Tây ăn Tết ta

ly quoc

I'm fine!
Thành viên thân thiết
Tham gia
18/4/2013
Bài viết
12.616
Không khí mùa xuân đang lan tỏa khắp mọi miền, những du khách quốc tế đến TP HCM vào dịp này cũng đang hòa mình vào không khí ấy để trải nghiệm và hiểu hơn về văn hóa đón năm mới của người dân nơi đây.


Phố Tây ở TP HCM được người dân gọi chung cho khu vực đường Phạm Ngũ Lão, Đề Thám, Bùi Viện (quận 1), nơi tập trung phần lớn khách nước ngoài đến lưu trú.

Đến phố Tây trong những ngày đầu năm Bính Thân, chúng tôi có thể nhận thấy một khung cảnh khác lạ so với ngày thường. Không còn một khu phố Tây ồn ào, náo nhiệt như thường lệ mà thay vào đó là những con phố đầy đèn hoa rực rỡ nhưng lại yên ắng như bao khu phố khác.

Trước những cửa hàng, quán cà phê, khách sạn, quán bar và nhà hàng, một vài người Tây và người Việt nhấm nháp tách cà phê nóng, trò chuyện cùng nhau, thong dong tận hưởng không khí se lạnh hiếm hoi của Sài Gòn.




Phố Tây lặng lẽ hơn trong những ngày Tết Nguyên đán


Matthew Bernard, du khách người Pháp cho hay đây là lần thứ hai ông quay lại TP HCM. Đây là lần đầu tiên ông được ăn Tết cổ truyền của người Việt Nam. Điều khiến Matthew thích thú nhất là vào những ngày này, khi ra đường gặp nhau, dù không quen biết nhưng ông thấy mọi người đều chào hỏi nhau vui vẻ như người thân quen vậy.

Một ấn tượng nữa với Matthew là hoa tươi có ở khắp mọi nơi, có cả một con đường trải dài đầy hoa và ai ai dạo chơi trên đường hoa cũng mặc đồ truyền thống rất đẹp. Tuy nhiên, điều khiến ông bối rối là trong dịp này, một số quán quen thuộc mà ông biết đóng cửa liền 3-4 ngày khiến ông phải vào một số quán mới và giá cả thì cao hơn hẳn.

Nhưng bù lại, Matthew hào hứng cho biết ông đã được người chủ khách sạn mời về nhà ăn Tết. Tất cả các món ăn đều rất ngon và được trình bày rất đẹp mắt. Ông có thể kể tên các món bánh chưng, bánh tét, chả lụa, chả giò, …và rất nhiều món nữa mà ông không nhớ hết.

Matthew nói:

“Nếu có điều kiện trở lại Việt Nam vào năm sau, ông sẽ rủ thêm bạn bè đi đúng vào dịp Tết Nguyên đán.”

Muốn quay trở lại Việt Nam vào dịp Tết Nguyên đán là mong muốn của nhiều du khách khi đến Việt Nam trong những ngày này. Với họ, được tìm hiểu và cảm nhận một cách thực sự về hương vị Tết của người Việt Nam, cũng như sự thân thiện và hiếu khách của con người nơi đây là một trải nghiệm khó quên.

Thế nhưng, bên cạnh sự trải nghiệm thú vị, chị Annika, du khách người Đức cũng đã chứng kiến một câu chuyện để lại cho chị một ấn tượng buồn.




Annika và Christian tham quan đường hoa Nguyễn Huệ


Đó là ngày cuối cùng trước thềm năm mới, Annika cùng bạn trai là Christian đang tham quan khu chợ hoa ở công viên 23/9.

“Khu chợ nhuộm hồng cả một góc công viên bởi hàng trăm ngàn cây đào. Đó là một khung cảnh tôi sẽ không bao giờ quên được”

– Annika nói. Thế nhưng, đến chập tối, người ta liền chặt hết số hoa đào chưa bán được rồi vứt lên xe chở rác.

“Ban đầu chúng tôi không thể hiểu được chuyện gì đang diễn ra, vì trên khuôn mặt của những người đó đầy vẻ đau khổ, có một người phụ nữ vừa ôm hoa bỏ lên xe rác vừa khóc”

– Annika không giấu được vẻ xúc động khi kể lại. Sau đó, khi hỏi thăm những bạn trẻ xung quanh, Annika và Christian mới hiểu được, những người bán thà chặt bỏ hoa chứ nhất định không bán rẻ vào phút cuối.

“Chúng tôi có thể hiểu được tại sao họ buộc phải làm vậy. Nhưng dù sao đó cũng là một cảnh tượng buồn, không đáng có trong một không khí tươi vui nháo nhiệt như thế này”

– Annika chia sẻ.

Không còn bỡ ngỡ như lần đầu đến Việt Nam cách đây ba năm, đối với Sonia Annushka (quốc tịch Nga), đây đã là cái Tết thứ hai cô trải qua với gia đình chồng ở khu Tân Định, Q.1. Sonia cho biết cô rất thích Tết vì đây là khoảng thời gian cô có thể chạy xe máy an toàn khắp mọi nơi ở Sài Gòn. Tết còn là dịp để Sonia học thêm về những món ăn cổ truyền của người Việt.

“Tôi thích nhất là gói bánh chưng vào dịp Tết. Dù gói bánh chưng rất khó và phải mất công chuẩn bị nhiều thứ, nhưng quan trọng nhất là tất cả các thành viên trong nhà đều tham gia. Điều đó làm tăng sự gắn kết giữa các thành viên trong gia đình”

– Sonia chia sẻ.

Cũng có một vài việc diễn ra trong dịp Tết khiến Sonia cảm thấy lạ lẫm. Khi đi thăm viếng họ hàng, cô luôn được thết đãi nhiều món ăn ngon. Dù đến đúng hay không đúng bữa thì chủ nhà luôn dọn ra một mâm cơm thịnh soạn và các vị khách mặc nhiên không được từ chối. Vì thế, việc ăn uống liên tục trong những ngày Tết khiến Sonia cảm thấy không thoải mái.

“Tôi có cảm giác mỗi ngày cân nặng lại tăng lên một chút. Dù biết đó là truyền thống hiếu khách của người Việt nhưng ăn nhiều như vậy không tốt cho sức khỏe chút nào”

– Sonia nói.

Ngoài ra, Sonia rất ngạc nhiên khi ở mọi gia đình cô đến, việc bếp núc dường như hoàn toàn phụ thuộc vào người phụ nữ, còn cánh đàn ông chỉ ngồi ăn, uống bia và tán gẫu ở phòng ngoài, trái hẳn với tập quán phương Tây.

“Nhưng sau đó tôi nhận ra rằng họ không bao giờ than phiền về chuyện đó, trái lại luôn tỏ ra vui vẻ và hạnh phúc khi nấu nướng. Có lẽ bởi đó là truyền thống của phụ nữ Việt Nam”

– Sonia nhận xét.

Hỏi chị có thấy nhớ cái Tết của châu Âu, được tự do đi chơi mà không phải bận rộn với việc bếp núc, thăm hỏi chúc Tết họ hàng, Sonia vui vẻ đáp:

“Mỗi nơi đều có một cái vui riêng. Sự bận rộn của ngày Tết Việt Nam cũng khiến mình cảm thấy hạnh phúc vì được thể hiện tình cảm, sự quan tâm, yêu thương của mình đối với người thân. Ở Nga, sự bình đẳng đôi khi làm người ta trở nên xa cách hơn. Còn ở đây, tôi luôn nhận được sự quan tâm, giúp đỡ từ bố mẹ, họ hàng bên chồng, thậm chí cả từ những hàng xóm xung quanh. Ngày Tết cũng là dịp để mình đáp trả những tấm lòng ấy”.

Theo Petro Times
 
×
Quay lại
Top Bottom