Tư vấn việc học tiếng Nhật

greentri

Thành viên
Tham gia
4/6/2019
Bài viết
0
Mình là sinh viên trường ĐH Khoa học Xã hội & Nhân văn HCM cũng vừa học xong chương trình Cử nhân Anh Văn. Mình học tiếng Nhật từ 4 năm về trước rồi bởi vì trường yêu cầu mình phải học thêm ngoại ngữ 2 với lại mình cũng muốn học tiếng Nhật. Tiếng Nhật của mình thì không có giỏi, chỉ đủ để giao tiếp và đọc lai rai các văn bản thôi, nhưng mình học đủ lâu để biết nó hình thù ra làm sao, nay mình xin chia sẻ 1 bài trailer nhá hàng về tiếng Nhật.

Mình xin lưu ý, đây không phải là bài review về ngành Nhật Bản học hay Ngôn ngữ Nhật của trường nào hết. Mình không có học 2 ngành này nên không viết review về ngành học được. Bài viết đơn giản chỉ là mô tả các khía cạnh ngôn ngữ và văn hóa trong Nhật ngữ để cho những ai chưa biết tiếng Nhật hình thù ra làm sao thì còn biết đường mà lường trước. Bài viết này có thể cần thiết cho những ai có ý định học tiếng Nhật để đi làm, đi du học, để thăng lương tiến chức hay dùng làm ngoại ngữ 2 theo yêu cầu của nhà trường, cơ quan, hoặc cho những ai đang học ngôn ngữ khác thấy chán và muốn nhảy qua tiếng Nhật. Vậy bài viết này có giúp định hướng vô ngành Nhật Bản học và Ngôn ngữ Nhật không? Hmmmm. Có lẽ cũng có thể tham khảo ở một mức độ nào đó. Nhật Bản học và Ngôn ngữ Nhật thì không chỉ dạy tiếng, mà nó còn bao hàm các môn ngữ học, văn hóa và đại cương.

Bài này dài lắm, nếu bạn đang ở ngoài đường hay trong giờ làm việc thì có thể lưu lại lát về coi.

Báo chí phương Tây có một cái truyền thuyết là ""Tiếng Nhật là ngôn ngữ khó nhất thế giới."" Không biết nhận định này có đúng đối với người Việt Nam không thì các bạn cứ đọc thử bài này chơi chơi như một cuốn truyện, cho biết thêm, nếu thấy tiếng Nhật thú vị thì tiến tới, nếu thấy không hợp thì lặng lẽ bước qua, đừng nghĩ gì nặng nề.

Và sau đây mình xin dùng tiếng Việt, tiếng Trung, tiếng Anh làm phụ trợ, đặt lên bàn cân so sánh để cho nổi bật các đặc điểm của tiếng Nhật.

1. NGỮ HỆ & LOẠI HÌNH HỌC
Tuy Việt Nam và Nhật Bản cùng thuộc hệ văn hóa Á Đông, nhưng tiếng Việt và tiếng Nhật không chung họ hàng.

a. Đơn âm & Đa âm
_ Tiếng Việt là ngôn ngữ đơn âm giống như tiếng Trung. Trong ngôn ngữ đơn âm, một từ có 1 hoặc 2 âm tiết trở lên. Và mỗi âm tiết của nó (hay còn gọi là Tiếng) đều có nghĩa. VD: ăn, uống, chạy, đất-nước… (ngoại trừ từ láy)
_ Tiếng Nhật là ngôn ngữ đa âm, tức là một từ của nó thường có 2 âm tiết trở lên, và các âm tiết phải đi chung với nhau không được tách rời, nếu tách ra thì sẽ vô nghĩa: VD: ta-be-ru (ăn), yo-mu (uống), ha-shi-ru (chạy)… (mình dùng chữ latin để viết cho dễ mường tượng thôi chớ tiếng Nhật không viết bằng latin như thế đâu nhé, đừng vội mừng)

Fun fact: mặc dù tiếng Việt và tiếng Trung cùng là ngôn ngữ đơn lập nhưng về mặt nhân chủng học thì người Việt không bắt nguồn từ người Hán như nhiều người lầm tưởng. Tiếng Việt thuộc ngữ hệ Nam Á, tiếng Trung thuộc ngữ hệ Hán-Tạng (ngôn ngữ càng không chung họ hàng).

b. Phi biến hình & Biến hình
_ Tiếng Việt là ngôn ngữ phi biến hình, tức là khi thể hiện ngữ pháp hay ý tứ gì đó, từ ngữ tiếng Việt không bao giờ biến đổi, không có thêm -s/-es, cũng không có thêm -ed/d…
_ Tiếng Nhật thì lại biến hình như tiếng Anh. Mỗi khi thể hiện thì, mệnh lệnh, ý định,… thì từ ngữ lại biến đổi.

c. Chấp dính & Chuyển dạng
Mặc dù đều biến hình nhưng tiếng Nhật thuộc ngôn ngữ Chắp dính còn tiếng Anh thuộc ngôn ngữ Chuyển dạng.

_ Khi tiếng Nhật chia từ, nó sẽ biến đổi phần đuôi, và giữ lại phần ngọn, và nếu cần diễn đạt thêm ý thì nó sẽ chắp dính thêm 1 cái đuôi nữa. VD: ""ăn"" là taberu, ""bắt người khác ăn cái gì"" là tabe-saseru, ""bị người khác bắt ăn cái gì"" là tabe-sase-rareru. Tức là tiếng Nhật cứ cộng thêm 1 cái đuôi để diễn tả nghĩa mới. Còn tiếng Anh thì không có chắp dính kinh khủng như vậy. Để diễn đạt nhiều ý trên thì người ta dùng thêm từ khác thôi. ""Ăn"" là ""eat"", ""bắt người khác ăn"" là ""have someone eat"", ""bị bắt ăn"" là ""be forced to eat"".

_ Khi tiếng Anh chia từ, chỉ cần gắn thêm đuôi như -ed/d, -s/es, -ing… hoặc chuyển dạng thành từ khác, như: person => people, foot => feet, see => saw => seen, go => went => gone… Và mỗi từ tiếng Anh chỉ biến hình 1 lần thôi chớ không có gắn nhiều đuôi như tiếng Nhật.

Tại sao mình phải nói về Ngữ hệ & Loại hình học chi cho hàn lâm vậy? Khi muốn đánh giá một ngôn ngữ là khó học hay không thì phải căn cứ tiếng mẹ đẻ của người học là tiếng nào. Nếu tiếng mẹ đẻ có loại hình và ngữ hệ gần gũi với ngôn ngữ đích thì sẽ càng dễ học, ngược lại thì càng học mệt. Tiếng Nhật có ngữ hệ cách xa ngôn ngữ Châu Âu quá nên người phương Tây thấy khó học. Như mình vừa so sánh bên trên, có thể thấy Tiếng Nhật cũng cách xa tiếng Việt về mặt Ngữ hệ & Loại hình học nên chắc chắn người Việt sẽ học hơi mệt nhưng cũng dễ học nhờ văn hóa Á Đông gần gũi bù đắp lại.

2. NGỮ PHÁP

a. Xuôi & Ngược
_ tiếng Việt là ngôn ngữ nói xuôi, chủ từ đứng trước, phần bổ nghĩa đứng sau như: gái/ đẹp, nước/biển…; cấu trúc câu: chủ ngữ + động từ + TÂN NGỮ

_ tiếng Anh vừa xuôi mà vừa ngược, nó chỉ ngược đối với cặp tính từ-danh từ, danh từ phụ - danh từ chính. VD: Pretty/girl, sea/water…; cấu trúc câu vẫn là: chủ ngữ + động từ + TÂN NGỮ

_ còn tiếng Nhật thì nói ngược khủng khiếp giống như con cá hồi bơi ngược dòng. (Hèn chi người Nhật thích ăn cá hồi, just kidding). Tính từ/danh từ phụ đứng trước danh từ chính. Câu trúc câu: chủ ngữ + TÂN NGỮ + động từ.
Ví dụ:
-> tiếng Việt nói: Tôi ăn cơm.
-> tiếng Nhật nói: 私(tôi) は 御飯(cơm)を 食べます(ăn)。=> Dịch theo nghĩa đen là: Tôi cơm ăn.

+ Tiếng Việt nói: tôi tới trường trễ vì kẹt xe.
+ Tiếng Nhật nói: 私(tôi) は 車両渋滞(Kẹt xe) で(vì) 学校(trường)へ 遅く(trễ) 来ます(tới)。=> Tôi /kẹt xe vì/ trường/ trễ/ tới.

_ Tiếng Việt và tiếng Anh có mệnh đề quan hệ giống nhau, như kiểu câu sau:
+ Tiếng Anh: The girl WHO is eating rice is pretty.
+Tiếng Việt: Cô gái MÀ đang ăn cơm rất dễ thương.

+ Tiếng Nhật thì không có mệnh đề quan hệ như thế, mà sẽ đưa toàn bộ vế bổ nghĩa ra trước chủ ngữ và nói ngược như tiếng Trung:
=> 御飯(cơm) を食べている(đang ăn) 女の人(cô gái) は とても可愛いです(rất dễ thương)。=> (Cơm đang ăn CÔ GÁI rất dễ thương.)

b. Ngắn & Dài
Tiếng Nhật tuy không nói dai nhưng lại nói dài. Tiếng Việt thì nói ""Tôi ăn cơm."" tốn 3 âm tiết là đủ. còn tiếng Nhật, ""gohan wo tabemasu."" => ""go/han /wo/ ta/be/ma/su."" -> tới tận 7 âm tiết. Để bắt kịp cuộc hội thoại thì tiếng Nhật buộc lòng sẽ nói nhanh lên.

Fun fact: không riêng gì tiếng Nhật; tiếng Hàn, Mông Cổ, Mãn Châu, Thổ Nhĩ Kì… cũng là ngôn ngữ chấp dính, nói dài, nói nhanh và nói ngược. Nếu bạn học mấy ngôn ngữ này thì cũng sẽ được tận hưởng mấy cái đuôi chắp dính vừa ngược vừa nhanh và vương dài như vòi bạch tuộc vậy.

c. Chia từ
Nếu mà nói theo kiểu bình dân cho dễ học á (không xét sâu ngôn ngữ học) thì:
_ tiếng Anh có 12 thì
_ tiếng Nhật chỉ có 9 thì (quá khứ-hiện tại-tiếp diễn-hoành thành), không có thì tương lai. Để thể hiện ý nghĩa tương lai, tiếng Nhật dùng thì hiện tại phối hợp với trạng ngữ hoặc ngữ cảnh, không kết hợp thêm modal verb (động từ tình thái) như tiếng Anh.
_ tiếng Anh có chia danh từ theo số ít-số nhiều, tiếng Nhật thì không
_ tiếng Anh có mạo từ, tiếng Nhật thì không

_ đếm số trong tiếng Anh: lượng từ + danh từ (one book, two books…), đếm số tiếng Nhật: lượng từ nguyên mẫu hoặc bị biến âm + từ đơn vị +の+ danh từ
+ Từ đơn vị ở đây là cái, quyển, thanh, cỗ, chiếc, miếng… giống như tiếng Việt
+ Lượng từ bị biến âm là thế này: trong tiếng Việt, số 20 thì gọi là ""hai mươi"" chớ không gọi là ""hai mười"", 31 thì gọi là ""ba mươi mốt"" chớ không gọi là ""ba mươi một"". Tức là khi đếm, có những số đọc bình thường, có những số bị biến âm cho dễ đọc; thì tiếng Nhật cũng có những số đọc bình thường, có những số bị biến âm, nhưng vấn đề ở đây là nó biến âm nhiều vô số, và phân bố ngẫu nhiên không theo luật rõ ràng. (""Bố thích biến chỗ nào thì biến"", said tiếng Nhật)

_ động từ trong tiếng Anh có 3 kiểu chia: gắn đuôi -s/es, gắn đuôi -ed/d, gắn đuôi -ing hoặc chuyển dạng thành từ khác nếu là động từ bất quy tắc (cũng hơi nhiều)
_ động từ bất quy tắc trong tiếng Nhật thì ít, chỉ đếm trên đầu ngón tay (tức là thường nó chỉ biến đổi phần đuôi, ít khi nào biến thành 1 từ khác), nhưng nếu là động từ hạp quy tắc thì nó có khoảng hơn 9 kiểu chia (tùy theo ý nghĩa), mỗi kiểu chia sẽ có 3 cách chia nhỏ (tùy theo động từ), mỗi cách chia nhỏ hơn sẽ combo thêm 2 dạng chia khẳng định-phủ định, một số thể sẽ khuyến mãi thêm 2 dạng thân mật-lịch sự nữa.

=> Sở dĩ tiếng Nhật chia từ chi li tới từng cọng lông như vậy là vì:
+ khi tiếng Anh muốn thể hiện khả năng, mệnh lệnh, cấm chỉ, dự định, điều kiện, phủ định-khẳng định… thì nó sẽ dùng trợ động từ, liên từ, động từ tình thái…
+ còn tiếng Nhật muốn thể hiện mấy ý trên thì không phối hợp với từ khác mà biến đổi luôn ngay động từ của nó => nhiều cách chia động từ

_ tiếng Nhật không phân chia giống đực, cái, bê đê, cách danh từ như các ngôn ngữ Châu Âu

3. PHÁT ÂM
_ tiếng Anh có: 12 nguyên âm (không tính nguyên âm đôi) + 24 phụ âm, trong đó có 11 âm ko có dạng tương tự trong tiếng Việt. Có rất nhiều từ tiếng Anh có phụ âm cuối, thậm chí là có 1 chùm phụ âm như ""splash"" (có 3 phụ âm s, p, l đứng đầu từ) hoặc ""twelfths"" (có 4 phụ âm l, f, th, s đứng cuối từ)
_ còn tiếng Nhật thì có 6 nguyên âm (không tính nguyên âm đôi) + 19 phụ âm, trong đó có 4 âm không có dạng tương tự trong tiếng Việt (là tsu, sh, p, j). Tiếng Nhật chỉ có duy nhất 1 phụ âm cuối là ""n"". Và ở đầu hoặc ở cuối mỗi từ trong tiếng Nhật không quá 1 phụ âm. => vậy là tiếng Nhật dễ học phát âm hơn tiếng Anh

=> để có thể phát âm tiếng Anh đúng thì thường phải mất một năm để trau dồi, luyện tập và sửa sai vì tiếng Anh có nhiều âm quá mà trong đó còn có tới 11 âm không có dạng tương tự trong tiếng Việt. Còn tiếng Nhật thì ít âm hơn, và chỉ có 4 âm không có dạng tương tự trong tiếng Việt thì mình nghĩ cùng lắm mất 1 tháng luyện tập là giải quyết xong. Hệ thống ngữ âm của Nhật rất đơn giản và ít ỏi các bạn ah! Khi coi phim tiếng Anh thì bạn thấy có hằng hà sa số âm phức tạp. Còn coi phim Nhật, cho dù bạn không biết tiếng Nhật thì bạn cũng sẽ để ý, hình như người Nhật chỉ quanh quẩn có vài âm nói đi nói lại hoài (kaki-kasu-tadi-tado-Kimochi, ứ ứ…. blah… blah).

Lưu ý: mình nói tiếng Nhật chỉ có 4 âm không có dạng tương tự trong tiếng Việt thì không có nghĩa là bạn sẽ mau chóng nói chuyện có accent Nhật liền. 11 âm còn lại bề ngoài đọc lên thì nghe na ná tiếng Việt, nếu bạn lắp âm tiếng Việt vô nói tiếng Nhật thì người Nhật vẫn hiểu, không chết ai, chứ thực lòng chất âm của nó vẫn khác khác và phải bạn phải luyện tập, thay thế các âm tiếng Việt đó thì mới nói nghe như Nhật được.

Fun fact: khi người Nhật nghe tiếng Anh, đa phần họ nghe chữ R sẽ thành chữ L bởi vì trong tiếng Nhật không có sự phân biệt rạch ròi giữa R & L. Đối với họ, 2 âm này phát âm như nhau, đôi khi họ phát âm R, đôi khi họ phát âm là L và đôi khi phát 1 âm ba rọi nửa R nửa L không có trong tiếng Việt.

NỐI ÂM
Tiếng Anh thường hay có nối âm, luyến âm, hoặc đồng hóa phụ âm còn tiếng Nhật thì không có nối âm vì 90% các từ đều kết thúc là nguyên âm nên không có gì để nối. Phụ âm cuối ""n"" trong tiếng Nhật đôi khi cũng nối nhưng đó là vì người Nhật đọc nhanh quá nên họ vô tình nối chớ không phải tiếng Nhật yêu cầu phải nối. Nhưng mà tiếng Nhật có trộn nguyên âm, tức là những nguyên âm giống nhau đứng cạnh như như o o o, i i… thì nó sẽ được đọc ngân dài trong 1 hơi luôn chớ không đọc riêng từng từ.

4. CHỮ VIẾT
Tiếng Việt và tiếng Anh chỉ có 1 bảng chữ cái latin.
Tiếng Trung chỉ có 1 bảng chữ cái Hán tự.
Tiếng Nhật thì có 3 bảng chữ: chữ Mềm (hiragana), chữ Cứng (katakana), chữ Hán (kanji) và khuyến mãi thêm 1 bảng chữ Latin (romanji) nữa. Zị tổng cộng là 4 bảng chữ cái. Á đù! Bình tĩnh! Bình tĩnh! Tại sao nó dùng lắm chữ thế!

Chữ Mềm, chữ Cứng, chữ Latin là chữ tượng thanh giống như trong ngôn ngữ châu Âu (viết sao đọc vậy).
Chữ Hán là chữ tượng hình, mỗi một chữ là 1 bức tranh thể hiện một ý tưởng (là chữ của Trung Quốc đó).

Chức năng:
_ Chữ Hán: thể hiện ý nghĩa từ vựng
_ Chữ Mềm: thể hiện ngữ pháp (chia thì, khẳng định-phủ định, mệnh lệnh…); hoặc dùng để ghi từ vựng trong trường hợp không nhớ cách ghi chữ Hán
_ Chữ Cứng: đây giống như là dạng viết hoa của chữ Latin vậy, dùng để ghi tên người, tên tổ chức, từ mượn của nước ngoài… hoặc để làm nổi bật từ ngữ nào đó… và cũng dùng để ghi các thuật ngữ khoa học, tên động-thực vật…
_ Chữ Latin: giống như pinyin của tiếng Trung, dùng để dạy học hoặc ghi tên các tổ chức quốc tế…

Tại sao người Nhật ko dùng chữ Mềm và chữ Cứng để ký âm toàn bộ văn bản cho khỏe giống người Việt dùng latin? Như mình đã nói ở trên, hệ thống ngữ âm của Nhật quá ít nguyên-phụ âm nên từ vựng của họ phát âm không phong phú, bị trùng âm rất nhiều. Ví dụ chỉ 1 từ kau thôi mà có tới 8 cái nghĩa thì đọc vô không biết nó mang nghĩa nào nên người Nhật vẽ 8 Hán tự khác nhau cho 8 cái nghĩa đó.

Chỉ có các yếu tố không có hình ảnh gì cụ thể như giới từ, quá khứ-hiện tại-tiếp diễn, mệnh lệnh, dự định,… thì mới dùng chữ Mềm để kí âm.
Tưởng đâu tiếng Nhật ít nguyên-phụ âm thì học khỏe, ai nhè phải gánh lại chữ Hán. Được cái này thì mất cái kia. (đúng là Những thứ hoàn hảo chỉ có trong ngôn tình)

Chữ latin trong tiếng Nhật thì không cần học cũng biết. Chữ Mềm và chữ Cứng thì luyện và học trong khoảng 4 tháng là nhớ và quen thuộc, không có gì đáng lo. Còn chữ Hán thì học tới 1945 chữ trong mấy năm là đủ xài. Chữ Hán không phải muốn vẽ sao thì vẽ, nó là tập hợp của các hình vẽ con (Bộ thủ), có quy luật tương đối. Chẳng hạn những chữ liên quan tới thực vật thường sẽ có bộ Thảo (hình thảm cỏ), chữ liên quan tới người thường có bộ Nhân (hình con người)…

Fun fact: người Nhật cũng không nhớ nhiều chữ Hán lắm (trừ khi họ thuộc giới tri thức, chuyên môn cao). Đôi khi họ quên cách viết chữ Hán và phải bật app lên tra lại. Với lại, các phần mềm soạn thảo văn bản đã lưu sẵn chữ Hán, khi cần thì xuất ra nên đã giảm động lực ghi nhớ chữ Hán của con người. Rất may là kì thi JLPT (N5->N1) không có phần thi viết chữ Hán, chỉ có nhìn chữ Hán khoanh trắc nghiệm thôi.

Fun fact nữa: Trung Hoa Đại Lục dùng chữ Hán Giản thể (ít nét, dễ nhớ), Hồng Kông, Singapore, Đài Loan… dùng chữ Hán Phồn thể (chữ Cổ từ xưa tới giờ, nhiều nét, khó nhớ), Nhật Bản dùng cả Giản Thể và Phồn thể luôn, nhưng dùng Phồn thể nhiều hơn (Ôi đệt mẹ!)

Fun fact khác: chữ Nôm của Việt Nam là chữ Hán được vẽ thêm nét nên nó càng khó nhớ. Nếu Việt Nam giờ mà còn dùng chữ Nôm thì chắc sẽ là Bội thực thể. (Just kidding)

5. VĂN HÓA

* Từ gốc Hán
_ Vì cùng tiếp thu nền văn hóa Trung Hoa nên tiếng Nhật cũng mượn nhiều từ gốc Hán và phát âm na ná từ Hán Việt, chẳng hạn: tai-do (thái độ), dou-i (đồng ý), dou-ryuu (đồng liêu)…
Bởi vậy ta học từ vựng tiếng Nhật cũng dễ nhớ hơn, đây là điều mà người Tây Phương không có được khi học tiếng Nhật.

_ Không phải từ Hán-Nhật nào cũng đồng nghĩa với từ Hán-Việt tương ứng. Ví dụ: 教師 trong tiếng Việt là Giáo sư, nhưng trong tiếng Nhật chỉ là giáo viên; 大丈夫 trong tiếng Việt là Đại trượng phu, trong tiếng Nhật là Ổn thỏa…

6. CÁC LÝ GIẢI VỀ TIẾNG NHẬT

a. Học tiếng Nhật xong auto biết đọc tiếng Trung
Không hề, mặc dù 2 ngôn ngữ này đều dùng chung chữ Hán nhưng chữ Hán mỗi bên đa phần lại khác nghĩa. Đôi khi tới đền chùa, cửa hàng, người Trung và người Nhật có thể hiểu chữ trên bảng hiệu hoặc cột đình ở một mức nào đó nhưng không đọc hiểu được một văn bản dài.

Khi mình học được tiếng Nhật thì mình đến các chùa hoặc khu di tích của Việt Nam cũng hiểu sơ sơ các chữ được khắc trên chùa, cũng vui.

Fun fact: cách đây 3 năm (2016), một số giáo sư Hán-Nôm (đặc biệt là các chuyên gia từ trường ĐH Khoa học Xã hội & Nhân văn HCM) đã đề xuất đưa chữ Hán vào dạy phổ thông. Có người lập luận rằng học chữ Hán sẽ tư duy tốt hơn vì các nước còn dùng chữ Hán như Trung, Nhật, Đài, Singapore, Hồng Kông… rất phát triển. Còn VN không dùng chữ Hán nên kém phát triển. Hồi Thế chiến 2, Nhật bị Liên Xô và Mỹ tấn công từ 2 phía. Kết cục là Nhật bị Mỹ chiếm đóng. Nếu hồi đó mà Liên Xô giải phóng Nhật và dẫn dắt Nhật theo con đường kinh tế bao cấp như Việt Nam thì chữ Hán có kéo nước Nhật giàu lên không ta?

-> Độc đáo nhất là có người cho rằng, học chữ Hán sẽ giúp người dân các nước Đồng văn Á Đông giao tiếp nhau bằng chữ viết. Nhưng mình thấy không thể. Mình đã thử đưa văn bản tiếng Nhật cho người Trung Quốc và văn bản tiếng Trung cho người Nhật đọc thử, có 2 trường hợp xảy ra, một là họ không hiểu văn bản, hai là họ hiểu sai nghĩa văn bản.

b. Tại sao tiếng Nhật ít Hán tự nhưng người Việt vẫn thấy khó hơn tiếng Trung
Để thành thạo tiếng Nhật, chỉ cần thuộc 1945 Hán tự, trong khi bên tiếng Trung phải thuộc 3000 Hán tự mới đủ xài.

Có nhiều yếu tố, theo mình nghĩ là:
_ Phần lớn tiếng Nhật dùng chữ Phồn thể, nhiều nét hơn nên khó nhớ
_ Tiếng Trung chỉ có duy nhất chữ Hán nên thúc ép người học phải ghi nhớ Hán tự ngay từ lớp vỡ lòng, còn tiếng Nhật phải học chữ Mềm trước một thời gian rồi mới học Hán tự, nếu người viết không nhớ Hán tự thì có thể dùng chữ Mềm thay thế nên cũng khiến người học tiếng Nhật giảm động lực nhớ Hán tự. Đến khi đi thi mà không nhớ Hán tự thì tạch.
_ Ngữ pháp tiếng Trung rất ít, chỉ cần học nhiều từ vựng và ráp lại thành câu; trong khi người học tiếng Nhật bị mắc kẹt ở giai đoạn học ngữ pháp, chia từ, đếm số, lâu lâu quên ngữ pháp phải mắc công ôn lại; hơn nữa, tiếng Nhật nói ngược ngược nên người học tiếng Nhật cũng tư duy chậm hơn một chút mới bật ra thành câu.


** Viết tới đây, mình xin chốt 1 câu là: tiếng Nhật dễ học phát âm hơn tiếng Anh nhưng Ngữ Pháp hơi khó hơn tiếng Anh.

7. Vậy có nên học tiếng Nhật không?
_ Bạn hãy bình tĩnh suy nghĩ ra cái mục đích khi học tiếng Nhật là gì. Để đi du học, để thăng lương tiếng chức, để coi anime, JAV không cần sub, hay để làm tiền… Cái mục đích quan trọng lắm các bạn ạ. Khi đã có mục đích rồi khi cứ triển đi, nếu gặp khó khăn gì thì cũng sẽ kiên trì vượt qua.
_ Còn nếu không có mục đích, học vì vui vui, học vì đú trend, học thử cho biết… thì cái ngày bỏ cuộc tiếng Nhật sẽ hiện lần lần ra trước mắt.

8. Tâm tư của riêng mình.
_ Cái nguyên cớ mình học tiếng Nhật là vì hồi nhỏ hay coi phim siêu nhân Nhật Bản và coi cái phim gì mà có cái thằng hay nhìn thấy một nữ sinh đang tắm đó (bậy, đừng nghĩ đó là JAV, mà là Doraemon). Chúng đã gieo vào tiềm thức mình 1 hình ảnh nước Nhật cảnh đẹp tuyệt hảo, hiện đại, giàu có, gái mặc váy ngắn dễ thương siêu cấp. Mình thích nước Nhật từ đó. Đến khi mình vào đại học cũng là giai đoạn Nhật đầu tư khủng vào Việt Nam, mình càng muốn học tiếng Nhật vì vừa thích vừa muốn có nhiều cơ hội việc làm. Cuộc sống ở Nhật đúng là màu hồng thiệt vì máu pha nước mắt ra màu hồng mà, nhưng ở VN mà có tiếng Nhật thì vẫn sống tốt.

_ Thế giới Tây Phương hay than vãn là học tiếng Nhật phải học nhiều Hán tự quá. Thì có sao đâu nào? Mình coi Hán tự như các bức tranh. Mỗi lần viết tiếng Nhật là một lần vẽ tranh, nhờ vậy mà Nhật ngữ cũng hay ho và sexy hơn. Phải nói là, mình rất biết ơn Hán tự vì nhờ nó mà văn bản Nhật mới dễ hiểu và chính xác.

_ Phát âm của tiếng Nhật vẫn còn dễ luyện hơn tiếng Ả-rập, Đức, Nga đây này.

_ Mặc dù người ta hay than phiền là ngữ pháp tiếng Nhật phân chia chi li quá. Nhưng mình thấy chi li rạch ròi là điều hợp lý, vì đây là ngôn ngữ Á Đông, rất rạch ròi theo tình huống, cảm xúc, tôn ti giống tiếng Việt vậy. Cứ làm bài tập nhiều rồi nó cũng quen, rồi đâu lại vào đấy. Giống như khi bạn chuyển vô ở trọ trong Sài Gòn, điều kiện sống tệ hơn ở với gia đình nhưng dần dà rồi bạn cũng quen, không để ý mấy cái lặt vặt nữa. Tiếng Nhật đôi khi khó hiểu nhưng sao khó hiểu bằng ngôn ngữ phụ nữ. Mình thấy ngữ pháp tiếng Nhật nhiều hơn tiếng Anh thật, nhưng có là gì so với tiếng Pháp và Đức đâu. Các ngôn ngữ châu Âu phân biệt giới tính đực, cái, bê đê, cách danh từ, chia búa lua xua phức tạp, không rõ ràng. Chắc học được mấy cái giới tính trong ngôn ngữ châu Âu thì cũng hết mịa thanh xuân rồi.

_ Người ta nói, Cô gái/chàng trai nào mà khó cưa đổ thì càng quý, tiếng Nhật là ngôn ngữ để làm tiền, nếu nó dễ quá thì sẽ không hốt bạc được nữa. Nếu học tiếng Nhật mà thấy nản thì ngước mặt lên trời nhớ lại câu nói, ""Giỏi tiếng Nhật auto lương cao"" để có động lực nhé.

Cảm ơn các bạn đã đọc!

-----
 
×
Quay lại
Top Bottom