Nhiều trường đại học đối phó trong "đảm bảo chất lượng"

Monmunmon

Thành viên thân thiết
Thành viên thân thiết
Tham gia
1/1/2012
Bài viết
4.527
Bộ GD-ĐT thừa nhận hiện nay, một số trường đại học triển khai Chỉ thị 296/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về đổi mới quản lý giáo dục đại học giai đoạn 2010 - 2012 còn mang tính chất hình thức, đối phó.

Sáng ngày 11/9, Bộ GD-ĐT đã tổ chức Hội nghị tổng kết 3 năm thực hiện Chỉ thị 296/CT - TTg của Thủ tướng Chính phủ và chương trình hành động của Bộ GD-ĐT về đổi mới quản lý giáo dục đại học giai đoạn 2010 - 2012.


GS.TS Bùi Văn Ga, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT khẳng định: “Cuộc vận động về đổi mới quản lý giáo dục đại học giai đoạn 2010 - 2012 đã được triển khai một cách sâu rộng trong tất cả các trường ĐH,CĐ toàn quốc, tạo ra một bước chuyển biến tích cực trong tư tưởng, ý thức trách nhiệm và hành động thực tiễn của cán bộ, giảng viên và sinh viên các trường ĐH,CĐ góp phần tích cực nâng cao chất lượng đào tạo đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước”.

Chuẩn đầu ra của nhiều ngành “na ná” giống nhau

Theo thống kê của Bộ GD-ĐT hiện có 392/420 trường ĐH, CĐ đạt tỷ lệ 93,3% xây dựng cam kết chất lượng đào tạo. Tính đến tháng 8/2012, đã có 139 trường ĐH và 98 trường CĐ hoàn thành báo cáo tự đánh giá đạt tỷ lệ 50%... Cùng đó, đến cuối năm 2012, đã có 385/420 trường ĐH,CĐ đạt tỷ lệ 91,7% xây dựng và công bố chuẩn đầu ra ngành đào tạo. Về thực hiện cam kết thành lập trường, đến nay có 55/87 trường được kiểm tra có diện tích đất sử dụng lâu dài trên 5ha, có 14 trường có trên 20ha đất…

Bên cạnh kết quả đạt được vẫn còn nhiều trường chưa thực hiện được như cam kết, số lượng giảng viên cơ hữu của nhiều trường không đảm bảo, 7/87 trường được kiểm tra có số lượng giảng viên cơ hữu và hợp đồng dài hạn dưới 50 người (Trường ĐH Thành Tây, Trường ĐH Công nghệ Đông Á, Trường ĐH Thành Đông, Trường CĐ Kinh tế - Kỹ thuật Hà Nội…), nhiều trường có tỷ lệ sinh viên/giảng viên cơ hữu và hợp đồng dài hạn cao hoặc rất cao (Trường ĐH Tài chính - Marketing, Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội, Trường CĐ Kinh tế - Kỹ thuật Hà Nội…), 108 ngành đào tạo trình độ ĐH, CĐ không có tiến sĩ đúng ngành, 120 ngành không đủ tiến sĩ và thạc sĩ đúng quy định, có 4/87 trường được kiểm tra chưa có đất như đã cam kết. Căn cứ vào kết quả kiểm tra, Bộ GD-ĐT đã đình chỉ tuyển sinh năm 2012 đối với 4 trường đại học, cao đẳng; đình chỉ tuyển sinh 17 ngành thuộc 08 trường đại học, cao đẳng. Đến nay, một số trường đã khắc phục được nguyên nhân bị đình chỉ tuyển sinh và được tuyển sinh trở lại.

Mặc dù đạt được những thành quả nhất định nhưng Bộ GD-ĐT cũng đã thừa nhận, qua 3 năm triển khai Chỉ thị vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập.

Cụ thể, đổi mới quản lý nhà nước về giáo dục còn nhiều sai sót, vi phạm quy chế chậm được phát triển và xử lý, các kết luận thanh tra, kiểm tra chưa đủ mạnh hoặc xử lý sau thanh tra chưa kiên quyết và không đủ tính răn đe để chấm dứt các sai phạm.

Bên cạnh đó, việc chấp hành kỷ cương pháp luật trong giáo dục đại học ở nhiều cơ sở giáo dục đại học chưa nghiêm dẫn tới nhiều sai phạm như: xác định chỉ tiêu khong đứng với thực tế; liên tục tuyển sinh vượt chỉ tiêu; thực hiện liên kết đào tạo sai quy định, bất chấp các quy định quản lý nhà nước về giáo dục đại học như trường ĐH Lương Thế Vinh, ĐH Công nghiệp TPHCM; Trường CĐ Kinh tế Tài chính Thái Nguyên; CĐ Tài chính Hải quan, CĐ ASEAN…

Xây dựng và công bố chuẩn đầu ra của các trường còn mang tính hình thức chưa xác định rõ mục tiêu đào tạo, triển khai thực hiện chương trình. Chuẩn đầu ra của nhiều ngành trong cùng một trường đều “na ná” giống nhau. Các điều kiện đảm bảo chất lượng chưa đi vào thực chất, thiếu các giải pháp tổng thể để nâng cao chất lượng đào tạo.
Đối với việc thực hiện 3 công khai về cơ bản các trường thực hiện theo đúng quy định. Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho biết, việc thực hiện này còn mang tính hình thức, đối phó, nhiều trường chỉ công khai mức học phí, một số hoạt động đào tạo dẫn đến thiếu thông tin cho người học, công tác kiểm tra, giám sát bị hạn chế. Chương trình đào tạo chậm đổi mới, không gắn với thực tiễn.

Ngoài ra, môi trường sư phạm trong nhà trường chưa được quan tâm xây dựng, việc nể nang, giảm nhẹ yêu cầu trong thi, đánh giá đã ảnh hưởng tới động cơ học tập của người học, tình trạng gian lận trong thi cử, sao chép luận văn, luận án, các đề tài khoa học trong các cơ sở đào tạo vẫn còn xảy ra, điều này đã làm ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng đào tạo.

Thành lập Hội đồng Hiệu trưởng các khối ngành

Bộ GD-ĐT thừa nhận, tổ chức triển khai Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ và Chương trình hành động của Bộ ở một số trường còn chậm, thiếu quyết liệt và còn mang tính hình thức, đối phó, hiệu quả không cao, cá biệt có một số cán bộ, giảng viên và bộ phận sinh viên còn thờ ơ, nhận thức thiếu đầy đủ, chưa đúng mức.

Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho biết: “Việc đổi mới quản lý giáo dục đại học còn thiếu chiều sâu để nâng cao chất lượng đào tạo, một số cơ sở đào tạo triển khai chậm, thiếu quyết liệt. Việc công bố chuẩn đầu ra, các điều kiện đảm bảo chất lượng chưa đi vào thực chất, còn mang tính hình thức. Công tác quản lý ở một số trường chưa thực hiện đúng quy định, đã xuất hiện sự yếu kém nên dẫn đến khiếu kiện, tố cáo gây bức xúc trong đội ngũ cán bộ, giảng viên và dư luận xã hội”.

Do vậy, thời gian tới, Bộ GD-ĐT tổ chức thành lập tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục để triển khai đồng bộ và hiệu quả hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục; rà soát và hoàn thiện các bộ tiêu chuẩn đánh giá chất lượng, hướng dẫn về chuyên môn nghiệp vụ đối với công tác đảm bảo và kiểm định chất lượng giáo dục đại học.

Đặc biệt, thành lập Hội đồng Hiệu trưởng các khối ngành để tư vấn cho Bộ trưởng những vấn đề có liên quan đến phát triển ngành, đến hoạt động của các trường và phối hợp, hỗ trợ lẫn nhau, chia sẻ nguồn lực giữa các trường.

Theo Dân Trí
 
×
Quay lại
Top