Ông giáo làng 85 tuổi vẫn miệt mài dịch sách

miss_you_52

Thành viên thân thiết
Thành viên thân thiết
Tham gia
25/2/2011
Bài viết
1
Sau khi về hưu, ông mở lớp dạy học tại nhà dành cho các học sinh nghèo ở địa phương. Năm nay đã ngoài 80 tuổi, ông vẫn miệt mài dịch lại những cuốn từ điển cũ để giúp các em thuận lợi hơn trong việc học ngoại ngữ. Ông đồ già của học trò quê

Về thôn Bèo, xã Vĩnh Long, huyện Vĩnh Lộc (Thanh Hóa), ta dễ dàng bắt gặp hình ảnh một cụ già trải tấm chiếu manh ngồi ở sân hì hục viết và đọc những cuốn sách đã cũ nát, mờ chữ. Đó là hình ảnh quen thuộc gắn liền với ông giáo Đặng Tường Linh, người được nhân dân địa phương yêu quý gọi là “ông đồ già của học trò quê”.

IMG_6425.JPG
Ông giáo già đang giảng nghĩa tiếng Anh cho học sinh
Sinh năm 1926 tại huyện Gia Lâm, Hà Nội, ông Linh vào Thanh Hóa công tác, phải lòng với người con gái xứ Thanh và quyết định gắn bó với con người và mảnh đất nơi đây. Sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự và hoàn thành việc học với tấm bằng đại học chuyên ngành tài chính, ông được bổ nhiệm làm cán bộ của Ban kế hoạch miền Tây tỉnh Thanh Hóa. Dù công việc bận rộn nhưng ông Linh vẫn luôn dành thời gian để đọc sách và tiết kiệm số tiền nhỏ mua lại những cuốn sách cũ về đọc và nghiên cứu.
Dù không học chuyên ngành ngoại ngữ nhưng vốn ham tìm tòi học hỏi, ông đã tìm đọc và nghiên cứu các cuốn sách từ điển ngoại ngữ. Sau một thời gian dày công nghiên cứu, ông đã có thể đọc, viết và dịch thành thạo nhiều ngôn ngữ khác nhau như: Anh, Pháp... Đến nay, ông vẫn còn giữ được những cuốn từ điển cũ từ những năm 1980.
Ông có 7 người con, các con ông đều đã trưởng thành và lập nghiệp ở xa, có người làm việc và định cư tận miền Nam. Năm 1989, sau khi về nghỉ hưu, ông về quê vợ ở huyện Vĩnh Lộc và gắn bó với nghề làm nông, trồng thêm luống rau, nuôi đàn gà. Từ ngày về nghỉ hưu, có nhiều thời gian rảnh rỗi, hàng ngày thấy các cháu học sinh ở quê có hoàn cảnh khó khăn nhưng vẫn phải đi học thêm trên thị trấn rất vất vả, tốn kém; sau nhiều đêm suy nghĩ, ông quyết định mở lớp và dành thời gian dạy học tại nhà cho các cháu học sinh địa phương.
Không chỉ dạy môn ngoại ngữ, ông còn dạy cả những môn học khác như Toán, Vật lý, Văn học. Tiếng là mở lớp học nhưng ông chỉ giúp các cháu học sinh học và ôn bài chứ tịnh không lấy một đồng tiền học phí.

IMG_6429.JPG
Những cuốn từ điển đã cũ nát từ những năm 1980 nhưng ông vẫn gìn giữ cẩn thẩn

Ban đầu lớp chỉ có gần chục em, chủ yếu là học sinh trong thôn Bèo. “Tiếng lành đồn xa”, thấy ông Linh dạy học nhiệt tình, dễ hiểu bài mà lại có chất lượng nên các em học sinh ở thôn khác và những xã lân cận như Vĩnh Ninh, Vĩnh Yên… trong huyện cũng kéo nhau đến xin học. Nhiều hôm mải giảng bài đến quá trưa, ông lại nhắc vợ nấu nhiều cơm để các cháu học sinh ở lại ăn cùng gia đình. Nhiều người đã từng được ông chỉ bảo, nay thành đạt, mỗi lần về quê đều không quên ghé thăm ông giáo già.
Bà Định Thị Ngọt, vợ ông Linh, chia sẻ: “Nhà chỉ có hai ông bà nên cũng buồn tẻ, có các cháu nhỏ đến học bài lại thêm vui nhộn. Trong nhà chỉ toàn thấy sách vở và những tập thơ, truyện của ông ấy viết. Nhiều lần tôi khuyên ông ấy nghỉ ngơi đi cho khỏe, nhưng ông luôn miệng bảo phải cố gắng dịch lại cho hoàn thành mấy cuốn sách từ điển này, để sau này con cháu mình còn được học”.
Tâm nguyện của ông giáo làng
Nay tuổi đã già, tai không còn tinh tường nên ông Linh đã ngừng viêc dạy học. Dù vậy, học sinh trong thôn vẫn thường đến nhờ ông giảng giải những bài tập khó, giải nghĩa những từ tiếng Anh khó... Những lúc ấy ông vui lắm, chẳng bao giờ từ chối. Đôi lúc ông còn dạy các em ngâm thơ, học hát cho bớt căng thẳng với áp lực học tập.
“Tôi thấy các cháu nhỏ giờ học ngoại ngữ khó quá, đặc biệt là môn tiếng Anh, cứ nhìn quyển dịch Anh - Việt là biết, một từ Việt nhưng khi dịch nghĩa sang tiếng Anh thì ra cả trăm từ, như vậy sẽ rất khó hiểu, khó nhớ và khó học đối với con trẻ. Tôi muốn dịch lại những cuốn dịch ngữ ấy thành một bản mới đơn giản, dễ hiểu và dễ học hơn, đặc biệt là những cuốn sách cũ vì nó có nhiều từ ngữ hay”.

IMG_6438.JPG
Lúc rỗi rãi ông Linh thường nấu cơm giúp vợ và ngâm nga những câu thơ do chính ông sáng tác

Nghĩ là làm, ông Linh lấy những cuốn từ điển Anh - Việt, Pháp - Việt đã cũ nát, mờ chữ ra viết lại. Ông viết rất cẩn thận và có chú thích đối với những ngữ âm khó, một từ tiếng Anh ông sẽ dịch ra một từ tiếng Việt sát nghĩa và đúng nhất, trong đó có ghi thêm cả cách phát âm. Có những cuốn ông dịch lại bằng tay lên đến hàng trăm trang, nhiều em học sinh thấy hay, dễ học nên thỉnh thoảng mượn về nhà tranh thủ đọc. Những gia đình có điều kiện xin photo lại bản dịch của ông về để tiện cho các em học sinh THCS và THPT dùng làm tài liệu học bài.
Không chỉ đam mê nghiên cứu, viết và dịch lại sách, ông Linh rất thích đàn, hát, viết thơ, ngâm thơ và thích tự tay nấu ăn giúp vợ. Cứ mỗi buổi chiều, người dân lại thấy ông thổi cơm bằng rơm khô và ngâm nga những câu thơ, bài hát về cách mạng, cuộc sống, về tình nghĩa vợ chồng do chính ông sáng tác. Người dân làng Bèo vẫn thường nói đùa với nhau: “Ở thôn này sướng nhất vợ ông Vũ Khuê (bút danh của ông Linh)”.
Hiện tại ông Linh đang biên soạn cuốn từ điển y học Việt Anh với độ dày 100 trang. Nội dung cuốn sách để tra cứu các điển ngữ từ tiếng Anh sang tiếng Việt, phục vụ cán bộ y tế và sinh viên y khoa. Mới đây ông viết thêm một cuốn từ điển Pháp - Việt về chuyên ngành Vật lý, với mong muốn giúp học sinh, sinh viên dùng nghiên cứu và nâng cao kiến thức, phục vụ học tập và thi cử đối với sinh viên chuyên ngành ngoại ngữ.
Nhiều người khuyên ông: “Sao không gửi những cuốn sách dịch này đến các Nhà xuất bản để nhiều người được học cùng”. Nghĩ vậy, ông lấy tất cả những cuốn sách mình dịch gửi lên Nhà xuất bản Thế giới, Nhà xuất bản Hà Nội và Nhà xuất bản Thanh Hóa. Mới đây ông đã gửi lên Nhà xuất bản Thanh Hóa ba cuốn dịch gồm: Từ điển y học Việt Anh, từ điển Vật Lý viết bằng tay và truyện thơ “Chùm hoa đỏ” gồm 42 truyện thơ về cuộc đời của 42 vị lãnh tụ cộng sản do ông sáng tác viết theo thể thơ “song thất lục bát”.

IMG_6432.JPG
Bà Ngọt hạnh phúc bên chồng

Nhắc đến những bản dịch viết tay và những tập thơ của mình, ông Linh thở dài: “Có cuốn tôi gửi cả năm trời rồi cũng chưa nhận được hồi âm, ba cuốn kia tôi mới gửi cho NXB Thanh Hóa tuần trước. Không biết có đến được tay họ không, nhỡ thất lạc thì tiếc lắm, cuốn nào tôi cũng gửi bản gốc chứ chưa sao chép ra cuốn khác”.
Dù chưa một lần được in thành sách những cuốn dịch của mình, thế nhưng ông Linh vẫn không từ bỏ tâm nguyện của mình. Với ông, đó là sự đam mê và là cái tâm với sách, ông muốn có sự đổi mới cách học ở những môn ngoại ngữ để các em học sinh dễ hiểu, dễ tiếp nhận hơn.
Chia tay "ông giáo tay ngang", chúng tôi còn nghe văng vẳng câu thơ ông viết và thường ngâm nga:
“Chan chan một chén men vàng
Cho anh chao đảo cho nàng ngất ngây
Ô hay cái chuyện thời nay
Nửa sinh, nửa mới, nửa say, nửa mừng”.
 
Hiệu chỉnh bởi quản lý:
×
Quay lại
Top Bottom