Văn hóa xếp hàng và những khúc mắc 'nhức nhối'

Totoro

Thành viên thân thiết
Thành viên thân thiết
Tham gia
17/12/2011
Bài viết
5.437
Việc chen lấn, giành giật nhau nơi công cộng khiến cho hình ảnh một số người trở nên cực kỳ xấu xí.

Cách đây không lâu, hình ảnh dòng người chật vật, chen ngang, thậm chí cãi vã nhau giành mua những chiếc bánh Trung thu truyền thống ở Hà Nội khiến không ít người bày tỏ sự băn khoăn, chán nản. Cuối tháng 8, cảnh tượng hàng ngàn người chen chúc nhau mua hàng giảm giá tại một siêu thị mới khai trương tại Đà Lạt trong suốt một tuần cũng khiến dư luận bức xúc lên tiếng

Đằng sau hình ảnh ấy, câu chuyện về văn hóa xếp hàng được nhiều bạn trẻ “nhập cuộc” chia sẻ những quan điểm của cá nhân.

4-1311-1380019381.jpg

Cảnh chờ mua bánh Trung thu nhốn nháo ở Hà Nội gây tranh cãi thời gian qua. Ảnh: Fb

Không phải ai cũng biết xếp hàng!

Vào mùa khai trương, giảm giá của hàng loạt trung tâm thương mại trên cả nước, câu chuyện văn hóa xếp hàng mua sắm lại trở nên nóng bỏng và trở thành tâm điểm bàn luận trên không ít diễn đàn, fanpage. Một topic được lập ra gần đây trên diễn đàn W... kéo dài vài chục trang là nơi các thành viên tập trung "xả" những bức xúc khi mua hàng khuyến mãi ở một trung tâm lớn tại Hà Nội.

Bạn Nhung Hoàng bức xúc chia sẻ: "Mình đang xếp hàng đứng mua bánh mỳ, đúng giờ tan ca nên rất đông người. Tới lượt mình, đang lúi cúi tìm cái kẹp để gắp bánh mỳ thì đã bị xô lên rồi đẩy bật ra khỏi hàng. Mấy bạn xếp sau còn tỏ vẻ sừng sộ: "Lựa hàng gì mà lâu thế, không biết người đứng sau còn phải mua hàng à?". Thế là mình chưa kịp mua được gì đã bị mất chỗ, đành phải xếp hàng lại từ đầu...".

Đông đảo bạn trẻ cũng thể hiện những băn khoăn của mình khi câu chuyện văn hóa xếp hàng mua sắm đang là thước đo đánh giá hình ảnh của giới trẻ trong mắt người chung quanh, đặc biệt là người nước ngoài.

tranh-gianh-1186-1380088004.jpg

Cảnh giành giật mua đồ gần đây trong một siêu thị khiến nhiều người hoang mang. Ảnh: Fb

Hoàng Văn chia sẻ một câu chuyện cậu bạn chứng kiến gần đây và vẫn còn cảm thấy bức xúc mỗi khi nhớ lại. "Hôm đó, mình đang xếp hàng đứng thanh toán trong siêu thị. Trong hàng người dài dằng dặc, sắp sửa đến lượt thanh toán một bác nước ngoài thì một bạn "trẻ trâu" từ hàng cuối nhảy lên giành trước. Bác ấy tỏ ý ngạc nhiên, đập vai bạn đó thắc mắc thì bạn ấy lờ đi. Bác ấy bức xúc ra hiệu với nhân viên bán hàng, nhưng cô ấy cũng chỉ liếc qua rồi cúi đầu làm tiếp. Bức xúc quá, bác ấy mới đặt giỏ hàng mình xuống rồi giận dữ bỏ về. Mình chưa kịp lên tiếng phụ bác ấy thì đã bị người sau hối thúc bước lên thanh toán...", Văn kể.

Không ít teen cũng chán nản so sánh, nếu việc xếp hàng ở các nước tiên tiến gần như là điều bắt buộc: nếu anh không xếp hàng thì anh sẽ không được mua, thì ở Việt Nam, một bộ phận giới trẻ lại tỏ ra thờ ơ, thậm chí còn khuyến khích, ủng hộ hình thức mua sắm theo lối tranh giành, chen lấn.

ImageView-4113-1380095690.jpg

Đừng biến mình trở thành "cái gai nhức nhối" trong mắt người khác teen nhé! Ảnh minh họa: LEO

"Gặp cảnh đông đúc, chen chúc, mỗi người chỉ có ý thức một tí, ưu tiên cho thứ tự xếp hàng trước - sau thì sẽ rất dễ tiết kiệm thời gian, công sức cho nhau, lại đỡ phần bực bội vì chuyện giành giật. Tiếc là nhiều người cũng biết điều đó, nhưng tâm lý nôn nóng, sợ bị mất phần, sợ mình không chen lấn thì sẽ thành "nạn nhân" nên cứ thế mà xông vào mua hàng, chả để ý nguyên tắc, phép lịch sự gì cả...", bạn Trường Nguyễn chia sẻ.

Có nên ồ ạt chen mua vì một món hàng?

Sau sự kiện mua bánh Trung thu truyền thống ở Hà Nội, bên cạnh câu chuyện văn hóa xếp hàng, không ít người tỏ ra thắc mắc, liệu có đáng để "hành xác" để mua sắm vì một món hàng không quá đặc biệt và có mặt hàng thay thế, thay vì là những dịch vụ thiết yếu như bệnh viện, trường học? Vấn đề tâm lý "a dua", đua đòi cũng được đem ra mổ xẻ: họ chấp nhận chen lấn mua hàng vì món hàng thực sự đáng giá, hay chỉ là chạy theo trào lưu, thấy người ta có thì mình cũng có cho bằng được?

Xoay quanh ý kiến thắc mắc tại sao phải cực khổ đến những chỗ yêu cầu xếp hàng rồng rắn để mua thức ăn trong khi có hàng chục cửa hàng trong thành phố vẫn có bán những mặt hàng cùng chủng loại như vậy, bạn Phạm Văn Tiên, trường ĐHKHXH&NV TP HCM, tâm sự: “Theo mình, việc xếp hàng chờ đợi mua đồ ăn là việc làm cần thiết. Nếu bản thân mình muốn mua một sản phẩm nào đó thì mình sẽ chờ bằng mọi giá. Nếu phải đứng hàng dài để được cầm trên tay sản phẩm mình muốn thì cảm giác rất hài lòng và hạnh phúc. Đồng thời, nó cũng đánh giá được mức độ cần thiệt cũng như chất lượng sản phẩm”.

tranh-gianh-2-7161-1380093416.jpg

Đạt và Tiên rất ủng hộ việc xếp hàng vì như thế trông sẽ rất lịch sự và trật tự. Ảnh: NVCC

Nhiều bạn trẻ cũng đồng tình rằng, dù có thực sự mua hàng với mục đích nào, thì chuyện xếp hàng cũng rất cần thiết. Bạn Sử Tất Đạt, SV Trường ĐH KHTN TP HCM, chia sẻ: “Trước đây, khi trường mình chưa xây căng tin mới thì việc chen lấn xô đẩy là chuyện thường thấy. Cảm giác giành từng chỗ đứng để nhanh chóng có được phần ăn rất mệt mỏi. Giờ thì mọi thứ đã được tổ chức rất quy củ, sinh viên vào căng tin đều phải xếp thành hàng ngay ngắn nên khi nhận phần ăn cũng cảm thấy ăn ngon hơn”.

Ngược lại với quan điểm đồng ý chuyện xếp hàng chỉ để mua được một món đồ mình thích, Kim Chi (cựu học sinh Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền) nêu ý kiến: “Mình không phủ nhận xếp hàng để ổn định là một biểu hiện của nếp sống văn minh. Nhưng, cá nhân mình rất quý trọng thời gian. Mình nghĩ việc xếp hàng cả tiếng đồng hồ chỉ để ăn được một món mình thích là đang đốt thời gian vô ích. Thay vì phải chờ đợi thì tại sao mình không thử tìm một quán khác và biết đâu sẽ khám phá ra những món ngon hơn”.

Tương tự, bạn Nguyễn Thị Thanh Quyên, SV Đại học Công nghệ Sài Gòn chia sẻ rằng bạn không thích việc xếp hàng chỉ để mua món mình thích.

“Đối với những công việc gì yêu cầu sự trật tự và tôn trọng người xung quanh như đi đến trường học, bệnh viện để làm thủ tục thì mình sẽ xếp hàng chờ đến lượt. Tuy nhiên khi đi ăn thì mình không chọn cách đó. Mình trả tiền cho một món ăn đồng nghĩa với việc trong đó đã có một phần tiền “mua” sự tiện lợi và được phục vụ chu đáo chứ không phải để nhận sự chờ đợi mệt mỏi, đôi khi là cả ức chế nữa”, cô bạn cho biết thêm.

3-1301-1380019382.jpg

Cô bạn Thanh Quyên là một trong những bạn trẻ không thích việc xếp hàng để mua thức ăn.Ảnh NVCC

Tất nhiên, câu chuyện chen lấn khi mua sắm sẽ vẫn là vấn đề còn gây tranh cãi khi ý thức của một bộ phận teen vẫn đi ngược với văn hóa ứng xử chuẩn mực. Và chuyện bỏ thời gian, công sức mua một món hàng thỏa ý thích bản thân vẫn phụ thuộc vào sự lựa chọn riêng tư của cá nhân teen.

Dù với sự lựa chọn nào, teen cũng cần giữ hình ảnh văn minh với cách ứng xử chừng mực. "Rất nhiều người Việt có hành vi chen lấn, xô đẩy, làm xấu đi hình ảnh của đất nước mình trong mắt bạn bè quốc tế. Mình thật sự hy vọng văn hóa xếp hàng cũng có thể "lây lan", để ai cũng có ý thức giữ hình ảnh của chính mình nơi công cộng", một độc giả chia sẻ.

Theo ione
 
×
Quay lại
Top