Tìm lại bản lĩnh đàn ông nhờ luyện giọng

Newsun

Believe in Good
Thành viên thân thiết
Tham gia
11/11/2008
Bài viết
9.439
VNE-Dù tốt nghiệp đại học loại giỏi, hồ sơ xin việc rất "đẹp" nhưng long đong hơn một năm, Đạt (Từ Liêm, Hà Nội) vẫn chưa xin được việc như ý chỉ bởi lý do duy nhất: giọng nói không truyền cảm.

luyen.jpg

Bác sĩ Nguyễn Duy Dương dùng hai ngón tay ấn nhẹ vào thanh quản trong khi bệnh nhân phát âm - đây là một trong những bài tập giúp người bị rối loạn giọng tuổi dậy th.ì nói được giọng nam thực sự. Ảnh: MT.

"Thật ra là họ nói tế nhị thế thôi, chứ mình biết, họ không chấp nhận được cái giọng 'the thé' như chị của mình", Đạt thất vọng chia sẻ trên một diễn đàn online.
Đạt kể rằng chất giọng ai ái không chỉ khiến anh gặp khó khăn khi tìm việc, mà còn vướng nhiều phiền toái trong học tập và cuộc sống hằng ngày. Từ lúc cấp 3 đến khi học đại học, Đạt luôn bị bạn bè trong lớp trêu trọc và gọi bằng tên Đạt "thé". Dù cũng đẹp trai và luôn đứng đầu lớp về thành tích học tập nhưng dường như Đạt chưa bao giờ là "điểm ngắm" của các bạn gái trong lớp cũng bởi giọng nói của mình.
Cũng từng bị nhiều người, kể cả bạn thân nghĩ mình có vấn đề về giới tính bởi có giọng nói rất thanh, Quân, 23 tuổi (Đại học Bách Khoa, Hà Nội) đã tìm khắp nơi chỗ chữa giọng để chứng minh mình là "đàn ông đích thực".
Quân cho biết, từ 15 tuổi, trong khi đám bạn nam cùng lớp chuyển tông sang giọng trầm thì cậu vẫn giữ giọng nói "thánh thót". Vì vậy, cậu luôn thấy ngượng và càng ít nói hơn. Từ đó trở đi, Quân rất ngại giao tiếp và chẳng dám mơ tưởng đến việc có bạn gái. Quân luôn bị mọi người trêu và hiểu lầm là bị ái nam, ái nữ. Những người nói chuyện với cậu qua điện thoại ai cũng gọi Quân là "chị".

Gần đây, Quân được một người quen giới thiệu đến khám ở Khoa Thanh -Thính học, Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương. Và cả anh lẫn người nhà đã vô cùng ngạc nhiên khi chỉ sau một buổi trò chuyện với bác sĩ, anh đã nói được giọng đàn ông thực sự.
Tiến sĩ Nguyễn Duy Dương,Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương cho biết, Quân là một trong những bệnh nhân bị chứng rối loạn giọng tuổi dậy th.ì và đã được chữa khỏi bằng phương pháp luyện thanh tại bệnh viện.
Theo bác sĩ Dương, trong thời kỳ dậy th.ì, thanh quản của nam thay đổi kích thước, dây thanh dài hơn và cao độ giọng nói giảm một quãng tám để trở thành âm vực của nam giới. Trong một số trường hợp, cao độ giọng nói không giảm mà vẫn như trước mặc dù thanh quản và các đặc tính sinh dục phụ hoàn toàn phát triển bình thường thì gọi là rối loạn giọng tuổi dậy th.ì, hoặc gọi một cách chính xác hơn là âm vực giọng cao (the thé) sau tuổi vỡ giọng.
Bác sĩ Dương cho biết, có nhiều nguyên nhân đưa đến bệnh này. Một trong những trường hợp hay gặp nhất là những người cố gắng duy trì giọng "trẻ con" bởi sợ trở thành người lớn sẽ phải thực hiện nhiều trách nhiệm hơn hoặc mất sự che chở của mẹ. Bệnh nhân thường là con trai một hoặc nếu gia đình có nhiều con thì là con trai duy nhất.
Một số bạn nam vỡ giọng sớm hơn bạn bè cùng tuổi nên cảm thấy ngại và đã cố điều chỉnh để nói giọng trẻ con, trong khi thanh quản dần phát triển theo chiều hướng người lớn. Sự điều chỉnh bất thường đó dần trở thành quen và về sau bệnh nhân thấy không thể nói được bằng giọng nam mặc dù cảm thấy chất giọng hiện tại không phù hợp với mình.
Trẻ có tâm lý yếu đuối và thần tượng một người đàn ông nào đó cũng có thể đưa đến tình trạng cố gắng kéo dài giọng trẻ con. Ngoài ra, sở hữu giọng nam cao (tenor) tự nhiên hoặc có thanh quản nhỏ với dây thanh ngắn cũng là yếu tố thuận lợi cho rối loạn giọng tuổi dậy th.ì...
Tiến sĩ Dương cho biết, hiện nay, luyện giọng là phương pháp điều trị chủ yếu đối với rối loạn giọng tuổi dậy th.ì mặc dù bệnh có căn nguyên liên quan đến yếu tố tâm lý. Đầu tiên, bệnh nhân sẽ được giải thích kỹ lưỡng về bệnh của mình và được hướng dẫn sử dụng hơi thở hợp lý trong khi phát âm. Nội dung luyện giọng bao gồm sử dụng các bài tập đặc hiệu để thay đổi cao độ của giọng nói sang chất giọng nam như ho, đằng hắng, rặn...
Khi đã nói được một vài từ bằng giọng nam, bệnh nhân được hướng dẫn lắng nghe cao độ của chất giọng mới và luyện tập để mở rộng ra nhiều từ, cụm từ, câu ngắn, và câu dài. Người bệnh được khuyến khích đọc sách, báo, nói chuyện với gia đình, bạn bè nhằm làm quen và duy trì giọng mới. Với những từ chưa nói được bằng giọng nam, bệnh nhân được hướng dẫn tập dần dần để bộ máy phát âm có thời gian thích ứng dần.
Theo bác sĩ, thường chỉ sau 1-2 buổi luyện giọng dài 30-45 phút, bệnh nhân đã nói được giọng nam. Sau điều trị vài ngày, họ thường có cảm giác căng cổ, rát nhẹ trong họng và giọng khàn nhẹ. Các triệu chứng này xuất hiện do bộ máy phát âm điều chỉnh lại sau một thời gian hoạt động không hợp lý. Bệnh nhân được khuyên tiếp tục sử dụng giọng một cách bình thường, không lạm dụng giọng, không sử dụng thuốc khi không có chỉ định. Sau 1 - 2 tuần, các triệu chứng khó chịu thường biến mất và bệnh nhân hoàn toàn sử dụng giọng nam giới thực thụ.
Tuy nhiên, khi đã điều trị thành công, một số bệnh nhân có tâm lý xấu hổ sau khi giọng nói đột nhiên thay đổi nên lúc đầu có thể thiếu tự tin trong giao tiếp. Do vậy sự hỗ trợ về tinh thần của gia đình rất quan trọng trong việc duy trì giọng nam. Gia đình và bạn bè cần động viên, khuyến khích bệnh nhân để duy trì kết quả điều trị.
Bác sĩ Dương khẳng định, bệnh này có thể được điều trị tương đối dễ dàng trên các bệnh nhân có động lực muốn thay đổi sang giọng nam thực sự hoặc nếu bệnh nhân đôi lúc có thể nói được một vài từ bằng giọng nam. Đối với các bệnh nhân trẻ tuổi hoặc được điều trị ngay khi rối loạn chưa quá lâu thì sẽ dễ hơn vì các hành vi sai lệch giọng nói chưa trở thành sâu sắc. Chính vì vậy, việc điều trị cần được bắt đầu càng sớm càng tốt sau khi phát hiện bệnh.
Minh Thùy
*Tên nhân vật trong bài đã được thay đổi
 
×
Quay lại
Top Bottom