Tại sao trẻ sơ sinh lại hay bị nôn trớ ?

maimaind

Thành viên
Tham gia
12/10/2015
Bài viết
2
trẻ hay bị nôn trớ thì cần làm gì
Nôn trớ là hiện tượng thường thấy ở trẻ sơ sinh, đặc biệt là trong những tháng đầu và khi mới bắt đầu ăn dặm. Vì sao lại có hiện tượng này và mẹ nên xử lý những cơn nôn trớ của bé như thế nào?
Nôn trớ là hiện tượng thường thấy ở trẻ sơ sinh, đặc biệt là trong những tháng đầu và khi mới bắt đầu ăn dặm.
Vì sao bé hay bị nôn trớ?
Nguyên nhân sinh lý
Các sơ sinh có hệ thống tiêu hóa còn yếu, các van trong dạ dày hoạt động chưa đồng bộ. Khi bú trẻ có thể nuốt hơi theo vào dạ dày, sau đó nếu mẹ lại đặt nằm ở tư thế nghiêng thì trẻ dễ bị trớ, ọc sữa ra ngoài.
Với các bé mới tập ăn dặm, tình trạng nôn trớ cũng dễ dàng xảy ra khi bé thử một món ăn mới hoặc ăn quá no, quá nhiều. Đây là những hiện tượng sinh lý, không đáng lo ngại và mẹ chỉ cần thay đổi cách cho bé bú/ ăn là giải quyết được vấn đề.
Nguyên nhân bệnh lý
Nôn trớ là triệu chứng của nhiều loại bệnh khác nhau, đây cũng là phản xạ tự nhiên để đẩy các chất cơ thể cho là có hại ra ngoài. Một số nguyên nhân bệnh lý có thể dẫn đến nôn/ trớ là:
Các vấn đề về tiêu hóa như nhiễm virus đường tiêu hóa, trào ngược dạ dày thực quản, lồng ruột, ngộ độc thức ăn, dị ứng thức ăn, bã thức ăn vón cục ở tá tràng,…
Những bệnh liên quan đến đường hô hấp như ho, cảm, nhiễm trùng đường hô hấp, viêm amidan, …
Các bệnh lý bẩm sinh: hẹp môn vị, dị tật ống tiêu hóa,…
Cách xử lý khi bé bị nôn trớ
Khi thấy bé có biểu hiện buồn nôn, mẹ cần nhanh chóng đỡ bé ngồi dậy hoặc nằm nghiêng để chất nôn không tràn vào khí quản làm bé bị sặc, sau đó cho bé xả hết chất nôn ra. Mẹ cần lưu ý không bé xốc bé lên khi bé đang nôn vì sẽ làm tăng nguy cơ tràn dịch vào phổi.
Mẹ hoàn toàn không nên cố gắng cắt cơn nôn hoặc cho bé uống thuốc chống nôn thực hiện việc này, vì nôn là phản xạ tự nhiên của cơ thể để đẩy các chất có hại khỏi cơ thể. Nếu tùy tiện dùng thuốc chống nôn, có thể gây hại cho cơ thể và tạo khó khăn cho việc phát hiện các bệnh khác. Đồng thời, thuốc chống nôn nếu sử dụng không đúng còn có thể dẫn đến ngộ độc.
Bên cạnh đó, nếu bé bị nôn/ trớ khi đang ăn, mẹ không nên cho bé ăn tiếp. Vì khi đó bộ máy tiêu hóa của bé đang có vấn đề, cần được nghỉ ngơi. Ngoài ra, nôn cũng làm bé bị mất nước, mẹ cần chú ý bù nước cho bé bằng nước đun sôi để nguội hoặc dung dịch Oresol. Khi cho bé uống nước nên dùng muỗng nhỏ, cho bé uống từ từ tránh uống một lượt bé sẽ dễ bị nôn tiếp.
Khi nào cho bé đến bệnh viện
Mẹ cần đưa bé đến bệnh viện ngay nếu triệu chứng nôn/ trớ kéo dài hoặc đi kèm với các biểu hiện mất nước hoặc sốt, đau bụng, lơ mơ, co giật, tiêu chảy,… Riêng với lứa tuổi từ 7,8 tháng đến 1 tuổi, nếu xuất hiện tình trạng nôn nhiều kể cả khi không có thức ăn và khóc thét đột ngột thì có thể bé đã bị lồng ruột. Lúc này, mẹ cần nhanh chóng đưa bé đi cấp cứu để các bác sĩ tháo xoắn tránh ruột bị hoại tử, phải cắt bỏ.
Làm gì để tránh bé bị nôn trớ?
Để tránh bé bị nôn trớ, đối với những bé đã đến tuổi ăn dặm, mẹ không nên cho con ăn quá nhiều thức ăn trong một lần. Khi tập cho bé ăn dặm, nên cho bé ăn từ ít đến nhiều và từ lỏng đến đặc. Khi thử món mới mẹ chỉ nên cho bé thử 1 lượng thật ít và tăng lên từ từ, sau khi bé quen mới cho vào thực đơn hàng ngày của bé. Với các bé dưới 6 tháng, mẹ cần chia nhỏ các cử bú của bé, tập cho bé bú từ từ và không cho bú quá no. Nếu bé bú bình, mẹ cần chú ý để sữa ngập núm vú để tránh việc bé nuốt không khí vào dạ dày, gây no giả hoặc trớ sữa.
Mẹ không nên cho bé nằm bú và sau khi bú xong, mẹ cần vỗ lưng cho bé ợ. Đồng thời, mẹ cũng nên bế bé khoảng 10 đến 15 phút trước khi cho bé nằm xuống. Nếu bé ngủ sau khi bú xong, mẹ cần thường xuyên quan sát, vì trớ trong khi ngủ có thể làm sữa tràn vào phổi, khí quản, gây nguy hiểm cho bé. Cuối cùng, bên cạnh xử lý việc nôn trớ của bé, mẹ cần chú ý đến yếu tố dinh dưỡng trong mỗi bữa ăn của bé để đảm bảo bé luôn khỏe mạnh, mẹ nhé!

Nguồn : PQA
 
×
Quay lại
Top