“Người thuận tay trái không nên bị buộc phải viết bằng tay phải”

heokool

Cà rốt, trứng hay hạt cà phê?
Thành viên thân thiết
Tham gia
22/9/2011
Bài viết
14.934
Một ngày đầu Thu, GS Sheldon Lee Glashow, người đoạt giải Nobel Vật lý năm 1979 đã có buổi nói chuyện rất cởi mở và thú vị với giảng viên và sinh viên trường ĐH Bách khoa Hà Nội về “Tầm quan trọng của khoa học cơ bản trong sự phát triển kinh tế”.

Như hoàng tử đi tìm cây kim trong đống rơm


Giáo sư Sheldon Lee Gladshow

Vị giáo sư đã 81 tuổi đã khiến nhiều người tại hội trường phải ngạc nhiên trước sự trẻ trung, hóm hỉnh trong suy nghĩ và cách trình bày trước vấn đề vẫn đang gây tranh cãi ở nhiều quốc gia: “Có nên đầu tư cho khoa học cơ bản?”. Mở đầu bằng quan điểm: “Có nhiều thành viên Chính phủ của một số quốc gia cho rằng, đầu tư cho khoa học cơ bản là không cần thiết, tốn kém thời gian và tiền bạc”, ông đã khẳng định luôn: “Họ đều nhầm rồi!”.

Dẫn ra một loạt các ví dụ về những phát minh tình cờ từ các nhà khoa học cơ bản, GS Glashow cho rằng, sản phẩm khoa học này không chỉ thỏa mãn đam mê tìm hiểu tự nhiên và trí tò mò của họ mà còn tạo ra những “sản phẩm phụ”, kích thích nền kinh tế phát triển và nâng cao phúc lợi xã hội, ví dụ như World Wide Web. Những người làm lĩnh vực này, bên cạnh việc nghiên cứu còn tình nguyện đóng góp vào các hoạt động xã hội. Nhiều nhà khoa học đã khám phá ra các phương pháp dạy học mới, đưa kiến thức đến với nhiều người, thậm chí, cả những người kém may mắn, ở vùng sâu, vùng xa.

Theo ông, khoa học cơ bản là nền tảng của khoa học ứng dụng: “Ở thời của tôi, thuyết tương đối rộng (General Relativity) của Einstein chỉ có 12 người hiểu được nhưng nó chính là nền tảng cho ứng dụng nổi tiếng GPS ngày nay”.

Kể về nơi làm việc của mình là Viện Nghiên cứu năng lượng nguyên tử châu Âu (CERN), với các nhà khoa học đến từ khắp nơi trên thế giới, Glashow cho rằng, khoa học cơ bản gắn kết mọi người trên thế giới với nhau, không phân biệt sắc tộc, màu da, tôn giáo. Từ câu chuyện: “Ngày xửa ngày xưa, một hoàng tử đi tìm một chiếc kim trong đống rơm nhưng thay vì tìm thấy nó, anh ta tìm được cô con gái của người nông dân.Và họ sống hạnh phúc mãi mãi về sau”, ông đã đưa ra lời khuyên: Hãy luôn tỉnh táo khi nghiên cứu, bởi có thể bạn sẽ không đi đến đích như ban đầu dự định nhưng dọc đường sẽ khám phá ra những phát minh giá trị ngoài sức tưởng tượng.

Ông tin, những người làm việc ở lĩnh vực này hoàn toàn có thể thay đổi mình một cách linh hoạt, từ ngành khoa học này sang ngành khoa học khác, giống như Walter Gilbert, từ một nhà vật lý trở thành người sáng lập 2 công ty về sinh học và gene (Bigoen và Mariad Genetics). Nhưng ông nhấn mạnh: “Để làm được như thế, họ phải hiểu khoa học cơ bản trước”.

Hãy lựa chọn ngành khoa học nào phù hợp với khả năng của bạn!

Những chia sẻ dễ hiểu và đầy cảm hứng của GS Glashow có sức cuốn hút lớn đối với khán giả – sinh viên. Với câu hỏi: “Đâu là sự cân bằng tốt nhất giữa nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu ứng dụng đối với một quốc gia đang phát triển?”, Glashow trả lời: “Tôi không thể cho bạn một con số, bởi nó tùy thuộc vào từng hoàn cảnh. Một số nước có điều kiện hơn về tài chính để theo đuổi khoa học cơ bản hơn là các quốc gia khác. Không ai mong đợi rằng, Việt Nam phải đi xây dựng máy gia tốc để theo đuổi khoa học cơ bản.


Những câu hỏi của sinh viên luôn được GS Sheldon Lee Gladshow giải đáp tận tình

Những nước như Việt Nam có thể theo đuổi các ngành khoa học cơ bản ít tốn kém mà trong đó, kỹ năng của các bạn sẽ được mài giũa cho những mục tiêu mang tính ứng dụng. Bên cạnh đó, dù là khoa học cơ bản hay ứng dụng cũng đều bắt nguồn từ giáo dục. Nếu bạn không thể hiểu những thứ cơ bản thì cũng không thể ứng dụng được. Điều đó giống như để làm về công nghệ thông tin, bạn cần phải hiểu toán. Ở đây, đào tạo cơ bản là vấn đề ảnh hưởng đến mối quan hệ giữa việc hiểu về toán học và sự ứng dụng toán học. Nó rất quan trọng. Bạn không thể sử dụng toán học cho đến khi hiểu về nó, không thể sử dụng vật lý cho đến khi bạn hiểu về những điều cơ bản.

Giáo dục là một trong những yếu tố quan trọng, ảnh hưởng rất nhiều đến tỉ lệ đầu tư cho nghiên cứu cơ bản và ứng dụng ở một quốc gia. Tất nhiên, ý tôi không phải là Việt Nam không nên thực nghiên cứu khoa học cơ bản như ở CERN. Không cần số tiền lớn để nghiên cứu khoa học, bạn có thể sử dụng những thông tin trên Internet để làm điều đó. Các bạn không hề bị cô lập khỏi thế giới mà hoàn toàn có thể tham gia vào tất cả các ngành khoa học, từ vật lý vũ trụ cho đến vật lý sinh học”.

“Nhưng có thể mất hơn 100 năm để biến lý thuyết thành hiện thực. Nhiều người theo đuổi khoa học cơ bản nhưng khi nghiên cứu không biết mình đang làm gì và bỏ cuộc. Trong hoàn cảnh ấy, khoa học ứng dụng, ngành hái ra tiền có vẻ như là một lựa chọn tốt hơn. Ông có lời khuyên nào để những người nghiên cứu khoa học cơ bản như thế tiếp tục hứng khởi nghiên cứu?”, một sinh viên thắc mắc.

GS Glashow khuyên: “Bạn phải có khả năng để theo đuổi khoa học cơ bản. Muốn theo ngành này phải xuất phát từ niềm đam mê, từ sự thôi thúc nào đó. Có một quốc gia họp một nhóm các nhà khoa học lại và chỉ đạo: “Nghiên cứu đi!”. Họ đã thất bại. Hãy lựa chọn ngành khoa học nào phù hợp với khả năng của bạn! Người thuận tay trái không nên bị ép buộc phải viết bằng tay phải. Ai muốn làm khoa học cơ bản, hãy nghiên cứu nó, điều này cũng tương tự với khoa học ứng dụng”.n

GS Glashow sinh năm 1932, tham gia giảng dạy và nghiên cứu tại nhiều trung tâm khoa học lớn trên thế giới. Năm 1979, ông được trao Giải Nobel Vật lý vì những đóng góp cho thống nhất tương tác điện yếu và dự đoán về dòng trung hòa yếu. Hiện nay, ông là GS của ĐH Harvard (Mỹ). Ông đến Việt Nam tham dự chuỗi sự kiện “Gặp gỡ Việt Nam” lần thứ IX, do Hội Khoa học Gặp gỡ Việt Nam của GS Trần Thanh Vân tổ chức.

Theo SVVN
 
đc học và làm đúng ngành nghề mà mình yêu thích là tốt nhất
 
×
Quay lại
Top