Những người không thể về quê ăn Tết

Newsun

Believe in Good
Thành viên thân thiết
Tham gia
20/4/2008
Bài viết
9.433
Trong khi các bạn cùng phòng đã dọn đồ đạc về quê từ hôm 20 tháng chạp thì Trung ở lại TPHCM một mình và vác một thùng mì ăn liền về đón Tết.

Được nghỉ học hơn 3 tuần nhưng Trung (sinh viên ngành kinh tế) không về quê mà ở lại thành phố kiếm việc làm thêm. Ngoài chân phục vụ bàn ca chiều tại một quán ăn, Trung còn nhận thêm việc thu dọn nhà cửa, vận chuyển đồ đạc để tăng thêm thu nhập. Quán hàng nơi cậu làm việc vẫn mở cửa trong suốt dịp Tết, tiền công dịp này được chủ quán trả cao hơn ngày thường.

Quê ở miền Trung, mấy trận bão trong năm tàn phá hoa màu, cây cối và cả nhà cửa khiến bố mẹ Trung không có tiền gửi vào cho cậu đóng học phí. Năm nay, gia đình Trung không có Tết, bố mẹ không dám mua sắm gì vì vẫn đang lo khoản nợ ngân hàng. Trung đã xin tạm ứng lương từ hôm 20 tháng chạp để gửi về quê cho bố mẹ hai triệu. Đây là năm đầu tiên ăn Tết xa nhà nhưng cậu không buồn vì đã có công việc làm niềm vui. “Có lẽ, đêm giao thừa em sẽ đi xem pháo bông. Nhà ở sâu trong thôn xã, chưa bao giờ em được xem đốt pháo bông ngoài trời”, Trung cho biết.

1510846-648517661878384-202834-8071-4415-1390545524.jpg

Ảnh minh họa: Sơn Hà

Cũng vì tiết kiệm chi phí mà vợ chồng chị Lý (công nhân khu chế xuất Tân Thuận, quận 7, TP HCM) quyết định đón Tết tại phòng trọ. Bà chủ nhà cho quà Tết là dầu ăn và nước mắm, công ty vợ cho nước ngọt, công ty chồng cho bánh kẹo, mua thêm thực phẩm, sắm cho cả nhà mỗi người một bộ quần áo, vậy là chị chuẩn bị xong cái Tết với chưa đầy 2 triệu đồng.

Nếu về quê, vợ chồng chị sẽ mất hai tháng lương cho tiền tàu xe, mua quần áo rét và quà biếu họ hàng, sẽ chẳng có đồng nào để biếu bố mẹ. Ở lại thành phố, anh chị có 4 triệu đồng gửi biếu bố mẹ hai bên. Ngày Tết, vé ôtô từ TP HCM về quê anh chị ở Thái Bình tăng lên gấp đôi ngày thường (dao động từ 1,1 đến 1,5 triệu), trong khi lại phải xin nghỉ làm, sẽ mất mấy ngày công.

Sợ giao thông ngày Tết, sợ lạnh là lý do mà dù vào TP HCM làm việc được 5 năm nhưng vợ chồng chị Nga chỉ đưa con về Bắc vào dịp Tết đúng một lần. Nhà chị ở thành phố Hải Dương, còn nhà chồng ở Thái Nguyên, đương nhiên đã về quê là phải chạy đủ cả hai nơi, tính đường đi từ Thái Nguyên về Hải Dương khiến chị rùng mình vì chị vốn say xe.

Nhớ lại Tết Nhâm Thìn, cậu con trai quen với thời tiết nắng ấm về quê không chịu được lạnh nằm ốm khật khừ, anh chị chẳng đi thăm được bà con họ hàng hay bạn bè. Sau lần đấy, chị quyết định những chuyến về quê sẽ diễn ra vào mùa hè, hành lý cũng giảm đi được đáng kể vì không phải mang theo quần áo rét.

“Có thể sau này Bin lớn, mình sẽ cho cháu về quê vào đúng dịp Tết để biết không khí đón xuân miền Bắc thế nào, còn bây giờ thì quá sợ cảnh phải chăm con ốm. Đi tìm bác sĩ cũng khó. Bà nội, bà ngoại cũng gọi điện dặn dò đừng cho nó về dịp này nữa vì miền Bắc đang lạnh lắm", chị Nga kể.

Sinh được 4 người con, năm nay là năm đầu tiên ông bà Chính (Hà Nam) ăn Tết mà chỉ có hai thân già với nhau. Cô con gái cả lấy chồng cách nhà 25 km, bình thường sống ở nhà bố mẹ đẻ để đi làm cho tiện, cuối tuần mới về nhà chồng. Tuy nhiên, đến Tết thì ngược lại, cô phải quán xuyến việc bên nội và chỉ đưa con đến chào ông bà ngoại vào chiều mồng 1 ngày mồng 2. Cô gái út năm nay lần đầu làm dâu, về ra mắt nhà chồng ở Tây Nguyên, lịch về nhà bố mẹ đẻ là sau rằm tháng giêng. Cậu thứ hai đang đi xuất khẩu lao động ở Hàn Quốc. Cậu ba công tác trong quân đội, Tết phải trực cũng không về.

Bà Chính chép miệng: “Sinh bốn đứa con, hai thằng con trai, chưa bao giờ nghĩ đến việc đêm giao thừa chỉ có hai ông bà già với nhau, thế mà bây giờ lại thành sự thật. Tuy cũng thấy buồn nhưng chẳng thể trách bọn trẻ được. Con cái về quê ăn Tết cùng là vui, nhưng với vợ chồng tôi, quan trọng nhất là cuộc sống của các con được hạnh phúc, đầy đủ”.

Thạc sĩ tâm lý Phạm Thị Phương từng trải qua nhiều cái Tết không thể về quê cùng bố mẹ khi chị đi du học rồi làm việc ở nước ngoài. Theo chị, tâm lý của những người con xa nhà hướng về quê nhiều nhất trong dịp Tết, bởi đó là ngày mang đặc trưng nhiều nhất của dân tộc. Còn cha mẹ, trong những ngày này cũng mong ngóng con cái nhiều hơn bất kỳ ngày nào trong năm. Nếu không thể về ăn Tết cùng cha mẹ, bạn hãy nhớ gọi điện chúc Tết cha mẹ ngay sau giao thừa, còn quan trọng hơn cả việc gửi quà Tết về cho cha mẹ.

Chuyên gia tâm lý Hồ Thị Tuyết Mai (Trung tâm tư vấn Tình yêu - Hôn nhân - Gia đình, tổng đài 1088 Bưu điện TP HCM) cũng đồng quan điểm, Tết là kỳ nghỉ lễ quan trọng trong năm, là dịp để cả gia đình gặp mặt. Tuy nhiên, không phải ai cũng có điều kiện về quê đoàn tụ. Vì vậy, hãy xuất phát từ hoàn cảnh thực tế của gia đình mình mà chọn phương án tốt nhất. Bà cũng khuyên, nếu quá khó khăn về kinh tế, bạn có thể ở lại nơi làm việc và thể hiện lòng hiếu thảo bằng những món quà giá trị về mặt tinh thần, như viết một bức thư tay bày tỏ niềm trăn trở không thể về quê trong dịp Tết cổ truyền, hứa với bố mẹ sẽ cố gắng dành dụm tiền bạc để năm sau hưởng trọn cái Tết ấm cúng với ông bà…

VnExpress​
 
×
Quay lại
Top