Mạch nguồn sông Nile: Bí ẩn kéo dài suốt 3 thiên niên kỷ

Mèo Cọp

“This world is merciless.”
Thành viên thân thiết
Tham gia
25/11/2012
Bài viết
351
(kenhsinhvien.vn) Một câu hỏi về địa lý có vẻ đơn giản đã làm say mê biết bao nhà thám hiểm và kẻ cai trị trong suốt lịch sử – và tồn tại mãi cho đến ngày nay.

Nhiệm vụ khám phá mạch nguồn sông Nile là một trong những câu hỏi khoa học quan trong nhất của thế kỷ 19 ở châu Âu. Dù rất khó để mường tượng được câu hỏi hóc búa như vậy trong thời đại của Google Maps, nhưng các nghiên cứu gần như hấp dẫn không kém cuộc đua đưa con người lên mặt trăng, vì nó gói ghém trong mình chất anh hùng ca và tính hiếu kỳ.

Những chuyến viễn thám đã dẫn đến sự ca ngợi các nhân vật như David Livingstone, Henry Morton Stanley và Richard Francis Burton – nhưng với cái giá là chấn thương, bệnh tật và thậm chí cả cái chết ở trường hợp của Livingstone. Đồng thời, nhiệm vụ địa lý ấy, theo một cách nào đó, đã làm dấy lên niềm hứng thú của người châu Âu về việc biến châu Phi thành thuộc địa, di sản ấy để lại đến tận ngày nay.

“Bí ẩn về mạch nguồn sông Nile là một thách thức trong suốt 3 thiên niên kỷ,” nhà thám hiểm Christopher Ondaatje cho biết, ông là người đã viết cuốn sách “Hành trình trở về cội nguồn sông Nile”.

Theo các chuyên gia ở thời hiện đại, dù một số nhà thám hiểm đã tuyên bố khám phá ra lời giải hàng thế kỷ, nhưng mạch nguồn sông Nile thật ra vẫn là một câu hỏi còn bỏ ngỏ ngay cả ở ngày nay.

Sông Nile ngày nay.

Sông Nile ngày nay.

Trụ cột của các đế chế

Sông Nile đã giữ vai trò là nơi cư trú then chốt trong một số nền văn minh cổ xưa nhất. Nếu không có lượng nước dồi dào từ sông Nile, người dân Ai Cập cổ đại đã không thể tích luỹ được sự phồn thịnh và quyền lực cần thiết để xây dựng nên những kim tự tháp và kiểm soát vùng lãnh thổ rộng lớn từ 5,000 năm trước.

Herodotus, sử gia người Hy Lạp nổi tiếng từ thế kỷ thứ 5 trước Công nguyên, đã tự mình đi nhiều nơi, tự hỏi về nguồn gốc của lượng nước khổng lồ này cũng như các nhân vật như Alexander đại đế, Cyrus đại đế và con trai của ông, và các nhà lãnh đạo La Mã như Julius Caesar và Nero.

Nil caput quoerere là một câu ngạn ngữ La Mã có thể được dịch thoát ra là ‘hãy tìm cái đầu của sông Nile,’ hoặc là hãy cố làm điều không thể.” Ondaatje nói trong một email gửi cho tạp chí Discover.

Vào thế kỷ thứ 3 trước Công Nguyên, Pharaoh Ptolemy II Philadelphus cũng có hứng thú cử một đoàn thám hiểm đi đủ xa để xác định mạch nguồn sông Nile Xanh có thể bắt nguồn từ dãy núi Ethiopia.

“Người Ai Cập cũng quan tâm việc tìm ra nguồn gốc con sông vì nó ảnh hưởng đến nông nghiệp của họ,” Angela Thompsell cho biết, cô là phó giáo sư lịch sử chuyên về lịch sử thuộc địa châu Phi và Anh quốc của Đại học Quốc gia New York.

Nhưng không một ai trong những người này tìm ra được nguồn gốc con sông.

Có bao nhiêu sông Nile?

Cũng giống như nhiều con sông có chiều dài tương đương, sông Nile có nhiều phụ lưu chính, hoặc các nhánh sông thượng nguồn nuôi dưỡng nó. Hai phụ lưu chính, sông Nile Xanh và sông Nile Trắng, hội nhau ở Khartoum rồi sau đó tiếp tục chảy về phía bắc thông qua Sudan và vào Ai Cập.

Nhà thám hiểm người Scotland James Bruce đã được tuyên bố là người châu Âu đầu tiên nhìn thấy mạch nguồn sông Nile Xanh vào năm 1770, ông đã đến được một đầm lầy và những thác nước ở Tis Abay, Ethiopia, dù tu sĩ dòng Tên người Tây Ban Nha Pedro Paez thực ra đã đánh bại ông trước đó hơn 150 năm, vị tu sĩ này đã đến Hồ Tana năm 1618, Ondaatje cho biết.

Sông Nile Xanh chảy từ Hồ Tana, cung cấp hơn 80% lượng nước và trầm tích chảy qua sông Nile khi hai nhánh chính này hội nhau ở Khartoum. Nhưng sông Nile Trắng dài hơn, và mạch nguồn của nó luôn ít được biết đến hơn vì nó chảy ra từ sâu trong nội địa.

Hầu hết các chuyến thám hiểm nổi tiếng ở thể kỷ 19 đều tập trung nỗ lực vào việc tìm ra mạch nguồn của sông Nile Trắng.

Sông Nile nhìn từ trên cao. Ảnh: Mirko Kuzmanovic - Shutterstock

Sông Nile nhìn từ trên cao. Ảnh: Mirko Kuzmanovic - Shutterstock

Những anh hùng thời ấy

Đó là một nhiệm vụ với sự góp mặt của nhiều nhân vật phi thường. Bên cạnh các chuyến thám hiểm sông Nile của mình, Richard Francis Burton là một trong những người châu Âu đầu tiên đến viếng thăm Mecca trong khi cải trang thành người Pashtun. Burton được cho là biết nói hàng chục thứ tiếng, mà sau này ông đã sử dụng để dịch ấn bản 16 tập của “Nghìn lẻ một đêm” (còn được gọi là “Đêm Ả Rập”) và các ấn bản không cắt xén của Kama Sutra và Hương viên (The Perfumed Garden) sang tiếng Anh.

Nỗ lực đầu tiên của Burton nhằm tìm ra nguồn gốc sông Nile Trắng đã được John Hanning Speke, một nhà tự nhiên học, nhà thám hiểm và nhân viên trong Quân đội Anh-Ấn tham gia. Năm 1855, họ đã khởi hành với sự hỗ trợ của Hiệp hội Địa lý Hoàng gia (RGS) và thuê những phu khuân vác, hướng dẫn viên, đầu bếp và thông dịch viên người châu Phi. Họ hầu như không đến được ngoài khơi bờ biển gần Berbera ở Somaliland khi bị dân bản địa tấn công – Speke bị thương và nhanh chóng bị bắt rồi sau đó mới trốn thoát được, trong khi Burton bị thương đâm xuyên cả hai má.

Họ đã trở về, và huyền thoại về chuyến thám hiểm đầu tiên ấy lan rộng khắp Anh quốc mặc cho đó là một thất bại. Họ tiếp tục khởi hành một chuyến đi khác được đài thọ bởi RGS năm 1856, và giống với chuyến đi đầu tiên, “nó không có khởi đầu tốt đẹp,” Thompsell nói.

Cả Burton và Speke đều bị sốt rét và những bệnh khác giày vò. Hơn nữa, nhiều thuyền viên họ thuê đã bỏ rơi họ. Tuy nhiên, nhóm vẫn tiến về Hồ Tanganyika. Burton là người châu Âu đầu tiên được ngắm nhìn hồ nước này, vì khi ấy Speke đang bị mù tạm thời.

Họ khám phá ra rằng Tanganyika không thể là mạch nguồn con sông vì họ đã tìm thấy một con sông lớn đổ vào nó. Speke đã phục hồi thị lực, nhưng Burton sau đó lại ốm nặng không thể đi tiếp. Speke tiếp tục hành trình đến Hồ Victoria mà không có Burton. Khi đến nơi, Speke đã tuyên bố hồ này chính là mạch nguồn thực sự của sông Nile Trắng.

Burton tranh cãi với Speke khi hai người tái ngộ, ông đòi bằng chứng. “Về cơ bản họ đã ghét nhau từ thời điểm đó,” Thompsell nói. Speke đã thực hiện một cuộc thám hiểm khác đến Hồ Victoria năm 1860 cùng với nhà thám hiểm người Scotland James Grant nhưng lại không vẽ được bản đồ toàn vùng Hồ Victoria, nơi được cho là nguồn gốc sông Nile, để xác nhận rằng nó không được các phụ lưu khác đổ vào.

Nhưng năm 1864, ngay trước lúc Speke dự định tranh luận công khai với Burton ở Anh, Speke đã tự bắn mình trong một vụ có thể là tai nạn hoặc tự sát.

“Chuyện trở thành huyền thoại này chất chồng huyền thoại kia,” Thompsell nói. “Mọi thứ quy về một mối thúc đẩy sự hứng thú với sông Nile.”

Sau đó không lâu, một nhà thám hiểm sông Nile lỗi lạc khác đã bắt đầu nỗ lực giải quyết câu hỏi về nguồn gốc sông Nile Trắng. David Livingstone là một nhà truyền giáo theo chủ nghĩa bãi nô nổi tiếng bởi những chuyến thám hiểm ở châu Phi. Những cuốn sách của ông về các chuyến đi đã bán được hàng chục ngàn bản ở Anh. Nhưng Livingstone đã gặp phải một trở ngại: ông mất tích trong chuyến thám hiểm truy tìm nguồn gốc của sông Nile vào cuối những năm 1860 – ít nhất là theo hiểu biết của dân châu Âu, vì họ đã không hề nghe tin tức gì từ ông nữa. Một anh hùng mới nổi khác, Henry Morton Stanley, một nhà thám hiểm người Mỹ gốc Wales, đã khởi hành thám hiểm vùng đất này và tìm thấy Livingstone. Stanley biết được Livingstone đã bị bệnh nhiều năm rồi. Căn bệnh của Livingstone về sau là một phần nguyên do cho cái chết của ông vài năm sau đó trong một cuộc thám hiểm cuối cùng để tìm ra nguồn gốc sông Nile.

Stanley đã bắt đầu một chuyến thám hiểm khác vào giữa những năm 1870. Cuối cùng ông đã kết luận rằng Hồ Victoria có một cửa xả duy nhất thoát nước ra sông Nile Trắng thông qua Thác Rippon và Hồ Albert, do đó xác nhận khám phá trước đó của Speke. Trong quá trình thám hiểm Đại Hồ châu Phi, ông cũng khám phá ra chúng là mạch nguồn của sông Congo.

“Vào thời đó, họ là những người nổi tiếng, là những anh hùng dân tộc,” Thompsell nói.

Mô phỏng sông Nile thời cổ đại. Ảnh: Game Assassin's Creed

Mô phỏng sông Nile thời cổ đại. Ảnh: Game Assassin's Creed

Tàn dư thuộc địa

Những ấn phẩm và nhiều buổi trò chuyện khác nhau được các nhà thám hiểm trở về Anh quốc đưa ra, với hàng ngàn người tham dự, dĩ nhiên chỉ là một phần của câu chuyện. Thompsell nói rằng niềm đam mê mà các nhà thám hiểm này dành cho châu Phi đã đặt nền móng cho chủ nghĩa đế quốc thực dân, cũng như cung cấp tình báo địa lý nhằm giúp cho những cuộc xâm lược sau này. “Họ đã tuyên bố chủ quyền nơi đó thuộc về mình,” cô nói, nêu rõ rằng người bản địa đã đặt tên cho Hồ Victoria, Hồ Albert và Hồ Edward rồi.

Trong khi những chuyến thám hiểm nổi tiếng sau này đến Nam Cực thường là những kỳ công khám phá thật sự, thì người ta đã sống dọc theo sông Nile hàng ngàn năm trước khi người châu Âu đến.

“Họ đang đi theo những con đường mòn nổi tiếng để đến những nơi người ta đã biết,” Thompsell nói. “Họ không khám phá những nơi người ta chưa biết.”

Indaatje nói thêm rằng các con buôn nô lệ từ Trung Đông đã đi qua mọi miền khu vực này từ đầu năm 1811 và có những tuyến đường di chuyển được xây dựng tốt trong khu vực. Nhiều nhà thám hiểm sông Nile đã tiếp xúc – và đôi khi là đối đầu với những con buôn nô lệ trong chuyến thám hiểm của họ.

Hơn nữa, những người châu Âu này được vài chục người châu Phi trợ giúp – đôi khi có cả hàng trăm người trong trường hợp của Stanley – những người châu Phi ấy đã làm hết những công việc nặng nhọc. “Họ đau ốm đến mức được mang đến đó bởi những người biết đường,” Thompsell nói.

Những huyền thoại về các nhân vật như Speke và Stanley nhuốm màu rùng rợn của chế độ thuộc địa đã sớm xuất hiện trong những khám phá ban đầu này. Stanley đã tiếp tục tuyên bố Congo là lãnh thổ của Bỉ cho vua Bỉ Leopold II, dẫn đến vô số hành động bạo tàn dưới thời Nhà nước Tự do Congo. Mặt khác, Speke có công trong việc bắt đầu một luồng tư duy phân biệt chủng tộc coi người Tuts là chủng tộc vượt trội so với người Hutu ở Rwanda. Cái gọi là huyền thoại Hamitic này về sau được sử dụng như một lời biện minh trong chính sách thuộc địa phân biệt chủng tộc, cũng như trong nạn diệt chủng Rwanda những năm 1990.

Bất chấp sự tự ca ngợi liên quan đến các ghi chép được công khai của nhiều nhà thám hiểm này, Thompsell cho rằng bài viết của họ là một trong những hồ sơ tốt nhất về các nền văn hoá và xã hội châu Phi vào thời đó, bên cạnh lịch sử được lưu truyền trong dân gian. Có thể một số nhà thám hiểm châu Âu này không hiểu được những sắc thái của nền văn hoá và chính trị xung quanh họ nếu như nó không có liên hệ trực tiếp đến năng lực băng qua các vùng lãnh thổ trên chuyến hành trình của họ. Nhưng các nhà thám hiểm như Burton lại đặc biệt quan tâm đến việc ghi chép lại văn hoá và ngôn ngữ.

“Họ đã rời khỏi cùng với những kiến thức về dân tộc ký,” Thompsell nói.

Câu hỏi chưa có lời giải xoay quanh nguồn gốc sông Nile

Nhưng bất chấp tất cả sự mộ điệu và những chuyến thám hiểm, Ondaatje nói rằng mạch nguồn sông Nile Trắng vẫn còn chưa được hiểu tường tận.

Cũng giống như các nhà thám hiểm sông Nile thế kỷ 19, Ondaatje có đôi chút giống một người đàn ông thời Phục Hưng. Ông đã thi đấu trong đội đua trượt tuyết của Canada trong Thế Vận Hội Mùa Đông năm 1964 ở Innsbruck, nước Áo. Sau khi khởi nghiệp ở Toronto, chàng trai người Sri Lanka này đã bắt đầu du lịch, viết một số cuốn sách và được Nữ hoàng Anh phong tước hiệp sĩ vì hoạt động thiện nguyện.

Năm 1996, ông dành ra 3 tháng di chuyển dọc theo sông Nile và đi qua những Đại Hồ ở châu Phi. Ông cho biết tuyên bố của Speke về Hồ Victoria là mạch nguồn con sông đã bỏ qua sự thật rằng hồ này là một hồ chứa nước do sông Kagera đổ vào. Hai phụ lưu chính của sông Kagera bắt nguồn từ những con suối ở Burundi và Rwanda.

“Trong hai con suối này có một con suối là mạch nguồn của sông Nile,” Ondaatje cho biết trong một bài báo viết cho tạp chí Geographical, nói thêm rằng Speke thậm chí đã băng qua sông Kagera trong chuyến hành trình của mình nhưng lại tránh không đề cập nhiều đến nó trong những ghi chép được đăng công khai.

Nhưng khi nói chuyện với người dân bản địa trong chuyến đi của mình, Ondaatje đã có một khám phá quan trọng khác. Nước Hồ Victoria chảy qua những con thác Rippon, nơi Speke đã tuyên bố là mạch nguồn sông Nile (những con thác trước đây giờ đã bị nhấm chìm bởi một con đập), sau đó chảy vào Hồ Albert. Hồ Albert chảy trực tiếp vào Sông Nile Trắng. Nhưng Ondatje nói 85% nước Hồ Albert không được cung cấp từ Hồ Victoria, mà là từ sông Semliki, con sông mà ông đã theo dấu đến dãy núi Ruwenzori, còn được gọi là Dãy núi Mặt trăng, ở nước Cộng hoà Dân chủ Congo.

Dù cho bạn có tính điểm bắt đầu của sông Nile là từ sông Semliki hay các mạch nguồn của sông Kagera, thì một trong hai cũng sẽ đặt sông Nile là con sông dài nhất thế giới với 4,100 dặm, Ondaatje nói – chỉ nhỉnh hơn chiều dài của sông Amazon.

“Sông Nile được nuôi dưỡng từ hai hồ lớn và hai con sông hùng vĩ, chứ không riêng gì một hồ hay một con sông nào,” Ondaatje nói. “‘Khám phá’ của Speke chỉ là một phần của lời giải cho câu đố về mạch nguồn sông Nile.”

Cũng giống như vậy, ông nói “Ngày nay người ta sẽ không thể lần theo vết chân của tôi được nữa bởi vì các vấn đề và bất ổn chính trị.”

Vì vậy, theo một nghĩa nào đó, mạch nguồn của sông Nile vẫn còn chưa được tìm ra.

“Tôi sẽ nói rằng sự lãng mạn vẫn còn đó,” Thompsell nói.

Dịch bởi Kenhsinhvien.vn
(Theo Discover Magazine)
 
×
Quay lại
Top