Phát hiện vi nhựa trong cơ thể, tác hại ra sao?

Mèo Cọp

“This world is merciless.”
Thành viên thân thiết
Tham gia
25/11/2012
Bài viết
351
(kenhsinhvien.vn) Khoa học vẫn chưa rõ, nhưng các nhà nghiên cứu có lý do để lo ngại.

Các hạt nhựa tí hon như thế này, gọi là vi nhựa, được thêm vào một số loại gel dưỡng da tẩy tế bào chết. Từ đó, chúng phát tán ra môi trường và có thể xâm nhập vào cơ thể. Ảnh: Alexander Stein, Joker/Ullstein Bild/Getty Images.

Các hạt nhựa tí hon như thế này, gọi là vi nhựa, được thêm vào một số loại gel dưỡng da tẩy tế bào chết. Từ đó, chúng phát tán ra môi trường và có thể xâm nhập vào cơ thể. Ảnh: Alexander Stein, Joker/Ullstein Bild/Getty Images.

Khi rác thải nhựa tăng nhanh khắp thế giới, một câu hỏi cấp thiết vẫn còn bỏ ngỏ: Tác hại của rác thải nhựa, nếu có, lên sức khoẻ con người thế nào?

Vài năm trước, khi vi nhựa bắt đầu xuất hiện trong ruột cá và ốc, mối bận tâm được tập trung vào sự an toàn của hải sản. Ốc là một mối lo ngại đặc biệt, vì khác với cá, chúng ta ăn ốc cả con – bao tử, vi nhựa và mọi thứ. Năm 2017, các nhà khoa học Bỉ đã công bố những người ưa hải sản có thể tiêu thụ đến 11.000 hạt vi nhựa khi ăn trai biển, một món khoái khẩu ở Bỉ.

Tuy nhiên lúc bấy giờ, các nhà khoa học đã biết nhựa luôn phân mảnh trong môi trường, dần dần xé nhỏ thành những sợi thậm chí còn mỏng hơn sợi tóc – những hạt nhỏ đến mức dễ dàng bay được trong không khí. Một nhóm nghiên cứu tại Đại học Plymouth, Anh đã quyết định so sánh mối nguy từ việc ăn trai biển nhiễm độc ở Scotland với việc hít thở bình thường tại tư gia. Họ kết luận: Người ta sẽ hấp thụ nhiều nhựa hơn khi hít vào hoặc tiêu hoá các sợi nhựa tí hon và vô hình trôi nổi trong không khí xung quanh, những sợi nhựa rơi ra từ quần áo, thảm và bọc ghế đệm so với khi ăn trai biển.


Mẫu vật thu thập ngoài khơi đảo Hawaii chứa sinh vật sống và nhựa. Ảnh: David Liittschwager, Nat Geo Image Collection.

Mẫu vật thu thập ngoài khơi đảo Hawaii chứa sinh vật sống và nhựa. Ảnh: David Liittschwager, Nat Geo Image Collection.

Mùa xuân năm nay, các nhà khoa học từ Hà Lan và Anh công bố họ đã tìm thấy hạt vi nhựa trong người sống, ở hai vị trí chưa từng gặp: sâu bên trong phổi của bệnh nhân phẫu thuật và trong máu của người hiến ẩn danh. Cả hai nghiên cứ này đều không trả lời được câu hỏi về tác hại khả dĩ. Nhưng chúng báo hiệu nên thay đổi trọng tâm mối lo ngại về nhựa vào đám mây bụi lơ lửng mà ta đang sống trong đó, một số hạt nhỏ đến mức chúng có thể xâm nhập vào sâu bên trong cơ thể hay thậm chí là tế bào, theo những cách mà hạt vi nhựa cỡ lớn không thể làm được.

Giáo sư danh dự Dick Vethaak chuyên ngành độc học sinh thái của Vrije Universiteit Amsterdam kiêm đồng tác giả của nghiên cứu máu trên không coi kết quả của mình là đáng báo động, “nhưng đúng vậy, ta nên thấy lo ngại. Nhựa không nên có mặt trong máu.”

“Ta đang sống trong một thế giới đa hạt,” ông nói thêm, ám chỉ đến bụi, phấn hoa và bồ hóng mà con người vẫn luôn hít vào mỗi ngày. “Bí quyết là tìm ra nhựa góp phần bao nhiêu vào đám hạt đó và tác hại của chúng.”

Khó biết tác hại

Trong 25 năm qua, các nhà khoa học nghiên cứu vi nhựa định nghĩa vi nhựa là các hạt có kích thước bề rộng nhỏ hơn 5 mm. Richard Thompson, một nhà hải dương học tại Đại học Plymouth, đã tạo ra thuật ngữ ấy năm 2004 sau khi phát hiện hàng đống mảnh nhựa to bằng hạt gạo trên tuyến triều của một bờ biển ở Anh. Trong những năm tiếp theo, các nhà khoa học đã xác định vi nhựa có mặt khắp hành tinh, từ rãnh vực Mariana đến đỉnh Everest.

Vi nhựa có trong muối, bia, trái cây tươi, rau củ và nước uống. Hạt nhựa lơ lửng trong không khí có thể bay quanh trái đất trong vài ngày và rơi xuống từ bầu trời như cơn mưa. Các chuyến thám hiển trên biển để đếm vi nhựa trong đại dương cho ra những con số khó lòng lý giải, con số này tăng lên theo thời gian khi ngày càng nhiều tấn rác thải nhựa bị tống ra biển mỗi năm và phân huỷ. Một con số đã được bình duyệt công bố năm 2014 đưa ra con số tổng là 5 nghìn tỷ tấn. Ở lần đếm mới nhất được thực hiện năm ngoái, các nhà khoa học Nhật Bản từ Đại học Kyushu ước tính có khoảng 24,4 nghìn tỷ tấn vi nhựa trong tầng mặt đại dương trên toàn thế giới, tương đương khoảng 30 triệu chai nhựa dung tích 500ml, một con số khó lòng hiểu nổi.

“Khi tôi bắt tay vào nghiên cứu năm 2014, lúc đó chỉ có những nghiên cứu liên quan đến vị trí nơi có vi nhựa,” Alice Horton, nhà hải dương học tại Trung tâm hải dương học Quốc gia Anh chuyên về ô nhiễm vi nhựa cho biết. “Giờ chúng ta dừng tìm được rồi. Chúng ta đều biết mọi nơi ta tìm đều có vi nhựa mà.”

Nhưng xác định liệu chúng có gây hại hay không lại rất khó. Nhựa được sản xuất từ một hợp chất hoá học phức tạp, gồm các chất phụ gia giúp tăng độ bền và độ dẻo. Cả nhựa và chất phụ gia hoá học đều có thể độc hại. Phân tích mới đây nhất xác định có hơn 10.000 hoá chất đặc dụng trong nhựa, trong đó có hơn 2400 hoá chất đáng lo ngại, nhà khoa học Scott Coffin cho biết. Nhiều chất “không được quản lý nghiêm” ở nhiều quốc gia, và có 901 hoá chất không được phép sử dụng trong bao bì thực phẩm ở một số khu vực tài phán.


Felix Weber, cộng sự nghiên cứu tại Viện Kỹ thuật Môi trường và Xử lý thuộc Đại học Khoa học Ứng dụng, Đức đang ngồi trước bức ảnh hiển vi 3D chụp vi nhựa. Ảnh: Arne Dedert, Picture Alliance/Getty Images.

Felix Weber, cộng sự nghiên cứu tại Viện Kỹ thuật Môi trường và Xử lý thuộc Đại học Khoa học Ứng dụng, Đức đang ngồi trước bức ảnh hiển vi 3D chụp vi nhựa. Ảnh: Arne Dedert, Picture Alliance/Getty Images.

Chất phụ gia cũng có thể ngấm vào nước, và một nghiên cứu đã phát hiện có tới 88% lượng phụ gia ngấm được, tuỳ thuộc vào nhiều yếu tố như ánh sáng mặt trời và khoảng thời gian. Nghiên cứu tương tự cũng nhận thấy có tới 8681 hoá chất và phụ gia đặc dụng xuất hiện trong một sản phẩm nhựa duy nhất. Việc phân loại hợp chất cụ thể rất nan giải, và việc tìm ra mức độ và thời gian tiếp xúc gây hại trong một hỗn hợp rắc rối như vậy không dễ dàng gì.

“Ta có thể tìm thấy tính tương quan, nhưng tìm ra nguyên nhân sẽ rất nhọc công vì ta tiếp xúc quá nhiều hoá chất trong sinh hoạt hằng ngày,” nhà nghiên cứu Denise Hardesty có 15 năm thâm niên nghiên cứu rác thải nhựa tại Tổ chức Nghiên cứu Khoa học và Công nghiệp Khối thịnh vượng chung Australia cho biết.

Nhà hoá sinh học Janice Brahney tại Đại học Bang Utah bày tỏ sự lo lắng vì sản lượng nhựa vẫn tiếp tục tăng mạnh, trong khi còn quá nhiều điều ta chưa biết về vi nhựa. Năm 2020, 367 triệu tấn nhựa được sản xuất, con số được dự báo sẽ tăng gấp ba lần vào năm 2050. “Thật đáng báo động vì ta đã đi quá xa nhưng chưa hiểu hết được hậu quả, và sẽ rất khó để thoái lui nếu ta phải làm vậy,” cô nói.

Hội đồng Hoá chất Hoa Kỳ (ACC), một nhóm thương mại công nghiệp, vẫn để một danh sách dài các tuyên bố trên trang web của mình giải thích thành phần hoá học của nhiều loại nhựa và bác bỏ các kết luận nghiên cứu cho rằng một số loại nhựa có độc.

“Không, vi nhựa không phải là ‘Mưa axit kiểu mới’. Không hề,” hội đồng đáp trả lại truyền thông về bài báo năm 2020 của Brahney, công bố trên tạp chí Science, ước tính 11 tỷ tấn nhựa sẽ tích luỹ trong môi trường đến năm 2025. (Theo tính toán của Brahney, chỉ riêng ở Tây Hoa Kỳ, đã có hơn 1000 tấn vi nhựa được gió thổi đi và bay vào không khí mỗi năm.)

ACC cũng chỉ trích nghiên cứu trên, “Lượng vi nhựa trong môi trường chỉ chiếm trung bình 4% lượng hạt thu thập được… 96% còn lại nằm trong các vật chất tự nhiên như khoáng chất, bụi bẩn và cát, bộ phận côn trùng, phấn hoa, v.v…”

Đồng thời, thông qua phát ngôn viên, ACC cho biết mình đã tiến hành một chương trình nghiên cứu nhằm giúp trả lời những câu hỏi nổi cộm về vi nhựa, gồm cả những câu hỏi xoay quanh bụi từ nhà ở, cũng như giúp thiết lập một kênh trao đổi nghiên cứu về vi nhựa trên toàn cầu giữa các trường đại học, tổ chức nghiên cứu và ngành công nghiệp. Công việc sẽ bao gồm việc kiểm tra số phận môi trường và những lộ trình tiếp xúc tiềm tàng của vi nhựa, xác định mối nguy tiềm ẩn và đưa ra một khuôn khổ để đánh giá rủi ro. Kết quả sẽ được công bố trong vài năm tới.

Chủ đề này quá phức tạo và gây tranh cãi, Hardesty nhận định, đến mức ngay cả định nghĩa của tác hại cũng thỉnh thoảng bị đưa ra bàn tán. Chúng ta có nên chỉ lo lắng về hậu quả của vi nhựa lên sức khoẻ con người? Còn tác hại của chúng với động vật và hệ sinh thái thì sao?

Nhựa trong cơ thể động vật

Nghiên cứu tác hại tiềm ẩn từ nhựa thực chất đã bắt đầu từ những nghiên cứu trên động vật khoảng 40 năm trước, khi các nhà sinh vật học hải dương nghiên cứu chế độ ăn của chim biển lần đầu tìm thấy nhựa trong bao tử của nó. Khi ngày càng nhiều động vật biển bắt đầu chịu ảnh hưởng bởi nhựa, bị vướng phải hoặc nuốt phải, các nghiên cứu đã được mở rộng phạm vi đến các loài sinh vật biển khác, cũng như với chuột cống và chuột nhắt.

Năm 2012, Công ước về đa dạng sinh học ở Montreal tuyên bố rằng cả 7 loài rùa biển, 45% loài thú biển và 21% loài chim biển đều gánh chịu hậu quả do ăn phải hoặc vướng phải nhựa. Cùng năm đó, 10 nhà khoa học đã thất bại trong việc kêu gọi các quốc gia chính thức phân loại nhựa gây hại nhất vào danh mục chất nguy hiểm, điều này nếu thành công sẽ trao cho cơ quan quản lý của quốc gia đó “quyền hạn để khôi phục lại sinh cảnh bị ảnh hưởng.”

Một thập kỷ sau, số lượng và rủi ro với động vật càng tệ hơn. Hơn 700 loài bị ảnh hưởng bởi nhựa. Các nhà khoa học cho biết có khả năng hàng trăm triệu con chim hoang dã đã ăn phải nhựa, và đến giữa thế kỷ này, họ dự đoán mọi loài chim biển trên hành tinh sẽ ăn phải nhựa. Một số quần thể chim được cho là đã bị đe doạ do tiếp xúc liên tục với hoá chất gây rối loạn nội tiết có trong nhựa. Các nghiên cứu trên cá trong phòng thí nghiệm phát hiện nhựa có thể gây hại cho hệ sinh sản và khiến gan làm việc quá sức.


Cút con Nhật Bản trong một nghiên cứu (kết quả được thể hiện trên đây) đã ăn vi nhựa nhưng không bị mắc bệnh, chết hoặc có vấn đề về sinh sản nhiều hơn so với cút con không tiếp xúc vi nhựa, dù chúng có biểu hiện chậm lớn nhẹ. Ảnh: Lauren Roman.

Cút con Nhật Bản trong một nghiên cứu (kết quả được thể hiện trên đây) đã ăn vi nhựa nhưng không bị mắc bệnh, chết hoặc có vấn đề về sinh sản nhiều hơn so với cút con không tiếp xúc vi nhựa, dù chúng có biểu hiện chậm lớn nhẹ. Ảnh: Lauren Roman.

Các nghiên cứu trên động vật cho thấy sự tràn lan của rác thải nhựa và giúp cung cấp thông tin nghiên cứu về ảnh hưởng sinh lý học và độc chất học tiềm ẩn ở người.

Ví dụ, dù chất độc từ nhựa có thể gây ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ của chim, nhưng một nghiên cứu năm 2019 tại Australia, trong đó cút con Nhật Bản được chủ ý cho ăn những chất độc như vậy, lại nhận thấy điều ngược lại: Cút con bị chậm phát triển nhẹ, nhưng không bị mắc bệnh, chết hay có vấn đề về sinh sản nhiều hơn so với cút con bình thường. Kết quả này khiến các nhà khoa học ngạc nhiên, họ gọi đó là “bằng chứng thực nghiệm đầu tiên” cho thấy ảnh hưởng độc chất học và nội tiết “có thể không nghiêm trọng như ta lo ngại cho hàng triệu con chim” mang lượng nhựa nhỏ trong bao tử.

Hardesty, đồng tác giả của nghiên cứu, cho rằng nghiên cứu trên chim cút như một lời cảnh báo rằng việc đánh giá mối nguy do tiếp xúc với vi nhựa là “không hề đơn giản.” Cụ thể cô nói, khó khăn trong việc tìm bằng chứng gây hại tường minh ở chim cút “nhấn mạnh rằng chúng ta vẫn chưa trả lời được câu hỏi tác hại khi ăn phải nhựa đối với con người là gì một cách dứt khoát.”

Nhựa trong cơ thể người

Việc đo lường ảnh hưởng xấu có thể xảy ra của nhựa đối với con người khó hơn nhiều so với động vật, khác với cút và cá, ta không thể cho đối tượng nghiên cứu là con người ăn thức ăn chứa nhựa được. Ở các thử nghiệm trong phòng thí nghiệm, người ta thấy vi nhựa gây hại cho tế bào con người, bao gồm dị ứng và chết tế bào. Nhưng cho đến nay không có nghiên cứu dịch tễ học nào ghi nhận mối liên hệ giữa việc tiếp xúc với vi nhựa và tác động đến sức khoẻ ở một nhóm lớn người dân.

Thay vào đó, nghiên cứu lại thực hiện trên những nhóm ít người – một yếu tố hạn chế kết luận rút ra trong phạm vi việc xác định sự có mặt của vi nhựa trong các bộ phận cơ thể. Một nghiên cứu năm 2018 phát hiện vi nhựa trong phân của 8 người. Một nghiên cứu khác ghi nhận vi nhựa có mặt trong nhau thai của trẻ chưa sinh.

Nghiên cứu gần đây của Vethaak và đồng nghiệp tìm thấy nhựa trong máu của 17/22 người hiến máu khoẻ mạnh; nghiên cứu phổi phát hiện vi nhựa có trong 11/13 mẫu phổi lấy từ 11 bệnh nhân. Hầu như không nhóm nào giúp cung cấp thông tin về mức độ và thời gian tiếp xúc – hai yếu tố quan trọng để xác định tác hại.

Ở hai nghiên cứu các hạt nhựa được tìm thấy chủ yếu là nhựa nano, nhỏ hơn 1 micromet. Những hạt nhựa tìm thấy trong nghiên cứu máu vừa đủ nhỏ để hít phải, dù Vethaak cho biết ta cũng có thể ăn phải. Không rõ liệu những hạt như vậy có thể truyền từ máu đến các cơ quan khác hay không, nhất là vào não, cơ quan được bảo vệ bởi một mạng lưới dày đặc các tế bào tạo thành rào chắn.

“Chúng tôi biết hạt nhựa có thể truyền khắp cơ thể thông qua mạch máu,” Vethaak nói. Nghiên cứu của ông là một trong 15 nghiên cứu về vi nhựa đang được thực hiện tại Tổ chức Nghiên cứu Sức khoẻ và Phát triển Quốc gia Hà Lan.

Còn nghiên cứu phổi thực hiện tại Đại học Hull, Anh cho thấy các hạt nhựa trong không khí có thể xâm nhập thế nào. Trong khi các nhà khoa học của nghiên cứu dự kiến sẽ tìm thấy sợi nhựa trong phổi của bệnh nhân phẫu thuật (nghiên cứu trước đây đã ghi nhận sợi nhựa có trong tử thi), nhưng họ rất ngạc nhiên khi phát hiện số lượng nhựa nhiều nhất, đủ mọi hình dáng và kích thước, lại nằm sâu trong thuỳ dưới phổi. Có sợi dài 2 mm.

“Bạn không dự kiến tìm thấy vi nhựa trong bộ phận nhỏ nhất của phổi với đường kính nhỏ nhất,” nhà sinh thái học môi trường Jeannette Rotchell cho biết. Nghiên cứu cho phép nhóm cô chuyển sang cấp độ câu hỏi kế tiếp và tiến hành thí nghiệm trong phòng thí nghiệm bằng tế bào và mô nuôi cấy của tế bào phổi để khám phá tác động của vi nhựa.

“Có nhiều câu hỏi quá,” cô nói. “Tôi muốn biết mức độ mà chúng ta tiếp xúc trong suốt cuộc đời. Chúng ta đang hít vào loại vi nhựa nào mỗi ngày, bất kể là làm vệc tại nhà, đến văn phòng, ngoài trời, đạp xe hay chạy bộ ở các môi trường khác nhau. Có một khoảng trống lớn về hiểu biết ở đây.”

Thắc mắc về tác hại

Các nhà khoa học không hẳn là đang dò dẫm trong bóng tối. Vẫn có những nghiên cứu về độc tố tìm thấy trong nhựa, cũng như các bệnh về phổi, từ hen suyễn và bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD) đến ung thư, căn bệnh giết chết hành triệu người mỗi năm và có liên hệ với việc tiếp xúc các chất gây ô nhiễm khác. Trong báo cáo mới nhất, Hiệp hội Phổi Hoa Kỳ đã tuyên bố COPD (hậu quả của viêm phổi mãn tính) là nguyên nhân hàng đầu thứ tư gây tử vong ở Hoa Kỳ.

Con người hít vào nhiều loại hạt từ bên ngoài mỗi ngày, kể từ buổi bình minh của cuộc Cách mạng Công nghiệp. Phản ứng đầu tiên của cơ thể là tìm cách để tống khứ chúng đi. Những hạt lớn trong khí quản thường bị ho ra. Còn dịch nhầy thì hình thành quanh những hạt đã đi sâu xuống đường hô hấp, tạo ra một “thang máy” dịch nhầy đẩy chúng ngược trở lên đến khí quản bên trên rồi bị tống ra ngoài. Các tế bào miễn dịch bao quanh những hạt còn lại để cô lập chúng.

Dần dần, những hạt đó có thể gây kích ứng, dẫn tới nhiều triệu chứng từ viêm nhiễm cho đến ung thư. Hoặc chúng có thể chỉ nằm trơ đó và không gây hại gì.

Các hạt được xác định trong nghiên cứu phổi bao gồm hạt nhựa độc hại với con người và gây kích ứng phổi, chóng mặt, đau đầu, hen suyễn và ung thư, bác sĩ Kari Nadeau cho biết. Cô đã đánh dấu các triệu chứng khi kiểm tra danh sách các sợi nhựa được công bố trong nghiên cứu.

“Chúng tôi đã biết điều này từ các bài báo khác,” cô nói. “Hít polyurethane trong 1 phút thôi bạn đã bắt đầu thấy khó thở rồi.”

Điều các nhà khoa học không biết là liệu các hạt nhựa trong phổi có đáp ứng được mức độ và thời gian tiếp xúc để vượt qua ngưỡng gây hại hay không.

Dù các hạt ấy “trực tiếp gây hen suyễn cả đời cho con người ta, nhưng rất khó để chứng minh,” cô nói. “Tôi không bảo là ta nên sợ những thứ này. Tôi chỉ bảo ta nên thận trọng. Ta cần hiểu rõ những thứ đang đi vào cơ thể mình và có thể ở lại đó hàng năm trời.”

Giám đốc y tế Hiệp hội Phổi Hoa Kỳ Albert Rizzo cho biết khoa học còn quá mơ hồ để rút ra kết luận. “Có phải nhựa chỉ nằm trơ đó hay chúng sẽ gây ra phản ứng miễn dịch dẫn đến sẹo, xơ hoá hoặc ung thư? Ta biết vi nhựa có mặt ở khắp nơi. Nhưng ta không biết liệu sự hiện diện của nó trong cơ thể có gây ra vấn đề gì không. Thời hạn rất quan trọng. Bạn tiếp xúc bao lâu mới là vấn đề.”

Ông cho rằng sự so sánh gần gũi nhất có lẽ là nỗ lực kéo dài hàng chục năm để thuyết phục chính quyền tin rằng hút thuốc gây ung thư. “Tới khi ta có đủ bằng chứng để thay đổi chính sách, giọt nước đã tràn ly,” ông nói. “Tôi có thể thấy nhựa cũng giống vậy. Trong 40 năm nữa chúng ta có biết được vi nhựa trong phổi sẽ khiến phổi lão hoá sớm hay khí phế thũng hay không? Ta không biết được. Đồng thời, ta có thể sản xuất nhựa an toàn hơn hay không?”


Dịch bởi Kenhsinhvien.vn
(Theo National Geographic)
 
một điều tất yếu khi con người sử dụng quá nhiều đồ nhựa và nilon :((
 
×
Quay lại
Top