"Zoom" vào profile rồng Việt Nam từ cổ chí kim

heokool

Cà rốt, trứng hay hạt cà phê?
Thành viên thân thiết
Tham gia
22/9/2011
Bài viết
14.934
Cùng tìm hiểu về con vật đứng đầu trong bộ “Tứ linh” của Việt Nam nhé!
“Sơ yếu lí lịch” rồng Việt Nam



Rồng Việt Nam được thần thánh hóa lên từ loài cá sấu bởi theo quan niệm của nhân dân ta, cá sấu là loài vật linh thiêng, đại diện cho sự trù phú và sức mạnh. Rồng Việt Nam có những chi tiết đặc trưng, đặt lên trên sức mạnh và sự thống trị thường thấy của một con rồng phương Đông. Toàn thân rồng toát lên vẻ uyển chuyển và một sức căng lớn từ cái vươn chân dài, đầu ngẩng cao, dáng đầu rực lửa.


KenhSinhVien.Net-120118kprongvn01.jpg


Rồng Việt Nam được thần thánh hóa từ loài cá sấu.

KenhSinhVien.Net-120118kprongvn02.jpg



Về cơ bản, rồng có những đặc điểm sau: thân của loài rắn, uốn hình sin 12 khúc, đại diện 12 tháng trong năm, biểu trưng cho sự thay đổi thời tiết năm tháng, sự trù phú và phồn vinh của nền văn hóa nông nghiệp lúa nước; trên lưng có vảy giống như vảy cá chép, nhỏ, liền mạch và đều đặn (81 vảy âm và 36 vảy dương).


Đầu rồng có bờm dài của loài sư tử, có râu cằm, không sừng. Mắt lồi to, hàm mở rộng có răng nanh; đây là điểm hoàn toàn khác với các con rồng của những nước khác. Đặc biệt là cái mào ở mũi: gợn sóng đều đặn (có người gọi là “mào lửa”) chứ không phải là mũi thú như rồng Trung Quốc; lưỡi mảnh, rất dài. Rồng còn có bụng sò, gan bàn chân của hổ, vuốt của chim ưng.


Miệng rồng ngậm viên châu, tượng trưng cho tính nhân văn, tri thức và lòng cao thượng. Đầu hướng lên thể hiện tinh thần tôn trọng các giá trị nhân văn cao quý, theo đuổi sự uyên bác và tinh thần cao thượng. Ở mỗi giai đoạn phát triển, con rồng có một tính cách riêng, phù hợp yêu cầu thời điểm lịch sử xã hội.


Rồng thời Lý


Rồng thời Lý là sự sáng tạo độc lập, thể hiện tâm hồn, ước mơ và nguyện vọng của dân tộc ta, đóng một vài trò quan trọng trong nền mỹ thuật Việt Nam lúc bấy giờ.


KenhSinhVien.Net-324120118kprongvn04.jpg


Rồng thời Lý có các khúc uốn “thắt túi” nối tiếp nhau, vuốt nhỏ dần về đuôi.

Hình tượng rồng thời kì này có cấu tạo rất sinh động với những nét độc đáo của mào, mũi, bờm và mang một ý thức nhất định. Rồng thường ngẩng đầu lên, miệng há to. Mào thoát ra từ môi đến đường sống lưng, quyện với răng nanh, bốc lên như ngọn lửa; bờm ở sau gáy cuồn cuộn bốc lên nhiều đợt từ cổ họng, cùng với túm râu ở hàm dưới đều uốn lượn nhịp nhàng như làn sóng và bay lướt tựa lá cờ đuôi nheo được gió; mũi cấu tạo bằng những đường cong xếp chồng nhau phập phồng.


Thân rồng dài, dọc sống lưng có một hàng vảy thấp tỉa riêng từng cái, đầu vây trước tua vào hàng vây sau. Bụng là đốt ngắn như bụng rắn, mình uốn 5 khúc, có 4 chân, mỗi chân có 3 ngón trước, không có ngón chân sau. Vị trí của chân bao giờ cũng đặt ở một chỗ nhất định, có khuỷu phía sau và có móng giống loài chim.


KenhSinhVien.Net-f2f120118kprongvn05.jpg



Những phù điêu hay vẽ rồng của Thăng Long (Hà Nội), Phật tích và Dạm (Bắc Ninh), Chương Sơn (Nam Định) và Long Đọi (Hà Nam) hay Quỳnh Lâm (Quảng Ninh) đều có thân tròn lẳn, khá dài và không có vẩy, uốn khúc mềm mại và thon dài từ đầu đến chân, mang vẻ nhẹ nhàng, thanh thoát, gọi là rồng hình giun hay hình dây. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng rồng thời Lý mang hình dạng của một con rắn. Đó là lí do tại sao rồng thời này có những tên gọi như “rồng rắn” hay “long xà”.


KenhSinhVien.Net-023120118kprongvn06.jpg


Đôi Rồng gốm sứ thời Lý đạt kỷ lục Guinness trưng bày tại Công viên Bách Thảo nhân dịp Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, được đưa về Hồ Tây để chào đón Tết Nguyên đán 2011.

Rồng thời Trần



Sang đến đời Trần, hình tượng rồng có nhiều biến đổi so với thời Lý, không còn mang nặng ý nghĩa mơ ước nữa. Dạng chữ "S" dần dần mất đi hoặc biến dạng, đồng thời xuất hiện thêm hai chi tiết là cặp sừng và đôi tay được thể hiện ở những tư thế tự do hơn, dáng hình thô hơn. Rồng thời Trần lượn khá thoải mái với động tác dứt khoát, mạnh mẽ, cách thể hiện không chịu những quy định khắt khe như thời Lý.


KenhSinhVien.Net-120118kprongvn07.jpg

Hình ảnh rồng thời Trần.

Vảy lưng không tựa đầu vào nhau như rồng thời Lý nhưng vẫn liền mạch, thể hiện từng chiếc, có dạng răng cưa, nhọn hoặc từng chiếc vảy chia thành hai tầng. Đầu rồng không có nhiều chi tiết phức tạp như rồng thời Lý. Chân rồng ngắn hơn, những túm lông ở khuỷu chân không bay ra theo một chiều nhất định như rồng thời Lý mà lại bay lên phía trước hoặc sau tùy thuộc vào khoảng trống trên bức phù điêu. Mình rồng uốn 7 khúc; chân có 5 móng; có thêm sừng; mắt lồi ra (thể hiện tầm mắt bao quát bốn cõi, miệng rồng bạnh to, nhe răng nanh để thể hiến sự đe dọa). Miệng rồng há to nhưng nhiều khi không đớp viên châu. Thân rồng thường mập chắc, tư thế vươn về phía trước.


Rồng thời Lê


Đến thời Lê, hình tượng rồng đã có những thay đổi khác xa so với trước. Nó là sự dung hòa giữa biểu tượng rồng thời Lý và Trần. Rồng không nhất thiết là một con vật mình rắn dài uốn lượn đều đặn nữa mà có nhiều tư thế khác nhau.


KenhSinhVien.Net-120118kprongvn08.jpg

Hình ảnh rồng thời Lê.



Rồng có đầu to, bờm tóc thô dày, mũi lớn, nhiều sợi ria, tai thú, sừng vặn xoắn ốc rồi chẻ chạc, chân gân guốc xòe rộng ngón, được thể hiện một cách mảnh khảnh, đi vào công thức cân đối khô khan kết hợp với chạm nông nên hình bẹt và cứng. Râu rồng bố trí đều, đuôi cong xoắn hình xoáy ốc. Có nhiều con rồng thời Hậu Lê còn có dáng uể oải như đang buồn ngủ, là dấu hiệu của thời đại vua nhà Lê bị chúa Trịnh đàn áp, tiếm hết quyền hành.


Cũng chính bắt đầu từ thời đại này xuất hiện quan niệm "Tứ linh" (Long, Lân, Quy, Phụng) tượng trưng cho uy quyền của vương triều: Rồng đứng đầu trong "Tứ linh", Lân tượng trưng cho sự thái bình và minh chúa, Quy tượng trưng sự cho bền vững của xã tắc và Phụng tượng trưng cho sự thịnh vượng của triều đại.


Rồng thời Nguyễn

Rồng thời Trịnh Nguyễn lại được nhân cách hóa thành hình rồng mẹ có bầy rồng con quây quần, rồng đuổi bắt mồi, rồng trong cảnh lứa đôi… Rồng thời Nguyễn trở lại vẻ uy nghi tượng trưng cho sức mạnh thiêng liêng, mình rồng uốn lượn với độ cong lớn. Đầu to, sừng chĩa ngược ra sau. Mắt rồng to, mũi sư tử, miệng há lộ răng nanh, vảy trên lưng có tia, phân bố dài ngắn đều đặn, râu uốn sóng từ dưới mắt chìa ra cân xứng hai bên. Hình tượng rồng dùng cho vua có 5 móng, còn lại bình thường là 4 móng.


KenhSinhVien.Net-120118kprongvn09.jpg

Tượng rồng thời Nguyễn phía sau Cổng Văn Miếu.



Rồng là con vật quen thuộc đối với nhân dân ta, xuất hiện trong hầu hết các lĩnh vực trong đời sống, từ hội họa, điêu khắc cho tới phim ảnh. Rồng Việt Nam có vị trí đặc biệt trong văn hóa, tín ngưỡng, là biểu tượng linh thiêng liên quan đến truyền thuyết “Con Rồng Cháu Tiên” của dân tộc.

*Bài viết được tham khảo từ: Đại cương Lịch sử Việt Nam toàn tập, Non nước Việt Nam và các sách báo, tài liệu về lịch sử Việt Nam.
 
×
Quay lại
Top Bottom