Sinh viên vướng vào “tín dụng đen”: Hệ lụy đắng chát

gaconueh2005

Thành viên thân thiết
Thành viên thân thiết
Tham gia
3/3/2013
Bài viết
4.056
Lâu nay, khi nói đến cụm từ “tín dụng đen” người ta thường liên tưởng tới giới làm ăn với những thương vụ và những cuộc sát phạt nhau bằng dao búa rợn người. Nhưng có một điều ít ai ngờ rằng, tín dụng đen đã xâm nhập vào cả giới sinh viên. Vì nhiều lý do khác nhau, không ít sinh viên đã tự ném tương lai của mình xuống sông xuống bể khi dính vào tín dụng đen…

Mảng tối sau những hiệu cầm đồ

Tôi tình cờ gặp lại V., cô bạn sinh viên học cùng khóa năm thứ nhất đại học giờ đang làm nhân viên ở một quán gội đầu. Câu chuyện buồn của bạn nữ Nguyễn T.V., 23 tuổi, sinh viên Trường Đại học quốc tế Raffle Hà Nội đã làm cho tôi không thể không tiếc nuối. Năm đầu ra Hà Nội học, V. đã bị “thần ái tình” đánh gục trước một anh sinh viên học trên hai khóa. Câu “gần mực thì đen” trong hoàn cảnh này hoàn toàn chuẩn xác, khi người yêu mải mê với những trò vui đỏ đen, cô yêu người và cũng yêu luôn cả sở thích của bạn trai. Người yêu chơi lô đề, V. cũng học theo chơi lô đề, để rồi đến khi thua nợ, không có tiền trả, cô đã tìm đến “tín dụng đen”.

Ban đầu, V. theo người yêu đến hiệu cầm đồ trước cổng trường cầm chiếc xe máy là phương tiện đi học để lấy 5 triệu đồng hòng gỡ gạc. Sau này xe máy cũng mất, bạn trai “bảo lãnh” để V. tiếp tục vay tiền ở hiệu cầm đồ. Đến khi số tiền quá lớn, không có khả năng trả nợ, V. bị chủ nợ dồn đến tận chân tường, dọa nếu không trả sẽ báo lên nhà trường đuổi học.

“Mình đã phải gọi điện về cầu cứu bố mẹ. Thế nhưng bố mẹ vốn chẳng dư dả gì nên chỉ giúp được chút đỉnh. Bị chủ nợ dọa, mình bỏ trốn và cũng bỏ học luôn. Bạn trai cũng bặt vô âm tín…”, V. buồn bã kể.


4_nhieu2919-450.jpg
Nhiều sinh viên đang đánh mất tương lai do vướng “tín dụng đen”.
Thực ra, V. chỉ là một ví dụ của mảng tối trong đời sống sinh viên dính vào “tín dụng đen”. Có rất nhiều con đường đưa đẩy sinh viên tìm đến tín dụng đen, nhưng tóm lại có thể phân thành hai nhóm chính. Nhóm thứ nhất được gọi là “con nhà lành”: đến kỳ trả nợ, ốm đau, sinh nhật bạn bè, đóng học phí, học thêm... và vô vàn những khoản đột xuất phải cần đến tiền, trong khi gia đình không có khả năng hoặc chưa thể đáp ứng ngay, đều là những nguyên cớ tìm đến “tín dụng đen”.

Nhóm thứ hai là “dân chơi sinh viên” tiêu tiền như “phá mả”, lêu lổng cờ bạc, lô đề hay một lần bao bạn gái quá tay... cũng tìm đến tín dụng đen như một cứu cánh. Cả hai nhóm đều có chung mục tiêu: miễn là có tiền ngay tức thì, mọi việc sẽ tính sau.

Địa chỉ nhiều tiệm dịch vụ cầm đồ nhất có thể kể đến là khu vực đường Láng có các trường Ngoại thương, Thủy lợi, Luật, Giao thông vận tải... Tiếp đến là đường Hồ Tùng Mậu - nơi có các trường Đại học Thương mại, Sân khấu Điện ảnh, Đại học Sư phạm, Đại học Quốc gia... Và đương nhiên, các đồ được đem cầm cũng rất đa dạng, từ cái điện thoại, đồng hồ, laptop, xe máy đến nhẫn vàng, dây chuyền... thậm chí có khi chỉ là đôi giày hoặc bộ quần áo cũ...

Nhiều chiêu trò bắt chẹt sinh viên

Nguyễn H.H., quê Yên Bái, sinh viên năm cuối Trường Đại học Kinh doanh công nghệ cho biết, cậu thường vay với lãi suất 5 nghìn đồng/1 triệu hoặc hơn cho 1 ngày, tương đương với mức lãi suất 300%/năm. Lúc đầu, nghĩ với 5 nghìn đồng/ngày, việc trả nợ dễ ợt, chỉ cần bớt đi một vài chén trà đá là đủ. Nhưng trò đời, tưởng dễ hóa ra lại quá khó, không những không trả được lãi, mà cứ vài ngày, H. lại phải vay thêm một lần. Nợ gốc, nợ lãi liên tục sinh sôi, H. bị mắc kẹt trong chính cái bẫy do mình tự tạo ra. Khi bị dồn vào đường cùng, H. không còn cách nào khác là phải nói với bố mẹ để cầu cứu sự giúp đỡ. Là cậu ấm trong gia đình khá giả lại được bố mẹ hết mực yêu thương, khi rơi vào tình thế túng quẫn, H. đã điện về cho bố mình dọa: “bố mẹ muốn con sống hay chết” để vòi tiền trả nợ lên tới gần 800 triệu đồng.
H. cho biết nhiều chủ cầm đồ và cho vay đều kiêm luôn chủ lô đề.

Nhiều sinh viên sau khi thấy bạn chơi thì cũng chơi theo. Nhưng muốn chơi nhiều, người chơi phải được chủ dẫn dắt và “thả cửa” cho vay. Mà muốn được vay thả cửa, sinh viên này phải có mặt trong “sổ vàng” của chủ lô đề: đang học lớp gì, bố mẹ làm gì và hoàn cảnh gia đình ra sao.

Trần P.C., Vĩnh Hưng - Hoàng Mai (Hà Nội), sinh viên Trường Đại học Kinh doanh công nghệ tiết lộ: “Hiện những chủ nợ đang áp dụng nhiều hình thức không chỉ cho vay cầm đồ, thế chấp mà còn có cả cho vay họ lấy lãi với mức 10 ăn 8, tức mỗi ngày lấy 200 nghìn phải đóng trong 50 ngày, tuy nhiên nếu trong 50 ngày đấy mà không trả đủ hết thì các chủ nợ sẽ lại có một cách tính lãi vô cùng điêu luyện để cho các con nợ ngày càng ngập chìm trong mớ bòng bong nợ lãi.

Ngay cách tính lãi của chủ nợ cũng rất vô cùng. Mức lãi suất chủ cho vay áp dụng phổ biến từ 5 đến 10 nghìn đồng mỗi ngày cho một triệu tiền vay. Nhưng với một số trường hợp thì tỷ lệ lãi có khi lớn hơn nhiều lần. Thông thường, chỉ sau vài ngày vay tiền, chủ nợ sẽ gọi người vay đến trả lãi. Nếu người vay không trả được, họ phải viết giấy nợ mới (viết giấy nợ chứ không phải giấy vay và không ghi lãi suất) với cả phần gốc và lãi gộp lại. Sau đó, chủ nợ lại bắt đầu tính lãi mới theo thỏa thuận. Không ít sinh viên ban đầu chỉ vay mấy triệu nhưng sau vài tháng, số tiền nợ đã lên đến con số vài chục triệu. Những ai vay nhiều, nếu không trả kịp thì số tiền nợ chủ tính lên đến hàng trăm triệu, thậm chí cả tỷ đồng, giống như với trường hợp của H..

Khi bẫy được một sinh viên vào trong “tín dụng đen”, nợ đến một mức nào đó, chủ nợ sẽ bằng nhiều cách để ép sinh viên phải trả nợ. Trong đó, cách phổ biến nhất là dọa báo nhà trường. Không ít trường hợp sinh viên phải nghỉ học trốn về quê do bị chủ đòi nợ và dọa dẫm. Nhiều trường hợp, chủ nợ thuê cả người về tận quê sinh viên đòi nợ, không trả nợ thì bị dọa đánh. Nhiều sinh viên dính vào tín dụng đen phải “sống trong sợ hãi”, học hành giảm sút, tương lai mờ mịt…
reddot.gif

Theo cand
 
×
Quay lại
Top