứng dậy.
Dmitri ấn hai bàn tay hộ pháp lên đầu Harry Stanford, nhấn xuống. Stanford quẫy đạp điên cuồng, cố gắng trồi lên khỏi mặt nước, nhưng ông ta làm sao đọ sức nổi với gã khổng lồ. Nước biển tràn vào phổỉ Stanford, rồi ông ta hoàn toàn bất động. Gã buông tay thở hổn hển, rồi loạng choạng bỏ đi.
Dmitri lên boong, cố gắng chống chọi lại với sự chòng chành của con tàu, nhặt mấy tờ báo rồi kéo mở cửa kính và ra hành lang để cơn gió đang gào rú ùa vào. Gã rắc một vài tờ lên hành lang, ném vài tờ khác lên boong.
Hài lòng rồi, gã quay lại buồng tắm và kéo xác Stanford ra khỏi bồn. Hắn mặc bộ đồ pyjama, áo bông khoác ngoài và đi dép vào cho Stanford rồi bế xác ông ta ra hàng hiên. Dmitri đứng bên song sắt thành tàu giây lát, rồi ném cái xác qua boong tàu.
Hắn đếm đến năm, rồi nhấc điện thoại và gào lên. Có người ngã từ trên boong xuống biển.
Lắng nghe Dmitri kể lại câu chuyện giết người, Tyler cảm thấy t.ình d.ục bị kích thích. Y cảm nhận được vị mặn của nước biển tràn ngập phổi ông bố mình và cả những cái thở ngợp nước, cảm nhận thấy sự tàn bạo, và rồi không còn biết gì nữa.
Thế là xong, Tyler nghĩ. Rồi lại tự sửa - Không. Ván bài mới chỉ bắt đầu. Đã đến lúc đi con hậu.
 
CHƯƠNG 17 - SÁNG
Quân cờ cuối cùng vô tình đã được di động.
Tyler nghĩ mãi về bản di chúc của ông bố, và cảm thấy tức tối bởi Woody và Kendall cũng được nhận phần tài sản bằng mình. Họ không xứng được nhiều như vậy. Nếu không nhờ mình thì cá hai cững đã bị gạch tên khói tờ di chúc rồi. Và tất nhiên chúng sẽ cũng chẳng được gì cả. Thật không công bằng, nhưng ta có thể làm gì được?
Y được mẹ cho một cổ phiếu từ lâu rồi, và y vẫn còn nhớ như in những lời ông bố nói với mẹ y: "Em nghĩ là nó sẽ làm được gì với cái cổ phiếu đó? Giành quyền kiểm soát công ty chăng?"
Woody và Kendall hợp lại, Tyler nghĩ, thì có đến hai phần ba cổ phiếu của công ty Stanford Enterprises. Chỉ thêm có một cổ phiếu nữa thì làm sao mà ta giành quyền kiểm soát công ty được? Rồi bỗng một câu trả lời chợt đến, đơn giản tới mức làm y sứng sốt.
"Tôi thấy cần báo với ông rằng có khả năng có thêm một người thừa kế nữa… Di chúc của cha ông cho thấy cụ thể rằng tài sản sẽ được chia đều cho các con ông. Cha ông còn có một con gái với cô gia sư hồi cô ta làm việc ở gia đình ta. Nếu Julia có mặt, thì sẽ có bốn người, Tyler nghĩ. Và nếu ta khống chế được cố phần của cô ta, thì ta sẽ có năm mươi phần trăm cổ phần của cha ta cộng thêm một phần trăm được thêm của mẹ nữa. Ta sẽ giành được quyền kiểm soát công ty Stanford Enterprises. Ta có thể ngồi được vào cái ghế của ông ấy. Nhưng ý nghĩ tiếp theo của y là Rosemary đã chết, và có lẽ bà ta chưa bao giờ nói cho con gái của mình cha nó là ai.
- Tại sao lại cứ phải có một cô Julia Stanford thật nhỉ?
Câu trả lời là Margo Posner.
Y gặp cô ta lần đầu tiên, vào hai tháng trước, tại một phiên toà. Người trợ lý hướng về phía những người đến dự trong phòng xử án thông báo.
- Thưa quí vị, toà án lưu động quận Cook mở phiên xét xử do Thẩm phán khả kính Tyler Stanford chủ trì. Đề nghị tất cả đứng dậy.
Tyler bước vào, ngồi xuống ghế quan toà của mình.
Y nhìn vào thẻ. Trường hợp đầu tiên là của Margo Posner bang Illinois. Cô ta mắc vào vụ hành hung và cố ý giết người.
Người luật sư của bên nguyên đứng lên.
- Thưa toà, bị cáo là một người rất nguy hiểm, đáng bị giam giữ không cho đi lại trên đường phố Chicago. Chính phủ bang sẽ dễ dàng chứng minh được bị cáo có một lý lịch phạm tội liên tục. Cô ta bị kết vào các tội: lấy trộm đồ trong các cửa hàng, ăn cắp của người khác, và sau hết, còn là một trong những gái điếm làm việc cho một tay chủ chứa tai tiếng tên là Rafael. Tháng Giêng năm nay, họ đã cãi nhau rất to và bị cáo đã lạnh lùng bắn Rafael và đồng bọn của hắn, một cách cố tình.
- Có ai bị chết không? - Tyler hỏi.
- Không, thưa toà. Khi họ được đưa vào bệnh viện thì đều bị thương rất nặng. Khẩu súng ngắn mà Margo Posner sử dụng là vũ khí bất hợp pháp.
Tyler quay sang nhìn bị cáo, và y ngạc nhiên. Trông cô ta không giống chút nào với những gì mà y vừa được nghe kể. Đó là một phụ nữ hấp dẫn, ăn mặc đẹp ở vào độ tuổi sấp sỉ ba mươi. Ở cô ta toát ra một vẻ lịch thiệp lặng lẽ, tới mức tự nó dường như đã phủ nhận những lời buộc tội kia. Điều đó có chứng tỏ hay không?
Tyler nghĩ với sự chế giễu, ai mà biết được.
Y lắng nghe lời trình bày của cả hai phía, nhưng mắt vẫn bị hút về phía bị cáo. Có cái gì ở cô ta gợi y nhớ đến em gái mình.
Khi những lời kết luận đã đọc xong, vụ án đưa trình lên bồi thẩm đoàn, và trong vòng chưa đầy bốn tiếng sau, quyết định cuối cùng là cô ta phạm đủ các tội trên.
Tyler nhìn xuống phía bị cáo và nói:
- Toà không tìm được chứng cớ nào giảm nhẹ tội trong vụ nầy. Toà tuyên phạt cô năm năm tù giam tại trại Dwight Correctional. Vụ tiếp theo.
Không cần đợi đến khi Margo Posner bỉ dẫn đi, Tyler đã nhận ra cái ở cô ta khiến y nghĩ đến Kendall.
Cô ta cũng có cặp mắt xám sẫm. Cặp mắt của nhà Stanford.
Tyler không nghĩ gì đến Margo Posner cho tới khi nhận được cú điện thoại của Dmitri.
Ván cờ đầu tiên đã hoàn toàn thắng lợi. Tyler đã sắp đặt mọi nước đi đâu vào đấy trong đầu. Y đã dùng đến nước cờ cổ điển của con hậu: mở đầu thí tốt cho con hậu đi hai nước. Đã đến lúc dấn sâu vào giữa cuộc chơi.
Tyler tới nhà tù nữ thăm Margo Posner
- Cô còn nhớ tôi không? - Tyler hỏi.
Cô ta nhìn y chằm chằm.
- Làm sao tôi quên ông được? Ông là người đã tống tôi vào cái nơi nầy.
- Cô ở đây thế nào? - Tyler hỏi.
Cô ta nhăn nhó.
- Ông đùa đấy à? Nơi đây khác gì địa ngục.
- Cô có muốn ra khỏi đây không?
- Có muốn? Nghiêm túc đấy chứ?
- Tôi nói rất nghiêm túc đấy. Tôi có thể thu xếp được việc nầy.
- Ồ thế… thế thì tuyệt quá! Cám ơn ông. Nhưng đổi lại tôi phải làm gì?
- Ồ có một việc tôi muốn cô làm cho tôi.
Cô ta nhìn y, khêu gợi.
- Được thôi. Có gì đâu.
- Đó không phải là điều tôi nghĩ đến.
Cô ta nói, cảnh giác.
- Vậy ông thực sự nghĩ đến cái gì?
- Tôi muốn cô tham gia vào một trò đùa cho tôi.
- Trò đùa kiểu gì?
- Tôi muốn cô đóng giả một người.
- Đóng giả một người? Tôi không biết đóng kỵch…
- Có hai mươi nhăm ngàn đô la cho cô trong vụ nầy.
Cô ta liền đổi giọng.
- Được thôi, - cô ta nói nhanh - Tôi làm được. Ông cần tôi đóng giả người nào?
Tyler ngả người về phía trước và bắt đầu kể.
Tyler nhận quản thúc Margo Posner
Y giải thích cho Keith Percy, người nữ chánh án.
- Tôi nhận thấy cô ta là một nghệ sĩ tài năng. Cô ta rất khao khát được có một cuộc sống bình thường và theo tôi, cô ta đáng được làm lại cuộc đời. Tôi nghĩ rằng vấn đề quan trọng là chúng ta nên phục hồi nhân phẩm cho những người thuộc loại nầy bất cứ khi nào chúng ta có thể làm được, phải không?
Keith rất ngạc nhiên và thực sự bị gây ân tượng.
- Chắc chắn rồi, Tyler. Cái việc anh đang làm thật là tuyệt vời.
Tyler đưa Margo về nhà và bỏ ra năm ngày để tóm tắt cho cô ta về gia đình Stanford. Sau đó y kiểm tra lại:
- Tên các anh trai cô là gì?
Tyler và Woodruff.
- Woodrow chứ.
- Đúng rồi. Woodrow.
- Chúng ta gọi anh ấy là gì?
- Woody.
- Cô có chị em gái không?
- Có. Kendall. Chị ấy là một nhà thiết kế mẫu thời trang.
- Chị ấy có gia đình chưa?
Chị ấy lấy một người Pháp. Tên anh ấy là… Marc Renoir.
- Renauld chứ.
- Vâng, Renauld.
- Tên mẹ cô là gì?
- Rosemary Nelson. Bà là gia sư, dạy các con nhà Stanford.
- Tại sao bà ấy bỏ đi?
- Bà bị phễnh bụng…
- Margo! - Tyler mắng.
- Tôi muốn nói là bà bị Harry Stanford làm cho có bầu.
- Điều gì xảy ra với bà Stanford?
- Bà ấy tự tử.
Mẹ cô kể cho cô nghe những gì về bọn trẻ nhà Stanford?
Margo dừng lại nghĩ một lúc.
- Thế nào?
- Có lần anh bị ngã khỏi thuyền vịt.
- Tôi không ngã! - Tyler nói. - Tôi chỉ suýt ngã thôi.
- Đúng rồi. Woody thì suýt bị bắt vì tội hái trộm hoa ở công viên Public Garden.
- Đó là Kendall…
Y rất sốt ruột, thậm chí thô bạo. Ngày nào họ cũng diễn đi diễn lại màn nầy cho đến khuya, Margo mệt rũ ra.
Kendall bị chó cắn.
- Tôi mới là đứa bị chó cắn.
Cô ta dụi mắt.
- Tôi không còn đủ tỉnh táo nữa rồi. Tôi mệt quá.
- Tôi muốn ngủ một chút.
- Cô sẽ ngủ sau.
- Thế còn thế nầy đến bao giờ? - Cô ta hỏi, vẻ bướng bỉnh.
Cho đến khi nào tôi thấy cô sẵn sàng. Thôi, ôn lại từ đầu. Lại tiếp tục diễn đi diễn lại cho đến khi Margo thuộc lòng từng chữ. Khi đến ngày Margo trả lời được mọi câu Tyler hỏi thì y hài lòng.
- Cô sẵn sàng rồi đấy, - y nói rồi đưa cho cô ta vài tài liệu có tính pháp lý.
- Gì thế nầy?
- Chỉ là vấn đề chuyên môn thôi mà, - Tyler nói qua quít.
Thứ mà y đưa cho cô ta ký là một văn bản cam kết trao cổ phần của cô ta cho một công ty thuộc quyền kiểm soát của một công ty khác và cái công ty khác nầy lại thuộc sự kiểm soát của một công ty chi nhánh ở hải ngoại mà Tyler Stanford là ông chủ duy nhất.
Có thánh tìm nổi đường để mà lần mò ngược lại được tới y. Tyler trao cho Margo năm nghìn đô la tiền mặt.
Cô sẽ nhận được phần còn lại khi mọi việc thành công. - Y nói. - Chỉ cần cô thuyết phục được họ rằng cô là Julia Stanford.
Kể từ khi Margo xuất hiện ở Rose Hill, Tyler đã sắm vai một người công kích(1). Đó là một nước cờ đánh lạc hướng cổ điển. Đầy rẫy những câu như sau:
- Tôi tin chắc rằng cô hiều được vị trí của chúng ta, thưa cô… Nếu không có chứng cớ chính đáng, thì không có cách gì…
- Tôi nghĩ rằng cô ta là một kẻ giả mạo.
- Có bao nhiêu người hầu làm việc ở nhà ta khi chúng ta còn nhô? Cả tá, đúng không? Mà vài người trong số đó cũng có thể biết những điều như người phụ nữ nầy nói… Bất cứ ai trong số họ cũng có thể đưa cho cô ta bức ảnh lắm chứ… Chúng ta đừng quên rằng việc nầy liên quan đến rất nhiều tiền.
Quân vua được sử dụng khi y yêu cầu phải kiểm tra ADN. Y đã gọi điện cho Hal Baker và đưa chỉ thị mới – "Đào xác Harry Stanford lên và vứt đi!"
Rồi y chợt nảy ra sáng kiến gọi điện cho một thám tử tư. Trước sự có mặt của cả gia đình, y đã gọi cho một văn phòng luật sư của quận ở Chicago.
- Tôi là Thẩm phán Tyler Stanford. Tôi được biết là văn phòng của ông có một cộng tác viên là thám tử tư rất xuất sắc. Tên của anh ta là gì đó, như Simmons hay…
- Ồ, ông định nói đến Frank Timmons phải không?
- Timmons! Vâng, chính anh ta đấy, không biết các ông có thể cho tôi số điện thoại cưa anh ta để tôi liên lạc trực tiếp được không?
Thế vào đó, y đưa Hal Baker đến và giới thiệu là Frank Timmons.
Đầu tiên Tyler chỉ định cho Baker giả vờ tiến hành các bước kiểm tra Julia Stanford, nhưng rồi y quyết định rằng báo cáo sẽ gây ấn tượng hơn nếu Baker thực sự thực hiện các bước đó. Gia đình đã chấp nhận những kết luận của Baker mà không nghi ngờ gì.
Kế hoạch của Tyler qua từng bước không hề bị vướng mắc gì. Margo Posner đã vào vai hoàn hảo, và xét nghiệm dấu vân tay đã là nước đi cuối cùng của con vua. Mọi người đều tin rằng cô ta là Julia Stanford thực sự.
- Tôi cũng như mọi người, rất vui mừng vì chuyện nầy đã giải quyết xong. Để tôi lên xem cô ấy có cần giúp đỡ gì không?
Y lên lầu và đi dọc theo hành lang tới phòng cô gái. Y gõ cửa và gọi to.
- Julia?
- Cửa không khoá. Cứ vào!
Y đứng trên bậc cửa và cả hai im lặng nhìn nhau.
Rồi y cẩn thận đóng cửa lại, cầm tay cô gái và nở nụ cười:
- Thành công rồi, Margo! Chúng ta thành công rồi.
Chú thích:
(1) The Devil s advocate - người mà trong các cuộc tranh luận hay ủng hộ những ý kiến phản đối để làm cho tranh cái sôi nổi chứ không phải thực sự theo phe đó.
 
CHƯƠNG 18 - SÁNG
Trong văn phòng của công ty Renquist, Renquist & Fitzgerald, Steve Sloane và Simon Fitzgerald đang ngồi uống cà phê.
- Đúng như một đại thi hào đã từng nói: Có cái gì đó mục ruỗng trong Vương quốc Đan Mạch
- Cái gì làm anh buồn vậy? - Fitzgerald hỏi.
Steve thở dài.
- Tôi cũng không biết nữa. Đó là về gia đình Stanford. Họ làm tôi ngạc nhiên.
Simon Fitzgerald khịt mũi.
- Tham gia câu lạc bộ đi, cho vui.
- Tôi cứ nghĩ mãi chuyện nầy, Simon ạ, mà không sao hiểu được.
- Vấn đề gì vậy?
- Gia đình nầy sồn sồn lên đòi khai quật xác Harry Stanford để kiểm chứng gien của ông ta với người phụ nữ kia. Vì thế tôi buộc phải nghĩ rằng động cơ duy nhất của việc làm cái xác biến mất chỉ có thể là để không so sánh được. Người duy nhất có thể thu lựi trong việc nầy là bản thân người phụ nữ đó, nếu cô ta không phải là Julia dởm.
- Ừ!
- Thế nhưng người thám tử tư Frank Timmons nầy, theo như tôi kiểm tra lại ở văn phòng luật sư quận tại Chicago, thì rất có danh tiếng, lại kiếm được dấu vân tay chứng tỏ cô ta chính thức là Julia Stanford. Vậy vấn đề tôi thắc mắc ở đây chính là người đào trộm xác Harry Stanford là ai, và làm thế nhằm mục đích gì?
- Đó là một vấn đề bạc tỉ. Nếu…
Chuông liên lạc reo. Giọng cô thư ký vang lên.
- Thưa ông Sloane, có điện thoại cho ông trên đường dây số hai.
Steve Sloane nhắc ống nghe đặt ngay trên bàn.
- A lô!
Giọng ở đầu kia nói.
- Ông Sloane phải không, đây là thẩm phán Stanford. Tôi sẽ vô cùng biết ơn ông nếu sáng nay ông có thể đến Rose Hill được.
Steve Sloane liếc Fitzgerald.
- Một tiếng nữa được không?
- Thế thì tốt quá. Cám ơn ông.
Đặt ống nghe xuống, Steve nói.
- Người ta yêu cầu tôi có mặt ở nhà Stanford.
- Không hiểu họ muốn gì nhỉ?
- Mười ăn một rằng họ muốn thúc đẩy thực hiện di chúc để còn được sớm chạm tay vào số tiền đẹp đẽ đó chứ.
***
- Lee đấy à? Tyler đây. Khoẻ không cưng?
- Cám ơn, khoẻ!
- Anh rất nhớ Lee.
Im lặng giây lát.
- Tôi cũng nhớ anh, Tyler.
Những lời đó làm rung động lòng y
- Lee à, tôi có vài tin hay lắm. Tôi không thể nói qua điện thoại được, nhưng đó có thể là điều làm cưng vui. Khi chúng mình…
- Tyler nầy, tôi phải đi rồi. Có người đang đợi tội.
- Nhưng…
Điện thoại điếc đặc.
Tyler ngồi thừ ra. Và y nghĩ - Lẽ ra cưng không nên nói rằng nhớ anh, nếu thực sự là không nhớ.
***
Cả gia đình tập hợp trong phòng khách ở Rose Hill, chỉ thiếu có Woody và Peggy. Steve quan sát từng bộ mặt.
Thẩm phán Stanford tỏ ra rất thư giãn. Steve liếc nhìn sang Kendall. Nàng dường như bị căng thẳng một cách bất thường. Chồng nàng đã từ New York trở về trước cuộc họp một hôm.
Steve nhìn sang Marc. Anh chàng người Pháp nầy trông khá điển trai, và có vẻ trẻ hơn vợ đến vài tuổi. Và có cả Julia. Cô ta dường như chấp nhận việc được đón nhận vào gia đình nầy một cách bình thản.
Mình cho rằng một người được thừa hưởng hàng triệu đô la hay đại loại như thế thì phải bị kích động hơn một chút cơ, Steve nghĩ.
Anh liếc nhìn lại từng khuôn mặt, tự hỏi nếu có ai trong số họ dínhvào vụ đánh cắp xác của Harry Stanford, và nếu đúng thế, thì là khuôn mặt nào?
Và tại sao?
Tyler đang nói:
- Thưa ông Sloane, tôi rất quen thuộc với các đạo luật liên quan đến vấn đề di chúc ở bang Illinois, nhưng tôi không biết nhiều về sự khác nhau của chúng so với các đạo luật tương tự ở Massachusetts. Chúng tôi không hiểu có cách nào đó để thúc đẩy các thủ tục không?
Steve cười thầm: Giá mà mình đánh cuộc với Simon về chuyện nầy nhỉ. Anh quay sang Tyler:
- Chúng tôi cũng đã thảo luận với nhau về việc nầy rồi, thưa thẩm phán Tyler.
Tyler nói thẳng.
- Tên của gia đình Stanford có thể có ích trong việc đẩy nhanh các thủ tục.
Điều nầy anh ta nói đúng, Steve nghĩ. Anh gật đầu:
- Tôi sẽ làm mọi việc có thể. Nếu rút cục mà được thì…
Có tiếng quát tháo trên cầu thang vọng xuống.
- Câm mồm lại, con chó cái ngu đần. Tao không muốn nghe một lời nào nữa. Hiểu không?
Woody và Peggy đi xuống cầu thang, vào phòng họp. Khuôn mặt Peggy sưng húp và một mắt thâm tím. Woody đang ngoác mồm cười, mắt sáng rạng rỡ.
- Xin chào tất cả mọi người. Hy vọng là cuộc họp chưa kết thúc đấy chứ?
Mọi người sững sờ nhìn Peggy.
Kendall nhổm lên.
- Em làm sao vậy?
- Không sao đâu. Tôi… tôi bị va vào cửa thôi mà.
Woody ngồi xuống. Peggy ngồi bên cạnh, Woody vỗ về tay vợ và âu yếm hỏi.
- Em đỡ rồi chứ?
Peggy gật đầu, không đủ cam đảm để thốt ra lời.
- Tốt rồi! - Woody quay ra nhìn mọi người. - Nào, mọi người đã bàn được gì rồi?
Tyler nhìn gã đầy trách móc.
- Anh chỉ vừa hỏi ông Sloane xem có thể đẩy nhanh các thủ tục thực hiện di chúc được không?
Woody lại cười.
- Hay đấy. - Rồi quay sang vợ. - Em muốn thay bộ đồ mới phải không, em yêu?
- Không, em không cần thay đồ gì cả. - Peggy nói chắc chắn.
- Ừ phải rồi. Em cũng không đi đâu, đúng không?- Rồi gã quay ra mọi người phân trần. - Peggy hay xấu hổ lắm. Cô ấy không biết nói gì đâu phải không em yêu!
Peggy đứng phắt dậy và chạy ra khỏi phòng.
- Tôi lên xem cô ấy thế nào đây, - Kendall nói và đứng dậy chạy theo ra.
Chúa ơi! Steve nghĩ. Trước mặt mọi người mà Woody còn xử sự như vậy, không hiểu khi chỉ có hai vợ chồng thì thế nào?
Woody quay sang Steve:
- Anh vào làm hãng luật của ông Fitzgerald đã được bao lâu rồi?
- Năm năm.
- Tôi cũng đến chịu, chả hiểu sao ho lại làm việc được với ông già tôi nữa?
Steve thận trọng đáp.
- Tôi hiểu ông già anh… cũng khó đấy.
Woody khịt mũi.
- Khó thôi à? Ông ấy là một con quỉ hai chân thì đúng hơn. Anh có biết là chúng tôi đứa nào cũng bị ông ấy đặt cho một tên tục không? Tôi thì là Charlie. Ông ấy đặt tên tôi theo tên Charlie Mc Carthy, một tình nhân của Edgar Bergen, người nói tiếng bụng(1) nổi tiếng. Ông ấy gọi Kendall là Ngựa non vì cho rằng chị ấy có bộ mặt giống mặt ngựa. Còn Tyler thì bị gọi là…
Steve nói, không giữ nổi bình tĩnh:
- Tôi thực sự nghĩ rằng anh không nên…
Woody cười ngoác miệng.
- Được thôi! Một tỉ đô la thì có thể chữa được mọi vết thương.
Steve đứng lên.
- Ồ, nếu không còn gì nữa, tôi nghĩ rằng mình nên về thôi.
Anh cảm thấy ngột ngạt, phải đi thật nhanh ra ngoài để hít thở không khí trong lành.
Kendall bắt gặp Peggy đang trong buồng tắm, đắp một miếng vải ướt lên vết sưng trên má.
- Peggy? Em không sao chứ?
Peggy quay lại.
- Không sao. Cám ơn chị. Em… em xin lỗi về những gì xảy ra lúc nãy.
- Em phải xin lỗi sao? Đáng lẽ em phải tức giận thì đúng hơn. Cậu ấy đánh em như thế nầy từ bao giờ?
- Anh ấy không đánh em đâu, - Peggy vẫn cố cãi. -Em va phải cửa ra vào thôi.
Kendall tiến lại gần.
- Peggy, sao em phải chịu đựng như vậy? Em không cần làm như thế, em hiểu không?
Im lặng.
- Em phải chịu, đúng đấy!
Kendall ngó Peggy, bối rối.
- Tại sao chứ?
Cô ta quay đi.
- Bởi vì em yêu anh ấy.
Rồi cứ thế những lời nói tiếp tục tuôn trào.
- Anh ấy cũng yêu em. Hãy tin lời em đi, không phải anh ấy thường xuyên như thế nầy đâu. Vấn đề là, anh ấy đôi khi không còn là chính mình nữa.
- Em muốn nói rằng đó là khi cậu ấy lên cơn nghiện phải không?
- Không phải!
- Không!
- Peggy…
Peggy lưỡng lự:
- Đúng thế…
- Chuyện đó bắt đầu từ bao giờ?
- Ngay… ngay sau khi chúng em cưới nhau. - Giọng Peggy khàn đi. -. Mọi chuyện bắt đầu từ trận đấu polo đó. Woody bị ngã ngựa và bị đau nặng. Thời gian nằm viện, người ta cho anh ấy dùng thuốc phiện để dứt cơn đau. Chính họ đã làm cho anh ấy nghiện.
Cô nhìn Kendall, ánh mắt van nài.
- Thế nên chị biết đấy, đó không phải là lỗi của anh ấy, đúng không? Sau khi Woody ra viện, anh ấy tiếp tục phải dùng thuốc phiện. Cứ khi nào em cố gắng làm anh bỏ thuốc thì anh ấy… lại đánh em.
- Peggy! Vì Chúa, cậu ấy cần được giúp đỡ! Em có thấy không? Em không thể một mình làm nổi điều đó. Cậu ấy là một con nghiện rồi. Cậu ấy dùng loại gì? Cocaine à?
- Không? - Im lặng một lát - Heroin!
- Chúa ơi? Em không thể giúp gì được cho cậu ấy.
- Em đã cố gắng. - Giọng cô trở nên thì thầm. - Chị không biết được em đã cố gắng như thế nào đâu. Woody đã nằm tới ba bệnh viện cai nghiện rồi đó. - Cô lắc đầu - Anh ấy chỉ đỡ được một thờỉ gian, rồi đâu lại vào đó. Anh ấy không chịu đựng nổi.
Kendall vòng tay ôm Peggy.
- Chị xin lỗi.
Peggy cố nở một nụ cười.
- Em chắc rằng Woody sẽ ổn thôi. Anh ấy cũng rất cố gắng. Thực sự cố gắng. - Khuôn mặt cô tươi lên. Hồi mới cưới, anh ấy vui vẻ làm sao. Bọn em hầu hư lúc nào cũng cười được. Anh ấy hay mua tặng em những món quà nho nhỏ và… - Mắt cô nhoà lệ.
- Em yêu anh ấy làm sao?
- Nếu chị có thể giúp gì được…
- Cám ơn chị. - Peggy thì thầm - Em rất cám ơn.
Kendall xiết chặt bàn tay Peggy:
- Chúng mình sẽ bàn lại chuyện nầy sau nhé.
Kendall đi xuống lầu để tiếp tụccuộc họp. Vừa đi vừa suy nghĩ. Khi chúng ta còn bé, trước khi Mẹ qua đời, chúng ta đã xây những kế hoạch thật tuyệt vời. Chị sẽ trở thành một nhà tạo mẫu thời trang nổi tiếng, Kendall ạ, còn em sẽ là một vận động viên điền kinh lớn nhất thế giới! - Kendall nghĩ - à cái vế thử hai đáng buồn là lẽ ra Woody đã trở thành một vận động viên tên tuổi. Vậy mà giờ đây…
Kendall không hiểu là mình thấy thương cho Woody hay cho Peggy nữa.
Khi xuống đến chân cầu thang nàng gặp Clark vừa đi tới, bưng chiếc khay đựng một lá thư.
- Xin lỗi cô Kendall. Một người vừa gửi lá thư nầy cho cô. - Ông già trao cho nàng chiếc phong bì.
Kendall ngạc nhiên nhìn.
- Ai nhỉ? - Nàng gật đầu. - Cám ơn ông Clark.
Kendall mở phong bì, và ngay khi bắt đầu đọc, mặt nàng biến sắc. "Không!" Nàng nói, hụt cả hơi, tim đập loạn xạ và loạng choạng vì mất thăng bằng.
Nàng đứng tựa vào chiếc bàn, cố lấy lại hơi thở bình thường.
Một lát sau, nàng quay ra, đi vào phòng khách, mặt tái nhợt. Cuộc họp đã tan.
- Marc… - Kendall cố tỏ vẻ bình tĩnh. - Em gặp anh một lát được không?
Anh nhìn nàng quan tâm.
- Được chứ.
Tyler hỏi Kendall.
- Em không sao đấy chứ?
Nàng cố nở một nụ cười.
- Cám ơn anh, em khoẻ.
Nàng nắm tay Marc và dắt anh lên tầng. Khi vào đến buồng ngủ, Kendall đóng cửa lại.
Marc hỏi.
- Chuyện gì vậy?
Kendall đưa thư cho chồng. Lá thư viết.
Bà Renauld kính mến.
- Xin chúc mừng bà! Hiệp hội Bảo vệ thú hoang dã của chúng tôi rất lấy làm sung sướng khi nghe tin bà được thừa hưởng một số tiền lớn đến như vậy. Chúng tôi biết bà rất quan tâm đến công việc của chúng tôi và chúng tôi tin tưởng vào sự trợ giúp hơn nữa của bà. Vì thế nên chúng tôi sẽ rất biết ơn nếu bà có thể gửi một triệu đô la vào tài khoản của chúng tôi ớ Zurich trong vòng mười ngày nữa. Chúng tôi trông đợi ở bà…"
Cũng giống như ở những lá thư trước, tất cả những chứ E đều bị thiếu nét.
- Đồ con hoang? - Marc tức quá kêu lên.
- Làm sao mà chúng biết em ở đây chứ? - Kendall hỏi.
Marc cay đắng nói:
- Tất cả những gì chúng phải làm chỉ là nhặt một tờ báo lên đọc. - Anh đọc lại lá thư rồi lắc đầu - Bọn chúng sẽ không bao giở ngừng lại cả. Chúng ta phải đến báo cảnh sát thôi.
- Không! - Kendall kêu lên. - Chúng ta không thể? Quá muộn rồi? Anh không thấy sao? Làm thế là hết. Là hết tất cả!
Marc ôm lấy vợ thật chặt.
- Được rồi, chúng mình sẽ tìm một cách khác.
Nhưng Kendall biết rằng không còn cái khác nào.
***
Chuyện xảy ra từ mấy tháng trước, vào một ngày mùa xuân rực rỡ.
Kendall tới dự bữa tiệc sinh nhật của người bạn ở Ridgefield, Connecticut. Đó là một bữa tiệc tuyệt vời và Keldall được tán gẫu rất vui vẻ với các bạn cũ. Nàng có làm một ly sâm banh. Đang nói chuyện dở nàng bất chợt liếc đồng hồ.
- Thôi chết! Mình không báo rằng sẽ về muộn? Marc đang đợi ở nhà rồi.
Tạm biệt các bạn, Kendall vội vã ra xe. Trên đường về nhà ở New York, nàng quyết định đi theo con đường tắt - gần nhưng ngoằn ngoèo qua đồng quê.
Đang khi lái với tốc độ ngót năm mươi dặm một giờ thì nàng phải vào cua gấp và chợt nhìn thấy một chiếc xe đỗ ở phía bên phải con đường. Theo phản xạ, nàng đánh tay lái sang trái. Đúng lúc đó một phụ nữ ôm một bó hoa tươi mới cắt chợt đi qua con đường hẹp đó. Kendall hốt hoảng cố tránh nhưng không kỵp. Mọi việc dường như chỉ xảy ra trong tích tắc Nàng nghe thấy một tiếng huỵch khi đầu xe bên trái đâm vào người phụ nữ. Kendall phanh gấp xe lại, toàn thân run bắn lên. Nàng chạy lại chỗ nạn nhân đang nằm trên đường, bê bết máu.
Kendall đứng đó, bất động. Cuối cùng nàng cũng cúi được xuống và lật người phụ nữ lên, nhìn vào cặp mắt vô hồn của cô ta."Ối trời ơi!" Kendall thì thào, cảm thấy cơn buồn nôn dâng lên tới cổ. Nàng vùng quay đi, kinh hoàng. Quanh đó không có chiếc xe nào. Cô ta chết rồi, Kendall nghĩ. - Mình không thể giúp gì cho cô ta được nữa. Đó không phải là lỗi ở mình nhưng họ sẽ kết tội mình lái xe ẩu do uống rượu. Máu mình mà xét nghiệm sẽ chứng tỏ có cồn. Mình sẽ phải vào tù!
Nàng liếc nhìn xác người đàn bà xấu số một lần nữa rồi vội vã quay về xe. Má trái của xe đã bị móp, và có vết máu trên đó. Mình phải đưa xe đi sửa lại - Kendall nghĩ - chứ không cảnh sát thế nào cũng truy tìm nó. Nàng lên xe và lái đi.
Suốt quãng đường từ đó về New York, nàng liên tục liếc nhìn kính chiếu hậu, cứ ngỡ sẽ thấy ánh đèn nhấp nháy và tiếng rú còi của xe cảnh sát truy đuổi đằng sau: Nàng lái xe vào đường số Chín sáu, nơi nàng vẫn thường gửi xe. Sam, người chủ xưởng sửa chữa xe đang nói chuyện với Red, thợ máy của anh ta. Kendall ra khỏi xe.
- Chào bà Renauld, - Sam nói.
- Xin… xin chào. - Nàng phải cố gắng lắm để răng khỏi va vào nhau lập cập.
- Bà gửi xe qua đêm à?
- Vâng… vâng, anh làm ơn…
Red nhìn má trái xe.
- Chỗ nầy xe của bà bị móp nặng quá. Trông như có cả vết máu nữa.
Hai người đàn ông quay nhìn vào nàng Kendall hít mạnh.
- Vâng… tôi… tôi va phải một con hươu chạy qua đường cao tốc.
- May mà bà không bị nặng hơn đấy. - Sam nói. - Một người bạn tôi cũng húc phải hươu và hỏng luôn cả xe cơ. - Ông ta cười. - Nhưng cũng không làm con hươu bị thương nặng lắm.
- Chỉ cần bỏ qua chuyện đó là được. - Kendall nói gằn trong cổ.
- Vâng!
Kendall đi ra cửa, rồi nhìn lại. Hai người đàn ông đang chăm chú quan sát vết móp.
Khi Kendall về tới nhà và kể cho Marc nghe sự việc thì anh nắm lấy hai tay cô và nói.
- Ôi Chúa ơi! Em yêu, làm sao có thể…
Kendall thổn thức.
- Em… em không thể kỵp làm gì. Cô ta qua đường ngay trước mắt em. Cô ta bất ngờ chạy ngang qua…
- Xuỵt! Anh tin rằng đó không phải lỗi của em. Đó là một tai nạn ngẫu nhiên. Chúng ta phải báo ngay cho cảnh sát thôi.
- Em biết là anh nói đúng. Đáng lý ra em phải ở đó và đợi cảnh sát đến. Nhưng em sợ quá, Marc ạ. Bây giờ thì đã thành một vụ gây tai nạn rồi bỏ chạy mất rồi. Nhưng lúc ấy có đứng đó thì em cũng không làm gì được nửa. Cô ấy đã chết rồi. Anh phải trông thấy mặt cô ta cơ. Kinh khủng lắm!
Anh ôm nàng một lúc lâu cho tới khi nàng dịu xuống.
Bình tĩnh lại, Kendall ướm lờỉ:
- Marc, chúng mình có nhất thiết phải báo cảnh sát không?
- Anh nhíu mày.
- Em nói thế nghĩa là gì?
Nàng cố gắng để khỏi phát cuồng lên.
- Thế mọi thứ đã qua rồi, đúng không? Không gì có thể làm cho cô ta sống lại nữa. Họ có phạt em thì cũng được ích gì. Em không cố tình gây ra vụ nầy. Sao mình không vờ như chẳng có gì xảy ra cả?
- Kendall, nhưng nếu họ truy tìm…
- Sao truy được? Lúc đó không có ai ở quanh cả.
- Còn xe của em thì sao? Nó có bị hỏng không?
- Có bị móp một chỗ. Em bảo thợ sửa xe là đâm vào một con hươu. - Nàng cố gắng giữ bình tĩnh. – Marc, không có ai chứng kiến tai nạn cả. Anh có biết điều gì sẽ xảy ra nếu em bị bắt và bị tù không?
- Em có thể bị mất nghề, mất tất cả những gì mà em đã gây dựng bấy nhiều năm, mà vì cái gì cơ chứ? Vì một sự đã rồi ư? Nó đã qua rồi! - Nàng lại nức nở.
Anh ôm nàng thật chặt.
- Thôi nào? Mình sẽ liệu, mình sẽ liệu…
Các tờ báo buổi sáng đã thổi phồng câu chuyện.
Điều làm cho nó đầy kỵch tính là sự kiện người phụ nữ bị tai nạn kia đang trên đường đến Manhattan để làm lễ cưới. Tờ New York Times thì đăng nó như sự thực. Nhưng tờ Daily News và tờ Newday thì biến nó thành một vở bi kỵch khuấy động tâm can mọi người.
Kendall mua mỗi báo một tờ, và càng đọc càng thấy những gì mình gây ra thật kinh khủng. Đầu óc nàng ngập tràn những mệnh đề "giá như" khủng khiếp.
Giá như mình không đi Connecticut để dự sinh nhật…
Giá như hôm đó mình ở nhà…
Giá như mình đừng uống gì…
Giá như người phụ nữ đó cúi xuống nhặt hoa chỉ sớm hơn vài giây hoặc chậm hơn vài giây.
Mình phải chịu trách nhiệm việc giết một mạng người rồi!
Kendall nghĩ đến sự đau khổ mình đã gây ra cho gia đình và cho người chồng sắp cưới của người phụ nữ kia và lại thấy thắt ruột.
Theo báo chí đưa tin, cảnh sát đang dò tìm thông tin từ bất cứ ai có thể biết được một đầu mối của vụ đâm người rồi bỏ chạy nầy.
Họ không thể lần ra mình được, Kendall nghĩ. – Tất cả mọi hành động của mình bây giờ là phải tỏ ra như không có chuyện gì xảy ra
Sáng hôm sau khi Kendall đến xưởng lấy ô tô thì Red đã có mặt ở đó.
- Tôi đã lau sạch vết máu ở xe, - anh ta nói. - Bà có cần tôi sửa vết lõm không?
- Tất nhiên rồi! Đáng lẽ ta phải nghĩ đến việc nầy sớm hơn - Có, anh làm ơn sửa dùm.
Red ngó nàng đầy vẻ lạ lùng. Hay đó chỉ là do nàng tưởng tượng.
- Tôi và Sam tối qua có nói chuyện với nhau. - Anh ta nói. - Buồn cười thật đấy, bà có thấy thế không. Một con hươu thì phải gây nhiều thiệt hại cho cái xe hơn kia.
Ngực Kendall bắt đầu đập thình thịch. Miệng khô lại khiến nàng không thốt được lời nào.
- Đó là một con hươu non.
Red gật đầu đáp gọn lỏn.
- Chắc phải rất nhỏ.
Kendall cảm thấy ánh mắt của anh ta nhìn theo khi nàng ra khỏi xưởng.
Khi bước vào văn phòng của mình, Kendall thấy cô thư ký Nadine nhìn nàng chăm chú.
- Có chuyện gì xảy ra với bà vậy?
Kendall thấy điếng người.
- Cô cô nói thế là… là sao?
- Trông bà rất run rẩy. Để tôi đi lấy cho bà ly cà phê!
- Cám ơn cô.
Kendall bước đến trước tấm gương. Khuôn mặt cô tái nhợt, ỉu xìu. Cứ thế nầy thì chí nhìn mình họ cũng đoán ra chuyện mất!
Nadine bước vào phòng mang theo ly cà phê nóng hổi.
- Đây ạ! Nó sẽ làm cho bà thấy khoẻ hơn. - Cô ta tò mò nhìn Kendall. - Mọi việc đã ổn chưa ạ?
- Hôm qua tôi… tôi gặp một tai nạn nhỏ. - Kendall nói.
- Ôi? Có ai bị sao không?
Trong tâm trí Kendall lại hiện lên khuôn mặt của người phụ nữ bị chết.
- Không. Tôi đâm phải một con hươu.
- Còn xe thế nào?
Đang cho đi sửa rồi.
- Tôi sẽ gọi cho công ty bảo hiểm nhé.
- Ôi thôi, Nadine, xin đừng!
Kendall nhận thấy ánh mắt ngạc nhiên của Nadine nhìn mình.
Sau đó hai ngày, lá thư thứ nhất tới.
"Thưa bà Renauld.
- Tôi là chủ tịch Hiệp hội bảo tồn thú dại. Hiệp hội của chúng tôi hiện đang rất cần sự giúp đỡ. Tôi tin chắc rằng bà sẽ giúp chúng tôi. Tổ chức của chúng tôi đang cần tiền để bảo tồn thú vật. Chúng tôi đặc biệt quan tâm đến loài hươu. Bà có thể gửi năm mươi nghìn đô la vào tài khoản số 804072-A tại nhà băng Crédit Suisse ở Thuỵ Sĩ. Tôi muốn nhấn mạnh gợi ý rằng bà sẽ gửi tiền trong vòng năm ngày tới".
Lá thư không có chữ ký. Tất cả những chữ cái E trong lá thư đều bị mẻ. Gửi kèm trong phong bì là mẩu báo nói về tai nạn kia.
Kendall đọc lá thư hai lần. Sự sợ hãi hiện lên thật rõ ràng. Marc nói đúng, nàng nghĩ - Đáng lẽ mình nên báo cho cảnh sát. Nhưng bây giờ mọi thứ đã trở nên ngày càng tồi tệ Nàng là một kẻ đang lẩn trốn.
Nếu bây giờ họ tìm được nàng, điều đó cũng có nghĩa là nhà tù và sự khinh bỉ, cũng có nghĩa là chia tay với nghề nghiệp luôn.
Đến giờ ăn trưa, nàng tới nhà băng của mình.
- Tôi muốn gửi năm mươi ngàn đô la sang Thuỵ Sĩ
Tối đó khi Kendall về nhà, nàng đưa thư cho Marc xem.
- Anh bàng hoàng.
- Chúa ơi! - Anh nói. - Ai có thể gửi lá thư nầy nhỉ?
- Không ai… không ai biết mà. - Nàng run rẩy.
- Kendall, có người biết.
Toàn thân nàng co rúm lại.
- Không có ai gần đó cả, anh ạ! Em…
- Hượm đã. Cố nghĩ lại đi. Chính xác những gì đã xảy ra khi em quay trở về thành phố.
- Không có gì. Em… em đưa xe vào xưởng, và… - Nàng ngừng bặt - "Xe bà bị móp ở chỗ nầy, thưa bà Renauld. Trông như có vết máu trên đó".
Marc nhận thấy vẻ mặt khác thường của vợ.
- Gì thế?
Nàng nói chầm chậm.
- Người chủ xưởng và thợ cơ khí của ông ta có mặt ở đó. Họ đều nhìn thấy vết máu trên má xe. Em bảo với họ là em húc phải một con hươu, và họ nói rằng như thế lẽ ra phải có nhiều tổn thất hơn - Nàng lại nhớ thêm điều gì đó - Anh Marc…
- Anh đây.
Nadine, thư ký của em. Em cũng kể cho cô ta nghe tương tự. Em cảm thấy cô ấy cũng không tin em. Thế thì chỉ một trong ba người nầy thôi.
- Không! - Marc chậm rãi nói.
Nàng chằm chằm nhìn anh.
- Anh nói thế là thế nào?
- Ngồi xuống, Kendall, và nghe anh nầy. Nếu ai trong ba người đó nghi ngờ em, thì hẳn họ đã kề cho hàng tá người khác rồi. Báo chí lại đưa tin vụ nầy ầm ầm. Ai đó đã kết hợp điều nầy điều kia với nhau.
- Anh nghĩ rằng lá thư chỉ là một đòn thử gân em thôi. Em đã mắc một sai lầm nghiêm trọng khi gửi tiền đi như vậy.
- Nhưng tại sao?
- Bởi vì giờ thì họ biết chính xác rằng em đã phạm tội em không hiểu sao? Em đã cho họ bằng chứng mà họ cần rồi.
- Ôi Chúa ơi? Em phải làm gì đây? - Kendall hỏi.
Marc trầm ngâm một lúc.
- Anh có ý kiến nầy có thể tìm ra tên chó đẻ nào.
***
Mười giờ sáng hôm sau, Kendall và Marc đến văn phòng của Russell Gibbons, phó giám đốc Ngân hàng Manhattan First Security.
- Tôi có thể giúp gì cho ông bà? - Ông Gibbons hỏi.
Marc nói:
- Chúng tôi muốn kiểm tra một tài khoản số ở Zurich.
- Sao ạ?
- Chúng tôi muốn biết đó là tài khoản của ai?
Gibbons xoa cằm.
- Có rắc rối gì xảy ra à?
Marc nói nhanh.
- Không! Sao ngài hỏi vậy?
- Vì trừ phi có tội phạm gì liên quan như rửa tiền, hoặc vi phạm pháp luật của Thuỵ Sĩ hay của Mỹ, còn thì phía Thuỵ Sĩ không bao giờ tiết lộ bí mật của những tài khoản đánh số của khách hàng. Danh tiếng của họ được xây dựng nên từ lòng tin của khách hàng mà.
- Vâng, vậy liệu có cách nào?
- Tôi xin lỗi. Tôi không có cách nảo cả.
Marc và Kendall nhìn nhau. Khuôn mặt Kendall nhuốm đầy sự thất vọng.
Marc đứng dậy.
- Cám ơn ông đã dành thời gian cho chúng tôi.
- Tôi xin lỗi vì không thể giúp gì cho ông bà được.
Ông ta tiễn hai người ra cửa.
Tốỉ đó, khi Kendall đến xưởng ô tô thì cả Sam và Red đều không có ở đó. Kendall đỗ xe, và khi đi ngang văn phòng, qua cửa sổ, nàng thấy có chiếc máy chữ đặt trên một chiếc bàn nhỏ chân cao. Nàng dừng lại, chằm chằm nhìn, tự hỏi không biết nó có chữ cái E bị mẻ không. Ta phải tìm hiểu xem, nàng nghĩ.
Nàng đi về phía cửa văn phòng, lưỡng lự giây lát rồi đẩy cửa bước vào. Khi đang đến gần chiếc máy chữ, thì bỗng Sam không biết từ đâu hiện ra.
- Chào bà Renauld, - hắn ta nói - Tôi có thể giúp gì cho bà được?
Nàng giật mình quay phắt lại.
- Không, tôi vừa đưa xe vào chỗ đỗ thôi. Chào anh. - Rồi nàng hối hả đi ra.
- Chào bà, bà Renauld.
Sáng hôm sau khi Kendall đi qua văn phòng của xưởng, chiếc máy chữ đã biến mất. Thay vào đó là một chiếc máy vi tính cá nhân.
Sam thấy nàng nhìn nó bèn nói.
- Đẹp chứ hả? Tôi đã quyết định đưa nơi nầy về đúng thế kỷ hai mươi.
Bây giờ hắn ta đã sắm được chăng?
Khi Kendall kể cho Marc nghe và tối hôm đó, anh nói trầm ngâm.
- Đó là một khả năng, nhưng chúng ta cần có bằng chứng.
Sáng thứ hai, khi Kendall đến văn phòng, Nadine đã chờ sẵn.
- Bà thấy khoẻ hơn không, bà Renauld?
- Vâng, cám ơn cô.
- Hôm qua là sinh nhật tôi. Bà nhìn xem chồng tôi tặng tôi cái gì nầy! - Cô ta lại chiếc tủ và lôi ra một chiếc áo choàng lông thú đắt tiền. - Có đẹp không.
Chú thích:
(1) Ventriloquist - Người có tài nói không mấp máy môi khiến cho những âm thanh phát ra như do người khác nói hoặc từ nơi khác vọng đến.
 
CHƯƠNG 19 - SÁNG
Julia Stanford sống rất vui vẻ với cô bạn cùng phòng là Sally, cô gái luôn tươi tắn, và đầy hài hước.
Sally từng có một cuộc hôn nhân đáng buồn và đã thề rằng sẽ không bao giờ dính líu tới đàn ông nữa.
Julia không hiểu lắm về cái khái niệm "không bao giờ" của cô bạn, bởi vì mỗi tuần lại thấy Sally đi chơi với một người đàn ông khác nhau.
- Những ông nào có vợ rồi là tốt nhất, - Sally ra giọng triết lý. - Họ cảm thấy có lỗi, nên thường tặng quà cho ta. Còn với những chàng độc thân thì ta lại phải tự hỏi tại sao chàng ta vẫn còn một mình?
Sally hay hỏi Julia:
- Cậu không hẹn hò ai cả à?
- Không - Julia nghĩ đến những chàng trai muốn mời nàng đi chơi. - Mình không thích đi chơi chỉ vì muốn được đi chơi, Sally ạ. Mình chỉ thích đi với người nào mà mình thực sự quan tâm thôi.
- À mình có một chàng cho cậu đây! - Sally nói, - Cậu sẽ mê anh ấy cho mà xem! Anh chàng tên là Tony Vinetti. Mình đã kể cho anh ấy nghe hết về cậu và anh ấy điên lên vì muốn gặp cậu.
- Mình thực sự không nghĩ…
- Tối mai, tám giờ, anh ấy sẽ đến đón cậu đấy.
Tony Vinetti cao, rất cao, nên đi đứng cứ vụng về lóng ngóng một cách dễ thương. Mái tóc sẫm màu, rất dày và nụ cười của anh khi nhìn thấy Julia thì thật dễ gần.
- Sally không nói quá. Em làm anh sững sờ!
- Cám ơn anh - Julia nói. Nàng cảm thấy hơi run lên vì sung sướng.
- Đã bao giờ em đến nhà hàng Houston chưa?
Đó là một trong những nhà hàng sang trọng nhất ở thành phố Kansas nầy.
- Chưa! - Thực sự là nàng không đủ tiền để vào những nơi như vậy. Kể cả khi nàng đã được lên lương.
- Ồ, đó chính là nơi người ta đã dành chỗ cho chúng ta. Tối nay.
Trong bữa ăn, Tony chỉ toàn nói về mình, nhưng Julia chẳng để tâm. Anh ta hấp dẫn đấy nhưng chỉ để tiêu khiển thôi. Sally từng nói "Anh ấy đáng yêu ra phết" - Và đúng thế.
Bữa ăn thật ngon. Để tráng miệng, Julia gọi kem caramen sô-cô-la, còn Tony - món kem. Trong khi cả hai nhâm nhi bên ly cà phê, Julia nghĩ: Liệu anh ta có mời mình về nhà không, và nếu mời, mình có đi không nhỉ? Không. Mình không thể. Không thể ngay lần gặp gỡ đầu tiên. Anh ta sẽ nghĩ rằng mình dễ quá. Lần đi chơi sau…
Khi hoá đơn thanh toán được đưa đến, Tony liếc qua và nói.
- Chính xác đấy. - Anh ta đánh dấu vào các món ăn. - Em ăn món pa-tê và tôm hùm…
- Vâng.
Và thịt rán của Pháp với Sa-lat, rồi món caramen, đúng không?
Nàng nhìn anh, bối rối.
- Đúng rồi…
- OK. - Anh ta làm phép cộng rất nhanh. Phần của em là năm mươi đô la năm mươi xu.
Julia sững người vì sốc.
- Anh nói gì cơ?
Tony cười nhoẻn:
- Anh biết phụ nữ bây giờ rất độc lập. Họ không chịu để các chàng trai định đoạt cho họ, đúng không? Tuy nhiên, - anh ta nói đầy vẻ hào phóng - anh sẽ chịu toàn bộ phần tiền puốc boa.
***
- Mình xin lỗi vì việc không thành. - Sally băn khoăn. - Anh chàng thực sự đáng yêu đấy chứ. Cậu có định gặp lại nữa không?
- Mình không đủ kinh phí để chơi với anh ta. - Julia cay đắng nói.
- Ồ mình có người khác cho cậu đây. Cậu sẽ yêu…
- Không. Sally, mình thực sự không muốn…
- Tin mình đi.
Ted Riddle là một người đàn ông sắp được tứ tuần.
Và Julia phải công nhận rằng anh ta rất hấp dẫn.
- Anh đưa nàng tới nhà hàng Jennie trên Đồi Dâu lịch sử, một nơi nổi tiếng về các món ăn đặc sản Croatia.
- Sally thật tốt với anh quá. - Reddle nói. - Em rất dễ thương.
- Cám ơn anh.
- Sally có kể cho em nghe rằng anh có một hãng quảng cáo không?
- Không. Cô ấy không nói gì cả.
- Ôi có đấy Đó là một trong những hãng lớn nhất ở thành phố Kansas nầy. Mọi người ai cũng biết anh.
- Tuyệt quá. Em…
- Bọn anh có những khách hàng vào loại lớn nhất nước nữa đấy.
- Thế à? Em không…
- Ừ bọn anh có các khách hàng là những ngôi sao nổi tiếng, các nhà băng, các hãnglớn, rồi những cửa hàng mắt xích…
- Ừm, em…
- Cả siêu thị. Em cứ thử nói tên một hãng lớn nào, bọn anh cũng đại diện hết.
- Thế…
- Để anh kể cho em nghe anh đã bắt đầu sự nghiệp như thế nào nhé…
Trong suốt bữa ăn anh ta không lúc nào ngơi mồm, và chủ đề duy nhất chỉ là nói về Ted Riddle.
***
- Có thể anh ấy quá căng thẳng. - Sally lại xin lỗi.
- Ôi mình có thể nói với cậu rằng chính anh ấy mới làm cho mình quá căng thẳng. Nếu cậu muốn biết bất cứ điều gì về cuộc đời của Ted Riddle, từ khi anh ta ra đời, chỉ việc hỏi mình!
- Jerry Mc Kinley.
- Cái gì?
- Jerry Mc Kinley. Mình chợt nhớ ra. Anh ấy cũng từng hẹn hò với một đứa bạn mình. Và con bé đã mê anh ta như điếu đổ.
- Cám ơn Sally, nhưng không.
- Mình gọi cho anh ấy đây.
Tối hôm sau, Jerry Mc Kinley xuất hiện. Anh ta trông dễ mến, bộc lộ một vẻ dịu dàng và quan tâm.
Khi vừa bước vào và nhìn thấy Julia, anh ta đã nói.
- Anh biết những cuộc hẹn hô mù mờ như thế nầy thường rất khó xử. Anh, tự bản thân rất hay ngượng, nên anh cũng biết em sẽ cảm thấy thế nào Julia ạ.
Nàng mến anh ngay lập tức.
Họ đến nhà hàng Trung Quốc Evergreen trên đại lộ State để ăn tối.
- Em làm việc cho một hãng kiến trúc. Điều đó thật là hay. Anh không nghĩ rằng ai cũng hiểu được nghề kiến trúc sư quan trọng như thế nào.
- Anh ấy thật tế nhị, Julia sung sướng nghĩ. Cô mỉm cười.
- Em không thể đồng ý hơn.
Buổi tối trôi qua thật vui vẻ, và càng nói chuyện Julia càng thấy mến anh. Nàng quyết định bạo dạn.
- Anh có muốn về phòng em uống gì không? - Nàng hỏi.
- Không. Chúng mình quay về chỗ của anh đi.
- Chỗ anh à?
- Anh ngả người về phía trước và xiết chặt tay cô:
- Đó là nơi anh cất khoá, xích, roi, băng mắt…(1)
***
Henry Wesson là chủ một hãng kế toán đặt văn phòng ở toà nhà có trụ sở chính của công ty Peters, Eastman và Tolkin. Mỗi tuần hai ba lần, vào buổi sáng, Julia lại gặp anh ta trong thang máy. Anh tỏ ra là một người vui vẻ vừa phải. Anh độ hơn ba mươi tuổi, trông thông minh một cách kín đáo, tóc vàng và đeo kính gọng đen.
Hai người làm quen nhau bằng những cái gật đầu chào lịch sự như - "Chúc buổi sáng tốt lành", rồi "Trông cô hôm nay khoẻ khoắn quá", rồi mấy tháng sau thì - "Tôi muốn mời cô đi ăn tối với tôi, có được không?" - Anh nhìn cô đầy nhiệt thành, chờ đợi câu trả lời.
Julia mỉm cười:
- Vâng, được thôi.
Về phía Henry, đó là tình yêu ngay từ buổi hẹn hò đầu tiên. Anh đưa cô đến EBT, một trong những nhà hàng thượng hạng ở Kansas City. Rõ ràng là anh rất rung động khi được đi chơi với cô.
Anh chỉ kể đôi lời về bản thân:
- Anh được sinh ra ở chính thành phố Kansas City nầy. Cha anh cũng sinh ra ở đây. Lá rụng gần cội mà. Em hiểu anh định nói gì chứ?
Julia hiểu.
- Anh lúc nào cũng muốn trở thành một kế toán viên. Khi tốt nghiệp phổ thông, anh đi làm cho công ty tài chính Bigelon và Beuson Financial. Bây giờ anh đã có hãng của riêng mình.
- Hay quá, - Julia nói.
- Đó là tất cả những gì có thể kể về anh. Hãy kể về em đi.
Julia im lặng giây lát:
- Em là đứa con gái bất hợp pháp của một trong những người giàu có nhất thế giới. Có thể anh cũng nghe nói đến ông ấy rồi. Ông ấy mới bị chết đuối. Em là một trong những người được thừa hưởng tài sản của ông.
Nàng nhìn quanh phòng:
- Em có thể mua được cả nhà hàng nầy, nếu em muốn. Em có thể mua được của thành phố, nếu em muốn.
Henry chằm chằm nhìn nàng:
- Julia?
- Ôi! Em… xin lỗi. Em sinh ra ở Milwaukee. Cha… cha em đã mất từ khi em còn nhỏ. Em và mẹ đã đi rất nhiều nơi khắp đất nước. Khi mẹ em qua đời, em đã quyết định ở lại đây và tìm một việc làm. Hy vọng rằng mũi mình đừng có nở ra
Henry Wesson đặt tay lên tay Julia:
- Thế là em chưa từng có người đàn ông nào chăm sóc phải không? - Anh đổ dồn về phía trước và nồng nhiệt - Anh muốn được chăm sóc em từ giờ đến cuối đời?
Julia ngạc nhiên nhìn anh.
- Em không định nói như Doris Day ( Nữ diễn viên điện ảnh Mỹ), nhưng chúng ta biết về nhau quá ít?
- Anh muốn thay đổi đi.
Khi Julia về, Sally đang đợi sẵn:
- Sao? - Cô hỏi. - Đi chơi thế nào?
Julia nói, trầm tư.
- Anh ấy rất dịu dàng, và…
- Và anh ấy điên lên vì cậu?
Julia mỉm cười:
- Mình nghĩ là anh ấy đã cầu hôn mình.
Sally trợn tròn mắt:
- Cậu nghĩ là anh ấy cầu hôn à? Chúa ơi? Chẳng lẽ cậu không biết thế nào là cầu hôn hay không cầu hôn sao?
- Có, anh ấy nói rằng muốn chăm sóc mình từ giờ đến cuối đời.
- Đúng là cầu hôn rồi! - Sally kêu lên. - Đúng là cầu hôn rồì? Cưới anh ấy đi! Nhanh lên! Cưới ngay đi trước khi anh ấy kỵp thay đổi ý kỷến!
Julia cười phá lên.
- Vội thế làm gì?
- Nghe mình nói nầy. Mời anh ấy đến ăn tối đi. Mình sẽ lo toàn bộ việc bếp núc nhưng sẽ bảo rằng đó là tài nội trợ của cậu.
Julia lại cười.
- Cám ơn cậu. Nhưng không. Khi nào tìm được người mà mình muốn cưới thì chúng mình sẽ gọi cơm hộp Tàu, nhưng tin mình đi, bàn ăn sẽ bày toàn hoa đẹp, và nến cưới.
Vào lần đi chơi tiếp theo, Henry nói:
- Em biết không, Kansas City là một nơi rất tốt để nuôi dạy con cái khôn lớn.
- Vâng, đúng thế. - Vấn đề duy nhất mà Julia bận tâm là nàng cũng không biết mình có thích nuôi dạy những đứa con với anh ấy không" Anh là người đáng tin cậy, không nghiện rượu, hoàn hảo, nhưng…
Nàng trò chuyện với Sally:
- Anh ấy lại ngỏ lời xin cưới mình.
- Anh ấy thế nào?
Nàng im lặng giây lát, cố gắng nghĩ ra những điều lãng mạn nhất, hấp dẫn nhất về anh.
- Anh ấy đáng tin cậy, không nghiện ngập, hoàn hảo…
Sally nhìn Julia hồi lâu:
- Nói cách khác, anh ấy là một người tẻ nhạt chứ gì?
Julia chống chế:
- Không hoàn toàn là tẻ nhạt đâu.
Sally gật gật:
- Anh ấy tẻ nhạt. Hãy cưới anh ấy đi.
- Cái gì?
- Hãy cưới đi. Những người chồng tốt bụng và tẻ nhạt, không phải dễ mà kiếm được đâu.
Từ ngày lĩnh lương lần nầy đến ngày lĩnh lương lần sau quả là một sự chờ đợi lâu dài. Nào là phải nộp thuế, nào là tiền thuê nhà, các chi phí cho ô tô, rồi rau quả thực phẩm, và quần áo phải mua. Julia có một chiếc xe Toyota Tercel và dường như nàng phải chi cho nó nhiều hơn cả cho chính mình: Nàng thường xuyên phải vay tiền của Sally.
Một tối, khi Julia thay đồ đi chơi thì Sally hỏi:
- Lại hẹn với Henry à? Đêm nay anh ấy đưa cậu đi đâu?
- Bọn mình đến nhà hát thành phố nghe hoà nhạc. Hôm nay Cleo Laine biểu diễn.
- Henry có cầu hôn nữa không?
Julia bối rối. Thực tế là lần nào hai người đi chơi, Henry cũng cầu hôn. Nàng cảm thấy rất nặng nề vì bị thúc ép mạnh quá, nhưng dù cố gắng, nàng vẫn không thể buộc mình trả lời. "Vâng!" được.
- Đừng để mất anh ấy. - Sally cảnh báo.
Sally có thể đúng, Julia nghĩ. Henery Wesson có thể là một người chồng tốt
- Anh ấy… Nàng bối rối. - Anh ấy không nghiện ngập, đáng tin cậy, hoàn hảo quá. Liệu thế đã đủ chưa?
Khi Julia ra đến cửa thì Sally gọi lại:
- Mình mượn cậu đôi giầy đen được không?
- Được!
Rồi Julia đi.
Sally vào phòng ngủ của Julia và mở tủ. Đôi giầy cô cần nằm ở ngăn trên cùng. Khi cô với tay lấy thì đụng phải một hộp bìa nằm mấp mé trên ngăn.
Nhiều giấy tờ từ trong đó văng ra.
- Mẹ kiếp! - Sally cúi xuống để thu dọn thì thấy có gồm rất nhiều mẩu báo, ảnh các bài báo và tất cả đều nói về gỉa đình Harry Stanford. Phải đến hàng trăm thứ như thế.
Bất ngờ, Julia đi vội trở lại phòng.
- Mình quên… - Nàng sững người khi trông thấy đống giấy tờ trên sàn. - Cậu làm gì vậy?
- Mình xin lỗi - Sally vội nói. - Cái hộp bị rơi xuống.
Đỏ bừng mặt, Julia cúi nhặt giấy tờ vào hộp.
- Thế mà mình không biết rằng cậu đã rất quan tâm đến những người giàu và nổi tiếng đấy. - Sally nói nhẹ nhàng.
Lặng im, Julia gạt nhanh những thứ còn lại vào hộp. Khi nhặt lên một tập dầy ảnh, cô bắt gặp một chiếc lắc nhỏ hình quả tim mà mẹ cô trao cho trước khi bà qua đời. Julia gạt nó sang bên.
Sally, nãy giờ vẫn theo dõi bạn, thấy bối rối quá.
- Julia!
- Cái gì?
- Tại sao cậu quan tâm nhiều thế đến Harry Stanford?
- Mình thì không. Mình… Đó là của mẹ mình.
Sally nhún vai:
- Thế à? - Cô nhặt một tờ lên xem. Đó là bài báo về một vụ tai tiếng, đầu đề của nó đập vào mắt cô:
ÔNG CHỦ TỶ PHÚ ĐÃ LÀM GIA SƯ CỦA CON
MÌNH MANG BẦU. - ĐỨA TRẺ SINH RA NGOÀI GIÁ THÚ - BÀ MẸ VÁ ĐỨA BÉ BIẾN MẤT!
Sally trợn tròn mắt nhìn Julia, há hốc mồm:
- Chúa ơi! Cậu là con gái Harry Stanford!
Julia mím chặt môi. Nàng lắc đầu và tiếp tục cất giấy tờ.
- Đúng không?
Julia dừng lại:
- Xin cậu, mình không muốn nói về chuyện nầy, có được không?
Sally nhảy chồm lên.
- Cậu không muốn nói về chuyện nầy? Cậu là con gái của một trong những người giàu nhất hành tinh, thế mà cậu lại không muốn nói đến vấn đề nầy? Cậu có điên không đấy?
- Sally…
- Cậu có biết ông ấy giầu thế nào không há? Tỉ phủ đấy.
- Điều đó có gì liên quan đến mình đâu.
- Nếu cậu là con gái ông ta, thì nó hoàn toàn liên quan đến cậu. Cậu là một trong những người được thừa kế. Tất cả những gì cậu phải làm là báo cho gia đình đó về cậu, và…
- Không.
- Không… Không cái gì?
- Cậu không hiểu đâu. - Julia đứng lên rồi lại ngồi phịch xuống gi.ường. - Harry Stanford là một người tồi tệ ông ấy đã bỏ rơi mẹ mình. Bà ghét ông ta và mình cũng ghét ông ta.
- Cậu không thể ghét người nào giàu như thế. Cậu cần hiểu họ.
Julia lắc đầu:
- Mình không muốn là một phần của họ.
- Julia, những người được thừa kế không bao giờ sống trong những căn phòng tồi tàn, mua quần áo ở chỗ đồ cũ và vay tiền để trả tiền thuê phòng. Có khi gia đình cậu còn khó chịu nếu biết cậu sống như thế nầy ấy chứ. Họ sẽ thấy xấu hổ.
- Thậm chí họ chả cần biết liệu mình có còn sống.
- Thế nên cậu phải báo cho họ biết.
- Sally
- Cái gì?
- Bỏ qua chuyện nầy đi.
Sally nhìn Julia một lúc.
- Được thôi! Nhân tiện hỏi luôn, cậu không thể cho mình vay một hai triệu gì đó cho đến kỳ lương mới, đúng không?
Chú thích:
(1) Những "dụng cụ" của kẻ thích trò bạo dâm
 
CHƯƠNG 20 - SÁNG
Tyler thấy bồn chồn đến phát điên lên. Suốt hai mươi bốn giờ qua y gọi điện cho Lee mà không có tiếng trả lời. Nó đang ở với ai? Tyler đau đớn. Nó đang làm gì?
Y lại nhấc máy lên, gọi một lần nữa. Chuông đổ mãi, và ngay khi Tyler định cúp máy thì giọng Lee vang lên:
- Alô.
- Lee, Lee khoẻ không?
- Ai thế?
- Tyler đây.
- Tyler à? - Im lặng một lát - À, vâng!
Tyler cảm thấy nhói lên một sự thất vọng.
- Cưng khoẻ không?
- Khoẻ! - Lee đáp.
- Tôi đã nói với cưng rằng tôi có một điều ngạc nhiên tuyệt diệu dành cho cưng.
- Vâng, thế nào? - Giọng Lee nghe chán ngắt.
- Cưng có còn nhớ những gì đã nói với tôi về chuyến du lịch bằng thuyền buồm tới St. Tropez không?
- Thế thì sao?
- Tháng sau chúng ta đi nhé?
- Anh nói nghiêm túc đấy chứ?
- Thề đấy.
- Ồ tôi cũng chưa biết. Anh có một người bạn có thuyền à?
- Anh chuẩn bị mua một chiếc?
- Anh không đùa đấy chứ, thẩm phán?
- Ôi? Không, không! Anh mới có tiền. Rất nhiều.
- St. Tropez á? Hừm, hay đấy. Được, tôi rất thích đi với anh.
Tyler tự thấy mình vừa thở phào:
- Tuyệt! Trong khi chờ đợi, đừng… - Y cũng không dám nghĩ đến điều đó nữa. - Anh sẽ gọi cho cưng, Lee. - Tyler dập máy, rồi ngồi xuống mép gi.ường.
Lee rất thích đi cùng anh. Y có thể hình dùng ra cảnh hai người trên con tàu du lịch, cùng nhau đi vòng quanh thế giới. Cùng nhau.
Tyler nhấc cuốn danh bạ điện thoại lên rồi giở đến những trang vàng.
***
Văn phòng của hãng tàu du lịch John Alden đặt ngay Cầu cảng Boston, Khi Tyler bước vào, người phụ trách bán hàng ra đón.
- Tôi có thể giúp gì cho ngài?
Tyler nhìn ông ta rồi nói luôn:
- Tôi muốn mua một chiếc tàu du lịch.
Lời lẽ cứ tự nhiên ào ra khỏi miệng.
Tàu của cha y cũng là một phần trong số tài sản được thừa kế, nhưng Tyler không có ý định chia chác gì về nó với các anh em trong nhà.
- Ngài muốn loại gắn máy hay tự chèo?
- Tôi… Hừm… tôi cũng chưa biết. Tôi muốn sao để đi được quanh thế giới.
- Thế thì là loại gắn máy rồi.
- Phải là màu trắng nhé.
Người phụ trách nhìn y một cách lạ lùng:
- Vâng, tất nhiên rồi. Ngài muốn to bằng nào? Con tàu Blue Skies là một trăm tám mươi bộ.
- Loại hai trăm bộ nhé.
Người phụ trách chớp chớp mắt:
- À tôi biết rồi. Tất nhiên, một tàu như thế sẽ rất đắt thưa ngài…
- Thẩm phán Stanford. Cha tôi là Harry Stanford.
Mặt ông ta sáng bừng lên.
- Không phải ngại gì về tiền nong cả. - Tyler nói tiếp.
- Vâng, tất nhiên rồi! Ồ, thưa thẩm phán Stanford. Chúng tôi sẽ chọn cho ngài một chiếc tàu mà ai cũng phải phát ghen lên. Tất nhiên phải là màu trắng rồi. Trong khi chờ đợi, xin gửi ngài một danh mục các con tàu du lịch hiện chúng tôi đang có sẵn. Nếu ngài ưng cái nào xin hãy gọi cho tôi.
***
Woody Stanford đang mơ đến những chú ngựa chuyên để chơi polo. Suốt đời gã toàn phải cưỡi ngựa nhờ của các bạn, nhưng giờ thì gã đã đủ tiền để mua cả bầy ngựa tuyệt nhất thế giới rồi.
Gã gọi điện cho Mimi Carson:
- Anh muốn mua những con ngựa của em. - Woody nói, giọng đầy phấn kích. Dừng lại nghe một lát rồi gã nói tiếp. - Đúng đấy, cả chuồng. Anh nói nghiêm túc. Đúng thế.
***
Cuộc nói chuyện kéo dài nửa giờ, và khi dập máy xuống, Woody cười rạng rỡ. Gã đi tìm Peggy.
Cô đang ngồi một mình ở hậu sảnh. Woody vẫn nhận ra vết bầm tím trên mặt cô do chính gã đánh.
- Peggy…
Cô nhìn lên, đầy cảnh giác.
- Có gì ạ?
- Anh phải nói chuyện với em. Anh… Anh không biết phải bắt đầu từ đâu.
Cô vẫn ngồi đó, chờ đợi.
Gã hít thật sâu.
- Anh biết rằng mình là một người chồng sa đoạ. Có một số việc anh làm không thể tha thứ được. Nhưng, em yêu, bây giờ mọi thứ sẽ thay đổi. Em không thấy sao? Chúng mình bỗng trở nên rất giàu. Thực sự giàu có. Anh muốn làm mọi điều để bù đắp cho em. - Gã nắm tay vợ. - Lần nầy anh nhất định sẽ bỏ hẳn thuốc Anh nói thực lòng đấy. Chúng mình sẽ có một cuộc sống hoàn toàn khác.
Cô nhìn vào cặp mắt của chồng, nói bằng một giọng vô cảm:
- Thật không, Woody?
- Thật. Anh xin hứa. Anh biết rằng trước kia anh đã từng nói thế, nhưng lần nầy nhất định anh sẽ làm được. Anh vừa quyết định rằng anh sẽ tới một dưỡng đường nào đó có thể cứu giúp anh. Anh muốn được thoát khỏi địa ngục mà bấy lâu vẫn chôn vùi mình. Peggy… - Giọng gã đầy thống khổ. - Nhưng anh không thể làm được việc đó nếu thiếu em. Em cũng biết điều nầy mà.
Cô nhìn anh một lúc lâu, rồi ôm ghì anh vào lòng.
- Anh bé bỏng tội nghiệp của em, em biết. - Cô thì thầm. - Em biết, em sẽ giúp anh…
***
Đã đến giờ Margo Posner phải đi.
Tyler đến gặp Margo. Y đóng cửa rồi mới nói:
- Tôi muốn được cảm ơn cô lần nữa, Margo Posner.
Cô ta mỉm cười.
- Mọi chuyện thật thú vị. Tôi thực sự có một thời gian rất vui. - Cô ta liếc Tyler. - Biết đâu từ nay tôi nên theo nghề diễn viên.
Y mỉm cười:
- Cô đã diễn rất thành công. Thực sự cô đã qua mặt được tất cả đám khán giả nầy.
- Đúng thế, phải không?
- Đây là phần tiền còn lại của cô. - Y rút trong túi áo ra một phong bì. - Và vé máy bay về Chicago.
- Cám ơn ông.
Y nhìn đồng hồ.
- Cô nên đi thôi.
- Phải. Tôi chỉ muốn nói rằng xin cám ơn ông về tất cả mọi điều. Ý tôi là về việc ông đã đưa tôi ra khỏi nhà tù, và vì tất cả mọi việc khác nữa.
Y cười:
- Không sao. Chúc cô đi may mắn.
- Cám ơn.
Y nhìn theo cô ta đi lên phòng để đóng gói đồ đạc.
Ván bài đã kết thúc.
Khi Margo Posner đang thu dọn đồ đạc thì Kendall bước vào.
- Chào Julia, chị muốn… - Nàng dừng ngay lại. - Em đang làm gì vậy?
- Em về nhà.
Kendall nhìn "Julia" đầy ngạc nhiên.
- Nhanh thế à? Sao vậy? Thế mà chị đang hy vọng chúng mình sẽ có dịp bên nhau và làm quen với nhau. Chúng ta có bao nhiêu năm tháng trước mắt để bù đắp.
- Vâng. Nhưng để khi khác nhé.
Kendall ngồi xuống mép gi.ường.
- Đó quả thực như một phép thần kỳ, phải không? Tìm lại được nhau sau ngần đấy năm trời.
Margo vẫn tiếp tục thu xếp:
- Ừ, đó là một phép thần kỳ, phải đấy.
- Người ta hẳn phải cảm thấy như Cinderella. Chị muốn nói rằng, vừa phút trước đây ta còn sống một cuộc đời tầm thường, thế mà, phút sau có người đã trao vào tay ta một tỉ đô la.
Margo:
- Cái gì?
- Chị nói…
- Một tỉ đô la à?
- Ừ Theo di chúc của cha thì đó chính là phần mà mỗi chúng ta đều được hưởng.
Margo nhìn Kendall, sửng sốt.
- Mỗi chúng ta được một tỉ đô la sao?
- Không ai nói cho em à?
- Không! - Margo trầm ngâm. - Họ không nói gì. - Gương mặt cô ta ánh lên vẻ ưu tư. - Chị biết không, Kendall, chị nói đúng đấy. Có lẽ chúng mình nên tạo điều kiện để làm quen với nhau.
***
Tyler đang ở phòng tắm nắng nhân tạo, ngắm các bức ảnh tàu du lịch thì Clark bước đến.
- Xin lỗi, thẩm phán Stanford. Ngài có điện thoại ạ.
- Tôi sẽ nghe ở đây.
Đó là điện thoại của Keith Percy từ Chicago.
- Tyler đó à?
- Vâng.
- Tôi có tin mừng cho anh đây.
- Ồ?
- Bây giờ tôi chuẩn bị về hưu, anh nghĩ gì nếu được bổ nhiệm làm chánh án?
Tyler cố nén để khỏi cười lên sung sướng.
- Tuyệt quá, Keith
- Thế thì, chức đó là của anh rồi đấy.
- Tôi… tôi chẳng biết nói gì!
Ta nên nói gì đây, chẳng lẽ: Các tỉ phú thì không bao giờ chịu ngồi ở vị trí xấu như thế trong toà án chỉ để giải quyết kết tội những kẻ chập mạch, đúng không? Hay là, tôi còn bận đi du lịch vòng quanh thế giới bằng tàu của mình?
- Bao giờ thì anh quay về Chicago?
Cũng phải một thời gian nữa- Tyler nói. - Tôi có nhiều việc phải giải quyết ở đây quá.
- Ồ chúng tôi sẽ đợi anh.
- Đừng có ngợp thở nhé.
- Tạm biệt.
Y dập máy rồi liếc đồng hồ. Đã đến giờ Margo phâi ra sân bay rồi. Tyler lên lầu xem cô ta đã sẵn sàng chưa.
Khi y vào phòng Margo thì thấy cô ta đang dỡ đồ ra khỏi va li.
Tyler nhìn cô ta kinh ngạc.
- Cô chưa xong à?
Cô ta nhìn y và mỉm cười.
- Không. Tôi đang tháo đồ ra đây. Tôi nghĩ lại rồi.
- Tôi thích nơi nầy. Có thể tôi sẽ ở lại đây một thời gian.
Y nhíu mày.
- Cô đang nói về cái gì thế? Cô sắp phải lên máy bay đi Chicago cơ mà?
- Rồi sẽ còn chiếc máy bay khác, thưa thẩm phán. - Cô ta cười khẩy. - Có thể tôi còn mua cho mình một máy bay riêng cơ đấy.
- Cô đang nói gì vậy?
- Ông nói với tôi rằng ông muốn tôi giúp ông để gạt ai đó.
- Thì sao?
- Thế mà dường như nó lại gạt chính tôi. Hoá ra tôi đáng giá một tỉ đô la.
Giọng Tyler đanh lại.
- Tôi muốn cô biến ngay khỏi đây. Ngay bây giờ.
- Thế à? Tôi nghĩ rằng tôi sẽ đi khi nào tôi sẵn sàng. - Margo nói. - Bây giờ thì chưa.
Tyler đứng đó, dò xét:
- Cô… Cô muốn cái gì.
Cô ta gật đầu.
- Thế có phải tốt hơn không. Số bạc tỉ mà tôi có thể được nhận thì ông lại hòng chiếm làm của riêng ông ư? Tôi cứ tưởng ông lừa gạt để lấy một ít thôi, nay những một tỉ đô la! Đó lại là một việc khác. Tôi cho rằng mình có quyền được dự phần xương xẩu chứ?
Có tiếng gõ cửa.
- Xin lỗi. - Clark nói. - Tiệc trưa đã sẵn sàng ạ.
Margo quay sang Tyler.
- Anh ra trước đi. Em không đi cùng đâu. Em phải lo vài việc đã.
Chiều muộn hôm đó, nhiều gói đồ liên tiếp gửi về Rose Hill. Đó là những hộp quần áo, váy, khăn… của cửa hàng Armani, quần áo thể thao của cửa hàng Scaasi Boutique, đồ lót và đồ ngủ của cửa hàng Jordan Marsh, áo choàng lông thú đắt tiền từ cửa hàng Neiman Marcus, và cả chiếc vòng kim cương từ Cartier(1). Tất cả các gói đồ đều gởi cho cô Julia Stanford.
Khi Margo trở về vào lúc bốn giờ chiểu, Tyler đã đợi sẵn, đầy tức giận.
- Cô có biết mình đang làm gì không? - Y cật vấn.
Cô ta chỉ mỉm cười.
- Tôi cần vài thứ. Cuối cùng thì, em gái của anh cần phải ăn bận sang trọng, đúng không? Khi người ta trở thành một người mang họ Stanford, người ta bỗng được hưởng một kho tàng kinh ngạc đến nhường nào. Anh sẽ trả hoá đơn chứ?
- Julia!
- Margo chứ. - Cô ta nhắc hắn. - Nhân tiện em trông thấy trên bàn có những ảnh tàu thuyền du lịch. Anh đang định mua một chiếc à?
- Đó không phải việc của cô.
- Anh đừng nói chắc chắn như vậy. Biết đâu hai ta lại cùng nhau đi du thuyền. Chúng ta sẽ đặt tên con thuyền là Marboro. Hay là Julia? Chúng ta sẽ đi chơi vòng quanh thế giới với nhau. Em không thích cô đơn một mình.
Tyler hít mạnh.
- Có vẻ như tôi đã đánh giá thấp cô. Cô quả là một người đàn bà khôn ngoan.
- Đó là lời của anh, nên chúng thực sự là lời khen đáng kể.
- Tôi hy vọng rằng cô cũng là một người đàn bà biết điều.
- Cái đó còn tuỳ. Anh gọi cái biết điều đó là gì?
- Một triệu đô la. Tiền mặt.
Tim cô ta bắt đầu đập nhanh hơn.
Và tôi được giữ toàn bộ số đồ tôi mua hôm nay chứ?
- Tất cả.
Cô ta hít mạnh.
- Ta thoả thuận thế nhé!
- Tốt. Tôi sẽ trao tiền cho cô nhanh nhất, khi có thể được. Mấy hôm nữa tôi sẽ quay về Chicago. - Y rút từ trong túi áo ra một chiếc chìa khoá và đưa cho cô ta. - Đây là chìa khoá nhà tôi. Tôi muốn cô đến đó đợi tôi. Và nhớ không được nói với ai.
- Được - Cô ta cố nén nỗi sung sướng của mình.
Lẽ ra ta có thể đòi được nhiều hơn. - Cô ta nghĩ.
- Tôi sẽ đặt vé cho cô chuyến tới để cô rời khỏi đây.
- Thế còn số đồ tôi mua?
- Tôi sẽ gửi cho cô.
- Tốt! Thế là cả hai ta đều thoát khỏi của nợ nầy, phải không?
Y gật đầu.
- Đúng, đúng thế. Của nợ…
Tyler đưa Margo ra sân bay quốc tế Logan.
Tại sân bay, cô ta hỏi.
- Anh sẽ bảo với mọi người thế nào? Về việc ra đi của tôi ấy mà?
- Tôi sẽ bảo với họ rằng cô phải đi thăm một người bạn thân bị ốm ở Nam Mỹ.
Cô ta nhìn hắn, vẻ cáo già.
- Anh có muốn biết một điều nầy không, thẩm phán? Cuộc đi du lịch bằng thuyền sẽ hay lắm đấy.
Tiếng loa báo chuyến bay của cô ta.
- Người ta gọi tôi đấy.
- Chúc cô đi may mắn.
- Cám ơn. Sẽ gặp lại anh ở Chicago.
Tyler nhìn theo cô ta đi khuất qua cánh cửa phòng chờ, và y cứ đứng đó cho tới khi máy bay cất cánh.
Xong rồi, y đi ra xe và bảo tài xế:
- Về Rose Hill.
Khi Tyler về đến nhà, y đi thẳng vào phòng riêng gọi điện cho Chánh án Keith Percy.
- Chúng tôi đang đang đợi anh về đấy, Tyler. Khi nào thì trở lại đây? Chúng tôi đã sắp sẵn một lễ chúc mừng anh rồi.
- Sẽ chóng về thôi, Keith! - Tyler nói. - Trong khi chờ đợi tôi muốn nhờ mọi người giúp tôi giải quyết một vấn đề rắc rối mà tôi đang kẹt.
- Tất nhiên rồi. Tôi có thể làm gì giúp anh?
- Việc con bé tội phạm mà tôi cố giúp đấy. Margo Posner. Chắc là tôi đã kể cho bà nghe về nó rồi.
- Tôi nhớ rồi. Vậy có việc gì?
- Con bé tội nghiệp nầy lại tự huyễn hoặc mình rằng nó là em gái tôi. Cô ta theo tôi tới Boston và tìm cách giết tôi.
- Lạy chúa! Kinh khủng quá?
Bây giờ cô ta đang trên đường trở về Chicago. Cô ta lấy trộm chìa khoá vào nhà tôi, và tôi không biết cô ta còn định làm gì nữa. Người phụ nữ nầy quả là một con ngốc nguy hiểm. Cô ta doạ giết cả nhà tôi. Tôi muốn giam cô ta vào bệnh viện tâm thần Reed Mental Health Facility. Nhờ bà gửi cho tôi các giấy tờ thủ tục, tôi sẽ kí. Tôi sẽ thu xếp để cô ta khám bệnh tâm thần sau.
- Được! Tôi sẽ giải quyết ngay.
- Rất cám ơn bà. Cô ta bay chuyến United Airlines Flight 307. Tối nay sẽ đến Chicago vào lúc tám giờ mười lăm phút. Có lẽ nhờ bà bố trí người đón sẵn ở sân bay để giữ lấy cô ta. Bà nhớ bảo họ cẩn thận. Cần phải canh chừng cô ta ở mức cao nhất tại bệnh viện Reed, và không cho phép ai vào thăm.
- Tôi sẽ lưu ý. Tôi rất tiếc khi thấy anh phải trải qua vụ nầy đấy, Tyler.
Giọng Tyler thoáng vẻ thờ ơ.
- Bà biết đấy, Keith, người đời vẫn thường nói rằng: Chẳng có lòng tốt nào, dù nhỏ đến đâu, mà lại không chịu thiệt thòi.
***
Bữa tối hôm đó, Kendall hỏi.
- Julia không ăn cùng chúng ta à?
Tyler xin lỗi hộ.
- Không. Cô ấy nhờ tôi chào mọi người vì phải đến chăm sóc một người bạn thân bị đột quị, sống ở Nam Mỹ. Gấp và bất ngờ quá mà.
- Nhưng di chúc còn chưa…
- Julia uỷ quyền cho tôi làm luật sư và thu xếp cho phần tài sản của cô ấy.
Một người hầu đến đặt một tô cháo trai Boston trước mặt Tyler…
- A! - Y nói. - Trông ngon quá! Tối nay sao tôi đói thế.
Chiếc máy bay United Airhnes 307 hạ cánh xuống sân bay quốc tế O Hare đúng kế hoạch. Một giọng lảnh lót truyền qua loa.
- Thưa các quí ông, quí bà, xin mời thắt dây an toàn.
Margo Posner rất khoẻ khoắn khi đi chuyến bay nầy. Suốt thời gian bay cô ta chỉ mơ tưởng đến chuyện sẽ làm gì với một triệu đô la và tất cả những thứ quần áo, đồ trang sức mới mua. Tất cả chỉ nhờ ta đã bị bắt! Chẳng phải đó chính là bàn đạp là cơ hội trời cho sao!
Khi máy bay dừng lại, Margo thu thập hành lý và đi ra cửa khoang. Một cô tiếp viên đi kèm sát đằng sau. Đỗ gần máy bay có một chiếc xe cấp cứu. Đứng bên xe là một bác sĩ và hai nhân viên hỗ trợ trong áo blu trắng. Người tiếp viên trông thấy họ liền chỉ vào Margo Posner.
Khi Margo bước hết bậc thang, chân vừa chạm đất, một trong mấy người đàn ông đó liền tiến lại và nói:
- Xin lỗi cô.
Margo ngước lên.
- Có việc gì không?
- Có phải cô là Margo Posner?
- Vâng, tại sao? Có việc gì?
- Tôi là bác sĩ Zimmerman. - ông ta tóm lấy tay cô ta. - Chúng tôi muốn cô đi cùng, nào. - Rồi ông dắt cô ta đi tới chiếc xe cấp cứu.
Margo cố gắng giật ra.
- Hượm đã! Các ông làm gì vậy? - Cô ta hỏi.
Hai người kia áp vào hai bên sườn và kẹp lấy hai cánh tay cô.
- Cô chỉ cần đi một cách lặng lẽ thôi, thưa cô Posner. - Bác sĩ nói.
- Cứu tôi với! - Margo gào lên - Cứu tôi!
Đám hành khách chung quanh dồn mắt tới, há hốc miệng kinh ngạc.
- Các người làm sao thế? - Margo hét - Mù hết cả rồi sao? Tôi đang bị bắt cóc. Tôi là Julia Stanford.
- Tôi là con gái Harry Stanford.
- Vâng, tất nhiên rồi. - Bác sĩ Zimmerman nói tỉnh queo. - Chỉ có điều hãy bình tĩnh lại thôi.
Không ai có hành động gì giúp đỡ Margo. Họ tò mò nhìn cô bị đưa lên cửa sau chiếc xe cứu thường, mồm hét, chân đạp.
Lên xe, người bác sĩ lấy đồ nghề ra và ấn kim tiêm vào tay Margo.
- Hãy thư giãn đi, - Ông ta nói, - Mọỉ chuyện sẽ ổn thôi.
- Các ông điên rồi, các ông điên rồi… - Margo nói.
Nhưng mí mắt đã sụp xuống.
Cửa xe đóng sập, và chiếc xe bắt đầu chuyển bánh.
Khi Tyler nhận được báo cáo, y cười phá lên. Y hình dung ra cảnh con chó cái tham lam đó bị bắt đi như thế nào.
Y sẽ thu xếp để giam giữ ả ta trong bệnh viện đó cho đến hết đời.
Thế là ván cờ đã thực sự kết thúc - y nghĩ. - Ta sẽ thành công! Lão già mà biết sẽ phải lật sấp trong mồ - nếu còn xác, và nếu lão biết rằng ta đã kiểm soát được toàn bộ Hãng Stanford? Ta sẽ đem lại cho Lee bất cứ thứ gì Lee muốn. Hoàn hảo, mọi chuyện đều hoàn hảo.
Mọi việc xảy ra trong ngày đã khiến cho Tyler tràn đầy cảm hứng. Ta cần được thư giãn. Y mở va li và lấy ra một bản hướng dẫn của quán Damron, trong đó có địa chỉ một vài quán ở Boston dành cho người đồng tính. Y chọn quán The Quest trên phố Boylston. Ta sẽ không ăn tối ở nhà, mà đi thẳng đến quán - Và y nghĩ -Thật là một liều oxymoron!
***
Julia và Sally đang thay quần áo để đi làm, Sally hỏi.
- Hôm qua đi chơi với Henry thế nào?
- Vẫn thế!
- Vẫn chán thế hả? Thông báo đã dán chưa?(2)
- Chúa trời không xe duyên rồi? - Julia nói. - Henry thì dịu dàng đấy, nhưng… - nàng thở dài. - Anh ấy không phải dành cho mình.
- Anh ta thì không, - Sally nói, - nhưng những cái nầy thì dành cho cậu đây. - Nói rồi cô đưa cho Julia năm chiếc phong bì.
Tất cả đều là hoá đơn gọi thanh toán tiền. Julia mở ra. Ba hoá đơn có in chữ "Quá hạn" và một chiếc ghi "Tầm quan trọng thứ ba". Julia xem một lúc.
- Sally ơi, cậu có thể cho mình vay?
Sally nhìn Julia kinh ngạc.
Mình không hiểu cậu.
- Cậu nói thế là thế nào?
- Cậu làm việc như một con nô lệ, nhưng vẫn không trả được hết hoá đơn, thế mà tất cả việc cần làm chỉ là phẩy một ngón tay, tức khắc sẽ có hàng triệu đô la, và sẽ được đổi đời.
- Đó không phải là tiền của mình.
- Không, đó là tiền của cậu? - Sally sổ ra một tràng. - Harry Stanford chẳng phải là cha cậu đấy ư? Nên nghiễm nhiên, cậu có quyền được thừa kế một phần tài sản của ông ta. Mà mình không mấy khi dùng từ nghiễm nhiên đâu đấy nhé.
- Quên chuyện đó đi. Mình đã kể cho cậu nghe ông ấy đối xử thế nào với mẹ mình rồi. Chắc chắn ông ấy sẽ không để lại cho mình một xu.
Sally thở dài.
- Chết tiệt thật! Thế mà mình đang mong được sống với một bà bạn triệu phú đấy.
Hai người đi xuống bãi để xe. Chỗ đậu xe của Julia trống rỗng. Nàng kinh hoàng nhìn chằm chằm vào chỗ đó.
- Mất rồi?
Sally hỏi.
- Cậu có chắc là đã đỗ xe ở đó vào tối hôm qua không?
- Chắc.
- Có kẻ lấy trộm rồi!
Julia lắc đầu:
- Không, - nàng nói chậm chạp.
- Cậu nói thế là thế nào?
Nàng quay sang Sally.
- Chắc là họ tịch thu lại xe. Vì mình đã chậm quá ba đợt đóng tiền rồi.(3)
- Tuyệt quá. - Sally nói nhạt nhẽo - Thế thì tuyệt quá còn gì.
Sally không thế nào dứt được suy nghĩ về tình cảnh của cô bạn mình ra khỏi tâm trí. Đúng như một chuyện cổ tích vậy - Sally nghĩ - Một nàng công chúa không biết mình là công chúa. Chỉ có trường hợp duy nhất nầy khiến nàng còn được nhắc nhở mình là công chúa, nhưng vì quá kiêu hãnh nên nàng đã không làm gì để chứng tỏ điều đó. Thật không công bằng. Gia đình đó có mọi thứ trên đời còn cô ấy lại chẳng có gì cả. Được, nếu Julia không làm gì, thì mẹ kiếp, ta sẽ làm. Julia sẽ phải cám ơn mình.
Tối hôm đó, khi Julia đã đi chơi, Sally lấy hộp bìa đựng các thứ giấy tờ ra xem lại. Cô rút ra một bài báo gần đây nhất nói về việc các thành viên nhà Stanford đến Rose Hill để dự lễ tang.
Nếu nàng công chúa khôngchịu đến với họ, - Sally nghĩ - Thì họ sẽ đến với nàng.
Cô ngồi xuống và viết một lá thư, gửi tới thẩm phán Tyler Stanford.
Chú thích:
(1) Tên những hãng, cửa hàng nổi tiếng thế giới
(2) Baunz: Thông báo về lễ cưới của người nào đó sắp được tổ chức, dán ở nhà thờ
(3) Mua trả góp
 
×
Quay lại
Top