XÊDA BIRÔTTÔ ( 1 ) - Lê Chí Viễn dịch

Meika

Thành viên
Tham gia
26/12/2023
Bài viết
53
I
XÊDA ĐẾN BUỔI CỰC THỊNH​


Đêm mùa đông, phố Xanh Ônôrê chỉ yên lặng trong chốc lát, xe cộ người xem hát, người khiêu vũ nhốn nháo kéo về hết thì những người hàng rau lại tiếp theo nhốn nháo kéo nhau đi ra chợ thành. Trong bản hòa tấu mênh mông của Pari huyên náo, điểm lặng ấy thường bắt gặp vào khoảng một giờ sáng. Vào lúc đó, bà vợ ông Xêda Birôttô, nhà buôn và sản xuất chất thơm, dựng nghiệp gần quảng trường Văngđôm, bỗng giật mình thức giấc vì một giấc mơ khủng khiếp. Bà chủ hàng chất thơm thấy mình hóa làm hai : bà hiện lên trước chính mắt bà thành một người rách rưới, đang đưa bàn tay khô khốc và nhăn nheo vặn quả đấm cửa của chính ngôi hàng mình, và cũng chính bà vừa đứng ngoài ngưỡng cửa, vừa ngồi trên ghế bành trong quầy hàng, bà ngửa tay xin chính bà bố thí, bà nghe chính giọng mình nói ngoài cửa và trong quầy. Bà muốn bíu lấy áo chồng mình nhưng tay bà đặt vào một chỗ lạnh tanh. Lo sợ đến hãi hùng, cổ bà cứng đờ, cuống họng thắt lại, nói không ra tiếng, bà quì trên hai chân, như dán xuống gi.ường, mắt thao láo, đăm đăm, đầu tóc rũ rượi, bên tại rào rào những âm thanh kỳ lạ, trái tim quặn thắt hồi hộp ; và cuối cùng là cả người vừa mướt mồ hôi vừa lạnh buốt, giữa căn gác xép, cửa sổ hai cánh mở toang.
Sợ hãi là một cảm xúc ít nhiều gây bệnh, nó thúc ép dữ dội bộ máy cơ thể, khiến trí năng con người đột nhiên trở nên cường liệt hoặc rã rời, cả hai đều đến mức tột cùng. Một thời gian dài, hiện tượng đó khiến các nhà sinh lý học phải ngạc nhiên, nó lật đổ các học thuyết và đảo lộn mọi giả thiết. Thật ra đó chỉ như một cú sét nổ xảy ra ở bên trong, nhưng, cũng như mọi tai nạn điện giật, nó có kiểu cách riêng, rắc rối, kỳ quặc. Lý giải như vậy sẽ trở thành dung tục một khi các nhà bác học thừa nhận vai trò lớn lao của điện trong tư duy con người.
Bà chủ hàng đang có mấy nỗi đau đớn, loại đau đớn như có gì làm trí óc người ta sáng tỏ, mà ý chí tản mạn hay tập trung theo sự điều khiển của một bộ máy vô hình, đã tạo ra trong những con phóng điện dữ dội. Bởi thế, trong một quãng thời gian ngắn, rất ngắn nếu tính theo cách đo của đồng hồ chúng ta, nhưng lại không sao đo được nếu đếm theo số các cảm tưởng vụt đến với mình, bà chủ hàng tội nghiệp đã có cái khả năng phi thường làm nẩy ra nhiều ý tứ hơn, làm trỗi dậy nhiều ký ức hơn là trong trạng thái trí năng đang bình thường, bà bỏ ra cả một ngày để suy tư. Đầu đuôi của thiên độc thoại xót xa ấy có thể tóm thành mấy từ phi lý, trái ngược nhau, chẳng nghĩa lý gì. Và đúng như thế.
– Chẳng có lý lẽ gì khiến Birôttô không nằm với ta cả ! Anh ấy dùng nhiều thịt bê thế, hay là anh ấy khó ở ? Mà có ốm đau gì, thì hẳn đã thức ta dậy. Mười chín năm nay ngủ chung trong gi.ường này, trong chính cái nhà này, chưa bao giờ anh ấy bỏ đi mà không nói với ta, ôi con cừu non của ta! Chỉ những phiên gác đêm ở đơn vị quốc dân quân anh mới không ngủ ở nhà. Tối nay anh có ngủ với ta không nhỉ ? Có mà, trời ơi, sao ta ngu thế !
Bà đưa mắt nhìn trên gi.ường và trông thấy chiếc mũ ngủ của chồng, hình dáng còn giữ tròn tròn tựa đầu người.
– Anh ấy chết rồi ! Anh ấy tự tử ? Tại sao ? bà lặp lại. Hai năm nay từ khi được bổ nhiệm làm phụ tá thị trưởng, anh ấy ra cái gì không hiểu. Đem anh ấy đặt vào các chức vụ nhà nước, bọn đàn bà này xin nói thật, có phải đáng thương không ? Công việc anh ấy trôi chảy, anh tặng ta một cái khăn quàng. Hay là có gì trắc trở ? Chặc! rồi ta sẽ biết. Ai mà biết được đàn ông họ nghĩ gì trong đầu. Mà cả đối với phụ nữ cũng vậy thôi chứ gì ? chả có hại gì. Nhưng chúng ta không bán hàng được những năm nghìn phrăng hôm nay đó sao ? Với lại, một ông phụ tá thị trưởng thì không thể nào lại tự mình làm chết mình, anh ấy biết rõ pháp luật quá đi chứ lị. Anh ấy ở đâu nhỉ ?
Bà không quay được cổ, cũng không với được tay kéo dây chuông để có thể gọi người đầu bếp gái, ba anh ký lục và một cậu trông hàng. Bà đã tỉnh ngủ nhưng như đang tiếp tục chiêm bao. Bà quên con gái bà đang yên giấc trong gian buồng kề bên, có cửa sổ thông ở phía cuối gi.ường. Cuối cùng bà kêu lên : « Anh Birôtô ! » nhưng chẳng nghe tiếng đáp lại. Té ra, tưởng đã gọi thành tiếng, kỳ thực, bà mới đọc thầm trong bụng.
Anh ấy có tình nhân chăng ? Anh chàng ngốc nghếch lắm, bà lắp lại. Với lại, anh ấy yêu ta lắm lắm, đâu lại thế. Anh ấy đã chẳng nói với bà Rôganh là chưa hề bao giờ thiếu trung thành với ta dù chỉ trong ý nghĩ đó sao ? Người như anh ấy là hiện thân của sự trung thực trên đời đó. Giá có một người xứng đáng lên thiên đường thì người đó không phải anh ấy là gì ? Anh có gì phải tự thú với cha xưng tội ? Chắc là những chuyện không đâu. Mang danh một người bảo hoàng, lạ thật, chẳng biết sao mà anh chả bao giờ ca ngợi tôn giáo mình. Tội nghiệp anh chàng, mới tám giờ đã len lén đi xem lễ, chẳng khác gì đi đến chỗ ăn chơi. Anh sợ Chúa vì bản thân Chúa, chứ địa ngục thì liên quan gì đến anh. Làm sao anh lại có tình nhân được ? Anh có rời ta đâu, lắm lúc làm ta phát bực mình kia mà. Anh quí ta còn hơn cả mắt anh, anh sẵn sàng chịu mù vì ta nữa . kia. Mười chín năm, chưa bao giờ anh nặng lời với ta. Con gái anh, anh cũng để sau ta mà. Mà Xêdarin kia kìa... ( Xêdarin ơi ! Xêdarin ! ) Có bao giờ có nghĩ gì mà anh không nói với ta. Hồi anh đến cửa hiệu Chú lính thủy, anh cho rằng có làm mòn mỏi anh thì ta mới hiểu anh, thật đúng quá ! Và hơn nữa !... thật là điều quái gở.
Bà quay người một cách khó khăn, lấm lét nhìn qua phòng mình. Trong phòng, ánh đêm bày đầy những vẻ ngoạn mục không ngôn ngữ nào tả nổi, mà hình như chỉ dành riêng cho bút vẽ của các họa sĩ đặc biệt. Có lời nào mô tả nổi các đường ngoằn ngoèo dễ sợ của bóng đen, hình dáng ma quái của các bức màn gió căng phồng lên, ánh sáng chập chờn, mơ hồ của chiếc đèn ngủ chiếu vào các nếp vải đỏ, ánh lửa hắt ra từ một cái giá mà ngọn đèn ở giữa đỏ lừ trông hao hao như mắt kẻ trộm, hình bóng ân hiện của một cái áo dài đang quì, nói chung, tất cả những hình ảnh kỳ quặc làm trí tưởng tượng phải hốt hoảng, trong khi bà chả còn khả năng để đón nhận những điều đau thương và nhân nó lên gấp bội ? Bà tưởng như thấy một vùng sáng lóa trong căn phòng trước buồng mình, và vụt nghĩ đến lửa cháy. Nhưng, khi thấy chiếc khăn quàng cổ màu đỏ hiện ra như một vũng máu loang, ý nghĩ về kẻ trộm lại chiếm hết thảy tâm trí bà, nhất là khi nhìn cảnh bàn ghế lộn xộn, bà muốn tìm ra dấu vết của cuộc chiến đấu. Rồi nhớ đến số tiền đang ở trong két, một nỗi lo sợ mãnh liệt làm tan ngay cái nóng lạnh của cơn mê sảng.
Đang phong phanh cái áo lót, bà vội hốt hoảng nhảy vụt ra giữa buồng, để cứu lấy chồng, vì bà ngờ chồng mình đang vật lộn với lũ giết người.
– Anh Birôttô, anh Birôttô ! cuối cùng bà kêu lên, giọng đầy kinh hãi. Bà trông thấy ông nhà buôn chất thơm đang đứng giữ căn buồng bên cạnh, tay cầm thước, đo đo trên không, nhưng cả người chỉ quấn lòi thòi có cái áo ngủ xanh, in hình những quả đậu màu súc-cù-là, khiến hai chân lạnh phát đỏ lên mà không hề hay vì đang mải miết. Lúc Xêda quay lại bảo vợ : « Kìa, Cônxtăng, có chuyện gì đó ? », trông ông giống như người bị hút hồn theo những suy của mình, ngây ngô một cách quá đỗi, khiến bà phải bật cười. Bà nói :
– Trời ơi, anh Xêda, anh độc đáo quá thể ! Tại sao anh bỏ em một mình mà không bảo em hay ? Thiếu chút nữa thì em chết khiếp, em không còn biết tưởng tượng ra làm sao cả. Chứ anh làm gì đây, mà đứng giữa gió ? Rồi anh ho sù sụ cho mà coi. Anh nghe không, anh Birôtô ?
– Có, em ạ, anh đây, nhà buôn chất thơm vừa đáp vừa trở vào buồng ngủ.
– Này, đến đây mà sưởi, và nói em nghe cái trò gì lố bịch anh đang ủ trong óc đấy, bà vừa cời tro vừa vội vàng nhóm lại lửa. Em rét cóng đây. Ngốc ơi là ngốc, sao tôi lại choàng dậy mà chỉ mặc có áo lót thế này ! Ấy thế mà em cứ tưởng là người ta ám sát anh.
Ông nhà buôn đặt cây đèn trên lò sưởi, quấn người vào trong áo ngủ, rồi, như cái máy, đi tìm cho vợ một cái váy ngắn bằng dạ. Ông ta bảo :
– Này, em yêu, quấn thêm cái này. — Rồi như tiếp tục cuộc độc thoại của mình, ông ta nói : « Hai mươi hai trên mười tám, chúng ta có thể có một phòng khách đình huỳnh ».
– Ô kìa ! Anh Birôtô, anh đang hóa điên à ? Hay anh mê ngủ ?
– Không đâu, em ạ, anh đang tính toán.
– Làm cái việc vớ vẫn của nhà anh, ít nhất anh cũng chờ đến sáng mai chứ lị, bà vừa vấn cái váy ngắn dưới ảo chẽn vừa đến mở cửa phòng con gái đang ngủ.
– Xêdarin đang ngủ, bà bảo nó không nghe chúng mình nói dâu. Bây giờ thì anh Birôtô, anh nói đi. Có chuyện gì thế ?
– Chúng mình có thể mở hội khiêu vũ.
– Mở hội khiêu vũ ? Chúng mình ? Đàn bà chúng em xin nói thật là anh mê ngủ, anh yêu mến ạ.
– Anh chẳng mê ngủ chút nào, còn chim non của anh ơi ! Nghe nhé ! Người ta ở địa vị nào thì phải làm những cái cần làm cho xứng với địa vị ấy. Chính quyền đã đề cao anh, anh trở thành người của chính quyền ; chúng ta bắt buộc phải nghiên cứu tinh thần của chính quyền và khuyến khích các chủ trương bằng cách phát huy nó. Công tước Đơ Risơlơ vừa hạ lệnh chấm dứt tình trạng chiếm đóng nước Pháp. Theo ông Đơ La Bidácđie, các viên chức đại diện cho thành phố Pari, mỗi người trong phạm vi ảnh hưởng của mình, nên tự coi là có nhiệm vụ làm lễ ăn mừng đất nước được giải phóng. Chúng ta phải bày tỏ lòng yêu nước chân thật để làm xấu mặt ai đó trong bọn người giả danh phái tự do, bọn người đây ải lắm âm mưu, phải không em ? Em tưởng anh không yêu nước à ? Anh muốn chứng tỏ cho bọn tự do, cho kẻ thù của anh, biết rằng yêu nhà vua tức là yêu nước Pháp !
– Anh tưởng anh có kẻ thù thật à ? anh Birôttô tội nghiệp của em ?
– Đúng thể, em ơi, chúng ta có thù địch. Và bạn bè của ta trong khu, hết nửa là thù địch của chúng ta. Họ đều nói : «Thằng Birôttô gặp may, nó ra cái quái gì, mà nay cứ là ông phụ tá, việc gì hắn cũng thành công. » Thế thì lũ chúng sẽ còn bị hẫng to. Em ơi, anh cho em là người đầu tiên biết rằng anh được thưởng Bắc Đẩu bội tinh đấy nhé : đức vua ký sắc chỉ ngày hôm qua rồi.
– Ồ, bà Birôttô nói, giọng đầy xúc động, thế thì phải mở hội khiêu vũ, anh yêu của em a. Nhưng anh làm những gì mà được thưởng bội tinh ?
– Hôm qua, lúc ông Đơ La Bidacđie cho anh hay tin này, Birôttô bối rối, đáp lại, như em, anh cũng tự hỏi mình đã có những gì xứng đáng, nhưng, trên đường trở về, cuối cùng anh hiểu ra và anh tán thành chính phủ : Trước hết, anh thuộc phái bảo hoàng, anh đã từng bị thương ở Xanh Rốc tháng hái nho ; thời ấy mà dám cầm súng bênh vực nghĩa lớn, đâu phải là chuyện tầm thường phải không em ? Rồi, một số nhà buôn họ cũng cho anh làm tốt chức vụ tài phán thương mại khiến mọi người đều được thỏa mãn. Với lại, cuối cùng anh là phụ tá thị trưởng, nhà vua thưởng bốn bội tinh cho nhân viên tòa thị chính thành phố Pari. Ông quận trưởng xem xét trong số phụ tá ai là người có thể được gắn huân chương, và đề anh lên hàng đầu trong danh sách. Với lại, nhà vua chắc biết anh : nhờ ông cụ Ragông, anh cung cấp cho ngài thứ phấn độc nhất ngài có nhã ý thích dùng ; chỉ riêng chúng ta nắm cách chế thứ phấn của cố hoàng hậu, con người nạn nhân cao cả đáng mến đáng thương ! Ông thị trưởng lại ủng hộ anh một cách dữ dội. Biết làm thế nào em! anh không xin xỏ gì mà nhà vua ban thưởng bội tinh, thế thì anh nghĩ không thể từ chối mà không tỏ ra bất kính đối với ngài. Hồi trước đây nào anh có muốn làm phụ tá đâu. Cho nên em ạ, anh nhất quyết sắp xếp nhà mình cho khớp với địa vị cao sang của chúng ta, bởi vì, chúng ta đang như buồm gặp giá(1), theo cách nói của chú Pidơrô nhà em, trong những lúc vui tính. Nếu anh mà làm ăn nên nỗi, anh sợ gì không nhận cái vai trời muốn trao cho, vai phó quận, nếu số anh phải thế. Em ơi, nếu em tưởng rằng một người công dân suốt hai mươi năm, chỉ bán chất thơm cho kẻ đến tìm mua, mà làm xong việc đó lại coi như trả xong nợ cho nước nhà, thì em lầm to. Nếu nhà nước đòi hỏi chúng ta đóng góp tiền đèn, chúng ta phải có nhiệm vụ, cũng như chúng ta có nhiệm vụ đóng thuế bàn ghế, thuế của lớn, thuế cửa sổ, vân vân và vân vân. Có phải em thích mãi mãi ngồi trong quầy hàng không ? Trời ạ, em ở đó lâu lắm rồi. Hội khiêu vũ sẽ là ngày hội cho riêng chúng ta. Từ giã nghề bán lẻ thôi, từ giã cho em, đúng thế. Anh đốt cái bảng Nữ hoàng hoa hồng, anh xóa luôn dòng chữ Xêda Birôttô, nhà buôn chất thơm, thừa kế hãng Ragông và ghi đại Hãng chất thơm bằng chữ vàng, to. Anh đặt ở gác lửng bàn giấy, két, và một văn phòng xinh xinh cho em. Phía sau cửa hiệu, phòng ăn và nhà bếp hiện nay, anh biến thành kho hàng. Anh thuê lầu một của nhà bên cạnh, trổ một cửa lớn trong tường. Anh cho bắc lại cái cầu thang để đi thẳng từ nhà này sang nhà no. Chúng ta sẽ có một căn nhà lớn đủ tiện nghi! Phải, anh đổi mới buồng em, anh sắp xếp cho em một phòng khách đẹp, và cho Xêdarin ở một buồng xinh xinh. Cô quầy hàng mà em sẽ thu nhận, anh trưởng ký và mụ hầu phòng (đúng, thưa bà, bà sẽ có một mụ hầu phòng !) ở trên lầu hai. Lầu ba là nhà bếp, mụ nấu bếp, và chú lao công. Lầu bốn sẽ là tổng kho, chai lọ, đồ pha lê, đồ sành sứ chứa ở đó. Xưởng thợ đặt trên gác áp mái ! Người qua đường sẽ không còn thấy dán nhãn, đóng bao bì, phân loại chai lọ, vào nút, gắn xi nữa. Thế là xong việc ở phố Xanh Đơni, còn ở phố Xanh Ônôrê, chà chà ! Khó chơi đó. Này em, có phải chúng ta là những nhà kinh doanh chất thơm độc nhất đang nổi tiếng không em ? Chẳng phải có những buôn dấm, bán hạt cải mà chỉ huy quốc dân quân, và được trong cung trọng thị đó sao ? Chúng mình hãy noi gương họ, mở rộng việc làm ăn buôn bán ra, đồng thời, phải chen chân vào giới thượng lưu mới được.
1. Trong nguyên văn có dụng ý chơi chữ. Đáng lẽ nói « gió đằng sau lái (tiếng Pháp: poupe) » thì nhân vật nói chệch ra « gió trong ống bơm (tiếng Pháp: pompe) ». Đây dịch chệch gió thành giá.
– Này, anh Birôttô, anh biết em nghĩ thế nào khi nghe anh nói không ? Nói thật nhé, em có cảm tưởng anh là người đi tìm buổi trưa vào lúc mười bốn giờ. Anh nhớ lại đi, em đã khuyên anh điều gì hồi đang có chuyện bổ nhiệm anh làm thị trưởng : ở yên là hơn hết ! « Em đã nói, tạng anh mà làm to thì cũng như cánh tay em mà đem làm cánh cối xay. Danh vọng rồi sẽ hại anh ». Anh có nghe em đâu, bây giờ cái hại đã đến đó, nguy mất thôi. Muốn có vai vế trong chính giới phải nhiều tiền, chúng ta có không ? Anh nói cái gì ? Anh định đốt cái bảng hiệu mà ta phải tốn sáu trăm phrăng mới có được à ? Anh từ bỏ cửa hàng Nữ hoàng hoa hồng cho xứng với danh vọng thực sự của anh à ? Thôi, để cho người khác họ tham họ vọng. Chơi với lửa thì có lúc sém mày, có đúng không ? Bây giờ là lúc trường chính trị đang cháy bỏng. Chúng ta có một trăm ngàn phrăng bằng êqui, chúng ta đem đặt lãi, ngoài phạm vi vốn buôn bán, ngoài xưởng, ngoài số hàng hóa của chúng ta, đúng như thế chứ gì ? Nếu anh muốn nâng tài sản ta lên nữa, thì ngày nay anh cũng nên làm như hồi 1793 : thực lợi đang là bảy mươi hai phăng, anh mua đi, anh sẽ có mười nghìn tiền lãi, chỗ vốn đặt lãi này chẳng phương hại gì đến công việc buôn bán chúng ta. Phải nhân món chuyển khoản ấy mà gả chồng cho con gái chúng ta, rồi bán tất cả gia tư mà dọn về quê anh. Sao à ? Suốt mười lăm năm, anh chỉ nói đi nói lại có một việc mua trại Nữ thủ quỹ, cái mảnh đất nho nhỏ, xinh xinh gần Sinông, ở đó có đủ ao hồ, đồng cỏ, khu rừng, ruộng nho, cơ ngơi tá điền, mỗi năm ta thu lợi được nghìn êqui, sống ở đó, cả hai chúng mình đều thích thú, hiện nay chúng ta còn có thể tậu nó với giá sáu mươi nghìn phrăng ; thế mà ngày nay ngài lại muốn làm cái gì oai oai trong chính quyền hả ? Anh hãy nhớ lại chúng ta là những người nào, — là nhà buôn chất thơm. Cách đây mười sáu năm, khi anh chưa phát minh ra kem nữ hoàng và nước thơm nuôi da, giá có ai đến nói với anh : « Ông sắp đủ tiền mua trại Nữ thủ quĩ », thì anh có phát ốm lên vì sung sướng không ? Thế thì bây giờ anh có thể tậu cái trại mà anh hằng ao ước, cái trại mà mở mồm là anh nói tới ; bây giờ anh lại nói chuyện đem tiêu vớ vẩn đồng tiền mồ hôi nước mắt của chúng ta, em dám nói là của chúng ta, vì quanh năm suốt tháng em luôn luôn ngồi trong quầy hàng, có khác gì con chó trong ổ. Con gái anh trở thành vợ một anh trưởng khế ở Pari, anh có một chỗ tạm trú ở nhà nó, rồi mỗi năm tám tháng anh về Sinông, thế có hơn ở đây để bắt đầu cái trò buôn mười bán năm rồi đi đến chỗ tay trắng không ? Chờ thực lợi lên giá, anh cho con gái anh tám nghìn quan, chúng ta giữ lại cho chúng ta hai nghìn, còn chỗ lãi của cửa hàng sẽ đủ để tậu trại Nữ thủ quĩ. Ở đó, nơi quê anh, anh yêu ạ, mang bàn ghế tủ gi.ường chúng ta về, tính ra khối tiền đó, chúng mình sẽ sướng như tiên, chứ còn ở đây, muốn nên đình đám ít ra phải một triệu.
– Em ơi, chính anh chờ em nói câu này, Xêda Birôttô nói. Anh chưa đến nỗi ngốc ( mặc dù em cho là anh ngốc ) để không tỉnh hết mọi điều. Em nghe đây. Alecdăng Côrôtta sẽ là rể ta, điều đó ổn quá rồi, nó sẽ nhận khách hàng ông Rôganh, nhưng em tưởng nó đồng ý với món hồi môn mười vạn phrăng ? (nói ví dụ là mình chỉ hết số tiền mặt ra để gây dựng cho con mình, và ý anh là như thể, thì còn sống được ngày nào, có ăn muối đi nữa, nhưng được thấy con nó sung sướng như một bà hoàng, như vợ một ông chưởng khế Pari, theo em nói, anh cũng ưng hơn. Cho nên, mười vạn phrăng hay cả tám nghìn quan thực lợi cũng chẳng đáng kể, cốt mua được của ông Rôganh khách hàng của ông ta. Thằng bé Xăngđrô, như ta thường gọi, nó cũng như thiên hạ, cứ tưởng ta nhiều của hơn ta có thực. Nếu bố nó, cái ông phú nông ruột như con ốc vặn ấy, mà không bán đất bán cát cho được mười vạn phrăng, thì Xăngđrô không sao trở thành chưởng khế được, vì khách hàng của Rôganh đáng giá những bốn năm mươi vạn phrăng. Crôtta mà không trả nửa tiền mặt, thì nó sẽ xoay xở thế nào ? Xêdarin phải được hai mươi vạn phrăng hồi môn, còn anh cũng muốn chúng mình nghỉ việc, về sống cái tư cách một nhà tư sản Pari lương thiện, với mười lăm nghìn quan thực lợi. Em thấy không! anh mà vạch cho em thấy rõ sự việc như ban ngày thì em có chịu im không nào ?
– Chao ôi ! giá mà anh có của như Thạch Sùng.
– Vâng, anh có, em yêu của anh a, Birôttô vừa nói vừa choàng tay ôm lưng vợ, vỗ vỗ nhè nhẹ, trong lòng xao xuyến một niềm vui làm cho mặt mày tươi tỉnh. Anh không muốn nói tí gì về việc này cho em biết trước khi nó chín muồi. Mà này, anh nói thật, ngày mai chắc là anh tính xong. Đây này: Rôganh đề nghị với anh một vụ đầu cơ chắc ăn đến mức ông ta cùng hùn vốn vào với Ragông, với chú Pidorô của em và hai người nữa trong số khách hàng ông ta. Cả bọn sẽ mua ở vùng chung quanh quảng trường Mađơlen một số đất, số đất ấy, theo chỗ tính toán của Rôganh, thì trong vòng ba năm nữa, giá nay là một thì sẽ lên thành bốn, bởi vì, đến lúc ấy khế ước bán thục hết hạn, cả bọn sẽ toàn quyền khai thác. Cả bọn sáu người thỏa thuận chia theo phần. Anh đóng góp ba mươi vạn phrăng, để có ba phần tám số đất. Trong bọn có ai cần tiền, Rôganh sẽ chạy cầm phần đất mình để vay. Đề cầm lấy đằng chuôi và xem sự thể sẽ ra làm sao, anh muốn đứng tên là kẻ tạo mãi đối với nửa số đất, phần chung của chú Pidơrô, của ông cụ Ragông và anh. Rôganh, lấy tên là Sáclơ Claparông, đồng chủ điền với anh, cũng như anh, sẽ có văn tự riêng cho những hội viên của mình. Văn tự tạo mãi làm theo kiểu giấy tờ viết tay, không có thị thực, cho đến khi cả bọn trở thành chủ nhân tất cả khoản đất cát. Rôganh sẽ xem xét thử những giao kèo gi phải thực hiện, bởi vì ông ta không chắc là cả bọn có thể tránh trước bạ để rồi cứ đẩy sang cho những kẻ mình bán lẻ cho họ... những việc này lôi thôi dài dòng, không giải thích hết cho em nghe được đâu. Đất cát trả tiền xong, chúng mình chỉ khoanh tay chờ ba năm nữa, là sẽ phất lên một triệu. Bấy giờ Xêdarin hai mươi tuổi, cửa vinh quang một cách khiêm tốn, hiệu chúng ta bán đi, nhờ ơn trời, chúng ta tới chốn vinh quang một cách khiêm tốn.
– Nhưng này, anh lấy đâu ra ba mươi vạn phrăng ?
– Em chẳng hiểu gì chuyện làm ăn, em yêu a. Anh đưa mười vạn phrăng gửi ở Rôganh, anh chấp nhà cửa, vườn tược chỗ xưởng của chúng ta ngoại ô vùng Tăngplơ để vay bốn vạn phrăng, hiện nay anh có hai vạn trong túi, tổng chỉ là mười sáu vạn. Còn mười bốn vạn kia, anh sẽ ký một số thương phiếu cho ông Sáclơ Claparông, chủ ngân hàng, ông ta sẽ trả tiền, trừ bớt đi số chiết khấu. Như thế là mười vạn êqui của ta đã trả hết, nợ có thời hạn coi như không nợ. Thương phiếu lúc đến kỳ ta sẽ trả bằng chỗ lãi của cửa hiệu. Nếu không trả nổi, Rôganh sẽ cho anh vay, với lãi suất năm phần trăm, trên cơ sở anh chấp phần đất của anh. Nhưng rồi chẳng cần vay mượn đâu : anh đã tìm ra một loại tinh dầu làm cho tóc mọc được, một loại dầu mọc tóc ! Livingxtôn đã đặt cho anh đăng kia một máy ép thủy lực để chế tạo dầu ấy với hạt phỉ ; dưới áp suất cao, hạt phỉ chảy hết dầu ra. Trong vòng một năm nữa, theo xác suất anh tính, anh có thể kiếm ra ít nhất mười vạn. Anh đang nung nấu một trang quảng cáo mở đầu bằng « Đả đảo tóc giả ! » một quảng cáo như vậy, tác dụng sẽ tuyệt vời. Em, em có thấy những đêm anh mất ngủ đâu ! Đã ba tháng nay sự thành công của dầu Macatxa làm anh không ngủ được. Anh muốn nhận chìm tên Macatxa ấy.
– Té ra đó là những dự định tốt đẹp anh ấp ủ trong óc từ hai tháng nay, mà không hề cho tôi biết! Tôi vừa thấy mình hiện ra thành một mụ ăn xin ở ngay trước cửa nhà tôi, điềm trời báo trước sao mà rõ ! Không bao lâu, e chúng tả chỉ còn có cặp mắt để khóc. Tôi mà còn sống thì không bao giờ anh làm được như vậy đâu, anh nghe chưa, anh Xêda ! Có những mánh lới, mưu toan gì ở bên dưới mà anh không thấy đâu, anh quá trung thực và quá ngay thẳng nên không thể nghi ngờ là có những điều gian lận ở người khác. Tại sao người ta lại đến dâng cho anh bạc triệu ? Anh dốc hết của cải anh, anh đi quá xa tầm sức của anh, và, nếu món dầu của anh không ăn khách, nếu người ta không tìm ra tiền, nếu giá đất không như dự tính, anh sẽ lấy gì để trả các thương phiếu ? Hay là lấy vỏ hạt phỉ của anh ? Để leo lên cao trong xã hội, anh không còn muốn để cái tên trơn của anh nữa, anh định gỡ bỏ cái bảng cửa hiệu Nữ hoàng hoa hồng, và anh lại sắp bầy ra những thứ áp phích với giọng điệu lễ phép kỳ quặc, những loại quảng cáo đem phơi cái tên Xêđa Birôttô ở khắp các cột mốc, trên khắp các mảnh ván, ở những nơi người ta đang xây dựng.
– Ồ, em hiểu sai rồi ! Anh sẽ có một chi nhánh lấy tên là Pôpinô, ở một căn nhà nào đó quanh phố người Lôngba, anh sẽ đặt thằng Angxem ở đó. Như thế là anh trả xong món nợ với ông bà Ragông, bằng cách gây dựng cho nó, và nó có thể kiếm được tiền. Bà con Ragông tội nghiệp ấy ít lâu nay cũng có vẻ gặp nhiều khó khăn lắm.
– Này, những người ấy họ thèm tiền của anh đấy
– Những người nào mới được chứ, hỡi em ? Có phải là ông Pidơrô, chú cô, ông thương chúng ta như núm ruột của ông và chủ nhật nào cũng dùng cơm với chúng ta ? Hay là cái ông cụ Ragông, nhà tiền bối của chúng ta, mà chúng ta hay đến chơi bài ? một con người bốn mươi năm trời có tiếng là trung thực ? Cuối cùng hay là Rôganh, một ông chưởng khế Pari, một người năm mươi bảy tuổi, từng trải những hai mươi lăm năm trong nghề chưởng bạ ? Một người chưởng khế Pari phải là loại gạo trên sàng, bởi vì người lương thiện cũng ba bảy loại không phải ai cũng giá trị như ai. Nếu cần thì các hội viên sẽ giúp anh ! Vậy thì âm mưu ở chỗ nào, hỡi cô em ngây thơ ? Này, anh phải nói đến chỗ tim đen của em ! Anh nói thật, anh lo lắng lắm đó. Tính em xưa nay là hay đa nghi như mẹ cheo. Chúng mình có được vài xu trong cửa hiệu là em đã nghĩ rằng bạn hàng toàn là kẻ ăn cắp. Phải đến nước quì dưới chân em đề van lơn em cứ yên lặng mà làm giàu ! Là gái Pari mà em chả hề có chút tham vọng nào ! Em mà không luôn luôn sợ hão sợ huyền như vậy thì còn người đàn ông nào trên đời sung sướng hơn anh !
— Anh mà nghe em thì chẳng bao giờ anh làm ra kem nữ hoàng, cả nước thơm nuôi da nữa. Cửa hiệu giúp chúng ta sống được, còn hai sáng chế kia và các loại xà phòng mới đem lại cho ta món mười sáu vạn phrăng sờ sờ trong túi ta đó ! – Không có tài của anh, mà anh có tài trong nghề làm chất thơm thật đấy, thì chúng ta cũng chỉ là những kẻ buôn lẻ, phải giật gấu vá vai mới đủ sống qua ngày, và anh sẽ chẳng phải là một trong những nhà buôn nổi tiếng được dự vào cuộc bầu cử thẩm phán ở tòa án thương mại, anh cũng sẽ chẳng phải là thẩm phán, chẳng phải là phụ tá thị trưởng. Anh sẽ là gì, em biết không ? Một anh chủ hiệu như cụ Ragông trước đây, nói vô phép ông cụ, bởi vì anh kính trọng các hiệu buôn, và ta nên mặt nên mày cũng nhờ nó đấy ! — Nhưng sau bốn mươi năm buôn bán chất thơm, chúng ta cũng sẽ chỉ có, như ông cụ, ba nghìn quan thực lợi. Cứ vật giá hiện nay, đắt gấp đôi trước kia, chúng ta, cũng như cả nhà ông cụ, sẽ chỉ tạm đủ sống. (Càng ngày, cảnh ông bà cụ ấy càng làm anh xót xa. Anh sẽ phải thấy rõ tình hình đó, và ngày mai Pôpinô sẽ cho anh thấy rõ nguyên nhân sâu kín.) — Em là người sống trong hạnh phúc cũng không thấy yên tâm, luôn luôn tự hỏi mình cái mình có hôm nay, ngày mai có còn không. Anh mà nghe lời em khuyên thì anh chả có uy tín, chả có bội tinh Bắc Đẩu, chả có cơ trở thành một nhà chính trị như hiện nay. Vâng, em cứ việc lắc đầu, công việc làm ăn của anh mà kết quả, anh có thể trở nên dân biểu Pari cho em xem. Chao ôi ! cái tên Xêda đâu có phải là vô nghĩa, trước nay anh làm gì cũng thành công, — Thật là không tưởng tượng nổi ! Ở ngoài, ai cũng cho tôi có năng lực ; mà về nhà, con người độc nhất tôi hằng mong muốn làm đẹp lòng, tôi không tiếc gì mồ hôi xương máu để làm cho sung sướng, thì chính con người đó lại cho tôi là đồ ngu ngốc !
Mấy câu trên đây, mặc dù có chẹn những chỗ ngắt hơi hùng hồn, đều được ném ra vun vút như những viên đạn, theo thói thường của những kẻ đặt mình vào thế phải thanh minh. Nhưng nó lại nói lên một niềm gắn bó sâu xa, bền bỉ đến mức khiến bà chủ hàng thấy bùi ngùi tận đáy lòng. Tuy nhiên, cũng như mọi người đàn bà, biết chồng yêu, bà lại dựa vào tình yêu ấy để giành lấy phần thắng. Bà nói :
— Anh Birôttô a, thế thì, nếu anh yêu em, anh nên để em được yên vui theo cách của em. Anh cũng như em, chúng ta có được học hành gì đâu ; chúng ta chẳng biết nói năng, cũng chẳng biết đóng vai kẻ dưới theo kiểu cách thượng lưu ; vậy làm sao anh bảo chúng ta thành công trong hàng ngũ chính giới ? Em thì ở Nữ thủ quỹ là em sung sướng. Xưa nay em thích thú vật chim chóc, cả đời em có thể thích thú với việc chăm nom gà qué, với việc làm của người đàn bà nông dân. Bán quách cửa hiệu của chúng ta, gả chồng cho Xêdarin, còn cái món dầu diếc gì đó thì thôi đi. Mùa đông chúng ta sẽ lên nghỉ ở Pari, ở nhà thằng con rể ; chúng ta sẽ hạnh phúc, không có gì trong chính trị, cũng như trong thương trường có thể làm ảnh hưởng cách sống của ta. Tại sao lại muốn đè bẹp kẻ khác ? Tiền của hiện nay của chúng ta không đủ sao ? Anh thành triệu phú thì anh có ăn nhiều gấp đôi không ? anh có cần một người vợ khác hơn là em không ? Anh xem chú Pidơrô đấy ! Chú ấy bằng lòng với vốn liếng ít ỏi của mình, và cả đời lo làm việc thiện. Anh thấy chú ấy có cần bàn ghế đẹp không ? Em tin chắc rằng anh đa đặt bàn ghế mới cho em: em thấy Bratsông đến đây, đâu phải để mua chất thơm.
— Vâng, em yêu ạ, em nói đúng đấy, bàn ghế cho em đã đặt làm rồi, mọi công việc sẽ bắt đầu tiến hành ngày mai, dưới sự điều khiển của một kiến trúc sư mà ông Bidacđie giới thiệu với anh rất cẩn thận.
— Lạy Chúa tôi, nàng kêu lên, Chúa hãy thương chúng con !
— Em yêu a, em chả biết điều tí nào. Có ai ba mươi bảy tuổi, nõn nà, xinh đẹp như em, mà lại có thể đem vùi mình ở Sinông được không chứ ? Anh, may mà trời cho, anh mới ba mươi chín tuổi. Thần may mở ra cho anh một nghề nghiệp mới, anh cứ đi vào. Vào đấy, xử sự cho khôn khéo, thận trọng, anh có thể làm nên một hãng buôn kha khá trong giới tư sản Pari, cũng như ngày xưa người ta vẫn làm. Anh sáng lập ra nhóm Birôttô, giống như các nhóm Kenle, Đêmarê, Rôganh, Côsanh, Chiêm, Loba, Nuyxanhgiăng, Xayde, Pôpinô, Matipha, đang hay đã từng nổi tiếng ở khu phố họ. Thôi nhé ! nếu công việc kia mà không chắc như vàng thoi...
— Chắc mà !
— Phải, chắc. Đã hai tháng nay anh tính đi tính lại rồi. Anh làm ra vẻ không quan tâm, nhưng anh đã nắm tình hình về các công trình xây dựng, ở văn phòng, chính quyền thành phố, ở những kiến trúc sư và ở các thầu khoán. Ông Granhđô, một kiến trúc sư trẻ sắp đến sửa lại nhà mình, ông ta bắt đầu bứt tai vì chẳng có tiền chung vào vụ đầu cơ của chúng ta.
— Chắc còn nhiều cái phải kiến thiết nữa, ông ấy sẽ giục anh làm để moi tiền anh thôi.
— Dễ gì người ta có thể lừa được những người như chú Pidơrô, ông Sáclơ Clarông và ông Rôganh ? Món lãi chắc chắn như lãi làm kem kép, em thấy không ?
— Anh yêu của em, nhưng ông Rôganh ông ấy cần gì phải đầu cơ, một khi khách hàng của ông ta đem bán lấy tiền được rồi và ông ta coi như đã có tiền ? Đôi khi em thấy ông đi qua, vẻ mặt lo âu còn hơn một ông thủ tướng, nhưng cách nhìn liếc của ông ta thì em chả ưa : nó che giấu nhiều lo âu. Mặt mũi thì năm năm nay trông như của một tay trác táng về già. Ai bảo anh rằng ông ta không quất ngựa khi nắm của cải anh trong tay ? Việc như vậy xảy ra rồi đó, chúng ta biết rõ đi chứ ? Mười lăm năm nay, ông ta có là bạn ta đi nữa, em cũng không bao giờ giơ lưng chịu đòn thay cho ông ta. Mà này, ông ta thối mũi lắm và không sống chung với vợ ; chắc là có tình nhân phải bao, và chúng nó làm cho sạt nghiệp, ông ta buồn là vì cớ ấy, em chẳng thấy duyên do nào khác. Em đang ở trong buồng tắm, nhìn qua cửa chớp, thấy ông ta, sáng sớm, đi bộ về nhà ; đi đâu mà về hở ? có trời biết. Ông ta có vẻ như một người có gia đình riêng trên phố, mình tiêu pha riêng phần mình, còn vợ có phần vợ. Như thế mà là cách sống của một người chưởng khế à ? Nếu làm ra năm vạn phrăng mà ăn tiêu đến sáu vạn, thì trong vòng hai mươi năm người ta sẽ thấy của cải mình sạch bách, và người ta chỉ còn trần truồng như những con nhộng. Có điều, quen thói chơi trội, người ta nẫng vali bạn bè một cách không thương tiếc : làm ơn phải lúc là làm phúc cho mình kia mà ! Ông ấy lại thân mật với cái thằng bé lưu manh Tidê, trước làm ký lục với ta ; em chẳng thấy gì tốt trong tình bạn ấy cả. Ông ta không biết nhận xét về thằng Tidê thì mù quáng thật ; nếu biết, sao lại yêu quí nó đến nước ấy ? Anh sẽ bảo là bà vợ ông ta yêu nó chứ gì ? Thế thì, em chẳng còn thấy cái gì tốt ở một người đàn ông không còn chút tự trọng nào đối với vợ mình như vậy. Cuối cùng, những chủ nhân hiện nay của mở đất cát kia, họ ngu dại quá hay sao mà đem bán một trăm xu cái đáng giá một trăm phrăng ? Anh gặp một đứa bé trông đồng lui không biết giá là bao nhiêu, anh có bày cho nó không ? Món làm ăn của anh em thấy có vẻ như một vụ cắp, xin lỗi anh, em nghĩ thế.
— Trời ơi, sao mà phụ nữ có lúc họ kỳ khôi thế nhỉ, và sao mà họ làm rối tinh cả các ý tứ thế này ! Giá Rôganh mà không liên quan gì đến vụ này, chắc em sẽ bảo : « Này, Xêda này, cái món làm ăn của anh mà không có Rôganh trong đó, nó chả giá trị gì đâu. » Giờ đây ông ta có mặt ở đó như một bảo đảm, thì em lại nói...
— Không phải ông ta, một ông tên là Claparông kia.
— Nhưng một ông chưởng khế không thể nào có tên trong một vụ đầu cơ được.
— Vậy thì tại sao ông ta đi làm một việc mà pháp luật ngăn cấm ? Anh trả lời em thế nào ? anh là người chỉ biết luật pháp cơ mà ?
— Để anh nói tiếp đã. Rôganh tham gia vào, em lại bảo công việc không giá trị gì ! Nói như thế nghe có lý không ? Em còn nói: « Ông ta làm một việc trái pháp luật. » Ông ta sẽ ra mặt tham gia, nếu cần. Bây giờ em lại bảo : « Ông ấy giàu ». Người khác lại không thể nói như vậy về anh sao ? Các ông Ragông và Pidơrô cũng sẽ hớn hở tới nói với anh : « Tại sao anh lại đi làm công việc này, tiền anh như núi kia mà ? »
— Người đi buôn không cùng địa vị với người chưởng khế, bà chủ hàng cãi lại.
— Nói như vậy, chứ mà lương tâm anh chưa hề bị động chạm, Xêda tiếp. Người bán, cần mới bán, ta chẳng trộm cắp gì của họ cũng như ta mua thực lợi của những người họ bán cho ta với giá bảy mươi lăm. Hôm nay chúng ta mua đất theo giá hôm nay ; hai năm nữa thì khác, cũng như đối với thực lợi. Cô Côngxăng Bacbơ Giôdê phin Pidơrô ạ, cô nên hiểu rằng chẳng bao giờ cô bắt gặp Xêda Birôtô này làm một việc trái với sự trung thực cứng rắn nhất, cũng như trái với pháp luật, trái với lương tâm, trái với nếp lịch sự. Một người trưởng thành từ mười tám năm nay mà bị ngờ chiếu trung thực trong gia đình mình !
—Nào, anh Xêda, anh bình tĩnh lại đi! Vợ anh sống với anh từ thuở ấy cũng hiểu anh đến tận đáy lòng. Dù sao, anh cũng là người chủ. Cơ nghiệp này, anh làm ra, có phải không ? nó là của anh, anh có thể tiêu. Dù có nghèo khó đến đâu đi nữa, em cũng như con gái, chúng tôi sẽ không có một lời nào oán trách anh đâu. Nhưng anh nghe đây: hồi anh phát minh kem nữ hoàng và nước thơm nuôi da của anh, anh đánh liều những gì ? Quãng năm sáu nghìn phrăng. Bây giờ, anh đặt tất cả tài sản của anh vào một ván bài ; chơi bài không phải chỉ một mình anh, bên anh còn có những hội viên họ có thể tỏ ra tỉnh khôn hơn anh. Thôi, anh cứ mở vũ hội, cứ đổi mới nhà cửa, cứ tiêu mười nghìn phrăng, chả ích lợi gì, nhưng chưa đến nỗi quá hao hại. Còn cái vụ đất cát ở Mađơlen ấy, em dứt khoát phản đối. Đã kinh doanh chất thơm, anh cứ kinh doanh chất thơm, không buôn đi bán lại đất cát gì cả. Phụ nữ chúng em, chúng em có một bản năng không làm chúng em lầm lẫn bao giờ ! Em nói trước với anh rồi đó, còn bây giờ thì anh cứ làm theo ý anh. Anh từng làm thẩm phán ở tòa án thương mại, anh hiểu luật pháp, xưa nay anh lái vững chuyện nhà, em xin theo anh. Xêda ơi ! nhưng em sẽ run sợ, cho đến lúc thấy được cơ nghiệp ta đứng vững, và Xêdarin thành gia thất. Lạy Chúa, cầu cho giấc mơ của em chẳng phải là một điều tiên tri !
Thái độ phục tòng ấy làm phật ý Birôttô. Anh ta dùng cái mẹo vô tội mà anh ta thường cầu cứu trong những trường hợp tương tự.
— Em nghe đây, Công tăng, anh đã đồng ý đâu, nhưng cũng coi như đã đồng ý.
— Thôi, anh Xêda a, nói hết rồi, đừng đụng đến việc đó nữa. Danh dự ở trên tiền tài. Nào, đi ngủ đi, anh yêu, củi hết rồi. Với lại, nằm trong gi.ường nói chuyện dễ chịu hơn, nếu anh thấy vui vui... Ôi ! Cái giấc mơ gớm ghiếc ! Trời ơi! mình mơ thấy mình ! sao mà thảm hại thế .... Xêdarin và em sẽ có những tuần cầu nguyện cho anh thành công trong việc đất cát của anh.
— Chắc chắn là sự phù hộ của Chúa, chẳng có hại gì, Birôttô nói, giọng nghiêm trang ; còn dầu hạt phỉ cũng là một sức mạnh, em ạ ! Anh tìm ra nó, cũng như trước kia tìm ra kem nữ hoàng, đều là ngẫu nhiên : lần trước do mở một cuốn sách, lần này, do nhìn bức chạm Hêrô và Lêăngđrơ. Em biết không, một người vợ mà rắc dầu lên đầu người tình của mình, coi có ngộ không ? Những vụ đầu cơ chắc ăn nhất là những vụ cơ sở trên sự kiêu căng, trên lòng tự ái, trên tính thích diện. Những thứ tình cảm ấy chẳng bao giờ chết.
— Than ôi ! đúng như thế.
— Đến một tuổi nào đó, bọn đàn ông sẽ làm đủ cách để có lại tóc khi họ không có nữa. Ít lâu nay, thợ hớt tóc cho anh biết rằng không những họ chỉ bán dầu Macatxa mà còn bán đủ các thứ thuốc dùng nhuộm tóc, hoặc được coi là để mọc tóc. Từ ngày hòa bình, đàn ông gần gũi đàn bà nhiều hơn, và các bà thì không thích những ông đầu hói, có phải thế không, cô mình ! Sự đòi hỏi món hàng đó là phải giải thích bằng tình hình chính trị. Một hóa hợp mà nuôi dưỡng cho bộ tóc xanh mượt tất sẽ bán chạy như tôm tươi, huống chi thứ dầu ấy lại chắc chắn sẽ được Viện Hàn lâm khoa học chuẩn y. Ông cụ Vôcơlanh phúc đức có lẽ lại giúp anh lần nữa. Ngày mai anh sẽ đến trình ý kiến của anh và đưa tặng ông bản khắc mà anh mất hai năm lùng sục ở nước Đức, cuối cùng mới tìm thấy. Ông cụ chính lại đang làm cái việc phân tích chất tóc. Ông Sip- phrơ-vin, cộng tác với ông cụ trong nhà máy hóa chất, có nói với anh điều đó. Nếu sáng chế của anh đúng với khoa học, thì dầu của anh, đàn ông lẫn đàn bà đều mua. Sáng kiến của anh là một đống tiền, lần thứ hai anh nói lại điều đó. Trời, anh có ngủ được đâu khi nghĩ như vậy. May sao, thằng bé Pôpinô lại có đầu tóc đẹp nhất thế giới. Rồi một cô ngồi ở quầy tóc dài đến chấm đất, mà lại nói nếu có thể nói mà không phật lòng Chúa, cũng không phật lòng đồng bào — rằng dầu dưỡng tóc ( vì chắc chắn nó sẽ là một thứ dầu ) đã có vai trò trong mớ tóc của cô, thì những ảnh đầu đã muối tiêu nhất định sẽ nhào đến vồ lấy, cũng như nghèo đói vồ lấy thế gian. Này em yêu, còn vũ hội của em ? Anh không ác ý, nhưng anh rất muốn gặp cái thằng nhãi con Tidê, bây giờ nó có tiền, nó làm cao, và nó luôn luôn tránh mặt anh ở Thị trường chứng khoán. Nó biết anh nắm chắc về nó một nét không lấy gì làm đẹp. Có lẽ anh đã quá tốt đối với nó. Em ạ, làm việc tốt mà cứ luôn luôn bị trừng phạt vì những việc tốt, thì có buồn cười không, đó là nói trên đời này, cố nhiên. Anh đã đối xử với nó như cha với con, những gì anh làm cho nó, em chẳng biết đâu.
 
Quay lại
Top Bottom