- Tham gia
- 7/4/2013
- Bài viết
- 1.689
Một chiều của lâu lâu rồi, phố thị loanh quanh chồn chân, thèm bước ra khỏi thành phố về nơi nào đó. Nhưng ngay cả đến khi ngồi lên xe vẫn không biết sẽ về đâu.
Chỉ biết là mấy tháng trời vùi đầu trong máy lạnh cao ốc, hôm ấy mình tự hỏi bản thân: đã bao lâu ta không thấy đường chân trời?
Hỏi xong, thừ người ra. Cái thiệt thòi của thằng cư dân đô thị không đâu xa, nó nằm ngay ở chỗ mơ ước tầm thường đơn giản nhất không phải bao giờ cũng có thể thực hiện.
Lục mãi trong danh bạ, gọi cho một anh bạn lớn hơn tôi nhiều tuổi: Em thèm rượu đế. Anh bạn nơi thâm sơn cùng cốc mừng rỡ: Mày muốn gì để anh chuẩn bị? Anh dọn cho tụi em chai rượu đế và những ngọn gió đồng! Chiều đó tôi và người bạn đi cùng đã say mềm trong một cánh đồng thung lũng ở Phương Lâm giữa hoàng hôn ráng đỏ.
Ông đồng nghiệp lớn tuổi về hưu rủ tôi xuống vườn ông uống rượu: Tao đãi mày thứ mà trên Sài Gòn không có. Nói rồi ông chỉ ra cánh đồng sắp gặt vàng lên trong nắng chiều, một tỉ lít không khí trong lành và những cơn gió đồng.
Tuổi thơ tôi đã lớn lên cùng những ngọn gió miền Trung hào phóng đuổi nhau dọc mé đồi. Tối đi bắt chim mía trên những thửa ruộng mới gặt, tôi hít đầy ngực mình mùi rơm thơm, mùi đất ruộng. Giờ đây thỉnh thoảng giữa phố thị, tôi vẫn mơ một cái chõng tre dưới tán xoài nhìn ra cánh đồng đất ải bao la gió chiều hè.
Hai mươi mấy năm ở Sài Gòn đi học rồi đi làm, tôi cũng có được một căn nhà. Ở đó mở cửa chỉ thấy lưng những ngôi nhà bêtông. Ở đó có khuya tôi mở cửa, xuống công viên tắt hết đèn để nhìn trăng rải vàng trên lá. Mỗi ngày tôi đọc và viết những bài báo về tầm nhìn và sáng mai đi làm tầm nhìn mắt tôi chỉ xa hơn biển số xe của người chạy trước.
Nhiều bạn tôi, những đứa đang ngày ngày chắt mồ hôi trên cánh đồng quê nhà, coi cuộc sống tôi đang có là niềm mơ ước. Nhưng tôi đôi khi thầm mơ như chúng, sáng mai chống cuốc ngoài đồng có thể nhìn thấy mây bay trên núi và tít tắp xa tận cuối cánh đồng là chân trời.
Ai ở quê đi xa mới biết cái cảnh nhớ gió đồng. Trong gió đầu mùa là hương mạ non, cuối mùa là mùi rơm cháy, là hương bùn hương đất. Sáng mai gió đồng có mùi sương, đầu hạ có cả mùi hơi đất khi cơn dông gần đến. Ngay cả cái mùi rạ ngâm ngấu trên chân ruộng cũng có thể khiến bạn nhớ đến nỗi muốn đóng cửa phòng mà về ngay quê.
Và chao ơi là nhớ những cơn gió ngày mới lớn. Khi ta biết yêu thì đất trời cũng có mùi hương khác. Đầu chớm bạc, có hôm ta quay về không thể tìm ra đâu cảm xúc cũ. Lòng chợt biết cơn gió xưa chỉ thổi một thời. Người xưa cũng như gió. Và ta trong lòng người, biết đâu cũng thế, như gió thôi.
Xa quê, bạn có nhiều thứ để nhớ, mái nhà hay bến sông dù sao cũng hiện hữu. Nhưng ngọn gió đồng là thứ vô hình nên nó ám ảnh lâu hơn, chỉ có thể cảm thấy mà không thể nhìn hay nắm bắt dẫu có về quê đúng cái mùa cũ.
Nó còn hoài đó trong lòng nhưng không bao giờ tìm thấy. Những ngọn gió ngày xanh không bao giờ quay về vuốt ve một mái đầu chớm bạc. Khẽ ngồi bệt rìa cỏ ven đường và nhắm mắt, chợt nghe cơn gió hoa niên gợn thổi về. Nhưng nếu muốn hít căng ngực mình hoặc mở mắt ra thì nó sẽ tan biến, dù gió đồng vẫn thổi bên vai.
Bao cơn gió đã thổi qua lòng như thế, gió đến từ quê và thổi mãi đến chân trời. Chân trời thì tít tắp xa và quê thì cũng xa như thế. Lẩn thẩn đôi khi giống thằng nói dối, nhớ thế chứ có về đâu, hay về dăm bữa đã lại trở vào.
Có lẽ cái dùng dằng giữa nỗi nhớ và cơm áo thị thành càng khiến lòng phải nghĩ. Công việc bộn bề cuốn ta đi, để rồi trong giấc mơ gió đồng mãi thổi...
Cơn gió ngày xưa bao giờ mới không thổi nữa, qua lòng?
Chỉ biết là mấy tháng trời vùi đầu trong máy lạnh cao ốc, hôm ấy mình tự hỏi bản thân: đã bao lâu ta không thấy đường chân trời?
Hỏi xong, thừ người ra. Cái thiệt thòi của thằng cư dân đô thị không đâu xa, nó nằm ngay ở chỗ mơ ước tầm thường đơn giản nhất không phải bao giờ cũng có thể thực hiện.
Lục mãi trong danh bạ, gọi cho một anh bạn lớn hơn tôi nhiều tuổi: Em thèm rượu đế. Anh bạn nơi thâm sơn cùng cốc mừng rỡ: Mày muốn gì để anh chuẩn bị? Anh dọn cho tụi em chai rượu đế và những ngọn gió đồng! Chiều đó tôi và người bạn đi cùng đã say mềm trong một cánh đồng thung lũng ở Phương Lâm giữa hoàng hôn ráng đỏ.
Ông đồng nghiệp lớn tuổi về hưu rủ tôi xuống vườn ông uống rượu: Tao đãi mày thứ mà trên Sài Gòn không có. Nói rồi ông chỉ ra cánh đồng sắp gặt vàng lên trong nắng chiều, một tỉ lít không khí trong lành và những cơn gió đồng.
Tuổi thơ tôi đã lớn lên cùng những ngọn gió miền Trung hào phóng đuổi nhau dọc mé đồi. Tối đi bắt chim mía trên những thửa ruộng mới gặt, tôi hít đầy ngực mình mùi rơm thơm, mùi đất ruộng. Giờ đây thỉnh thoảng giữa phố thị, tôi vẫn mơ một cái chõng tre dưới tán xoài nhìn ra cánh đồng đất ải bao la gió chiều hè.
Hai mươi mấy năm ở Sài Gòn đi học rồi đi làm, tôi cũng có được một căn nhà. Ở đó mở cửa chỉ thấy lưng những ngôi nhà bêtông. Ở đó có khuya tôi mở cửa, xuống công viên tắt hết đèn để nhìn trăng rải vàng trên lá. Mỗi ngày tôi đọc và viết những bài báo về tầm nhìn và sáng mai đi làm tầm nhìn mắt tôi chỉ xa hơn biển số xe của người chạy trước.
Nhiều bạn tôi, những đứa đang ngày ngày chắt mồ hôi trên cánh đồng quê nhà, coi cuộc sống tôi đang có là niềm mơ ước. Nhưng tôi đôi khi thầm mơ như chúng, sáng mai chống cuốc ngoài đồng có thể nhìn thấy mây bay trên núi và tít tắp xa tận cuối cánh đồng là chân trời.
Ai ở quê đi xa mới biết cái cảnh nhớ gió đồng. Trong gió đầu mùa là hương mạ non, cuối mùa là mùi rơm cháy, là hương bùn hương đất. Sáng mai gió đồng có mùi sương, đầu hạ có cả mùi hơi đất khi cơn dông gần đến. Ngay cả cái mùi rạ ngâm ngấu trên chân ruộng cũng có thể khiến bạn nhớ đến nỗi muốn đóng cửa phòng mà về ngay quê.
Và chao ơi là nhớ những cơn gió ngày mới lớn. Khi ta biết yêu thì đất trời cũng có mùi hương khác. Đầu chớm bạc, có hôm ta quay về không thể tìm ra đâu cảm xúc cũ. Lòng chợt biết cơn gió xưa chỉ thổi một thời. Người xưa cũng như gió. Và ta trong lòng người, biết đâu cũng thế, như gió thôi.
Xa quê, bạn có nhiều thứ để nhớ, mái nhà hay bến sông dù sao cũng hiện hữu. Nhưng ngọn gió đồng là thứ vô hình nên nó ám ảnh lâu hơn, chỉ có thể cảm thấy mà không thể nhìn hay nắm bắt dẫu có về quê đúng cái mùa cũ.
Nó còn hoài đó trong lòng nhưng không bao giờ tìm thấy. Những ngọn gió ngày xanh không bao giờ quay về vuốt ve một mái đầu chớm bạc. Khẽ ngồi bệt rìa cỏ ven đường và nhắm mắt, chợt nghe cơn gió hoa niên gợn thổi về. Nhưng nếu muốn hít căng ngực mình hoặc mở mắt ra thì nó sẽ tan biến, dù gió đồng vẫn thổi bên vai.
Bao cơn gió đã thổi qua lòng như thế, gió đến từ quê và thổi mãi đến chân trời. Chân trời thì tít tắp xa và quê thì cũng xa như thế. Lẩn thẩn đôi khi giống thằng nói dối, nhớ thế chứ có về đâu, hay về dăm bữa đã lại trở vào.
Có lẽ cái dùng dằng giữa nỗi nhớ và cơm áo thị thành càng khiến lòng phải nghĩ. Công việc bộn bề cuốn ta đi, để rồi trong giấc mơ gió đồng mãi thổi...
Cơn gió ngày xưa bao giờ mới không thổi nữa, qua lòng?