Sách lậu… vẫn rộng đất sống

gaconueh2005

Thành viên thân thiết
Thành viên thân thiết
Tham gia
3/3/2013
Bài viết
4.056
Thời điểm này, các nhà xuất bản (NXB) đang gấp rút in sách phục vụ năm học mới, và đây cũng là lúc sách lậu được thể tung hoành. Mặc dù các lực lượng chức năng đã tăng cường kiểm tra xử lý, nhưng do mức xử phạt chưa đủ sức răn đe nên những người kinh doanh sách nhái vẫn... "lối cũ ta về".

Sách lậu được thể tung hoành

Không phải vô cớ mà nhiều người nói rằng, đây đang là giai đoạn cao điểm của hoạt động kinh doanh sách lậu. Bởi mới đây, Cục An ninh Thông tin Truyền thông phối hợp với NXB Giáo dục đã bắt quả tang cơ sở Trọng Nhân (TP Hồ Chí Minh) đang đóng gói khoảng 10.000 cuốn "Tiếng Anh 3 - Tập một" nhái sách của NXB Giáo dục và 3.000 cuốn "Family and Friends 3" in nhái sách của NXB Oxford. TS Nguyễn Đăng Quang - Trợ lý Tổng Giám đốc NXB Giáo dục cho biết: "Không chỉ sách giáo khoa mà các đầu sách tham khảo và các đầu sách "đắt khách" của NXB Giáo dục cũng bị in lậu và bày bán tràn lan trên vỉa hè, trong các hiệu sách". Nếu như trước đây, gần đến ngày khai trường sách giáo khoa mới in xong và chuyển bán đến các địa phương, thì nay, sách thậm chí có trước vài tháng nên các cơ sở in lậu đã lợi dụng để in nhái.
KenhSinhVien-sach-lau.gif
Giá sách bán ở vỉa hè bằng 1/3 giá gốc. Trong ảnh: Bán sách trên đường Nguyên Hồng. Ảnh: Hải Linh

Khảo sát giá tại một số chiếu sách ở vỉa hè đường Phạm Văn Đồng, Trần Quốc Hoàn, Láng (Hà Nội)… cho thấy, giá sách tại đây thường chỉ bằng 1/3 đến 1/5 giá sách chuẩn. Như cuốn "Truyện tranh dân gian Việt Nam" của NXB Kim Đồng, có giá bìa 15.000 đồng/cuốn, chiết khấu với NXB chỉ 10 - 20%, nhưng với bản nhái, giá chỉ 6.000 - 9.000 đồng/cuốn, tức được giảm từ 40 - 60% so với giá bìa. Còn sách giáo khoa chính thống nhiều nhất cũng chỉ được giảm từ 0 - 10%, nhưng sách lậu thì được giảm từ 10 - 25% so với giá bìa. Giá rẻ vì không phải chi tiền bản quyền, thuê mặt bằng… các chiếu sách vỉa hè hiện đang cạnh tranh gay gắt với các NXB chân chính.

Thực tế, công nghệ in ấn ngày càng tiến bộ nên người bình thường khó có thể phân biệt được đâu là sách thật, đâu là sách giả. Mặt khác, nếu phân biệt được và biết chắc là sách nhái, nhưng không ít người vẫn không có ý định "tẩy chay" loại sách này vì được mua với giá rẻ. Sách lậu vì thế vẫn rộng đất sống.

Nên tăng mức phạt

Trước vấn nạn này, ông Phạm Quốc Chính - Phó Cục trưởng Cục Xuất bản đánh giá: Việc thanh tra, kiểm tra thu hồi, xử lý xuất bản phẩm vi phạm phải tuân thủ quy định. Tuy nhiên, chế tài xử lý các vi phạm còn quá nhẹ, chưa đủ sức răn đe đối tượng vi phạm. Mức xử phạt vi phạm hành chính cho việc phát hành sách không rõ nguồn gốc quy định từ 3 - 5 triệu đồng, thường chỉ phạt từ 3,5 - 4 triệu đồng, không mấy khi phạt mức tối đa. Đã đến lúc, cần có biện pháp quản lý mạnh mẽ hơn để các cơ sở phát hành tự giác tuân thủ quy định, như thu hồi giấy phép kinh doanh, không cho phép tiếp tục kinh doanh mặt hàng đã vi phạm. Ông Chính cho rằng, phải xây dựng các chế tài xử phạt đủ mạnh để quản lý thị trường này bằng các công cụ tài chính chứ không thể trông chờ vào ý thức, đạo đức kinh doanh, nghề nghiệp.

Trong bối cảnh sách lậu tung hoành, nhiều NXB đã triển khai các giải pháp để "tự cứu mình". Ông Nguyễn Mạnh Hùng - Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty sách Thái Hà cho biết: "Hiện Thaihabooks đang tự đi kiểm tra, tự làm việc với các cơ sở bán sách lậu, và vận động các công ty sách khác cùng phối hợp vào cuộc". Sắp tới có thể Thaihabooks sẽ đóng dấu doanh nghiệp vào từng cuốn sách. Khi đó, bất cứ cuốn sách nào không có dấu đỏ sẽ là sách lậu. Nếu làm sách lậu làm cả dấu "lậu" thì chắc chắn sẽ bị khởi tố hình sự. Còn ông Nguyễn Đăng Quang chia sẻ: "Giải pháp chống in lậu hữu hiệu nhất của NXB Giáo dục là sử dụng tem chống giả, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người mua sách và các cơ quan chức năng phân biệt sách thật, sách giả".

Những năm gần đây, sách giáo khoa cho học sinh "vào vụ" quá sớm. Năm học mới chưa kết thúc, học sinh đã được đăng ký mua sách năm sau tại trường và nhận sách trước khi bắt đầu kỳ nghỉ hè. Vậy là vô tình, điều này đã mở thêm thời gian cho sách lậu khởi động và phát huy. Còn trẻ nhỏ thì vô tình bị mất đi cái khấp khởi, hào hứng của mỗi lần được mua sách mới, rồi chuẩn bị bọc sách, dán nhãn vở khi năm học mới bắt đầu. Các nhà làm sách và các nhà quản lý giáo dục nên tính lại vấn đề này.
Theo KTDT
 
×
Quay lại
Top