Giải đáp thắc mắc thường gặp về trường ĐH Khoa học tự nhiên

Newsun

Believe in Good
Thành viên thân thiết
Tham gia
11/11/2008
Bài viết
9.441
CÂU HỎI THƯỜNG GẶP
632633-cosovatchat5.jpg

Tòa nhà Điều hành trường ĐH KHTN tại Cơ sở Linh Trung, Thủ Đức

Hỏi:
Em muốn học ngành Công nghệ sinh học của trường ĐH KHTN TP.HCM, cơ hội việc làm ở trường này ra sao? Có thể đánh giá chất lượng đào tạo ngành này của Trường không?

Đáp:
Ngành Công nghệ Sinh học của Trường ra đời từ năm 1999, qua nhiều năm luôn khẳng định chất lượng giảng dạy và đào tạo, đảm bảo cho SV theo học ngành này luôn được cập nhật những kiến thức mới nhất về CNSH trong nước và trên thế giới, cân bằng giữa kiến thức lý thuyết và thực hành. Đội ngũ giảng viên của ngành được bổ sung thường xuyên từ nguồn các giảng viên trẻ, giỏi chuyên môn. Hệ thống phòng thí nghiệm của ngành đang được sự đầu tư lớn của nhà trường, ĐHQG-HCM và của Thành phố. Sinh viên cũng có nhiều cơ hội để trao đổi với các giáo sư nước ngoài được Khoa - Ngành mời về trường trao đổi thông tin. Các nhóm nghiên cứu của ngành đã có nhiều nghiên cứu khoa học được xã hội đánh giá cao như: nghiên cứu và ứng dụng tế bào gốc, nghiên cứu về dược liệu nguồn gốc thiên nhiên để chữa trị bệnh ung thư,... Xã hội đang có nhu cầu cao về các cử nhân có chuyên môn về Công nghệ Sinh học. Khi ra trường, SV ngành có thể làm việc trong nhiều lĩnh vực khác nhau: nông nghiệp, công nghiệp, môi trường, y dược,... cũng như tham gia giảng dạy và nghiên cứu về các lĩnh vực trên. (Nguyễn Thanh Nguyên, Phạm Nguyễn Thùy Dương)


Hỏi:
Em nghe nói trường ĐH KHTN TP.HCM có đào tạo ngành liên quan đến ngành Y - dược có đúng không? Ngành đó là ngành đào tạo gì ạ?

Đáp:
Trong xu thế tiếp cận với trình độ đào tạo của thế giới, việc đào tạo các ngành và liên ngành đang được các trường trong khối ĐHQG TPHCM chú trọng, trong đó có trường ĐH KHTN. Hiện tại những ngành tại trường có liên quan đến lĩnh vực y dược là các ngành Điện tử - Viễn thông (chuyên ngành Điện tử Y sinh) và Công nghệ Sinh học (chuyên ngành Sinh học Y dược). Ngoài ra, ngành Sinh học cũng có các chuyên ngành có các nghiên cứu liên quan (Sinh học Thực vật, Sinh học Động vật và Vi sinh - Sinh hóa). (Nguyễn Thanh Nguyên, Phạm Nguyễn Thùy Dương)


Hỏi:
Em có thể thi vào ngành học nào để sau này có thể trở thành chuyên gia kỹ thuật hạt nhân và có cơ hội làm việc ở nhà máy điện nguyên tử. Trường ĐH KHTN có đào tạo ngành này không? Điểm chuẩn các năm qua là bao nhiêu? Xin cho biết thêm về điều kiện xét tuyển vào hệ cao đẳng công nghệ thông tin của trường. Cám ơn

Đáp:
Trường ĐH KHTN thuộc ĐHQG-HCM là một trong những Trường được giao trách nhiệm đào tạo nguồn nhân lực về kỹ thuật hạt nhân, chuẩn bị cho những bước hình thành và vận hành các nhà máy điện hạt nhân tại VN. Để thực hiện ước mơ của mình, em có thể thi vào ngành Vật lý của trường. Sau khi trúng tuyển và học 3 - 5 học kỳ kiến thức cơ bản - cơ sở, em có thể đăng ký vào chuyên ngành Vật lý hạt nhân. Điểm chuẩn của ngành Vật lý các năm qua em có thể tham khảo tại mục điểm chuẩn trên website tuyển sinh của Trường. Hệ Cao đẳng ngành Công nghệ thông tin của trường không thi tuyển mà xét tuyển theo kết quả kỳ thi đại học khối A của Bộ GD-ĐT. Mã tuyển sinh của hệ này là C67. Thân. (Nguyễn Thanh Nguyên, Phạm Nguyễn Thùy Dương)


Hỏi:
Cho em hỏi chương trình Tiên tiến của ngành CNTT học phí mỗi năm khoảng bao nhiêu? Tiêu chuẩn được xét tuyển có giống như những ngành khác không?

Đáp:
Chương trình Tiên tiến ngành CNTT của trường ĐH KTHN là một trong 10 chương trình Tiên tiến đầu tiên (với khóa tuyển đầu tiên từ năm học 2006-2007) của Bộ GD&ĐT. Cụ thể, đối tượng tuyển sinh đầu vào sẽ gồm: - Những thí sinh đạt tiêu chuẩn đầu vào của hệ Cử nhân tài năng (là học sinh đạt các giải thưởng trong kỳ thi Olympic Tin học quốc tế và các kỳ thi chọn học sinh giỏi Quốc gia,...) - Những thí sinh đã trúng tuyển NV1 kỳ thi tuyển sinh Đại học của năm xét tuyển, khối A, trên cả nước, đạt điểm chuẩn ngành CNTT của trường ĐH KHTN – ĐHQG-HCM. Những thí sinh nêu trên nếu đạt điều kiện về hoàn thành chương trình tiếng Anh tại bậc phổ thông và có nguyện vọng đăng ký dự tuyển vào Chương trình đào tạo Tiên tiến sẽ qua vòng sơ tuyển (Tiếng Anh) để chọn ra những sinh viên vào học năm thứ nhất của bậc Đại học. Tiếng Anh đầu vào: Để có thể đăng ký theo học chương trình, sinh viên cần có trình độ Anh văn tối thiểu tương đương TOEFL iBT 45 điểm. Các ứng viên chưa có chứng chỉ Anh văn có thể tham dự kỳ thi kiểm tra tiếng Anh đầu vào. Học phí cho sinh viên trúng tuyển vào Chương trình Tiên tiến cho toàn khóa học khoảng 6000 USD. (Nguyễn Thanh Nguyên, Phạm Nguyễn Thùy Dương)


Hỏi:
Em dự định thi vào ngành Vật lý trường ĐH KHTN TP.HCM. Em phải đăng ký cách nào để được học lớp Cử nhân tài năng? Ngoài ra, còn ngành nào khác của trường tuyển Cử nhân tài năng? Cám ơn.

Đáp:
Chương trình Cử nhân tài năng của trường ĐH KHTN tuyển sinh các ngành Toán - Tin, Hóa học, Vật lý, Điện tử viễn thông và nhóm ngành Công nghệ thông tin. Chương trình Cử nhân tài năng xét tuyển đối với các thí sinh trúng tuyển vào trường với số điểm cao; mức điểm cụ thể và thủ tục tham gia xét tuyển sẽ được nhà trường thông báo khi thí sinh nộp hồ sơ trúng tuyển vào trường. Ngoài ra, mỗi năm học nhà trường đều tổ chức tuyển bổ sung SV giỏi vào hệ Cử nhân tài năng. (Nguyễn Thanh Nguyên, Phạm Nguyễn Thùy Dương)


Hỏi:
Ngành Công nghệ sinh học yêu cầu sức khỏe và những năng khiếu nào để thành công và có cơ hội việc làm cao? Nếu thi vào ngành Sinh học sau này em có cơ hội làm việc về Công nghệ Sinh học không? Xin giới thiệu vài thành tựu của CNSH trong điều kiện VN.

Đáp:
Không chỉ riêng ngành Công nghệ Sinh học (CNSH) mà tất cả các ngành học đều yêu cầu phải có sức khỏe, nếu bạn không có sức khỏe thì bạn không thể nào hoàn thành chương trình học cũng những đạt kết quả tốt nhất trong học tập được. Đối với ngành CNSH ngoài những kỹ năng cơ bản, bạn cần có tính tỉ mỉ, sự kiên trì và nhẫn nại. Nếu bạn thi vào ngành Sinh học thì bạn vẫn có cơ hội làm việc về CNSH, ngành Sinh học đào tạo hướng về khoa học cơ bản, xây dựng cho bạn nền tảng kiến thức vững chắc để có thể làm việc ở các lĩnh vực khác. Một thành tựu nổi bật nhất hiện nay là việc nghiên cứu và ứng dụng thành công công nghệ Tế bào gốc.(Nguyễn Thanh Nguyên, Phạm Nguyễn Thùy Dương)


Hỏi:
Em có đọc trên báo thấy Chính phủ ra chỉ thị bắt đầu tuyển sinh ngành Điện hạt nhân từ năm 2010 ở ĐH Điện lực, ĐH KHTN TPHCM và một số trường khác. Vậy em muốn thi ngành Điện hạt nhân thì có thể thi vào trường nào ở miền Nam?

Đáp:
Để sau này làm việc trong lĩnh vực điện hạt nhân, em có thể thi vào ngành trường ĐH KHTN TP.HCM (ngành Vật lý) và trường ĐH Đà Lạt. Kỳ tuyển sinh 2012, trường ĐH KHTN sẽ mở thêm và bắt đầu tuyển sinh ngành mới về đào tạo hạt nhân. Em có thể xem thêm thông tin về ngành này tại website tuyển sinh của Trường. (Nguyễn Thanh Nguyên, Phạm Nguyễn Thùy Dương)


Hỏi:
Kết quả học ngành CNTT theo chương trình liên kết với trường nước ngoài có được trường bên đó công nhận không? Và có được bảo lưu kết quả đã học 1, 2 học kì ở VN rồi qua bên đó học tiếp được không?

Đáp:
Kết quả học tập các ngành học ở trường ĐH KHTN TP.HCM có chương trình liên kết với nước ngoài đều được công nhận ở bên các trường đối tác. Đối với các chương trình liên kết với nước ngoài, bạn hoàn toàn có thể bảo lưu kết quả học tập ở VN và sau đó học tập tại các trường đối tác. (Nguyễn Thanh Nguyên, Phạm Nguyễn Thùy Dương)



Nguồn Đại Học KHTN TP.HCM
 
632635-cosovatchat2.jpg

Tòa nhà I, Cơ sở 227 Nguyễn Văn Cừ

Hỏi:

Em có năng khiếu Toán và dự định thi vào ngành Toán-Tin học. Nếu sau này em không đi nghiên cứu chuyên sâu về Toán thì em có thể học những chuyên ngành nào để có thể đi dạy Toán?

Đáp:
Ngành Toán - Tin học của trường ĐH KHTN hiện nay đang đào tạo các chuyên ngành Đại số, Giải tích, Giải tích số, Toán Kinh tế, Thống kê, Toán cơ, Phương pháp toán trong tin học, Toán Tin ứng dụng, Tài chính định và Sư phạm Toán Tin. Để có thể dạy Toán, em có thể theo học chuyên ngành Sư phạm Toán Tin hoặc theo học các chuyên ngành khác, đồng thời học bổ sung cho mình một chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm tại các trường đào tạo sư phạm. (Nguyễn Thanh Nguyên, Phạm Nguyễn Thùy Dương)


Hỏi:
Em muốn làm công tác dự báo khí tượng thì em nên thi vào ngành nào, khối thi nào. Ngành này có dễ trúng tuyển so với các ngành khác của trường ĐH KHTN không?

Đáp:
Hiện nay tại trường ĐH KHTN có đào tạo ngành Hải dương học, Khí tượng và Thủy văn, tuyển sinh hai khối A, B. Ngành Hải dương học, Khí tượng và Thủy văn đào tạo cử nhân có kiến thức về tất cả các vấn đề có liên quan đến biển, sông ngòi và khí quyển. Trong đó có tương tác biển - khí quyển và các quá trình xảy ra ở vùng cửa sông, cửa biển. Đây là lĩnh vực nghiên cứu đa ngành liên quan đến toán học, vật lý, hóa học, sinh học, khoa học về địa chất và môi trường. Chương trình nhằm đào tạo cán bộ với những kiến thức khoa học cơ bản và chuyên ngành khí tượng, thủy văn và hải dương học. Qua chương trình học tập, sinh viên được trang bị nhiều kiến thức bổ sung và mới về các khoa học trái đất, xã hội, toán, lý, hoá học và tin học. Khối lượng kiến thức chuyên ngành đủ giúp cho sinh viên hiểu biết các quá trình diễn ra trong khí quyển và thủy quyển trái đất; đánh giá và dự báo ô nhiễm môi trường; các quá trình xói mòn bờ biển, sông và cửa sông, sự xâm nhập mặn, hệ sinh thái đất ngập nước, tai biến môi trường và biến đổi khí hậu… Các chuyên ngành đào tạo: Hải dương học (hướng Hải dương học Vật lý, Hải dương học Hóa Sinh, Hải dương học Kỹ thuật Kinh tế) Khí tượng và Thủy văn. Sinh viên tốt nghiệp có thể tìm kiếm việc làm tại các viện nghiên cứu của trung tâm Khoa học Tự nhiên và Công nghệ Quốc gia; các viện, trung tâm nghiên cứu và các đài trạm của Tổng cục Khí tượng Thủy văn, Sở khoa học và công nghệ tại các tỉnh và thành phố, các sở Tài nguyên và Môi trường, Viện Hải Dương Học, các nhà máy xí nghiệp sản xuất, công ty tư vấn có liên quan đến đánh giá tác động môi trường nước, biển và không khí; Tổng cục dầu khí, các đơn vị chuyên môn của quân đội, hoặc có thể giảng dạy về khoa học trái đất và môi trường. Sinh viên có thể tiếp tục học Sau Đại học chuyên ngành Hải dương học và chuyên ngành Khí tượng và khí hậu học. (Nguyễn Thanh Nguyên, Phạm Nguyễn Thùy Dương)


Hỏi:
Em thích học về Quản lí mạng và máy tính, thi vào trường Khoa học Tự nhiên thì thi vào ngành nào? Chỉ tiêu và điểm chuẩn bao nhiêu?

Đáp:
Nhóm ngành Công nghệ Thông tin (CNTT) có đào tạo ngành Mạng máy tính và Viễn thông. Chỉ tiêu và điểm chuẩn của ngành này qua các năm em có thể tham khảo tại website tuyển sinh của Trường Ngành Mạng Máy tính và viễn thông: trang bị kiến thức và kỹ năng về mạng diện rộng, mạng cục bộ, hệ cơ sở dữ liệu phân tán, kỹ năng thiết kế, cài đặt, phát triển ứng dụng các mạng tin học viễn thông. SV cũng được đào tạo các kiến thức về chuẩn, công nghệ, thiết bị, dịch vụ,… mới nhất trên thế giới liên quan đến ngành mạng máy tính và viễn thông. Sau khi tốt nghiệp, SV có khả năng việc tại những đơn vị cần sử dụng đến máy tính, đặc biệt là trong các lĩnh vực ngân hàng, hàng không, bưu điện, quốc phòng, các công ty sản xuất phần mềm; hoặc giảng dạy ở các trường Đại học hoặc Cao đẳng về Tin học. (Nguyễn Thanh Nguyên, Phạm Nguyễn Thùy Dương)


Hỏi:
Chương trình đào tạo ngành CNSH của trường ĐH KHTN và trường Bách Khoa khác nhau như thế nào? Và ngành Sinh học của trường KHTN có khác gì so với ngành CNSH?

Đáp:
Ngành Công nghệ Sinh học hiện tuyển sinh hai khối A, B. Ngành đào tạo cử nhân có kiến thức cơ bản và chuyên sâu về công nghệ sinh học: công nghệ di truyền và các ứng dụng, chẩn đoán phân tử dùng trong y học và pháp y, cải thiện các giống cây trồng và vật nuôi bằng phương pháp chuyển gen, công nghệ enzym, chế biến thức phẩm, xử lý nước thải, sản xuất vaccine, nuôi cấy tế bào động vật, tạo giống mới,… Cử nhân CNSH có thể vận dụng vào thực tiễn như nghiên cứu sản xuất về CNSH, và có khả năng tiếp thu các quy trình CNSH hiện đại của nước ngoài. Các chuyên ngành: CN Sinh học Y Dược, CN Sinh học Nông Nghiệp, CN Sinh học Môi trường, CN Sinh học Công nghiệp, Sinh – Tin học. Sự khác biệt giữa ngành Sinh học và ngành CNSH là: Ngành Sinh học đào tạo hướng về các kiến thức khoa học cơ bản, trong khi ngành CNSH đào tạo hướng về việc ứng dụng những kỹ thuật, công nghệ trong sinh học. (Nguyễn Thanh Nguyên, Phạm Nguyễn Thùy Dương)


Hỏi:
Em là học sinh 12 đang học tiếng Pháp và nghe nói trường ĐH KHTN có lớp liên kết đào với ĐH Pháp đào tạo ngành CN thông tin. Xin thầy cô cho biết về điều kiện tuyển vào chương trình này, học bằng tiếng Việt hay Pháp và bằng tốt nghiệp do trường nào cấp?

Đáp:
Hiện trường ĐH KHTN TP.HCM có hợp tác với ĐH Claude Bernard Lyon 1 tuyển sinh hệ chính quy, đào tạo cử nhân CNTT bằng tiếng Pháp. Sinh viên theo học chương trình này có cơ hội nhận 2 bằng Cử nhân do 2 trường đồng cấp và có khả năng học tiếp bậc thạc sĩ tại trường Claude Bernard Lyon 1. Em có thể tham khảo các thông tin về chương trình đào tạo này tại https://www.fit.hcmus.edu.vn/PFInfo/ (Nguyễn Thanh Nguyên, Phạm Nguyễn Thùy Dương)


Hỏi:
Em rất thích học về vật liệu mới trong y học thì em có thể chọn ngành học nào của trường KHTN?

Đáp:
Bạn thích học về vật liệu mới trong y học thì ngành Khoa học Vật liệu của trường ĐH KHTN TP.HCM sẽ là lựa chọn hàng đầu cho bạn. Ngành Khoa học Vật liệu hiện tuyển sinh hai khối: A, B. Đào tạo Cử nhân Khoa học Vật liệu có đủ kiến thức về quy trình chế tạo, vận hành các thiết bị chế tạo, phân tích các vật liệu mới có tính ứng dụng cao trong đời sống. Ngoài ra còn có đủ năng lực phục vụ cho nhu cầu giảng dạy, nghiên cứu cơ bản cũng như ứng dụng khoa học vào thực tiễn sản xuất và đời sống về lĩnh vực vật liệu kỹ thuật cao. Đây là đối tượng nghiên cứu đã và đang có nhiều hứa hẹn về sự phát triển và ứng dụng rộng rãi ở Việt Nam cũng như trên thế giới như: các hợp kim đặc dụng, gốm kỹ thuật, vật liệu polymer, composite và nanocomposite, vật liệu quang, điện tử - bán dẫn, vật liệu bền cơ - nhiệt, vật liệu từ, vật liệu photonics, vật liệu y học và sinh học.. Chuyên ngành Vật liệu Từ và Y sinh là chuyên ngành khoa học có tính liên ngành. Ngoài việc nghiên cứu chế tạo các vật liệu mới ứng dụng trong kỹ thuật điện tử - bán dẫn còn có khả năng chế tạo các vật liệu kỹ thuật cao ứng dụng trong các lĩnh vực y học, sinh học, công nghệ sinh học và xử lí môi trường.(Nguyễn Thanh Nguyên, Phạm Nguyễn Thùy Dương)


Hỏi:
Trường ĐH KHTN hiện nay có chương trình học bổng toàn phần nào dành cho sinh viên không ạ?

Đáp:
Hiện nay trường ĐH KHTN chưa có chương trình học bổng toàn phần dành cho sinh viên. Tuy nhiên, trường hiện tại có 2 hệ thống học bổng dành cho sinh viên: - Học bổng khuyến khích học tập theo quy định của Bộ GD-ĐT xét trên kết quả học tập và rèn luyện của sinh viên theo từng học kỳ. - Học bổng do các tổ chức xã hội và doanh nghiệp phối hợp với nhà trường trao tặng cho nhiều đối tượng khác nhau (SV xuất sắc trong học tập, SV vượt khó học giỏi, SV xuất sắc trong nghiên cứu khoa học...). (Nguyễn Thanh Nguyên, Phạm Nguyễn Thùy Dương)


Hỏi:
Học ngành Địa chất của trường ĐH KHTN sau này có thể làm bên mảng Hóa dầu và Dầu khí được không?

Đáp:
Ngành Địa chất trường ĐH KHTN hiện tuyển sinh hai khối: A, B. Học ngành Địa chất của trường ĐH KHTN có thể làm các công việc về mảng Hóa dầu và Dầu khí. Chuyên ngành Địa chất dầu khí cung cấp kiến thức về môi trường tạo lập, sinh, chứa, chắn dầu khí; các phương pháp địa vật lý, giải đoán các tài liệu địa chấn, các phương pháp thăm dò dầu khí... Sinh viên ra trường có thể công tác tại các công ty thăm dò khai thác dầu khí trong và ngoài nước, các viện nghiên cứu về dầu khí, các trường Đại học và Cao Đẳng có liên quan đến ngành. (Nguyễn Thanh Nguyên, Phạm Nguyễn Thùy Dương)
 
Hiệu chỉnh:
632637-cosovatchat10.jpg

Niềm hân hoan của các tân Cử nhân trường ĐH KHTN

Hỏi:

Cơ hội việc làm sau khi học ngành Toán tin tại truờng KHTN có cao không? So với một giáo viên sư phạm Toán cùng ứng tuyển thì ai có được ưu hơn?

Đáp:
Hiện nay các chuyên ngành đào tạo của ngành Toán - Tin trường ĐH KHTN khá đa dạng nên cơ hội việc làm của SV Toán - Tin sau khi ra trường khá phong phú. Ngoài việc nghiên cứu, giảng dạy về toán học, cử nhân Toán - Tin có thể làm việc trong lĩnh vực công nghệ thông tin, xử lý dữ liệu, ngân hàng,... Khi đăng tuyển vào các vị trí làm việc, bằng cấp lúc này chỉ chứng tỏ bạn đã đạt được một trình độ trong học vấn, còn lại bạn phải chứng tỏ được khả năng của mình trước nhà tuyển dụng. (Nguyễn Thanh Nguyên, Phạm Nguyễn Thùy Dương)


Hỏi:
Xin cho biết ngành Điện tử - Viễn thông của trường ĐH KHTN có khác gì so với Điện tử Viễn thông của ĐH Bách khoa. Trường có chương trình đào tạo quốc tế nào?

Đáp:
Khoa Điện tử - Viễn thông đào tạo cử nhân có kiến thức nền tảng tốt, nắm vững các công cụ toán học và kỹ thuật lập trình ứng dụng, có kiến thức chuyên nghiệp rộng và đủ sâu, mang tính nghề nghiệp khá rõ rệt, có thể cập nhật được các thay đổi về công nghệ và thích nghi được với các đòi hỏi của thị trường lao động. Sinh viên tốt nghiệp có khả năng phân tích, thiết kế, xây dựng các ứng dụng liên quan đến lĩnh vực chuyên ngành được đào tạo và có năng lực để làm nghiên cứu khoa học. Ngoài ra, SV tốt nghiệp có thể giảng dạy và đảm trách các công tác kỹ thuật và quản lý. Môi trường làm việc là các công ty, xí nghiệp về Điện tử, Máy tính, Viễn thông, các trường Đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp, các phòng thí nghiệm,… Sinh viên tốt nghiệp khá, giỏi có đủ năng lực để học lên cao theo các các chương trình trong và ngoài nước. Các chuyên ngành: Điện tử, Máy tính và Hệ thống nhúng, Viễn thông và Mạng, Điện tử y sinh. 1. Điện tử: Điện tử ứng dụng, vi điện tử, thiết kế vi mạch, điện tử nano, hệ thống vi-cơ điện tử,… 2. Máy tính và Hệ thống nhúng: Kiến trúc máy tính, lập trình ứng dụng, hệ thống nhúng, tích hợp hệ thống trong một vi mạch, mạng máy tính,… 3. Viễn thông và Mạng: Các hệ thống truyền thông, truyền thông không dây, truyền thông di động, mạng truyền thông, công nghệ mạng … 4. Điện tử y sinh: Đo đạc và xử lý tín hiệu, thiết kế và khai thác các phần cứng và phần mềm dùng trong y học. Hiện nay, Khoa Điện tử - Viễn thông của trường chưa có chương trình đào tạo quốc tế. nào. (Nguyễn Thanh Nguyên, Phạm Nguyễn Thùy Dương)


Hỏi:
Ngành Hóa học của trường có chuyên ngành nào đào tạo kiến thức, kỹ năng để sau này có thể làm trong lĩnh vực hóa dầu hoặc mỹ phẩm không?

Đáp:
Ngành Hóa học của trường hiện đào tạo các chuyên ngành Hóa hữu cơ, Hóa vô cơ, Hóa phân tích và Hóa lý. Trong đó, chuyên ngành Hóa hữu cơ sẽ cung cấp cho bạn những kiến thức nền tảng, cơ bản để bạn làm việc trong những lĩnh vực mà bạn đã đề cập: hóa dầu, mỹ phẩm,... (Nguyễn Thanh Nguyên, Phạm Nguyễn Thùy Dương)


Hỏi:
Em định thi vào ngành Khoa học Môi trường của trường ĐH KHTN. Xin cho hỏi về chỉ tiêu và điểm chuẩn của ngành này? Học ngành này có dễ kiếm việc làm không? Trường có chế độ ưu tiên cho người dân tộc thiểu số không?

Đáp:
Ngành Khoa học Môi trường hiện tuyển sinh hai khối: A, B. Về chỉ tiêu, điểm chuẩn của ngành này qua các năm em có thể tham khảo tại website tuyển sinh của Trường. Ngành Khoa học Môi trường đào tạo những kiến thức cơ bản và cơ sở của ngành môi trường nhằm phục vụ công tác điều tra, nghiên cứu, giảng dạy và điều hành trong các lĩnh vực tài nguyên và sinh thái môi trường, công nghệ môi trường, quản lý, kiểm soát ô nhiễm và đánh giá tác động môi trường, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. Khoa học môi trường là ngành khoa học nghiên cứu mối quan hệ và tương tác qua lại giữa con người và môi trường xung quanh nhằm mục đích bảo vệ môi trường sống của con người trên trái đất. Ngành khoa học môi trường đào tạo cử nhân có đủ kiến thức và năng lực trong: - Nghiên cứu đặc điểm của các thành phần môi trường (tự nhiên hoặc nhân tạo) có ảnh hưởng hoặc chịu ảnh hưởng con người như nước, không khí, đất, sinh vật, hệ sinh thái, khu công nghiệp, đô thị, nông thôn... - Nghiên cứu tổng hợp các biện pháp quản lý về khoa học kinh tế, luật pháp, xã hội nhằm bảo vệ môi trường và phát triển bền vững trái đất, quốc gia, vùng lãnh thổ, ngành công nghiệp. - Nghiên cứu và áp dụng các phương pháp như mô hình hoá, Viễn thám, Hệ thống thông tin địa lý, phân tích hoá học, vật lý, sinh vật nhằm giải quyết các vấn đề môi trường nhanh chóng và hiệu quả. Chuyên ngành: Khoa học môi trường, Tài nguyên Môi trường, Quản lý môi trường, Tin học cho môi trường. Sau khi tốt nghiệp, các cử nhân ngành Khoa học Môi trường có khả năng nhận công tác ở các cơ sở sau: Các viện, các trung tâm nghiên cứu liên quan đến môi trường tự nhiên; môi trường kinh tế-xã hội và môi trường nhân tạo; Các cơ quan quản lý môi trường các cấp từ trung ương đến địa phương; Các công ty và doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực khai thác và sử dụng tài nguyên thiên nhiên; Các dự án quốc gia và quốc tế trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, qui hoạch môi trường, đánh giá tác động môi trường; Giảng dạy tại các trường đại học, cao đẳng, phổ thông. Các cử nhân Ngành Khoa học Môi trường có thể tiếp tục học tập và nghiên cứu nâng cao trong các chương trình Thạc sĩ, Tiến sĩ tại Khoa môi trường. (Nguyễn Thanh Nguyên, Phạm Nguyễn Thùy Dương)


Hỏi:
Trường ĐH KHTN có chương trình dự bị đại học không? Ngành CNTT có liên thông cao đẳng lên đại học không? Thời gian học mất bao lâu? Học phí có cao hơn chỉ học đại học không?

Đáp:
Trường ĐH KHTN không có chương trình dự bị đại học. Hệ Cao đẳng ngành CNTT của trường có liên thông từ Cao đẳng lên Đại học. Sau khi tốt nghiệp hệ Cao đẳng, bạn có thể đăng ký thi vào hệ Hoàn chỉnh Đại học của trường. Thời gian học của hệ tối thiểu này là 2 năm. Học phí của hệ Hoàn chỉnh Đại học vẫn được tính theo tín chỉ tương đương như hệ Đại học. Nhưng do thời gian học dài hơn nên tổng học phí của toàn bộ quá trình học cao đẳng và liên thông lên đại học chắc chắn sẽ cao hơn chỉ học Đại học.(Nguyễn Thanh Nguyên, Phạm Nguyễn Thùy Dương)


Hỏi:
Xin cho hỏi về chuyên ngành Hệ thống Nhúng và Công nghệ Phần mềm sẽ phát triển ra sao trong thời gian tới. Giữa 2 chuyên ngành đó thì nên lựa chọn chuyên ngành nào để phù hợp với sự phát triển thông tin sau này? Và Trường ĐH KHTN có hệ cao đẳng cho đào tạo ngành công nghệ thông tin không?

Đáp:
Tại trường ĐH KHTN, Khoa Công nghệ Thông tin đào tạo ngành Kỹ thuật Phần mềm, trang bị cho SV kiến thức tổng quát về qui trình xây dựng, quản lý và bảo trì hệ thống phần mềm; kỹ năng phân tích, thiết kế và quản lý các dự án phần mềm; cung cấp cung cấp kiến thức cơ bản về tổ chức và quản lý qui trình phần mềm, cùng với phương pháp luận và những công nghệ hiện đại để SV có thể vận dụng hiệu quả trong quá trình xây dựng phần mềm. Trong khi đó, Hệ thống Nhúng là một phần chuyên sâu của CNTT, kết hợp với việc ứng dụng CNTT trong các máy móc, thiết bị, quy trình,... phục vụ đời sống con người, nghiên cứu khoa học. Tại trường ĐH KHTN, Khoa Điện tử - Viễn thông đào tạo chuyên ngành Máy tính và Hệ thống Nhúng cung cấp các kiến thức về kiến trúc máy tính, lập trình ứng dụng, hệ thống nhúng, tích hợp hệ thống trong một vi mạch, mạng máy tính,... Cả hai lĩnh vực ông nghệ phần mềm và hệ thống nhúng đều cần thiết cho cuộc sống con người trong thời gian tới. Em có thể tham khảo thêm nhiều nguồn thông tin để phù hợp với khả năng và sở thích của bản thân. Trường ĐH KHTN có đào tạo hệ Cao đẳng ngành Công nghệ thông tin, sử dụng điểm kỳ thi đại học khối A của Bộ GD-ĐT để tuyển sinh. (Nguyễn Thanh Nguyên, Phạm Nguyễn Thùy Dương)


Hỏi:
Xin cho biết ngành Địa chất có đào tạo chuyên ngành về tìm kiếm khai thác dầu khí không? Có hạn chế đối với phái nữ không?

Đáp:
Ngành Địa chất của trường hiện có đào tạo chuyên ngành Địa chất dầu khí. Chuyên ngành này cung cấp kiến thức về môi trường tạo lập, sinh, chứa, chắn dầu khí; các phương pháp địa vật lý, giải đoán các tài liệu địa chấn, các phương pháp thăm dò dầu khí,… Sinh viên ra trường có thể công tác tại các công ty thăm dò khai thác dầu khí trong và ngoài nước, các viện nghiên cứu về dầu khí, các trường Đại học và Cao Đẳng có liên quan đến ngành. Như vậy bạn có thể thấy học Địa chất Dầu khí không chỉ phải đi thực địa tìm kiếm, khai thác mà còn làm trong nhiều lĩnh vực khác liên quan. Chuyên ngành này tại ĐH KHTN hoàn toàn không có hạn chế đối với phái nữ. (Nguyễn Thanh Nguyên, Phạm Nguyễn Thùy Dương)


Hỏi:
Em thích ngành CNTT nhưng học lực chỉ đạt loại khá. Như vậy, em có thể học cao đẳng để sau này liên thông lên đại học được không? Có phải đăng ký NV 1 vào hệ cao đẳng thì dễ trúng tuyển hơn chờ xét tuyển NV 2?

Đáp:
Trường ĐH KHTN có ngành đào tạo Cao đẳng hệ chính qui Công nghệ thông tin. Mã ngành C67, khối thi A. Hệ cao đẳng không tổ chức thi, xét tuyển theo kết quả thi đại học khối A của Bộ GD-ĐT. Sau khi hoàn thành chương trình Cao đẳng, bạn có thể đăng kí dự thi lên hệ Hoàn chỉnh đại học và sau khi tốt nghiệp bạn sẽ nhận được bằng cử nhân CNTT do trường cấp. (Nguyễn Thanh Nguyên, Phạm Nguyễn Thùy Dương)

Hỏi:
Ngành Sinh - Tin học đào tạo những chuyên môn gì? Cơ hội làm việc sau khi ra trường như thế nào?

Đáp:
Chuyên ngành Sinh - Tin học thuộc ngành Công nghệ sinh học - Khoa Sinh học - Trường đại học Khoa học Tự nhiên TPHCM. Ngoài những môn học thuộc về lĩnh vực sinh học, sinh viên còn được đào tạo thêm những kiến thức về Tin học trong giai đoạn chuyên ngành. Ví dụ như những phần mềm, ứng dụng, ngôn ngữ lập trình...để bổ trợ kiến thức trong học tập và nghiên cứu. Sinh viên sau khi tốt nghiệp có thể làm các công việc nghiên cứu, giảng dạy, và ở phòng R&D của công ty nước ngoài như P&G, Unilever, Ajinomoto... (Nguyễn Thanh Nguyên, Phạm Nguyễn Thùy Dương)


 
×
Quay lại
Top Bottom