Từ cô gái trung lưu Ấn Độ xinh đẹp đến vị giáo sư xuất sắc của Harvard ai cũng nể phục!

minhtan20xx

Nhân Viên Tư Vấn
Thành viên thân thiết
Tham gia
20/7/2012
Bài viết
2.255
gopi-1-15556647133881977548849-1555664803288821341073-crop-1555664822926700131533.png



Để đi vào lịch sử là người phụ nữ đầu tiên giữ chức nữ kinh tế trưởng của IMF, Gita Gopinath đã phải cố gắng rất nhiều từ bé
Đầu năm 2019, bà Gita Gopinath - giáo sư Quốc tế học và Kinh tế tại trường ĐH Harvard - đã chính thức tiếp quản vị trí kinh tế trưởng tại Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF). Bà là người phụ nữ đầu tiên giữ vị trí quan trọng này, thay thế ông Maurice Obstfeld đã về hưu từ cuối năm 2018.

Gita Gopinath là người Ấn Độ thứ 2 sau Raghuram Rajan - Thống đốc Ngân hàng dự trữ Ấn Độ - ngồi vào vị trí này. Bà đã viết hơn 40 bài báo về tỷ giá hối đoái, thương mại và đầu tư, khủng hoảng tài chính quốc tế, chính sách tiền tệ, nợ và khủng hoảng ở các thị trường kinh tế mới nổi. Trước đó, bà từng làm cố vấn kinh tế cho Thủ hiến Kerala tại Ấn Độ.

Tuy nhiên, thành công nào cũng đòi hỏi sự nỗ lực. Đằng sau người phụ nữ 46 tuổi này là cả một quá trình phấn đấu chăm chỉ để trở thành nhà lãnh đạo tài ba của thế giới.


Từ bỏ đam mê để tập trung học hành

Gita Gopinath sinh ra trong một gia đình Ấn Độ trung lưu ở Calcutta, ngay trong thời kỳ Chiến tranh Bangladesh. Từ bé, Gita đã rất ưa thích thể thao. Thế nên khi bà quyết định dừng luyện tập để tập trung vào việc học, mọi người đã rất ngạc nhiên. “Thể thao có quá nhiều rủi ro. Trừ khi con là số 1 ở Ấn Độ, còn không con chẳng là ai hết! Nhưng nếu xếp thứ nhất hoặc thứ hai ở trường đại học, con có thể trở nên vĩ đại,” Gita nêu lý do với cha mình.

Cha bà - ông T.V. Gopinath - nhớ lại: “Trước đây, con bé chỉ luôn ở mức 45 điểm. Nhưng đến năm lớp 7, Gita đã đạt 90 điểm.” Cha mẹ không ép bà và chị gái mình phải học. Tuy nhiên, hôm nào bà cũng làm bài tập về nhà từ sớm và đi ngủ từ lúc 7h30 tối để có thể dậy sớm. Gita Gopinath cũng từng có khoảng thời gian học guitar, tham gia làm người mẫu thời trang, nhưng rồi bà từ bỏ tất cả để theo đuổi việc học.


Đến với kinh tế một cách tình cờ

Sau khi tốt nghiệp cấp 3, Gita đăng ký vào ngành khoa học tại trường ĐH Mahajana PU tại Mysuru. Dù điểm của bà đủ tốt để học ngành kỹ sư và dược, bà lại quyết định chuyển hướng sang kinh tế.

Bà từng kể với phóng viên tờ Braingainmag.com.: “Không phải lúc nào tôi cũng muốn trở thành nhà kinh tế học. Ở tuổi 18, khi phải chọn trường để thi, tôi đã đến với kinh tế hoàn toàn tình cờ. Cho tới lớp 12, thế mạnh của tôi vẫn là Khoa học. Thế nhưng, cha mẹ cho rằng tôi nên làm việc trong lĩnh vực quản lý, và Kinh tế là môn học cần thiết. Vì vậy, tôi chọn nó.”

Không ngờ rằng, sau khi học lớp kinh tế đầu tiên tại Đại học Lady Sri Ram ở Delhi, Gita bị cuốn hút bởi bộ môn này ngay lập tức. Dù gặp nhiều khó khăn ban đầu do chuyển ngành mới, nhưng bà vẫn đứng đầu ngành 3 năm liên tiếp. “Sau này, tôi nhận ra mình hợp với thế giới học thuật hơn. Tôi giống như một đứa mọt sách, với không kỹ năng quản lý trong tay,” Gita chia sẻ.


Sau khi có bằng cử nhân, Gita từ bỏ giấc mơ trở thành nhân viên hành chính dân sự bởi “nó không đem lại thu nhập cao”. Bà nộp hồ sơ cao học vào trường Kinh tế Delhi. Đây cũng là lúc Gita gặp người chồng tương lai của mình - Iqbal Singh Dhaliwal. Năm 1996, ông Iqbal đã đỗ đầu kỳ thi sát hạch cán bộ và làm nhân viên hành chính dân sự tại Tamil Nadu.


Gita Gopinath cùng chồng và con trai tại nhà riêng.

Năm 2001, Gita sang Mỹ để học tiến sĩ theo chương trình 5 năm được tài trợ toàn phần tại Đại học Washington. Mặc dù gia đình không mấy dư giả, chỉ đủ tiền để mua vé máy bay 1 chiều cho bà, Gita vẫn nỗ lực chiến đấu trước mọi thách thức. Sau một vài tháng, giáo sư hướng dẫn cảm thấy bà xứng đáng học tại một trường top đầu. Ông đã viết thư giới thiệu Gita cho 3 trường khác nhau, trong đó có Harvard và Princeton. Thậm chí, ông còn gọi Gita là “một trong những nghiên cứu sinh xuất sắc nhất trong vòng 20 năm đổ lại.”

Sau khi hoàn thành chương trình tiến sĩ tại Đại học Princeton, Gita muốn trở về quê hương Ấn Độ để tụ họp với chồng mình. Vì muốn thuyết phục bà ở lại Mỹ, Đại học Princeton đã cấp học bổng ngành hành chính công cho Iqbal. Nhờ vậy, chồng bà đã bỏ việc ở Ấn Độ và chuyển tới sống ở Mỹ cùng bà.

Cuộc sống bận rộn nhưng đầy cảm hứng

Vừa là giáo sư ở trường đại học hàng đầu thế giới, vừa là nhà kinh tế học với những chính sách then chốt có ảnh hưởng đến nền kinh tế toàn cầu, Gita có một cuộc sống vô cùng bận rộn. Mỗi ngày, bà gặp gỡ rất nhiều con người khác nhau. Lịch làm việc cũng đã kín trong vòng 6 tháng tới. Các bài báo và lời khuyên của bà thường xuyên được đánh giá cao, nhưng chính sự chăm chỉ và tập trung mới là điều định nghĩa con người bà. Cha bà cho biết: “Gita luôn chuẩn bị trước mỗi cuộc hội thảo và gửi email cho sinh viên để họ sẵn sàng với các câu hỏi. Có những ngày nhận được điện thoại từ IMF, nó sẽ làm việc xuyên đêm.”

Bận rộn như vậy, nhưng suốt 14 năm qua, bà không quên dành thời gian cho gia đình, luôn về thăm quê hương 2 lần/năm. Cha bà cho biết: “Gita luôn trò chuyện với người thân và bạn bè ở Ấn Độ. Con bé vẫn ưa thích những món ăn đơn giản.” Ngoài ra, bà là hình mẫu cho hàng triệu cô gái Ấn noi theo. “Lớn lên ở Ấn Độ, bạn sẽ được kỳ vọng trở thành bác sĩ hay kỹ sư, chứ không phải nhà kinh tế học,” Gita nhớ lại.


Từ một cô gái Ấn Độ bình thường, Gita Gopinath đã trở thành một trong những nhân vật quyền lực nhất thế giới chỉ bằng trí tuệ và sự cố gắng không ngừng của mình. Đúng như bà Christine Lagarde - Giám đốc IMF - nhận xét trong thông báo bổ nhiệm Gita: “Gita là một trong những nhà kinh tế học xuất sắc của thế giới, với học vấn cao, kinh nghiệm lãnh đạo và làm việc trong môi trường quốc tế ấn tượng.”

Theo Trí thức trẻ/TheWeek



 
×
Quay lại
Top Bottom