- Tham gia
- 3/4/2012
- Bài viết
- 2.058

Tớ là dân ngoại tỉnh, nhà quê gốc . Nghe nói đời cụ tổ cũng làm quan to lắm ở thành phố đấy, nhưng giờ con cháu lại về quê hết rồi. Quả thật, tớ cũng không thích những người vứt rác, khạc nhổ, nói bậy...bừa bãi: nhưng tớ càng không thích những người gọi là lịch sự văn minh, có văn hóa mà lại dùng những lời lẽ nặng nề với người khác.
Người ta nói, dân nhà quê bọn tớ nhiều tật xấu. Thích mặc những thứ quê mùa, ăn uống thô lỗ, ở không sạch sẽ, ki kẹt từng đồng, từng hào.
Người ta nói bọn trẻ ngoại thành thích ăn chơi phè phỡn, đua đòi, vô giáo dục. Người ta nói dân ngoại tỉnh hay nói bậy, cái gì cũng nói ra được...
Nhưng người ta đâu biết được, dân nhà quê khổ lắm chứ. Các bà, các mẹ của bọn tớ vất vả, bươn chải, quanh năm chỉ biết đến ruộng vườn, lợn gà...đâu có điều kiện để học hỏi những thứ gọi là văn hóa, thanh lịch.
Quần áo trên người đâu có cần đẹp đẽ, đầy đủ lành là đẹp rồi. Ăn uống chỉ cần đầy cái bụng, để có sức làm việc, đâu còn cần ý tứ này nọ. Từng đồng, từng hào là mồ hôi nước mắt, là mớ rau bòn cả ngày, sao họ không biết tiếc chứ? Người ta đã quá khổ rồi, sao còn phải để ý nhiều đến những thứ khác.
Văn hóa ở nông thôn, khác hẳn văn hóa ở thành thị. Ở quê đất rộng, rác vứt đâu chả được. Đói thì ăn cho no. Ghét thì chửi cho đã miệng...Rồi có để bụng dạ gì, cứ vồn vã, hồn nhiên, chân chất giản dị...thế thôi.
Người ngoại tỉnh đâu phải ai cũng muốn lên thành phố, nhưng vì mưu sinh, người ta lại phải tất tả dồn về cái nơi ấy. Ai mà chẳng mong có một cuộc sống tốt hơn, đẹp hơn. Ước mơ của họ cũng đáng bị lên án sao?
Tớ cũng không phủ nhận, ngày càng nhiều bạn trẻ sống không lành mạnh. Nhưng sao lại cứ qui hết về là tại dân nhà quê, dân ngoại tỉnh nhỉ?
Đọc "Miếng ngon Hà Nội", "Thương nhớ mười hai"...thấy cái Hà Nội xưa ấy, đẹp lắm, nên thơ lắm. Nhưng theo thời gian, mọi thứ đều phải biến đổi, những nét xưa cũng mai một dần, sao có thể cứ giữ mãi được?....Xã hội phát triển, đương nhiên văn hóa đa dạng hơn...xin đừng nói là bị pha tạp bởi dân nhà quê. Bởi vì nhà quê, cũng có nét đẹp, có cái đáng tự hào riêng của nhà quê.
Mình thích Hà Nội, thích những bà cụ phố hàng, đảm đang, khéo léo, có chút kiêu kì đài các của con gái thành thị, họ gắn bó sâu nặng, yêu da diết Hà Nội xưa hoài cổ. Mình thích những bạn gái Hà Nội xinh xắn nhẹ nhàng, giọng nói hay rất hay, những bạn trai rất ga lăng và vui vẻ...
Nhưng mình cũng yêu tha thiết, các mẹ, các bà...ở quê. Bỏm bẻm nhai trầu, cười móm mém. Chân tay thô ráp, da đen nắng cháy, ăn to nói lớn,...nhưng lại đầy hi sinh, chịu đựng. Chưa bao giờ biết đến những thứ như cơm hàng, tiệc đứng, thể dục dưỡng sinh, thăm thú này nọ,... nhưng họ luôn mơ ước cho con cái, cho họ một cuộc sống tốt đẹp hơn, đầy đủ hơn. Mình yêu những cô, những chị tóc dài chấm lưng, vàng xơ vì nắng gió ngượng nghịu, tự ti. Tiếng địa phương lóe xóe, nhưng đi đâu cũng dễ dàng nhận ra nhau.." à, cùng quê đấy".
Vốn dĩ, ở đời chẳng có ai hoàn hảo cả. Ai cũng có điểm tốt, điểm xấu, người này người kia...đừng áp đặt suy nghĩ của mình lên người khác. Những gì bạn nhìn thấy, đâu có chắc giống như những gì bạn nghĩ đâu. Tóc xanh tóc đỏ, ồn ào thô lỗ là thế, biết đâu lại là người thẳng thắn tốt bụng, bóng bẩy chỉn chu đàng hoàng...có dám chắc là người tử tế?
Nguyễn Việt Anh (Nam Định)