Bắt đầu ‘nóng’ chuyện chạy trường, chạy lớp

Totoro

Thành viên thân thiết
Thành viên thân thiết
Tham gia
17/12/2011
Bài viết
5.437
Chưa biết chất lượng giảng dạy đến đâu và không biết con có "theo" được chương trình trường điểm, lớp chọn hay không, nhưng trước tiên cứ vì "cái tiếng" của trường điểm nên phụ huynh đổ xô tìm "đường", tìm mối quan hệ.

903899-85197292784161-img.jpg

ảnh minh họa

Tháng 7 mới là thời điểm các trường chính thức nhận hồ sơ tuyển sinh đầu cấp. Nhưng ngay từ bây giờ, rất nhiều phụ huynh đang đau đầu với việc "chạy" trường, chọn lớp, mong cho con được vào học trường điểm, lớp chọn.

Điệp khúc "chạy" trường

Năm nào cũng vậy, khi năm học cũ chưa kết thúc thì chuyện chọn trường, đặc biệt là ở bậc tiểu học lại "nóng". Chị Hương (Hoàng Mai, Hà Nội) vẫn chưa hết mệt mỏi khi phải vận dụng tất cả các mối quan hệ mới "chạy" được cho con gái vào lớp 1 ở một trường công lập tại quận Đống Đa.

"Nghĩ lại mà toát mồ hôi, không chỉ mất thời gian, công sức mà số tiền lo "chạy" cũng không nhỏ, mất gần hai chục "vé" (gần 2.000 USD), do xin học trái tuyến. Nhưng, tất cả vì "tương lai con em chúng ta" nên đành chấp nhận" - chị Hương chia sẻ.

Và thời điểm này, điệp khúc "chạy trường" đã lại xôn xao trong phụ huynh có con chuẩn bị vào các lớp đầu cấp. Có gia đình vì công việc làm ăn của bố mẹ phải thuê nhà ở xa nhà ở, muốn thuận lợi việc học của con nên "chạy" bằng được hộ khẩu để con được học đúng tuyến.

Anh Thành, hộ khẩu ở huyện Đan Phượng, nhưng đang "chạy" hộ khẩu để cô con gái 2 tuổi được vào học ở trường mầm non thuộc quận Đống Đa, chia sẻ: "Để thuận tiện cho làm ăn, cũng như việc học hành của con, mình phải nhập nhờ hộ khẩu vào nhà người quen để con được vào học trường đúng tuyến".

Đấy là những gia đình "chạy" vì điều kiện công việc, hoàn cảnh, còn không ít gia đình lại không tiếc tiền chạy đua xin học cho con vào trường điểm, lớp chọn. Những chuyện này mùa tuyển sinh nào cũng diễn ra và âm thầm từ cuối học kỳ I của năm học trước.

Các trường lọt vào "tầm ngắm" của phụ huynh thường là: Tiểu học Kim Liên, Nam Thành Công, Trung Tự (quận Đống Đa), tiểu học Nguyễn Trãi (Hà Đông), tiểu học Dịch Vọng A, Nghĩa Tân (Cầu Giấy), THCS Lê Quý Đôn (Cầu Giấy), THCS Nguyễn Du, THCS Trưng Vương (Hoàn Kiếm)…

Chưa biết chất lượng giảng dạy đến đâu và không biết con có "theo" được chương trình trường điểm, lớp chọn hay không, nhưng trước tiên cứ vì "cái tiếng" của trường điểm nên phụ huynh đổ xô tìm "đường", tìm mối quan hệ. Bao năm nay, chính tâm lý ấy của phụ huynh đã tạo nên áp lực cho mỗi mùa tuyển sinh đầu cấp.

Sở sẽ chỉ đạo gắt gao

Trao đổi với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị xung quanh vấn đề "chạy" trường, "chạy" lớp, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Nguyễn Hiệp Thống thừa nhận, tình trạng xin học trái tuyến cho con vẫn diễn ra với tỷ lệ lớn. Tuy nhiên, năm nay, Sở sẽ chỉ đạo gắt gao để khắc phục tình trạng này.
Cũng theo ông Thống, hiện đã có quy chế trường tiểu học rõ ràng, trong đó quy định số lượng học sinh mỗi lớp khoảng 35 cháu. Với số lượng này, giáo viên sẽ quản lý học sinh, sâu sát với học sinh tốt hơn so với lớp học có sĩ số quá đông.

"Phụ huynh nên cho con đi học gần nhà vừa an toàn, con vừa được nghỉ ngơi, bố mẹ không vất vả. Ở bậc tiểu học, tuổi của các cháu là tuổi làm quen với chữ cái, các con số, học mà chơi, chơi mà học nên việc học trường nọ trường kia là không cần thiết. Hiện, Hà Nội không có trường điểm và chưa có tiêu chí nào để xác định, chỉ có tiêu chí về trường chất lượng cao đang được xây dựng. Tất cả trường đều có sách giáo khoa và nội dung giáo viên phổ biến trên lớp như nhau, chỉ có khả năng truyền đạt khác nhau. Do vậy thông tin trường này trường kia tốt, trường điểm chỉ là đồn thổi của người dân" - ông Thống khẳng định.

Nhà quản lý giáo dục Hà Nội đã khẳng định không có trường điểm và cũng đã "hứa" sẽ chỉ đạo gắt gao việc này. Hy vọng với quyết tâm và cam kết trên, năm nay, Hà Nội sẽ không còn tình trạng phụ huynh xếp hàng từ tờ mờ sáng, xô đổ cổng trường để mua được bộ hồ sơ xin học cho con.
Theo Xaluan
 
×
Quay lại
Top