Một người đàn ông đi ngang cánh đồng và gặp con cọp. Anh ta chạy, cọp đuổi theo.
Chạy đến một vực sâu, anh nắm rễ của một dây leo và nhảy xuống vực. Con cọp đứng trên vực đợi anh.
Run rẩy, anh ta nhìn xuống đáy vực, một con cọp khác đang đợi dưới đáy để ăn anh.
Chỉ có sợi dây leo đang giữ anh lại. Hai con chuột, một trắng một đen, đang gặm sợi dây leo.
Anh thấy một quả dâu chín mọng gần anh. Một tay nắm sợi dây leo, tay kia anh hái trái dâu. Thật là ngọt ngào làm sao.
---
Đây là một tích truyện tương truyền là do đức Phật kể lại. Hai con cọp tượng trưng cho quá khứ và tương lai, sinh và tử. Hai con chuột tượng trưng cho đêm và ngày, và sợi dây leo là đời người.
Mọi người rồi ai cũng phải chết, sinh tử ngày đêm nối tiếp sẽ cắt đứt sợi dây sinh mạng. Không có cách nào để thoát khỏi nó. Quả dâu ở trong hiện tại thì cứ thưởng thức nó thôi.
Nếu hiểu rằng rồi mình cũng sẽ chết, mọi thứ mình làm đều sẽ hư hoại, vậy thì còn gì để lo lắng u sầu? Làm sao phải nghiêm trọng hóa vấn đề?
Vẻ đẹp của các thiền sư là họ thậm chí không quan tâm tới việc ra ngoài sinh tử, thoát khỏi luân hồi. Ung dung tự tại rong chơi khắp các cõi, làm sao phải niết bàn? Làm sao phải thoát khỏi luân hồi? Họ thậm chí xông pha vào địa ngục. Ngay ở đây, họ cứ ngồi ăn dâu, và con cọp đằng nào cũng đuổi tới, cái chết là không thể tránh khỏi, làm gì có ai tránh khỏi mà phải lo?
Thế giới là hỗn loạn, nhưng nó hỗn loạn trong vẻ đẹp của nó, thiền không hề muốn thay đổi thế giới, nó không muốn tạo ra cuộc cách mạng nào. Thiền là chấp nhận mọi thứ trong vẻ đẹp riêng của nó, tuyệt đối bình an và không có chút mâu thuẫn nào. Một thiền sinh sẽ không quan tâm tới việc của người khác, không quan tâm tới thế giới, vì anh ta biết rằng mọi thứ vẫn ổn, cho dù cả thế giới có sụp đổ, thì tâm cũng không mảy may dao động. Và vẻ đẹp, điều kỳ diệu xuất phát từ đó. Chính sự bình an đó của anh ta sẽ mang lại thay đổi, nhưng đó không phải là mục đích, nó là cái tự phát.
Đừng quan tâm nếu thế giới này tỏ ra có quá nhiều điều bất công và phi lý. Đó là chỉ sai lầm trong cái nhìn của bạn, bất kỳ thứ gì xảy ra đều có ý nghĩa của nó, nếu bạn phủ nhận nó tức là bạn phủ nhận sự tồn tại, và hậu quả là bạn phải đau khổ. Mỗi khi bạn cảm thấy đau khổ, mệt mỏi, thất vọng, tức là bạn đang có cái nhìn sai lầm về thế giới. Đức Phật không lẽ không hiểu những điều như bạn đang thấy sao? Chiến tranh, đói kém, bệnh dịch, nghèo khổ... vẫn tồn tại và ông ấy vẫn bình an, không chê trách bất kỳ ai. Đó là điều khiến ông ấy khác bạn, và chính vì ông ấy bình an mà ông ấy mới có thể thay đổi những người xung quanh, thay đổi hoàn cảnh xung quanh. Còn bạn, lăn lộn với ý tưởng cải tạo thế giới, cải tạo bản thân, lại chỉ đang khiến cho mọi sự rối tinh rối mù hơn.
Mọi thứ đều ổn, mặt trời vẫn mọc, chim vẫn hót và hoa vẫn nở. Không có gì phải cố gắng, không có gì phải cải tạo, không có gì để mà tu hành, không có niết bàn cực lạc nào để mà hướng tới.
Hãy cứ làm những việc mà ta yêu thích, tận hưởng cuộc sống này mà không cần quan tâm tới kết quả.
Quả dâu vẫn luôn ở đây thôi.
- Vương Quang Vũ