Vòng quanh thế giới, nếm thử 10 phiên bản trà sữa khác nhau

ly quoc

I'm fine!
Thành viên thân thiết
Tham gia
18/4/2013
Bài viết
12.616
Trà sữa không chỉ là món khoái khẩu của giới trẻ Việt Nam đâu nhé.

Với các nước châu Âu và châu Mỹ, trà sữa là một thứ thức uống khá lạ đời. Nhưng với nhiều quốc gia châu Á, món này lại rất phổ biến và đáng ngạc nhiên là xuất hiện dưới nhiều phiên bản khác nhau, tùy theo văn hóa và đặc sản của từng quốc gia. Thử xem bạn biết được bao nhiêu cái tên trong số 10 phiên bản trà sữa đến từ 10 quốc gia dưới đây nhé.

1. Teh tarik – Malaysia, Singapore

Là tài sản văn hóa chung của Malaysia và Singapore, trà sữa Teh tarik là một phần không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày của người dân 2 quốc gia này như cà phê ở Việt Nam vậy.


20160107-015839-1_600x485.jpg

Teh tarik còn có tên gọi khác là trà kéo.
(Ảnh: Internet)

Chỉ gồm một số nguyên liệu đơn giản như trà, sữa và một ít đường, tuy nhiên nếu không biết cách pha chế thì sẽ không có được một li trà Teh tarik đúng chuẩn. Teh tarik còn có tên gọi khác là trà kéo, do hỗn hợp trà và sữa sẽ được rót qua lại giữa hai chiếc li lớn có khả năng giữ nhiệt cao, khoảng cách giữa hai chiếc ly khi rót có thể “kéo” tới cả 1m. Nhờ cách pha chế đặc biệt này mà Teh tarik có được mùi thơm đậm đà, vị béo và không quá ngọt, khiến người thưởng thức cứ lưu luyến mãi trong hương trà thơm ngát.

2. Cha yen – Thái Lan

Không quá xa lạ với giới trẻ Việt Nam, Cha yen (tên gọi trong tiếng Thái của trà sữa Thái) là một điểm sáng về văn hóa ẩm thực đường phố Thái Lan, nhờ vào quá trình chế biến trà cực độc đáo. Tương tự như Teh tarik, người bán hàng sẽ dùng hai chiếc cốc và khéo léo rót trà qua lại, nhanh thoăn thoắt và điêu luyện đến kinh ngạc.


20160107-020011-2_520x346.jpg

Cha yen đỏ là loại trà sữa truyền thống.
(Ảnh: Internet)
Cha yen có hai loại: trà đỏ và trà xanh. Trà đỏ là loại trà sữa truyền thống, trà xanh có mùi thơm nhẹ và thanh hơn. Cha yen có vị ngọt khá gắt, beo béo, có tác dụng giải nhiệt khá tốt khi dùng lạnh, rất phù hợp với khí hậu nóng quanh năm của xứ sở chùa vàng.

3. Trà sữa túi lọc – Việt Nam

Dân dã, tiện lợi và sáng tạo, trà sữa túi lọc là một phiên bản trà sữa đặc sắc củaViệt Nam. Là xứ sở của trà, Việt Nam không thiếu những phiên bản trà sữa hảo hạng với giá thành từ trung bình đến cao cấp, nhưng trà sữa túi lọc hoàn toàn phản ánh đúng bản chất của người Việt Nam, cụ thể là người Sài Gòn: gọn nhẹ, gần gũi và dân dã.


20160107-020021-3_500x332.jpg

Trà sữa túi lọc dân dã, gần gũi và sáng tạo như người Sài thành.
(Ảnh: Internet)

Công thức pha chế rất đơn giản, chỉ cần khoảng 1 phút là có ngay một li trà sữa mang đi. Trà túi lọc nhiều mùi hương như đào, bạc hà, dâu, táo… được pha với sữa đặc, thêm ít đá và cứ thế, hương vị trà sữa thơm lừng len lỏi trong từng câu chuyện không đầu không cuối trong buổi tối nhộn nhịp chốn Sài thành.

4. Trà sữa Hồng Kông

Từng là vùng đất thuộc địa của Anh, Hồng Kông tiếp nhận văn hóa trà chiều của người dân xứ sở sương mù và dần dà biến nó thành một phần không thể thiếu trong văn hóa của xứ cảng thơm. Người Hồng Kông thường dùng một cốc trà sữa nóng sau bữa trưa.


20160107-020030-4_500x335.jpg

Người Hồng Kông thường dùng một cốc trà sữa nóng sau khi dùng bữa trưa.
(Ảnh: Internet)

Với nguyên liệu chính là trà đen và sữa đặc, trà sữa Hồng Kông ngon nhất khi dùng nóng. Một li trà sữa Hồng Kông đúng chuẩn phải đảm bảo độ mịn, béo và thơm sữa. Trà sữa Hồng Kông đá còn được dùng như một món thức uống giải rượu.

5. Trà sữa trân châu Đài Loan

Những li trà sữa với hạt trân châu đen hấp dẫn gây sốt trong giới trẻ Việt có nguồn gốc từ Đài Loan. Có thể nói, trà sữa Đài Loan đa dạng và phong phú bậc nhất trong số những phiên bản trà sữa trên khắp thế giới.


20160107-020039-4b_600x443.jpg

Có đến gần 100 loại trà sữa cho bạn tha hồ lựa chọn nếu bước vào một quán trà sữa Đài Loan.
(Ảnh: Internet)

Có đến gần 100 loại trà sữa cho bạn tha hồ lựa chọn nếu bước vào một quán trà sữa Đài Loan cùng nhiều loại hạt, trân châu vừa thích mắt vừa vui miệng. Đây là lí do khiến trà sữa Đài Loan được chào đón và yêu thích khi "đặt chân" đến các nước châu Á khác.

6. Po cha – trà bơ Tây Tạng

Trà bơ Po cha không chỉ là thức uống truyền thống của người Tây Tạng, mà còn là “thần dược” giúp họ sinh tồn trong cái lạnh cắt da cắt thịt của vùng đất khắc nghiệt này.


20160107-020048-5_600x287.jpg

Po cha - “thần dược” giúp người Tây Tạng sinh tồn trong cái lạnh cắt da cắt thịt của vùng đất khắc nghiệt này.
(Ảnh: Internet)
Nguyên liệu để pha trà bơ có lẽ là những cái tên còn khá xa lạ với người Việt: trà đen Pu-erh, bơ làm từ sữa bò Yak (đây là loại bò đặc trưng của vùng đất này) và muối Himalaya (một loại muối mỏ màu hồng có tác dụng chữa bệnh). Thời gian đun trà Pu-erh khoảng 1 tiếng, lâu hơn so với trà thông thường, sau đó người ta sẽ cho sữa và muối vào. Sau đó, họ dùng bình trà có tên là Chandong để hòa tan trà sữa vừa đun với bơ. Mùi vị thơm nhẹ, dễ uống, vừa giữ ấm tốt, vừa chống đói hiệu quả, nếu có dịp ghé thăm Tây Tạng, đừng quên trà bơ Po cha nhé.

7. Masala chai – Pakistan, Ấn Độ

Trà Masala chai là một thức uống giải khát có mùi vị trà, được làm bằng cách ủ trà đen với hỗn hợp các loại gia vị và thảo mộc Ấn Độ. Cho đến nay, Masala chai đã vươn ra toàn thế giới, ở một số nước, nó còn trở thành một nét đặc trưng chủ đạo của các quán cà phê cũng như phòng trà.


20160107-020057-6_600x494.jpg

Trà Masala chai là một thức uống giải khát có mùi vị trà, được làm bằng cách ủ trà đen với hỗn hợp các loại gia vị và thảo mộc Ấn Độ.
(Ảnh: Internet)

Để chế biến Masala chai, cách đơn giản nhất theo kiểu truyền thống là nấu cô bằng cách ninh lửa nhỏ hoặc nấu sôi hỗn hợp sữa và nước với trà được làm tơi, chất làm ngọt cùng tất cả các gia vị khác. Với hỗn hợp nguyên liệu lạ và đậm chất Nam Á, chắc chắn hương vị của Masala chai sẽ nồng đậm nhưng vẫn ngọt ngào, khiến du khách lưu luyến mãi.

8. Suutei tsai – Mông Cổ

Trong tiếng Mông Cổ, suutei tsai nghĩa là trà sữa. Để pha chế một cốc suutei tsai, cần một vài nguyên liệu đơn giản như nước, sữa, trà và muối. Công thức khá đơn giản, chỉ cần cho một lít nước, một lít sữa, một muỗng trà xanh (hoặc trà đen) và một muỗng cà phê muối vào với nhau rồi lắc đều là đã có một cốc Suutei tsai.


20160107-020142-7_520x780.jpg

Để pha chế một cốc Suutei tsai, cần một vài nguyên liệu đơn giản như nước, sữa, trà và muối.
(Ảnh: Internet)

Điều đặc biệt là sữa, bởi sữa ở Mông Cổ thường tươi, nguyên chất nên sẽ mang lại hương vị đặc biệt hơn rất nhiều so với sữa tươi tiệt trùng hay sữa đặc trong các phiên bản trà sữa khác.

9. Trà sữa "hoàng gia" Nhật Bản

Thật ra, tên gọi “trà sữa hoàng gia” là tên một thương hiệu trà sữa pha sẵn nổi tiếng của Nhật Bản, chứ không phải loại trà sữa được phục vụ trong cung đình. Tuy nhiên, món trà sữa này được nhiều người Nhật Bản yêu thích vì vị thơm ngon của nó.


20160107-020247-9_600x400.jpg

Trà sữa "hoàng gia" được nhiều người Nhật Bản yêu thích vì vị thơm ngon của nó.
(Ảnh: Internet)

Thay vì sử dụng nước pha với bột trà và thêm sữa đặc, người Nhật đun sữa đến khi vừa sôi thì cho bột trà vào. Khi ấy, mùi thơm khó cưỡng của trà sẽ bốc lên ngay lập tức, quyện với hương thơm của sữa đun sôi. Và đến khi dòng trà sữa hoàng gia ngọt ngào chạm đầu lưỡi, bạn sẽ hiểu vì sao nó được ưa chuộng ở Nhật Bản đến như vậy.

10. Karak chai – Qatar


20160107-020421-10_600x390.jpg

Karak chai thực chất là người anh em sinh đôi với Masala chai.
(Ảnh: Internet)

Karak chai thực chất là người anh em sinh đôi với Masala chai. Người dân Qatar gọi Masala chai là Karak chai. Món uống bổ dưỡng và ngon miệng này đã theo chân người Nam Á đến nhiều vùng đất trên thế giới, để rồi nhanh chóng quyến rũ họ với hương vị đặc biệt khó cưỡng.

Theo Thegioitre.vn
 
×
Quay lại
Top Bottom