Ngộp thở với “sương khói” giữa thành phố

khamimi28

Thành viên thân thiết
Thành viên thân thiết
Tham gia
25/11/2013
Bài viết
192
Hiện tượng “sương mù” xuất hiện vào lúc sáng sớm và có lúc kéo dài đến xế trưa những ngày gần đây khiến người dân TP.HCM thấy lạ lùng vì đang trong những ngày nắng nóng. Trong khi đó, phía cơ quan có thẩm quyền thì cảm thấy lo ngại vì tình trạng này có thể là hậu quả của tình trạng ô nhiễm khói, bụi…
Ngạt thở trên đường

Thời gian qua, tình trạng khói bụi gây ô nhiễm gia tăng mạnh ở nhiều khu vực của TP.HCM. Trong đó nặng nhất phải kể đến là khu vực khu vực xa lộ Hà Nội (đoạn từ cầu Rạch Chiếc đến trạm thu phí xa lộ Hà Nội). Tại đây, do đang có công trình xây dựng, cũng như mật độ phương tiện trên đường rất lớn nên thường xuyên có khói, bụi mù mịt khiến người đi đường ngộp thở.

1446165427-1446157199-1--32-.jpg


Người đi đường thường xuyên phải “bịt mũi” khi lưu thông trên xa lộ Hà Nội. Ảnh: D.T

Anh Nguyễn Văn Vinh (ở quận 9), cho biết: “Tuyến đường này có khá nhiều xe container đi vào Tân Cảng nên khói bụi mịt mù, dù đã đeo 2 lớp khẩu trang y tế nhưng khi vào tới cầu Sài Gòn thì khẩu trang tôi đeo cũng đổi màu vàng đất”.

Còn tại khu vực ngã tư An Sương (trên Quốc lộ 1A), người dân cũng luôn ngao ngán, bức xúc vì tình trạng khói, bụi. Dù tại khu vực này không có công trình xây dựng lớn nhưng đây lại là điểm giao cắt giữa 2 tuyến quốc lộ lớn (1A và 22) nên phương tiện cơ giới rất đông đúc. Anh Quang - một lái xe ôm hoạt động tại khu vực trên than thở: “Không chỉ có khói thải từ các phương tiện, mà vật liệu xây dựng vương vãi trên đường càng khiến tình trạng ô nhiễm không khí thêm trầm trọng. Khi trời nắng nóng thì bụi bay mù trời khiến cho người dân lưu thông qua đây cảm thấy ngột ngạt, bức bối”.

Tương tự, tại một số khu vực như Bến xe Miền Tây, ngã tư Hàng Xanh, ngã 6 Gò Vấp, khu vực cầu Thủ Thiêm, Quốc lộ 13, đường Huỳnh Tấn Phát… người đi đường cũng thường xuyên phải đeo khẩu trang để tránh khói, bụi.

Sương mù hay “khói mù”?

1446165427-1446157165-ton-that-lang.jpg


" Nếu hiện tượng vừa qua là khói mù thì phải cảnh báo đến tình trạng ô nhiễm đang trở nên nghiêm trọng hơn. Có thể tình trạng này sẽ tiếp tục tiếp diễn trong thời gian tới nếu chúng ta không đề ra giải pháp quyết liệt hơn để bảo vệ môi trường”.

PGS -TS Tôn Thất Lãng

Lý giải hiện tượng “sương mù” bất thường những ngày qua, PGS -TS Tôn Thất Lãng - Phó Trưởng khoa Môi trường (Đại học Tài nguyên Môi trường TP.HCM) phân tích: Do không có số liệu cụ thể về nhiệt độ, độ ẩm… nên tôi không đánh giá được hiện tượng vừa qua ở TP.HCM là do sương mù hay khói mù. Nếu là sương mù thì chỉ là hiện tượng tự nhiên và có hai dạng sương mù là sương mù bình lưu và sương mù bức xạ. Sương mù bức xạ là do buổi tối bật điện, bức xạ nhiệt tỏa ra, nếu độ ẩm cao thì sẽ hình thành. Còn sương mù bình lưu là do không khí lạnh tràn tới, kết hợp độ ẩm cao và nhiệt độ thấp thì hình thành sương mù. Về phần khói mù thì là do ô nhiễm sinh ra, các chất bụi bẩn ngưng kết hơi nước trong không khí hình thành.

“Nếu hiện tượng vừa qua là khói mù thì phải cảnh báo đến tình trạng ô nhiễm đang trở nên nghiêm trọng hơn. Có thể tình trạng này sẽ tiếp tục tiếp diễn trong thời gian tới nếu chúng ta không đề ra giải pháp quyết liệt hơn để bảo vệ môi trường” - ông Lãng nói thêm.

Theo kết quả quan trắc của ô nhiễm không khí của Chi cục Bảo vệ Môi trường (thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM), nồng độ các chất ô nhiễm trong không khí tại các vị trí quan trắc đều không giảm so với năm 2014. Trong 6 tháng đầu năm nay, nồng độ trung bình giờ của CO2 (khí cacbonic), nồng độ bụi PM10 (hạt bụi có kích thước nhỏ hơn 10 micrômet) trung bình 24 giờ, nồng độ trung bình giờ của SO2 (lưu huỳnh dioxit) tại các trạm quan trắc dù không vượt quy chuẩn (QCVN 05:2013/BTNMT) nhưng đều ở mức cao. Riêng hàm lượng bụi lơ lửng tại 15 vị trí đa phần đều không đạt QCVN 05:2013/BTNMT. Trong đó khu vực An Sương được xem là nơi có nồng độ các chất ô nhiễm cao nhất trong 15 vị trí quan trắc ô nhiễm không khí tại thành phố.

“Nguyên nhân gây ô nhiễm chất lượng không khí trên địa bàn TP.HCM chủ yếu do các hoạt động giao thông gây ra” - một cán bộ Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM (xin không nêu tên), khẳng định. Cũng theo ông này, thời gian tới Sở này sẽ đẩy mạnh hoạt động quan trắc, giám sát chất lượng môi trường, trong đó có môi trường không khí. Thông qua đó để có các số liệu kịp thời, chính xác về hiện trạng, cũng như các thông số về ô nhiễm không khí tại thành phố. Ngoài ra, Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM cũng đã trình thành phố xem xét phê duyệt dự án nâng cao năng lực quan trắc môi trường thành phố giai đoạn 2016 - 2020.

TP.HCM đã đề ra mục tiêu đến năm 2020 sẽ kéo giảm 70% mức độ ô nhiễm không khí do hoạt động vận tải so với năm 2010.
Theo NGUYỄN HỮU - QUỐC HẢI (danviet.vn)
 
×
Quay lại
Top