Để tuần lễ sinh hoạt công dân không buồn ngủ

Newsun

Believe in Good
Thành viên thân thiết
Tham gia
20/4/2008
Bài viết
9.433
Một chuỗi những văn bản, bài diễn giảng, giới thiệu dài lê thê. Cách làm khô cứng đó biến tuần lễ sinh hoạt công dân đầu năm ở nhiều trường đại học thành tuần lễ… “ngủ gật”.

sinhhoatcongdan.jpg


Trải nghiệm tuần sinh hoạt công dân

Tham gia tuần lễ sinh hoạt công dân là quyền lợi và cũng là nghĩa vụ đối với tân sinh viên ở các trường đại học, cao đẳng vào đầu khóa học. Họ sẽ phải thể hiện tất cả những kiến thức thu nạp được trong tuần đó bằng một bài thu hoạch khi kết thúc khóa học. Thế nhưng không phải trường nào cũng có một tuần lễ sinh hoạt công dân thú vị và đáng nhớ để “chào đón” tân sinh viên. Mẫu số chung thường là: Những bài giới thiệu về lịch sử nhà trường dài dằng dặc, quy chế, nghị quyết… Một hội trường chứa đến vài trăm sinh viên và có một giảng viên diễn thuyết ở trên.


Lê Mai Liên (tân sinh viên trường ĐH Kinh tế Quốc dân Hà Nội) vừa trải qua tuần sinh hoạt chính trị diễn ra trong 4 buổi, mỗi buổi kéo dài 4 tiếng đồng hồ. Khác với hình dung ban đầu của Liên, tuần học đầu tiên này khá nặng. Sáng học 6 tiết chính trên giảng đường, chiều Liên lại lên hội trường Nhà văn hóa tham gia tuần sinh hoạt chính trị. 500 sinh viên ngồi chật kín hội trường, thầy giảng phía trên. Liên kể: “Phòng đẹp, quạt mát, có cả điều hòa cộng với giọng giảng đều đều của thầy, nhất là đúng vào giờ nghỉ trưa đã trở thành… “liều thuốc ngủ” cho tụi mình.”.


Sau 4 buổi học, sinh viên sẽ về làm bài thu hoạch. “Nhiều tân sinh viên đã choáng váng sau khi chép xong đề bài”, Liên nói. Mỗi sinh viên bắt buộc làm một câu hỏi chung và sau đó tiếp tục chọn 1 trong 3 câu nữa.


Bạn Nguyễn Thu Trang (sinh viên năm cuối HV Báo chí và Tuyên truyền) nhớ lại kỷ niệm tuần học chính trị cách đây 3 năm: Trường mình chia ra 2 khối nghiệp vụ và lý luận, bọn mình là khối nghiệp vụ học trong hội trường B200. Hội trường rất chật chội, bàn ghế nhiều vị trí không sử dụng được, có rất ít quạt… Ban đầu mình rất hứng thú vì được đi học trở lại sau một thời gian dài nghỉ Hè mà lại là được học đại học, nhưng sau đó thì thấy mệt mỏi vô cùng, không phải vì nặng về kiến thức mà cứ 1 ngày 2 buổi phải “bám chốt” ở hội trường đề phòng điểm danh. Một, hai buổi đầu thì còn hứng thú với việc làm quen bạn bè trong lớp, ghi tên, số điện thoại… nhưng xong không còn việc gì để làm nên chỉ ngồi chờ tiếng chuông reo hết giờ.


Để tuần sinh hoạt công dân không buồn ngủ
Theo Liên (tân sinh viên trường ĐH Kinh tế Quốc dân Hà Nội), tuần sinh hoạt công dân nên là dịp để giải đáp tất cả thắc mắc của tân sinh viên về lịch học, cách đăng ký môn học, các câu lạc bộ mà sinh viên có thể tham gia…, thay vì những bài diễn thuyết khô khan.


Tô Thị Huế (tân sinh viên Trường ĐH Ngoại thương Hà Nội) kể lại tuần sinh hoạt công dân khá thú vị của mình: “Buổi đầu tiên, các thầy cô tổ chức giao lưu để sinh viên khỏi bỡ ngỡ. Các buổi sau là giới thiệu nhà trường, các câu lạc bộ đình đám… mà sinh viên có thể tham gia. Chính sự hài hước của thầy cô và sự nhiệt tình của các anh chị khóa trên giúp chúng mình không còn… bỡ ngỡ nữa”. Kết thúc tuần sinh hoạt công dân, mỗi sinh viên chỉ phải làm một bài kiểm tra nhỏ, khác hẳn những bài thu hoạch dài vài trang A4 của sinh viên các trường khác. Huế cũng bày tỏ mong muốn của mình: “Nhà trường có thể phát sổ tay giới thiệu, quy chế và tất cả mọi thứ liên quan đến trường để sinh viên tham khảo trước. Đến tuần học công dân, sinh viên sẽ chủ động hỏi những gì mình chưa hiểu. Như vậy các thầy cô sẽ đỡ mệt hơn, sinh viên cũng háo hức hơn”.


Tân sinh viên luôn mong muốn tuần học công dân là một tuần học đầy vui nhộn, bổ ích. Điều quan trọng là qua đó, họ cảm thấy thêm yêu ngôi trường đại học mà mình đã chọn lựa.


Đặng Hà- Đặng Hậu- Kiều Chinh
“Ở Trường ĐH Ngoại thương, bài học thu hút nhiều sinh viên nhất chính là bài học số 6 về Công tác Đoàn – Hội và Các câu lạc bộ. Công tác Đoàn – Hội của trường khá mạnh, hình thức giảng rất hấp dẫn với những clip và slides trình chiếu. Bố cục một buổi giảng dạy rất linh hoạt. Đầu tiên sẽ là phần giới thiệu bằng những trò chơi, câu hát hâm nóng cả hội trường. Các bạn tân sinh viên sẽ được xem những tư liệu, clip về hoạt động Đoàn – Hội trong những năm qua; 26 câu lạc bộ trong trường giới thiệu, tuyển thành viên; văn nghệ của CLB Dancing và Music; cuối cùng là trao một suất học bổng Tiếng Anh trị giá 3 triệu đồng cho bạn sinh viên may mắn nhất thông qua hình thức bốc thăm”.


Nguyễn Hoài Phương
(Chủ nhiệm Hội Sinh viên trường ĐH Ngoại thương Hà Nội)
 
×
Quay lại
Top