“Sáng Nga, chiều Ý, tối Anh Văn…”

thi55cnsh

Thành viên thân thiết
Thành viên thân thiết
Tham gia
5/4/2011
Bài viết
835
Bảo vệ luận án tiến sĩ tại ĐH Quốc gia Hà Nội tháng 10-2013 ở tuổi 54, tiến sĩ Trương Văn Vỹ (trưởng bộ môn ngữ văn Ý Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn – ĐH Quốc gia TP.HCM) một lần nữa khiến nhiều người bất ngờ.


TS Trương Văn Vỹ trao đổi cùng các sinh viên Trường đại học KHXH&NV TP.HCM – Ảnh: Hoàng Thạch Vân

Đây là bằng tiến sĩ thứ hai ở chuyên ngành xã hội học của ông, bảy năm sau bằng tiến sĩ chuyên ngành tiếng Nga.

Cho đến khi tiến sĩ Vỹ bảo vệ thành công luận án tiến sĩ thứ hai, không nhiều sinh viên trong trường biết rằng vị trưởng bộ môn có thâm niên 30 năm công tác, người đứng lớp giảng ở khoa xã hội học, ngữ văn Nga, ngữ văn Ý… bấy lâu vẫn lặng lẽ học tập để đi thi, thực hiện chuyên đề, rồi bảo vệ luận án như một sinh viên bình thường.

Khi đề xuất đi làm nghiên cứu sinh, thầy Vỹ đã ngót nghét 50 tuổi. Không ít người băn khoăn: ông Vỹ muốn có bằng tiến sĩ thứ hai để làm gì? Nếu ngược thời gian, những người hoài nghi ấy hẳn sẽ hiểu người thầy đặc biệt này.

“Số tôi phải học”

Những năm 1990, sau khi nước Nga rơi vào khủng hoảng cũng là lúc “phong trào” học tiếng Nga tuột dốc. Người dạy tiếng Nga lần lượt hoặc nghỉ dạy hoặc đi học thêm tiếng Anh để có việc, vì không mấy người học hứng thú với thứ tiếng không còn trao cho người ta nhiều cơ hội. Vốn yêu tiếng Nga có lúc đến cực đoan, thầy Vỹ vẫn tôn thờ tiếng Nga, đeo đuổi thứ ngôn ngữ đã mê hoặc mình bao nhiêu năm qua.

Nhưng rồi người học vơi dần, chỉ có tiếng Nga đồng nghĩa với việc “ngồi chơi xơi nước” trường kỳ. “Còn nhớ có năm khoa ngữ văn Nga không tuyển sinh được. Tôi nghĩ đến tương lai của mình và ngậm ngùi học thêm tiếng Anh. Số tôi phải học, nhưng học rồi thì thấy mê quá” – tiến sĩ Vỹ chia sẻ.

Có bằng tiếng Anh, thầy Vỹ được mời tham gia dạy ở trung tâm ngoại ngữ. Nhưng vốn là dân gốc tiếng Nga, vốn tiếng Anh của thầy Vỹ không đủ sức níu học trò. Tự thấy mình phải nỗ lực, thầy âm thầm học ngày học đêm, với mục tiêu: trước hết phải ổn định sĩ số, giữ chân người học. Bằng sự kiên trì đặc biệt, thầy Vỹ tiếp tục hoàn tất bằng thạc sĩ tiếng Anh để chứng minh sự thuần thục với môn ngoại ngữ mới.

Trương Mạnh Hải, cựu sinh viên khoa ngữ văn Nga khóa 2005-2010, nhớ lại: “Chúng tôi luôn nhận được nhiều kiến thức tổng hợp ngoài môn thầy giảng. Dù chỉ học thầy môn lý thuyết tiếng Nga, nhưng nếu ngôn ngữ ấy cần đặt trong bối cảnh xã hội thế nào, thầy sẽ giảng thêm về xã hội học. Cùng một nội dung văn bản, thầy lại vận dụng so sánh việc dùng tiếng Nga với tiếng Anh. “Lãi” nhất cho sinh viên là học một môn mà sáng ra nhiều môn là thế”.

Những cựu sinh viên khoa ngữ văn Nga ngày nào có lẽ không bao giờ quên cách thầy trưởng khoa chào mừng các em ngày nhập học. “Cách thầy truyền tình yêu tiếng Nga cho sinh viên cũng luôn được nhấn mạnh trong các buổi họp chuyên môn giữa giảng viên. Thầy luôn nhắc đồng nghiệp tìm cách cùng khích lệ các em, để các em hiểu việc học môn ngữ văn Nga là niềm tự hào đích thực, xóa tan những rào cản thông thường”- Trương Mạnh Hải, giờ đã là giảng viên của trường, nắc nỏm.

“A, B, C” ở tuổi 54

Thời gian này, thứ sáu mỗi tuần được xem là một ngày đặc biệt của tiến sĩ Trương Văn Vỹ. Buổi sáng, thầy lên lớp môn cú pháp tiếng Nga cho sinh viên năm thứ 5 khoa ngữ văn Nga. Buổi chiều, sinh viên năm 2 khoa ngữ văn Ý sẽ được học thầy môn đọc tiếng Ý. Buổi tối, lại có thể gặp thầy trong vai trò giảng viên tiếng Anh của lớp ĐH tại chức…

“Thầy Vỹ là minh chứng thuyết phục cho tinh thần “học tập suốt đời” – PGS.TS Võ Văn Sen, hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM), nói – Nếu chỉ nghĩ vài năm nữa sẽ về hưu hay an phận giảng viên có một bằng tiến sĩ là quá đủ thì hẳn nhiên sẽ còn thắc mắc dài chuyện một người “bỗng dưng” đi học hai bằng tiến sĩ. Nhưng lắng lại một chút để hiểu các môn khoa học đều có mối liên hệ nhất định với nhau thì việc chọn nhiều chuyên ngành để đeo đuổi cũng là một cách làm khoa học”.

Theo phó giáo sư Sen, ngoài sự am hiểu về ngữ văn, thầy Vỹ còn có kinh nghiệm quản lý, có khả năng khích lệ cộng sự. Đó là lý do khi thầy Vỹ đã kết thúc hai nhiệm kỳ trưởng khoa ngữ văn Nga, trường lại tiếp tục chọn thầy đảm nhiệm vị trí mới: trưởng bộ môn ngữ văn Ý.

“Biết rằng trường muốn phát huy vai trò quản lý nên giao tôi làm trưởng bộ môn mới mở. Nhưng với tôi, quản lý ở môi trường ĐH không thể tách rời khỏi chuyên môn. Tôi bắt đầu từ A, B, C với môn tiếng Ý và trở lại với hành trình làm sinh viên… cao tuổi” – tiến sĩ Vỹ hóm hỉnh nói. Ở tuổi 54, thầy Vỹ lại xách vali lên đường sang Ý để học tiếng. Ở khóa học thứ nhất tại trường ĐH dành riêng cho sinh viên nước ngoài tại miền Trung nước Ý, dù nhập học trễ hơn các sinh viên khác hàng tháng, đến cuối khóa thầy Vỹ vẫn vươn lên dẫn đầu.

Sau một năm bắt đầu từ “A, B, C”, tiến sĩ Vỹ đang chuẩn bị cho ra đời bộ giáo trình ba tập “Đọc tiếng Ý” mà đến thời điểm này đã hoàn tất phần bản thảo. “Sự nghiệp học hành của tôi vẫn ở phía trước. Việc học không bao giờ là trễ. Cho dù ở tuổi tôi, mọi thứ đã chậm chạp hơn hồi trẻ, nhưng điều đó không nói lên gì khác ngoài nhắc nhở tôi phải nỗ lực nhiều hơn. Mục tiêu năm 2014 của tôi rất giản dị: xin một suất học bổng từ Bộ Ngoại giao Ý để nhận bằng C2 tiếng Ý theo chuẩn chung châu Âu” – thầy Vỹ “bật mí”.

Đến với xã hội học muộn, khi không còn trẻ (36 tuổi), thầy Vỹ chọn chuyên ngành xã hội học tội phạm – một chuyên ngành còn khá mới mẻ ở Việt Nam.

“Đó cũng là sự tình cờ – ông giải thích – Vì khi trường mở khoa xã hội học, môn xã hội tội phạm có vẻ khô khan nên không được các giảng viên lựa chọn. Còn tôi, càng nghiên cứu càng hiểu ra rằng không gì hấp dẫn hơn môn học này. Những bộ phim hay thường nói về hai lĩnh vực hấp dẫn nhất cuộc đời là tội phạm và tình yêu. Còn muốn đạt đỉnh cao hấp dẫn thì người ta sẽ kết hợp giữa tình yêu và tội phạm” – tiến sĩ Vỹ hài hước tổng kết.

Trong luận án tiến sĩ xã hội học mang tên “Sai lệch xã hội trong xã hội của Emile Durkheim (qua nghiên cứu hai tác phẩm Tự tử và Phân công lao động xã hội)”, tiến sĩ Vỹ đã tận dụng được vốn liếng ngoại ngữ của mình để tiếp cận tác phẩm của Durkheim bằng tiếng Nga và tham khảo bản dịch bằng tiếng Anh.

“Qua nghiên cứu, cũng có thể vận dụng vào Việt Nam để thấy chúng ta đang đối mặt với rất nhiều biến đổi to lớn trong xã hội. Sự phát triển cũng kéo theo những mặt trái tiêu cực to lớn của nó như tệ nạn xã hội, tội phạm… Có điều từ xưa cho đến tận bây giờ, để lên án tội phạm người ta thường quy kết cho cá nhân hoặc thêm chút nữa thì đổ cho gia đình. Thực tế, tự tử và tội phạm mang dấu vết đậm nét của xã hội. Cũng nên đặt vấn đề: xã hội như thế nào đã dẫn dắt người ta đến hành vi phạm tội?” – thầy Vỹ lý giải.

NGỌC HÀ

Nguồn: Tuổi trẻ

 
×
Quay lại
Top Bottom