- Tham gia
- 18/4/2013
- Bài viết
- 12.616
(TGĐA) - Cách đây chừng 6 năm, hồi tôi mới viết vài truyện kinh dị ngắn thôi, nhiều đồng nghiệp đọc bản thảo thắc mắc tại sao không cho cái cô này, hay anh này yêu con ma. Như thế câu chuyện mới chặt chẽ và có sự gắn kết nội tại. Tôi bảo truyện kinh dị thì phải gây sợ hãi mới đúng chớ, cho yêu tùm lum thì người đọc chỉ thấy thích thú chứ sợ nỗi gì. Đọc Liêu trai chí dị có ai sợ đâu nào. Mà người trên cõi nhân gian đông đúc thế có thiếu thốn gì đâu mà lại phải đi yêu con ma. Nhưng từ đó tôi bỗng dưng đặt ra câu hỏi: Tại sao các nhà văn (tất nhiên 99% là nhà văn nam) lại cứ thích cho nhân vật yêu say đắm một cô gái ma đến thế? Ngoài Bồ Tùng Linh với Liêu trai chí dị thì ở Việt Nam còn có Thế Lữ, Tchya Đái Đức Tuấn, Lan Khai cho đến nhiều nhà văn đương đại sau này, rất hay có sở thích viết về những “Người đàn bà – Ma”. Mà bản thân Bồ Tùng Linh cũng không hoàn toàn sáng tác ra những câu ch.uyện ấy, đó phần nhiều là những cốt truyện ông thu thập từ dân gian. Phải chăng những “Người đàn bà – Ma” luôn là hiện thân của một mẫu hình hoàn hảo và siêu thực. Nhà văn khi viết cũng mơ mộng, viết xong cũng khiến người đọc phải mộng mơ.
Vẻ đẹp bí ẩn của người đàn bà luôn là một ẩn số quyến rũ. Ai chả biết các bác râu mày không thích vẻ đẹp nồng nỗng, bao nhiêu đường rãnh khoe ra bằng hết, cũng lại chẳng thích vẻ đẹp thờ cúng của một nữ tu. Lồ lộ thì rẻ tiền giống ả gái lầu xanh, mà thanh khiết thì tẻ nhạt như một cô em gái. Nhà văn đương nhiên cũng nghĩ như thế. Vậy là đơn giản nhất, hãy cho nhân vật chính là một con ma. Vẻ đẹp thoắt ẩn thoắt hiện trong bóng đêm của hồ ly tinh vừa kích thích trí tò mò, vừa khó nắm bắt và khó cưỡng lại. Vì thế một trong những bộ phim gần đây nhất phóng tác từ Liêu trai chí dị là Họa bì được nữ diễn viên Châu Tấn thủ vai con hồ ly. Đạo diễn chẳng chọn ai khác ngoài Châu Tấn, một khuôn mặt vừa ngây thơ vừa gợi dục, vừa thánh thiện vừa độc ác.
Trong những câu chuyện thuộc mô típ liêu trai, đêm nào hồ ly cũng đến và ân ái điên cuồng với nhân vật chính, đói khát như thể chưa được gặp đàn ông bao giờ. Ôi chao, trong truyện ma, chàng thư sinh vò võ một mình cùng thư phòng u tịch giữa đêm hôm khuya khoắt, thế rồi lại có người đẹp mê hồn, vóc hình thanh nhã, dung mạo dịu dàng cứ mê mẩn chàng khiến chàng hư tổn sinh khí, xanh xao vàng vọt, yêu mê yêu muội đến ốm o gầy mòn, đến ngẩn ngơ đầu óc. Nhưng được ngần ấy thứ thì ma cũng chả sợ “Ngoảnh đi ngoảnh lại có người con gái từ sau áo hiện ra, vén tóc mỉm cười, xinh đẹp tuyệt trần. Trình ngờ là ma. Cô gái nói: Thiếp không phải là ma, mà là hồ đây. Trình nói: Ðã là giai nhân thì ma cũng không sợ, huống chi là hồ”. (Trích Liêu trai chí dị).
Người đàn bà hoàn hảo là phải tài năng và trí tuệ. Nên tác giả thường cho những người đàn bà ma quái xuất hiện kèm theo nhịp đàn réo rắt, tiếng hát hút hồn và giọng ngâm thơ trong vắt dưới ánh trăng thanh. Đừng tưởng nhân vật chính chỉ cần suốt ngày giao hoan với hồ ly tinh là đủ, đã là ma, ấy mà lại còn bắt ma phải yêu văn học và thích ngâm thơ Đường. Nàng tinh cá Bạch Thu Luyện mê thơ Đường đến mức ốm sắp chết còn bảo “Hãy ngâm cho thiếp ba lần bài Áo là lớp lớp của Vương Kiến thì sẽ khỏi bệnh. Sinh theo lời, ngâm đến lần thứ hai cô gái đã xốc áo ngồi dậy nói: Thiếp khỏi rồi.” – “Nếu thiếp chết thì đừng chôn, cứ đúng các giờ Mão, Ngọ, Dậu lại ngâm một lần bài thơ Đỗ Phủ mộng thấy Lý Bạch thì chết rồi thây vẫn không nát.”
“Người đàn bà – Ma” là sự pha trộn của sự mạnh mẽ phi tự nhiên gây sợ hãi, ám ảnh, kính nể và cả sự đáng thương, yếu đuối, khốn khổ. Ma quỷ, bản thân đã là một quyền lực khiến nhân gian kinh hãi, nhưng lại cũng là kẻ bị săn đuổi khốn cùng bởi con người, bởi các đạo sĩ cao tay ấn và các phù thuỷ. Bản năng của người đàn ông vừa giống như một đứa trẻ thích được chở che, vừa có sự mạnh mẽ bẩm sinh của giới tính để che chở cho người đàn bà yếu đuối. Vì thế trong nhiều phiên bản điện ảnh về nàng tiên cá, (tuỳ từng quan điểm dân gian mà người ta cho rằng người cá cũng là một giống yêu ma hay thần tiên) nàng tiên cá bị người hiện đại bắt vào bể cá khổng lồ, có phim nàng tiên cá bị giam vào vũng nước cạn phơi đuôi dưới nắng ba ngày. Trong đại dương sâu thẳm, người cá bất khả chiến bại, sắc đẹp và giọng hát của nàng hút hồn bao nhiêu thuỷ thủ chìm tàu xuống đáy đại dương, sự độc ác của nàng gây kinh hoảng cho bao thuyền bè và tạo nên những huyền thoại, nhưng khi bị giam vào vũng nước, ánh mắt của nàng trở nên tuyệt vọng, khắc khoải và buồn thương, khó người trần nào cầm lòng cho đậu.
Kể thì những đặc điểm tuyệt vời trên gán cho người trần ví thử cũng được. Nhân vật nữ có thật trong lịch sử là nữ hoàng Cleopatra và Võ Tắc Thiên được điện ảnh khai thác nhiều nhất. Khi tìm diễn viên, các đạo diễn phải chọn mặt gửi vàng. Cleopatra từng được Vivien Leigh và Liz Taylor thủ vai. Võ Tắc Thiên lần lượt được Phan Nghinh Tử, Lưu Hiểu Khánh và mới đây nhất là Phạm Băng Băng thể hiện. Tất cả các nữ diễn viên này đều mang vẻ đẹp dịu dàng, thánh thiện, quý phái, thông minh, sắc sảo, gợi tình và lắm mưu nhiều mẹo. Nếu không thì diễn viên cũng phải cố mà diễn cho ra ngần ấy nét tính cách. Cho dù đời sống tình ái của nữ hoàng duy nhất trong lịch sử Trung Quốc có dày đặc và nồng nhiệt đến đâu (thời xưa gọi là hoang dâm vô độ), hành vi có tàn bạo, độc ác, quái đản đến cỡ nào, thì khuôn mặt của nàng vẫn cứ phải trong sáng và phúc hậu, cái đó là tính ma quỷ trong một người đàn bà. Tuy nhiên, các nhà văn như Bồ Tùng Linh lại khao khát thêm một điều nữa mà những người đàn bà tuyệt tác nơi trần thế như Cleopatra và Võ Tắc Thiên lại chẳng thể nào có được, ấy là nỗi cô đơn thiếu vắng đàn ông, thiếu vắng con người.
Một người đàn bà đẹp nghiêng nước nghiêng thành thì thời cổ nếu không vui vầy yến tiệc trong sảnh lớn cung vua thì cũng còn bận đàn ca sáo nhị trong phủ thượng thư, tướng lĩnh. Thời hiện đại nếu các nàng không sải bước trên sàn diễn chờ giây phút đăng quang ngôi vị Next Top Model để còn được in trang bìa tạp chí Cosmospolitan thì cũng vận bikini dự tiệc bể bơi hay ngồi nhấm nháp vang đỏ trong một bữa tiệc vườn đông đúc. Chí ít các nàng cũng đang bận ngúng nguẩy vòng ba theo nhạc mix trong một quán bar nào đó. Thời gian đâu để mà cô đơn và thèm khát một cánh tay đàn ông. Trong những tác phẩm kinh dị tình ái truyền thống, nhân vật nữ vừa đẹp ma mị, vừa mỗi bước đều toả hương thơm (vì là tinh cúc, tinh mẫu đơn nên thơm nức lên), hát hay, đàn giỏi, thông tuệ văn chương, làm tình không biết mệt, tinh tế, nhạy cảm, chàng chưa kịp nói nàng đã đọc được ý nghĩ rồi (là ma nên ai nghĩ gì cũng biết hết), vậy mà lại cứ yêu đớn đau, khốn khổ một anh học trò nghèo đang bận ôn thi. Yêu như thể đã chờ một nghìn năm, mười kiếp chỉ để được ngã vào lòng chàng thư sinh vô danh. Các nhà văn, dù là nghiệp dư, bán chuyên hay chuyên nghiệp đều hiểu một điều giản đơn rằng: Văn chương cơ bản là bịa, nhưng có bịa tạc cỡ nào vẫn phải bám 1% vào thực tế. Không có thực tế nào tương tự như vậy ở những người trần mắt thịt, vậy tốt nhất biến nàng thành con ma cho hợp lẽ. Nàng cô đơn, trống trải và lúc nào cũng thèm khát tình yêu, thèm khát hơi người trong cái thế giới nửa người nửa ma hoang lạnh, bị cô lập, bị săn đuổi. Chưa kể có những nhân vật thiếu nữ khi thác đi thành ma vẫn còn nguyên hồn trinh nữ. Những con hồ ly tinh lại còn giàu đức hy sinh. Chúng tu luyện 10 kiếp mới được một lần làm người, được một lần yêu, khi yêu thì chàng học trò nào cũng đã có vợ. Nhưng hồ ly tinh thấy như vậy cũng đã thoả. Sau khi sinh con mang cả giống hồ cả giống người, nàng hồ lặng lẽ rời đi để lại đứa con thơ cho chàng và người vợ trần thế nuôi dưỡng. Trong Họa bì, nhân vật hồ ly tinh đã hy sinh tính mạng để cứu Vương Sinh thoát chết.
Mối tình đẹp nhất là những mối tình bị ngăn cấm, bị cách trở, bị dang dở. Nỗi tuyệt vọng và cay đắng vô tình thành gia vị đẹp nhất cho tình yêu. Mà người với ma có bao giờ sở hữu “Happy Ending” như hoàng tử công chúa trong Lọ Lem. “Người đàn bà-Ma” sẽ phải biến mất để nhường chỗ cho hạnh phúc thực tế của những anh học trò nơi trần thế, để lại nỗi đau đớn và tiếc nhớ khôn nguôi cho người tình. Cuộc tình bí ẩn đó cũng chỉ giống như một ảo ảnh hay một giấc mộng đẹp.
Mới bảo, không phải phụ nữ chúng ta không quyến rũ và hoàn hảo, chẳng là chúng ta không muốn mà thôi, chúng ta chưa muốn… trở thành ma. Bởi vì cũng chỉ có ma mới hội tụ được ngần ấy điều vĩ đại.
Di Li
Vẻ đẹp bí ẩn của người đàn bà luôn là một ẩn số quyến rũ. Ai chả biết các bác râu mày không thích vẻ đẹp nồng nỗng, bao nhiêu đường rãnh khoe ra bằng hết, cũng lại chẳng thích vẻ đẹp thờ cúng của một nữ tu. Lồ lộ thì rẻ tiền giống ả gái lầu xanh, mà thanh khiết thì tẻ nhạt như một cô em gái. Nhà văn đương nhiên cũng nghĩ như thế. Vậy là đơn giản nhất, hãy cho nhân vật chính là một con ma. Vẻ đẹp thoắt ẩn thoắt hiện trong bóng đêm của hồ ly tinh vừa kích thích trí tò mò, vừa khó nắm bắt và khó cưỡng lại. Vì thế một trong những bộ phim gần đây nhất phóng tác từ Liêu trai chí dị là Họa bì được nữ diễn viên Châu Tấn thủ vai con hồ ly. Đạo diễn chẳng chọn ai khác ngoài Châu Tấn, một khuôn mặt vừa ngây thơ vừa gợi dục, vừa thánh thiện vừa độc ác.
Trong những câu chuyện thuộc mô típ liêu trai, đêm nào hồ ly cũng đến và ân ái điên cuồng với nhân vật chính, đói khát như thể chưa được gặp đàn ông bao giờ. Ôi chao, trong truyện ma, chàng thư sinh vò võ một mình cùng thư phòng u tịch giữa đêm hôm khuya khoắt, thế rồi lại có người đẹp mê hồn, vóc hình thanh nhã, dung mạo dịu dàng cứ mê mẩn chàng khiến chàng hư tổn sinh khí, xanh xao vàng vọt, yêu mê yêu muội đến ốm o gầy mòn, đến ngẩn ngơ đầu óc. Nhưng được ngần ấy thứ thì ma cũng chả sợ “Ngoảnh đi ngoảnh lại có người con gái từ sau áo hiện ra, vén tóc mỉm cười, xinh đẹp tuyệt trần. Trình ngờ là ma. Cô gái nói: Thiếp không phải là ma, mà là hồ đây. Trình nói: Ðã là giai nhân thì ma cũng không sợ, huống chi là hồ”. (Trích Liêu trai chí dị).
Người đàn bà hoàn hảo là phải tài năng và trí tuệ. Nên tác giả thường cho những người đàn bà ma quái xuất hiện kèm theo nhịp đàn réo rắt, tiếng hát hút hồn và giọng ngâm thơ trong vắt dưới ánh trăng thanh. Đừng tưởng nhân vật chính chỉ cần suốt ngày giao hoan với hồ ly tinh là đủ, đã là ma, ấy mà lại còn bắt ma phải yêu văn học và thích ngâm thơ Đường. Nàng tinh cá Bạch Thu Luyện mê thơ Đường đến mức ốm sắp chết còn bảo “Hãy ngâm cho thiếp ba lần bài Áo là lớp lớp của Vương Kiến thì sẽ khỏi bệnh. Sinh theo lời, ngâm đến lần thứ hai cô gái đã xốc áo ngồi dậy nói: Thiếp khỏi rồi.” – “Nếu thiếp chết thì đừng chôn, cứ đúng các giờ Mão, Ngọ, Dậu lại ngâm một lần bài thơ Đỗ Phủ mộng thấy Lý Bạch thì chết rồi thây vẫn không nát.”
“Người đàn bà – Ma” là sự pha trộn của sự mạnh mẽ phi tự nhiên gây sợ hãi, ám ảnh, kính nể và cả sự đáng thương, yếu đuối, khốn khổ. Ma quỷ, bản thân đã là một quyền lực khiến nhân gian kinh hãi, nhưng lại cũng là kẻ bị săn đuổi khốn cùng bởi con người, bởi các đạo sĩ cao tay ấn và các phù thuỷ. Bản năng của người đàn ông vừa giống như một đứa trẻ thích được chở che, vừa có sự mạnh mẽ bẩm sinh của giới tính để che chở cho người đàn bà yếu đuối. Vì thế trong nhiều phiên bản điện ảnh về nàng tiên cá, (tuỳ từng quan điểm dân gian mà người ta cho rằng người cá cũng là một giống yêu ma hay thần tiên) nàng tiên cá bị người hiện đại bắt vào bể cá khổng lồ, có phim nàng tiên cá bị giam vào vũng nước cạn phơi đuôi dưới nắng ba ngày. Trong đại dương sâu thẳm, người cá bất khả chiến bại, sắc đẹp và giọng hát của nàng hút hồn bao nhiêu thuỷ thủ chìm tàu xuống đáy đại dương, sự độc ác của nàng gây kinh hoảng cho bao thuyền bè và tạo nên những huyền thoại, nhưng khi bị giam vào vũng nước, ánh mắt của nàng trở nên tuyệt vọng, khắc khoải và buồn thương, khó người trần nào cầm lòng cho đậu.
Kể thì những đặc điểm tuyệt vời trên gán cho người trần ví thử cũng được. Nhân vật nữ có thật trong lịch sử là nữ hoàng Cleopatra và Võ Tắc Thiên được điện ảnh khai thác nhiều nhất. Khi tìm diễn viên, các đạo diễn phải chọn mặt gửi vàng. Cleopatra từng được Vivien Leigh và Liz Taylor thủ vai. Võ Tắc Thiên lần lượt được Phan Nghinh Tử, Lưu Hiểu Khánh và mới đây nhất là Phạm Băng Băng thể hiện. Tất cả các nữ diễn viên này đều mang vẻ đẹp dịu dàng, thánh thiện, quý phái, thông minh, sắc sảo, gợi tình và lắm mưu nhiều mẹo. Nếu không thì diễn viên cũng phải cố mà diễn cho ra ngần ấy nét tính cách. Cho dù đời sống tình ái của nữ hoàng duy nhất trong lịch sử Trung Quốc có dày đặc và nồng nhiệt đến đâu (thời xưa gọi là hoang dâm vô độ), hành vi có tàn bạo, độc ác, quái đản đến cỡ nào, thì khuôn mặt của nàng vẫn cứ phải trong sáng và phúc hậu, cái đó là tính ma quỷ trong một người đàn bà. Tuy nhiên, các nhà văn như Bồ Tùng Linh lại khao khát thêm một điều nữa mà những người đàn bà tuyệt tác nơi trần thế như Cleopatra và Võ Tắc Thiên lại chẳng thể nào có được, ấy là nỗi cô đơn thiếu vắng đàn ông, thiếu vắng con người.
Một người đàn bà đẹp nghiêng nước nghiêng thành thì thời cổ nếu không vui vầy yến tiệc trong sảnh lớn cung vua thì cũng còn bận đàn ca sáo nhị trong phủ thượng thư, tướng lĩnh. Thời hiện đại nếu các nàng không sải bước trên sàn diễn chờ giây phút đăng quang ngôi vị Next Top Model để còn được in trang bìa tạp chí Cosmospolitan thì cũng vận bikini dự tiệc bể bơi hay ngồi nhấm nháp vang đỏ trong một bữa tiệc vườn đông đúc. Chí ít các nàng cũng đang bận ngúng nguẩy vòng ba theo nhạc mix trong một quán bar nào đó. Thời gian đâu để mà cô đơn và thèm khát một cánh tay đàn ông. Trong những tác phẩm kinh dị tình ái truyền thống, nhân vật nữ vừa đẹp ma mị, vừa mỗi bước đều toả hương thơm (vì là tinh cúc, tinh mẫu đơn nên thơm nức lên), hát hay, đàn giỏi, thông tuệ văn chương, làm tình không biết mệt, tinh tế, nhạy cảm, chàng chưa kịp nói nàng đã đọc được ý nghĩ rồi (là ma nên ai nghĩ gì cũng biết hết), vậy mà lại cứ yêu đớn đau, khốn khổ một anh học trò nghèo đang bận ôn thi. Yêu như thể đã chờ một nghìn năm, mười kiếp chỉ để được ngã vào lòng chàng thư sinh vô danh. Các nhà văn, dù là nghiệp dư, bán chuyên hay chuyên nghiệp đều hiểu một điều giản đơn rằng: Văn chương cơ bản là bịa, nhưng có bịa tạc cỡ nào vẫn phải bám 1% vào thực tế. Không có thực tế nào tương tự như vậy ở những người trần mắt thịt, vậy tốt nhất biến nàng thành con ma cho hợp lẽ. Nàng cô đơn, trống trải và lúc nào cũng thèm khát tình yêu, thèm khát hơi người trong cái thế giới nửa người nửa ma hoang lạnh, bị cô lập, bị săn đuổi. Chưa kể có những nhân vật thiếu nữ khi thác đi thành ma vẫn còn nguyên hồn trinh nữ. Những con hồ ly tinh lại còn giàu đức hy sinh. Chúng tu luyện 10 kiếp mới được một lần làm người, được một lần yêu, khi yêu thì chàng học trò nào cũng đã có vợ. Nhưng hồ ly tinh thấy như vậy cũng đã thoả. Sau khi sinh con mang cả giống hồ cả giống người, nàng hồ lặng lẽ rời đi để lại đứa con thơ cho chàng và người vợ trần thế nuôi dưỡng. Trong Họa bì, nhân vật hồ ly tinh đã hy sinh tính mạng để cứu Vương Sinh thoát chết.
Mối tình đẹp nhất là những mối tình bị ngăn cấm, bị cách trở, bị dang dở. Nỗi tuyệt vọng và cay đắng vô tình thành gia vị đẹp nhất cho tình yêu. Mà người với ma có bao giờ sở hữu “Happy Ending” như hoàng tử công chúa trong Lọ Lem. “Người đàn bà-Ma” sẽ phải biến mất để nhường chỗ cho hạnh phúc thực tế của những anh học trò nơi trần thế, để lại nỗi đau đớn và tiếc nhớ khôn nguôi cho người tình. Cuộc tình bí ẩn đó cũng chỉ giống như một ảo ảnh hay một giấc mộng đẹp.
Mới bảo, không phải phụ nữ chúng ta không quyến rũ và hoàn hảo, chẳng là chúng ta không muốn mà thôi, chúng ta chưa muốn… trở thành ma. Bởi vì cũng chỉ có ma mới hội tụ được ngần ấy điều vĩ đại.
Di Li