- Tham gia
- 23/6/2010
- Bài viết
- 303
Lực bất tòng tâm
Ý của câu thành ngữ này là chỉ người sức lực yếu kém, không thể làm công việc mà mình mong muốn.
Câu thành ngữ này có xuất xứ từ “Hậu Hán thư – Truyện Ban Siêu”.
Thời Đông Hán, Ban Siêu theo lệnh Minh Đế dẫn theo mấy chục người đi xứ sang Tây Vực, đã lập nên nhiều công trạng to lớn. Năm tháng trôi qua, bất giác Ban Siêu ở lại Tây Vực đã được 27 năm trời. Khi ông mới đến Tây Vực còn là tuổi tráng niên, còn bây giờ thì tuổi đã cao, sức khỏe ngày một suy yếu. Người đã già rồi rất mong muốn lá rụng về gốc, ông đã viết một bức thư bày tỏ lòng nhớ quê da diết của mình, rồi sai con trai đem về nhà Hán, dâng lên Hòa đế Lưu Triệu xin điều ông về kinh thành. Nhưng bức thư trình lên đã lâu mà nhà vua cũng chẳng để ý tới. Sau đó, em gái của Ban Siêu là Ban Chiêu lại viết một lá thư dâng lên nhà vua, nhấn mạnh niềm mong muốn của anh mình. Trong thư có mấy câu như sau: “Ban Siêu là người cao tuổi nhất trong số những người cùng đi Tây Vực, nay tuổi đã ngoài 60, sức yếu lắm bệnh, mái tóc bạc phơ, mắt mờ tai kém, chân tay bủn rủn, đi đâu cũng phải chống gậy, nếu chẳng may xảy ra bạo loạn, thì sức lực của Ban Siêu không thể nào chiều theo ý muốn của mình nữa. Như vậy, trên thì phương hại đến công trị vì lâu dài của nhà nước, dưới thì hủy hoại đến thành quả do các bậc trung thần không dễ mà giành được, thực là đau lòng lắm thay”.
Bức thư của Ban Chiếu đã có hiệu quả, Hòa Đế hết sức xúc động trước lời lẽ trong thư, bèn lập tức truyền chỉ điều Ban Siêu về nhà Hán. Ban Siêu về tới Lạc Dương chưa đầy một tháng thì bệnh tình nặng thêm rồi qua đời, hưởng thọ 71 tuổi.
Hiện nay, người ta vẫn thường dùng câu thành ngữ “Lực bất tòng tâm” để ví về hiện tượng sức yếu, không thể làm được những công việc mà mình mong muốn.