Vai trò của giáo dục nhân cách

heokool

Cà rốt, trứng hay hạt cà phê?
Thành viên thân thiết
Tham gia
22/9/2011
Bài viết
14.934
Nhân đọc bài báo viết về buổi nói chuyện của GS Ngô Bảo Châu, tôi thực sự tâm đắc và càng lo ngại cho sự đi xuống trong giáo dục và nhiều lĩnh vực khác của đời sống xã hội nước ta hiện nay. Hiện tượng đã quá rõ, vậy nguyên nhân là gì?...

Chúng ta cần làm gì để đào tạo và xây dựng được những con người trẻ có kiến thức, có nhân cách…??? Và như tôi nhận thấy, câu hỏi: Việt Nam và tương lai thế hệ trẻ ngày nay? có lẽ đang làm đau đầu cả các bậc sinh thành và những nhà quản lý xã hội.

Tôi không phải nhà giáo dục, cũng không phải nhà đạo đức, ngôn ngữ học mà đơn giản chỉ là người dân Việt bình thường. Nhưng tôi tự thấy mình có trách nhiệm nói lên những suy nghĩ của mình để góp thêm tiếng nói, mong muốn xã hội ta sớm tìm ra con đường chấn hưng giáo dục nói riêng và xã hội nói chung. (Bài viết không nên được nhìn nhận từ khía cạnh trao đổi học thuật, mà chỉ là ý kiến cá nhân theo hiểu biết chung của xã hội mà thôi).

Chúng ta đều khẳng định và thừa nhận: nhân cách con người phần lớn do giáo dục mà nên, hay nói cách khác giáo dục có ý nghĩa quyết định đến việc hình thành nhân cách con người. Các yếu tố khác như văn hoá, phong tục, tập quán, tôn giáo, môi trường sống... xin được tạm thời chưa đề cập.

Giáo dục con người được thực hiện trong suốt quá trình nhận thức của một con người thông qua quá trình học tập. Vậy học cái gì, bao giờ học, động cơ học là gì - là những cái mà chúng ta cần phải làm rõ:

+ Trước hết có lẽ chúng ta cần bắt đầu từ quá trình hình thành nhận thức của con người. Cổ nhân nói "con người sinh ra tính bản thiện", nhưng cổ nhân cũng nói "con người sinh ra tính bản ác", ai đúng nhỉ?

Trong triết học chúng ta đều hiểu "tồn tại là sự thống nhất của hai mặt đối lập". Nếu coi "thiện" và "ác" là hai mặt của một thể thống nhất, thì trong thiện có mầm của ác, trong ác có mầm của thiện, thuộc tính nào phát triển phụ thuộc vào chất lượng giáo dục và khả năng nhận thức của mỗi con người cụ thể.

Không có gì là cân bằng tuyệt đối, con người khi ra đời vừa có thuộc tính "con" và thuộc tính "người". Tôi nghĩ có lẽ ban đầu thì thuộc tính "con" nhiều hơn, điều này được thể hiện qua rất nhiều hiện tượng, ví dụ như: khi trẻ em chơi với nhau chúng sẵn sàng cào cấu, tranh giành thức ăn, đồ chơi ...có lẽ do xuất phát từ bản năng sinh tồn tự nhiên của con người. Càng lớn lên, được giáo dục, nhận thức nâng lên thì tính cá nhân giảm dần và tính cộng đồng cao lên.

Các nhà tâm lý học cũng cho rằng nhân cách của trẻ hình thành về cơ bản trước năm 12 tuổi. Nói điều đó để thấy rằng việc giáo dục nhân cách cho giai đoạn thiếu niên là vô cùng quan trọng.

+ Tôi xin đi vào vấn đề: học cái gì và bao giờ học.

Nhu cầu nhận biết của con người đối với thế giới xung quanh là tất yếu, học chính là quá trình nhận biết thế giới xung quanh, mà kết quả của nó là hình thành nên kiến thức, kỹ năng và nhân cách...của con người. Chúng ta cần nhận thức học với một nghĩa rộng lớn hơn, cũng có thể nói học có hai nội dung cơ bản, đó là học làm người và học lấy kiến thức.

Xuất phát từ quá trình hình thành nhận thức và nhân cách của trẻ, theo tôi, trong giai đoạn thiếu niên nên coi trọng nội dung học làm người hơn, hay "tiên học lễ hậu học văn" cần được coi trọng. Nội dung học lấy kiến thức chỉ nên dừng ở dạy những kiến thức cơ bản nhất làm cơ sở, nền tảng cho quá trình nhận thức của trẻ ở lớp tuổi thanh niên.

Chúng ta đều biết trẻ em ngày nay phải học nhiều quá và vô lý: khi ở cấp 1, có kiến thức chúng ta bắt học 30 tiết, thì tới lớp 8 hoặc lớp 9 các cháu chỉ cần học một buổi. Cái này các nhà giáo dục biết rõ hơn tôi, nên khi viết chương trình học cho các cháu cần đặc biệt coi trọng ý kiến các thầy, cô – những người biết rõ nhất nên dạy cái gì, ở tuổi nào?

Tôi lại nhớ tới lời Bác dạy: "Trẻ em như búp trên cành, biết ăn, biết ngủ, biết học hành là ngoan". Giáo dục thể chất, giáo dục nhân cách quan trọng hơn rất nhiều. Chúng ta tự hào chúng ta có một đứa trẻ học giỏi, sao chúng ta lại không đáng tự hào hơn khi con mình có thể chất tốt, có nhân cách... ? Kiến thức các cháu phải học và bổ sung cả đời, nhưng một nhân cách què quặt, thể chất yếu đuối thì chỉ làm hại các cháu mãi mãi.

giaoducnhancach19-3-c076b-799112-2443.jpg

(minh họa từ internet)​

+ Bây giờ xin chuyển sang vấn đề: Ai có trách nhiệm giáo dục các cháu.

Theo tôi, phải xác định học lấy kiến thức thì nhà trường là cơ bản. Điều đó quá rõ, nhưng các bậc phụ huynh cũng nên hiểu: đá bóng, xem tivi, đọc sách....cũng là học, chỉ có điều mức độ tích lũy nhận thức có khác nhau, cho nên cần hợp lý thời gian học. Giáo dục nhân cách tại trường nên chú trọng giáo dục ý thức chấp hành pháp luật, ý thức cộng đồng.

Tôi hoàn toàn ủng hộ quan điểm của GS Châu: Gia đình giáo dục và quyết định đến việc hình thành nên nhân cách trẻ. Và không quá khi nói: Bố mẹ như thế nào, con thường sẽ như thế ấy, để thấy vai trò của gia đình trong việc giáo dục nhân cách.

Vậy giáo dục cái gì? Có nhiều nội dung nhưng trong phạm vi bài viết này, tôi chỉ xin đi vào một nội dung mà tôi thấy quan trọng nhất. Đó là giáo dục tính cộng đồng. Điều này nghe có vẻ xa xôi, mơ hồ quá không? Không đâu, thưa độc giả. Có những sự tha hoá trong xã hội ngày hôm nay chính là do ý thức cộng đồng kém của chúng ta. Trong cộng đồng Việt chúng ta hiện nay, tôi thấy hầu hết các thói xấu có nhiều hiện tượng xuất phát từ ý thức cộng đồng kém.

Trẻ em dần phải biết rằng: Điều chúng muốn, đứa trẻ khác cũng muốn, điều chúng làm sẽ ảnh hưởng đến mọi người xung quanh như thế nào? Chúng phải được dạy về cách ứng xử … Nhưng có lẽ đây là điểm vẫn còn yếu nhất của đa số gia đình, có lẽ vì thương con mà chúng ta vô tình biến chúng thành những kẻ khôn lỏi, ích kỷ. Vì chiều con, chúng ta biến chúng thành kẻ lười biếng cả trong suy nghĩ...Trong khi ở nước ngoài thường thì các cháu và cả gia đình đều rất tự hào khi con trẻ có thành tích khi tham gia sinh hoạt cộng đồng.

+ Vấn đề cuối: Động cơ học tập.

Lứa tuổi thiếu niên ta không đề cập đến động cơ học tập, mà cần động viên, khuyến khích, nêu gương cho các cháu về tinh thần và thái độ học tập. Nhưng cuối những năm phổ thông trung học và đại học thì động cơ học tập lại vô cùng quan trọng. Ở đây cần thay đổi nhận thức từ những người làm cha làm mẹ và cả những người quản lý xã hội. Đó là đâu phải cứ tốt nghiệp trung học vào đại học mới là học, mà quan trọng là các cháu biết mình có năng lực gì, mong muốn làm gì. Đó chính là tính thực tế của việc học. Chứ cứ tình trạng thầy không ra thầy, thợ không ra thợ, rất lãng phí của cải xã hội, nhưng cái mất to lớn hơn là thời gian và cơ hội của các cháu bị bỏ phí.

Bỗng nhiên, tôi chợt nhớ đến mấy câu thơ:

"…Lòng khỏe nhẹ, anh dân quê sung sướng
Ngả mình trên liếp cỏ, ngủ ngon lành
Và trong mơ, thơm ngát lúa đồng xanh
Vui chợt đến trên môi cười hy vọng…"

Người nông dân có hạnh phúc không? Sao lại không! Có chứ... Người ta hạnh phúc tức là người thấy thỏa mãn với những gì họ đang có và có ý nghĩa với gia đình, cộng đồng mà mình là thành viên. Thế thì tại sao nếu con mình chỉ có thể trở thành người nông dân hạnh phúc, lại cứ bắt các cháu trở thành ông kỹ sư bất hạnh???

Có lẽ thời điểm này đã đến lúc chúng ta nên cân nhắc lại một cách thật nghiêm túc việc chúng ta giáo dục cho thanh niên: sống phải có lý tưởng, phải cống hiến, phải tự hỏi mình "đã làm gì cho xã hội...." hay "đời người chỉ sống có một lần..."???

Tôi không phản đối ước muốn tốt đẹp đó, song thấy thật ra đó chỉ là kiểu sáo rỗng, hô khẩu hiệu. Không biết những người khác ra sao, còn tôi, tôi chỉ muốn mình là người lao động chân chính.

Năm 1987, tôi được một vị cấp trên kể cho nghe câu chuyện mà rồi tôi cứ suy nghĩ mãi. Chuyện như sau:

Có một nhà tư sản, trong cải tạo công thương nghiệp ông ta viết: Mác là người phát hiện ra một điều hết sức đơn giản. Đó là con người muốn hoạt động chính trị, văn hoá... phải có ăn. Vậy thì một triết lý trong văn hoá phương Đông cũng có câu: con người, trước tiên yêu mình sau đến gia đình và mới đến xã hội. Người quân tử là người biết rằng lợi ích của mình gắn chặt với lợi ích cộng đồng...

Trong xã hội chúng ta chỉ có con người xấu và con người tốt, mà không có tầng lớp này xấu, tầng lớp kia tốt.... Không thừa nhận quyền tư hữu, theo tôi nghĩ, là huỷ bỏ động lực phát triển của xã hội và nếu dạy các cháu phải đặt lợi ích của tập thể, của đất nước lên trên hết chắc không tác dụng, điều đó chỉ đúng ở những hoàn cảnh cụ thể.

Xã hội văn minh là xã hội thừa nhận, tôn trọng tính tư hữu, song cũng rất đề cao và khuyến khích tính cộng đồng của người dân.

Xin được kết thúc bài viết ở câu nói của GS Châu nói: Tôi không muốn dùng từ cống hiến mà dùng từ lao động chân chính, khi nói về công việc của mình.

Rất ít người làm được như GS Châu, nhưng ai cũng có thể trở thành người lao động chân chính.
Theo Dân Trí
 
Trong xã hội chúng ta chỉ có con người xấu và con người tốt, mà không có tầng lớp này xấu, tầng lớp kia tốt.... Không thừa nhận quyền tư hữu, theo tôi nghĩ, là huỷ bỏ động lực phát triển của xã hội và nếu dạy các cháu phải đặt lợi ích của tập thể, của đất nước lên trên hết chắc không tác dụng, điều đó chỉ đúng ở những hoàn cảnh cụ thể.

Xã hội văn minh là xã hội thừa nhận, tôn trọng tính tư hữu, song cũng rất đề cao và khuyến khích tính cộng đồng của người dân.
 
×
Quay lại
Top Bottom