Xin đừng thúc trẻ "chín ép"

gaconueh2005

Thành viên thân thiết
Thành viên thân thiết
Tham gia
3/3/2013
Bài viết
4.056
- Vào lớp 1 là bước ngoặt quan trọng đối với trẻ. Tâm lý chung của phụ huynh có con chuẩn bị vào lớp 1 đều sợ nếu không cho con học trước sẽ không theo kịp bạn bè. Chỉ còn hơn một tháng nữa là tới ngày tựu trường và nhiều phụ huynh đang chạy đua với thời gian tìm nơi dạy trước chương trình lớp 1 cho con. Tuy nhiên việc làm này giống như thúc trái non chín ép gây nên nhiều hậu quả khó lường.

Tâm lý "đám đông"

Chị Thanh Hoa (Láng Hạ, Hà Nội) có con trai năm nay vào lớp 1. Chị đã tìm hiểu thông tin và lời khuyên của nhiều chuyên gia là không nên cho con học trước chương trình lớp 1. Nhưng nhìn quanh thấy ai cũng chạy đôn chạy đáo lo cho con học trước nên... sốt ruột. Chị đành tìm mọi cách liên hệ với cô giáo dạy giỏi của trường để học và tạo mối quan hệ xin cho con vào lớp của cô.

Một số phụ huynh còn gửi con theo kiểu bán trú. Tiền ăn học của một cháu trung bình một tháng cũng vài trăm nghìn, với phần lớn các bậc phụ huynh ở thành thị thì số tiền đó không phải là quá lớn, điều quan trọng là có được cảm giác yên tâm rằng con của họ sẽ được chuẩn bị tốt khi vào lớp 1.

Theo cô Lê Thu Hà - giáo viên Trường tiểu học Thành Công B (Ba Đình, Hà Nội): “Việc cho trẻ đi học chữ trước khi vào lớp 1 chủ yếu là do tâm lý của phụ huynh. Nhiều người xuất phát từ tâm lý đám đông lo ngại sĩ số lớp đông thì liệu con mình không biết chữ trước có theo kịp bạn bè hay không. Bên cạnh đó còn có tâm lý muốn con biết chữ, viết đẹp và điểm cao ngay sau chỉ một vài tuần vào học. Vì thế, việc cho trẻ học trước chương trình lớp 1 đang là hiện tượng khá phổ biến”.


images667194_a1_tr11.jpg

Trẻ vào lớp 1 cần được tạo tâm lý thoải mái

Lợi bất cập hại

Qua khảo sát của một số giáo viên lớp 1, gần như 100% trẻ đều biết viết, đánh vần trước khi vào học. Tuy nhiên, việc học trước chương trình lớp 1 sẽ lợi bất cập hại.

Cô Phạm Thị Hồng Vân, GV Trường tiểu học Dịch Vọng A, Cầu Giấy (Hà Nội) chia sẻ: Nhiều trẻ được học trước sẽ có kĩ năng đọc tốt, các con sẽ mạnh dạn, tự tin khi đọc sách, báo thậm chí là đọc tốt các đề bài dài, có nhiều chữ trong sách giáo khoa. Những trẻ chậm, việc học trước cũng giúp các con làm quen dần, được lặp đi lặp lại các chữ cái, vần, từ mà nếu không học trước thì nhiều con sẽ cảm thấy tự ti khi thấy các bạn đọc vanh vách mà mình chưa biết đọc. Từ đó các con sẽ có tâm lí ngại đọc, sợ đọc sai, đọc lí nhí vì sợ bạn chê. Hơn nữa, những trẻ được luyện viết trước, kĩ năng viết sẽ thành thục hơn những học sinh chưa bao giờ được học, các con sẽ có nhiều thời gian luyện tập hơn những bạn không học trước.

Tuy nhiên với những trẻ đã biết đọc trước sẽ chủ quan, không quan tâm đến bài học cô dạy trên lớp. Mỗi bài học vần trên lớp không chỉ dạy phát âm đơn thuần mà mỗi âm, vần, tiếng, từ, học sinh cần nhận diện chữ cái, cách phát âm, hiểu nghĩa của từ thông qua bài giảng với những hình ảnh trực quan sinh động. Những học sinh này dễ dẫn đến hiện tượng đọc vẹt, đọc mà không cần quan tâm đến ý nghĩa của từ, của câu nên sẽ dễ dẫn đến viết sai chính tả. Vì được học viết trước nên các em thường có tâm lí chủ quan khi cô hướng dẫn viết, nhiều em vội nên chữ viết cũng sẽ xấu hơn lúc mới tập viết. Với những trẻ chưa được học trước thường có tâm lí hào hứng, chờ đợi bài dạy của cô giáo nên các em lĩnh hội và thực hành tốt hơn.

Theo cô Lê Thu Hà, trẻ đi học trước mà lại không đúng cách thì khi rèn lại thì cực kì khổ. Chẳng hạn như, điểm đặt bút, cách cầm bút sai… Thậm chí là cả ghép âm, ghép vần và đánh vần sai. Kinh nghiệm gần 10 năm giảng dạy lớp 1 của tôi cho thấy, chỉ cần sau nửa học kỳ thôi những cháu đi học và không đi học chữ trước đều bằng nhau.

Nên chuẩn bị tâm lý cho trẻ

Ngày nay các bậc phụ huynh đặt quá nhiều kỳ vọng vào con nhưng lại không tìm hiểu những biến đổi về tâm sinh lý trẻ. Theo cô Lê Thu Hà, điều quan trọng nhất đối với trẻ trước khi vào lớp 1 là chuẩn bị tâm lý cho các con. Hoạt động chủ đạo của các con ở bậc mầm non là vui chơi còn khi vào lớp 1 là học tập nên bao giờ cũng gây ra sự mệt mỏi. Chính vì thế mà các trường hiện nay đưa vào rất nhiều hoạt động vui chơi nghỉ giữa giờ, các hoạt động hoạt tập thông qua các trò chơi để giúp các con đỡ nhàm chán.

Hiện nay các trường đều tổ chức phân hóa đối tượng ngay từ đầu năm học. Không phải chỉ phân hóa cháu biết trước hay chưa biết mà còn phân hóa cả những cháu có khả năng tiếp thu nhanh và tiếp thu chậm hơn. Thông qua đó ngoài việc đảm bảo dạy đúng chương trình đề ra, vào buổi chiều, thầy cô sẽ quan tâm, bảo ban các con chưa tiếp thu kịp hoặc bị học đuối.

Theo cô Phạm Thị Hồng Vân, với sự quan tâm, động viên kịp thời thì những học sinh chưa biết gì sẽ tự tin, mạnh dạn trong học tập còn những học sinh đã biết sẽ phát huy tính tích cực. Những trẻ chưa biết gì, có thể trong 2 tháng đầu của học kỳ 1 tiếp thu kỹ năng, tốc độ viết hơi chậm so với những bạn đã học trước chứ hoàn toàn không phải học dở. Vì vậy, lúc này người lớn đừng tạo áp lực về điểm số làm cho trẻ thêm hoang mang, lo lắng về sự chậm chạp của mình. Thay vào đó phải lắng nghe, chia sẻ để trả lời những thắc mắc, tạo sự vững tin cho các con.
Theo giaoducthoidai.vn
 
×
Quay lại
Top Bottom