Cách để xác định kích cỡ áo ngực

Ánh Minh

Thành viên thân thiết
Thành viên thân thiết
Tham gia
5/10/2017
Bài viết
1.322
Thật khó tin là có đến 80% phụ nữ mặc áo ngực sai kích cỡ! Đa số mọi người mặc áo ngực quá rộng ở sau lưng và quá chật ở hai bầu ngực. Mặc dù kích cỡ có thể thay đổi chút ít giữa các nhãn hiệu nhưng tất cả đều tuân theo một hệ kích thước cơ bản mà bạn có thể dùng để xác định kích cỡ áo ngực tại nhà.

cach-chon-size-ao-nguc-1.jpg


Phương pháp 1: Kiến thức cơ bản về kích cỡ áo ngực

1. Cúp ngực không phải là số đo tuyệt đối không đổi

Đây là điều mà nhiều người thường nghĩ về kích cỡ áo ngực: cúp D trông như nhau đối với mọi kích thước vòng chân ngực, hoặc ngực nhỏ mặc nhiên có nghĩa là bạn có cúp ngực A. Thật ra cúp ngực thay đổi tỷ lệ theo kích thước vòng chân ngực - nghĩa là nó phụ thuộc vào kích thước của vòng chân ngực. Ví dụ, cúp 32D sẽ có thể tích chứa nhỏ hơn cúp 36D, nhưng cả hai đều là cúp D.

2. Áo ngực vừa vặn sẽ giúp bạn cảm nhận và trông thế nào?

Có một số dấu hiệu chứng tỏ áo ngực có vừa với bạn hay không. Đây là điều bạn cần chú ý khi đo ngực hoặc khi thử các cỡ áo ngực khác nhau:
Vòng chân áo ngực ôm vừa vặn: Vòng chân áo, không phải dây đeo, có nhiệm vụ chính là nâng đỡ hai bầu ngực. Bạn chỉ có thể chèn một hoặc tối đa là hai ngón tay dưới vòng chân áo.
Che phủ đủ hai bên ngực: Áo ngực vừa vặn sẽ không để mô ngực lòi ra ở hai bên ngực và dưới nách. Đối với áo có gọng chân ngực, bạn có thể đánh giá độ che phủ hai bên bằng gọng chân ngực: nếu đầu gọng chỉ về phía giữa nách thì áo ngực đó vừa với bạn.
Đai trung tâm nằm phẳng: Đai trung tâm (phần thuộc vòng chân áo và nằm giữa hai cúp ngực) phải nằm phẳng trên ngực mà không nghiến vào da gây khó chịu. Nếu không có dấu hiệu này thì bạn đã chọn sai áo ngực.
Đường cong trơn tru: Tránh tạo ra hình ảnh “bốn ngực” do cúp áo ngực quá nhỏ khiến phần trên của nó nghiến vào mô ngực nằm trên áo. Áo ngực vừa vặn phải tạo hình ảnh trơn tru, không tạo lằn phân chia mô ngực.

3. Chú ý các dạng ngực khác nhau

Chuyện gì đang xảy ra nếu bạn đã tìm đúng kích cỡ áo ngực nhưng nó vẫn không vừa vặn? Có lẽ bạn đã chọn không đúng mẫu áo ngực cho dạng ngực của bạn. Áp dụng các giải pháp sau đối với vấn đề về dạng ngực:
Ngực rộng: Nếu mô ngực trải đều trên một diện tích rộng và ít nhô cao, nghĩa là bạn đang có ngực rộng. (Một dấu hiệu khác để nhận biết: có mô ngực gần xương đòn bất kể ngực của bạn tương đối nhỏ). Áo ngực cúp ngang phù hợp nhất với người có ngực rộng, với cúp áo ngực hở ở trên theo đường cắt ngang. Tránh mặc áo ngực cúp chữ V.
Ngực quả chuông: Phần gốc của ngực tương đối nhỏ nhưng phần mô ngực trĩu xuống khá nhiều, đừng thất vọng với dạng ngực này! Bạn nên chọn áo ngực có gọng chân ngực, hai cúp áo ngực tách rời và có thể che phủ rộng hơn. Tránh mặc áo ngực cúp ngang hoặc cúp chữ V.

4. Biết về kích thước áo ngực chị em

Nếu bạn tìm được một chiếc áo ngực gần như hoàn hảo nhưng chưa thật sự như vậy, hãy thử kích thước chị em của nó. Hai áo ngực có kích thước chị em nghĩa là độ chênh lệch của chúng chỉ vừa đủ đề bù cho sai lệch giữa các nhãn hiệu khác nhau.
Giảm một cỡ: Giảm kích thước vòng chân ngực hai đơn vị nhưng tăng cúp ngực một bậc. Ví dụ, bạn giảm từ 36 C xuống 34 D.
Tăng một cỡ: Tăng kích thước vòng chân ngực hai đơn vị nhưng giảm cúp ngực một bậc. Ví dụ, bạn tăng từ 36 C lên 38 B.

5. Tìm hiểu các kiểu đo áo ngực

Hiện nay có hai kiểu đo áo ngực khác nhau (trình bày dưới đây). Kiểu đo hiện đại được sử dụng phổ biến hơn, tuy nhiên một số nhà sản xuất vẫn dùng kiểu đo truyền thống. Đáng tiếc là bạn khó có thể biết được nhà sản xuất (hay nhãn hiệu) nào dùng kiểu đo nào. Đây là cách giảm rủi ro cho bạn:
Nếu đang thử áo ngực tại cửa hàng thì bạn nên biết kích cỡ áo cần tìm đối với cả hai kiểu đo.
Nếu đặt hàng qua mạng thì bạn cố tìm trang nào có chính sách trả hàng lại.

6. Thận trọng khi để chuyên viên tại cửa hàng chọn kích cỡ áo ngực

Nhờ chuyên viên có kinh nghiệm đo ngực cho bạn là việc rất tốt nếu bạn chưa biết gì về kích cỡ áo ngực họ có thể gợi ý các kiểu áo phù hợp với bạn. Tuy nhiên, để chọn được áo ngực vừa vặn bạn cần chú ý:
Tránh các cửa hàng có số lượng kích cỡ giới hạn. Nhân viên tại cửa hàng có thể cố ý bán cho bạn chiếc áo không thật sự phù hợp nhưng họ đang có hàng. Trước khi bạn quyết định chọn một kích cỡ nào đó thì phải đảm bảo cửa hàng cũng có kích thước vòng chân ngực nhỏ hơn (như 28 và 30) và cúp ngực lớn hơn (DDD và lớn hơn). Tại Mỹ bạn có thể đến các cửa hàng uy tín như siêu thị Nordstrom và Dillard’s.
Yêu cầu chọn áo ngực theo cả hai kiểu đo. Như vậy bạn sẽ biết mình nên thử kích cỡ nào nếu một kiểu đo dẫn đến lựa chọn hoàn toàn sai.
Không mặc áo ngực khi đo. Nếu nhân viên tại cửa hàng cố gắng đo ngực cho bạn trong khi bạn vẫn mặc áo ngực, kết quả có thể không chính xác. Nếu xấu hổ thì bạn mặc áo thun không tay (tank top) vải mỏng ôm sát khi đến cửa hàng, và tháo áo ngực ra khi đo.

Phương pháp 2: Kiểu đo hiện đại

1. Đo kích thước vòng chân ngực

Đây là phần dễ nhất trong quá trình đo - kích thước vòng chân ngực tương đối ổn định và dễ đo.
Kéo thước dây quanh cơ thể ngay bên dưới hai bầu ngực và đọc số đo theo centimet. Đảm bảo thước dây được đặt ngang và tương đối ôm sát. Hai cánh tay duỗi thẳng bên hông. Viết lại số đo được.
Đối với áo ngực đo theo hệ đơn vị inch, nếu giá trị đo là số lẻ thì bạn nên thử các áo ngực có kích thước nhỏ hơn và lớn hơn một cấp. Ví dụ, nếu bạn đo được 31 inch thì vòng chân ngực có thể là 30 hoặc 32.
Nếu giá trị đo là số chẵn thì áo ngực với kích thước vòng chân đó hầu như chắc chắn vừa với bạn, nhưng bạn có thể cần áo nhỏ hơn hay lớn hơn tùy thuộc hình dạng cơ thể.

2. Xác định cúp ngực

Nhớ rằng cúp ngực không phải là số đo tuyệt đối không đổi nó thay đổi tỷ lệ theo vòng chân ngực.
Cúi người xuống sao cho ngực song song với mặt đất. Mục đích của tư thế này là để đo tất cả mô vú không chỉ đo phần nhô ra khi bạn đứng thẳng.
Đo quanh thân trên và đặt thước trên phần đầy nhất của ngực. Đừng siết thước quá chặt chỉ siết đủ chặt để thước không thể xê dịch, nhưng không chặt đến mức ấn vào hai ngực. Viết lại số đo được.
Đảm bảo đặt thước dây song song với mặt đất. Không đặt thước tụt xuống lưng vài centimet, nếu không bạn sẽ thu được số đo không đều. Để tránh sai sót này bạn nên đứng trước gương khi đo, hoặc nhờ chồng/bạn trai hay bạn thân đo hộ.
Tính cúp ngực. Để tính cúp ngực, bạn lấy số vừa đo được trừ đi số đo vòng chân ngực. Độ chênh lệch giữa hai số đo này sẽ giúp bạn xác định cúp ngực:
Dưới 2,5 cm = AA
2,5 cm = A
5 cm = B
7,5 cm = C
10 cm = D
12,5 cm = DD
15 cm = DDD (E theo thang đo của Anh)
18 cm = DDDD/F (F theo thang đo của Anh)
20,5 cm = G/H (FF theo thang đo của Anh)
23 cm = I/J (G theo thang đo của Anh)
25,5 cm = J (GG theo thang đo của Anh)
Đa số các nhãn hiệu hàng đầu đều sử dụng thang đo cúp ngực của Anh: AA, A, B, C, D, DD, E, F, FF, G, GG, H, HH, J, JJ, K, KK, L, LL. Nếu bạn đi mua sắm tại Mỹ thì có thể thấy các cúp ngực như DDD hay DDDD. Chúng tương đương với cúp E và F. Nếu cảm thấy không chắc chắn, đặc biệt với các cúp ngực lớn hơn, bạn có thể tham khảo bảng kích thước áo ngực quốc tế.

Phương pháp 3: Mặc thử để kiểm tra

1. Mặc thử chiếc áo ngực có vòng chân ngực và cúp ngực vừa tìm ra trong các bước trên đây

Bạn không nên xem đây là kích thước chính xác của mình đến khi đã mặc thử vài cái, thậm chí khi đó bạn thường thấy phải chọn các chiếc áo có kích cỡ khác nhau đối với các nhãn hiệu hoặc kiểu áo ngực khác nhau.

2. Mặc áo ngực đúng cách

Phương pháp “scoop and swoop” (nghiêng người và kéo vào) là cách mặc áo ngực để đảm bảo tất cả mô ngực nằm gọn trong cúp áo ngực:
Sau khi lấy áo ngực khỏi móc, bạn cần phải kéo dài dây đeo vai. Lồng hai cánh tay qua dây đeo và hơi nghiêng người về trước để hai bầu ngực nằm trong cúp.
Cài áo ngực bằng bộ móc lớn phía sau. Đừng lo lắng nếu bạn cảm thấy khó cài, nếu bạn đang thử chiếc áo có vòng chân ngực nhỏ hơn thì sẽ phải kéo giãn nó để có thể cài bộ móc sau lưng.
Vẫn trong tư thế nghiêng người về trước, nắm gọng dưới chân ngực và kéo qua kéo lại để đảm bảo hai bầu ngực nằm thoải mái trong cúp áo.
Trượt bàn tay vào một bên cúp áo và kéo bầu ngực vào giữa, thực hiện tương tự cho bên kia.
Có lẽ bạn phải điều chỉnh chiều dài của dây đeo vai. Trượt dây đeo khỏi vai và điều chỉnh khóa trượt sao cho chúng đủ ngắn để giữ cố định áo nhưng không siết vào người.

3. Kiểm tra kích thước vòng chân ngực

Kích thước vòng chân ngực đúng sẽ là kích thước nhỏ nhất mà bạn vẫn cảm thấy dễ chịu khi mặc. (Có thể sẽ nhỏ hơn số đo vòng chân ngực thực tế của bạn vòng chân áo ngực khá đàn hồi, đặc biệt từ kích thước 42+).Vòng chân áo phải ôm đủ chắc để áo ngực vẫn có khả năng nâng đỡ mà không tạo nhiều áp lực lên dây đeo vai.
Bạn có thể trượt ngón tay dọc theo mặt trong vòng chân áo nhưng không nhiều hơn thế. Nguyên tắc chung là bạn chỉ có thể luồn một nắm đấm dưới mặt sau áo ngực, ngay trên cột sống lưng.
Áo sẽ vừa vặn ở nấc cài lớn nhất nhưng có lẽ quá chật nếu bạn cố gắng cài áo ở nấc nhỏ nhất. Áo ngực được thiết kế như vậy để bạn có thể siết vòng chân áo lại khi vải bắt đầu rão.
Nếu vòng chân áo ngực đủ rộng để bạn có thể mặc thoải mái ở nấc cài nhỏ nhất thì nên thử cái có vòng chân áo nhỏ hơn, ví dụ nếu 32D quá lỏng thì bạn thử 30DD. Nhớ rằng bạn phải thay đổi cúp ngực khi chọn vòng chân ngực khác - khi giảm mỗi cấp vòng chân ngực, bạn phải tăng cúp ngực một cấp để hai cúp áo vẫn giữ nguyên dung tích và ngược lại.
Nếu bạn thấy vòng chân ngực siết chặt đến mức gây đau thì nên tăng cúp ngực một cấp vì vòng chân ngực quá lớn hay vừa dường như không vừa vặn khi hai cúp áo quá nhỏ. Nếu tăng cúp ngực một hay nhiều cấp mà tình hình không đổi thì bạn nên tăng vòng chân ngực một cấp và giảm cúp ngực một cấp, ví dụ 28G lên 30FF. Tuy nhiên, bạn nên thử cách đầu tiên trước cách thứ hai.

4. Kiểm tra cúp áo ngực

Cúp áo vừa vặn là phải ôm trọn hai ngực và không có nếp vải nhăn hay không gian trống trong cúp, mô ngực bị tràn hay còn gọi là “ngực đôi” cho thấy cúp áo quá nhỏ, bất kể đối với loại áo lót nâng ngực.
Kiểm tra quanh cúp áo để xem có mô ngực nhồi ra không, không chỉ phía trước mà cả hai bên dưới nách.

Đảm bảo gọng áo chân ngực bo sát hai bầu ngực và nằm phẳng trên khung xương sườn.
Kiểm tra bên dưới cánh tay để đảm bảo gọng áo nằm trên xương sườn, không phải trên mô ngực mềm. Nếu gọng áo nghiến vào mép bên bầu ngực thì bạn cần chọn cúp áo lớn hơn. Nếu bạn quen mặc áo ngực có vòng chân áo quá lớn và cúp áo quá nhỏ, có thể đã xảy ra tình trạng mô ngực dịch chuyển, nghĩa là mô ngực dường như bị đẩy về nách hay phía sau. Bạn sẽ khắc phục được vấn đề này sau khi chọn được áo ngực vừa vặn.

Nếu gọng chân áo ấn vào xương ức giữa người gây đau, bạn cần chọn cúp áo nhỏ hơn hoặc thử mặc áo ngực cúp chữ V với phần chính giữa xẻ sâu (đây thường là vấn đề của cúp áo, không phải vòng chân áo). Một nguyên nhân khác là do cấu tạo khung xương sườn của bạn. Trường hợp này, bạn nên chờ đến khi cảm thấy “quen” với chiếc áo ngực đó, hoặc chọn áo ngực có phần chính giữa xẻ sâu.
Nếu bạn nghĩ cúp áo quá nhỏ nhưng không chắc, hãy thử cái có cúp ngực lớn hơn để kiểm tra lại suy nghĩ của mình. Vấn đề sẽ rõ ràng nếu cái có cúp ngực nhỏ vừa vặn hơn.

5. Đánh giá sau khi mặc áo ngoài

Bạn đã tìm được chiếc áo ngực vừa vặn, có lẽ nó có kích cỡ hoặc kiểu dáng khác với cái bạn thường mặc. Bây giờ là lúc bạn xem xét ảnh hưởng của áo đối với thân hình của bạn! Nếu bạn mặc áo ngực trơn (t-shirt bra) thì cũng phải đảm bảo nó tạo lằn trơn tru bên dưới quần áo ngoài.
Nếu bạn soi gương từ bên hông thì phải thấy ngực nằm ở vị trí xấp xỉ phân nửa giữa khuỷu tay và vai.

Khi bạn mặc áo ngực vừa vặn, đường ngực sẽ được nâng đỡ tại vị trí thích hợp. Nhiều người thấy quần áo của họ vừa vặn hơn nhiều, và phát hiện vòng eo đẹp hơn mà chưa từng thấy trước đây. Nếu trước đây đường ngực của bạn xệ thấp vì áo ngực nâng đỡ kém thì sau khi chọn đúng áo ngực, có thể bạn thấy cần phải mặc váy có kích cỡ nhỏ hơn.

Áo sơ mi ôm sát sẽ để lộ mô ngực lòi ra từ cúp áo ngực quá nhỏ, và tương tự, áo ngực đệm đúc quá rộng sẽ để lộ các đường lằn trên ngực, tại mép cúp áo. Bạn cũng nên chọn màu áo ngực phù hợp để người khác không thể nhìn thấy qua lớp vải áo mỏng hoặc có màu sáng - nếu cần làm áo ngực ẩn đi thì bạn chọn cúp áo không viền có màu hợp với màu da thay vì màu của áo ngoài.
Người ta thường lo rằng mặc áo ngực có vòng chân áo quá nhỏ sẽ tạo ra một chỗ phình lớn quanh lưng. Thật ra chỗ phình này là do phần lưng áo ngực nhô lên khi nó quá rộng. Khi vòng chân áo nằm tại vị trí thấp hơn trên lưng thì nó sẽ ôm chắc theo phương ngang thay vì đẩy lên trên và tạo thành chỗ phình.

Phương pháp 4: Kiểu đo truyền thống

1. Đo kích thước vòng chân ngực

Quấn thước dây quanh khung xương sườn, ngay dưới điểm cuối cùng của mô ngực. Sau đó:
Nếu giá trị đo là số chẵn: Cộng 10 centimet.
Nếu giá trị đo là số lẻ: Cộng 12,5 centimet.
Bạn nên biết hầu hết các nhãn hiệu đều không còn sử dụng hệ kích thước vòng chân ngực này. Phương pháp “cộng mười” được Warners sử dụng vào thập niên 1930 khi thiết kế áo ngực còn ở giai đoạn trứng nước, và nó không phù hợp với áo ngực hiện đại.Nhưng bạn nên biết về sự tồn tại của hệ kích thước này.

2. Đo cúp ngực

Đứng thẳng người và quấn thước dây quanh phần đầy đặn nhất của ngực. (Giữ thước nằm ngang tối đa - đảm bảo nó không chùng xuống quanh lưng.) Lấy số đo mới này trừ cho vòng chân ngực để có cúp ngực:
Dưới 2,5 cm = AA
2,5 cm = A
5 cm = B
7,5 cm = C
10 cm = D
12,5 cm = DD
15 cm = DDD (E theo thang đo của Anh)
18 cm = DDD/F (F theo thang đo của Anh)
20,5 cm = G/H (FF theo thang đo của Anh)
23 cm = I/J (G theo thang đo của Anh)
25,5 cm = J (GG theo thang đo của Anh)

Dịch bởi Kênh Sinh Viên
Nguồn: WIKIHOW​
 
Hiệu chỉnh bởi quản lý:
×
Quay lại
Top