Thế nào là bệnh xã hội đọc và suy ngẫm

none38

Thành viên
Tham gia
29/7/2015
Bài viết
4
Chữa bệnh cho xã hội


Lâu nay ta luôn quan niệm rằng, cứ hễ Tết đến là tràn ngập những ngày vui, là tiếng nô đùa của những đứa trẻ súng sính trong bộ đồ mới, là những câu chúc an lành, là không khí quay quần gia đình sum họp, bạn bè thân mật… Tuy nhiên, thật không may thay, dịp Tết cũng là lúc những ca đánh nhau tăng đáng kể, ăn Tết chưa thật “kỹ” thì phải “đua” nhau chạy vào viện. Thế thì Tết còn đâu là những ngày tràn ngập sắc vàng?

Theo báo cáo chính thức của Bộ Y tế, trong những ngày nghỉ Tết từ ngày 15 đến 22/2 (27 tháng chạp đến mùng 4 Tết) đã có trên 6.200 người phải vào viện do đánh nhau, trong đó đã có 15 người tử vong, một con số dễ khiến nhiều người giật mình. Con số này có thể nói dù sao cũng chỉ là thống kê nhưng theo tôi, cái kinh hoàng đó chính là hậu quả trên bình diện xã hội lâu dài.

Sẽ không thể trách cho một xã hội công nghiệp lúc đầu sẽ làm cho con người nhanh hơn, vội hơn. Một xã hội đang phát triển sẽ tạo cho con người ta nhiều áp lực, thách thức nhưng sẽ không đồng nghĩa với việc con người có quyền hung hãn hơn trong việc giải quyết các mâu thuẫn, xung đột bằng nắm đấm.

Nhiều người cho rằng, nguyên nhân cho con số 6.200 là “văn hóa nhậu”, với những luận điểm mà họ đưa ra: Tâm lý truyền thống ngày Tết phải có chén rượu mới vui đã khiến cho nhiều người rơi vào trạng thái say xỉn và không kiềm chế được hành vi của mình. Trong trạng thái đó, người ta mượn rượu để làm càn. Từ những việc nhỏ trong cuộc nhậu như mời rượu không uống, uống ăn gian, lời qua tiếng lại, nhìn đểu, nói lớn tiếng, nặng lời cũng thành đánh nhau hết sức vô duyên cớ…
Theo quan điểm của cá nhân tôi, có rất nhiều nguyên nhân cộng lại dẫn đến những hành vi này, nhưng nguyên nhân sâu xa là do văn hóa trong cách ứng xử của bộ phận không nhỏ con người Việt Nam hiện đại đang bị lệch chuẩn, xuống cấp nghiêm trọng. Đặc biệt là ở giới trẻ, sẽ không nhạc nhiên nếu trong con số 6.200 trường hợp nhập viện nêu trên, giới trẻ chiếm một tỷ lệ đáng kể. Vậy đâu là nguyên do cho những lệch chuẩn, xuống cấp đó ?

Nếu trước kia gia đình Việt Nam thường rất cầu kỳ, chỉnh chu, nắn nót trong giáo dục con trẻ, thì ngày nay, đại bộ phận các thành viên trong gia đình đang bị “giằng xé” bởi một loạt các mối quan hệ xã hội, mải mê lo làm ăn, họ ít quan tâm tới nhau hơn, phó mặc giáo dục con em họ cho nhà trường, cho xã hội nhiều hơn. Nhưng nhà trường lại chỉ lo dạy “chữ”, ít quan tâm đến dạy người hơn. Người ta đang trở nên chuyên nghiệp hơn đối với bài giảng của họ, chuyên nghiệp hơn đối với hoạt động tìm cách “bán” cái năng lực dạy học, dạy chữ của họ để có thu nhập nhiều hơn là chăm lo đến nhận thức, đạo đức của học sinh.

Thế nên, ngay từ đầu giới trẻ đã không được giáo dục đầy đủ, những hành vi lệch chuẩn cứ thế tiếp diễn, mà cụ thể là tình trạng bạo lực học đường, một số cá nhân cho rằng đó là sự phát triển tự nhiên về tâm sinh lý của giới trẻ. Tuy nhiên, nếu xét theo hành vi diễn tiến không được kiểm soát điều chỉnh thì chả có lý gì người ta lại ít bạo lực hơn khi người ta càng trưởng thành.

Thế thì cộng tất cả chúng ta có được “bức tranh” chung của giới trẻ hiện nay khá phức tạp. “Lỗ hổng” trong giáo dục văn hóa cho giới trẻ là nguyên nhân dẫn đến những hành vi lệch chuẩn trong ứng xử, giải quyết các mâu thuẫn thiếu văn hóa của họ.

Điều quan trọng bây giờ là phải làm sao để khắc phục tình trạng trên?

Giáo dục con người là cả một kế hoạch dài hơi, đòi hỏi phải có sự phối hợp giữa gia đình, nhà trường và xã hội. Cụ thể, ngoài việc mỗi người phải tự trang bị những kỹ năng sống, giá trị sống để định hướng hành vi, ứng xử thì hãy định hướng cho các bạn trẻ việc lựa chọn hoạt động vui chơi giải trí trong những dịp lễ Tết chứ không nên cứ nhất nhất là “có rượu mới vui”.

Chúng ta thường nói vui là “chữa bệnh” cho xã hội. Thế thì trong trường hợp này với con số 6.200 ca nhập viện nêu trên thì vấn đề không dừng lại ở “kê toa” mà phải là “bốc thuốc”, “cấp thuốc”. Trong y tế, bệnh nặng thì dùng thuốc tây, thậm chí nếu thuốc không được thì phải tiến hành nhiều biện pháp khác mạnh hơn để cứu chữa. Vì thế theo tôi, trước mắt để “cứu chữa” ca này bên cạnh việc giáo dục dài hơn, chúng ta phải tăng cường các hình phạt nghiêm minh hơn, đủ sức răn đe hơn đối với các hành vi ẩu đả, đánh nhau; để thói côn đồ, hung hãn trong cách giải quyết mâu thuẫn bị đẩy lùi.

Nếu “đông – tây y kết hợp” – giáo dục và pháp luật, thì sẽ không còn chỗ cho những hành vi lệch chuẩn trong mỗi con người và hạn chế rất nhiều những vụ ẩu đả như trên.
 
×
Quay lại
Top Bottom