"Thị Nở" nhà tôi với ngày của phụ nữ

Newsun

Believe in Good
Thành viên thân thiết
Tham gia
11/11/2008
Bài viết
9.439
Có nhiều cách để cánh đàn ông bày tỏ tình cảm với người phụ nữ thân yêu nhất của mình, nhất là vào những dịp kỷ niệm. Bài viết với tất cả yêu thương trìu mến này có lẽ là bó hoa vô giá tác giả tặng cho "Thị Nở" của mình....
Vào một dịp "ngày của chị em" đã lâu rồi, trên đường đi làm về, tôi chọn một bó hoa đẹp nhất sạp, lựa loài hoa, màu hoa cẩn thận để tặng vợ. Lòng hân hoan, tưởng tượng ra cảnh gương mặt vợ rạng rỡ, nhìn chồng t.ình tứ, tràn ngập hạnh phúc: “Em cảm ơn anh”.
Nhưng chẳng hiểu sao, về đến nhà, thị trân trân nhìn tôi đang ôm bó hoa như nhìn một sinh vật lạ. Tôi trao hoa cho thị, nhe răng ra:
- Anh tặng em…
Mặt thị tái đi, thị lùi lại. Thị bước sang phải nửa bước cho thẳng với lối thoát ra cửa rồi rón rén bước lên một bước, rất là cẩn thận, sờ lên trán tôi xem có bị làm sao không. Hình như thị còn định dắt lũ trẻ con ù té chạy hay sao ấy. Thực ra, sau này tôi mới nhớ lại như thế chứ lúc ấy, tôi không để ý. Tôi biết là mình không bị điên, điều đó tôi rõ lắm. Bằng chứng là chương trình phát thanh do tôi biên tập hôm ấy được sếp ký duyệt cái roẹt, chỉ thêm mỗi một dấu phảy.
634172-20121019162430-chipheothino.jpg

Có vẻ cháy kịch bản đến nơi nhưng tôi cố vớt vát:
- Anh tặng em nhân ngày Phụ nữ Việt Nam. Anh chúc em…
Có lẽ lúc này, thị mới để ý đến chuyện ngày mai là 20/10. Thị nhìn bó hoa, dửng dưng:
- Bao nhiêu?
Với người khác có lẽ tôi phải hỏi lại xem bao nhiêu cái gì? Bao nhiêu bông hoa hay mất bao nhiêu thời gian để chọn nó. Nhưng với thị, tôi biết chắc là thị hỏi đến giá tiền. Tôi đã định khai rút đi nhưng chợt nghĩ, mình vẫn dạy con không được nói dối nên đành khai thật với thái độ của đứa trẻ mắc lỗi:
- Năm chục.
Thị buông một câu:
- Phí tiền.
Thị xót. Khổ thân thị chưa. Năm chục nghìn hồi ấy vào tay thị thì đã đong được hơn một yến gạo hoặc mua được một cân rưỡi thịt.
Thằng Nhỡ muốn giải thoát bố khỏi tình cảnh ấy; nó đỡ lấy bó hoa cắm vào lọ, bảo:
- Mẹ xem này, hoa đẹp chưa. Bố con khéo chọn nhỉ.
Có lẽ thị biết là mình lỡ lời. Đằng nào thì cũng mua rồi. Vả lại, ngoài việc tiếc tiền ra thì thị vẫn cảm nhận được tình yêu của chồng. Thị ngồi xuống ngắm:
- Ừ, hoa đẹp đấy. Nhưng cái Nhớn về, cứ bảo là bố mua cho hai mẹ con nhé.
Thị nhắc rất khéo về sai sót của tôi. Nhưng thị không muốn để tâm lý băn khoăn về việc ấy kéo dài. Thị xuê xoa, hóm hỉnh:
- Em cứ tưởng anh tặng con bé nào, nó không nhận rồi mang về tặng vợ chứ.
Còn một lần nữa tôi tặng hoa cho vợ. Đó là dịp kỷ niệm ngày cưới. Không thấy kêu phí tiền nữa nhưng thị nói trong thổn thức:
- Thôi, từ nay anh đừng tặng gì cho em nữa. Anh đã tặng cả cuộc đời anh và tất cả những gì anh có được cho em rồi còn gì. Tình cảm của anh, em cảm nhận được hàng ngày mà.

Lần này thì đến lượt tôi ngạc nhiên. Đấy là câu nói văn hoa duy nhất của thị kể từ ngày chúng tôi lấy nhau cho đến lúc ấy.

Ngoài hai lần tặng hoa ấy ra, tôi chẳng tặng cho vợ cái gì cả, trừ mấy món quà nho nhỏ nhưng là khi còn đang chim chuột thị. Bảo là tôi không ga lăng, không quan tâm đến vợ thì oan cho tôi quá. Điều cốt lõi của chuyện này là tôi không bao giờ giữ tiền riêng, còn thị thì không muốn phí tiền vào những thứ mà thị cho là phù phiếm khi vợ chồng còn chật vật. Tiền lương hay khoản thu nhập thêm nào đó, tôi đều đưa hết cho vợ. Thấy tôi cần gì, thị mua về, kể cả thuốc lá và những lon bia. Tôi đi đâu thì thị đưa tiền cho, kể cả đi dự sinh nhật, tặng quà cho bạn nữ. Thị cũng không cần hỏi tiêu gì, còn bao nhiêu. Còn tôi cứ lôi ra cả nắm tiền lẻ còn lại đưa hết cho thị. Cái đó đã thành thói quen.

Chuyện đóng học, may sắm cho con cũng chẳng vì thế mà ảnh hưởng vì thị chăm cho chúng lắm. Tôi vừa đỡ phải giữ tiền, vừa giải tỏa được nỗi nghi ngờ của vợ.

Điều quan trọng là thị thấy mình có quyền. Khi giữ tiền, thị cảm thấy đó là tiền của thị, chi tiêu trong nhà hoàn toàn do thị quyết định. Vì vậy, thị phải lo cho cái túi tiền của thị. Chồng đã thế, thị không lo thì ai lo. Nếu tôi không mua bó hoa năm chục nghìn thì có phải số tiền ấy vẫn còn trong túi của thị không. Lấy tiền của thị để mua quà tặng thị là một điều vô nghĩa.

Chính vì thế mà thị khổ nhưng hình như thị không bao giờ để ý. Có lần lĩnh được hai triệu tiền nhuận bút, tôi không đưa cho thị mà rủ thị đi siêu thị, bắt thị mua sắm cho bằng hết. Thứ thì thị chê xấu, thứ chê đắt. Cuối cùng, thị chọn hai món đồ nho nhỏ, hết một trăm nghìn. Vậy là túi tiền của thị tăng thêm được một triệu chín nữa.

Trong suy nghĩ của thị, cái ăn mới là thiết thực. Nó cung cấp dinh dưỡng cho con người ta. Cái gì thị cũng sợ thiếu. Nhà có việc, y như rằng thừa mứa thức ăn. Bữa sau, thị chỉ mua thức ăn cho chồng và lũ trẻ, còn thức ăn cũ thì thị hâm lại, ăn rất ngon lành. Còn mặc ư? Theo thị, áo quần không thể mang lại chất bổ cho con người. Dù có đẹp hay xấu, nó cũng không làm cho con người thị khác đi. Nhưng với chồng con thì khác, nhìn chồng con mặc đẹp thị cũng thấy tự hào vì đấy là bộ mặt của thị.

Thị có một cái áo khoác dài ngang đầu gối, kiểu như áo ba-đờ-xuy của ông Tây ngày xưa. Nguyên cái áo ấy trước đây thị mua cho cái Nhớn, sau nó chê lỗi mốt, bỏ đi. Thị không dám vứt. Thị chỉ biết là thị mua cho nó hết nửa chỉ vàng. Ai lại vứt nửa chỉ vàng đi bao giờ. Thị tiếc, trong khi đem cho chưa chắc đã có ai nhận. Mà giá có ai chịu nhận thì thị đã không tiếc. Vì vậy, cái sứ mạng không được lãng phí đặt lên vai thị. Mùa rét, đi đâu thị cũng mặc nên tôi gọi cái áo ấy là áo Trạch Văn Đoành. Thoạt đầu, thị không hiểu nên không nói gì. Đến khi tôi đưa truyện ngắn Trạch Văn Đoành ra cho thị đọc, bị thị chửi cho một trận. Thị dí ngón tay trỏ vào trán tôi làm tôi suýt ngã ngửa, may có thành ghế đỡ được:

- Em không thấy cái thằng nào đểu như anh.

Rồi thị cấu, thị véo vào sườn chồng, cười rinh rích, có vẻ như hãnh diện về cái áo của mình lắm.


Không phải là thị không có áo mới. Hôm tết vừa rồi, cái Nhớn học ở bên Hàn về, mua tặng mẹ cái áo khoác rất đẹp, bị thị mắng cho:

- Tao không cần, mày để mà mặc. Phí tiền (lại điệp khúc phí tiền).

Cái Nhớn phải van nài:

- Con mua rẻ ấy mà, tính ra tiền Việt chỉ ngang với… năm mươi nghìn thôi.

Mãi rồi thị cũng chịu nhận nhưng cất đi. Có lẽ thị đợi đến khi nào cái áo Trạch Văn Đoành nát mới chịu lôi cái áo kia ra dùng. Mà 20 năm nữa chưa chắc đã nát vì nó bền lắm.

Thị lấy cái sự tự làm khổ mình để tự hào. Lúc nào, thị cũng cậy mình nhà quê. Thị cho như thế là hay ho lắm. Đấy là điều tôi ghét nhất. Có cho thị sang Mỹ sống vài chục năm thì vẫn cứ thế thôi.

Tường Thụy
Vietnamnet
 
×
Quay lại
Top Bottom