Meika
Thành viên
- Tham gia
- 26/12/2023
- Bài viết
- 55
I
XÊDA ĐẾN BUỔI CỰC THỊNH (3)
Xêda có bị tổ cáo là bảo hoàng, nhưng người ta lại công nhận ông là một người trung thực. Cũng có một số nhà buôn ganh tị với hạnh phúc của ông, nhưng dư luận lại cho là ông xứng đáng. Viên đạn bắn vào người ở bậc cấp Xanh Rốc làm ông nổi danh là một người có nhúng vào bí mật của chính giới, một người dũng cảm, mặc dù ông chẳng có chút gan quân sự nào, cũng như chẳng có một ý kiến chính trị nào trong đầu. Nhưng chính dựa trên những dữ kiện ấy, quần chúng lương thiện trong quận cử ông làm chỉ huy quốc dân quân ; chức ấy bị Napôlêông gạt đi, vì theo Birôitô, đó là do sự thù hằn sau cuộc đụng độ hồi tháng Hái Nho. Như vậy, Xêda đã chỉ trả giá rất hời mà có được một bề ngoài nạn nhân bị khủng bố, khiến ông có vẻ hay hay dưới mắt mọi người, và trở thành một nhân vật ít nhiều quan trọng.XÊDA ĐẾN BUỔI CỰC THỊNH (3)
Đây là số phận của vợ chồng nhà ấy, một cặp vợ chồng thường xuyên hạnh phúc, chỉ xáo động đôi lúc vì những nỗi lo âu của nghề thương mại.
Năm đầu tiên, Xêda Birôttô truyền cho vợ mình nghề bán buôn và bán lẻ các chất thơm, nghề đó, nàng thấy rất hợp với mình. Nàng có vẻ như được sáng tạo và ra đời đề giữ vững số bạn hàng. Hết năm đó, tính sổ, con số ghi chép được làm hoảng hốt nhà buôn chất thơm đầy tham vọng : mọi khoản chi phí trừ ra rồi, phải gần hai mươi năm mới có được cái vốn ít ỏi là mười vạn phrăng, con số dự tính phải đạt mới có hạnh phúc. Từ đó, ông quyết tâm làm giàu nhanh hơn, và trước tiên là nối liền việc sản xuất với việc bán lẻ. Trái với ý vợ, ông thuê một cái lều, một số đất vùng ven Tăngplơ, và cho kẻ chữ to tấm biển : Hãng Xêda Birôttô. Ông rủ một người thợ bỏ xưởng ở Grátx cùng bắt đầu gọi là chế tạo một đôi loại xà phòng, tinh dầu và nước hoa Côlôn, theo lối làm ăn chia hai. Hai người chung làm với nhau chỉ được sáu tháng, cuối cùng làm ăn lỗ lã phải thôi, và ông gánh chịu mọi thiệt hại. Nhưng ông không nản chí, bất kỳ giá nào ông cũng muốn đạt kết quả. Lý do duy nhất là khỏi phải vợ rầy rà. Về sau Xêda thú thật với nàng là thời kỳ thất vọng ấy, đầu ông cứ sôi sục như nồi xúp-de và nhiều lần, không có đức tin giữ lại, ông đã đâm đầu xuống sông Xen.
Thí nghiệm không thành, trong lòng buồn bực, một hôm trên đường về nhà ăn cơm, ông lang thang theo dọc các đại lộ. Ở Pari, lang thang thường khi là những kẻ thất vọng chứ không phải chỉ là những người vô công rồi nghề. Trong mấy cuốn sách giá bán chỉ sáu xu bày trong một cái giỏ, dưới đất, mắt ông bị hút vào một tên sách bụi đã bám vàng : Apđơkê, hay là Nghệ thuật gìn giữ sắc đẹp. Ông cầm cuốn sách mạo danh là sách Arập lên, một thứ tiểu thuyết của một thầy thuốc thế kỷ trước, và lật ra một trang có nói về vấn đề mỹ phẩm. Tựa lưng vào một thân cây trên đại lộ, ông lật qua các trang sách và đọc một chú thích trong đó tác giả giải thích bản chất của lớp dưới da và ngoài da, và chứng minh rằng loại kem này hay loại xà phòng nọ đem lại tác dụng ngược với điều mong đợi, nếu kem ấy hay xà phòng ấy lại đem đến cho da màu này sắc nọ trong khi da dẻ chỉ muốn được giãn thư, hoặc lại làm cho da dẻ giãn thư trong khi da dẻ lại đòi hỏi sắc nọ màu kia. Birôttô mua cuốn sách vì thấy trong đó là một kho của. Tuy nhiên, vì ít tin ở sự hiệu biết của mình, ông đến hỏi ông Vôcơlanh, một nhà hóa học nổi tiếng. Ông đặt câu hỏi rất hồn nhiên là cách gì hóa hợp được một loại kem có tác dụng thích hợp với các loại da bản chất khác nhau của con người. Những nhà bác học chân chính, những con người thật sự vĩ đại, với cái nghĩa là sinh thời chẳng bao giờ được cái danh vọng đáng được hưởng do những công trình to lớn nhưng không tên của họ, hầu hết họ có tính hay giúp đỡ và tươi cười với những đầu óc nghèo nàn. Ông Vôcơlanh đỡ đầu nhà buôn chất thơm, cho phép Xêda tự nhận là người sáng chế ra chất kem làm trắng da tay và bày ông ta cách thức hóa hợp. Birôttô đặt tên chất kem ấy là kem nữ hoàng. Để cho công trình được trọn vẹn, ông đem phương pháp chế tạo chất kem dùng cho da tay, vận dụng vào việc chế tạo một loại nước hoa cho da mặt mà ông gọi tên là nước thơm nuôi da. Trong việc làm ăn này, ông bắt chước cách thức của hiệu Chú lính thủy, ông là người đầu tiên trong hàng ngũ buôn chất thơm mở rộng việc phô trương bằng áp-phích lời rao và mọi cách quảng cáo, mà người ta gọi là bịp bợm một cách có lẽ không công bằng lắm.
Kem nữ hoàng và nước thơm nuôi da ra mắt giới ăn diện và buôn bán bằng những áp phích sặc sỡ, trên đầu có dòng chữ : Được Viện hàn lâm chuẩn y ! Công thức này, được sử dụng lần đầu tiên, có một tác dụng thần kỳ. Không những ở nước Pháp, mà cả châu Âu lục địa, đều san sát như treo cờ những áp-phích vàng, đỏ, xanh, của ông vua cửa hiệu Nữ hoàng hoa hồng, người vừa nắm trong tay, vừa cung cấp, vừa sản xuất với giá rẻ, tất cả các món hàng liên quan đến việc làm ăn của mình. Ở cái thời mà mọi người đều chỉ có mỗi một câu chuyện để nói là Phương đông, đoán biết tác dụng kỳ lạ của những chữ như vậy ở một xứ sở mà người đàn ông nào cũng ham làm vua Thổ cũng như người đàn bà nào cũng ham làm hoàng hậu Thổ, đó là một sáng tạo có thể đến với bậc tài trí mà cũng có thể đến với kẻ tầm thường, Có điều công chúng bao giờ cũng xét việc ở kết quả của nó. Và Birôttô cũng được coi là một hạng người siêu đẳng — đó là nói trong nghề buôn bán — khi tự tay mình thảo ra một tờ quảng cáo, trong đó, lối văn buồn cười cũng đã là một nhân tố thắng lợi : ở Pháp, người ta chỉ cười những người, những vật người ta quan tâm, còn chẳng ai quan tâm đến những cái chẳng có kết quả gì. Cho nên, dù Birôttô chưa từng làm trò bậy bạ, người ta vẫn cho ông ta có tài biết làm điều bậy bạ lúc cần. Thật chẳng khó khăn gì để tìm thấy lại một bản in của tờ quảng cáo ấy trong nhà hàng Pôpinô và công ty, bào chế thuốc ở phố Người Lôngba.
Văn bản lạ lùng này thuộc loại giấy má mà trong một giới xã hội cao hơn, nhà sử học mệnh danh là văn bản xác minh. Nó như sau :
Kem nữ hoàng và nước thơm nuôi da
của Xêda Birottô
Phát minh kỳ diệu
Được Viện hàn lâm Pháp quốc chuẩn y.
Từ lâu, một chất kem dùng cho da tay và một loại nước hay dùng cho da mặt đem lại hiệu quả tốt đẹp hơn hiệu quả của nước hoa Côlôn trong nghệ thuật điểm trang là một ước mong phổ biến của cả nam giới lẫn nữ giới ở châu Âu. Sau khi đã bỏ nhiều công thức khuya dậy sớm đề nghiên cứu lớp dưới da và lớp ngoài da ở nam giới và nữ giới, mà cả hai đều hết sức quan tâm đến vẻ dịu dàng, chất mềm mại. màu óng ánh, nước mịn màng của làn da, ngài Birôttô, chuyên gia chất thơm lừng danh chốn thủ đô và ở hải ngoại, đã phát minh được một chất kem và một chất nước, mà mới vừa ra đời đã được quí ông quí bà sành về phục sức của Pari đánh giá rất chính xác là kỳ diệu. Đúng là như thế; kem này và nước này có những thuộc tính kỳ lạ để tác dụng lên làn da mà không làm nó sớm nhăn nheo, hiện tượng này là hậu quả không tránh khỏi của các dược phẩm được sử dụng một cách vô ý thức, từ trước cho đến ngày nay, và do bọn ngu dốt chỉ biết có tiền sáng chế ra. Phát minh này căn cứ trên sự phân chia các tính khí ra làm hai loại, mỗi loại được đánh dấu bằng màu sắc của kem và nước hoa màu hồng dùng cho lớp dưới da và lớp ngoài da của những người có khí chất lãnh đạm, hoặc màu trắng dùng cho những người có khí chất nóng nảy.
Chất kem đặt tên là kem nữ hoàng, vì phát minh này đã từng ra đời với một thầy thuốc Arập nhằm phục vụ cho hoàng cung vua Thổ. Nó được Viện hàn lâm chuẩn y trên cơ sở bản báo cáo của nhà hóa học nổi tiếng của ta, ông Vôcơlanh, cũng như chất nước thơm chế tạo dựa vào nguyên tắc chỉ đạo sự hóa hợp của chất kem kia.
Chất kem quí báu này tiết ra một mùi thơm êm dịu bậc nhất, có khả năng xóa sạch những vết rám khó tẩy nhất, làm cho lớp ngoài da nào cứng đầu nhất cũng trắng nõn nà, và làm tan biến mồ hôi tay mà quí bà lấy làm phiền lòng chẳng kém gì quí ông.
Nước thơm nuôi da làm lặn đi những trứng cá li ti, mà có lúc, bỗng dưng hiện lên trên da mặt quí bà, quí cô, cắt ngang nhiều dự định dành cho hội khiêu vũ ; nó làm cho da dẻ mát dịu, tươi tắn, bằng cách làm cho lỗ chân lông nở ra hay teo lại theo sự đòi hỏi của khí chất ; nó đã nổi tiếng trong việc chặn đứng sự phá hoại của thời gian, đến mức nhiều phu nhân, do xác nhận riêng của bản thân, đã đặt tên cho nó là bạn thân của sắc đẹp.
Nước hoa Côlôn chỉ thuần túy và đơn giản là một chất thơm tầm thường, chẳng có hiệu lực gì đặc biệt, còn kem nữ hoàng và nước thơm nuôi da là hai hóa hợp hiệu nghiệm, có mãnh lực thúc đẩy sự biến đổi của những đức tính bên trong của làn da và nâng đỡ những đức tính ấy mà không hề gây ra nguy hiểm nào. Mùi thơm của cả hai, chủ yếu do tinh dầu thảo mộc ; ngửi rất dễ chịu, đem lại niềm vui cho cả trái tim lẫn trí não một cách rất tài tình, làm cho ý nghĩ được hấp dẫn và được khơi dậy ; cả hai thứ đều khiến người ta ngạc nhiên vì giá trị cũng như vì tính giản tiện của mình ; tóm lại đây là thêm một sức thu hút tặng cho phụ nữ và một phương tiện quyền rũ nam giới có thể tạo ra được.
Đem dùng hằng ngày, chất nước thơm này làm tan ngay cảm giác rát bỏng của lưỡi dao cạo ; nó cũng bảo vệ đôi môi khỏi bị nẻ và giữ được màu son ; nó tẩy sạch dần dần những vết rám đen, và cuối cùng trả lại cho d.a thịt màu hồng hào. Những hiệu quả đó chứng tỏ rằng con người có được sự cân đối hoàn hảo giữa các nội dịch, điều này có xu hướng giải thoát cho những kẻ bị chứng đau đầu khỏi cái bệnh kinh khủng ấy. Và cuối cùng, nước thơm nuôi da, mọi phụ nữ đều có thể dùng được trong mọi công việc vệ sinh của mình, nên nó có thể phòng ngừa mọi thương tổn ngoài da nhưng không gây khó khăn gì cho bài tiết mồ hôi của các cơ, mà lại đưa đến cho các cơ ấy một vẻ mịn màng bền bỉ.
Thư từ gởi không phải dán tem cho ông Xêda Birôttô, thừa kế của Ragông nguyên chuyên gia chất thơm của hoàng hậu Mari Ăngtoanét, ở cửa hàng Nữ hoàng hoa hồng phố Xanh Ônôrê, ở Pari, gần quảng trường Văngđôm.
Giá kem mỗi bánh là ba quan, mỗi chai là sáu quan !
Để tránh cho khách hàng khỏi mua phải đồ giả, ông Xêda Birôttô báo trước quí khách rằng kem bán được phong trong giấy có chữ ký của mình, còn các chai đều có con dấu in trên vỏ chai.
Điều mà Xêda không thể ngờ đến là sự thành công của việc quảng cáo này lại nhờ ở Côngxtăng. Theo lời khuyên của vợ, ông ta gởi nước thơm nuôi da và kem nữ hoàng từng hòm cho tất cả những nhà buôn chất thơm trong nước và ngoài nước, cam kết dành cho họ khoản lãi 30% nếu họ đồng ý mua từng chục tá. Trên thực tế, chất kem và nước thơm này có giá trị hơn các chất thơm cùng loại và quyến rũ được những kẻ dốt nát bằng luận điệu phân biệt các tính khí ! con số năm trăm nhà buôn chất thơm trong nước Pháp, cắn câu vì món lãi, mỗi năm mua ở hiệu Birôttô mỗi người hơn ba nghìn tá kem và nước ; mức tiêu thụ như vậy, số lượng hàng đồ sộ thật nhưng lãi không được bao nhiêu. Bây giờ Xêda có thể mua mấy căn nhà tàng tàng và mấy miếng đất quanh vùng Tăngplơ. Ông cất mấy xưởng rộng và trang hoàng lộng lẫy hãng buôn Nữ hoàng hoa hồng của mình. Hai vợ chồng cảm thấy đời sống thoải mái và có những hạnh phúc nho nhỏ. Côngxtăng không còn run sợ nhiều nữa.
Năm 1810, Bà Xêda đoán trước nhà cho thuê sẽ lên giá ; bà giục chồng nhận thuê hầu hết ngôi nhà họ đang có cửa hiệu và gác lửng, dể họ dời buồng ở lên lầu một. Một trường hợp may mắn đã khiến Côngxtăng phải nhắm mắt làm lơ trước những món xa xỉ mà Xêda đã phung phí cho mình trong căn buồng : ông nhà buôn chất thơm vừa được bầu làm thẩm phán ở tòa án thương mại. Tính trung thực, óc tinh tế có tiếng, uy tín của ông trong dư luận, đã đưa ông đến chức vị ấy, và từ đó ông được xếp vào hàng những nhà buôn tên tuổi của Pari. Để hiểu biết thêm, năm giờ sáng ông đã dậy đọc các chương các điều trong luật, các sách bàn về các vụ tranh chấp trong thương nghiệp. Trực giác của ông về sự đúng đắn, tính thẳng thắn, lòng thiện ý là những đức tính trọng yếu trong việc đánh giá những trường hợp khó khăn phải đưa ra xét xử ở tòa án thương mại ; những đức tính ấy giúp ông trở thành một trong những thẩm phán được tín nhiệm nhất. Mấy tật xấu của ông cũng góp phần làm ông nổi tiếng. Khi nhận thức được chỗ yếu kém của mình, Xêda sẵn sàng nghe theo sự sáng suốt của đồng nghiệp, và những người này lấy làm hãnh diện được ông ta nghe theo một cách kỳ lạ như vậy. Có người thấy cách sống im lặng ngồi nghe như thế là cách im lặng tán thành của con người được tiếng sâu sắc ; kẻ khác hớn hở trước thái độ khiêm tốn, hiền hậu của ông lại ca ngợi ông. Những người phải ra trước tòa án đều khen ông độ lượng, có tinh thần hòa giải, và lắm khi ông được yêu cầu đứng ra làm trọng tài trong nhiều vụ tranh chấp. Những lúc ấy lương tri khơi gợi cho ông một lối xét xử vừa hành chính vừa tôn giáo, như lối xét xử thẩm phán đạo Hồi. Trong suốt thời gian thi hành chức vụ, ông ta biết tạo cho mình một ngôn ngữ nhồi đầy những lời khuôn sáo, điểm điểm những chân lý hiển nhiên và những tính toán, cân nhắc. Tất cả những thứ đó diễn ra thành những câu văn tròn trĩnh, nói ra bằng một giọng nhẹ nhàng, khiến cho những lỗ tai hời hợt nghe như có âm vang của sự hùng biện. Cái đa số trời sinh tầm thường, chung thân đày vào kiếp làm lụng, vào cách nhìn thấp kém, cái đa số ấy họ thích như thế. Xêda mất nhiều thời gian cho công việc tòa án đến nỗi bà vợ phải buộc ông từ nay về sau phải từ chối cái vinh dự quá ư tốn kém ấy. Vào năm 1813, nhờ sự gắn bó với nhau thường xuyên, và sau khi đi vào đường đời một cách dung tục, đôi chồng ấy cảm thấy một kỷ nguyên thịnh vượng đã bắt đầu, mà hình như không có gì có thể đến làm cho đứt đoạn. Ông bà Ragông, tiền bối của hai vợ chồng ; ông chú Pidơrô ; ông Rôganh, chưởng khế ; gia đình Matipha, bào chế ở phố người Lôngba, khách hàng quen của Nữ hoàng hoa hồng ; Giôdép Lơba, nhà buôn dạ thừa kế gia đình Ghiôm ở cửa hàng Mèo đánh ống, một trong những ánh sáng của phố Xanh Đơni ; thẩm phán Pôpinô, anh bà Ragông; ông Sipphrơvin ở nhà hàng Prôtê và Sipphrơvin ; ông bà Côsanh làm công ở Ngân khố và chung vốn với gia đình Matipha ; tu sĩ Lôrô, cha xưng tội và cha chăm lo phần hồn của những kẻ ngoan đạo trong xóm này ; mấy người khác nữa ; đó là tất cả bạn hữu của hai vợ chồng. Mặc dù những thiên hướng bảo hoàng của Birôttô, dư luận công chúng vẫn ủng hộ ông, và ông được tiếng là một người rất giàu có, dù ông chỉ mới có mười vạn phrăng ngoài con số buôn bán làm ăn. Công việc kinh doanh đều đặn, cách xử sự đúng mực, thói quen không chịu nợ một thứ gì ; không bao giờ chiết khấu trong chứng khoán của mình, và ngược lại, thường nhận những giá khoán chắc chắn cho những kẻ mà ông thấy có thể giúp ích, đức tính ân cần, tất cả đem đến cho ông một sự tín nhiệm to lớn. Nói cho đúng, ông kiếm được nhiều tiền thật ; nhưng các việc kiến thiết này nọ hút mất đi khá nhiều. Nhà ở cũng tổn mỗi năm gần hai mươi nghìn phrăng. Cuối cùng, việc giáo dục Xêdarin, đứa con gái độc nhất, mà cả hai vợ chồng đều nuông chiều như nhau cũng đòi hỏi nhiều chi phí lớn. Họ chẳng muốn rời con ra chút nào và khi cần làm vui cho con gái, cả vợ lẫn chồng không hề tiếc gì tiền bạc. Hãy tưởng tượng xem anh nông dân nghèo hãnh tiến ấy sung sướng bao nhiêu khi nghe con gái kiều diễm của mình diễn tập trên dương cầm một bản xônát của Xtâyben, hay hát một bài tình ca ; khi thấy con gái viết tiếng Pháp thông thạo, khi ca ngợi con gái đọc cho mình nghe Raxin cha và Raxin con rồi cắt nghĩa những cái hay, cái đẹp, hoặc vẽ một phong cảnh hay họa một tranh màu ! Hạnh phúc làm sao khi thấy mình sống lại trong một đóa hoa xinh tươi trong trắng ngần ấy, một đóa hoa chưa từng rời cành mẹ, tóm lại một thiên thần mà những vẻ yêu kiều đang độ này nở, những sự phát triển đầu tiên đều được bố mẹ theo dõi một cách say sưa ! Một cô con một, không có khả năng khinh khi hay chế giễu sự vô học của bố mình, bởi vì đúng biết bao nhiêu, em là thiếu nữ !
Hồi đến Pari, Xêda biết đọc, biết viết, và biết tính, nhưng học vấn của ông dừng ở đó. Cuộc sống vất vả không cho phép ông thu nhận thêm những ý kiến, những kiến thức ngoài phạm vi buôn bán chất thơm. Thường xuyên chung đụng với những người thờ ơ với khoa học, với văn chương, mà học vấn chỉ bao gồm có chuyên ngành riêng ; không có thì giờ để học lên cao, anh nhà buôn chất thơm trở nên một con người thiết thực. Tất yếu tiêm nhiễm những cách ăn nói, những sai lầm, những ý kiến của anh tư sản Pari, một người ca ngợi Môlie, Vônte và Rutxô trên cửa miệng, mua tác phẩm văn học nhưng không đọc ; bảo vệ ý kiến cho rằng phải gọi cái ngăn kéo là ngân khiếu, bởi vì ngày xưa các bà cất tiền bạc của mình trong đó, và do đọc chệch mà thành ra ngăn kéo. Pôchiê, Tanma, cô Mácx là những kẻ mười lần triệu phú, và cách ăn ở không giống như mọi người : nhà kịch sĩ nổi danh thì ăn thịt sống ; cô Mácx thỉnh thoảng vung vãi châu ngọc như đất bùn đề bắt chước một đào hát tên tuổi của Ai Cập. Hoàng đế có nhiều túi bằng da ở áo gilê để có thể bốc từng vốc thuốc, ngài cưỡi ngựa phi lên bậc thang của vườn cam ở Vécxay. Văn sĩ, nghệ sĩ chết ở bệnh viện vì những độc đáo của mình ; họ đều vô thần cả, chớ có đón họ vào nhà mình. Giôdép Lơba kể chuyện đám cưới cô em dâu Ôguýxtin của mình với họa sĩ Xommecviơ bằng một giọng kinh hoàng. Các nhà thiên văn sống bằng nhện. Những điểm sáng trên đây trong sự hiểu biết của họ về tiếng Pháp, về nghệ thuật sân khấu, về chính trị, về văn học, về khoa học, cho thấy cái tầm của các trí tuệ tư sản này. Một thi nhân đi phổ Người Lôngba, ngửi thấy đôi mùi hương, liền có thể mơ tưởng đến châu Á. Ông ta có thể ngắm nhìn những cô vũ nữ trong một vũ đình, khi ngực thở mùi hương bài, Ngạc nhiên vì ánh ngời cánh kiến, ông ta có thể gặp lại những bài thơ Bàlamôn, các tôn giáo và đẳng cấp của nó. Vấp phải ngà nguyên dạng, ông ta lại leo lên lưng voi, trong một cái lồng bằng sa, và làm tình trong đó như vua xứ Lahor. Tuy nhiên, kẻ buôn nhỏ không hề biết những sản vật chính họ buôn là từ đâu đến và sinh trưởng ở đâu. Birôttô nhà buôn chất thơm, không biết mảy may gì về sinh vật cũng như về hóa học. Nhìn Vôcơlanh như một vĩ nhân, ông ta coi ông như một ngoại lệ; ông ta cũng cỡ như anh hàng tạp hóa ở vùng xa tóm tắt một cuộc tranh luận về cách mang chè từ xa đến kiểu láu lỉnh như sau : Chè đến đây chỉ có hai cách : « bằng thương đoàn hay bằng cảng Lơ Havr. » Theo Birôttô, lưỡi hổ và thuốc phiện chỉ thấy ở phố Người Lôngba. Nước hoa hồng ngỡ là xuất từ Côngxăngtinôp, té ra, cũng như nước hoa Côlông đều chế tạo ở Pari. Những tên địa phương ấy chỉ là hư ngôn bịa ra để làm vui lòng người Pháp vì họ không chịu được cái gì của xứ họ. Một anh nhà buôn Pháp phải khoe phát minh của mình là của người Anh thì hàng mới được ưa chuộng, cũng như ở Anh, anh lang băm lại nói phát minh của mình là từ bên nước Pháp. Tuy nhiên, Xêda không bao giờ lại có thể hoàn toàn là một thằng ngu hay một thằng ngốc: đức trung thực, tính tốt bụng làm cho mọi hành vi của ông trong cuộc sống ánh ngời lên khiến cho hành vi ấy trở thành đáng trọng, bởi vì một việc tốt có thể khiến người ta chấp nhận bất kỳ sự ngu dốt nào. Được thành công luôn luôn như vậy, ông thấy tin ở mình. Ở Pari, đức tự tin được công nhận là đáng cầm quyền, vì nó là dấu hiệu của quyền lực. Vợ ông ba năm sau ngày cưới, hiểu biết rõ ông, nên trong lòng không lúc nào hết run sợ ; thì ra, trong cảnh khăng khít của hai vợ chồng, cô tiêu biểu cho phần sáng suối, biết lo xa, phần hoài nghi, đối lập, lo sợ; cũng như Xêda là tiêu biểu cho quả cảm, tham vọng, hành động, hạnh phúc không tả nổi của thời vận. Mặc dù bề ngoài nọ kia, anh nhà buôn vẫn là gan thỏ, trong khi cô vợ thật sự lại là người kiên trì và dũng cảm. Như vậy, một anh đàn ông nhút nhát, tầm thường, không học vấn, không chính kiến, không tri thức, không tính cách, và đáng lẽ không thể nào thành công được ở chỗ đứng trên bậc nhất của xã hội, lại nhờ cách ăn ở, nhờ trực cảm về sự đúng đắn, nhờ đức nhân hậu của một một tâm hồn thật sự theo Chúa, nhờ tình yêu đối với người đàn bà độc nhất anh đã chiếm được, mà được dư luận cho là một người có danh vọng, dũng cảm và đầy quyết đoán. Công chúng thì chỉ nhìn thấy ở các kết quả. Ngoài Pidorô và thẩm phán Pôpinô, những kẻ khác trong vòng tới lui quen biết, chỉ nhìn thấy Xêda hời hợt bên ngoài, nên không thể phán đoán về ông. Thật ra, số hai ba mươi bạn bè ấy hội họp với nhau cũng chỉ nói bấy nhiêu điều nhảm nhí, lặp đi lặp lại bấy nhiêu khuôn sáo như nhau, và coi nhau như là hạng người thượng lưu trong giới mình. Các bà thì xông vào tiệc tùng, chung diện ; chỉ một tiếng khinh thị đối với chồng là mỗi bà đã nói hết về chồng mình. — Riêng Bà Birôttô có được cái lương tri là đối với chồng mình bao giờ cũng tôn trọng và kính nể trước mặt mọi người. Bà biết chồng mình, mặc dù có những kém cỏi bên trong, vẫn là người làm ra sự nghiệp của họ, và ông được vì nể thì bà cũng được dự phần. Có điều, có khi là cũng tự hỏi, nếu tất cả những người ngỡ là thượng lưu mà như chồng mình cả, thì xã hội sẽ ra làm sao ! Thái độ ấy của bà giúp vào việc giữ vững lòng tin cậy và kính trọng dành cho anh nhà buôn không phải ít, ở cái xứ mà các bà vợ đều có thiên hướng coi thường và kêu ca về chồng mình.
Những ngày đầu năm 1814, cái năm tai họa cho nước Pháp đế chế, ở gia đình Birôttô xảy ra hai sự biến. Đối với mọi gia đình khác thì như vậy cũng chẳng gì đáng ghi nhớ, nhưng lại có khả năng gây ấn tượng mạnh mẽ đến những tâm hồn giản dị như Xêda và vợ mình, bởi nhìn lại quá khứ, họ chỉ thấy toàn những cảm xúc êm dịu. Họ nhận vào làm trưởng ký một anh thanh niên hai mươi hai tuổi, tên là Phecđinăng xứ Tidê. Chàng trai này vừa thôi việc ở một cửa hàng chất thơm, ở đó người ta từ chối không cho hắn tham dự vào tiền lãi. Hắn lại được coi là một kẻ có tài, hắn hoạt động rất nhiều để được vào cửa hiệu Nữ hoàng hoa hồng, ở đó, con người, lực lượng và thói quen ăn ở trong nội bộ, hắn đều biết cả. Birôttô đón hắn và trả lương một nghìn phrăng, trong bụng định sau này sẽ lấy hắn làm kẻ thừa kế. Do đó, ảnh hưởng của hắn đối với số phận của gia đình này quan trọng đến nỗi cần thiết phải nói qua. Đầu tiên, hắn xưng đơn giản là Phécđinăng, họ nhà hắn. Giấu tên giấu tuổi như vậy có cái lợi lớn vô cùng, vào lúc Napôlêông ép các gia đình để bắt lính. Sự thật, hắn sinh ra là kết quả của một cơn kh.oái lạc ngông cuồng và hung bạo. Sau đây là vài nét ít ỏi nhặt nhạnh được về lý lịch của hắn. Năm 1793, một thiếu nữ tội nghiệp ở Tidê, một xóm nhỏ gần Angđơlit, đang đêm, trốn vào sinh nở trong ngôi vườn của linh mục nhà thờ địa phương, sau đó, đến đập cửa nhà thờ rồi đi trầm mình. Linh mục từ thiện nhặt đứa bé về nuôi, lấy tên thánh ghi trên lịch ngày hôm đó đặt tên cho nó, và săn sóc như con mình. Ông linh mục mất năm 1804, không để lại gia tài, mặc dù của cải thừa để bảo đảm sự giáo dục mới bắt đầu của thằng bé. Hắn bị vứt vào Pari và sống cuộc đời kẻ cắp, mà những ngẫu nhiên có thể đưa đến hoặc máy chém hay giàu sang, đến nghề trạng sư hay nghề võ biền, đến nghiệp buôn bán hay nghiệp ở. Bắt đi buộc phải sống cuộc đời một tên đầy tớ chính cống, hắn trở thành một anh ký chào hàng, rồi ký lục buôn chất thơm ở Pari. Hắn đi khắp nước Pháp, tìm hiểu thiên hạ, rồi trở về Pari và lập tâm phải thành công trong nghề với bất kỳ giá nào. Năm 1813, hắn thấy cần phải xin xác nhận tuổi tác và một bản lý lịch cho bản thân. Hắn làm đơn xin tòa án ở Angđơlit. Tòa án quyết nghị chuyên giấy chứng nhận rửa tội lưu trong số bộ nhà thờ sang số bộ sở thị chính. Hắn yêu cầu và được người ta đồng ý ghi thêm vào cái tên xứ Tidê, với lý do là tên ấy đã được yết ở trụ sở xã. Từ đó hắn được gọi bằng cái tên ấy : Phécđinăng xứ Tidê. Không cha, không mẹ, không ai đỡ đầu ngoài ông biện lý, tứ cố vô thân trên đời, chả nợ nần ai sất, hắn coi đời là mụ dì ghẻ và đối xử với đời rất tàn nhẫn. Hắn chỉ đi theo có tiếng gọi của lợi ích riêng, và mọi phương tiện làm giàu hắn đều cho là tốt. Con người Noocmăng này, trời sinh có những khả năng nguy hiểm, vốn rất ham tiến thân, lại thêm vào đó những cố tật gay gắt mà người đời thường gán bừa cho những ai sinh trưởng ở tỉnh hắn. Đầu óc hay lý sự cùn, nhưng nhờ cách ăn ở cũng mềm mỏng nên người ta bỏ qua. Hắn đúng là một tay hay cãi bướng trong tài phán, có điều, hắn chỉ bài bác quyết liệt quyền lợi người khác ; chứ đến quyền lợi riêng hắn thì hắn không chịu nhường tí gì ; hắn nắm đối thủ đúng thời cơ, hắn quần cho phát chán bằng một quyết tâm không lay chuyển. Tài năng chủ yếu của hắn là tài năng của những đầy tớ láu lỉnh trong hài kịch cổ : rất phong phú về mánh khóe, rất tài tình khi đến gần kề bất chính, rất ngứa ngáy muốn lấy ngay những gì đúng ra phải giữ lại. Tóm lại, hắn có ý định vận dụng vào sự nghèo túng của mình khẩu hiệu mà tu sĩ Teray tuyên bố nhân danh nhà nước, với điều kiện rồi về sau sẽ làm người lương thiện vậy. Hắn hoạt động say mê. Hắn có thứ gan dạ của nhà quân sự, dám đòi hỏi mọi người phải làm một việc gì hoặc tốt hoặc xấu, bằng cách đem thuyết lợi ích cá nhân chứng minh cho sự đòi hỏi của mình. Hắn quá khinh người vì tin rằng ai cũng có thể mua chuộc được. Hắn chả thèm tinh tế trong việc lựa chọn các phương tiện, vì phương tiện nào hắn cũng cho là tốt cả. Mắt hắn chỉ đăm đăm vào thành công và tiền bạc cũng như vào sự xá miễn của lương tâm, đến nỗi không chóng thì chày hắn cũng đạt đến thắng lợi. Một con người như vậy, đứng giữa nhà tù và bạc triệu, nhất định phải có tính thù hằn, độc đoán, quyết định mọi việc rất nhanh, nhưng lại hư ngụy như một Cromoen, kẻ thù của sự trung thực. Đằng sau đức tính chế giễu và dễ dãi của hắn là sự sâu sắc nước đời. Mới là một anh ký buôn chất thơm, nhưng tham vọng thì vô bờ. Hắn bao quát cả xã hội bằng một cái nhìn hờn căm và nghĩ bụng : « Mày sẽ thuộc về tao ! » Hắn thề với mình đến tuổi bốn mươi hắn mới lấy vợ, và hắn giữ lời. Về hình thức, hắn là một thanh niên dong dỏng, tầm vóc dễ coi, dáng điệu nước đôi khiến hắn lúc cần có thể chan hòa với mọi xã hội. Vẻ mặt gian hoạt mới nhìn cũng đáng ưa, nhưng tiếp xúc mãi, về sau, người ta sẽ bắt chợt những vẻ gì khác, thường hay in lên nét mặt những kẻ không bằng lòng mình, mà lương tâm nhiều lúc nổi lên cau có. Sắc mặt rất hồng hào dưới làn da mềm mại của người Noocmăng, màu khá sặc sỡ. Cặp mắt trắng dã, tròng đen đục lờ, có một cái nhìn nghiêng nghiêng, nhưng dữ tợn những khi nó nhằm thẳng vào nạn nhân. Giọng nói lại khăn khăn như của người đã nói quá lâu. Đôi môi mỏng không đến nỗi không có duyên ; nhưng sống mũi nhọn, cái trán hơi đồ lại nói lên rằng chủ nhân chẳng phải là con nhà. Cuối cùng làn tóc màu như tóc nhuộm, là dấu hiệu của một dòng máu lai : sự thông minh là nguồn gốc ở một vị vương hầu ăn chơi, chỗ thấp hèn là của một cô gái quê bị quyến rũ, còn hiểu biết là do một sự giáo dục dở dang, và thói xấu là do hoàn cảnh vô thừa nhận. Birôttô lấy làm ngạc nhiên hết sức khi biết anh ký nhà mình ra đi quần áo rất diêm dúa và trở về rất khuya, từ hội khiêu vũ ở nhà các chủ ngân hàng, hoặc ở nhà các chưởng khế. Lối sống ấy Xêda không thích : ông quan niệm một ông ký là phải nghiên cứu sổ sách của cửa hiệu mình, và chỉ nghĩ đến có ván bài làm ăn của mình. Ông nhà buôn chất thơm khó chịu vì những trò ngớ ngẩn, ông bảo nhẹ hắn rằng hắn mặc vải quá mịn, hắn dùng danh thiếp đề tên là : Ph. xứ Tide ; lối ấy, theo thương pháp, là chỉ những người sang trọng mới dùng. Thật ra, hắn đến nhà anh Oócgông này là với dụng tâm của Táctuyp; hắn xun xoe quanh bà Xêda, thử quyến rũ bà, còn đối với ông chủ, hắn cũng đánh giá y như bà chủ, chỉ có nhanh chóng một cách đáng sợ thôi. Tuy kín đáo, dè dặt, cần nói mới nói, Tidê cũng bộc lộ quan điểm của hắn về con người và cuộc đời, cốt làm hoảng sợ người thiếu phụ rụt rè, chỉ biết chia xẻ những tín ngưỡng của chồng mình, và coi bất kỳ việc gì không đúng với đồng loại, dù là nhẹ nhất, cũng như một tội ác. Mặc dù bà Birôttô đã hết sức khôn khéo, nhưng Tidê cũng đoán thấy được bà khinh hắn. Hắn biên mấy bức thư tình cho Côngxtăng và không lâu bà cảm thấy hắn có sự thay đổi trong cử chỉ, và đổi với bà, hắn làm ra những dáng vẻ đắc thắng để người ngoài tin bà đã có sự đồng tình. Không nói cho chồng biết những lý do bí mật, bà khuyên chồng cho hắn thôi việc. Birôttô đồng ý với vợ về điểm ấy. Việc anh ký lục thôi việc thế là được quyết định. Ba ngày trước khi đưa hẳn ra khỏi cửa hiệu, một buổi chiều thứ bảy, Birôttô kiểm soát lại két, thì thấy hụt mất ba nghìn phrăng. Ông kinh ngạc một cách ghê gớm. Chẳng phải vì số tiền mất đi là chính, mà vì những nỗi nghi ngờ nhằm vào ba người ký lục, người đàn bà nấu bếp, anh trông hàng, và mấy người thợ quen. Biết qui cho ai ? Bà Birôttô không bao giờ rời khỏi quầy hàng. Người ký lục phụ trách két là cháu ông Ragông tên là Pôpinô, một thanh niên mười tám tuổi, ăn ở trong nhà, tính tình ngay thẳng như chính sự ngay thẳng. Con số tính toán không phù hợp với khoản tiền trong két, chứng tỏ có sự thiếu hụt và việc ăn cắp đã xảy ra rau khi két đã cân đối sổ vào ra. Hai vợ chồng quyết định giữ im không nói gì và trông coi kỹ trong nhà.
Hôm sau, chủ nhật, hai vợ chồng tiếp các bạn bè. Các gia đình nằm trong thứ tổ chức này lần lượt đặt tiệc đãi nhau. Trong khi chơi bài, ông chưởng khế Rôganh đặt lên thảm mấy đồng lu-i cũ mà cô Xêda được cô bạn mới cưới, cô Đetxpa, tặng cho mấy hôm trước.
— Ông này đã cuỗm hộp tiền làm phúc rồi, Birôttô vừa cười vừa nói.
Rôganh cho biết ông đã ăn được tiền đó của Tidê nơi nhà một chủ ngân hàng, và Tidê công nhận câu trả lời của ông ta mà không có chút thẹn thùng nào. Còn ông nhà buôn chất thơm, ông ta mặt lại đỏ bừng. Tiệc tối tan, lúc Phecđinăng sắp sửa đi ngủ, Birôttô kéo hắn vào kho hàng lấy cớ có việc làm ăn cùng bàn.
— Tidê này, con người tốt bụng ấy nói, trong két nhà tôi thiếu mất ba nghìn phrăng, và tôi chẳng thể nghi cho ai ; trường hợp mấy đồng lu-i sao mà có vẻ buộc tội anh quá rõ khiến tôi không thể không nói với anh lời nào. Vì vậy, chúng ta không nên đi ngủ trước khi tìm ra chỗ làm lẫn. Có thể là anh đã nhận dần trước một số trong tiền công của anh.
Tidê nói thực là chỉ có lấy mấy đồng lu-i. Birôttô đi mở sổ cái ra ; trong sổ cái, khoản tiền công của hắn đã nhận chưa được ghi vào.
— Tôi vội, lẽ ra tôi phải nhờ Pôpinô ghi hộ số tiền.
— Đúng như thế, Birôttô nói, trong bụng lấy làm lạ trước vẻ phớt lờ của hắn. Còn hắn thì biết rõ những con người tốt bụng mà hắn đã đến giúp việc trong nhà với ý định làm giàu ở đó.
Ông nhà buôn chất thơm và người ký lục của mình thức suốt đêm để kiếm lại mọi việc tính toán mà một con người đứng đắn như ông biết là vô ích. Vừa đi đi lại lại, ông dúi ba tờ giấy một nghìn phrăng vào két, dán sát vào thành ngăn kéo, rồi, giả vờ quá mệt, làm ra vẻ ngủ và lên tiếng ngáy. Tidê bỗng đánh thức ông dậy, vẻ đắc thắng, và để lộ một nỗi vui quá đáng, bởi hắn coi như đã làm sáng tỏ được sự nhầm lẫn. Ngày hôm sau, Birôttô công khai khiến trách trước mọi người cậu Pôpinô, vợ mình, và tỏ ra giận dữ vì tính bất cần của họ. Nửa tháng sau, Phecđinăng xứ Tidê vào làm cho một nhà buôn chứng khoán. Hắn tuyên bố nghề chất thơm không hợp với hắn, nên hắn muốn nghiên cứu nghề ngân hàng. Ra khỏi nhà Birôttô, hắn nói nặng về bà Xêda như có vẻ hắn bị chủ đuổi vì ghen tuông. Mấy tháng sau, hắn đến gặp chủ cũ, và đòi bảo chứng dùm hai vạn phrăng, để thêm vào cho đủ số tiền đảm bảo người ta đòi hắn trong một áp phe có khả năng đưa nó vào con đường làm giàu. Nhận thấy Birôttô kinh ngạc khi nghe những lời vô liêm sỉ ấy, Tidê nhăn mày hỏi có phải ông không tin hắn chăng. Ông Matipha và hai nhà buôn đang giao dịch với Birôttô nhìn thấy ông nổi giận nhưng kiềm chế được không thịnh nộ trước mặt họ. Tidê có thể đã trở nên lương thiện. Lỗi lâm của hắn trước đây có thể do một con tình nhân đang tuyệt vọng gây ra, hay là vì hắn muốn thử một ván đỏ đen trong sòng bạc. Lời khiển trách công khai của một người lương thiện có thể sẽ xô đẩy vào vòng tội ác và hoạn nạn một con người đang trẻ trung và biết đâu đang trên đường hối cải. Vị thiên thần ấy liền cầm bút lên ký bảo chứng vào các phiếu của Tidê, vừa ký vừa nói rằng ông sẵn lòng giúp tí việc này cho một thanh niên đã có công nhiều với mình. Ông thấy như máu nóng trào lên mặt khi nói ra lời nói dối để làm ơn ấy. Tidê không dám nhìn thẳng vào mắt ông. Chính lúc đó, trong lòng hắn lại căm thù ông không thôi cũng như thiên thần của bóng tối căm thù không thôi thiên thần của ánh sáng. Hắn cầm rất vững cây gậy thăng bằng trong khi nhảy múa trên sợi dây cứng ngắt của những vụ đầu cơ tài chính, đến nỗi hắn vẫn luôn luôn tỏ ra bề ngoài sang trọng, diêm dúa, trước khi trở thành diêm dúa, sang trọng thực sự. Sắm được chiếc xe ngựa, hắn không chịu rời nửa bước. Hắn đứng vững trong giới thượng lưu, ở đó người ta trộn lẫn thú ăn chơi với công việc làm ăn, coi hậu trường của Nhà hát nhạc kịch như là chi nhánh của Thị trường chứng khoán, của những kẻ lý tài thời bây giờ. Nhờ Rôganh mà hắn làm quen hồi ở trong nhà Birôttô, hắn tràn rất nhanh vào xã hội những nhân vật tài chính chóp bu. Lúc đó thì Phecđinăng xứ Tidê đạt đến sự phồn vinh thật sự, không chút gì giả dối nữa. Có quan hệ tốt với hãng Nuyxanhgiăng, nơi mà Rôganh xin cho hắn bước chân vào, không bao lâu hắn kết liên với anh em Kenle, với giới ngân hàng lớn. Chả ai biết hắn lấy đâu ra số vốn kếch sù mà hắn điều khiển, tuy vậy, người ta vẫn cho hắn hạnh phúc là nhờ ở trí thông minh và tính trung thực.
Thời Phục tích quân chủ, Xêda trở thành một nhân vật quan trọng, và cơn lốc của những khủng hoảng chính trị, tự nhiên làm ông quên hết hai sự biến xảy ra trong nhà mình. Những chính kiến bảo hoàng bất di dịch mà ông đã rất thờ ơ từ dạo bị thương, nhưng vẫn giữ kỹ theo nghi lễ, câu chuyện về đức trung thành của ông tháng Hái Nho, khiến ông được nhiều vị to lớn chở che, chính vì ông chẳng yêu cầu một điều gì. Ông được cử làm tiểu đoàn trưởng trong quốc dân quân, dù ông không lặp nổi một khẩu lệnh chỉ huy. Năm 1815, Napôlêông vốn mãi mãi là kẻ thù của Birôttô, trở thành kẻ ghét cay đắng của bọn người tự do trong khu phố. Bởi vì năm ấy, trong giới thương nhân từ trước đến đó vẫn nhất trí cái nguyện vọng được yên ổn, vì có yên ổn mới buôn bán được, lại bắt đầu có sự chia rẽ về chính trị. Phục tích lần thứ hai thì chính quyền nhà vua phải thay đổi nhân viên thị chính. Ông quận trưởng muốn cử Birôttô lên làm thị trưởng. Nhưng nhờ vợ mình, ông nhà buôn chất thơm chỉ nhận chức phụ tá cho người mình bớt nổi bật. Cử chỉ khiêm tốn ấy tăng thêm khá nhiều sự tín nhiệm trong lòng mọi người và mang lại cho ông tình bạn của ngài thị trưởng, ông Phlamê Đơ La Bidacđie. Birôttô đã từng thấy ông ta đến hiệu Nữ hoàng hoa hồng thời gian ở đó đang còn dùng làm chỗ ẩn giấu những âm mưu bảo hoàng, nên đã nêu tên ông ta cho ông quận trưởng quận Xen, khi ông này hỏi ý kiến nên chọn lấy ai. Ông bà Birôtttô không bao giờ thiếu tên trong số khách mời của ông thị trưởng. Bà Xêda thường lạc quyên ở Xanh Rốc trong giới những người thượng lưu. Khi có vấn đề phân phối những huân chương được cấp cho số nhân viên tòa thị chính, La Bidacđie lại ủng hộ sốt sắng Birôttô bằng cách nhấn mạnh vào việc bị thương ở Xanh Rốc, vào sự gắn bó của ông đối với dòng Buốcbông, và vào uy tín của ông trong xã hội. Trong khi dùng cách ban phát thật nhiều huân chương Bắc Đẩu bội tinh để quật đổ sự nghiệp của Napôlêông, nhằm tạo cho mình những môn hạ trung thành, và lôi cuốn về với họ Buốcbông các ngành thương nghiệp, các nhà nghệ thuật, các nhà khoa học, thì nội các cũng lôi luôn Birôttô vào loạt người được thưởng sắp tới. Ân huệ ấy, nhịp nhàng với ánh sáng từ con người Birôttô chiếu ra trong quận mình, đặt ông vào một địa vị, mà ở đó, các ý nghĩ của một con người xưa nay luôn luôn thành công như ông, chắc chắn phải phình to lên nhiều. Ông thị trưởng vừa cho hay là ông được đề nghị ban thưởng, thì chính cái tin đó là lý lẽ cuối cùng khiến ông nhà buôn chất thơm quyết định lao vào vụ đầu cơ ông vừa trình bày với vợ để từ bỏ càng nhanh càng tốt nghề chất thơm, ngoi lên xã hội tư sản thượng đẳng của Pari.