Tư duy mới để nâng tầm giáo dục

gaconueh2005

Thành viên thân thiết
Thành viên thân thiết
Tham gia
3/3/2013
Bài viết
4.056
Thực tế đã khẳng định, giáo dục ngày nay không giống như giáo dục thời kỳ trước. Bước vào thời kỳ đổi mới hội nhập, giáo dục đào tạo nước ta đã được chỉ ra là có sứ mạng nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, giúp cho mọi người được phát huy tất cả tài năng và tất cả mọi tiềm lực sáng tạo.

images668287_image002.jpg

Đổi mới phương pháp góp phần nâng cao chất lượng giáo dục Ảnh: Văn Lê
1. Giáo dục, đào tạo phải cống hiến cho sự phát triển kinh tế, xã hội. Hệ thống giáo dục phải mềm dẻo hơn, tạo ra sự đa dạng về ngành học, về những kênh liên thông giữa các loại hình giáo dục khác nhau, giữa những kinh nghiệm nghề nghiệp và việc tiếp tục đào tạo. Hơn thế, thế giới đang hướng tới một nền giáo dục “mọi người đều được học và học suốt đời”, quan điểm về giáo dục này được coi như một bước nhảy vọt về chất trong sự phát triển của giáo dục thế kỷ XXI.

Chính vì vậy, giáo dục đang gánh vác một vai trò, vị trí mới, đồng thời phải đối diện với những thách thức của tương lai, đặc biệt là của sự toàn cầu hóa. Giáo dục đứng ở trung tâm của sự phát triển vừa của con người, vừa của cộng đồng, được xem như một con chủ bài cần thiết để nhân loại tiến lên, đi tìm một thế giới công bằng hơn, tốt đẹp hơn.

Để giáo dục thực hiện được vị trí, vai trò mới, cần phải thay đổi tư duy giáo dục, trước hết phải làm cho người học nhận thức đầy đủ bốn trụ cột của giáo dục đó là: Học để biết, bằng cách kết hợp một cơ sở văn hóa chung và đủ rộng với khả năng làm việc sâu rộng. Học để làm, không những nắm được những kỹ năng nghề nghiệp mà còn ứng dụng kiến thức, tạo năng lực theo nghĩa rộng hơn là những kỹ năng sống.

Học để làm người, khuyến khích sự phát triển đầy đủ nhất tiềm năng sáng tạo của mỗi con người. Học để cùng chung sống với nhau, bằng cách phát triển sự hiểu biết của người khác thông qua sự hiểu của chính mình, thông qua sự cam kết làm việc theo cộng đồng, cảm nhận sự phụ thuộc lẫn nhau. Và cần xây dựng một xã hội học tập - một xã hội trong đó rất nhiều cơ hội học tập, ở trường cũng như trong đời sống kinh tế, xã hội và văn hóa.

images668288_image004.jpg

Cô và trò Trường tiểu học La Thành (Đống Đa, Hà Nội) Ảnh: Văn Lê​
2. Nói thì dễ vậy, nhưng thực chất đây là một quá trình chuyển đổi phức tạp và không ít khó khăn. Trong quá trình ấy, cái mới thường bị cái cũ níu kéo, ngăn cản, cái mới, cái cũ thường đan xen nhau, đấu tranh nhau, phân biệt đúng sai không dễ. Do đó, trước hết cần khắc phục những quan điểm và cách làm cũ thời bao cấp về giáo dục; khắc phục quan điểm coi giáo dục chỉ thuộc phạm vi cách mạng tư tưởng - văn hóa.

Trong công cuộc đổi mới, cần quan niệm giáo dục có vai trò trọng yếu đối với toàn bộ công cuộc đổi mới đất nước; khắc phục cách đầu tư cho giáo dục như một thứ phúc lợi, có đến đâu hay đến đó. Nhất là phải đổi mới tính chất nhà trường, tức là đổi mới cơ chế quản lý, bồi dưỡng cán bộ, sắp xếp, chấn chỉnh và nâng cao năng lực của bộ máy quản lý giáo dục.

Với nhà trường, cần hướng tới không chỉ dạy kiến thức phổ thông, mà phải sớm hướng nghiệp, kỹ thuật tổng hợp và dạy nghề; khắc phục cách dạy học đơn thuần hành chính hóa việc lên lớp, chỉ cốt truyền đạt cho xong bài giảng. Đặc biệt, đối với mỗi người làm công tác giáo dục, mỗi nhà giáo với tư cách là chủ thể, thì tư duy mới không những phải hợp với quy luật mà còn phải mang tính tích cực, cách mạng.

Đó là phải bám sát mục tiêu giáo dục, xác định rõ vai trò, vị trí của giáo dục trong công cuộc đổi mới, coi giáo dục là sự nghiệp của quần chúng, thực hiện giáo dục toàn diện, tăng cường đổi mới phương pháp giảng dạy. Một mặt cần phải nâng cao năng lực nội sinh, mặt khác phải chủ động tiếp nhận những thành tựu khoa học công nghệ hiện đại của thế giới; thực hiện tốt việc dạy ra dạy, học ra học; phải chấn chỉnh những thiếu sót, lệch lạc, tiêu cực, loại bỏ cách dạy từ chương, sách vở, cốt đi thi, chạy theo mảnh bằng; thương mại hóa giáo dục và đào tạo; chạy theo số lượng, bệnh thành tích...

Nói tóm lại, đổi mới tư duy giáo dục, đào tạo là phải thay đổi những điều lỗi thời, lạc hậu, không phù hợp với thực tiễn, với quy luật làm cản trở sự phát triển của đất nước, của dân tộc... và thay vào đó là cách suy nghĩ và cách làm khoa học, hợp với thực tiễn, nhằm thực hiện một cách nhất quán, từ mục tiêu, chương trình, nội dung, phương pháp đến cơ cấu và hệ thống tổ chức, cơ chế quản lý để tạo nên sự chuyển biến cơ bản và toàn diện của nền giáo dục nước nhà, tiếp cận với trình độ giáo dục của khu vực và thế giới.

Đồng thời, khắc phục cách đổi mới chắp vá, thiếu tầm nhìn tổng thể, thiếu kế hoạch đồng bộ, phấn đấu xây dựng nền giáo dục hiện đại, đảm bảo công bằng về cơ hội học tập cho mọi người, tạo điều kiện để toàn xã hội học tập và học tập suốt đời, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Theo giaoducthoidai.vn
 
×
Quay lại
Top Bottom