Học nội trợ cũng ra nghề xịn

gaconueh2005

Thành viên thân thiết
Thành viên thân thiết
Tham gia
3/3/2013
Bài viết
4.056
Ngày hội do báo Tuổi Trẻ, Bộ GD-ĐT, Trường ĐH Cần Thơ và Sở GD-ĐT TP Cần Thơ phối hợp tổ chức với sự đồng hành của Tập đoàn Vingroup.
untitled-1-3.jpg
Mỗi câu hỏi một câu trả lời

“Tự tin, tự biết mình, mong mỏi tìm ra lối đi của chính mình” là nhận xét của các thầy cô trong ban tư vấn với các học sinh miền Tây. “Em đang học chuyên khối A, em muốn thi ngành kỹ thuật vật liệu vì tương lai của ngành ở VN, nhưng công việc sau này có phù hợp với giới nữ không?”, câu hỏi của Ngọc, học sinh Trường THPT chuyên Nguyễn Thị Minh Khai (Sóc Trăng), gây nhiều hứng khởi cho các thầy đến từ những trường thuộc khối kỹ thuật. “Được, ngành học không phân biệt giới tính, thậm chí có khi vì là nữ, em sẽ tìm ra được một loại vật liệu mới khác cái chúng tôi tìm” - các thầy thay nhau trả lời.

“Thế còn em, em muốn học ngành ôtô?” - một bạn nữ khác hỏi. Trả lời: “Càng tốt nữa. Cam kết của chúng tôi trong hợp tác đào tạo và việc làm với các nước, các hãng ôtô lớn là phải tăng lượng sinh viên nữ của khoa này”. “Em thích học ngành xây dựng nhưng lại không có năng khiếu vẽ?”. Trả lời: “Ngành xây dựng chủ yếu là vẽ kỹ thuật, nên nếu em có óc tưởng tượng và tư duy chính xác thì sẽ học được, năng khiếu vẽ mỹ thuật không bị đặt nặng trong ngành này”. “Em mơ ước được làm bác sĩ, học cũng khá nhưng em lại sợ máu...”. Trả lời: “Em có thể chọn ngành nội khoa, sẽ không phải tiếp xúc với máu nhiều. Tuy nhiên nếu đủ ước mơ, em sẽ khắc phục được nỗi sợ của mình”. “Học lực của em chỉ ở mức trung bình”. Trả lời: “Muốn thực hiện được ước mơ thì phải đầu tư. Hãy cố gắng học. Nếu cố gắng chưa đủ để vào được đại học, hãy học cao đẳng, trung cấp, rồi sẽ có cơ hội để học lên. Chọn được đúng ngành mình ưa thích thì các em sẽ tiến bộ”...

Câu hỏi nào cũng được nhận một câu trả lời truyền kinh nghiệm, truyền nhiệt huyết, truyền cảm hứng. Cơ hội đang có cho tất cả. Rất nhiều bạn thổ lộ sẽ chọn các ngành nông ngư nghiệp, công nghệ sinh học vì “đã quen với con cá, con tôm, cây lúa, thửa ruộng, dòng sông từ nhỏ rồi”, và cảm hứng lại được truyền ngược từ người hỏi tới người trả lời. Các thầy cô vui lắm: “Ở miền Tây mà chọn học nông nghiệp, thủy hải sản, sinh học, môi trường thì còn gì bằng. Tỉ trọng xuất khẩu của các sản phẩm này là lớn nhất và sẽ luôn là lớn nhất, nhu cầu việc làm của các ngành này ngày càng lớn trong tương lai. Được đào tạo và học tập tốt, các bạn sẽ phục vụ một cách hiệu quả nhất cho quê hương mình”. Đài truyền hình Hậu Giang chọn khu vực tư vấn nhóm ngành kỹ thuật - nông lâm để truyền hình trực tiếp suốt buổi cũng không ngoài lý do này.

Cơ hội ở khắp nơi

Tập trung xếp dọc theo một con mương, các gian giới thiệu của các trường cao đẳng, trung cấp không ngớt người qua lại. Rất nhiều bạn đã đi khảo sát khắp các gian hàng, sang khu vực tư vấn nghe chăm chú, rồi quay ngược lại tìm đúng địa chỉ trường mình quan tâm. Thạch Kim, một học sinh Trường Dân tộc nội trú Trà Vinh, cứ đi đi lại lại giữa các gian hàng của Trường trung cấp Y dược Mekong, Trung cấp Y dược kỹ thương, Trung cấp Phạm Ngọc Thạch. Đọc kỹ các tờ hướng dẫn, lắng nghe tư vấn, Kim phân tích thật bản lĩnh: “Em yêu thích ngành y từ nhỏ, quê nhà thiếu y bác sĩ dữ lắm. Nhưng sức học của em thi đại học chưa nổi, các thầy bảo muốn đậu đại học y thì học lực phải thật giỏi. Có lẽ em sẽ chọn học một trong ba trường trung cấp này, hoặc cố lên Cao đẳng Cần Thơ... Sau này em sẽ tiếp tục cố gắng”.

Khu vực biểu diễn các kỹ năng đầu bếp của các trường đào tạo bếp trưởng, nghiệp vụ du lịch thu hút rất đông các cô gái cho đến tận cuối giờ chiều. Trong đám đông, giữa những tiếng cười khúc khích, có tiếng các bạn bảo nhau: “Ba má nói nếu học không được nữa thì ở nhà làm nội trợ. Nhưng nội trợ cũng có trường học, cũng ra nghề xịn được nè...”.

Tham quan hết các gian hàng, lại có bạn quay về khu tư vấn với thắc mắc mới: “Em biết có nhiều anh chị tốt nghiệp đại học xong vẫn đi làm công việc như công nhân. Vậy tụi em có nên cố gắng thi đại học?”. Lại một câu hỏi rất “đời” được TS Nguyễn Kim Quang, phó hiệu trưởng Trường đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia TP.HCM), giải thích cặn kẽ và bay bổng: “Hiện giờ, công việc nào cũng yêu cầu người lao động phải được đào tạo. Học đại học, chúng tôi sẽ giúp các em có đủ khả năng tiếp tục học, nghiên cứu về chuyên ngành của mình, đủ khả năng quản lý, làm chủ công việc của mình, sau đó là cuộc đời mình. Có thể em sẽ bắt đầu từ những công việc nhỏ, nhưng sau đó em sẽ chứng minh với người sử dụng lao động về khả năng của mình”.

Nghe tư vấn để về... tư vấn

Khoảng 15g ngày 2-3, khi ngày hội tư vấn tuyển sinh sắp kết thúc, khu vực tư vấn “Gỡ rối hướng nghiệp - chọn hướng vào đời” xuất hiện hai “thí sinh” đặc biệt là ông Phạm Văn Giàu (56 tuổi) và vợ là bà Lâm Thị Út (55 tuổi). Hóa ra vợ chồng ông Giàu nhờ TS Lê Thị Thanh Mai (trưởng ban công tác sinh viên Đại học Quốc gia TP.HCM) tư vấn giúp để ông bà có thể định hướng cho con đang học lớp 10 chuyên Anh Trường THCS Lý Tự Trọng (TP Cần Thơ) vì con của ông bà bận học thêm không đến được. Sau khi được TS Mai tư vấn tận tình, bà Út thiệt tình: “Từ sáng đến giờ bận bán ở chợ nên tới không được, cũng may là vợ chồng tui gặp được cô”. Còn ông Giàu thì không giấu giếm: “Từ ngày có chương trình này tui thấy ý nghĩa quá”.

“Phải biểu diễn các em mới dễ nắm”

Rất đông học sinh đã có một trận cười nghiêng ngả khi tập trung tại gian hàng tư vấn của Trường đại học Quốc tế (Đại học Quốc gia TP.HCM) để nghe GS.TS Võ Văn Tới (trưởng bộ môn kỹ thuật y sinh của trường) giới thiệu về ngành kỹ thuật y sinh của trường. GS Tới đã nhờ vài học sinh tham gia một số trò chơi có tính “thí nghiệm” để minh họa cho học sinh biết thế nào là “kỹ thuật y sinh”. “Phải biểu diễn cụ thể như vậy các em mới dễ nắm, chứ nói về ngành này không thôi thì khô khan lắm” - GS Võ Văn Tới chia sẻ.

* Hỏi: Em đọc báo, nghe người lớn nói chuyện rằng những việc làm tốt thường phải do quen biết, gửi gắm mới có được, đúng không? Em con nhà nông, lại nghèo, học xong làm sao em có cơ hội việc làm?

- TS Phạm Tấn Hạ (trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn - ĐHQG TP.HCM): Giả sử bạn có người thân quen gửi gắm, nhưng bạn lại không có năng lực thì việc làm của bạn có tốt và lâu dài được không? Vấn đề của việc làm chính là khả năng của bạn. Bạn trau dồi kiến thức cho mình là bạn có thêm nhiều cơ hội.


Người bạn thân thiết của học sinh và phụ huynh cả nước

Phát biểu tại buổi khai mạc Ngày hội tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp 2014 tại Cần Thơ, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho rằng chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp do báo Tuổi Trẻ thực hiện đã đồng hành cùng ngành GD-ĐT liên tục trong 12 năm qua. Đây là sự kiện được đông đảo học sinh và phụ huynh cả nước quan tâm, chờ đợi mỗi mùa thi.

“Thành công của chương trình thể hiện qua nội dung thông tin phong phú, kịp thời, phương thức tổ chức đa dạng và sử dụng phương tiện truyền thông linh hoạt nên đã tạo ra được cầu nối thông tin hữu hiệu giữa các trường ĐH, CĐ với các em học sinh và các bậc phụ huynh. Biết bao thí sinh nhờ chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp của báo Tuổi Trẻ đã lựa chọn được ngành nghề phù hợp với năng lực, sở trường, từ đó đã đạt được kết quả cao trong học tập và thành công trong cuộc đời, nghề nghiệp... Báo Tuổi Trẻ đã thật sự trở thành người bạn đồng hành thân thiết của mỗi thí sinh và gia đình ở mỗi mùa thi” - ông Ga nói.

Hoạt động rất có ý nghĩa

Đó là khẳng định của ông Lê Hùng Dũng - chủ tịch UBND TP Cần Thơ. “Đây là hoạt động rất có ý nghĩa của báo Tuổi Trẻ giúp học sinh có sự lựa chọn đúng đắn và phù hợp trước kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ. Ngày hội này là cơ hội tốt để các em tìm hiểu kỹ về các ngành học nhằm chuẩn bị hành trang kiến thức trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Thay mặt lãnh đạo TP Cần Thơ, tôi xin cảm ơn Bộ GD-ĐT, báo Tuổi Trẻ và các thầy cô giáo đã tích cực tham gia tư vấn cho học sinh” - ông Dũng nói.

Theo tuoitre
 
×
Quay lại
Top