Prebiotic và Probiotic có gì khác nhau?

Mèo Cọp

“This world is merciless.”
Thành viên thân thiết
Tham gia
25/11/2012
Bài viết
351
(kenhsinhvien.vn) Sau đây là những kiến thức bạn cần biết về prebiotics và cách làm chủ hệ vi sinh trong cơ thể mình.

Loại thức ăn bạn chọn phụ thuộc vào rất nhiều thứ – văn hoá, sở thích, cảm giác thèm ăn nhất thời – nhưng có lẽ chúng ta cũng nên xét đến việc người bạn vi sinh đồng hành thích ăn món gì.

Vi khuẩn đường ruột giúp ta chuyển hoá thức ăn, ngăn ngừa mầm bệnh và tăng cường hệ miễn dịch. Dù mối quan hệ về mặt khoa học giữa vi khuẩn đường ruột với sức khoẻ và bệnh tật vẫn còn phải qua một chặng đường dài nữa, nhưng các nhà nghiên cứu đã tìm hiểu được rằng các lợi khuẩn đường ruột cũng có sở thích ăn uống của riêng chúng. Việc thu hút lợi khuẩn đường ruột bằng cách ăn những món chúng thích trong thực đơn hằng ngày của chúng ta có thể giúp mở rộng quần thể lợi khuẩn đường ruột.

Chúng ta đã nghe nói rất nhiều về probiotic (men vi sinh), nhưng prebiotic thì lại không nghe nói nhiều, vì vậy đừng hoảng hốt nếu bạn đang không hiểu đầu cua tai nheo gì. Các nhà khoa học dinh dưỡng vẫn để mở định nghĩa vì các nhà nghiên cứu vẫn đang thêm vào danh sách những loại thức ăn chứa prebiotic, nhưng về bản chất thì prebiotic là chất xơ được một số nhóm vi sinh có lợi cho vật chủ chọn ăn.

Ảnh: SewCream - Shutterstock

Ảnh: SewCream - Shutterstock

Cách để dễ phân biệt là: Probiotic là những vi khuẩn sống, có trong sữa chua chẳng hạn. Còn prebiotic là những chất “chết”, phổ biến nhất là chất xơ, giúp làm giàu các vi sinh vật đường ruột. Vi khuẩn đường ruột chỉ có thể lên men một số loại chất xơ. Chất xơ có thể lên men ấy được coi là prebiotic chỉ khi các vi sinh sản sinh ra được phụ phẩm có lợi cho sức khoẻ.

“Chất xơ phức tạp hơn bạn tưởng đấy, bởi vì có rất nhiều khác biệt khó thấy trong cấu tạo hoá học của chúng,” Julie Stefanski cho biết, cô là chuyên gia dinh dưỡng có chứng nhận, và là phát ngôn viên của Học viện Dinh dưỡng và Thực chế học.

Cùng nhau khoẻ mạnh

Ăn thêm một số loại chất xơ, có trong nhiều loại trái cây và rau củ, là một điều đáng làm, bởi vì sức khoẻ chúng ta có tốt hay không phụ thuộc vào quần thể lợi khuẩn sôi nổi có trong đường ruột. Chúng ta cần chúng giúp đỡ vì bộ gen con người không được trang bị công cụ di truyền để phá vỡ các chất xơ khó tiêu. Vi khuẩn đường ruột sẽ làm thay ta phần việc ấy.

Các nhà nghiên cứu đang nghiên cứu prebiotic như một biện pháp hỗ trợ khả thi đối với nhiều tình trạng sức khoẻ, như dị ứng, loãng xương, viêm khớp, chăm sóc da, cũng như cách thức chúng có thể tăng cường sức khoẻ của phổi và đường sinh sản. Prebiotic thậm chí còn đang được nghiên cứu như một biện pháp phòng ngừa COVID-19, với ý tưởng là một hệ miễn dịch khoẻ mạnh, được hỗ trợ bởi chế độ ăn uống và dinh dưỡng, có thể giúp cơ thể chống lại sự lây nhiễm của virut. Nếu một số nghiên cứu này có tiến triển, prebiotic có thể tiếp thêm nhiên liệu cho một thế hệ thực phẩm mới.

Hầu hết prebiotic đều là những cacbonhydrat phức hợp, khó tiêu. Ví dụ như ngũ cốc nguyên hạt, chuối, hành tây, các loại đậu như đậu gà, đậu lăng, và các loại rau xanh khác. Nếu bạn ăn các loại thức ăn lên men như dưa cải muối hay kim chi, thì bạn sẽ nhận được gấp đôi lợi ích từ cả prebiotic và probiotic, Stefanski cho biết, bởi vì những loại thực phẩm này chứa cả vi sinh và chất xơ.

Vi khuẩn đường ruột phá vỡ các chuỗi chất xơ và sản sinh ra các axit béo chuỗi ngắn, làm “nhiên liệu” cho đường ruột sử dụng, và làm giảm tình trạng sưng viêm cũng như củng cố hệ miễn dịch. Mặc dù không có hướng dẫn ăn uống nào về lượng prebiotic một người cần tiêu thụ, nhưng Stefanski cũng nhắc nhở rằng chúng ta sẽ cần ăn vào ít nhất 3 gram mỗi ngày, với mục tiêu đạt đến được 5 gram.

Prebiotic là những thực phẩm rất tốt cho sức khoẻ, nhưng nếu bạn không có một hỗn hợp vi sinh phù hợp để tiêu hoá chúng, bạn có thể bị đau dạ dày thường xuyên. “Bạn sẽ cảm thấy không khoẻ khi ăn những loại thức ăn này, đặc biệt là khi bạn có vấn đề về bao tử, ví dụ như hội chứng ruột kích thích,” Stefanski nói. Bạn có thể tìm sự trợ giúp từ một chuyên gia dinh dưỡng như Stefanski, nhờ họ kiểm tra triệu chứng của mình và tìm ra loại thực phẩm nào đang gây chuyện. Nếu bạn đang có vấn đề về tiêu hoá, cô ấy sẽ thường khuyên bạn nên ăn probiotic chất lượng cao trước và từ từ ăn thêm prebiotic.

Thực phẩm bổ sung prebiotic có thể tiện lợi, nhưng bạn sẽ mất nhiều lợi ích hơn so với khi ăn thực phẩm nguyên chất. “Khi bạn ăn thức ăn, bạn cũng có thể nhận được vitamin, khoáng chất, hoá chất thực vật, chúng mang lại nhiều lợi ích khác, và có thể có hiệu quả tổng hợp cao hơn,” Stefanski nói.

Bên cạnh đó, hãy để ý đến các thành phần trong các thỏi bánh xơ vì chúng thường chứa inulin, một chất prebiotic thường được nghiên cứu. Cũng giống với nhiều loại chất xơ khác, inulin có thể giúp ổn định đường huyết và khiến bạn cảm thấy no, nhưng ăn nhiều quá có thể gây tác dụng phụ khó chịu. “Tôi đã khám cho nhiều bạn vận động viên tuổi teen và nghe nhiều câu chuyện dở khóc dở cười về việc ăn các sản phẩm này ngay trước thềm thi đấu, thật không phải là một ý hay chút nào,” Stefanski kể. Cô cũng cảnh báo mọi người về chế độ ăn kiêng ketogenic, ít cacbonhydrat đang được ưa chuộng – và chất xơ là một loại cacbonhydrat – phải ăn thêm rau xanh để có chất xơ có thể lên men.

Tương lai về thực phẩm thông minh?

Jeffrey I. Gordon, một nhà vi sinh học tại Đại học Y khoa Washington, thành phố St. Louis, đang chủ động nghiên cứu thực phẩm thường thấy để chọn ra các quần thể vi sinh có thể tiêu hoá hiệu quả các thực phẩm ấy.

“Prebiotic không chỉ đơn giản là thêm măng tây vào bữa ăn,” Robert Chen nói, anh là nghiên cứu sinh của phòng thí nghiệm Gordon. “Khi bạn nghĩ đến những thứ như thức ăn, thì chúng tôi lại rất thận trọng khi sử dụng loại từ ngữ này. Chúng tôi cho rằng phải có một sự tận tuỵ thật sự sâu sắc vào việc thấu hiểu các thành phần của thức ăn, thành phần nào ảnh hưởng như thế nào đến chức năng của hệ vi sinh mà tiếp sau đó là ảnh hưởng đến con người chúng ta.”

Ý tưởng là thế này: Thực phẩm được thiết kế theo cách chọn ra các quần thể vi sinh cụ thể có thể cải thiện giá trị dinh dưỡng của chúng, Gordon nói. “Các vi sinh là những nhà hoá học bậc thầy có thể cảm nhận loại phân tử nào đang có trong môi trường sống của chúng và các vi sinh khác nhau có những khả năng khác nhau để cảm nhận, tiếp nhận và chuyển hoá chất dinh dưỡng,” anh cho biết.

Trong loạt bài báo gần đây trên tạp chí Cell, Elife, và Cell Host & Microbe, nhóm đã nghiên cứu cách thức chất xơ prebiotic được các vi khuẩn đường ruột chọn ăn bằng cách thiết kế một bộ cảm biến sinh học, là một chuỗi các hạt thức ăn nhân tạo gắn vào các hạt thuỷ tinh có kích thước hiển vi. Một nhãn dán màu sẽ giúp theo dõi các hạt. Nhóm đã cho những hạt được thêm chất dinh dưỡng vào đường ruột của chuột thí nghiệm với các quần thể vi sinh đặc thù trong ruột con người.

Bộ cảm biến sinh học này có thể phát hiện cách thức một quần thể vi sinh chiết tách và ăn chất dinh dưỡng có hiệu quả hay không, vì vậy chúng cũng có thể đánh giá tình trạng sức khoẻ của hệ vi sinh. Chúng còn có thể giúp nhận dạng công thức thực phẩm đặc biệt bổ dưỡng.

Với những thông tin thế này, các nhà nghiên cứu có thể kiểm tra loại thực phẩm điều trị nào sẽ tối ưu nhất cho các nhóm dân cư khác nhau trên thế giới, và chúng hiệu quả ra sao, Gordon nói. Nhóm của ông đang hợp tác với Trung tâm Dịch tả Quốc tế ở Bangladesh để giúp thiết kế thực phẩm tối ưu cho trẻ em bị suy dinh dưỡng, mà họ gọi là “thực phẩm bổ sung định hướng hệ vi sinh”. Mục tiêu là để tạo ra công thức thực phẩm có hoạt tính sinh học tương tự thu hút các quần thể vi sinh, và điều đó có thể sẽ được chấp nhận về mặt văn hoá đối với người dân ở các vùng khác nhau trên thế giới.

“Dù cho có được gọi là prebiotic, hay là gì đó chi tiết hơn và rõ ràng hơn, thì vẫn còn nhiều điều cần phải hiểu về tương tác giữa thức ăn, cụ thể là những chất hoá học trong thức ăn, và tác động của nó đến chúng ta ở cấp độ phân tử cũng như ở cấp độ vi sinh,” Chen nói.


Dịch bởi Kenhsinhvien.vn
(Theo Discover Magazine)
 
×
Quay lại
Top