Tâm sự của bạn cùng lớp về Trung Hiếu - Amser viết bài văn "lạ"

co3la_lucky_leaf92

Thành viên thân thiết
Thành viên thân thiết
Tham gia
9/4/2011
Bài viết
955
Cùng lắng nghe những lời chia sẻ rất chân tình của Dũng - một cậu bạn cùng lớp và hay nói chuyện với Hiếu nhé.
Từ những giờ học văn thú vị …


Bài văn của bạn Nguyễn Trung Hiếu lớp tôi - lớp 11 Lý 1 trường Hà Nội Amsterdam - đã gây xúc động cho hàng ngàn trái tim bạn đọc trong hai ngày vừa qua. Trong những ý kiến comment trên mạng, có những độc giả đã đánh giá cao khả năng viết văn của một học sinh chuyên Lý và bày tỏ sự đồng tình về cách ra đề văn nghị luận của cô giáo dạy văn lớp chúng tôi. Quả thật, với “dân chuyên khối A” chúng tôi thì môn Ngữ văn chưa bao giờ là “môn chính” và việc đạt điểm cao môn văn thật chẳng dễ dàng. Song, rất may mắn là cô giáo dạy văn của chúng tôi – cô Đặng Nguyệt Anh là một cô giáo nghiêm túc và có lúc nghiêm khắc, nhưng cô luôn mang đến cho chúng tôi những giờ học văn thoải mái, dễ tiếp thu, phù hợp với lớp chuyên Lý mà vẫn sâu lắng và thú vị. Đặc biệt, những đề văn nghị luận xã hội cô ra cho chúng tôi viết thường là những đề mở về những chủ đề gần gũi, hữu ích với tuổi học trò, tạo cơ hội cho chúng tôi được bày tỏ những suy nghĩ, cảm xúc của mình.


111108dshieu02.jpg

Hiếu và bài văn "lạ".


Có một bài văn cô muốn đọc cho cả lớp cùng nghe.” – câu nói của cô Nguyệt Anh bắt đầu tiết học hôm đó, một tiết trả bài tập làm văn đầu tiên ở lớp 11 mà có lẽ tôi sẽ không thể nào quên được. Cô cho chúng tôi chọn một trong 2 chủ đề để làm bài (tình yêu học đường và quan điểm về vai trò của đồng tiền trong cuộc sống). Dù cô đã hướng dẫn đề tài đồng tiền từ năm lớp 10, thế nhưng tôi đã chọn tình yêu học đường vì đề tài gần gũi mà lại rất dễ viết, bày tỏ được những suy nghĩ của mình, chứ không dám chọn đề tài còn lại, bởi ngay cả nhận thức về giá trị đồng tiền của tôi còn chưa trọn vẹn. Và hầu hết các bạn lớp tôi cũng chọn đề tài tình yêu. Thế nhưng, khi nghe bài văn của Hiếu, tôi không khỏi xúc động và bất ngờ. Bất ngờ bởi hình ảnh Trung Hiếu trẻ con và hồn nhiên trong tôi đã được thay thế bằng một người bạn “già dặn” với những suy nghĩ vô cùng sâu sắc. Bất ngờ cũng bởi Hiếu đã chọn đề tài đồng tiền mà hầu như không ai chọn. Có lẽ, chính những gì Hiếu đã trải qua và chứng kiến đã thôi thúc bạn viết ra những suy nghĩ thực của mình. Bất ngờ hơn nữa khi đề bài yêu cầu viết theo thể nghị luận, thế nhưng Hiếu đã viết một bức thư, một bức thư cho mẹ. Từng câu văn, lời nói trong bức thư đều khiến tôi ngỡ ngàng trước hoàn cảnh éo le mà gia đình bạn gặp phải cũng như những tình cảm quá đỗi sâu nặng và chân thành mà bạn dành cho người mẹ thân yêu của mình. Bất giác tôi nhìn ra chỗ Hiếu nhưng bạn không có ở đó, về sau tôi mới biết rằng cô đã tế nhị nhờ bạn đi photo để cô có thể đọc cho cả lớp nghe bài văn. Tôi ngước lên, thấy cô đã khóc từ lúc nào, mấy đứa xung quanh tôi mắt cũng đã đỏ hoe. Cả lớp chỉ biết lặng đi khi cô đọc xong bài văn, mọi người đều không thể kìm nén nổi cảm xúc của mình.

111108dshieu03.JPG

Hiếu và cô giáo chủ nhiệm.


… đến một tổ ấm đầy tình yêu thương


Trong tập thể 11 chuyên Lý, cũng có rất nhiều bạn có hoàn cảnh khó khăn. Các bạn cũng luôn nhận được sự quan tâm giúp đỡ của các thầy cô, các bác phụ huynh và mọi thành viên trong lớp. Trước khi được nghe bài tập làm văn của Hiếu, chúng tôi cũng biết phần nào về gia cảnh nhà bạn. Có lẽ cảm nhận được sự chia sẻ chân tình của mọi người, Hiếu luôn cố gắng để vươn lên trong học tập.


Sau giờ trả bài hôm đó, tôi đã suy nghĩ rất nhiều về bài văn của Hiếu và nhận thấy rằng mình muốn, cần và phải làm điều gì đó cho Hiếu. Tháng 10 là sinh nhật bạn, chính xác hơn là ngày 19/10. Tôi và mẹ quyết định đến thăm gia đình Hiếu. Ra mở cửa đón chúng tôi là mẹ bạn với dáng người nhỏ bé, gầy gò. Lúc đó, nhà có đủ năm thành viên: ông bà, bố mẹ, Hiếu và thêm tôi với mẹ là bảy cùng ngồi trong một căn phòng khoảng 15 mét vuông trên một chiếc gi.ường và vài chiếc ghế con. Có lẽ, căn phòng đó vừa là phòng khách, vừa là nơi ăn uống sinh hoạt chung và cũng là nơi để ngủ mỗi tối của gia đình. Thấy tôi, Hiếu vội chạy tọt vào một căn phòng khác sâu bên trong. Khi đi ra, Hiếu đã làm tôi thấy buồn cười với hai cốc nước chanh trên tay và cắm vào đó là hai chiếc đũa để khuấy đường. Đưa cho tôi chiếc cốc thủy tinh đã ngả màu và hỏi tôi rằng nước đã vừa chưa, Hiếu cười hồn nhiên và kể rằng lần trước bạn đã lỡ pha nước quá chua cho cô Thảo (cô chủ nhiệm lớp) và cô Nguyệt Anh khi hai cô đến thăm gia đình.


Điều chung nhất mà tôi nhận thấy từ các thành viên trong gia đình là sự lặng lẽ. Ông Hiếu đã già và không còn nghe thấy gì, bố Hiếu và bà ngoại cũng rất kiệm lời, có lẽ, người tạo ra tiếng nói, tiếng cười thường xuyên trong gia đình lại chính là mẹ Hiếu. Bác rất vui vẻ và gần gũi. Bác kể rằng Hiếu hay nhịn ăn và bị bác mắng. Mỗi lần như vậy, Hiếu lại chạy ra, so chiều cao với bác và nói rằng: “Con cao hơn mẹ nhiều rồi này!”, thế là bác lại ngồi thụt xuống đất và hai mẹ con lại vui vẻ với nhau. Bác cũng trả lời những câu hỏi của tôi về tình hình của gia đình và nhất là tình trạng sức khỏe của bác. Bác vén tay áo cho tôi xem những vết chích trên cánh tay nổi thành từng cục và đã mất hết cảm giác từ lâu. Bác làm tôi xúc động quá! Bởi dường như những điều đó đã gắn liền và sống chung với bác, với Hiếu, với cả gia đình suốt tám năm nay, cứ như một lẽ tất yếu mà cả năm thành viên phải chấp nhận từng ngày.


Tôi tặng Hiếu một hộp hâm nóng cơm. Ở trường, chúng tôi có nhà ăn phục vụ hàng ngày cho những bạn học sinh học bồi dưỡng buổi chiều. Chiều nào Hiếu cũng phải ở lại học đội tuyển, thế nhưng, bạn chỉ đem theo cơm trắng với muối vừng để ăn, vừa nguội, lại không đủ chất. Thấy vậy, tôi có ý tưởng tặng bạn chiếc hộp cơm hâm nóng, dù không giúp bạn được nhiều nhưng cũng phần nào giúp cho bữa cơm của bạn ngon hơn. Nghe tôi hướng dẫn cách sử dụng, Hiếu vô cùng thích thú, chỉ biết cười và rối rít cám ơn mẹ con tôi. Trong lòng tôi lúc đó có một cảm giác vui vui và muốn giúp bạn nhiều hơn nữa.

Khi ra về, Hiếu và mẹ tiễn chúng tôi ở hiên nhà, không quên cảm ơn một lần nữa. Thật vui nhưng cũng thật buồn khi Hiếu bảo với tôi rằng chưa sinh nhật nào của bạn lại đáng nhớ và lại được tặng quà như thế này. Những ngày sau đó, càng nhiều thầy cô và các bạn học sinh trong trường biết đến bài văn của Hiếu và có ý muốn giúp đỡ Hiếu nhiều hơn. Cô Đặng Nguyệt Anh và cô Đào Phương Thảo chính là hai cô giáo đã kêu gọi những nhà hảo tâm, những nguồn tài trợ để giúp đỡ cho gia đình Hiếu có thể vượt qua thời gian khó khăn này, giúp Hiếu tập trung hoàn thành tốt nhiệm vụ học tập của mình. Trong lớp, các bạn cán bộ lớp cũng đã lặng lẽ lập một quỹ nhỏ của cả lớp gửi cho cô chủ nhiệm để đưa vào quỹ lớp cùng các thầy cô. Các bạn đã nói chuyện và chia sẻ với Hiếu rất nhiều. Cả lớp còn lập ra một tủ sách chung để Hiếu có thêm cơ hội được tiếp cận với nhiều nguồn kiến thức hơn nữa. Mọi người cũng quan tâm và để ý tới việc ăn việc mặc của Hiếu hơn trước, đơn giản chỉ là một bạn nữ trong lớp đã làm ruốc để Hiếu ăn thêm vào buổi trưa. Hay trong đợt lạnh vừa rồi, một người bạn của mẹ tôi đã mua tặng Hiếu một chiếc khăn, tôi cũng mua một vài đôi tất cho bạn. Tôi cũng gọi điện, đến nơi mà Hiếu đang học thêm để chia sẻ hoàn cảnh và bày tỏ mong muốn được tạo điều kiện giúp đỡ Hiếu. Một cách chân thành và hơn bao giờ hết, tôi cảm thấy vui, tự hào về ngôi trường, thầy cô, bạn bè, gia đình và chính bản thân mình.


Thế nhưng…


Hai ngày gần đây, cái tên Nguyễn Trung Hiếu và bài văn của bạn có lẽ là chủ đề được nhiều người nhắc tới nhất khi mà bài văn đã được đưa lên mạng.


Sáng qua đến lớp, tôi đã nói chuyện riêng với Hiếu. Bạn bảo rằng bạn buồn lắm bởi không ngờ rằng câu chuyện của mình, bài văn của mình lại được đăng lên rất nhiều trang web, vậy mà đến tận chiều tối chủ nhật, khi bạn đi tình nguyện về mới biết chuyện. Ban đầu, bạn cũng chỉ nghĩ rằng viết bức thư đó để gửi cho mẹ, chỉ cho mẹ mà thôi. Hiếu còn thấy rất ngại bởi bạn thấy cuộc sống của bạn hiện nay còn may mắn hơn nhiều người, nhiều bạn bè đồng trang lứa khi mà bạn còn được học tập trong một môi trường với điều kiện tốt thế này. Đó cũng chính là lý do Hiếu vẫn cố gắng tham gia các hoạt động từ thiện vào cuối tuần. Có lẽ, chính hoàn cảnh của Hiếu khiến cho bạn có một nhận thức và sự nhạy cảm với cuộc sống sâu sắc đến thế.

111108dshieu1.jpg

Hiếu ở trường - rất ngại ngùng, dù chỉ là nhìn vào ống kính. Bạn ấy không muốn mình thành trung tâm của sự chú ý trong mấy ngày vừa qua.



Ước mơ và lời cảm ơn


Mong muốn được giúp đỡ những người nghèo của Hiếu đã hình thành từ lâu và luôn thường trực trong tâm trí. Bạn ước mơ trở thành một nhà khoa học để có thể áp dụng những cải tiến mới vào máy móc, vào y tế và đời sống con người, giúp cho những người không có điều kiện tốt cơ hội để chữa trị bệnh tật dễ dàng hơn, chứ như mẹ bạn thì khổ lắm! Nhưng đó là một tương lai xa, còn giờ đây, nhiệm vụ của bạn là hoàn thành tốt công việc của mình trên lớp. Đó là điều tốt nhất mà bạn có thể làm cho mẹ và gia đình mình trong lúc này.


Hiếu nhờ tôi thay mặt bạn gửi lời cảm ơn tới thầy cô, bạn bè, những người đồng cảm với hoàn cảnh của bạn và đặc biệt là sự biết ơn sâu nặng tới gia đình. Bạn còn dặn đi dặn lại rằng, bạn chỉ "vay" mọi người thôi, rồi sau này, khi làm ra tiền, bạn nhất định sẽ báo đáp lại những người đã giúp đỡ mình!


Trên đây là những lời tâm sự, nhắn nhủ của bạn Nguyễn Trung Hiếu nhờ tôi gửi tới những người quan tâm tới Hiếu trong thời gian qua và cũng chính là những cảm nhận, suy nghĩ của cá nhân tôi với vai trò là một người bạn cùng lớp, một người chứng kiến và một thành viên giữ một trọng trách nhất định đối với tập thể 11 Lý.


Bí thư 11 chuyên Lý, THPT Hanoi - Amsterdam
Phạm Quốc Dũng.

 
Hiệu chỉnh bởi quản lý:
×
Quay lại
Top Bottom