Ảo thuật dạy ta điều gì về trí não con người?

Mèo Cọp

“This world is merciless.”
Thành viên thân thiết
Tham gia
25/11/2012
Bài viết
351
(kenhsinhvien.vn) Vì lẽ gì chúng ta tin vào ảo thuật? Bí mật nằm ở các thủ thuật tâm lý thông minh khai thác khoảng trống trong não bộ của chúng ta.

Amazing Abner xoay áo choàng, vẩy đũa phép, và kéo từ trong mũ ra một con thỏ. Polly Presto hô biến trợ lý của mình khỏi một chiếc tủ khoá. Lão già trong công viên kéo một đồng xu ra từ sau tai bạn. Bạn biết rằng hẳn phải có mánh khoé nào đó, nhưng nó trông rất thật. Làm sao họ làm được điều đó?


Ảo thuật dạy ta điều gì về trí não con người?


Đằng sau nghệ thuật là khoa học

Ảo thuật là một loại hình nghệ thuật, và các ảo thuật gia không dễ gì tiết lộ cách thức của họ. Nhưng qua nhiều năm họ đã chia sẻ những bí mật đằng sau một số thủ thuật truyền thống. Chẳng hạn, trong một video Youtube năm 2010, màn ảo thuật của Penn và Teller đã trình diễn tiết mục có lẽ là kinh điển nhất của ảo giác ảo thuật sân khấu: cắt đôi người trợ lý. Dĩ nhiên họ làm điều đó với sự tiếp xúc đặc biệt từ Penn và Teller, khiến cho mọi thứ thậm chí còn hơn cả “Quao! Sao họ làm vậy được?” (và hài dữ hơn nữa) khi cặp đôi bắt đầu tiết mục.

Dù ảo thuật gia đúng là có sử dụng đạo cụ, như tủ giấu gương bên trong hay các bộ bài tây chồng lên nhau, nhưng những thứ đó không khiến cho thủ thuật thành công. Ảo thuật thực sự nằm ở tâm trí khán giả, và nghệ thuật thao túng tâm trí của ảo thuật gia. Vì khi bạn nhìn kỹ vào ảo thuật, bạn thấy được khoa học thần kinh.

Khả năng nắm bắt thực tế của bạn dở hơn bạn tưởng đấy.

Ronald Rensink là một giáo sư tâm lý học của Đại học British Columbia tại Vancouver. Ông chuyên về tập trung thị giác và là một trong những người tiên phong nghiên cứu khoa học về ảo thuật. “Penn và Teller, có thể giở mánh trước hàng ngàn người cùng lúc; các mánh lới đáng tin như vậy đấy,” Rensink nói. Điều này cho thấy hiệu ứng đó chủ yếu dựa trên cách trí não con người hoạt động.

Một điều Rensink và những người khác phát hiện ra khi bắt đầu nghiên cứu khoa học về ảo thuật là các ảo thuật gia đã tận dụng một thực tế rất kỳ quặc (và có lẽ hơi rùng rợn) rằng cái chúng ta thấy không thật sự là cái đang diễn ra ngoài kia.

“Hệ thống thị giác của bạn chỉ nhìn rõ được khoảng 1/1000 của toàn bộ trường nhìn,” Stephen Macnick giải thích. Ông là nhà khoa học thần kinh của Trung tâm Y tế SUNY Downstate, đồng thời là một trong số những người tiên phong nghiên cứu khoa học về ảo thuật. “Đó là kích thước hình thu nhỏ được giữ khoảng cách. Phần còn lại có độ phân giải rất thấp.”

Vậy làm thế nào chúng ta nhìn được bức tranh tổng thể? Bộ não chúng ta đã tự tạo ra hầu hết. Nghĩa là, bộ não lấp đầy các chi tiết bị mất dựa trên kinh nghiệm và một số logic trước đó, vì cơ bản đó là những gì được mong chờ nhìn thấy. Hoặc như Macknik cho rằng, “Hầu hết mọi thứ bạn nhìn thấy, 99% hoặc hơn, đều do bộ não bạn tạo ra. Một ước tính về những gì đang thực sự diễn ra ngoài kia.”

Đó cũng là một ước tính tốt. Nếu không thì chúng ta cứ đâm sầm vào tường và vấp phải đồ đạc mãi thôi. Nhưng nó không hoàn hảo. “Một ảo thuật gia có thể khiến chúng chống lại khán giả,” Rensink nói, “và tạo ra một thực tế rất rất khác so với cái đang ở trước mặt họ. Một ảo thuật gia giỏi có thể căn bản kiểm soát tốt một phần cách bộ não bạn giải nghĩa nhiều thứ.”

Hãy chú ý

Người ta hay nói ảo thuật gia làm phân tâm khán giả để khán giả không nhìn ra cách họ thực hiện thủ thuật. Nhưng sự thật phức tạp hơn thế. “Cái họ làm là định hướng sự chú ý ra khỏi cách thức bí mật một cách tài tình,” Susana Martinez-Conde giải thích. Matinez-Conde là một chuyên gia hàng đầu về khoa học thần kinh thị giác, đồng thời cũng là một nhà khoa học thần kinh của SUNY Downstate (và đã kết hôn với Macknik). Lại một lần nữa, bộ não đã giúp ích cho ảo thuật gia.

Năm 1999, hai nhà tâm lý học nhận thức là Christopher Chabris và Daniel Simons đã thiết lập một thí nghiệm vẫn nổi tiếng đến nay, trong đó các đối tượng được yêu cầu xem đoạn video ngắn về một trận bóng chày và đếm xem đội mặc áo trắng đã chuyền bóng bao nhiêu lần. Khoàng 50% đối tượng không nhận thấy rằng trong khi họ đang đếm, một người mặc đồ khỉ đột đi ngang qua trung tâm sân bóng, thậm chí còn dừng lại ở giữa chừng biểu diễn đấm ngực. Bạn có thể tự làm thử, và nếu bạn thật sự cố đếm chính xác số lần chuyền bóng, bạn có thể sẽ không nhìn thấy con khỉ đột, mặc dù đã biết trước về nó.

Hiện tượng mù có chủ ý này, như cách người ta gọi thế, là mỏ vàng của ảo thuật gia. Bằng cách khiến khán giả tập trung vào một vật cụ thể, các ảo thuật gia có thể khiến họ không thấy cái ảo thuật gia không muốn cho họ thấy. Trong quyển sách xuất bản năm 2010 của Macknik và Martinez-Conde “Quỷ thuật của tâm trí: Khoa học thần kinh về ảo thuật tiết lộ điều gì về những trò lừa hằng ngày”, họ có miêu tả thủ thuật đồng xu biến mất của Juan Tamariz, một bậc thầy ảo thuật đến từ Tây Ban Nha. Tamariz đã hướng sự chú ý của khán giả đến tay trái không có gì của ông. Trong khoảnh khắc khi khán giả dõi theo cái nhìn của ông đến tay trái, ông chìa lòng bàn tay phải về hướng khán giả. Đồng xu ở đó trong lòng bàn tay ông, nhưng không ai nhìn thấy.

Một lý do những thủ thuật này đáng tin đến vậy là bộ não không chỉ đơn giản củng cố thứ nó đang chú ý mà còn đánh đổi bằng mọi thứ khác. Matinez-Conde và Macknik, làm việc với các đồng nghiệp tại SUNY và Đại học Connecticut, đã khám phá ra rằng võ não thị giác sơ cấp chủ động ức chế mọi thứ khác.

Các ảo thuật gia cũng dùng chính ký ức của bạn chống lại bạn. Bạn có lẽ đã để ý thấy rằng sau mỗi thủ thuật, ảo thuật gia sẽ ôn lại điều vừa xảy ra. Nhưng những chi tiết này thường không đúng lắm. Chẳng hạn, ảo thuật gia có thể nói, “và sau đó khi bạn xáo các lá bài…” trong khi thực tế, chính ảo thuật gia đã xáo các lá bài; bạn chỉ cắt ngang chúng mà thôi. Bằng cách thay đổi các chi tiết, ảo thuật gia đã cấy vào những ký ức sai lệch (rằng bạn là người đã xáo bài) hay ít nhất làm xáo trộn ký ức của bạn về sự kiện, khiến bạn khó xâu chuỗi lại chuyện thực sự đã diễn ra khi bạn nhớ về nó sau này.

Điều kỳ diệu của ảo thuật và trí não con người

Bởi vì các nhà khoa học hiểu rất rõ về cách trí não hoạt động, hẳn là khó lừa họ lắm, đúng chứ? Không hẳn thế. Các nhà khoa học cũng như nhiều ngành nghề khác, có xu hướng tập trung rất tốt, Rensink nói. Điều đó khiến việc định hướng sự chú ý của họ dễ dàng hơn. Tuy nhiên, có một nhóm rất khó để giở mánh: trẻ em. Trẻ nhỏ nổi tiếng là kém trong việc định hướng sự chú ý của chúng, và điều này đặt ra một thách thức cho các ảo thuật gia với hy vọng khiến chúng tập trung vào họ. “Trong số các ảo thuật gia, người chơi được với trẻ nhỏ là người đáng nể nhất,” Rensink nói.

Điều này cũng đặt ra một số nghi vấn thú vị. Có phải người mắc chứng rối loạn thiếu tập trung sẽ kháng được các chiêu trò ảo thuật nhiều hơn không? Còn người mắc chứng tự kỷ thì sao? Nhận ra loại thủ thuật nào có hiệu quả với những người có các loại hệ thần kinh khác nhau có thể giúp các nhà khoa học hiểu hơn về các bệnh này.

Nhưng cuối cùng, Rensink nói, đối với các nhà khoa học, đối với trẻ nhỏ, hay bất kỳ ai yêu thích ảo thuật, thì nó là một điều kỳ diệu. Điều kỳ diệu của ảo thuật, và điểu kỳ diệu của trí não con người.


Dịch bởi Kenhsinhvien.vn
(Theo Discover Magazine)
 
×
Quay lại
Top