Người học phản hồi về hoạt động giảng dạy của giảng viên: Nói thẳng, điều chỉnh thật

gaconueh2005

Thành viên thân thiết
Thành viên thân thiết
Tham gia
3/3/2013
Bài viết
4.056
Hiện nay, 100% cơ sở giáo dục đại học trên toàn quốc đã đồng thuận triển khai nội dung lấy ý kiến phản hồi từ người học về hoạt động giảng dạy của giảng viên. Đây là hoạt động có nhiều ý nghĩa tích cực, góp phần quan trọng vào việc nâng cao chất lượng đào tạo của các cơ sở giáo dục đại học. Tuy nhiên, đến nay, hoạt động này vẫn còn vấp phải không ít khó khăn.
950217-images664423-image002.jpg
Sinh viên Đại học Quốc gia Hà Nội Ảnh: Hoàng Đan
Mang nhiều ý nghĩa tích cực

Trường CĐ Sư phạm Hòa Bình bắt đầu triển khai việc lấy ý kiến phản hồi từ người học về hoạt động giảng dạy của giảng viên (lấy ý kiến) từ năm học 2010 - 2011. Theo thầy Dương Văn Tài – Phó hiệu trưởng, qua những ý kiến phản hồi của sinh viên, Ban giám hiệu nắm được phần nào về hoạt động giảng dạy của giảng viên. Khi đó, nhà trường sẽ gặp gỡ, trao đổi với những giảng viên có nhiều ý kiến phản hồi trái chiều, từ đó giúp giảng viên có những điều chỉnh kịp thời.

Do nhà trường đã làm công tác tư tưởng cho giảng viên về ý nghĩa của hoạt động này, nên trường đã nhận được sự hợp tác tích cực của các giảng viên. Nhờ đó, hoạt động dạy và học ở Trường CĐ Sư phạm Hòa Bình đã có nhiều chuyển biến tích cực.

Về phía sinh viên, thông qua hoạt động này, sinh viên không chỉ đánh giá, nhận xét về giảng viên của mình, mà còn nắm chắc và hiểu sâu thêm về những yêu cầu mà một giảng viên cần đạt được trong hoạt động giảng dạy (như quá trình chuẩn bị bài giảng, cách thức tiến hành bài giảng, các mục tiêu giáo dục cần đạt được, cách thức sử dụng phương tiện dạy học...). Đây chính là những kinh nghiệm, bài học hữu ích để sinh viên sư phạm tự rèn luyện mình, áp dụng trong thực tế giảng dạy sau này của mình...

Đến nay, Trường Đại học Sư phạm (Đại học Đà Nẵng) đã lấy ý kiến phản hồi của người học về hoạt động giảng dạy của giảng viên được 4 đợt với hơn 210 giảng viên. Đại diện nhà trường cho biết: Những ý kiến phản hồi của sinh viên có ý nghĩa rất thiết thực đối với hoạt động dạy và học của nhà trường.

Đối với các cấp lãnh đạo, hoạt động này giúp họ có thêm một nguồn thông tin hết sức quí giá để hiệu chỉnh, thay đổi quan điểm, phong cách quản lý điều hành hoạt động giảng dạy, đánh giá xếp loại hoạt động giảng dạy của sinh viên.

Từ những ý kiến của sinh viên phản hồi cho giảng viên về phương pháp giảng dạy, nội dung kiến thức, phong cách, lối sống..., cán bộ quản lý bằng nhiều hình thức, nhiều cách tiếp cận, sẽ trực tiếp hoặc gián tiếp góp ý cho giảng viên. Tuy nhiên, việc góp ý chỉ được thực hiện sau khi đã xử lý số liệu phiếu phản hồi của sinh viên đối với giảng viên môn học.

Còn đối với giảng viên, những ý kiến phản hồi chính xác của sinh viên sẽ giúp cho giảng viên khắc phục, điều chỉnh những mặt thiếu sót, tồn tại. Điều đáng mừng là các giảng viên của trường đều có tinh thần cầu thị, sẵn sàng tiếp thu những ý kiến góp ý thẳng thắn, chính xác.

Đại diện Trường ĐH Sư phạm (ĐH Đà Nẵng) cho rằng, đây là một hoạt động nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng của người học, đồng thời phát huy tính dân chủ trong nhà trường. Hoạt động này cũng giúp các em rèn luyện ý thức trách nhiệm đối với trường, quan tâm đến những công việc chung của trường...

Để hoạt động đánh giá giảng viên thực sự hiệu quả.

Để việc lấy ý kiến phản hồi của người học về hoạt động giảng dạy của giảng viên thực sự có hiệu quả, nhìn chung các cơ sở giáo dục đại học đều thống nhất rằng, hoạt động này phải được thực hiện một cách thường xuyên và thực chất. Muốn vậy, Bộ GD&ĐT cần có quy định mang tính pháp lý về việc giảng viên phải được sinh viên góp ý, nhận xét trong từng năm học. Mặt khác, do mỗi trường có một đặc thù riêng về lĩnh vực, ngành nghề đào tạo, nên không thể có một mẫu phiếu khảo sát chung cho tất cả các trường.

Thầy Đỗ Diên – Phó trưởng phòng Khảo thí – Đảm bảo chất lượng giáo dục (ĐH Khoa học Huế) - cho rằng: Cho dù mỗi trường có một mẫu phiếu khảo sát riêng, nhưng trong phiếu khảo sát ý kiến của người học về hoạt động giảng dạy của giảng viên cần đảm bảo 6 tiêu chí: kế hoạch và khối lượng giảng dạy; tài liệu và phương tiện phục vụ giảng dạy; nội dung và phương pháp giảng dạy; trách nhiệm, sự nhiệt tình và năng lực của giảng viên; phương thức kiểm tra, đánh giá; tác phong, đạo đức của giảng viên. Tùy theo mức độ quan trọng của các tiêu chí, các trường sẽ quyết định số lượng câu hỏi cho mỗi tiêu chí.

Theo thầy Diên, để việc sử dụng kết quả khảo sát đạt hiệu quả, các trường cần có biện pháp, chế tài để kiểm soát sự điều chỉnh hoạt động dạy học của giảng viên sau khi được sinh viên góp ý.

TS Nguyễn Tiến Dũng – Trưởng phòng Đào tạo (ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM) bổ sung thêm: Nếu việc lấy ý kiến phản hồi của người học về hoạt động giảng dạy của giảng viên trở thành một hoạt động bắt buộc đối với các cơ sở giáo dục đại học theo quy định của Bộ GD&ĐT thì việc trích ngân sách của các trường cho hoạt động này sẽ dễ dàng, thuận lợi hơn.

Để hoạt động lấy ý kiến phản hồi đạt hiệu quả cao, TS Nguyễn Tiến Dũng cho rằng, các trường không nên ôm đồm quá nhiều nội dung vào phiếu khảo sát, mà cần xác định chính xác mục đích của việc lấy ý kiến phản hồi của sinh viên – đó là lấy ý kiến về hoạt động giảng dạy của giảng viên.

Thầy Nguyễn Công Khanh (Giám đốc Trung tâm Đảm bảo chất lượng và Khảo thí – ĐH Sư phạm Hà Nội) nói: Các phiếu khảo sát không nên quá dài, cũng như nên có một số câu hỏi mở để thu thập được nhiều thông tin hơn, tiếp nhận được những thông tin có giá trị hơn về hoạt động giảng dạy của giảng viên.

Thầy Phạm Hồng Quang – Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Thái Nguyên - thì cho rằng: Để kết quả khảo sát đánh giá của sinh viên về hoạt động giảng dạy của giảng viên được chính xác, các trường cần phối hợp nhiều phương pháp thu thập ý kiến phản hồi khác nhau. Theo kinh nghiệm của ĐH Sư phạm Thái Nguyên, việc lấy ý kiến phản hồi của sinh viên về hoạt động giảng dạy của giảng viên thông qua phiếu khảo sát, cùng với việc dự giờ trực tiếp của nhà trường và việc phỏng vấn trực tiếp sinh viên sẽ thu được kết quả chính xác nhất. Kết quả này sẽ giúp các giảng viên điều chỉnh cách giảng dạy của mình sao cho hiệu quả nhất, tăng được sức làm việc của giảng viên rất nhiều.

Một vấn đề quan trọng giúp cho việc lấy ý kiến của người học về hoạt động giảng dạy của giảng viên thực sự có hiệu quả, theo ông Nguyễn Hải Thập – Phó cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý cơ sở giáo dục (Bộ GD&ĐT), đó là sinh viên phải có nhận thức đúng, hiểu được ý nghĩa, giá trị của hoạt động này để mạnh dạn “nói thẳng, nói thật”. Mặt khác, bản thân các giảng viên cũng phải phá vỡ quan niệm cũ rằng chỉ có thầy được phép đánh giá trò, và việc lấy ý kiến phản hồi của sinh viên sẽ làm ảnh hưởng đến uy tín của thầy...

Quan trọng là, cả người học và người dạy phải nhìn nhận được rằng: Việc lấy ý kiến phản hồi từ người học về hoạt động giảng dạy của giảng viên không phải để làm khó cho đội ngũ giáo viên, giảng viên mà để có những thông tin khách quan, trung thực nhất về hoạt động nghề nghiệp của họ, từ đó giúp giảng viên có những điều chỉnh phù hợp, đáp ứng được yêu cầu nâng cao chất lượng giáo dục – đào tạo hiện nay – như ý kiến của ông Hoàng Đức Minh – Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý cơ sở giáo dục.
Theo đề xuất của Đại học Y Hà Nội, để đảm bảo công tác lấy ý kiến phản hồi từ người học về hoạt động giảng dạy của giảng viên được chính xác, khách quan, các cơ sở giáo dục đại học cần phổ biến rộng rãi cho toàn thể sinh viên hiểu về mục đích, ý nghĩa của hoạt động này. Cũng nên thông báo trực tiếp kết quả phản hồi cho các giảng viên để họ có kế hoạch điều chỉnh hoạt động giảng dạy của mình, nhằm nâng cao chất lượng dạy học. Lãnh đạo đơn vị được phép sử dụng kết quả phản hồi của các giảng viên trong đơn vị mình với mục đích nâng cao chất lượng giảng dạy.



Bên cạnh đó, Bộ GD&ĐT nên có chỉ thị cho các trường đại học củng cố và phát triển văn hóa chất lượng trong trường đại học. Yêu cầu các trường đại học cung cấp cho công chúng thông tin và minh chứng về hoạt động của trường nói riêng và của hệ thống giáo dục nói chung.

Theo giáo dục thời đại


 
×
Quay lại
Top Bottom