Tôi thích dạy

nguyencaoanton

sự học cốt để thành nhân, bất thành tài.
Thành viên thân thiết
Tham gia
25/3/2015
Bài viết
73
Tôi sinh ra và lớn lên ở Bạc Liêu, một tỉnh miền tây.

Sau biến cố gia đình, cả nhà lưu lạc, lên ở Thủ Đức tá túc chổ cậu ruột.

Mẹ tôi, một người giáo viên dạy Văn hiền lành, một người vợ nhẫn nhịn, một người phụ nữ cam chịu. Ngoài chuyên môn sư phạm, bà không có nhiều những bản lĩnh sống khác để lo cho con đủ đầy, tuy nhiên, bà cố gắng xoay sở trong “không gian chật hẹp” khi đời dồn nén. Bên ngoại nghèo, bên nội làm ngơ.

Chúng tôi cơ cực lầm than, đói, hèn, và lạc lõng.

Tôi nhớ có lúc xin đi làm rửa xe mà người ta không nhận vì thiếu “kinh nghiệm”.

Tôi nhớ phải vác những cây vải nặng hơn trọng lượng của mình ( lúc ấy có 52 kg) khi làm bốc vác trong công ty dệt Phong Phú, Q9, rồi tan ca về đến nhà chịu đói bụng vì không có cơm ăn.

Có lúc làm công ty chế biến hải sản, tối tăng ca về đói không dám ghé quán làm tô mì gõ vì không dám ngồi gần ai, vì thiên hạ thường dáo dác tìm chuột chết sau khi mình yên mông được 1 phút.

Tôi nhìn người ta ăn nhậu, chơi bời, gái gú mà thèm.

Cũng từng nằm ăn vạ trong phòng hiệu trưởng trường nghề Thủ Đức, đòi hiệu trưởng trả lại học phí vì “dám” đuổi học tôi do đánh lộn.

Rồi tập làm anh hùng vặt, cũng ăn vài trận đòn thù sau vài lần khoái trá ngu ngốc.

Cha tôi, một người đàn ông ngang tàng, hào sãng.

Có lẻ anh linh của ông, đức độ của mẹ không cho phép tôi tiếp tục làm “mèo hoang, chuột cống”.

Rồi tôi lén lút, rình mò học khôn.

Tôi mày mò chân lý cuộc đời qua những tri thức lượm mót, bấu víu, chấp vá, ghóp nhặt, xin xỏ.

Tôi nhai ngấu nghiến, nuốt trợn trạo mọi hiểu biết bất kể sạch dơ.

Tán gái cũng không ai dạy, dại gái không biết chán.

Tôi liều mạng áp dụng những hiểu biết thô thiển ấy, rốt cuộc cũng chai sần, cảnh giác, khôn ra, sao khi bị đời liên miên đấm cho không trượt phát nào.

Cũng may, hương linh cha tôi không cho tôi cam thân chịu nhục.

Tôi trượt ngã nhiều nhưng không lần nào gục luôn, tuy có lăn, lê, trườn, lết, trước khi đứng dậy nỗi.

Khi vào được đại học muộn 4 năm, tôi tránh xa tuổi sinh viên mơ mộng, vui tươi vì không tiền.

Tôi ác lên, hảo vọng nhiều. Tôi muốn đời biết tên, người nể phục, chiếm thật nhiều lợi ích, say mê.

Tôi luôn sống theo kiểu tôi giỏi hơn nên tôi thắng, tôi khôn hơn nên tôi quản lý điều hành, tôi nhìn đời, khinh người bằng nửa con mắt.

Tôi lãng du với cách sống ích kỹ mà lại cho rằng đó là thói kiêu hãnh khinh đời, rẻ người của bậc quân tử, trượng phu.

2011 và 2014 tôi nhặt được 2 của báu đời tôi. Vợ và con.

Họ giúp đời tôi tươi mới, trong lành. Họ giúp tôi tìm ý nghĩa của tài năng tri thức.

Tôi bắt đầu biết yêu và biết sống để yêu.

Các em sinh viên thân mến, thầy không làm thánh hay là một loại hiền triết chi cả.

Đơn giản là thầy muốn cho các em những gì thầy có.

Để chi?

Các em không phải đến tuổi thầy mới hiểu được vài chân lý.

Các em không bị lũ người “lớn”, người “đẹpNGỤY DANH, TRÁ HÌNH xỏ mũi, gạt lừa.

Thầy muốn giúp các em cách học kiến thức, rèn tài năng để bảo vệ danh dự , niềm tin, và tình yêu đời mình.

Không phải học khôn như cách thầy phải học, không phải ngu như thầy đã ngu

Không phải trả giá cao, nặng như cách thầy trả cho người đời.

Nhưng thầy nói, thầy không muốn làm thánh cơ mà. Thế thì thầy được lợi gì?

Lợi nhiều chứ:

Thầy làm cha mẹ thầy tự hào vì biết cái gì là tốt và biết làm điều tốt.

Thầy sống được như thầy mơ ước: chính trực, sảng khoái, say mê.

Có lẻ thầy sẽ không có nhiều tiền nhưng thầy sẽ có nghĩa nhân của nhiều đứa em ruột dẫu KHÔNG- CÙNG- HUYẾT- THỐNG. Chúng ta cùng nhau báo hiếu cho quê hương Việt Nam, làm những đứa con tài năng, đạo đức, nghĩa tình của mẹ Âu Cơ.

Hãy cùng sống cho quê hương các em nhé.

Nguyễn Tôn

Thủ Đức Wednesday June 5, 2019
 
×
Quay lại
Top