Hai ngày sau buổi cắm trại, Tôt-tô-chan lại có một cuộc phiêu lưu mạo hiểm. Đó là ngày em hẹn gặp Y-a-su-a-ki-chan. Đây là một công việc bí mật, nên cả cha mẹ bạn và cha mẹ Tôt-tô-chan đều không biết. Em mời Y-a-su-a-ki-chan đến thăm cây của em.
Học sinh trường Tô-mô-e mỗi em chiếm một cây trên sân trường làm riêng của mình để leo trèo. Cây của Tôt-tô-chan trồng ở sát bờ rào gần con đường dẫn đến đền Ku-hon-bút-su. Đây là một cây to, thân rất trơn và khó trèo. Những ai trèo giỏi, có thể leo lên đến cái chạc ba cách mặt đất chừng hai mét. Chạc cây này giống như một cái võng. Tôt-tô-chan thường leo lên đấy vào giờ nghỉ, hay sau khi tan học, để ngắm nhìn trời mây ở tít phía xa, hoặc nhìn những người đi đường ở bên dưới.
Các em coi các cây "của mình" là tài sản riêng, và vì vậy nếu muốn leo lên cây của người khác thì phải xin phép và nói rất lịch sự: "Xin lỗi, tôi có thể vào "nhà" được không?"
Vì Y-a-su-a-ki-chan bị bại liệt, nên chưa bao giờ em trèo lên cây hay nhận một cây nào đó là của mình. Đó cũng chính là lý do khiến Tôt-tô-chan mời bạn đến thăm cây của em. Các em phải giữ kín vì nếu để người khác biết, chắc chắn họ sẽ phản đối ầm lên.
Ra khỏi nhà, Tôt-tô-chan nói với mẹ là em đi thăm bạn Y-a-su-a-ki-chan tại Đe-nen-cho-phu. Vì nói dối nên em không dám nhìn thẳng vào mặt mẹ mà dán mắt vào đôi dây giày, Rốc-ky đi theo em đến tận nhà ga; lúc chia tay em đã nói thật với nó:
- Chị sẽ mời Y-a-su-a-ki-chan leo lên cây của chị.
Tôt-tô-chan đến trường, tấm thẻ lên tàu vẫn đeo ở cổ. Em thấy Y-a-su-a-ki-chan đang đứng đợi em bên những luống hoa; sân trường lúc này vắng bóng học sinh vì đang kì nghỉ hè. Y-a-su-a-ki-chan chỉ hơn Tôt-tô-chan có một tuổi, nhưng khi em nói, giọng em nghe rất già dặn.
Nhìn thấy Tôt-tô-chan, Y-a-su-a-ki-chan vội vàng đi về phía bạn, kéo lê đôi chân, tay giơ về phía trước để giữ thăng bằng. Tôt-tô-chan rất hồi hộp vì công việc sắp làm, em khúc khích cười.
Tôt-tô-chan dẫn bạn đến bên gốc cây của mình. Sau đó, đúng theo ý định mà em đã nghĩ sẵn từ đêm trước, em chạy đến bên túp lều của người coi trường lấy cái thang, kéo lê đến bên cây, rồi tựa nó vào thân cây đến đúng chỗ chạc ba. Em leo lên rất nhanh, nắm lấy đầu thang và nói với xuống:
- Xong rồi, bạn cố leo lên đi!
Tay chân Y-a-su-a-ki-chan yếu quá, yếu đến mức ngay từ nấc thang thứ nhất em đã cần có người đỡ. Thế là Tôt-tô-chan leo ngay xuống và cố đủn Y-a-su-aki-chan lên từ phía sau. Nhưng Tôt-tô-chan lại quá nhỏ và gầy nên em chỉ đủ sức để vừa đỡ lấy người Y-a-su-a-ki-chan, vừa giữ sao cho cái thang đứng vững. Y-a-su-a-ki-chan, nhấc chân ra khỏi cái nấc thang thứ nhất và đứng im bên cạnh cái thang, đầu hơi ngoẹo xuống. Lần đầu tiên Tôt-tô-chan nhận thấy thực tế lại khó hơn em tưởng rất nhiều. Em phải làm gì bây giờ?
Em rất muốn mời Y-a-su-a-ki-chan leo lên cây của em và Y-a-su-a-ki-chan cũng muốn như vậy. Em đi một vòng quanh cái thang rồi đứng lại trước mặt bạn. Thấy Y-a-su-a-ki-chan buồn quá, Tôt-tô-chan liền phồng mồm lên làm trò hề cho bạn vui.
- Đợi nhé, mình nghĩ ra được cách này rồi!
Tôt-tô-chan lại chạy đến cái lều của người gác trường lấy ra hết thứ này đến thứ khác chỉ cốt tìm xem có gì giúp em được không? Cuối cùng em tìm thấy một cái thang đứng. Cái thang có thể tự đứng vững, em sẽ không phải giữ nữa.
Thật kỳ lạ, bằng sức mạnh nhỏ bé của mình, em đã kéo nổi cái thang đứng đến bên thân cây, và rất hài lòng khi thấy nó cao gần tới chạc ba.
- Nào, dũng cảm lên - em nói vẻ đàn chị. - Bây giờ nó không còn đung đưa nữa đâu.
Y-a-su-a-ki-chan nhìn cái thang đứng với vẻ lo sợ. Sau đó em nhìn Tôt-tô-chan, mồ hôi ướt như tắm. Y-a-su-a-ki-chan cũng toát mồ hôi. Em nhìn lên cây. Rồi với một sự quyết tâm, em đặt chân lên bậc thang thứ nhất.
Hai em không hề chú ý đến chuyện phải mất bao nhiêu thì giờ để Y-a-su-a-ki-chan leo cho tới đỉnh thang. Nắng mùa hè gay gắt, nhưng Tôt-tô-chan không mảy may quan tâm, em chỉ cố hết sức đẩy Y-a-su-a-ki-chan lên đến nấc thang cao nhất. Em đứng ở phía dưới, tay nhấc chân bạn, đầu đội mông bạn để người bạn khỏi bị lắc lư.
Y-a-su-a-ki-chan cũng cố hết sức mình và cuối cùng cũng leo đến đỉnh thang.
- Hoan hô!
Nhưng lên đó, cả hai lại thất vọng. Tôt-tô-chan lại leo lên chạc ba nhưng em quá nhỏ và gầy nên không tài nào đủ sức để giúp Y-a-su-a-ki-chan chuyển từ thang sang cây được. Nắm lấy đầu cái thang đứng, Y-a-su-a-ki-chan nhìn Tôt-tô-chan. Tôt-tô-chan như muốn khóc Em thèm được mời Y-a-su-a-ki-chan leo lên cây của mình để khoe với bạn mọi thứ...
Nhưng em không khóc. Em sợ rằng nếu mình khóc thì Y-a-su-a-ki-chan cũng sẽ khóc theo mất. Em nắm lấy tay bạn. Vì bị bại liệt nên các ngón tay của Y-a-su-a-ki-chan sát vào nhau. Tay bạn dài hơn tay em và những ngón tay cũng dài hơn. Em cầm tay bạn một lúc lâu. Rồi em nói:
- Hãy nằm xuống và mình sẽ cố kéo bạn lên!
Nếu người lớn có ai đi qua, nhìn thấy cái cảnh Y-a-su-a-ki-chan đang nằm dán bụng vào cái thang đứng còn Tôt-tô-chan thì đứng ở chạc cây cố kéo bạn mình lên, người đó hẳn sẽ phải hoảng hốt. Trông thật nguy hiểm vô cùng.
Nhưng Y-a-su-a-ki-chan hoàn toàn tin ở bạn và Tôt-tô-chan đã lấy tính mạng của mình để bảo đảm cho bạn. Với bàn tay bé nhỏ nắm lấy tay bạn, Tôt-tô-chan dùng hết sức kéo bạn lên. Đôi lúc những đám mây lớn kéo tới che cho hai em khỏi bị cái nắng gay gắt thiêu đốt.
Cuối cùng cả hai em đã đứng đối diện với nhau trên chạc cây. Gạt mớ tóc ướt đẫm về phía sau, Tôt-tô-chan cúi chào lịch sự:
- Vui mừng mời bạn đến thăm cây của tôi.
Y-a-su-a-ki-chan tựa lưng vào thân cây mỉm cười e thẹn. Em nói:
- Cho phép tôi vào "nhà" bạn nhé!
Y-a-su-a-ki-chan có thể nhìn được những cảnh vật em chưa được thấy bao giờ.
- Ra vậy! Leo lên cây là như thế này đây, - em nói vẻ phấn khởi.
Các em ngồi trên chạc cây một lúc lâu và kể cho nhau nghe đủ mọi chuyện.
- Chị mình cho biết ở Mỹ người ta có cái máy gọi là vô tuyến truyền hình, - Y-a-su-a-ki-chan nói vẻ rất sôi nổi, - Chị mình bảo nếu ở Nhật có cái đó thì chúng mình có thể ngồi nhà xem người ta đấu vật. Chị mình lại bảo nó giống như một cái hộp ấy!
Tôt-tô-chan không thể hiểu được tại sao một người như Y-a-su-a-ki-chan, không đi được đâu xa, lại có thể xem đủ mọi thứ ở ngay tại nhà.
Em cũng băn khoăn không hiểu tại sao những đo vật lớn như vậy lại chui được vào trong cái hộp đặt ở nhà. Đô vật to lớn lắm. Nhưng dù sao cũng thật thú vị! Thời ấy không ai hiểu vô tuyến truyền hình là gì. Y-a-su-a-ki-chan là người đầu tiên nói với Tôt-tô-chan về chuyện này..Tiếng ve sầu vang lên và cả hai em đều rất vui. Đối với Y-a-su-a-ki-chan đây là lần đầu tiên và cũng là lần cuối cùng em leo lên cây.
"Cái gì dễ sợ, mùi hôi, mà ăn lại ngon?"
Tôt-tô-chan và các bạn em thích câu đố này lắm, nên mặc dù biết tỏng câu trả lời rồi mà các em vẫn nhắc lại không biết chán: "Hỏi tớ cái gì dễ sợ và mùi hôi đi!".
Câu trả lời là "Con quỷ trong nhà tiêu ăn bánh nhân đậu".
Dựa vào kết quả cuối cùng của trò chơi "Thử thách lòng dũng cảm" của trường Tô-mô-e, người ta cũng có thể đặt được một câu đố hay: "Cái gì dễ sợ, làm nhột và làm bạn cười?"
Từ buổi tối dựng lều và cắm trại ở phòng họp, thầy hiệu trưởng đã báo trước: "Chúng ta sẽ tổ chức trò chơi "Thử thách lòng dũng cảm" vào một buổi tối nào đó ở đền Ku-hon-bút-su. Ai muốn xung phong làm ma, giơ tay lên". Có khoảng bảy học sinh nam tranh nhau đóng vai này...
Vào một buổi tối đã định, lúc tập trung đầy đủ ở trường học, các học sinh nhận làm ma sẽ mang the các loại quần áo tự làm lấy đi trốn ở khu đền.
Lúc đi, các em nói: "Chúng tớ sẽ làm cho các cậu sợ mất vía".
Chừng ba mươi học sinh còn lại chia thành từng tốp nhỏ năm người một, lần lượt kéo nhau đến Ku-hon-bút-su. Theo luật chơi, học sinh phải đi xung quanh khu vực đền và nghĩa địa rồi quay về trường.
Thầy hiệu trưởng còn nói cho biết thêm, mặc dù đây là thử thách lòng dũng cảm, nhưng nếu ai muốn quay về nửa chừng cũng được.
Tôt-tô-chan mang theo cái đèn pin đã mượn của mẹ. Mẹ em bảo:
- Đừng đánh mất đấy!
Một vài học sinh nam bảo sẽ bắt hết ma và mang theo những cái vợt bắt bướm; các cậu khác lại mang theo cả dây, nói là để trói ma.
Khi thầy hiệu trưởng nói rõ cách chơi thì trời vừa tối, các tốp được lập theo kiểu "oẳn, tù, tì". Nhóm thứ nhất ra khỏi cổng trường, cười ré lên vì phấn khởi. Dần dà đến nhóm của Tôt-tô-chan.
Thầy hiệu trưởng nói sẽ không có ma nào xuất hiện dọc đường đến đền Ku-hon-bút-su, nhưng các em không tin chắc lắm, vì vậy cứ vừa đi vừa nghe ngóng, sợ sệt, cho tới lúc đến trước cổng đền. Đứng ở đây các em đã có thể nhìn thấy các ông hộ pháp. Khu đền tối đen như mực, mặc dù trăng đã lên. Ban ngày ở đây thật vui và thoáng, nhưng lúc này ai cũng lo không biết khi nào thì gặp phải ma. "Ối giời ơi!", một học sinh kêu lên khi nghe cây lá xào xạc trong gió nhẹ hoặc "Ối! Ma! Ma!" khi chân ai đó chạm phải một vật gì mềm mềm. Cuối cùng, cái gì cũng tưởng là ma, kể cả người bạn mà mình đang cầm tay. Tôt-tô-chan quyết định không đi đến nghĩa địa nữa. Đấy là nơi ma đang rình và dù sao đến đây em cũng đã biết được hết về cái trò thử thách lòng dũng cảm này; em có thể quay về được! Các bạn khác trong tổ của em cũng quyết định y như em. Khi biết có nhiều người cùng nghĩ và làm như mình thì cũng thấy yên tâm hơn - và thế là ba chân bốn cẳng, các em chạy cả về trường.
Về đến nơi, mới biết là những tốp đi trước tốp này cũng đều đã trở về cả. Hình như ai cũng quá sợ, không dám đi đến tận nghĩa địa.
Đúng lúc ấy, một học sinh nam, khoác một mảnh vải trắng trên đầu, vừa đi qua cửa vừa khóc; sau em là một thầy giáo. Cậu ta là một con ma. Suốt thời gian chờ đợi, cậu đã nằm phủ phục ở nghĩa địa, nhưng không thấy ai đến, cậu ta đâm sợ. Cuối cùng, cậu phải ra khỏi nghĩa địa vừa đi vừa khóc và thầy giáo tuần tra thấy vậy đã đưa cậu về trường. Trong khi mọi người đang cố làm cậu ta vui lên, thì cậu thứ hai cũng quay về, cũng khóc, theo sau là một cậu nữa, lại khóc nốt! Cậu làm ma kia cũng trốn trong nghĩa địa, và khi nghe thấy có tiếng người chạy về phía mình, cậu xồ ra định dọa, thế là hai cậu đập đầu vào nhau. Đau và sợ hết hồn, cả hai cậu đều chạy về.
Thật là buồn cười, sau khi đã hoàn hồn, thấy trong người đã trở lại nhẹ nhõm, các học sinh đều cười, cười đến vỡ bụng. Các cậu ma vẫn vừa cười vừa khóc. Lúc sau, một bạn của Tôt-tô-chan tên là Mi-gi-ta trở về. Cậu ta đội một cái mũ ma bằng giấy, và rất cáu, vì không thấy một ai đến nghĩa trang cả.
Cậu ta phàn nàn: "Mình cứ đợi ở đó suốt", rồi vừa nói vừa gãi những chỗ muỗi đốt ở tay và chân.
Có người nói trêu:
- Ma bị muỗi đốt rồi, anh em ơi!
Và mọi người lại cười phá lên.
Ông Ma-ru-y-a-ma, thầy giáo phụ trách lớp năm liền bảo:
- Thôi, bây giờ thì thầy phải đi thu hết số ma còn lại trở về.
Nói xong thầy đi luôn. Thầy gom lại tất cả số ma thầy bắt gặp trên đường đang đứng ngơ ngác dưới các ngọn đèn ngoài phố. Các ma khác sợ quá đã bỏ về nhà. Thầy đưa hết cả về trường.
Sau đêm đó, các học sinh Tô-mô-e không còn ai sợ ma nữa vì, xét cho cùng, chính ma cũng còn sợ nữa là!
Tôt-tô-chan đi thật khoan thai. Rốc-ky cũng đi rất khoan thai, thỉnh thoảng lại nhìn lên Tôt-tô-chan. Như thế có nghĩa là cả hai đang đi đến phòng diễn tập của bố. Thường thường Tốt-tô-chan chạy thật nhanh hoặc tạt bên này, bên kia, tìm một vật gì em đánh rơi, hay chạy qua vườn, hết vườn này đến vườn khác.
Phòng diễn tập của bố chỉ đi bộ năm phút là đến. Ông là nhạc sỹ chính của ban nhạc và như thế có nghĩa là ông kéo vi-ô-lông. Một lần được đến dự một buổi hòa nhạc, điều làm Tôt-tô-chan phải suy nghĩ là sau khi mọi người thôi vỗ tay, người nhạc trưởng ướt đẫm mồ hôi quay về phía thính giả, bước xuống khỏi bục chỉ huy và bắt tay bố, người chơi vi-ô-lông. Rồi bố đứng dậy và toàn thể dàn nhạc cũng đứng dậy.
Tốt-tô-chan hỏi nhỏ mẹ:
-Tại sao họ lại bắt tay bố nhỉ?
Mẹ em trả lời:
-Người nhạc trưởng muốn cảm ơn cả dàn nhạc đã chơi, do đó ông bắt tay bố là người đại diện , coi như là cảm ơn tất cả.
Tôt-tô-chan thích đi đến phòng diễn tập của bố vì ở trường học hầu hết đều là trẻ con, ở đây tất cả đều là người lớn và họ chơi nhiều loại nhạc cụ. Hơn nữa ông nhạc trưởng Rô-den-xtốc nói tiếng Nhật đến là buồn cười.
Bố kể cho em biết: ông Giô-dép Rô-den-xtốc là nhac trưởng rất nổi tiếng ở châu Âu, nhưng có một người tên là Hítle bắt đầu làm những việc khủng khiếp ở đó nên ông Rô-den-xtốc phải trốn đi và sang tận Nhật Bản để có thể tiếp tục sống và làm việc. Bố nói bố rất khâm phục ông Rô-den-xtốc. Tốt-tô-chan không hiểu tình hình thế giới, nhưng đúng lúc đó Hítle bắt đâu khủng bố người Do Thái. Nếu không có ch.uyện ấy, ông Rô-den-xtốc đã chẳng bao giờ đến Nhật Bản và dàn nhạc mà nhà soạn nhạc Kô-sac Y-a-ma-da dây dựng nên chắc đã chẳng tiến bộ như thế trong một thời gian ngắn nhờ sự cố gắng của người nhạc trưởng cỡ quốc tế này. Rô-den-xtốc đòi hỏi dàn nhạc này phải có trình độ diễn tấu như một dàn nhạc hạng nhất ở châu Âu. Vì thế ông thường khóc sau mỗi buổi diễn tập:
-Tôi cố gắng rất nhiều nhưng các bạn chơi vẫn chưa đạt.
Hi-đê-ô Sai-to, người kéo xen-lô, thường chỉ huy dàn nhạc khi ông Rô-den-xtốc nghỉ, nói tiếng Đức rất thạo và hay trả lời hộ mọi người :"Chúng tôi cũng rất cố gắng. Kỹ thuật của chúng tôi chưa thật tốt. Tôi xin nói để ông hiểu là chúng tôi không cố tình làm như vậy".
Em không nhớ hết tình tiết của câu chuyện, nhưng thỉnh thoảng, ông Rô-den-xtốc mặt mũi đỏ bừng cứ như thể hơi bốc ra từ đầu ông ta, và ông bắt đầu hét lên bằng tiếng Đức. Những lúc như vậy, Tôt-tô-chan thường chạy ra khỏi chỗ cửa sổ nơi em thường thích đứng xem, tay chống cằm; em thường cúi rạp xuống tận đất cùng với Rốc-ky, không dám thở mạnh, và chờ đợi tiếng nhạc lại nổi lên.
Bình thường, ông Rô-den-xtốc rất tốt và ông nói tiêng Nhật nghe rất buồn cười. Hễ khi dàn nhạc chơi hay ông thường nói:"Giỏi lắm, Ku-rô-y-a-na-gi-hsan" hoặc "Tuyệt vời".
Tôt-tô-chan chưa bao giờ vào trong phòng diễn tập. Em thích ghé nhìn qua cửa sổ và nghe nhạc. Cho nên mỗi khi họ nghỉ và các nhạc sĩ ra ngoài hút thuốc, bố thường gặp em ở đấy. Ông thường nói:
-Tôt-sky, con lại ra đây à?
Nếu ông Rô-den-xtốc thấy em, ông thường nói: "Chào em" với một giọng rất bưồn cười, và mặc dù bây giờ em đã lớn, ông vẫn nâng bổng em lên như khi em còn nhỏ rồi áp má ông vào má em làm em rất ngượng. Tuy vậy em rất quý ông Rô-den-xtốc. Ông đeo kính gọng bạc nhỏ, người không cao lắm, và mũi to. Nhưng khuôn mặt ông đẹp và thanh, nhìn có thể nhận ngay ra đó là khuôn mặt nghệ sĩ.
Tốt-tô-chan thích phòng diễn tập, kiến trúc của nó hơi pha kiểu phương Tây và hơi lệch.
Tiếng nhạc ở phòng diễn tập đươc gió thổi từ hồ Sen-dô-ku đưa đi thật cao, thật xa. Thỉnh thoảng, tiểng reo của người bán cá vàng hòa quyện với tiếng nhạc.
Thế là kỳ nghỉ hè đã hết và cuối cùng ngày tham quan suối nước nóng đã đến. Học sinh Tô-mô-e coi đây là một sự kiện quan trọng. Mẹ không mấy khi ngạc nhiên nhưng một hôm Tôt-tô-chan đi học về và hỏi:
- Mẹ ơi! Cho con đi đến suối nước nóng với các bạn, mẹ nhé!
Bà lặng đi vì ngạc nhiên. Bà thường nghe nói người già rủ nhau đến suối nước nóng, chứ chưa hề nghe nói, học sinh lớp một đến đó bao giờ. Nhưng sau khi đọc kỹ giấy báo của ông hiệu trưởng, bà nghĩ đây là một sáng kiến và thán phục kế hoạch ấy của ông. Cuộc tham quan này là "một đợt học tập trên bờ biển" ở một địa điểm tên gọi "Toi" trên bán đảo I-du ở Si-du-ô-ka. Có một suối nước nóng ngay tại biển, ở đấy các em có thể vừa bơi vừa tắm nước nóng. Cuộc tham gia kéo dài ba ngày và hai đêm, cha của một học sinh Tô-mô-e có nhà nghỉ ở đó. Tất cả 50 học sinh Tô-mô-e từ lớp một đến lớp sáu có thể ở đấy được. Dĩ nhiên mẹ đồng ý.
Các học sinh Tô-mô-e tập trung tại trường vào ngày đã định trước khi lên đường. Khi các em đã có mặt đông đủ, thầy hiệu trưởng liền nói:
- Bây giờ, chúng ta sẽ đi bằng tàu hỏa, rồi tàu thủy, và thầy không muốn em nào bị lạc cả. Các em có hiểu không? Được rồi, ta lên đường thôi!
Ông chỉ nói có thế, ấy vậy khi các em lên tàu đi Tô-ky-ô ở Gi-y-u-gao-ka các em đều ngoan đến kỳ lạ. Không em nào chạy đi chạy lại trên toa; các em cũng chỉ nói chuyện nho nhỏ với em bên cạnh. Xưa nay cũng không ai bảo các em học sinh Tô-mô-e phải đi thành hàng nghiêm chỉnh, giữ im lặng trên tàu và không được vứt rác trên sàn tàu khi ăn quà bánh. Nhưng cuộc sống hàng ngày ở trường học đã phần nào giúp các em ý thức được rằng không nên xô đẩy những người nhỏ hơn và yếu hơn mình, rằng thái độ thô lỗ là đáng hổ thẹn, rằng hễ thấy rác phải nhặt lên và các em phải cố gắng đừng làm phiền người khác. Điều kỳ lạ nhất là Tôt-tô-chan, cách đây một vài tháng đã làm cả lớp học phải lo ngại vì đang giữa giờ học em nói chuyện với những người hát rong qua cửa sổ, đã ngồi nghiêm chỉnh ở bàn và học bài rất nghiêm túc ngay từ ngày đầu vào học ở Tô-mô-e. Nếu có giáo viên nào đó trường trước kia thấy em bây giờ ngồi ngay ngắn cũng các em khác ở trên tàu, người ấy sẽ nói: "Hẳn là một học sinh nào khác".
Đến Nu-ma-du, các em lên một con tàu giống hệt con tàu mà các em hằng mơ ước. Nó không lớn nhưng ai nấy đều hăm hở đi xem từng góc trên sàn tàu, sờ cái này, đu vào cái kia. Khi tàu rời cảng, các em đều giơ tay vẫy chào mọi người trên bến. Tàu chưa đi được xa, trời đã bắt đầu mưa và các em phải vào trong khoang. Rồi biển động mạnh. Tôt-tô-chan cảm thấy choáng váng, nôn nao như các bạn khác. Đúng lúc ấy, một học sinh nam lớn đứng ra giữa tàu, dang hai tay làm máy bay. Khi tàu tròng trành, cậu ta vừa chạy sang bên này vừa kêu "ù, ù", rồi cậu lại chạy sang bên kia, miệng luôn kêu "ù, ù". Các học sinh không ai nhịn được cười mặc dù say sóng và khi tàu đến Toi, các em vẫn còn cười. Điều không ngờ là sau khi tất cả đã xuống tàu, cậu học sinh làm trò "ù, ù" lại bắt đầu nôn nao choáng váng trong lúc mọi người vẫn bình thường và thấy khỏe!
Toi Xpa ở một làng đẹp, yên tĩnh bên bờ biển xung quanh có những đồi cây. Sau khi nghỉ một lát, các thầy giáo dẫn học sinh xuống biển. Biển không giống như bể bơi ở trường, nên các em phải mặc quần áo tắm.
Suối nước nóng dưới biển thật kỳ lạ. Nó không có bờ bao quanh nên không có đường chia danh giới giữa suối nước nóng và biển. Nếu bạn ngồi thụp xuống chỗ có suối nước nóng, nước nóng lên đến tận cổ rất thú vị, cứ hệt như bạn đang tắm nước nóng vậy. Nếu bạn muốn bơi ra biển từ chỗ suối nước nóng, bạn chỉ cần đi ngay ra độ sáu, bảy thước và thấy nước dần dần mát hơn. Càng ra xa, nước càng lạnh và bạn biết mình đã ra biển. Do đó, sau khi đã bơi loanh quanh trong biển và bắt đầu thấy lạnh, bạn chỉ việc bơi nhanh về suối nước nóng và tắm nước nóng lên tận cổ. Cứ như nhà tắm vậy! Và thật là vui nhộn biết bao! Trong khi các em đội mũ bơi đi bơi lại bình thường ngoài biển, các em trong khu suối nước nóng lại đứng thành vòng tròn nghỉ ngơi, nói chuyện như trong nhà tắm. Ai đó nhìn thấy thế có thể đã nghĩ: "Hay nhỉ, đến thiếu nhi cũng xử sự như người lớn đi tắm ở suối nước nóng".
Dạo ấy, bờ biển còn vắng vẻ đến mức các em cảm thấy như đang ở trên bãi tắm riêng của mình và các em rất thích kiểu tắm suối nước nóng kỳ lạ ở biển như thế này. Sau khi ngâm mình dưới nước lâu như thế, chiều về ai nấy đều thấy những ngón tay của mình nhăn nheo cả lại.
Tối đến, khi đã nằm vào chăn rồi, các em thay nhau kể chuyện ma. Tôt-tô-chan và các em lớp một khác sợ phát khóc lên. Tuy thế, nhưng vẫn hỏi:
- Thế rồi sau thế nào?
Khác hẳn với việc cắm trại trong trường và "cuộc thử thách lòng dũng cảm", ba ngày ở suối nước nóng Toi là một dịp để các em tiếp xúc thực tế cuộc sống. Ví dụ, lần lượt các em đều phải đi chợ mua rau cá và khi có có ai hỏi các em học trường nào, ở đâu đến, các em phải trả lời thật lịch sự lễ phép. Một vài em suýt nữa bị lạc lạc vào rừng. Một vài em khác bơi quá xa không về được đã làm mọi người lo lắng. Một vài em khác nữa giẫm phải mảnh thủy tinh vỡ trên bãi biển chảy cả máu chân. Trong những trường hợp như vậy, ai nấy đều hết sức mình để giúp bạn.
Nhưng nhìn chung rất vui. Có một khu rừng đầy ve sầu và một cửa hàng bán kem que. Các em còn gặp một người đàn ông trên bãi biển đang tự đóng lấy một chiếc thuyền to bằng gỗ, trông đã ra hình một chiếc thuyền. Và sáng sáng, việc đầu tiên là các em chạy ra bãi biển xem ông ấy đã làm thêm được những gì. Ông ấy cho Tốt-tô-chan miếng vỏ bào uốn cong và rất dài.
Hôm các em phải trở về trường, thầy hiệu truởng hỏi:
-Ta chụp một bức ảnh kỷ niệm nhé! Các em nghĩ thế nào?
Chưa bao giờ các em có một tấm ảnh chụp chung và thế là các em thích lắm. Nhưng khi cô giáo vừa lấy được cái máy ảnh sẵn sàng chụp, thì có bạn lại vào nhà vệ sinh, bạn khác đi giày trái chân phải đổi lại. Cuối cùng khi cô giáo nói:"Nào các em đã xong chưa?", vẫn còn một hai em đang nằm dưới đất, mệt vì phải đứng quá lâu trong một tư thế cố định. Chụp một tấm ảnh mất bao nhiêu là thì giờ.
Nhưng tấm ảnh đó, có biển làm nền và mỗi học sinh ở tư thế mình thích, đã trở thành một vật báu vô giá đối với từng em một. Chỉ cần nhìn vào ảnh là các kỷ niệm lại ùn ùn kéo về, nào là chuyến đi tham quan bằng tàu thủy, suối nước nóng, những câu chuyện ma và cậu học sinh kêu "ù, ù" trên tàu. Không bao giờ Tốt-tô-chan quên được ngày nghỉ hè đầu tiên sung sướng ấy.
Đó là những ngày bạn còn có thể bắt được tôm trong cái ao gần nhà các em ở Tô-ky-ô, và xe của bác quét rác còn do một con bò đực to kéo.
Sau kỳ nghỉ hè, học kỳ hai bắt đầu vì ở Nhật năm học bắt đầu vào tháng tư. Ngoài các bạn cùng lớp, Tôt-tô-chan còn làm quen với các bạn trai gái lớn hơn nhờ các cuộc sinh hoạt trong dịp nghỉ hè. Và em càng yêu trường Tô-mô-e Ga-ku-en hơn.
Ngoài việc các lớp học ở đây không giống lớp học ở các trường bình thường khác, trường Tô-mô-e còn giành nhiều thời gian hơn cho việc học âm nhạc. Có tất cả các loại bài học âm nhạc, kể cả một tiết "thể dục nghệ thuật" hàng ngày. Môn thể dục nghệ thuật" là sáng kiến của một giáo sư và nhà soạn nhạc Thụy sỹ tên là Ê-mi-lơ Giăc-cơ Đan-crô-dơ. Người ta biết đến những nghiên cứu của ông vào khoảng năm 1904. Phương pháp của ông được nhanh chóng chấp nhận ở châu Âu, châu Mỹ. Những cơ quan nghiên cứu, đào tạo mọc lên khắp nơi. Dưới đây là câu chuyên về môn thể dục nghệ thuật của Đan-crô-dơ đã đươc đưa vào chương trình học ở trường Tô-mô-e như thế nào.
Trước khi mở trường Tô-mô-e Ga-ku-en, thầy hiệu trưởng Sô-ba-ku Kô-ba-y-a-si, đã sang châu Âu để tìm hiểu trẻ em nước ngoài được giáo dục như thế nào. Ông đi thăm nhiều trường tiểu học và tiếp xúc với nhiều nhà giáo dục. Ở Pari, ông gặp ông Đan-crô-dơ, một nhà soạn nhạc giỏi, đồng thời là một nhà giáo dục. Đan-crô-dơ đã để tâm suy nghĩ nhiều năm về việc dạy trẻ em nghe và cảm thụ âm nhạc bằng tâm hồn chứ không phải chỉ bằng tai; để các em cảm thấy rằng âm nhạc là một cái gì đó sống động chứ không phải buồn bã vô hồn, để khơi dậy tính nhạy cảm của trẻ.
Về sau, trong khi quan sát các em nhảy và đi lại tung tăng, ông nảy ra sáng kiến tạo ra những bài tập nhịp điệu, mà ông gọi là "thể dục nghệ thuật". Ông Kô-ba-y-a-si theo học trường Đan-crô-dơ ở Pari hơn một năm và nghiên cứu thật kỹ lưỡng phương pháp này. Nhiều người Nhật Bản đã chịu ảnh hưởng của Đan-crô-dơ. Nhà soạn nhạc Kô-sac Y-a-ma-đa, người khởi xướng khoa múa hiện đại ở Nhật Bản, Ba-kư I-si-i, nghệ sĩ Ka-bu-ki I-chi-ka-oa Sa-đan-gi II, người tiên phong của nền kịch nói hiện đại Kao-ru Ô-san-nai; diễn viên múa Mi-chi-ô I-tô. Tất cả những người này đều cảm thấy những bài dạy của Đan-crô-dơ là nền tảng của nhiều bộ môn trong nghệ thuật. Nhưng Sô-sa-ku Kô-ba-y-a-si là người đầu tiên áp dụng nó vào nền giáo dục tiểu học ở Nhật Bản.
Nếu bạn hỏi ông "Thể dục nghệ thuật" là gì, ông sẽ trả lời:
- Đấy là một môn thể thao làm cho bộ máy cơ thể hoàn thiện hơn; một môn thể thao dạy cho trí óc điều khiển và chế ngự th.ân thể; một môn thể thao khiến đầu óc và th.ân thể hiểu được nhịp điệu. Rèn luyện thể dục nghệ thuật làm cho nhân cách phát triển hài hòa; có một nhân cách phát triển hài hòa thì đẹp, khỏe, thích hợp và tuân thủ các quy luật của thiên nhiên.
Các buổi học của Tôt-tô-chan đều bắt đầu bằng việc rèn luyện cho th.ân thể hiểu được nhịp điệu. Thầy hiệu trưởng thường đánh pi-a-nô trên sân khấu nhỏ trong phòng họp và các học sinh, dù đứng ở đâu đều bắt đầu đi theo nhịp nhạc. Các em có thể đi theo kiểu nào cũng được miễn là không đươc xô đẩy, do đó các em có xu hướng đi theo đường vòng tròn. Nếu các em thấy nhạc là điệu nhịp hai, các em thường vung tay lên xuống, như một nhạc trưởng, trong khi đi. Còn về chân, các em không giẫm mạnh, nhưng không có nghĩa là đi bắng đầu ngón chân như trong ba-lê. Nguời ta dạy các em đi thật thoải mái, y như thể kéo lê ngón chân vậy. Điêu quan trọng là phải tự nhiên, nên các em có thể đi theo kiểu nào các em cho là hợp nhất. Nếu chuyển sang nhịp ba, các em vung tay theo cho đúng và điều chỉnh bước đi theo nhịpn hoặc đi nhanh hơn hay chậm hơn theo yêu cầu. Các em phải học cách giơ tay lên và hạ tay xuống cho hợp với nhip sau. Nhịp bốn thì khá đơn giản:
- Xuống, xung quanh, ra hai bên và lên. Nhưng khi là nhịp năm thì:
- Xuống, xung quanh, ra phía trước, ra hai bên và lên.
Trong khi đó, đối với nhịp sáu, cánh tay:
- Xuống, xung quanh, ra phía trước, lại xung quanh, sang hai bên và lên.
Do đón khi đổi nhịp là khá khó.
Điều còn khó hơn nữa là khi thầy hiệu trưởng nói to:
- Dù tôi có đổi nhịp trên đàn pi-a-nô, các em hãy đợi khi nào tôi bảo đổi hãy đổi.
Giả thử các em đang đi theo nhịp hai và nhạc chuyển sang nhịp ba, các em phải tiếp tục đi theo nhịp hai trong khi nghe nhịp ba.
Như vậy là rất khó, nhưng thầy hiệu trưởng nói là để rèn luyện khả năng tập trung của các em.
Cuối cùng ông nói to:
- Bây giờ các em có thể chuyển được!
Thật là nhẹ nhõm cả người, các em chuyển ngay sang nhịp ba. Nhưng làm được vậy các em phải phản ứng hết sức nhanh. Trong thời gian cần thiết để ý thức kịp bỏ nhịp hai và điều khiển các cơ bắp cho phù hợp với nhịp ba thì nhạc có thể bất thình lình chuyển sang nhịp năm. Lúc đầu, chân tay các em khua lung tung và thường thấy có tiếng đề nghị: " Thầy ơi! Đợi chúng em với!" nhưng dần dà, do tập luyện, các động tác đó trở nên vui, thậm chí các em còn cải biên và rất thích thú.
Thường thường, mỗi em chuyển động chân tay một cách riêng rẽ, nhưng thỉnh thoảng có từng cặp cùng phối hợp động tác, cầm tay nhau khi là nhịp hai, hoặc khi các em thường tập bước đi nhưng nhắm mắt. Điều cấm kỵ duy nhất là không được nói chuyện.
Thỉnh thoảng khi có cuộc họp của Hội cha mẹ học sinh và giáo viên, các bà mẹ thuờng ghé nhìn qua cửa sổ. Theo dõi từng em một, lúc giơ chân tay một cách nhẹ nhàng thoải mái, lúc nhảy qua lại một cách hớn hở, khớp với nhịp điệu của bài nhạc, ai cũng thấy vui vui.
Do đó, mục đích của môn thể dục nghệ thuật trước hết là để rèn luyện trí óc và cơ thể có ý thức về nhịp điệu, nhờ đó đạt đến sự hài hòa giữa trí óc và cơ thể, và cuối cùng khơi dậy trí tưởng tượng, đẩy mạnh tính sáng tạo.
Hôm Tôt-tô-chan đến trường lần đầu tiên, Tôt-tô-chan nhìn thấy tên trường trên cổng và hỏi mẹ:
- Mẹ ơi, Tô-mô-e nghĩa là gì hả mẹ?
"Tô-mô-e" là một ký hiệu có hình dấu phẩy và thầy hiệu trưởng đã chọn cho trường mình cái biểu tượng truyền thống gồm hai "Tô-mô-e"- một đen một trắng kết vào nhau thành một vòng tròn hoàn hảo. Điều này tượng trưng cho mục đích của ông đối với trẻ em: cơ thể và trí tuệ cùng phát triển tuyệt đối hài hòa.
Thầy hiệu trưởng đã đưa môn thể dục nghệ thuật vào chương trình ở trường vì ông cảm thấy nhất định môn này sẽ mang lai kết quả tốt và giúp cho nhân cách của các em phát triển một cách tự nhiên, không chịu ảnh hưởng quá nhiều của người lớn.
Thầy hiệu trưởng phàn nàn về nền giáo dục đương thời quá nhấn mạnh vào chữ viết, như vậy sẽ làm teo sự cảm nhận thiên nhiên qua giác quan và sáng tạo bản năng của trẻ đối vói tiếng nói hãy còn non nớt của Chúa, đó là cảm hứng.
Chính nhà thơ Ba-sô đã viết:
Hãy nghe! Một con ếch
nhảy vào sự yên tĩnh
của một mặt hồ cổ
Ấy vậy mà đẫ có biết bao nhiêu người, hẳn đã phải thấy hiện tượng một con ếch nhảy vào mặt hồ. Trải qua bao nhiêu thời đại, trên khắp thế giới, Oát và Niu-tơn không thể là những người duy nhất để ý đến hơi nước thoát ra từ một ấm nước đang sôi và nhận xét một quả táo rơi.
Có mắt, nhưng không nhìn thấy vẻ đẹp; có tai, nhưng không nghe được âm nhạc; có óc, nhưng không nhận ra chân ký; có trái tim, nhưng không bao giờ rung đông, và do đó không bao giờ rực cháy. Thầy hiệu trưởng nói đó là những điều đáng sợ.
Còn Tôt-tô-chan, trong khi chạy nhảy chân không, như I-sa-đo-ra Đun-can, em vô cùng sung sướng và hầu như không ngờ rằng đấy lại là một phần của sinh hoạt nhà trường!
Đây là lần đầu tiên Tôt-tô-chan đến xem một hội chợ ở đền. Giữa hồ Sen-dô-ku, gần trường học của em, có một hòn đảo nhỏ với miếu thờ Ben-ten, nữ thần sắc đẹp và âm nhạc. Vào đêm hội chợ hàng năm, khi em cùng bố và mẹ đi dọc theo con đường ánh sáng chiếu mờ mờ, em bỗng thấy ánh đèn sáng rực lên khi đến khu hội chợ. Tôt-tô-chan ghé đầu nhìn vào từng gian hàng nhỏ. Chỗ nào cũng có những âm thanh kỳ lạ - chíp chíp, xèo xèo, bốp bốp - và các mùi thơm phức. Cái gì cũng mới, cũng lạ.
Có những cái tẩu đồ chơi, khi hút có mùi vị bạc hà. Đồ chơi có trang trí vẽ chó, mèo... Có cả kẹo que và kẹo bông. Có cả súng phốc, đó là những ống tre, bạn dùng que đẩy những mẩu "đạn" nhỏ tạo thành những tiếng nổ giòn.
Một người đàn ông bên lề đường đang nuốt kiếm và ăn thủy tinh, lại có một người đàn ông khác bán một loại bột bôi lên vành bát thì nó phát ra tiếng kêu. Có những chiếc nhẫn vàng kỳ diệu làm cho tiền biến mất, những bức tranh hiện ra khi để dưới ánh nắng, những hoa giấy nở ra khi để vào một cốc nước. Tôt-tô-chan vừa đi vừa nhìn hết bên này lại bên kia, bỗng em dừng lại:
- Ồ, bố mẹ nhìn kìa, - em reo lên khi thấy một gian hàng đầy gà con vàng óng đang kêu chiêm chiếp, - con muốn có một con gà con; bố mẹ mua cho con một con gà đi, - rồi em kéo bố mẹ qua đó.
Những con gà con đều quay cả về phía Tôt-tô-chan và ngẩng cái đầu xinh xinh lên nhìn em, ngoáy ngoáy cái đuôi bé tí tẹo và chiêm chiếp to hơn.
"Xinh quá!" Tôt-tô-chan nghĩ, chưa bao giờ em thấy một cái gì hấp dẫn như thế, và em ngồi xuống bên cạnh đàn gà con:
- Bố mẹ mua cho con đi, - em ngẩng nhìn lên bố mẹ và nói khẩn khoản. Vậy mà lạ chưa, bố mẹ em cứ kéo em đi. - Nhưng bố mẹ hứa mua cho con một thứ gì cơ mà! Và đây là thứ con thích nhất!
Mẹ thản nhiên nói:
- Thôi, con ạ. Gà con này thì chết ngay đấy mà!
- Tại sao, hở mẹ? - Tôt-tô-chan hỏi và bắt đầu khóc.
Bố kéo em ra xa để người bán hàng không nghe thấy và giải thích:
- Con ạ, trông chúng nó đẹp thế thôi nhưng yếu lắm và chúng không sống lâu được đâu. Nó chết rồi con lại khóc. Bố mẹ không muốn mua cho con là vì thế!
Nhưng Tôt-tô-chan cứ khăng khăng muốn có một con gà con, nên nhất định không nghe:
- Con sẽ không để nó chết! Con sẽ chăm sóc nó!
Bố mẹ vẫn kéo Tôt-tô-chan đi khỏi gian hàng, nhưng em cứ nhìn một cách thèm muốn những con gà con, và chúng cũng nhìn em một cách luyến tiếc, và lại càng chiếp chiếp to hơn. Tôt-tô-chan đã quyết định rằng điều mơ ước duy nhất của em là một con gà con. Em lại năn nỉ bố mẹ:
- Bố mẹ ơi, mua cho con một con nào!
Nhưng mẹ và bố rất kiên quyết:
- Bố mẹ không muốn con có một con vì thế nào nó cũng làm cho con khóc.
Tôt-tô-chan òa lên khóc và bắt đầu đi về nhà, hai dòng nước mắt chảy tràn trên hai má. Khi trở về đến con đường tối, em thổn thức:
- Con chưa bao giờ thích cái gì đến mức như thế. Từ nay con sẽ không bao giờ hỏi xin bố mẹ một cái gì nữa. Bố mẹ mua cho con một con gà đi!
Cuối cùng, mẹ và bố phải mua cho em hai con.
Thật cứ như trời bừng nắng ấm sau cơn mưa vậy. Tôt-tô-chan tươi cười hớn hở khi em đi về nhà với một cái hộp con đựng hai con gà con.
Ngày hôm sau, mẹ thuê mọt người thợ mộc đóng một cái chuồng đặc biệt bằng các thanh gỗ và có lắp bóng điện để giữ cho gà được ấm. Tôt-tô-chan suốt ngày ngắm gà, những con gà con vàng óng trông thật là xinh. Nhưng than ôi! Đến hôm thứ tư, một con không cử động nữa và đến hôm thứ năm, con kia cũng chết nốt. Em vuốt vuốt và gọi chúng nhưng chúng không còn kêu chiếp chiếp được nữa. Em chờ, chờ mãi, mà không bao giờ chúng còn mở mắt ra. Thật đúng như bố mẹ đã nói. Vừa khóc lặng lẽ, em vừa đào một cái hố ở trong vườn chôn hai con gà con. Và em để một bông hoa nhỏ lên chỗ đó. Cái chuồng bây giờ sao trông to và rỗng đến thế. Thoáng nhìn thấy một cái lông gà nhỏ tí, vàng óng trong góc chuồng, em lại nhớ đến tiếng kêu chiêm chiếp nho nhỏ của chúng khi chúng nhìn em ở hội chợ, và em lại cắn răng khóc thầm.
Chưa bao giờ em thấy thích một điều gì đến mức như thế trong đời và nó đã mất đi nhanh quá. Đấy là lần đầu tiên em cảm thấy mất mát và ly biệt.
Thầy hiệu trưởng thường đề nghị các bậc cha mẹ cho con em mặc quần áo xoàng xĩnh nhất khi đến trường Tô-mô-e. Ông muốn các em mặc quần áo xoàng xĩnh nhất để khi có bẩn, có rách cũng không sao. Ông cho rằng, trẻ em không dám chơi đùa vì sợ bẩn hoặc rách rách quần áo rồi bị mắng, thì thật đáng hổ thẹn. Có những trường tiểu học gần Tô-mô-e, học sinh nữ mặc đồng phục lính thủy, học sinh nam mặc áo vét cao cổ và quần soóc. Các học sinh Tô-mô-e đi học mặc quần áo thường và các em được phép của các thầy cô giáo chơi đùa thả cửa, không cần chú ý gì đến quần áo của mình. Thời đó, quần không được bền như quần bò bây giờ, do đó cậu nào cũng mặc quần vá và các học sinh nữ mặc váy hay áo liền váy làm bằng loại vải bền nhất.
Những lúc rỗi, Tôt-tô-chan thích chui dưới hàng rào vườn và các mảnh đất bỏ không của những người khác, nên không phải bận tâm đến quần áo là rất hợp với em. Thời ấy có rất nhiều hàng rào dây thép gai, lắm khi sát đến tận mặt đất. Để chui dưới một hàng rào như vậy, bạn phải đào đào bới bới như một con chó. Dù cẩn thận đến mấy, quần áo của em bao giờ cũng mắc vào dây thép gai và rách. Một lần, em mặc cái áo váy bằng vải mút-xơ-lin đã cũ, xơ cả ra, cả cái áo bị rách toạc từ trên xuống dưới. Mặc dù áo đã cũ, em biết, mẹ rất quý cái áo đó. Vì thế, em phải vắt óc nghĩ xem nên nói như thế nào. Em không đủ can đảm nói với mẹ là áo rách vì vướng dây thép gai. Em nghĩ tốt hơn hết là bịa ra một câu chuyện không thể nào tránh làm rách áo được. Cuối cùng em nghĩ được câu chuyện thế này:
- Khi con đang đi trên đường, - em nói dối khi về đến nhà,- nhiều trẻ con lạ đến ném những con dao vào lưng con. Vì thế áo của con rách ra như vậy.
Nhưng trong khi nói, em tự nghĩ cách trả lời các câu hỏi thêm của mẹ. Cũng may, mẹ chi nói :
- Thật ghê gớm quá nhỉ.
Tôt-tô-chan thở phào nhẹ nhõm. rõ ràng mẹ thấy rằng trong hoàn cảnh như vậy, em khó giữ được toàn vẹn bộ áo váy mà mẹ ưa thích.
Lẽ dĩ nhiên, mẹ không tin câu chuyện em kể. Nếu dao ném vào lưng, thì không những áo bị rách mà em cũng phải bi thương. Vậy mà em lại hình như không sợ một chút nào. Mẹ biết ngay đây là câu chuyện bịa. Tuy nhiên, việc bịa một cớ như vậy không phải là điều Tôt-tô-chan quen làm. Mẹ nhận thấy em đã phải rất khổ tâm về cái áo và điều đó khiến bà bằng lòng. Nhưng có một điều bấy lâu nay mẹ vẫn muốn biết, và đây là một dịp tốt. Mẹ nói:
- Mẹ có thể hiểu được, áo con bị dao làm rách, nhưng tại sao mà ngày nào quần con cũng bị rách?
Mẹ không thể hiểu nổi cái quần có viền đăng-ten của Tôt-tô-chan hôm nào cũng bị rách đít. Bà có thể hiểu quần bị lấm bùn, mòn đũng, nhưng làm sao hiểu được quần nào cũng rách bươm ra như thế.
Tôt-tô-chan nghĩ một lúc rồi nói:
- Mẹ biết đấy, khi bới dưới hàng rào, khó mà giữ cho váy không mắc vào đấy và khi chui qua chui lại khó mà giữ đươc quần khỏi móc. Vả lại, còn phải làm trò: "Xin lỗi, cho phép tôi vào chứ" và "Thôi, xin chào tạm biệt" từ đầu hàng rào này sang đầu kia, cho nên quần áo rách là phải.
Mẹ thật sự không hiểu nhưng nghe rất vui. Mẹ hỏi:
- Có vui không?
Ngạc nhiên về câu hỏi của mẹ, Tôt-tô-chan nói:
- Sao mẹ không thử xem. Rất vui, và thế nào quần áo của mẹ cũng rách!
Trò chơi Tôt-tô-chan rất thích và thấy rất lý thú diễn ra như thế này:
Trước hết, bạn phải tìm một khoảng đất trống rộng, xung quanh có hàng rào dây thép gai. Trò "Xin lỗi, cho phép tôi vào chứ" đòi hỏi bạn phải nhấc chỗ dây thép có gai, đào một cái hố, chui xuống dưới, rồi lại đào một cái hố nữa, lần này bạn lùi ra và nói: "Thôi xin chào tạm biệt". Như thế, mẹ thấy rất rõ là váy Tôt-tô-chan được xắn lên khi em lùi ra, do đó quần mắc vào dây thép gai. Việc làm này cứ phải làm đi làm lại nhiều lần - đào đào, bới bới, dưới dây thép gai với trò: "Xin lỗi, tôi vào được chứ?", rồi lùi ra qua một cái hố mới với trò: "Thôi xin chào tạm biệt" và cứ mỗi lần như thế, quần áo, váy xống lại bị rách. Tôt-tô-chan đi đi lại lại ngoằn ngoèo chữ chi rất tài tình, đào đào bới bới dưới rào dây thép gai từ đầu nọ đến đầu kia. Thảo nào, quần của em rách hết cả.
Một trò chơi như vậy, chỉ làm cho người lớn mệt và chẳng có gì là lý thú cả, lại lý thú đến thế đối với trẻ em, thật là kỳ lạ! Nhìn Tôt-tô-chan, tóc, tai, móng tay đầy đất cát, mẹ không thể không cảm thấy muốn đuợc như thế. Và cũng không thể không thán phục thầy hiệu trưởng. Việc ông đề nghị để các em mặc quần áo mà các em tha hồ làm bẩn là một ví dụ nữa chứng tỏ ông hiểu các em như thế nào.
Một buổi sáng, khi các em đang chạy trong sân trường, thầy hiệu trưởng bảo:
- Này, các em, đây là một bạn mới của các em. Tên bạn là Ta-ka-ha-si. Em sẽ học ở toa tàu lớp một.
Các học sinh, kể cả Tôt-tô-chan, đều nhìn Ta-ka-ha-si. Cậu ta ngả mũ cúi chào và nói một cách thẹn thùng:
- Xin chào các bạn.
Tôt-tô-chan và các bạn của em còn thấp bé, vì mới chỉ học lớp một, nhưng Ta-ka-ha-si là con trai, mà lại còn thấp bé hơn, chân tay bạn đều ngắn cũn. Tay cậu ta cầm mũ, cũng rất nhỏ, nhưng đựơc cái, cậu ta có đôi vai rộng. Cậu ta đứng trông thật đáng thương.
Tôt-tô-chan nói với Mi-y-ô-chan và Sac-kô-chan:
- Chúng ta ra nói chuyện với cậu ấy đi.
Các em đi ra chỗ Ta-ka-ha-si. Khi các em lại gần, cậu ta cười rất niềm nở và các em cũng cười. Cậu ta có đôi mắt to, tròn và hình như muốn nói điều gì. Tôt-tô-chan gợi ý:
- Bạn có muốn xem lớp học ở trong tàu không?
- Ừ, Ta-ka-ha-si trả lời rồi đội mũ lên đầu. Tôt-tô-chan vội vàng chỉ cho bạn lớp học và vừa nhảy lên tàu vừa gọi cậu ta ở cửa:
- Nhanh lên.
Ta-ka-ha-si đi trông có vẻ nhanh, nhưng vẫn bị bỏ rơi một đoạn xa.
- Mình đến đây,- cậu ta nói trong khi tập tễnh đi về phiá trước, cố chạy.
Tôt-tô-chan nhận ra rằng Ta-ka-ha-si không kéo lê chân vì bị bại liệt như Y-a-su-a-ki-chan nhưng cậu ta cũng phải mất ngần ấy thời giờ mới đi đến chỗ tàu. Em lặng lẽ đứng đợi bạn. Ta-ka-ha-si đang cố chạy rất vội. Chân cậu ta ngắn, lại vòng kiềng. Các thầy giáo và người lớn đều biết là cậu không thể lớn được hơn nữa. Khi biết Tôt-tô-chan đang nhìn mình, cậu ta gắng chạy nhanh hơn, vung cả hai tay. Khi đến cửa, cậu nói:
- Bạn chạy nhanh thật,- rồi tiếp-, Mình người ở Ô-sa-ka.
- Bạn ở Ô-sa-ka à?
Tôt-tô-chan reo lên thích thú. Ô-sa-ka là thành phố em hằng mơ ước nhưng chưa được nhìn thấy bao giờ. Em ruột mẹ, cậu của em, là sinh viên đại học và mỗi khi về nhà, cậu thường đưa hai tay ôm đầu em nhấc bổng lên thật cao và nói: " Cậu sẽ giúp cho cháu nhìn thấy Ô-sa-ka. Nào đã thấy Ô-sa-ka chưa?"
Đấy chỉ là một trò chơi mà người lớn thường đùa với trẻ con, nhưng Tôt-tô-chan rất tin cậu. Mỗi lần được cậu nhấc lên như vậy, da mặt em căng ra, mắt trông lạ hẳn đi và tai rất đau nhưng em vẫn cố ngước nhìn về tận phía xa để xem có thấy Ô-sa-ka không. Nhưng chẳng trông thấy gì cả. Tuy vậy, em luôn tin tưởng rằng một ngày nào đó, em sẽ nhìn thấy thành phố ấy. Vì thế mỗi lần cậu đến, em thường nhắc: " Cậu giúp cháu nhìn thấy Ô-sa-ka đi". Thế là Ô-sa-ka đã trở thành thành phố của ước mơ. Và Ta-ka-ha-si là người của thành phố ấy!
Em nói với Ta-ka-ha-si:
- Bạn kể cho tôi nghe về Ô-sa-ka đi!
- Về Ô-sa-ka hả?- Ta-ka-ha-si hỏi lại, mỉm cười sung sướng. Giọng nói của cậu ta rõ ràng và chín chắn. Đúng lúc đó chuông reo vào tiết một.
- Tiếc quá!- Tôt-tô-chan nói.
Ta-ka-ha-si đi vào lớp vui vẻ, đu đưa cái thân hình nhỏ bé hầu như bị cái cặp che mất và ngồi vào bàn đầu. Tôt-tô-chan vội vàng ngồi xuống cạnh cậu ta. Em thích nhất là có thể ngồi đâu cũng được. Em không muốn xa cậu ta. Thế là Ta-ka-ha-si trở thành một người bạn của em.
Một hôm, trên đường từ trường về, sắp đến nhà, Tôt-tô-chan phát hiện thấy một đống cát to rất hấp dẫn bên lề đường. Xa biển thế này mà lại có cát mới kỳ lạ chứ. Hay là em mơ chăng? Tôt-tô-chan thích thú lắm! Sau khi nhảy nhảy mấy cái để lấy đà, em chạy thật nhanh và nhảy vọt lên đỉnh đống cát. Nhưng hóa ra không phải cát! Bên trong là một đống vữa màu xám đã trộn sẵn. Em nhảy vào đó đánh "ũm" một cái, cả người em đã lún ngập trong vữa đến tận ngực, cả cặp, cả túi giày đều dính nhớp nháp những vữa là vữa và em đứng sững như một pho tượng. Càng cố gắng thoát ra em càng bị lún sâu xuống. Giày hình như tuột hết cả và em phải cẩn thận để khỏi bị lún ngập thêm trong vữa. Em đành phải đứng im như vậy, tay trái mắc kẹt trong đống vữa nhớp nháp để nắm chặt cái túi giày. Một, hai người đàn bà không quen biết đi ngang qua, em khẽ gọi họ:
- ... Bà ơi...
Nhưng tưởng em đang chơi nghịch nên họ chỉ mỉm cười và tiếp tục đi.
Chiều xuống và đêm tối. Mẹ chạy đi tìm em và rất ngạc nhiên thấy đầu Tôt-tô-chan đang nhô lên bên trên đống vữa. Bà tìm một cái gậy, bảo Tôt-tô-chan cầm một đầu rồi kéo em ra. Thoạt tiên bà dùng tay để kéo, nhưng chân bà cứ bị dính chặt trong vữa không làm sao kéo được.
Khắp người Tôt-tô-chan toàn vữa là vữa, y hệt một bức tượng. Mẹ nói:
- Mẹ nhớ là đã bảo con một lần trước đây rồi. Khi trông thấy cái gì ngồ ngộ, hay hay, chớ có nhảy vào ngay. Trước khi nhảy phải nhìn cái đã!
Mẹ nói "lần trước đây" là có ý nhắc lại chuyện đã xảy ra vào một bữa ăn cơm trưa ở trường. Hôm ấy Tôt-tô-chan đang đi chơi dọc con đường nhỏ sau phòng học, em thấy có một tờ giấy báo ở giữa đường. Em nghĩ thử nhảy vào giữa tờ giấy được không, thế là, em lùi lùi lại vài bước, nhảy nhảy để lấy đà và rồi mở hết tốc lực chạy, nhằm đúng giữa tờ giấy mà nhảy. Nhưng đấy chính là tờ giấy báo mà người bảo vệ dùng để đậy tạm miệng cái hố phân đã nói ở phần trên. Anh đã đi làm một việc gì ở đâu đó nên đã đậy miếng giấy báo cho đỡ hôi vì cái nắp bê tông phải mang đi chữa. Tôt-tô-chan ngã đúng vào hố phân đánh "bụp" một cái. Thật là kinh khủng. Nhưng cũng may, người ta lại tắm rửa cho em thật sạch sẽ. Mẹ nói lần trước đây chính là lần ấy!
Tôt-tô-chan lặng lẽ nói:
- Từ nay, con sẽ không nhảy vào bất cứ một thứ gì nữa!
Mẹ thấy nhẹ nhõm cả người. Nhưng câu Tôt-tô-chan nói tiếp liền sau đó lại làm mẹ nghĩ rằng mẹ mừng hơi sớm:
- Con sẽ không bao giờ nhảy vào một tờ giấy hay một đống cát nữa.
Như thế có nghĩa là Tôt-tô-chan có thể lại nhảy vào một cái gì khác.
Ngày ngắn dần và đến khi hai mẹ con về đến nhà thì trời đã tối hẳn.
Giờ ăn trưa ở Tô-mô-e bao giờ cũng rất vui và gần đây lại có thêm một điều lý thú.
Thầy hiệu trưởng vẫn kiểm tra hộp cơm của tất cả năm mươi học sinh để xem các em có thức ăn của biển và thức ăn của đất không, bà vợ của ông luôn mang theo sẵn hai cái xoong để cho thêm các em nào còn thiếu - sau đó, tất cả các em thường hát: "Nhai, nhai, nhai cho kỹ", theo sau là điệp khúc: "Tôi cùng chia sẻ một cách biết ơn". Nhưng từ nay trở đi sau điệp khúc: " Tôi cùng chia sẻ một cách biết ơn", thì phải có một ai đó đứng lên kể chuyện.
Một hôm, thầy hiệu trưởng bảo:
- Thầy nghĩ tất cả chúng ta nên học nói cho tốt hơn. Các em nghĩ thế nào? Từ nay, trong khi chúng ta ăn cơm trưa, một em sẽ đứng giữa vòng tròn và kể một câu chuyện gì đấy. Ý kiến các em thế nào?
Một vài em cho rằng mình nói không giỏi, nhưng được nghe người khác kể chuyện thì là điều thú vị. Một vài em khác nghĩ rằng tuyệt hơn cả là kể cho mọi người những điều mình biết. Tôt-tô-chan chưa hiểu em sẽ nói gì nhưng em sẵn sàng thử tài. Hầu hết học sinh đều đồng ý với thầy hiệu trưởng và quyết định bắt đầu các cuộc kể chuyện vào ngày hôm sau.
Thường thường người ta giáo dục trẻ em Nhật Bản không nói chuyện khi ăn cơm. Nhưng theo kinh nghiệm tiếp thu được ở nước ngoài, thầy hiệu trưởng thường động viên các em tranh thủ nói chuyện trong bữa cơm.
Ngoài ra, ông nghĩ cần phải tập cho các em quen đứng lên phát biểu ý kiến trước mặt mọi người một cách rõ ràng, thoải mái, không lúng túng, do đó ông cho là đã đến lúc cần thực hiện thuyết này.
Được các em đồng tình, thầy hiệu trưởng liền nói, và Tôt-tô-chan nghe rất chăm chú:
- Các em không nên quá lo lắng về chuyện mình kể phải thật hay, các em có thể nói về bất cứ điều gì mà các em thích, cả về những điều mà các em muốn làm. Bất cứ điều gì! Dù sao thì chúng ta hãy cứ thử xem!
Danh sách những người kể chuyện đã được sắp xếp lên lịch. Và mọi người ai đến phiên kể chuyện thì hôm đó sau khi hát phải ăn cơm nhanh.
Các em nhận ngay ra rằng: không giống như khi nói với hai, ba bạn trong giờ ăn cơm, đứng lên nói trước toàn trường thì khó và cần phải can đảm. Nhiều em lúc đầu thẹn quá cứ cười rúc rích. Một bạn trai rất cố gắng chuẩn bị câu chuyện, nhưng lúc đứng lên thì lại quên sạch. Cậu ta cứ nhắc đi nhắc lại mãi cái đầu đề nghe rất hay:
- Tại sao ếch lại nhảy ngang, - sau đó nói luôn: - Khi trời mưa, - nhưng đến đó thì không nói thêm được tí nào nữa. Cuối cùng, cậu ta đành bảo - Thế là hết, - rồi cúi chào và đi về chỗ.
Vẫn chưa đến lượt Tôt-tô-chan, nhưng em định bụng rằng đến lượt mình em sẽ kể chuyện em thích nhất "hoàng tử và công chúa". Ai cũng biết ch.uyện ấy cả rồi, và mỗi lần em muốn kể lại nó trong giờ nghỉ, các bạn đều nói: "Bọn tớ chán chuyện đó lắm rồi". Mặc dù vậy, em vẫn quyết định làm theo đúng ý mình.
Việc kể chuyện bắt đầu đi vào nền nếp, thì một hôm, một em trong lớp đến phiên mình kể chuyện kiên quyết từ chối. Cậu ta tuyên bố:
- Tôi chẳng có chuyện gì để kể cả.
Tôt-tô-chan ngạc nhiên nghĩ rằng tại sao lại không có chuyện gì để kể nhỉ. Nhưng cậu này đúng là không có chuyện gì để kể thật. Thầy hiệu trưởng đi đến bàn cậu ta, trên mặt bàn có hộp cơm đã ăn hết.
- Thế em không có gì để nói cả à? - Ông hỏi.
- Dạ không.
Cậu ta không cố làm ra vẻ thông minh, hay đại loại như vậy. Đúng là cậu ta không nghĩ được chuyện gì để kể thật rồi!
Thầy hiệu trưởng bỗng ngửa đầu ra đằng sau mà cười, không chú ý gì đến những chỗ răng khuyết của mình.
- Nào chúng ta hãy gắng tìm cho bạn ấy một điều gì để kể đi!
- Tìm một điều gì cho em à? - cậu bé ra vẻ rất sửng sốt.
Thầy hiệu trưởng bảo cậu ta cứ đứng ra giữa vòng tròn còn thầy thì ngồi vào bàn của cậu. Thầy hỏi:
- Em hãy cố nhớ xem. Sáng nay em làm gì sau khi ngủ dậy và trước khi đi học, em đã làm việc gì đầu tiên?
- À, à - cậu bé ấp úng nói và giơ tay gãi đầu.
- Hay lắm, - thầy hiệu trưởng nói - em vừa nói "à, à". Sau khi "à, à", em làm gì?
- Ờ, ờ, ừ... em dậy, - cậu ta lại vừa nói vừa gãi đầu.
Tôt-tô-chan và các bạn khác thích lắm, chăm chú nghe. Cậu ta tiếp tục:
- Rồi thì, ừ, ờ... - cậu ta lại gãi đầu. Thầy hiệu trưởng ngồi kiên nhẫn, nhìn cậu ta, vẫn mỉm cười, hai bàn tay để trên bàn vẫn đan vào nhau. Rồi ông nói:
- Thật là tuyệt. Thế được rồi. Em đã dậy. Em đã làm được mọi người cười mới là người nói giỏi. Điều quan trọng là em nói em không có gì để kể và em đã tìm được một điều gì đó để kể rồi!
Nhưng cậu ta không ngồi xuống. Cậu ta nói rất to:
- Và rồi... ừ... ừ...
Tất cả cùng chồm người ra phía trước để đợi nghe cậu ta nói tiếp. Cậu bé hít một hơi dài nói:
- Và rồi... ờ... ờ, mẹ em, ờ... ờ... bảo "đi đánh răng đi" ờ.. ờ... và em đi đánh răng...
Thầy hiệu trưởng vỗ tay. Mọi người khác đều vỗ tay. Ngay khi ấy cậu bé lại nói tiếp, giọng to hơn trước:
- Và rồi... ờ... ờ...
Các học sinh thôi không vỗ tay nữa, nín thở nghe, chồm người ra phía trước.
Cuối cùng, cậu ta nói một cách đắc thắng:
- Và rồi... ờ... ờ... em đi học...
Một cậu học sinh lớn tuổi chồm quá đà, mất thăng bằng, đập cả mặt mình vào hộp cơm. Nhưng mọi người đều rất vui vì cậu học sinh kia đã tìm thấy một điều gì đó để kể.
Thầy hiệu trưởng vỗ tay thật to, Tôt-tô-chan và các em khác cũng làm như vậy. Thậm chí cái cậu " và rồi, ờ, ờ..." đang đứng giữa, cũng vỗ tay. Cả phòng vang lên tiếng vỗ tay.
Thậm chí sau này khi đã là người lớn, chắc chắn cậu ta không bao giờ quên được tiếng vỗ tay ấy.
Tôt-tô-chan gặp một chuyện không may, khủng khiếp. Việc xảy ra sau khi em ở trường về, lúc em và con chó Rốc-ky đang cùng chơi trò "chó sói" trong phòng em, trước giờ ăn cơm tối.
Cả hai đã cùng lăn gần nhau từ hai phía đối diện của phòng, và khi chạm nhau thì vật lộn đánh đấm nhau một tẹo rồi thôi. Cả hai đã chơi trò này nhiều lần rồi, và bây giờ quyết định chơi một trò khác hơi phức tạp hơn - và Tôt-tô-chan, đương nhiên là người quyết định. Cái mới bây giờ là khi gặp nhau ở giữa phòng sau khi lăn lại gần nhau, ai chiếu tướng với bộ mặt chó sói dữ hơn thì người ấy thắng cuộc. Rốc-ky là chó chăn cừu Đức, nên đối với nó làm điệu bộ chó sói thật không khó gì. Nó chỉ cần vểnh tai, há mõm và nhe răng là xong. Nó cũng có thể làm cho mắt long lên sòng sọc, dữ tợn ghê gớm. Đối với Tôt-tô-chan thì hơi khó hơn. Em thường đặt hai tay lên hai bên đầu giả làm tai, há mồm và trợn mắt thật to, lại gầm gừ và giả vờ cắn con Rốc-ky. Lúc đầu, con Rốc-ky chơi rất vui. Nhưng nó là con chó con, nó quên mất đấy là đùa nên bất thình lình cắn Tôt-tô-chan thật sự.
Mặc dù là chó con, nhưng nó cũng lớn gần gấp hai Tôt-tô-chan, răng nó nhọn và sắc, nên trước khi hiểu ra được thì tai phải em đã rách toạc và máu túa ra.
Nghe tiếng kêu của em, mẹ chạy vội từ bếp lên và thấy em ở trong góc phòng với Rốc-ky, hai tay ôm lấy tai phải, áo váy lấm tấm máu. Đang kéo vi-ô-lông trong phòng khách, bố cũng chạy vào. Hình như con Rốc-ky đã nhận ra là nó đã phạm một điều khủng khiếp. Đuôi nó cụp giữa hai chân và nhìn Tôt-tô-chan một cách buồn rầu.
Tôt-tô-chan chỉ nghĩ là mình sẽ phải làm gì nếu bố mẹ bực mình với Rốc-ky rồi đem vứt nó đi hoặc cho ai. Đấy là điều buồn nhất, khổ nhất đối với em. Em nằm phục bên cạnh Rốc-ky, ôm tai và vừa khóc vừa van xin:
- Đừng mắng con Rốc-ky! Đừng mắng con Rốc-ky!
Bố mẹ vội vàng xem tai em có việc gì không và cố kéo hai tay em ra. Tôt-tô-chan nhất định không rời tay và gào lên:
- Con không đau. Đừng giận con Rốc-ky! Đừng giận con Rốc-ky!
Thật thà mà nói, lúc ấy Tôt-tô-chan không cảm thấy đau. Em chỉ nghĩ đến con Rốc-ky mà thôi.
Máu cứ rỉ xuống và cuối cùng bố, mẹ hiểu rằng con Rốc-ky hẳn đã cắn Tôt-tô-chan. Nhưng mẹ cam đoan với em rằng họ sẽ không bực mình với con chó. Và cuối cùng, em bỏ tay ra. Khi trông thấy tai em rách toạc, mẹ kêu thét lên. Bố vội vàng bế em tới phòng khám của bác sĩ, mẹ chạy dẫn đường. May thay, vết thương được điều trị kịp thời và bác sĩ có thể làm tai em liền lại như trước, khiến bố mẹ em thấy nhẹ nhõm cả người. Nhưng điều duy nhất Tôt-tô-chan quan tâm là không hiểu bố mẹ có giữ lời hứa không, có mắng con Rốc-ky không.
Tôt-tô-chan về nhà, băng bó từ đầu đến tận cằm, trông như một con thỏ trắng vậy. Mặc dù đã hứa không mắng con Rốc-ky, nhưng bố vẫn muốn phạt con chó bằng một cách nào đấy. Nhưng mẹ đã nhìn ông với vẻ như muốn nói: "Xin anh hãy giữ lời hứa" và bố đã miễn cưỡng giữ lời hứa.
Tôt-tô-chan chạy vào nhà, nóng lòng muốn báo cho Rốc-ky biết là em không sao cả và sẽ không ai còn cáu giận nữa, nhưng em không thấy Rốc-ky đâu. Lần đầu tiên em khóc. Em đã không khóc tại phòng khám bệnh của bác sĩ. Em sợ rằng nếu khóc sẽ làm bố mẹ càng bực với con chó. Nhưng bây giờ thì không gì có thể ngăn nước mắt của em. Em vừa khóc vừa gọi:
- Rốc-ky! Rốc-ky! Rốc-ky đâu?
Sau khi gọi thêm nhiều lần nữa, khuôn mặt đầy nước mắt của em bỗng tười cười khi một cái lưng màu nâu quen thuộc từ từ nhô lên từ phía sau cái ghế xô pha. Tiến lại gần Tôt-tô-chan, nó nhẹ nhàng liếm bên tai đã được khâu lành, thấy lờ mờ sau những lớp băng.
Tôt-tô-chan ôm lấy cổ con Rốc-ky và hít hít tai nó. Bố mẹ thường nói tai con chó hôi lắm, nhưng sao em lại thích cái mùi quen thuộc ấy đến thế.
Rốc-ky và Tôt-tô-chan rất mệt và buồn ngủ.
Cao cao tít ở bên trên khu vườn, mảnh trăng cuối hạ rọi vào đứa con gái nhỏ đầu quấn băng và con chó. Cả hai đều không muốn chơi trò làm "chó sói" nữa. Và cả hai lại càng thân thiết với nhau hơn.
Hằng năm, ngày thể thao của trường Tô-mô-e được tổ chức vào ngày mồng 3 tháng 11. Sau nhiều lần nghiên cứu, thầy hiệu trưởng đã quyết định chọn ngày này. Ông thấy rằng ngày 3 tháng 11 là ngày mùa thu ít mưa nhất. Có lẽ do tài của ông thu lượm các số liệu về thời tiết, và cũng có thể trời đất thể theo ước muốn của ông mà không mưa, để giữ cho trọn vẹn ngày thể thao mà các em hằng đợi chờ và đã trang trí, chuẩn bị sân bãi từ hôm trước. Dù thế nào chăng nữa, cũng thật kỳ lạ là ngày đó trời không bao giờ mưa.
Vì ở Tô-mô-e, mọi việc được tiến hành một cách hoàn toàn khác, nên ngày thể thao ở đây cũng thật độc đáo. Chỉ có hai tiết mục giống như ở các trường tiểu học khác, đó là kéo co và thi chạy ba chân. Còn lại tất cả là do sáng kiến của thầy hiệu trưởng. Không cần các trang thiết bị cầu kỳ đặc biệt, mà các em chỉ tận dụng các đồ dùng hàng ngày quen thuộc ở nhà trường.
Ví dụ như đối với cuộc thi Cá chép, những cờ dải bằng vải hình ống to, loại cờ dải treo trên các cột trong ngày hội của nam sinh vào tháng Năm, được để ở giữa sân trường. Khi có lệnh, các em phải chạy về phía những cờ dải vẽ hình cá ấy và chui qua từ miệng tới đuôi, rồi lại chạy trở về chỗ xuất phát. Cuộc thi trông dễ nhưng thật ra rất khó. Bên trong tối mà cá lại rất dài, nên ta dễ mất phương hướng. Một vài em, kể cả Tôt-tô-chan, cứ chạy ra đằng miệng, và phải vội vàng chạy thụt vào ngay. Trông thật là buồn cười vì các em chui đi chui lại ở phía trong khiến cá chuyển động ngoằn ngoèo như thật.
Còn một tiết mục nữa gọi là cuộc thi "Tìm mẹ". Khi có lệnh, các em phải chạy tới một cái thang gỗ để nghiêng một bên, chui qua thang, nhặt một cái phong bì ở trong rổ, mở ra, và giả thử nếu tờ giấy bên trong ghi: "Mẹ của Sác-kô-chan", các em phải tìm bà trong đám đông những người đến xem, nắm lấy tay bà cùng về đích. Phải chui qua thang thật khéo như mèo ấy, nếu không đít quần bị mắc vào đấy. Ngoài ra, một em nào đó có thể biết rõ ai là mẹ của Sác-kô-chan, nhưng nếu tờ giấy ghi: "Chị của Ô-ku" hoặc "Mẹ của Tsu-re" hay "Con trai bà Ku-ni-nô-ri" chưa ai từng gặp bao giờ, thì em ấy phải chạy ra khu vực những người đến xem và phải gọi to "Chị của Ô-ku!". Như thế phải bạo lắm. Các em nào may vớ được giấy ghi tên mẹ mình thường nhảy cẫng lên reo: " Mẹ ơi! Mẹ ơi! Mau lên". Người xem cũng phải chú ý. Ai biết được lúc nào sẽ gọi đến tên mình, nên lúc nào họ cũng phải sẵn sàng đứng dậy từ ghế hay chiếu, xin lỗi mọi người và đi ra thật nhanh, đến chỗ một em, con nhà ai đó, đang đứng đợi mình rồi nắm tay em cùng chạy vụt đi. Cho nên khi một em tới trước người lớn, thậm chí các ông bố cũng phải nín thở, xem ai được gọi. Không có thì giờ để nói chuyện gẫu hoặc ăn nhấm nháp cái gì đó. Người lớn cũng phải tham gia vào các cuộc thi như trẻ em vậy.
Thầy hiệu trưởng và các thầy giáo khác tham gia với học sinh trong hai đôi "Kéo co", vừa kéo, vừa hô:"Hò dô ta nay! Hò dô ta này!" trong khi các em bị tàn tật như Y-a-su-a-ki-chan, không kéo được, có nhiêm vụ phải nhìn cái mùi xoa buộc ở giữa dây thừng để xem bên nào thắng.
Cuộc thi cuối cùng: chạy tiếp sức mà cả trường Tô-mô-e phải tham gia, cũng khác hẳn. Không ai phải chạy thật xa cả. Mọi người chỉ việc chạy lên chạy xuông đoạn cầu thang bằng bê tông hình bán nguyệt, dẫn đến phòng họp. Thoạt nhìn, trông nó có vẻ dễ đến mức buồn cười, nhưng vì những bậc thang đều nông và gần nhau quá và vì không ai được phép bước quá một bậc mỗi lần, nên nếu bạn cao hoặc bàn chân to, thì rất khó. Những bậc thang quen thuộc mà các em thường chạy lên vào lúc ăn trưa, trở nên rất vui, rất lạ vào ngày thể thao này, các em chạy lên chạy xuống, kêu hét rất vui vẻ. Đối với người nhìn từ xa, cảnh này thật giống hệt một chiếc kính vạn hoa rực rỡ. Kể cả bậc trên cùng, cả thảy có tám bậc tất cả.
Đối với Tôt-tô-chan và các bạn cùng lớp, ngày thể thao đầu tiên là một ngày thật đẹp như thầy hiệu trưởng đã hy vọng. Những đồ trang trí bằng xúc xích giấy, những ngôi sao vàng do các em làm từ hôm trước và các đĩa hát có các bài hành khúc sôi nổi đã làm cho ngày này thực sự là một ngày hội.
Tôt-tô-chan mặc quần soóc màu xanh nước biển và sơ-mi trắng, mặc dù em thích mặc quần túm thể thao. Em mong mỏi được mặc loại quần ấy. Một hôm, sau buổi học, thầy hiệu trưởng dạy môn thể dục nghệ thuật cho một số giáo viên mẫu giáo, và Tôt-tô-chan rất thích loại quần túm mà một vài cô giáo đang mặc. Em thích chúng là vì khi các cô giáo giậm chân, bắp chân của họ để lộ dưới ống quần túm rung rung theo kiểu người lớn một cách rất đáng yêu. Em chạy ngay về nhà, lấy quần soóc ra, mặc và nhảy nhảy giậm chân trên sàn nhưng bắp chân trẻ con gày gò của em không rung tí nào cả. Sau khi làm đi làm lại nhiều lần, em kết luận rằng đó là nhờ loại quần túm mà các cô giáo mặc. Em hỏi và mẹ giải thích rằng đó là những quần túm thể thao. Em nói với mẹ rằng em dứt khoát muốn mặc quần túm vào ngày thể thao, nhưng tìm đâu cũng không thấy loại nhỏ. Vì vậy Tôt-tô-chan đành phải mặc tạm quần soóc và như thế là bắp chân chẳng rung được tí nào.
Một điều kỳ lạ xảy ra vào ngày thể thao, Ta-ka-ha-si, cậu học sinh bé nhất trường chân tay ngắn ngủn, lại về nhất trong các tiết mục. Thật không thể tưởng tượng được. Trong khi các em này còn đang lò mò trong con cá, thì Ta-ka-ha-si đã chui qua nhanh như cắt và trong khi các em khác mới chỉ chui đầu qua thang, cậu ta đã chui qua rồi và chạy trước được vài mét. Ở cuộc thi chạy tiếp sức lên các bậc của phòng họp, trong khi các em khác còn đang rón rén bước một thì Ta-ka-ha-si đôi chân ngắn của cậu ta cứ tít mù như hai pit-tông thoắt lên, thoắt xuống như trong một bộ phim quay nhanh. Ai cũng nói:
- Bọn ta phải cố gắng vượt Ta-ka-ha-si.
Ai cũng quyết tâm, nhưng dù cố gắng đến mấy, Ta-ka-ha-si lần nào cũng thắng. Tôt-tô-chan cũng cố gắng, nhưng không bao giờ thắng được Ta-ka-ha-si. Chạy đường thẳng, có thể vượt cậu ta, còn chạy các đoạn khó, bao giờ cũng thua cậu ta.
Ta-ka-ha-si bước lên để nhận nhiều phần thưởng, mặt mũi rạng rỡ, tự hào, vì môn nào cậu ta cũng nhất, cậu nhận hết phần thưởng này đến phần thưởng khác. Ai trông thấy cũng phải ước ao muốn được như thế. Học sinh nào cũng tự nhủ: "Sang năm, mình phải thắng Ta-ka-ha-si" nhưng năm nào, Ta-ka-ha-si cũng là một ngôi sao sáng.
Bây giờ lại nói về các phần thưởng. Thật là điển hình của thầy hiệu trưởng. Giải nhất có thể là một củ cải to, giải nhì: hai cái rễ chút chít, giải ba: một mớ rau ba lá. Đại để như thế. Cho đến khi lớn lên, Tôt-tô-chan vẫn tưởng là các trường khác đều lấy rau làm phần thưởng trong ngày thể thao. Dạo ấy, hầu hết các trường đều dùng sách vở, bút chì, tẩy làm phần thưởng. Các học sinh không biết điều này và các em cũng không thích rau cỏ lắm. Chẳng hạn như Tôt-tô-chan được mấy cái rễ cây chút chít và vài củ hành, em rất ngượng là phải mang chúng lên tàu. Còn nhiều giải phụ với các thứ khác, nên cuối ngày thể thao, tất cả các học sinh ở Tô-mô-e đều mang về một loại rau nào đó. Vấn đề là, sao trẻ em lại ngượng khi phải mang rau từ trường về nhà? Ở nhà, nếu mẹ sai đi mua rau, không ai thấy ngại cả, nhưng rõ ràng các em thấy mang rau từ trường về nhà thì thế nào ấy!
Một cậu học sinh to béo được thưởng một cái bắp cải loay hoay không biết làm thế nào. Cậu ta nói:
- Tớ chẳng thích ai trông thấy tớ vác cái bắp cải này. Có lẽ tớ quẳng nó đi đây.
Thầy hiệu trưởng hẳn đã nghe thấy những lời phàn nàn ấy của các em, vì ông đi sang chỗ các em được cà-rốt, củ cải và các loại như thế.
- Sao có chuyện gì? Các em không thích sao? - Ông hỏi, rồi tiếp. - Bảo mẹ nấu cho các em ăn tối nay. Đây là những rau tự các em kiếm được. Các em đã cung cấp được thực phẩm cho gia đình bằng chính sức lực của mình. Thế nào? Thầy cuộc là ăn sẽ rất ngon đấy.
Dĩ nhiên, ông nói đúng. Đây là lần đầu tiên Tôt-tô-chan góp được một cái gì đó cho bữa tối.
- Em sẽ nói với mẹ em làm món chút chít. - Em thưa với thầy hiệu trưởng. - Nhưng em chưa biết nói với mẹ em dùng hành làm gì.
Thế là các em bắt đầu nghĩ đến các món ăn và kể với thầy hiệu trưởng.
- Hay lắm! Thế là các em đều có sáng kiến cả! - Ông nói, tươi cười phấn khởi, đôi má ửng đỏ hẳn lên. Hẳn là ông đang nghĩ nếu các học sinh và gia đình các em ăn cơm trong khi nói chuyện về các sự kiện trong ngày thể thao thì hay biết mấy!
Chắc chắn, ông đang nghĩ đặc biệt về Ta-ka-ha-si, - bàn ăn của em sẽ tràn đầy các rau giải nhất - và hi vọng cậu học sinh này sẽ nhớ mãi niềm tự hào sung sướng đã giành được những giải nhất ấy trước khi cảm thấy tự ti về vóc người của mình, cũng như nhận thức rằng mình không còn lớn hơn nữa. Và có lẽ, ai biết được, thầy hiệu trưởng cũng đã nghĩ đến những tiết mục thi kỳ lạ kiểu Tô-mô-e để Ta-ka-ha-si sẽ về nhất.
Các em học sinh thích gọi thầy hiệu trưởng là "I-sa Kô-ba-y-a-si". Thậm chí, các em còn làm những câu thơ trìu mến về ông như thế này:
"I-sa Kô-ba-y-a-si!
I-sa, người lãnh đạo của chúng em
Người có vầng trán cao vời vợi!"
Đó là vì họ của thầy hiệu trưởng là Kô-ba-y-a-si lại trùng với nhà thơ nổi tiếng thế kỉ 19: I-sa Kô-ba-y-a-si. Thầy hiệu trưởng rất thích những bài thơ ba câu của ông. Thầy hay trích thơ của I-sa đến mức các em cảm thấy I-sa Kô-ba-y-a-si cũng là người bạn gần gũi của các em như thầy hiệu trưởng Kô-ba-y-a-si.
Thầy thích thơ của I-sa vì nó chân thật và đề cập đến những vấn đề bình thường của cuộc sống. Vào thời điểm phải có đến hàng ngàn nhà thơ làm thơ thể loại này, I-sa đã tạo ra một thế giới riêng của mình không ai bắt chước được. Thầy hiệu trưởng khâm phục những câu thơ của ông với tất cả vẻ mộc mạc hầu như trẻ thơ của chúng. Cho nên, hễ có dịp, ông thường dạy các học sinh những câu thơ của I-sa và các em học đã thuộc lòng. Ví dụ:
Này chú Ếch gầy gò
Đừng có đầu hàng
Đã có I-sa đứng cạnh đây.
Hỡi các chú Sẻ con!
Nhường đường, nhường đường!
Cho chàng Tuấn mã dũng cảm.
Chớ giết con Ruồi
Xoa tay, xoa chân
Cúi xin tha chết!
Một lần, thầy ngẫu hứng phổ nhạc cho một bài thơ và tất cả học sinh đều hát:
Sô-sa-ku Kô-ba-y-a-si
Lại đây chơi với em
Các chú sẻ côi xinh xinh
Không còn mẹ nữa rồi!
Thỉnh thoảng thầy cũng lên lớp giảng về loại thơ này mặc dù không có trong chương trình chính khoá.
Bài thơ ba câu đầu tiên của Tôt-tô-chan mô tả nhân vật chuyện vui em ưa thích: Nô-ra-ku-rô, một con chó đen bị lạc, vào quân đội làm lính trơn và dần dần được thăng quan tiến chức, mặc dù phải trả qua đời lính ba chìm bảy nổi. Bài thơ được đăng trong một tạp chí quen biết của học sinh nam:
"Chó Đen bị lạc, lên đường
đi châu Âu, và bây giờ
đã được phục viên".
- Các em gắng làm một bài hai-kư trong sáng, chân thật về một điều gì các em suy nghĩ.
Kể ra bài của Tôt-tô-chan không thể được coi là một bài hai-kư theo đúng nghĩa của nó. Nhưng nó thật sự chứng tỏ điều gì đã đem lại ấn tượng sâu sắc trong em vào những ngày đó. Thơ hai-kư của em không thật đúng với thể thơ 5,7,5 âm tiết. Bài của em lại 5,7,7. Thế nhưng có một bài của I-sa về những chú sẻ con thì lại 5,8,7; do vậy Tôt-tô-chan cho rằng bài thơ của em cũng đc.
Trong khi đi chơi đến đền Ku-hon-bút-su, hay khi trời mưa, không chơi ngoài trời được, phải ở trong phòng họp, I-sa Kô-ba-y-a-si của trường Tô-mô-e thường giảng cho các học sinh về thơ hai-kư. Ông chũng thường làm thơ hai-kư để minh hoạ cho những suy nghĩ của ông về cuộc sống và thiên nhiên.
Tuyết tan -
và bỗng nhiên cả làng
đầy những trẻ em!
Tôt-tô-chan bắt được tiền lần đầu tiên trong đời mình. Điều ấy xảy ra trên chuyến tàu từ trường về nhà. Em lên tàu đi Ôi-ma-chi ở Gi-y-u-gao-ka. Trước khi tàu đến ga tiếp theo, ga Mi-đô-ri-gao-ka, có một chỗ rẽ đột ngột và tàu hay nghiêng về một bên, phát ra những tiếng rít ghê gớm. Tôt-tô-chan thường giữ thăng bằng bằng chân để khỏi ngã. Em luôn luôn đứng gần bên phải ở cuối tàu, thuận chiều tàu chạy. Em đứng như vậy vì sân ga em phải xuống ở bên tay phải và cửa đó gần chỗ ra nhất.
Hôm ấy, khi con tàu nghiêng, kêu rin rít ở chỗ rẽ ngoặt, Tôt-tô-chan nhận thấy có cái gì trông như đồng tiền ngay sát chân em. Trước đây đã có lần em nhặt lên một thứ ngỡ là tiền, nhưng hóa ra lại là cái khuy áo; do đó em nghĩ lần này nên nhìn cho kỹ. Khi con tàu lấy lại thăng bằng, em cúi hẳn xuống để nhìn cho cẩn thận. Lần này đúng là tiền - đồng năm xu. Em nghĩ hẳn ai đó đứng gần đây đã đánh rơi tiền và đồng tiền lăn đến đây khi tàu nghiêng. Nhưng không ai đứng gần Tôt-tô-chan lúc ấy cả.
Thế thì làm thế nào bây giờ? Đúng lúc ấy, em nhớ đã có nghe ai nói là khi bắt được tiền phải đem nộp cho cảnh sát. Nhưng trên tàu không có cảnh sát, phải không nào?
Đúng lúc ấy, cửa khoang tàu của người soát vé mở ra, và người soát vé đi vào trong toa của Tôt-tô-chan. Bản thân em không biết cái gì đã xui khiến mà em giẫm chân phải lên đồng xu. Người soát vé nhận ra em mỉm cười. Nhưng Tôt-tô-chan không thể cười một cách tự nhiên được, vì chỉ có thể nhe răng một cách gượng gạo. Lúc ấy, tàu dừng lại ở Đô-ka-y-a-ma, ga trước ga của em, và các cửa bên trái mở ra. Một số quá đông hành khách bước lên, chen chúc, đẩy Tôt-tô-chan đi. Em không muốn rời chân phải, liền cứ đứng như vậy. Trong đầu em đã nảy ra một ý định. Khi xuống tàu, em sẽ nhặt tiền và nộp cho cảnh sát. Song, em lại nảy ra một ý khác. Nếu có người lớn nào trông thấy em nhặt tiền từ dưới chân lên, họ có thể cho em là một đứa ăn cắp. Dạo ấy, năm xu có thể mua được một gói kẹo ca-ra-men nhỏ hay một cái bánh sô-cô-la. Cho nên, mặc dù đối với người lớn thì năm xu chẳng là gì cả, nhưng đối với Tôt-tô-chan lại là một món tiền lớn, và em thấy lo lo.
Rồi em tự nhủ: "Đúng rồi! Mình sẽ thản nhiên nói: ồ, mình đánh rơi tiền, phải nhặt lên. Thế là ai cũng nghĩ đó là tiền của mình".
Nhưng ngay lập tức, lại có một vấn đề khác: "Nhỡ khi nói thế, mọi người nhìn mình và có người nào đó lại nói: "Tiền ấy của tôi!" thì mình làm thế nào?"
Sau khi suy đi tính lại trong óc, em quyết định cách tốt nhất là cúi xuống khi tàu sắp đến ga, giả vờ buộc lại dây giày, rồi bí mật nhặt đồng tiền lên. Mẹo đó thành công. Khi em bước ra sân ga, người đẫm mồ hôi và tay nắm chặt đồng năm xu, em thấy mệt rã rời. Đồn cảnh sát ở xa, nếu đi nộp tiền, em sẽ về muộn, mẹ sẽ sốt ruột. Em nghĩ lung lắm cho đến khi em nặng nề bước xuống cầu thang và quyết định làm như thế này:
"Mình sẽ giấu tiền ở một nơi bí mật và ngày mai sẽ lấy mang đến trường hỏi ý kiến mọi người. Dù sao, mình cũng nên cho các bạn xem vì chưa có ai bắt được tiền cả".
Em băn khoăn không biết giấu tiền ở chỗ nào. Nếu mang về nhà, mẹ sẽ hỏi. Phải giấu ở đâu đó thôi.
Em chui vào bụi rậm gần nhà ga. Không ai có thể nhìn thấy em ở đó và chắc chẳng ai chui vào đấy làm gì, nên như vậy là khá an toàn. Em lấy que moi một cái hố nhỏ, đặt đồng năm xu quý giá vào đó rồi phủ kín đất. Em tìm một hòn đá hình thù kỳ dị để lên đó làm dấu, rồi chạy hết tốc lực về nhà.
Mọi tối, Tôt-tô-chan thường thức khuya kể chuyện ở trường cho mẹ nghe, cho đến lúc mẹ bảo: "Thôi, đi ngủ đi". Nhưng tối hôm đó, em không nói chuyện nhiều mà đi ngủ sớm.
Sáng hôm sau em thức dậy với một cảm giác rằng có một việc hết sức quan trọng mà em phải làm. Đột nhiên em nhớ tới cái kho báu bí mật, em thấy phấn khởi.
Đi học sớm hơn thường lệ, em dượt con Rốc-ky đến chỗ bụi rậm và chui vào.
"Đây! Đây!"
Hòn đá đánh dấu vẫn nguyên chỗ cũ.
Em nói với con Rốc-ky:
- Tao sẽ cho mày xem cái này rất hay.
Vừa nói em vừa hất hòn đá ra và đào rất cẩn thận. Nhưng lạ chưa, đồng năm xu đã biến mất. Chưa bao giờ em lại ngạc nhiên như vậy. Em băn khoăn tự hỏi, hay có ai trông thấy em giấu đồng xu, hay hòn đá đã di chuyển? Em đào cả xung quanh cũng không thấy. Em rất buồn là đã không thể cho các bạn ở Tô-mô-e xem. Nhưng hơn thế nữa em không thể nào hiểu nổi sự bí ẩn này.
Sau này, cứ mỗi lần đi qua đó em lại chui vào bụi rậm và đào nhưng không bao giờ em thấy đồng tiền ấy cả.
Em thường nghĩ: "Có lẽ một con chuột chũi lấy đi mất rồi". Hay là "Mình mơ", hay là "Có lẽ trời trông thấy mình giấu nó" nhưng dù có nghĩ gì đi nữa, thì vẫn thật là bí ẩn. Một điều bí ẩn không bao giờ quên được.
Một buổi chiều, gần cửa bán vé ở nhà ga Gi-y-u-gao-ka, có hai cậu con trai và một cô con gái chỉ hơn tuổi Tôt-tô-chan một chút đang đứng với nhau, trông như thể đang chơi "oẳn, tù, tì". Nhưng em nhận thấy rằng họ làm hiệu bằng ngón tay nhiều hơn bình thường. Trông thật là buồn cười. Em đến gần để nhìn cho rõ hơn. Hình như họ đang nói chuyện nhưng không phát ra âm thanh. Một người làm rất nhiều dấu hiệu bằng tay sau đó một người đang nhìn, ngay lập tức, cũng làm nhiều dấu hiệu khác bằng tay. Đến lượt người thứ ba cũng làm một vài dấu hiệu, rồi cả ba đều bật lên cười, không quá ầm ĩ. Họ có vẻ vui lắm. Sau khi xem họ một lúc, Tôt-tô-chan kết luận là họ đang nói chuyện với nhau bằng tay.
Em ước ao: "Giá mình cũng nói được bằng tay". Em định tham gia với họ nhưng em không biết cách hỏi họ nói chuyện bằng tay như thế nào. Và hơn nữa, họ không phải học sinh trường Tô-mô-e, nên cũng không tiện. Em cứ đứng nhìn họ cho đến khi họ sang sân ga tuyến đi Tô-y-ô-kô.
Em quyết định: "Rồi đây mình sẽ học cách nói chuyện bằng tay".
Nhưng Tôt-tô-chan chưa biết về những người câm điếc, về việc các em đó học ở trường câm điếc của thành phố ở Ôi-ma-chi, ga cuối cùng trên tuyến đường tàu em đi học hằng ngày.
Tôt-tô-chan chỉ thấy có một cái gì hay hay trong điệu bộ của các em đó, với điệu bộ các ngón tay, với những đôi mắt sáng, và em muốn kết bạn với họ một ngày nào đó.
Tuy hệ thống giáo dục của ông Kô-ba-y-a-si là độc đaó, ông cũng chịu nhiều ảnh hưởng của những tư tuởng giáo dục châu Âu và của nhiều nuớc khác. Chúng ta có thể nhận thấy điều này qua môn thể dục nghệ thuật ở truờng Tô-mô-e, thói quen ăn đúng giờ, những cuộc dạo chơi, và bài hát trước giờ ăn trưa theo điệu "Khoan khoan dô khoan".
Cánh tay phải của thầy hiệu truởng - ở các truờng thông thuờng là thầy hiệu phó - ông Ma-ru-y-a-ma, về nhiều mặt hoàn toàn trái nguợc với ông Kô-ba-y-a-si. Giống như tên gọi của ông - "quả đồi tròn", có nghĩa là đầu ông tròn như quả bóng, trên đỉnh không có lấy một sợi tóc nhưng lại có một vành tóc trắng quây lấy sau gáy ngang tầm tai. Ông đeo kính tròn, với đôi má hồng haò. Không những trông ông hoàn toàn khác với ông Kô-ba-y-a-si, mà ông còn hay ngâm bài thơ theo thể thơ cổ điển Trung Quốc với giọng trang nghiêm.
Vào buổi sáng ngày muời bốn tháng muời hai, khi học sinh đã có mặt đông đủ ở truờng, ông Ma-ru-y-a-ma tuyên bố như sau:
- Hôm nay là ngày mà cách đây gần hai thế kỷ ruỡi "Bốn muơi bảy Rô-nin" đã tiến hành cuộc trả nợ máu nổi tiếng của họ. Vì vậy, hôm nay chúng ta sẽ đi đến đền Sen-ga-ku-ti để viếng thăm phần mộ của họ. Cha mẹ các em đã biết về chuyện naỳ.
Thầy hiệu trưởng không phản đối kế hoạch của ông Ma-ru-a-y-ma. Ông Kô-ba-y-a-si nghĩ gì về chuyện này, cha mẹ các em không thể biết được, song họ hiểu rằng nếu ông không phản đối có nghĩa là ông đã tán thành, và chuyến viến thăm mộ "Bốn mươi bảy Rô-nin" của học sinh trường Tô-mô-e trở thành một hoạt đông đầy thú vị.
Trước khi đi, ông Ma-ru-y-a-ma đã kể cho các em nghe câu chuyện về "bốn mươi bảy Rô-nin" nổi tiếng - chuyện về những chàng trai dũng cảm và trung thành của ngài A-sa-nô đã bàn mưu tính kế trong gần hai năm để trả thù cho danh dự của ông chủ đã chết oan uổng nghiệt ngã. Ngoài "Bốn mươi bảy Rô-nin" còn có một người lái buôn dũng cảm tên là Ri-hây A-ma-nô-y-a. Chính ông là người cung cấp vũ khí và khi bị bắt ông đã khẳng khái tuyên bố: "Ta là Ri-hây A-ma-nô-y-a đây" và đã từ chối không chịu thú nhận hay tiêt lộ bí mật. Các em không hiểu lắm về câu chuyện này nhưng tất cả đều hồi hộp lắm về việc phải rời lớp học đi đến một nơi xa hơn đền Ku-hon-bút-su và một cuộc vui chơi ăn uống ở ngoài trời. Được thầy hiệu trưởng cho phép, tất cả năm mươi học sinh bắt đầu lên đường dưới sự hướng dẫn của ông Ma-ru-y-a-ma. đó đây trong hàng ngũ các em lại vang lên tiêng nói:"Ta là Ri-hây A-ma-nô-y-a đây". Các em gái cũng hô vang như vậy làm cho những người đi qua phải ngoái đầu lại mỉm cười.
Từ trường đến đền Sen-ga-ku-gi khoảng bảy dặm, nhưng xe gắn máy lúc đó rất hiếm. Bầu trời tháng mười hai trong xanh, và đối với các em vừa đi tản bộ vừa hô:"Ta là Ri-hây A-ma-nô-y-a đây" làm cho quãng đường dường như ngắn lại.
Khi đến đền Sen-ga-ku-gi, ông Ma-ru-y-a-ma đưa cho mỗi em một nén hương và mấy bông hoa. Đèn này nhỏ hơn đền Ku-hon-bút-su, nhưng lại có rất nhiều nấm mộ xếp thành hàng. Ý nghĩ đây là nơi linh thiêng tưởng nhớ bốn mươi bảy Rô-nin làm cho Tôt-tô-chan cảm thấy rất nghiêm trang khi em cắm hương và đặt hoa trước mộ, rồi cúi đầu im lặng bắt chước ông Ma-ru-y-a-ma. Một không khí im lặng bao trùm lên các em. Lặng im là một điều khác thường đối với học sinh trường Tô-mô-e. Khói hương trước các nấm mồ bốc lên vẽ thành những bức tranh trong không khí một hồi lâu.
Sau đó, mùi hương luôn luôn làm cho các em nhớ tới ông Ma-ru-y-a-ma và ông Ri-hây A-ma-nô-y-a. Đó cũng là hương vị của sự trầm lặng đối với các em.
Có thể các em không hiểu nhiều về bốn mươi bảy Rô-nin nhưng đối với ông Ma-ru-y-a-ma, người đã kể say sưa về họ, các em cũng tỏ ra rất quý trọng như đối với ông Kô-ba-y-a-si, tuy dưới hình thức khác. Còn Tôt-tô-chan thì lại lại yêu đôi mắt nhỏ tí sau cặp kính dày và giọng nói dịu dàng - cái giọng nói dường như không hòa hợp với cơ thể to béo của ông.
Chú thích "Bốn mươi bảy Rô-nin": Ở Nhật vào thời kỳ Ê-đo (1603-1867), đất nước đặt dưới quyền cai trị của các Xa-mu-rai (võ sĩ đạo). Và đối với đẳng cấp Xa-mu-rai, danh dự là quan trọng hơn cả. Một hôm trong Hoàng cung một quan chức Xa-mu-rai tên là A-sa-nô Ta-ku-mi-nô-ka-mi, bị một quan chức Xa-mu-rai khác tên là Ki-ra Kô-u-giu-kê-nô-su-ke lăng mạ. Vì danh dự, A-sa-nô đã rút gươm chém vào trán Ki-ra.
Hoàng thượng đã ra lệnh cho A-sa-nô phải tự kết liễu đời mình vì hành động đó. A-sa-nô đã tự "rạch bụng mình".
Những người ủng hộ A-sa-nô được gọi là "Rô-nin", có tổng số là bốn mươi bảy người.
Bốn mươi bảy người này quyết định trả thù. Ngày mười bốn tháng mười hai họ tiến hành cuộc tấn công bất ngờ và giết Ki-ra.
Sau cuộc trả thù, bốn mươi bảy người này đã tự sát.
Và những thần dân dưới thời đó đã rất tán thành việc làm của "Bốn mươi bảy Rô-nin".
Đây là một sự kiện lịch sử. Và sự tích này đã được trình diễn trên các sân khấu.
Cho đến ngày nay nó vẫn là một sự tích mà người Nhật yêu thích.
Trên đường từ nhà đến ga, Tôt-tô-chan thường đi qua trước một ngôi nhà có người Triều Tiên ở. Dĩ nhiên, em không biết họ là người Triều Tiên. Điều duy nhất em biết về họ là ở đó có một người phụ nữ, rẽ ngôi giữa, tóc túm lại đằng sau thành búi to. Bà này khá béo, đi giày cao su trắng đầu nhọn như những chiếc thuyền con vậy. bà mặc một áo váy dài có một cái băng tất thành một cái nơ to ở phía trước áo sơ mi nữ ngắn. Hình như lúc nào bà cũng đi tìm đứa con trai vì lúc nào cũng thấy gọi tên nó: “Ma-sô-u-chan”. Và đáng lẽ gọi bình thường là “Ma-sô-u-chan”, bà lại nhấn mạnh âm thứ hai, và kéo dài âm “cha-an” thành ra một giọng cao the thé nghe rất buồn cười đối với Tôt-tô-chan.
Ngôi nhà ở ngay cạnh tuyến đường tàu Ôi-ma-chitosan, trên một con đường nhỏ, đắp cao. Tôt-tô-chan biết Ma-sô-u-chan là ai. Cậu ta lớn hơn em một chút, có lẽ học lớp 2, mặc dù em không biết cậu ta học ở trường nào. Đầu tóc cậu ta lúc nào cũng bù xù và bao giờ cậu ta cũng dắt chó. Một hôm, khi Tôt-tô-chan đang đi về nhà qua con đường đắp cao, Ma-sô-u-chan đứng trên đường, hai chân dạng ra, tay chông nạnh rất ngông nghênh:
Triểu Tiên! – nó quát Tôt-tô-chan.
Giọng nó thật gay gắt và hằn học. Tôt-tô-chan sợ lắm.
Em chưa bao giờ làm điều gì xấu đối với nó, thậm chí nói chuyện với nó, nên em thấy sửng sốt khi nó đứng trên đường quát tháo giận dữ như vậy.
Khi về nhà, em kể cho mẹ biết tất cả những chuyện đó. Em nói:
- Ma-sô-u-chan gọi con là Triều Tiên!
Mẹ lấy tay bịt miệng và em thấy mắt mẹ đầy nước mắt. Tôt-tô-chan luống cuống, nghĩ rằng đây hẳn là một việc rất xấu. Mẹ không lau nước mắt và mũi đỏ hẳn lên. Bà nói:
- Thật tội nghiệp. Chắc người ta đã gọi nó là “Triều Tiên” nhiều lần, đến nỗi nó cho đó là một từ xấu. Có lẽ nó không hiểu vì còn quá nhỏ. Nó nghĩ tiếng này cũng tựa như “ba-ka”, có nghĩa là “đồ điên”, nên nó cũng muốn nói một câu gì tục tằn với người khác, bởi thế nó gọi con là Triều Tiên đấy thôi. Sao người ta lại ác thế!
Lau khô nước mắt, mẹ nói với Tôt-tô-chan rất chậm rãi:
- Con là người Nhật, còn Ma-sô-u-chan là người Triều Tiên. Nó cũng là một đứa trẻ, như con. Cho nên, con ạ, con chớ nên coi người ta là khác lạ, chớ nên nghĩ rằng “người kia là người Nhật, còn người này là người Triều Tiên”. Hãy tốt với Ma-sô-u-chan. Thật là buồn khi có một số người nghĩ rằng người khác không tốt chỉ vì họ là người Triều Tiên.
Tôt-tô-chan hơi khó hiểu những điều đó, nhưng em biết rõ là Ma-sô-u-chan luôn bị người khác nói xấu vô cớ. Em nghĩ chính vì thế mà bà mẹ của Ma-sô-u-chan lúc nào cũng tìm cậu ta một cách lo lắng. Bởi thế sáng hôm sau, khi em đi qua chổ đường đắp cao và nghe tiếng bag mẹ gọi the thé: “Ma-sô-u-chan!” em băn khoăn không biết cậu ta ở đâu, và quyết định rằng mặc dù không phải người Triều Tiên, nhưng nếu, Ma-sô-u-chan có gọi em như thế, em vẫn sẽ trả lời: “Chúng ta là trẻ con cả! Chúng ta như nhau!” và em sẽ cố gắng kết bạn với cậu ta.
Giọng của mẹ Ma-sô-u-chan, vừa bực dọc vừa lo âu, có một nét rất đặc biệt, ngân mãi trong không gian, cho đến khi bị át đi vì tiếng tàu chạy qua.
- “Ma-sô-u-chaan!”
Cái giọng buồn thảm đầy nước mắt ấy, ai đã nghe một lần không thể nào quên được.
Vào lúc này, Tôt-tô-chan có hai mơ ước lớn. Một là mặc quần túm thể thao và hai là tết tóc đuôi sam. Trông thấy các nữ sinh lớn hơn có bím tóc dài, em quyết định cũng tết tóc như thế. Trong khi các bạn nhỏ khác cùng lớp để tóc ngắn cắt ngang trước trán, Tôt-tô-chan để tóc dài hơn, rẽ đầu ngôi bên và buộc ruy băng. Mẹ cũng thích để tóc như thế, và Tôt-tô-chan muốn tóc dài để tết đuôi sam.
Cuối cùng, một hôm, em nhờ mẹ tết cho hai đuôi sam con, hai đầu buộc chặt bằng dây cao su và ruy băng, em cảm thấy mình lớn hẳn lên. Khi soi gương, em nhận ra rằng không giống các bạn gái trên tàu, bím tóc của em nhỏ, ngắn và trông thật giống như đuôi chuột, nhưng em vẫn chạy đến bên con Rốc-ky, giơ hai bím tóc lên một cách tự hào. Rốc-ky nháy nháy mắt.
Em nói:
- Tao ước sao có thể tết bím cho mày.
Khi lên tàu, em cố giữ yên cái đầu để các bím tóc khỏi bị tuột ra. Em nghĩ: “Giá có ai chú ý đến chúng và vảo “bím tóc tết đẹp quá” thì hay biết mấy!”. Nhưng không ai để ý cả. Tuy nhiên, khi em đến trường mấy bạn cùng lớp Mi-y-ô-cham, Sac-kô-chan và Kây-kô Ao-ki đều đòng thanh kêu lên:
- Úi chà chà! Bím tóc đẹp quá!
Em thấy rất phấn khởi, để yên cho các bạn xem tóc của mình.
Không một cậu con trai nào xem ra có vẻ quan tâm đến cái bím tóc của em. Nhưng sau bữa cơm trưa, một cậu ở lớp em tên là Oe bỗng nói rất to:
- Ái chà! Tôt-tô-chan đã làm đầu!
Tôt-tô-chan mừng rơn vì đã có một cậu con trai chú ý và nói một cách tự hào:
- Bím tóc đấy!
Ngay lúc ấy, cậu ta đi tới, nắm lấy bím tóc bằng hai tay và nói:
- Tớ mệt quá. Tớ phải vịn vào nó một lúc, hừ vịn vào đây thú hơn vịn vào tay cầm trên tàu.
Oe to lớn gấp đôi bé Tôt-tô-chan gày gò. Thực tế, cậu ta lớn nhất và béo nhất lớp. Vì vậy mỗi lần cậu ta kéo cái bím tóc, Tôt-tô-chan lại loạng choạng và cuối cùng ngã ngồi xuống đất nghe đánh “phịch” một cái. Gọi đôi bím tóc là cái tay vịn cũng đã quá lắm rồi, đằng này lại còn kéo ngã xuống đất nữa. Và khi Oe cầm bím tóc kéo em dậy, vừa kéo “Hò dô ta nào! Hò dô ta nào!”, như kéo co trong ngày thể thao, Tôt-tô-chan òa lên khóc.
Đối với em, bím đuôi sam là dấu hiệu của một em gái đã lớn. Em trông chờ mọi người đối xử lịch sự với em. Em vừa khóc vừa chạy đến phòng thầy hiệu trưởng. Khi ông nghe thấy em gõ của, thút thít, ông mở cửa và như thường lệ cúi xuống gần sát mặt em hỏi:
- Có việc gì vậy?
Sau khi nhìn lại xem bím tóc của em còn tử tế không, em nói:
- Thưa thầy, Oe kéo bím tóc của em và “Hò dô ta”.
Thày hiệu trưởng nhìn tóc em. Ngược hẳn lại với khuôn mặt đầm đìa nước mắt của em, hai bím tóc xinh xinh trông như đang nhảy múa vui vẻ. Thày hiệu trưởng ngồi xuống, bảo Tôt-tô-chan cùng ngồi trước mặt ông. Như thường lệ, ông vui vẻ cườ, chẳng để ý đến chiếc răng khuyết.
Ông nói:
- Đừng khóc! Tóc em đẹp lắm.
Em rụt rè ngước bộ mặt đầm đìa nước mắt hỏi:
- Thầy có thích em để tóc kiểu này không ạ?
Ông nói:
- Thật tuyệt.
Tôt-tô-chan nín hẳn, ngồi xuống ghế nói:
- Em sẽ không khóc nữa cho dù Oe có nói “Hò dô ta”.
Thầy hiều trưởng cười đồng ý. Tôt-tô-chan cũng cười. Bộ mặt tươi cười của em thật hợp với đôi bím tóc. Cúi chào thầy hiệu trưởng, em chạy ra chơi với các bạn khác.
Em hầu như quên là mình đã khóc khi thấy Oe đứng trước mặt, gãi gãi đầu. Cậu ta nói to, giọng lạnh lung:
- Lúc nãy, tớ kéo bím tóc của bạn, tớ xin lỗi. Thầy hiệu trưởng đã mắng tớ. Thầy bảo phải đối xử tốt và giúp đỡ các bạn gái.
Tôt-tô-chan có phần ngạc nhiên. Chưa bao giờ em nghe thấy ai đó nói là phải đối xử tốt với các bạn nứ. Bao giờ con trai cũng được phục vụ cơm và quà trước, nếu con gái có nói, các bà mẹ thường bảo: “Con gái là để cho người ta nhìn, chứ không được nói”.
Vậy mà thầy hiệu trưởng đã bảo Oe là phải chăm sóc, giúp đỡ các bạn gái. Thật là quá đối với Tôt-tô-chan! Và em nghĩ thế thì tốt biết mấy. Được chăm sóc, giúp đỡ thì còn gì bằng.
Đối với Oe, đây là một sự bất ngờ. Ai đời lại phải nhẹ nhàng, tử tế với nữ bao giờ! Dù sao đây cùng là lần đầu tiên và là lần cuối cùng, ở Tô-mô-e, cậu ta bị thầy hiệu trưởng quở trách. Không bao giờ cậu ta quên ngày hôm đó.
Sắp đến ngày nghỉ tết, khác với nghỉ hẻ, học sinh không phải tập trung ở trường mà được ở nhà với gia đình.
“Tớ sẽ về ăn tết, với ông tớ ở Ky-u-su”, Mi-ga-ta nói với mọi người, trong khi đó Tai-chan thích làm các thí nghiệm khoa học nói: “Tớ sẽ đi với anh tớ tham quan một phòng thí nghiệm vật lý”. Cậu ta mong chờ dịp này lắm. Còn thì ai cũng nói với nhau: “Thôi, tạm biệt” rồi kể cho nhau nghe kế hoạch của mình khi sắp chia tay.
Tôt-tô-chan sẽ đi trượt tuyết với bố và mẹ. Bạn của bố, ông Hi-đê-ô Sai-to, người kéo xen-lô, nhạc trưởng, có một ngôi nhà nghỉ xinh đẹp ở vùng núi Si-ga. Trước đây mùa đông nào gia đình em cũng thường lên đó nghỉ và Tôt-tô-chan đã bắt đầu tập trượt tuyết từ khi còn ở trường mẫu giáo. Người ta mang một xe trượt tuyết do ngựa kéo từ trạm đến khu vực trượt tuyết - một vùng tuyết trắng xoá chạy dài tít tắp không có những xe treo, hoặc bất cứ cái gì khác trừ đây đó một vài gốc cây. Mẹ cho biết đối với những người không có nhà nghỉ ở trên này như cuả ông Sai-to thì chỉ có một nhà trọ kiểu Nhật và một khách sạn kiểu phương Tây, nhưng điều lý thú là ở chỗ có rất nhiều người nước ngoài đến đó.
Đối với Tôt-tô-chan, năm nay khác hẳn năm trước. Bây giờ em đã là học sinh lớp một phổ thông và em cũng đã biết một chút tiếng Anh. Bố đã dạy em nói: “Xin cám ơn”.
Những người nước ngoài đi ngang qua Tôt-tô-chan, thấy em đang đứng trên ván trượt, thường nói một câu gì đó, có lẽ là: “Cháu bé này xinh qúa”, hoặc đại để như thế, nhưng Tôt-tô-chan không hiểu. Cho đến năm ấy em vẫn chưa trả lời được, nhưng từ lúc đó trở đi, em cố gắng cúi đầu và nói “Xin cảm ơn”.
Thấy vậy, những người nước ngoài lại cười vui hơn, lại nói với nhau điều gì đó. Thỉnh thoảng một bà lại cúi xuống kề má vào mà Tôt-tô-chan, hay một ông lại ôm em. Tôt-tô-chan nghĩ chỉ cần nói “Xin cám ơn” mà cũng kết bạn được với những người tốt như thế thì thật rất vui.
Hôm ấy một thanh niên đẹp trai đi lại chỗ Tôt-tô-chan ra hiệu như muốn nói: “Em có muốn đứng trước ván trượt của tôi không?”. Bố bảo em là được. Tôt-tô-chan trả lời: “Xin cám ơn” và người thanh niên bảo em ngồi xuống bên cạnh chân mình trên ván trượt, đầu gối co lại, rồi ghép giữ hai ván trượt sát với nhau, anh ta cùng Tôt-tô-chan trượt theo sườn dốc thoai thoải dài nhất ở vùng núi Si-ga. Họ lao đi như bay, gió vù vù qua tai em. Tôt-tô-chan ôm chặt đầu gối, cẩn thẩn để khỏi ngã về phía trước. Kể cũng hơi sợ, nhưng cũng thích. Khi họ dừng lại, những người đứng xem đều vỗ tay. Vừa đứng lên, Tôt-tô-chan vừa khẽ cúi đầu chào mọi người: “Xin cám ơn”. Họ lại vỗ tay nhiều hơn.
Mãi về sau này, em mới biết được tên của người thanh niên đó là Snây-đa, một vận động viên trượt tuyết nổi tiếng thế giới thường dùng đôi gậy trượt tuyết bịt bạc. Nhưng hôm đó, điều em thích về anh ấy là sau khi họ đã trượt hết dốc và mọi người đã vỗ tay, anh ấy cúi xuống, nắm lấy tay em, nhìn em như thể em là một người quan trọng rồi nói: “Cám ơn em”. Anh ấy không coi em như một đứa trẻ mà như mộ người phụ nữ. Khi anh cúi xuống, Tôt-tô-chan cảm thấy, từ đáy lòng mình và một cách thật bản năng, anh ấy là một người tốt. Và phía sau anh ta, cảnh vật phủ tuyết trắng xoá, hình như cứ trải dài vô tạn.
Khi các học sinh trở lại trường sau ngày nghỉ đông, các em thấy một điều thật tuyệt diệu, mới lạ, đã hò reo vui sướng. Đối diện toa xe lớp học là một toa xe mới, bên cạnh luống hoa gần phòng họp. Trong thời gian các em nghỉ đông, nó đã trở thành một thư viện! Ry-ô-chan, người bảo vệ, mà ai cũng quý mến và việc gì cũng làm được, rõ ràng đã làm việc rất tích cực. Anh đã đặt nhiều ngăn sách vào toa xe, ngăn nào bây giờ cũng đầy ắp những sách đủ các loại, màu sắc rất đẹp. Có cả bàn ghế để ngồi đọc nữa.
Thầy hiệu trưởng nói:
- Đây là thư viện của các em. Các em có thể đọc bất cứ quyển sách nào. Các em đừng ngại là có một số sách dành riêng cho những lớp nào đấy. Các em có thể đến đây bất cứ lúc nào. Các em có thể mượn sách về nhà. Nhưng khi đọc xong, các em nhớ mang trả lại. Nếu nhà em nào có sách, và nghĩ rằng các em khác cũng nên mượn đọc, các em có thể mand đến đây, thầy rất hoan nghênh. Dù thế nào, thầy cũng mong cá em đọc càng nhiều càng tốt.
Thế là các học sinh đồng thanh reo lên:
- Vậy thì buổi học đầu tiên hôm nay là buổi học ở thư viện.
Thấy các em đều rất náo nức, thầy hiệu trưởng tươi cười nói:
- Các em đều muốn thế chứ? Được thôi!
Nghe câu ấy, toàn bộ học sinh Tô-mô-e cả thảy năm mươi em xếp hang đi vào toa xe thư viện. Các em háo hức chọn sách và tìm chỗ ngồi, nhưng chỉ đủ chỗ cho một nửa, các em khác đành phải đứng, hệt như một toa tàu đông, với nhiều người đứng đọc sách. Thật là một cảnh tượng rất vui. Các học sinh đều mừng rỡ. Tôt-tô-chan đọc chưa thật tốt nên em chọn một quyển sách có bức tranh rất đẹp. Khi mọi người ai nấy đều có sách cầm tay rồi và bắt đầu giở sách, to axe bỗng nhiên yên ắng hẳn. Nhưng chỉ một lúc thôi, những âm thanh lẫn lộn đã phá tan sự yên lặng. Một vài em đọc to, một vài em hỏi nhau nghĩa các chữ không biết, các em khác lại muốn đổi sách. Tiếng cười nói tràn ngập cả toa tàu. Một em vừa bắt đầu xem một cuốn sách nhan đề: “những bức tranh biết hát”, vừa vẽ một cái mặt, vừa đọc to câu thơ có nhiều vần điệu đệm theo bằng một giọng ê a:
Vòng tròn và dấu chấm. Vòng tròn và dấu chấm.
Mấy vạch chéo thành cái mũi; lại một vòng tròn và dấu chấm nữa.
Ba sợi tóc, ba sợi tóc, ba sợi tóc – úi chà!
Nhanh như cắt, thành một bà nội trợ béo.
Đến chữ “úi chà”, phải vẽ một vòng tròn thành khuôn mặt và vẽ ba nửa vòng tròn khi hát “nhanh như cắt”. Nếu vẽ đúng nét, kết quả sẽ là khuôn mặt của một người phụ nữ béo tròn, để tóc kiểu Nhật cổ.
Ở trường Tô-mô-e các học sinh được phép học các môn học tuỳ theo trật tự mà các em thích. Nếu các em bị ảnh hưởng do các việc làm của người khác thì thật phiền. Các em được rèn luyện thói quen tập trung vào công việc mình làm, mặc những việc xung quanh. Cho nên không ai để ý đến các em đang hét to khi vẽ bà nội trợ. Một hay hai em cùng tham gia; nhưng tất cả các em khác đều tập trung vào sách của mình.
Quyển của Tôt-tô-chan hình như là chuyện dân gian. Chuyện kể về một cô gái, con nhà giàu không sao lấy được chồng vì lúc nào cô cũng đánh trung tiện. Cuối cùng bố mẹ cô cũng kiếm cho cô được một tấm chồng, nhưng trong đêm tân hôn, cô hồi hộp qúa đến nỗi đã đánh trung tiện một cái to hơn bao giờ hết, và hơi đó đã thổi bật chú rể ra khỏi gi.ường, quay bảy vòng rưỡi trong phòng và rơi xuống bất tỉnh nhân sự. Về sau, cuốn sách ấy luôn luôn được nhiều em tìm đọc. Tất cả các em học sinh của trường ngồi chật ních trong toa xe, hăm hở đọc sách dưới ánh nắng ban mai chiếu qua cửa sổ. Hình ảnh ấy chắc phải khiến thày hiệu trưởng hài lòng.
Cả ngày hôm ấy, các em ở trong toa xe thư viện.
Sau đó, khi các em không thể ra ngoài được vì trời mưa, và nhiều lần khác nữa, thư viện đã trở thành một nơi tụ hội rất thích của các em.
Một hôm thày hiệu trưởng nói:
- Tôi nghĩ là ta nên thuê xây một buồng tắm ở gần thư viện.
Là vì các học sinh mải mê đọc sách quá nên cứ cố nhịn cho đến phút cuối cùng mới chịu chạy ra nhà vệ sinh ở xa phòng họp, mặt mày nhăn nhó trông đến khổ.