Meika
Thành viên
- Tham gia
- 26/12/2023
- Bài viết
- 53
I
XÊDA ĐẾN BUỔI CỰC THỊNH (2)
— Mới nghe anh nhào đến nó, em đã thấy rợn cả người. Giá mà anh biết nó định làm gì anh, chắc anh đã không giữ kín việc đánh cắp ba nghìn phrăng, bởi vì em đã đoán ra cách thức công việc được dàn xếp mà. Nếu anh đưa nó ra trước tòa án hình, có lẽ anh đã giúp ích được cho nhiều người.XÊDA ĐẾN BUỔI CỰC THỊNH (2)
— Nó định làm gì anh hồi đó ?
— Chẳng làm gì. Nếu anh đang nghe em nói tối nay, thì em có một lời khuyên đối với anh, anh Birôttô ạ, anh nên bỏ xó cái chuyện thằng Tidê ấy đi.
— Một tên ký lục, anh đứng lên để nó vay hai vạn phrăng làm lưng vốn kinh doanh buổi đầu, mà anh lại đuổi ra khỏi nhà, thiên hạ ai chẳng cho là kỳ lạ ? Thôi, làm việc thiện vì cái thiện vậy. Với lại, Tidê có lẽ cũng đã sửa đổi.
— Phải xáo trộn nháo nhào ở đây cả thảy sao ?
— Em nói cái gì mà xáo trộn nháo nhào ? Mọi sự đều đã vạch sẵn như giấy kẻ ô. Em đã quên mất những điều anh vừa nói với em về cái cầu thang và việc ta thuê cái nhà bên cạnh. Về việc này, anh đã thương lượng với ông hàng ô Kerông rồi. Ngày mai, chúng tôi cùng phải đến nhà ông Môlinơ, chủ nhân ngôi nhà, vì công việc anh quá bận chẳng khác gì một ông bộ trưởng...
— Anh làm em chóng mặt với các dự định của anh, em nghe mà rối mù. Thôi, em ngủ đây.
— Chào em. Em nghe chứ ? anh chào em vì trời đã sáng rồi, em yêu ạ. Ồ, lại ngủ rồi, cái cô bé yêu này ! Tốt lắm, em sẽ thành triệu phú, hoặc anh sẽ mất cái uy danh Xeda.
Một lát sau, Côngxtăng và Xêda lên tiếng ngáy đều đều.
Nhìn thoáng qua bên trong cuộc sống của cặp vợ chồng này cũng thấy ý tứ cuộc cãi vã thân mật giữa hai nhân vật trong màn kịch này là rất khớp. Vẽ phác mấy nét về thói tục những người buôn bán nhỏ, cũng cho thấy những ngẫu nhiên kỳ quặc nào đã khiến Birôttô vừa là phụ tá thị trưởng vừa là nhà buôn chất thơm, rồi là nguyên sĩ quan của quốc dân quân và nay được thưởng Bắc Đẩu bội tinh. Làm sáng tỏ chiều sâu của tính cách và động cơ của lòng ham danh vọng ở anh ta, cũng có thể hiểu được, vì sao những tai biến trong thương trường, các đầu óc bản lĩnh họ vượt qua dễ dàng, thì đối với những đầu óc nhỏ nhoi lại trở thành những tai họa không sao bù đắp nổi. Biến cố không bao giờ có ý nghĩa tuyệt đối, hậu của biến cố phụ thuộc hoàn toàn vào con người : hoạn nạn là bậc thang của thiên tài, là bể bơi của người đi đạo, một kho của đối với người lanh lợi, nhưng đối với kẻ tầm thường là một vực sâu.
Giắcơ Birôttô là một nông dân nghèo vùng chung quanh Sinông. Ông ta trồng nho ở nhà một bà phu nhân nọ, và lấy vợ là cô hầu phòng của bà. Ông ta sinh được ba trai, ở cữ đứa thứ ba thì vợ mất. Ít lâu sau người chồng tội nghiệp ấy cũng qua đời. Bà chủ rất thương cô hầu phòng, nên đem đứa con cả là Phrăngxoa về nuôi chung với con mình và gởi nó vào một chủng viện. Được phong linh mục, Phrăngxoa Birôttô lẩn tránh trong thời gian Cách mang và sống cuộc đời lang thang của những giáo sĩ không tuyên thệ, bị săn đuổi như thú dữ, chỉ còn thiếu là chưa lên máy chém. Lúc câu chuyện này bắt đầu, ông làm trợ tế tại nhà thờ lớn ở Tua, và chỉ một lần rời khỏi thành phố này để đi thăm Xêda, em mình. Cảnh náo động của Pari làm ông linh mục choáng váng đến nỗi không dám ló ra khỏi buồng. Ông gọi xe độc mã là bán song mã, và cái gì cũng làm ông ngạc nhiên. Sau một tuần ở Pari, ông trở về Tua và hứa với mình là không bao giờ trở lại đất thủ đô.
Đứa con thứ hai của ông trồng nho, Giăng Birôttô, sung vào dân quân, leo rất nhanh đến cấp bậc đại úy trong những cuộc chiến đầu tiên thời Cách mạng. Trong trận Tơrêbia, Macđônan hỏi ai xung phong đánh chiếm một trận địa pháo địch, đại úy Giăng Birôttô dẫn đầu đại đội mình xông lên và hy sinh. Hình như cái số của nhà Birôttô là như vậy, đặt chân vào đâu cũng bị người ta hoặc bị các biến cố đè nén.
Đứa con út là nhân vật của màn kịch này. Năm mười bổn tuổi, Xêda vừa biết đọc, biết viết, biết tính. Cậu rời bỏ quê nhà, cuốc bộ lên Pari kiếm ăn, trong túi chỉ vẻn vẹn một đồng lu-i. Nhờ một nhà bào chế gởi gắm, cậu ta được nhận vào làm anh trông hàng ở cửa hiệu ông bà Ragông, nhà buôn chất thơm. Bấy giờ Xêda chỉ có một đôi giày đanh, một quần cộc, mấy chiếc bít tất xanh, một gilê thêu, một áo vét nông dân, ba sơ mi vải tốt và chiếc gậy đi đường. Cậu hớt tóc như trẻ con các ban thánh ca, nhưng thân hình lại cứng cáp như dân xứ Tua. Có lúc cậu cũng đâm lười như thói thường tràn lan trong cả nước, nhưng bù lại, cậu rất ham làm giàu. Cậu chẳng thông minh, cũng chẳng học hành gì, nhưng lại có tấm lòng ngay thẳng hồn nhiên, và những tình cảm tế nhị mà cậu thừa hưởng được của mẹ cậu, một con người được gọi là tấm lòng vàng, theo cách nói vùng Tua. Cậu được nuôi cơm và sáu phrăng tiền công mỗi tháng, ban đêm được ngủ ở tấm sạp, trên gác áp mái, bên cạnh người đầu bếp gái. Bọn ký lục, trong lúc bày cậu đóng gói, chạy việc, hay quét tước trong kho, ngoài phố, thường vừa rèn cặp cậu làm việc vừa chế giễu. Đó là do thói tục các hiệu buôn, ở đó yếu tố học hành chủ yếu nhất chỉ là đùa cợt. Ông bà Ragông nói năng với cậu như nói năng với một con chó. Chẳng một ai để ý đến sự khó nhọc của tên học việc, mặc dù hai bàn chân cậu cả ngày ê ẩm trên sàn gỗ, tối đến càng nhức nhối không thể tả, còn hai vai thì như rã rời. Lối sống đèn ai nấy rạng là thánh kinh của tất cả các thủ đô. Được áp dụng ở đây một cách nghiệt ngã, nó khiến cho Xêda cảm thấy cuộc sống ở Pari quá vất vả. Tối đến, cậu khóc khi nghĩ đến xứ Tuaren. Ở đấy, nông dân làm việc thong dong, thợ nề đặt phiến đá phải qua mười hai thì, ở đấy, lười nhác lẫn vào chăm làm một cách thông minh. Nhưng rồi cậu ngủ thiếp đi, không kịp nghĩ đến việc bỏ trốn. Với lại cậu có nhiều việc phải đi lại trong buổi sáng, và tính cậu tuân theo phận sự như với bản năng con chó giữ nhà. Ngẫu nhiên mà cậu thở than, thì người trưởng ký mỉm cười một cách vui tính :
— À, cậu bé ơi, ở Nữ hoàng hoa hồng không phải cái gì cũng màu hồng, không phải há miệng mà chờ sung được đâu, phải trèo, phải với, và cuối cùng còn phải nuốt ớt nữa kia.
Cô đầu bếp, béo phúng phính, người xứ Picácđi, thì dành riêng cho mình miếng ngon, và chỉ cất tiếng nói với Xêda khi phàn nàn ông bà Ragông chẳng để chút gì cho mình cắp xén cả. Tháng đầu tiên trôi qua, một buổi chủ nhật, có nhiệm vụ phải trông nhà, cô gái bắt chuyện với Xêda. Cái cô Uyêcxuyn ấy, tắm gội sạch sẽ, dưới mắt cậu lao công tội nghiệp, cũng xinh ra dáng. Và nếu không có chút may, thì cậu đã đâm đầu vào tảng đá ngầm đầu tiên trong cuộc đời làm thuê của mình. Như mọi kẻ trơ trọi không ai chở che, cậu yêu người phụ nữ đầu tiên nhìn cậu một cách đáng yêu. Cô nấu bếp nhận che chở cho Xêda và từ đó nảy sinh những ái ân vụng trộm mà bọn làm công chế giễu không hề có chút thương tiếc. Hai năm sau, may mắn làm sao, cô nấu bếp lại rời bỏ Xêda đề đi theo một tên thanh niên trốn lính người cùng quê, ẩn lánh ở Pari, mới hai mươi bốn tuổi, trong tay có mấy mảnh ruộng và tự nguyện đề cô Uyêexuyn cưới làm chồng.
Suốt hai năm ấy, cô nấu bếp nuôi nấng cậu bé Xêda của cô ra trò, giảng giải cho cậu nhiều bí mật của đời sống ở Pari, bằng cách cho cậu xem xét từ bên dưới, và vì ghen tuông mà tiêm cho cậu một sự kinh tởm sâu sắc đối với những nơi xấu xa, mà bản thân hình như không phải là không biết các thứ nguy hiểm. Đến năm 1792, khi bị phụ tình thì Xêda chân đã chai với sàn đá, vai đã lì với kiện hàng, còn đầu óc thì cũng đã quen với những chuyện tầm phơ của Pari. Do đó, khi Uyếcxuyn rời bỏ cậu, chả mấy chốc cậu đã tỉnh bơ, bởi vì cô ấy chẳng thể hiện được chút nào những ý niệm hồn nhiên của cậu về tình cảm. Ham nhục dục, tính lại cộc cằn, có vẻ hiền nhưng lại dữ, ích kỷ và rượu chè, cô ấy làm tổn thương nét ngây thơ trong trắng ở Birôttô, nhưng chẳng đem lại triển vọng phong phú nào. Đôi lúc, cậu bé tội nghiệp lấy làm đau lòng thay mình bị những dây tình cảm bền chặt nhất của trái tim ngây thơ buộc thắt mình vào một con người mà mình thấy không đồng điệu với mình. Lúc làm chủ được trái tim mình cũng là lúc cậu lớn lên và bước vào tuổi mười sáu. Trí óc cậu nhờ Uyếcxuyn và những lời đùa cợt của bọn làm công mà phát triển. Trí óc ấy giúp cậu nghiên cứu việc thương mại bằng một cái nhìn bề ngoài giản đơn nhưng lại giấu sự thông minh ở bên trong : cậu quan sát khách hàng, những lúc rỗi rãi lại tìm hiểu về hàng hóa, rồi nhớ lấy các loại và các hạng, đến một lúc nào đó, cậu hiểu biết về các mặt hàng, về giá cả và các con số thạo hơn mọi kẻ mới vào nghề. Và ông bà Ragông, từ đó, quen dùng cậu.
Cái ngày mà cuộc trưng tập kinh khủng của năm thứ hai chế độ cộng hòa vét sạch người làm của công dân Ragông, Xêda Birôttô , được nâng lên chức phó ký, nhân cơ hội đó mà đòi được mức lương năm mươi quan một tháng, và ngồi vào bàn ăn của gia đình Ragông với một nỗi vui mừng khôn tả. Anh phó ký cửa hiệu Nữ hoàng hoa hồng, bấy giờ trong túi đã có sáu trăm phrăng, được một căn buồng có đủ bàn ghế như lâu nay hằng mơ ước, trong đó anh có thể nhét các thứ đồ dùng ăn mặc đã tích lũy được. Những ngày cuối tuần — tuần mười ngày theo lịch cộng hòa — anh ăn mặc như bọn trẻ thời ấy. Lúc đó người ta phải làm ra vẻ hung hãn mới đúng thời thượng. Anh chàng nông dân hiền lành, khiêm tốn ấy cũng ra dáng một thanh niên ít nhất cũng ngang hàng với đám thanh niên bấy giờ. Và như vậy là cái hàng rào mà ở thời khác quan hệ chủ tớ hẳn sẽ ngăn cách giới tư sản với anh ta, anh ta đã vượt qua. Vào cuối năm ấy, biết tính trung thực của anh, người ta đưa anh giữ két. Bà công dân Ragông đồ sộ bắt đầu săn sóc đến quần áo của anh ký, và cả hai vợ chồng ngày càng gần gũi với anh.
Tháng Hái Nho năm 1794, Xêda đem số tiền mình có là một trăm lu-i vàng đổi lấy sáu ngàn phrăng tín phiếu, mua thực lợi theo giá ba mươi phrăng, trả tiền trước hôm tỉ lệ sụt giá được lưu hành ở Thị trường chứng khoán một ngày và ký tên vào số với một niềm sung sướng không sao tả xiết. Từ ngày đó, anh theo dõi sự diễn biến của tài chính và của mọi việc công với niềm lo lắng âm thầm, khiến anh hồi hộp khi nghe kể những thất bại cũng như những thắng lợi đánh dấu giai đoạn này của lịch sử nước ta. Ông Ragông, người cung cấp chất thơm cho hoàng hậu Mari Ăngtoanét, trong những giờ khủng hoảng tinh thần, lại đem nỗi gắn bó của mình với các bậc chúa đã bị hạ bệ, thổ lộ với Xêda Birôttô. Câu chuyện tâm sự ấy là một trường hợp có ý nghĩa lớn lao trong cuộc đời Xêda. Buổi tối, khi cửa hiệu đã đóng chặt, ngoài phố đã yên lặng và tiền nong ở két tính toán xong, những câu chuyện của Ragông nhóm lửa cuồng nhiệt trong đầu anh con trai xứ Tuaren, và khi anh trở thành người phái bảo hoàng, là anh tuân theo những tình cảm trời sinh. Những tường thuật về hành vi, đạo đức của Lu-i XVI, những mẩu chuyện hai vợ chồng kể ra để ca ngợi những đức tốt của hoàng hậu, đốt nóng trí tưởng tượng của Xêda. Số phận kinh khủng của hai cái đầu vua chúa kia bị chặt cách cửa hiệu có mấy bước, làm cho trái tim dễ xúc cảm của anh hóa phẫn nộ và khiến anh căm thù cái chế độ đã coi thường việc có những dòng máu vô tội phải đổ ra. Lợi ích của thương mại chỉ cho anh cái chết của buôn bán trong những thời giá cả bị qui định, và trong những cơn dông tố chính trị, cả hai luôn luôn là thù địch của công việc làm ăn. Là một nhà kinh doanh chất thơm thực sự, anh căm thù cuộc cách mạng khiến cho mọi người hớt cụt hết tóc, và thủ tiêu việc dùng phấn. Chế độ chuyên chế đem lại sự yên ổn, và chỉ sự yên ổn mới đem lại sự sống và tiền bạc, do đó mà anh hóa cuồng tín đối với nền quân chủ. Đến lúc thấy anh đã có những điều kiện thuận lợi, ông Ragông thăng anh lên trưởng ký và hướng dẫn anh đi vào bí mật của cửa hiệu Nữ hoàng hoa hồng. Một số khách mua của cửa hiệu là những kẻ đưa tin hoạt động nhất, trung thành nhất của họ Buốcbông, và ngay cửa hiệu, là nơi liên lạc giữa miền Tây với Pari. Bị máu nóng của tuổi trẻ lôi cuốn, việc giao du với những Gioóc, những Bidácđie, những Môngtôrăng, những Bôvăng, những Lônghi, những Măngđa, những Bécniê, những Kênic và những Phôngten, như châm điện vào người, Xêda lao mình vào vụ âm mưu do bọn bảo hoàng và bọn khủng bố liên kết với nhau dựng lên, chống lại chính quyền Quốc ước đang hấp hối, ngày 13 tháng Hái Nho.
Xêda được vinh dự chiến đấu chống lại Napôlêông ở bậc cấp Xanh Rốc và bị thương ngay từ lúc mới khởi sự. Ai nấy đều biết kết cục của vụ nổi dậy này. Nếu sĩ quan tùy tùng Đơ Bara nổi lên từ địa vị tối tăm của mình, thì Birôttô cũng nhờ gốc gác tối tăm của bản thân mà thoát nạn. Một vài người bạn khiêng anh chàng trưởng ký hiếu chiến về Nữ hoàng hoa hồng, và giấu vào gác áp mái. Bà Ragông băng bó dùm cho, và may quá người ta bỏ không nhớ đến nữa. Ở Xêda Birôttô, dũng khí quân sự chỉ xẹt qua như một làn chớp. Trong thời gian dưỡng bệnh một tháng, anh suy nghĩ rất vững chãi về sự liên quan buồn cười giữa chính trị và sản xuất chất thơm. Nếu còn là bảo hoàng, anh nhất định chỉ làm một nhà kinh doanh chất thơm và chỉ làm có thể chứ không bao giờ để cho mình phải liên lụy nữa, còn thì cúc cung tận tụy cho việc làm ăn của mình. Đến biến cố 18 tháng Sương Mù, ông bà Ragông thấy chán nản cho sự nghiệp quân chủ, quyết định rời bỏ nghề buôn chất thơm, để sống cuộc đời tư sản lương thiện và thôi không nhúng tay vào chính trị nữa. Để lấy lại số tiền vốn, hai vợ chồng phải tìm được một người trung thực, ít tham vọng, nhiều chất lương tri hơn là nhiều tài năng. Ông Ragông bèn ngỏ ý với anh trưởng ký của mình. Birottô bấy giờ mới hai mươi bốn tuổi mà đã có một nghìn phrăng thực lợi trong công trái, anh ngập ngừng. Anh những muốn, sau khi làm ra được một nghìn rưỡi phrăng thực lợi, và khi ông tổng tài đệ nhất củng cố việc công trái bằng cách củng cố địa vị mình ở cung Tuylơri, thì anh trở về ở Sinông. Anh tự nhủ : Tại sao lại đem cuộc đời tự do giản dị và lương thiện của mình đánh cuộc với những rủi may của nghề buôn bán ? Chưa bao giờ anh nghĩ mình lại làm ra được một số tiền to lớn như thế ; đúng là nhờ những con bài may rủi mà chỉ có tuổi trẻ người ta mới dám chơi. Anh nghĩ đến việc về xứ Tuaren lấy một người vợ cũng có tiền như mình để có thể mua được cái trại Nữ thủ quỹ. Mua rồi canh tác lấy miếng đất mà từ lúc biết nghĩ anh hằng h.am m.uốn, hằng mơ ước mở rộng thêm. Ở đấy, anh sẽ làm ra nghìn qui thực lợi, ở đấy, anh sẽ sống một cuộc đời âm thầm nhưng hạnh phúc.
Anh sắp từ chối không nhận thì tình yêu bỗng dưng làm đảo lộn quyết định ấy và tăng lên gấp bội con số vốn liếng nằm trong tham vọng của anh.
Từ lúc bị Uyếcxuyn phản bội, Xêda sống trong sạch, nề nếp, một phần vì sợ trò trăng hoa ở Pari có lắm điều hiểm, một phần cũng vì công việc làm ăn bận rộn. Ham mê mà không gặp đối tượng thì sẽ đổi thành nhu cầu ; vì thế, đối với hạng người trung lưu trong xã hội, hôn nhân trở thành một ám ảnh, bởi lẽ chỉ có cách đó họ mới chính phục và chiếm hữu được một người phụ nữ. Xêda Birôttô bấy giờ ở vào tình cảnh đó. Mọi việc trong cửa hàng Nữ hoàng hoa hồng đều đổ lên lưng anh trưởng ký : anh không còn chút thì giờ nào dành cho vui chơi. Trong cảnh sống như vậy, sự đòi hỏi lại càng gắt gao : do đó, gặp một cô gái đẹp mà một anh ký ăn chơi có thể chỉ để ý thoáng qua, thì ấn tượng lại mãnh liệt nhất đối với anh chàng Xêda nề nếp. Một ngày tháng sáu đẹp trời, qua cầu Mari để vào đảo Xanh Lu-i, anh trông thấy một thiếu nữ đứng trước cửa một hiệu buôn ở góc bến Anggiu : Côngxtăng Pidơrô. Đó là cô gái bán hàng số một của một hãng buôn đồ thời trang, hãng Chú lính thủy : Đây là hãng đầu tiên trong những hãng buôn mới dựng lên ít lâu nay ở Pari. Ít nhiều biển sơn màu, băng vải phấp phới, tủ kính đầy khăn san buông xõa, cà vạt xếp thành hình lâu đài, với vô số những món quyến rũ của thường trường, rồi giá nhất định, băng vải buộc hàng, áp-phích, và những trò chơi quang học, tỉnh xảo đến mức mặt tiền cửa hiệu trở thành những bài thơ thương nghiệp. Những món gọi là đồ thời trang ở Chú lính thủy đều giá rất hạ, do đó mà cửa hiệu được ham chuộng vô chừng, mặc dù ở vào một nơi khó mà được ham chuộng và khó mà bán buôn thịnh vượng. Cô bán hàng số một ấy có nhan sắc nên thường được nêu tên. Cũng như cô Limônađie xinh đẹp của quán cà phê Nghìn trụ và nhiều cô thiếu nữ tội nghiệp khác ở các cửa hàng bán mũ, bán nước chanh, ở các hãng buôn, họ đã làm cho số người già trẻ dí mũi vào ô cửa kính để ngước nhìn lại còn nhiều hơn cả số đá tảng lót đường ở Pari. Anh trưởng ký của hiệu Nữ hoàng hoa hồng, nhà ở vào quãng giữa Xanh Rốc và phố Xuốcđie, vì chuyên lo lắng về món chất thơm nên chẳng ngờ có cửa hàng Chú lính thủy, — các nhà buôn bán nhỏ ở Pari vốn khá xa lạ với nhau. Bị nhan sắc của Côngxtăng lôi cuốn quá ư mãnh liệt, Xêda như điên như dại, xông vào hiệu Chủ lính thủy mua liền sáu sơmi bằng vải, mà mặc cả rất lâu, lại bắt cô hàng xổ ra hàng đống áo, chẳng khác gì cô khách người Anh có tật ngập ngừng. Cô bán hàng số một lưu ý săn sóc Xêda khi nhận thấy có đôi triệu chứng mà phụ nữ chẳng ai lạ gì, rằng anh đến đây vì cô bán hàng nhiều hơn là vì món hàng. Anh nói tên và địa chỉ cho cô biết, mặc dù cô tỏ vẻ thờ ơ trước lời ca ngợi của anh, sau khi món hàng nhỏ đã mua xong. Trước kia, để lọt vào mắt xanh của Uyếcxuyn, anh ký tội nghiệp chẳng phải làm gì nhiều, anh cứ là ngây dại như một con cừu. Nay tình yêu lại càng làm anh ngây dại thêm ; anh chẳng dám nói lấy một lời, đằng khác anh bị lóa mắt đến nỗi không sao còn nhận thấy được vẻ vô tư tiếp theo sau nụ cười ở cô bán hàng là nhân ngư này.
Suốt tám ngày, tối nào anh cũng đến đứng canh trước hiệu Chú lính thủy, tìm kiếm một cái nhìn tựa con chó tìm kiếm miếng xương trước của một nhà bếp, bất cần những lời chế giễu mà bọn ký lục và bọn gái bán hàng tự cho phép mình tung ra, chỉ xê xích để nhường chỗ một cách lễ phép cho khách đến mua hàng và những người qua đường chú ý đến cả những đổi mới nho nhỏ của hãng buôn. Mấy ngày hôm sau, anh lại vào lần nữa cái chốn thiên đường có cô thiên thần của anh, ít vì việc mua khăn bằng việc mách cho cô một ý vô cùng sáng suốt.
— Thưa cô, nếu cô cần các chất thơm, tôi xin cung cấp đủ, anh vừa trả tiền vừa nói.
Hằng ngày Côngxtăng Pidơrô đều nhận được những lời đề nghị hay họ nhưng không bao giờ có liên quan đến vấn đề hôn nhân. Mặc dù trái tim cô trong suốt cũng như vùng trán cô trắng tinh, cũng phải mất sáu tháng tới tới lui lui, trong đó Xêda chứng tỏ lòng mình gắn bó không mệt mỏi, cô mới chịu đón nhận sự chăm sóc của Xêda, nhưng vẫn chưa muốn tỏ bày ý kiến. Đó là sự thận trọng bắt buộc phải có trước vô số những kẻ chạy theo mình : những anh chàng buôn rượu bán sỉ, những anh chủ hàng giải khát giàu có, và bao nhiêu kẻ khác, tất cả đều có cảm tình với cô. Anh chàng si tình tìm được một chỗ dựa ở người đỡ đầu của Côngxtăng, ông Clốt Giôdép Pidơrô, hồi ấy đang buôn hàng sắt ở bến Pheray. Phải dùng đến ngón do thám ngầm — mà phải thật sự yêu đương mới dùng đến ngón ngầm này — cuối cùng anh mới phát hiện ra ông ta. Vì lẽ phải thuật nhanh câu chuyện này nên ở đây phải bỏ qua không nói đến những nỗi vui của tình yêu người Pari được xây đắp một cách ngây thơ, cũng như phải làm thinh đối với những thói xa xỉ riêng biệt của giới kỷ lục : những quả dưa đầu mùa đem tặng, những bữa cơm tinh tế ở nhà hàng Vênuya ; sau đó là xem hát, những chuyến dã ngoại bằng xe song mã ngày chủ nhật. Xêda không đẹp trai nhưng trông người cũng chẳng có gì khó thương. Cuộc sống ở Pari, những ngày dài trong một cửa hàng âm u, cuối cùng đã xóa nhòa vẻ hồng hào linh hoạt trên da mặt nông dân. Mớ tóc đen dày, cái cổ lực lưỡng như cô giống ngựa Noocmăngđi, chân tay to bự, vẻ mặt giản dị, thật thà, tất cả đều như phối hợp, xếp sắp thuận lợi cho sự thành công của anh. Ông chú Pidơrô có trách nhiệm chăm sóc đến hạnh phúc của đứa con gái của anh mình, đã đi tìm hiểu về Xêda, và ông tán thành ý định của chàng trai xứ Tuaren. Tháng năm đẹp trời năm 1800, cô Pidơrô đồng ý kết hôn với Xêda Birôttô. Anh chàng suýt ngất đi vì sung sướng, hôm ở Xô, dưới gốc cây bồ đề, cô Côngxtăng Bácbơ Giôdêphin nhận lời lấy anh.
— Cháu này, ông Pidơrô nói, cháu được anh chồng tốt đấy. Anh ta nhiệt tình và biết trọng danh dự, là hạng người thật như đếm và ngoan như Chúa hài đồng, nói tóm lại là lý tưởng trong đám đàn ông.
Côngxtăng rõ ràng là từ bỏ những cảnh đời sang trọng, ·mà các cô gái bán hàng như cô thường có khi mơ tưởng. Bây giờ thì nàng chỉ muốn làm một người phụ nữ lương thiện, một người mẹ hiền trong gia đình, và bước vào đời theo cái chương trình có tính cách tôn giáo của tầng lớp trung lưu. Thật ra, cái vai ấy hợp với ý cô hơn là những thứ phù hoa nguy hại làm mê mẫn bao trí óc Pari non trẻ. Thông minh vừa phải, Côngxtăng là mẫu người điển hình của giới tư sản nhỏ. Việc làm thì hình như không chút ít nặng mày thì không xong. Thường thì cái mình thích, cứ bắt đầu từ chối cái đã, nhưng lại phật lòng khi người ta nói đúng bụng mình. Tính ham hoạt động và cả lo lại hướng vào việc bếp núc cũng như vào việc tiền nong, vào những việc quan trọng bậc nhất cũng như vào việc mạng vá quần áo. Trái tim vừa yêu lại vừa hờn giận. Đầu óc thì chỉ quan niệm được những ý tứ đơn giản nhất, loại tiền lẻ của trí tuệ, nhưng lại cái gì cũng lý luận, cái gì cũng lo sợ, cái gì cũng tính toán và luôn luôn suy nghĩ đến tương lai. Sắc đẹp lạnh lùng nhưng thơ ngây, vẻ người dễ mến, dáng nõn nà của cô khiến Birôttô không thể nào nghĩ rằng cô còn khuyết điểm. Với lại, có chỗ nào khiếm khuyết thì đã bù lại được bằng tấm lòng trung thực tế nhị, rất tự nhiên ở phụ nữ, bằng một thổi quen cực kỳ ngăn nắp, bằng một lòng cuồng nhiệt trong làm lụng, và bằng cái tài bán hàng lỗi lạc. Bấy giờ Côngxtăng mười tám tuổi và có trong tay mười một nghìn phrăng. Có tình yêu khơi gợi, tham vọng phình lên đến cùng cực, Xêda mua lại cửa hiệu Nữ hoàng hoa hồng, mang đến gần quảng trường Văngđôm, trong một ngôi nhà xinh đẹp. Hai mươi mốt tuổi, vợ là một cô gái nhan sắc nhiều người chiều chuộng, đứng chủ một cơ nghiệp giá đáng bốn phần thì chỉ mua có ba, anh ta chắc chắn phải thấy và thực tế đã thấy tương lai là rất đẹp, nhất là khi đo lại quãng đường đã đi, tính từ điểm xuất phát. Người chưởng khế của gia đình Ragông, ông Rôganh, người thảo giấy hôn thú, lại bày khôn anh ta, ngăn không cho dùng khoản hồi môn của vợ để trả số tiền mua cửa hàng.
— Giữ cái vốn ấy lại đề có dịp còn kinh doanh vài chuyến chứ cháu, ông ta nói vậy.
Birôttô nhìn ông chưởng khế, trong lòng lấy làm kính phục, từ đó, có thói quen hỏi ý kiến ông ta, rồi coi như một ông bạn thân. Cũng giống như các ông Ragông và Pidơrô, anh tin tưởng ở nghề chưởng khế đến mức có thể cởi mở tất cả với ông Rôganh mà không hề có chút nghi ngại nào. Nhờ lời khuyên ấy, Xêda có sẵn trong tay mười một nghìn phrăng của Côngxtăng để bắt đầu công việc. Giá có đổi cái vốn ấy để lấy cái vốn của tổng tài đệ nhất, dù cái vốn của Napôlêông có rực rỡ đến đâu đi nữa, anh cũng không chịu. Ban đầu, Birôttô chỉ có một người nấu bếp ; anh ở gác lửng bên trên cửa hàng, một gian buồng tồi tàn những được một tay thợ thảm trang hoàng khá mỹ quan, và ở đấy cặp vợ chồng mới cưới bắt đầu một tuần trăng mật vô cùng tận. Bà Xêda xuất hiện ở quầy hàng y như một kỳ quan. Nhan sắc lộng lẫy của bà làm cho cửa hàng bán chạy một cách ghê gớm. Trong giới những tay điển trai thời Đế chế, chỉ còn có một đầu đề bàn tán là bà Birôttô xinh đẹp.