Tỉ lệ ly hôn tăng cao, tại sao?

hatthoc30

Đang từng ngày lớn lên
Thành viên thân thiết
Tham gia
9/12/2010
Bài viết
2.416

Tỷ lệ ly hôn của những người tự quyết định hôn nhân cao hơn rất nhiều so với những cặp vợ chồng hỏi ý kiến bố mẹ hay do bố mẹ quyết định. Đó là kết quả điều tra về thực trạng gia đình Việt Nam do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa công bố.
Bạn trẻ thường bồng bột

Theo chuyên gia tư vấn tâm lý Mã Ngọc Thể, Giám đốc TT Tư vấn Hoàng Nhân, khi bước vào tình trường, mọi người đều cảm nhận một điều: Không được chung sống với người mình yêu là nỗi buồn đau suốt đời. Có những người đã phải tranh đấu với gia đình để được chung sống với nhau, có người không cam chịu chia lìa đã bỏ nhà chạy theo tiếng gọi con tim.

Nếu cha mẹ, bạn bè, người thân có nêu lên thắc mắc, họ sẽ cùng trả lời: “Chúng tôi rất hiểu nhau và ước muốn được chung sống đến đầu bạc răng long!”. Thời xa xưa, chuyện đó có thể đúng. Còn thời nay, với những mâu thuẫn không thể hàn gắn, nên chỉ một thời gian ngắn người ta đã chán ngán và chia tay.

Tỷ lệ ly hôn đang có chiều hướng gia tăng

Th.S Phạm Mạnh Hà (Đại học KHXH&NV) cho rằng, ngày nay, khi nói tới hôn nhân, các cô gái trẻ thường không suy nghĩ đắn đo, họ cho rằng chỉ cần hai người yêu nhau thì chắc chắn sẽ không có gì có thể cản trở hạnh phúc của họ được.

Do vậy, họ hay phạm lỗi khi quyết định. Có bạn gái chỉ chú tâm vào những người chồng lắm tiền, có địa vị trong xã hội mà quên mất tiền và quyền lực là những thứ không bao giờ tồn tại vĩnh viễn. Họ dùng mọi thủ đoạn để chiếm hữu những người đàn ông đó làm của riêng, mà quên mất nền tảng của một cuộc hôn nhân hạnh phúc phải được xây đắp như thế nào. Đây cũng chính là nguyên nhân khiến cho tỷ lệ ly hôn cao ở những người tự quyết định hôn nhân.

Cha mẹ nhiều kinh nghiệm

Lý giải về vấn đề trước nồng nàn, sau chán ngán của những đôi vội đến với nhau, chuyên gia Mã Ngọc Thể cho rằng, khi bạn trẻ tự quyết định hôn nhân đa phần các quyết định đó dựa trên tình yêu của họ. Mặt khác, do họ chưa được trang bị những kiến thức về hôn nhân nên khi bước vào đời sống vợ chồng, họ không đủ kỹ năng giải quyết những mâu thuẫn mà cuộc sống đặt ra.

Trong khi đó các bậc phụ huynh, vì họ đã từng trải nghiệm nên họ hiểu hôn nhân không đơn thuần chỉ là dựa trên tình yêu. Khi lựa chọn người bạn đời cho con, các bậc cha mẹ thường dựa trên những yếu tố bền vững của hôn nhân như nghề nghiệp, khả năng tài chính và đạo đức con người qua cách ứng xử trong giao tiếp với bố mẹ; thái độ đối với con của mình. Do vậy, bạn trẻ nào biết tham khảo ý kiến của bố mẹ thì cuộc hôn nhân của họ có nhiều khả năng bền vững và hạnh phúc hơn.

...Nhưng thiếu kĩ năng thuyết phục

Mặc dù các bậc cha mẹ thường sáng suốt, trải nghiệm hơn con nhưng không phải lúc nào và không phải bạn trẻ nào cũng biết nghe lời bố mẹ, hoặc tham khảo ý kiến của bố mẹ. Lý giải tình trạng này, Th.S Phạm Mạnh Hà cho rằng, nguyên nhân sâu xa là bởi các bậc phụ huynh chưa biết cách truyền đạt ý kiến của mình một cách mềm dẻo khiến cho con cái cảm thấy mình bị bố mẹ áp đặt dẫn đến việc không nghe lời. Đây là một thực tế phổ biến ở Việt Nam.

Khi góp ý cho con thường họ không đặt cái tôi của mình ngang bằng cái tôi của con để tỏ rõ sự tôn trọng quyền quyết định của con. Ngôn ngữ thể hiện của bố mẹ trong cách chuyển tải mọi vấn đề đến với con, thường họ đứng ở vị thể bề trên để ra lệnh và quyết định. Điều đó khiến cho các bạn trẻ thấy bị tước mất quyền được tự do lựa chọn hôn nhân của mình. Con cái vì thế không lắng nghe, không có thái độ hợp tác, thậm chí phản đối bố mẹ một cách quyết liệt.

Nên đi học về hôn nhân trước khi kết hôn

“Hiện ở Việt Nam đã xuất hiện những lớp học về tiền hôn nhân do các TT Tư vấn tâm lý giáo dục tổ chức. Nhưng những lớp học này chỉ là những buổi thảo luận nhỏ lẻ, mang tính tự phát, chưa phổ biến và chưa trở thành hệ thống.

Các lớp học này trang bị cho giới trẻ những kiến thức về hôn nhân, về giao tiếp trong gia đình về những kỹ năng sống khác như nuôi dạy con trẻ, kỹ năng khi đứa con chào đời, kỹ năng xử lý những khác biệt về người bạn đời...

Các cặp vợ chồng trẻ do không nắm vững các kỹ năng này nên con đường đi tới hôn nhân của họ chủ yếu tự học hỏi từ kinh nghiệm của người khác. Mà kinh nghiệm của người khác đôi khi lại không áp dụng được cho cuộc hôn nhân của mình”.


(Theo Gia đình & Xã hội)

 
×
Quay lại
Top