"Nội soi" cái kiềng ba chân

Sun Glare

Tân Sinh Viên
Thành viên thân thiết
Tham gia
26/6/2009
Bài viết
2.855
Xin đăng một phần bức thư rất cảm động mà cũng rất kinh khủng của một học sinh lớp 11 vừa gửi đến MTO.

Từ những cái chết rất thong dong và đơn giản của học trò thời gian gần đây không ít người ray rứt với câu hỏi “trách nhiệm của nhà trường, gia đình và cả xã hội ở đâu?” bởi ai cũng biết nhà trường - gia đình - xã hội là "cái kiềng ba chân" làm bệ phóng để đưa tuổi nhỏ vào đời. Đó cũng là lí do chúng tôi thực hiện loạt bài này.

Kì 1: Nổi khổ học trò
Học như…siêu nhân
“Lịch học dày đặc đến mức không còn thời gian để thở…” là tâm sự của hầu hết các bạn học sinh hiện nay, đặc biệt từ năm học 2011-2012 này rất nhiều trường tăng tiết, học thêm rất dữ dội.

Bạn Thanh T (THPT TP, Q.7) co biết: “Lịch học của mình nhìn vào là muốn bệnh luôn, sáng năm tiết, chiều bốn tiết. Ngoài giờ chính khóa, tụi mình phải tăng tiết vào bốn buổi chiều, kể cả sáng thứ Bảy. Nhiều bạn bị đánh giá yếu còn phải học phụ đạo thêm nữa cho nên xem như đứt hết cả tuần luôn”.

Bạn Hoàng H (THPT N, Q.10) tiết lộ: “Năm nay, khối 12 tụi mình tăng 12 tiết, ngoài ra cũng phải tranh thủ đi học thêm buổi tối nữa cho “dễ hiểu” bài vở hơn nên oải lắm”.

Các anh chị lớp trên lịch học như thế, ngay cả các “em lớp dưới” lịch học cũng kinh khủng không kém. Nhìn vào lịch học một tuần của bạn Thanh H (lớp 11, THPT NTT, Gò Vấp), ai cũng lắc đầu ngao ngán: Sáng học chính khóa, chiều thứ hai tăng tiết, khảo bài và học thêm từ 2h đến 9h tối, chiều thứ Ba “đỡ hơn” từ 2h đến 7h30 tối, còn thứ Tư, Năm, Sáu, Bảy cũng bắt đầu từ 2 h và rời lớp lúc 9 h tối…”.

Cô bạn “tội nghiệp” cho biết: nhiều hôm sáng Chủ Nhật cũng phải vào trường khảo bài nên coi như cả tuần không có chút thời gian nghỉ ngơi.

Bạn cùng lớp của Thanh H than thở: “Căng thẳng lắm, lúc nào nào tụi mình cũng trong tư thế chạy đua với thời gian. Đi học về tắm rửa, ăn cơm rồi lao vào học bài cho ngày hôm sau, nhiều lúc gần 1h sáng mới ngã lưng, chỉ chợp mắt được vài tiếng đến 5h sáng thì phải thức dậy chuẩn bị đi học rồi.”.

Cả hai bạn cho biết chuyện bạn bè ngủ gục trong lớp học bị thầy cô bắt quả tang là chuyện rất bình thường.
Không chỉ các anh chị cấp 3 mới khốn khổ với lịch học dày đặc như thế, các đàn em cấp 2 cũng chẳng dễ thở hơn. Thành T (học sinh lớp 7, một trường THCS ở Q.12) cho biết: “6h mình đã phải thức dậy chuẩn bị đi học, 7h30 vô học, khoảng 12 h tan học tranh thủ ăn qua qua quít rồi trở lại lớp học tăng tiết. Hôm nào không tăng tiết thì học thêm Toán, Lý, Hóa, Anh Văn - đa số là do các chính giáo viên bộ môn dạy đến 5h chiều mới tan học, mệt rả rời. Vậy mà nhiều bạn còn đi học thêm vào buổi tối nữa…Nhiều lúc thèm một giấc ngủ ngon cũng không có nói chi đến vui chơi giải trí…”.

Một phụ huynh than trời: Thấy tụi nhỏ học mà không có thời gian ăn, thời gian ngủ thật đau lòng mà cũng phải chịu thôi vì nếu không nghe lời thầy cô học phụ đạo, tăng tiết hoặc học thêm thì cháu không hiểu bài và cũng “rất là phiền”.

Hầu hết các teen hiện nay khi được hỏi đều trả lời rằng đang trong tình trạng căng thẳng thường trực, nhất là khi vào mùa thi học kì lại càng kinh khủng hơn khiến nhiều bạn "căng" quá đến nổi lơ ngơ phải đến bệnh viện tâm thần điều trị.

Một HLV bóng rổ sân Phan Đình Phùng (Q.3) kể cô từng nhận một học sinh trường chuyên bị áp lực từ phía gia đình “phải là học sinh giỏi nhất nhì lớp” đến ngơ ngẩn, hễ thấy tập vở là gào thét xé nát. Hết cách chữa chạy, ba mẹ đưa cậu con trai "nhiều kì vọng" đến với hi vọng “liệu pháp thể thao” sẽ giúp bạn vượt qua.

Thời gian tạm xa bài vở và chơi bóng rổ cùng bạn bè rất vui, bạn học sinh học giỏi này dần dần “tỉnh ra” và tiết lộ hết sức kinh khủng rằng rất nhiều lần bạn chỉ muốn tìm đến cái chết để “giải thoát cuộc sống bế tắc, mệt mỏi, chán chường và không thấy bất cứ cái gì là niềm vui này”…

Đi tìm lối thoát cho riêng mình…
Xin đăng một phần bức thư rất cảm động mà cũng rất kinh khủng của một học sinh lớp 11 một trường THPT ở Gò Vấp vừa gửi đến MTO tâm sự vì sao bạn chỉ muốn “tìm lối thoát riêng cho mình”.

“...Cuộc đời là một chuỗi ngày buồn khi con người ta cảm thấy bế tắc trong cuộc sống mà không bao giờ thấy có lối thoát. Muốn đi đâu đó thật xa, ở một nơi không ai biết mình và không ai có thể làm cho mình buồn hay có thể chết ở một nơi nào đó mà chẳng ai biết để mình có thể biến mất mãi mãi..."
Trên trường, áp lực từ phía thầy cô thật sự là quá lớn làm mình chỉ muốn nghỉ học. Mọi lần mình học toán cũng được lắm, học kì 1 cũng 8.3 mà, vậy mà chẳng hiểu sao hôm kiểm tra đó lại không làm bài không được, kết quả là điểm dưới trung bình.
Từ lúc ra khỏi phòng thi mình đã bắt đầu lo sợ, đến khi phát bài thì càng sợ kinh khủng hơn khi mỗi ngày có tiết toán thì thầy đều chửi bằng những lời khó nghe. Tiết nào mình cũng bị thầy kêu lên bảng. Làm được thì thầy làm lơ luôn, không nói gì nhưng hễ sai thì phải chép phạt.
Giảng bài mới thì thầy hỏi:”Em có hiểu được chút xíu gì không?” hay nói với lớp mình là học sinh yếu không biết gì. Trong tiết, thầy toàn nói những câu sốc, nhiều khi ức chế muốn khóc luôn, nhưng lại khóc không được vì sợ thầy lại la mắng, chừi nhiều thêm.
Mình cũng tự thất vọng về mình nhưng chẳng được một lời động viên an ủi mà càng lại nghe những lời nói khiến mình càng tự thất vọng về mình nhiều hơn. Càng ngày đi học mình lại càng không muốn nói chuyện với một ai, vì nhớ lại những câu nói thầy đã chửi trước lớp.
Tự thấy nhục nhã và xấu hổ với mọi người, mình lại càng không muốn tâm sự với bạn bè vì sợ nó cười nhạo mình, sợ nó nghĩ mình là một đứa học dốt như thầy đã chửi.
Cứ lên bảng giờ toán là sợ run lên vì chỉ cần sai một chi tiết nhỏ thì mình có thể chép phạt đến 100-200 lần. Hôm nay có tiết toán, ngày mai lại có tiết toán thì ngày mai phải nộp bài chép phạt rồi. Nhưng đâu phải tối chỉ học bài môn toán thôi, còn rất nhiều môn khác phải học cho ngày mai.
Tìm một lối thoát cho riêng mình là một cái chết, một cái chết để tự chấm dứt cuộc đời mình, để mình không còn bị một áp lực nào nữa.
Cứ phải gồng mình trước mặt mọi người mình là một đứa con gái mạnh mẽ, không biết buồn. Nhưng sao khó quá, nước mắt cứ trào ra mỗi khi nhớ đến những lời mà thầy nói.
Cứ tự dặn lòng là phải cố gắng, cố gắng vượt qua, rồi mọi chuyện sẽ qua thôi mà, cuối cùng mọi thứ không diễn ra như mình nghĩ, ngày càng áp lực hơn, lại không chiến thắng đuợc suy nghĩ của chính bản thân mình và lại nghĩ đến cần tìm cho minh một lối thoát.
Chán ghét và mệt mỏi với cuộc sống này. Một cuộc sống phức tạp, một xã hội không có sự tha thứ, sẻ chia, cảm thông lẫn nhau.
Cái xã hội mà ở đó chỉ tồn tại những lời nói khiến người khác bị áp lực, không có sự quan tâm và đồng cảm, chỉ có sự ganh ghét. Một lối thoát để không còn áp lực, một lối thoát để đầu óc mình cảm thấy nhẹ nhàng hơn và sống không cần sợ người khác nghĩ mình như thế nào nữa...".

KenhSinhVien.Net-nu-sinh-tu-tu-1.gif

Cái chết tập thể của ba nữ sinh THCS Phan Chu Trinh gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh mọi người - Ảnh: Báo Người Lao Động

Đến bây giờ, khi MTO quyết định công bố bức thư này có lẽ người thầy trong câu chuyện vẫn không hề biết cách ứng xử của mình đã và đang khiến cho một và có thể nhiều học trò nữa đang đau khổ và nghĩ quẩn.

Từ xưa đến nay chẳng ai nói làm Thầy đơn giản nhưng trong môi trường giáo dục rất "rối" như hiện nay không phải thầy cô nào cũng nhận ra điều đó.

Có những “nghệ sĩ” vụng về
Một thầy giáo rất uy tín với gần 30 năm kinh nghiệm đứng lớp rất được các thế hệ học trò yêu quí tâm sự: “Khi còn ngồi trên ghế giảng đường ĐH, tất cả các giáo sinh đều được huấn thị rằng mỗi khi đứng lớp, họ phải làm thiên chức của mình như là những nghệ sĩ chuyên nghiệp trên sân khấu. Các giáo viên phải biết trút bỏ tất cả những lo lắng đời thường để toàn tâm toàn ý tập trung vào “vai diễn” là dạy học một cách hoàn hảo nhất trước các “khán giả” là học sinh thân thương của mình nhưng…”.

Thật đáng tiếc, ngày nay không ít các thầy cô giáo lại không hành xử đúng thiên chức của mình và từ đây những hệ lụy đau lòng đã xảy ra.

Lật lại các vụ tự tử thương tâm của học sinh gần đây, chúng ta thấy rất nhiều vụ việc do giáo viên đã không khéo trong ứng xử, phớt lờ tâm trạng hoặc yếu kém về tâm lí học sinh để rồi các học trò đã phản ứng lại hết sức tiêu cực.

Cách đây không lâu, một nữ sinh lớp 12 tại một trường tư thục (huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình) ngay trong giờ học Toán đã bất ngờ chạy ra hành lang lầu 2 và gieo mình xuống đất tử vong cũng vì liên quan đến tâm lí ức chế giáo viên.

Khó có thể nói đây là hành động “không hiểu nổi” hay bồng bột tức thì vì trước đó, bạn này đã từng phản ứng với cô giáo chuyện bắt học sinh chép phạt mà bạn cho rằng vô lí.

Càng đáng suy nghĩ hơn, trong những trường hợp như trên nạn nhân đều là những học sinh khá giỏi chứ không phải là những học sinh hư, bi quan, chán đời hay “có vấn đề về thần kinh.”

Chưa kể cách hành xử của một bộ phận thầy cô còn mang tính bạo lực, thiếu văn hóa, thiếu tư cách thậm chí gạ tình học sinh mà điển hình nhất là vụ nữ sinh lớp 11 ở Vĩnh Phúc tự tử đúng ngày Nhà giáo vì bị thầy giáo tống tình ...

Nhiều giáo viên có tiếng là dạy giỏi, cả giáo viên trường chuyên cũng thường xuyên xưng mày tao rồi mạt sát học sinh thậm tệ bằng những từ ngữ không thể chấp nhận được, thậm chí đánh và thách thức học trò…
Cách đây không lâu, MTO đã nhận được đơn phản ánh một thầy dạy Toán THPT V (Q.1) thường xuyên chửi mắng tục tĩu và đánh học trò khiến học sinh ức chế nhưng không dám phản ánh vì sợ bị "đì".

KenhSinhVien.Net-dsc-7664.jpg
Học trò rất cần môi trường học tập trong lành. Ảnh: NGỌC CHÂU

Nói về những rắc rối thầy trò hiện nay, nhà văn Nguyễn Quang Thân nhận xét: “Trong khi nhiều người trong xã hội ta đã đánh mất danh dự và nhiều giá trị tinh thần, thầy cô cũng không ngoại lệ, họ cũng có thể đánh mất những thứ mà người thầy cần phải gìn giữ như con ngươi của mắt nếu còn muốn làm thầy thiên hạ”.

Không ai trong chúng ta không biết câu “Nhất tự vi sư, bán tự vi sư” (Một chữ cũng thầy, nửa chữ cũng thầy) hay câu “Thầy ra thầy trò ra trò” để khẳng định và nhắc nhở trách nhiệm, đạo nghĩa thầy trò từ xưa đến nay.

Tuy nhiên, trong một môi trường giáo dục không còn trong lành, những giá trị đạo đức không còn được xem nặng, nơi mà tuy không phải là đa số nhưng có những người được gia đình, xã hội giao phó trách nhiệm đào tạo ra "con người tốt cho xã hội" còn quên mất rằng mình là người đang “trồng Người” thì quả là đáng lo ngại.
 
Hiệu chỉnh bởi quản lý:
"Nội soi" cái kiềng ba chân (2)

Khi gia đình không còn là tổ ấm thì bất kì teen nào cũng có thể trở nên dễ dàng mất phương hướng...

Kì 2: Chuyện của "thiên sứ"

Hai mặt cuộc đời cô bé mười sáu tuổi
Năm ngoái, tôi tình cờ quen Thùy T (lớp 10, THPT B, Lâm Đồng) trong một cuộc thi khá uy tín dành cho tuổi teen. Không chỉ tôi mà nhiều bạn bè khác đặc biệt ấn tượng với cô bạn năng động, thông minh và nhất là biết chinh phục người khác bằng tính cách vui vẻ, biết truyền lửa đúng lúc. Trong lần thi đó, vượt qua hàng trăm bạn ở vòng chung kết ở nhiều tỉnh thành, Thùy T giành giải B cuộc thi rất thuyết phục.

Tôi càng nể cô bạn nhỏ hơn khi được biết cô nàng lớp phó học tập này còn sở hữu một bảng thành tích học tập "khủng" mà bất kì học sinh giỏi nào cũng phải ghen tị: Giải nhì Tin học trẻ, giải Ba học sinh giỏi tỉnh môn Tin, học sinh giỏi Toán cấp TP, học sinh giỏi giải toán máy tính Casio TP, 2 lần đạt giải Khuyến khích Cùng Petronas khám phá thế giới, giải B, giải khuyến khích cuộc thi Nhà sử học, giải Khuyến khích viết về Mái trường thân yêu mơ ước của em…

Thùy T tự hào khoe: “Mình có nickname là “thiên sứ” nên bạn nào trong lớp, kể cả các anh chị lớn hơn có chuyện rắc rối cần tháo gỡ đều tìm gặp mình cho bằng được để nhờ tư vấn. Không biết bao nhiêu lần mình đã giúp mọi người tháo gỡ những rắc rối hàng ngày hết sức ổn thỏa đó."

Vậy mà, lần gặp lại mới đây, tôi vô cùng ngạc nhiên khi nhận ra bạn suy sụp thấy rõ, nét buồn tủi thể hiện rõ trong từng câu nói. Đi sâu vào tìm hiểu sự việc, tôi vô cùng bất ngờ. Nào ai có thể ngờ được, cuộc đời cô bạn học giỏi, năng động, luôn tự hào là "thiên sứ" của mọi người lại là chuỗi ngày dài buồn nản, bế tắc...Tất cả những gì mọi người xưa nay biết về Thùy T chỉ cái vỏ bề ngoài mà bạn cố gắng che giấu.

Thùy T đưa cho tôi xem những dòng nhật kí trước khi bạn quyết định tự tử bằng thuốc ngủ cuối năm lớp 9. May mắn là hành động nông nổi của “thiên sứ ” đã được phát hiện kịp thời nên giờ đây bạn còn ngồi đây để chia sẻ cùng tôi những uẩn khúc kinh khủng từ gia đình mình.

Được sự đồng ý của T, xin đăng nguyên văn vài đoạn của dòng nhật kí mà bạn đặt tựa “Thế là đủ lắm rồi” thấm đẫm nước mắt này.

“...Ba mẹ làm mọi thứ vì tiền và không biết rằng mình cần một cái khác, một cái đơn giản hơn rất, rất nhiều. Đó là tình cảm gia đình.
16 năm chịu đựng, 16 năm cắn răng, cố gắng sống trong cái nhà này.
Thử hỏi trong 16 năm ấy, họ đã bao giờ gọi mình được một tiếng "ba - con" hay "mẹ- con" chưa? Lúc nào cũng chỉ "mày - tao". Đi đến nhà bạn bè, chỉ cái đơn giản nhất là nhìn cái cách mà ba mẹ âu yếm gọi con, mình đã tủi, tủi thân đến muốn khóc. Nước mắt muốn trào ra, nhưng không dám khóc trước mặt mọi người.
Biết bao lần mình cố gắng đi thi để đạt giải cao về khoe nhưng đạt giải về, ba mẹ không chúc mừng một câu, không hỏi thăm, động viên hay khuyến khích gì hết.
Nói chi cho xa, mới năm lớp 9, thi học sinh giỏi tỉnh, tin học trẻ, thi Olympic toán, vẫn không nghe được một lời thăm hỏi động viên dù chỉ là "cố gắng lên con". Tất cả mà mình nhận được chỉ là sự thờ ơ.
Thi đậu, gọi về báo cho ba mẹ, không ai nghe máy. Gọi lần thứ 5, cũng chỉ nghe được là “ Đang bận, thi xong rồi về".
Về đến nhà, ba mẹ cũng không hỏi thăm 1 câu. Chịu, chả biết phải nói sao. Mình chỉ còn biết vào phòng. Nhưng hễ ra là ba mẹ đánh, chửi té tát, nhiều lúc còn bảo “nuôi cái đồ ăn hại, không biết làm ra trò trống gì nếu không thì cho nghỉ học…”
16 năm, không tuần nào là mình lại không khóc một mình. Phải, chỉ một mình thôi. Một mình chịu đựng, một mình nghĩ về cách họ đối xử với mình, để rồi lại khóc. Nước mắt trào ra khi nghĩ đến cách họ cư xử. Gia đình mà sao mình cảm thấy như không bằng những người dưng.
Nước mắt trào ra khi nhìn thấy gia đình người khác, để rồi nghĩ lại cái gia đình của mình mà tủi thân.
Nước mắt trào ra khi ba mẹ chỉ bắt mình sống theo cách nào đó rất xa lạ, mà không cần biết, không cần quan tâm đến suy nghĩ của mình.
Gia đình thế, lên lớp, mình chả muốn làm gì. Đôi lần mình đã bỏ đi lang thang vô định và không muốn về nhà nữa…
Phải, ba mẹ biết mọi thứ, họ lớn tuổi nên có lẽ trong suy nghĩ của họ, suy nghĩ của mình chả là gì cả. Nhưng mình thà chết, mình không thể sống theo cách đó.
Đầu mình giờ đau, đau lắm, không thể chịu được. Đầu đau như sắp nổ tung ra. Không chịu nổi......... Nhức đầu........Chết là xong. Chết là kết thúc tất cả.
Không phải buồn, không phải lo âu, không tủi thân, và không phải sống theo cách mà họ đã áp đặt. 10 viên thuốc ngủ.......... Chắc đủ nhỉ...........
Chết một cái chết nhẹ nhàng, bình yên: chết trong giấc ngủ. Một sự giải thoát cho mình, và một bài học cho ba mẹ để ba mẹ hiểu rằng tiền không phải là tất cả. Có lẽ đó là cách tốt nhất...”

Ngay cả lúc này, khi đang tâm sự, dù đã được tôi an ủi, động viên rất nhiều, “thiên sứ” vẫn chưa thôi quên ý nghĩ trốn khỏi cuộc sống buồn chán tẻ nhạt gia đình.

Bạn tiết lộ chỉ trong tháng 3/2012 này đã suýt hai lần tự tử nữa, một lần định nhảy sông và một lần lao mình vào xe nhưng may mắn có người bạn thân đã kịp thời khuyên nhủ.

KenhSinhVien.Net-thu-t-tu-to.jpg
Lá thư tuyệt mệnh của một nam sinh lớp 12 tại Hải Phòng. Ảnh: Báo Tiền Phong

Chơi vơi ngay chính trong ngôi nhà mình
Từ câu chuyện sâu thẳm trong đáy lòng của cô bạn mười sáu tuổi học giỏi và trong gần 10 vụ học sinh tự tử trong vòng hơn tháng qua, chúng ta thấy rõ nguyên nhân một phần xuất phát từ buồn chán gia đình của con cái mà nhiều bậc làm cha làm mẹ không nhận ra.

Đa số gia đình các nạn nhân đều "có vấn đề" khi ba mẹ cố chạy theo danh vọng, tiền bạc, thường nặng lời mắng chửi mắng hoặc hoàn cảnh cha mẹ chia tay mà bỏ quên con cái đang ở lứa tuổi rất nhạy cảm dẫn đến hệ lụy các bạn luôn cảm thấy buồn chán, mất niềm tin vui sống.

Đơn cử mới đây vụ nam sinh lớp 9, THCS Phước Hội 2 (Bình Thuận) PTT treo cổ tự tử chết sau khi bị cô giáo mách gia đình vì để tóc dài và bị mẹ la mắng.

Theo bạn bè và cả thầy cô nhận xét, trong lớp T là người đẹp trai, thân thiện, dễ gần. Bạn gái thân của T cho biết bề ngoài T vui vẻ cởi mở như thế nhưng ẩn chứa sâu xa trong lòng lúc nào cũng nghĩ gia đình không thương yêu và không cần đến bạn.
Vô cùng đau đớn khi mất con, mẹ của T mới nhận ra rằng mình mãi cứ lo buôn bán, kiếm tiền lo cho con đầy đủ và nghĩ là con hạnh phúc rồi nào ngờ đâu đứa con trai không cần tiền nhiều mà chỉ cần sự quan tâm, gần gũi, yêu thương.
Mới đây, một nam sinh lớp 12 THPTNT (Phú Yên) uống thuốc độc tự tử. Nguyên nhân cũng chỉ vì bạn cảm thấy buồn chán, học hành sa sút khi ba mẹ li hôn.

Sau khi gia đình tan vỡ, bạn về sống với cha nhưng người cha cũng ít quan tâm đến con vì nghĩ "nó là con trai, nó cũng đã lớn" để kết cục là người bạn này đã không vượt qua được áp lực cuộc sống và chọn cho mình giải pháp tiêu cực.
Nhiều người cho rằng những cái chết này quá "lãng xẹt" nhưng sâu xa nào ai biết được các bạn trẻ nhiều khi cô đơn ngay chính ngôi nhà mình. Đọc những lời tâm sự của chuyện nhà “thiên sứ” có lẽ chúng ta hiểu được sự buồn chán đó.
Cũng như một số thầy cô giáo, không ít các bậc làm cha mẹ đã không làm đúng thiên chức của mình, không hề quan tâm đến việc con trẻ nghĩ gì, đụng việc gì cũng mắng nhiếc để rồi các bạn vốn đang chơi vơi mất hẳn sự tự tin, mất luôn cả niềm vui sống để rồi nghĩ quẩn là điều tất yếu.

Trước những cái chết dồn dập của học sinh những ngày gần đây, tiến sĩ Trịnh Hòa Bình (Viện khoa học xã hội Việt Nam) cho rằng: “Mối quan hệ giữa các thế hệ trong gia đình hiện nay rất lỏng lẻo, thậm chí thiếu một số chức năng. Nhiều gia đình phó mặc con cái cho nhà trường và xã hội. Đáng lo ngại hơn là nhiều phụ huynh rất mù mờ trong việc đối thoại, kiểm soát con cái”.

KenhSinhVien.Net-dsc-2261-1.jpg

Hãy để tuổi học trò luôn vui tươi và nhiều ước mơ đẹp. Ảnh: CHÍ LỘC

Không phải phụ huynh nào cũng nhận ra rằng ở giai đoạn chuyển tiếp từ "trẻ con" sang "người lớn", các thiếu niên rất nhạy cảm và mong manh, chỉ một vài lời mắng nhiếc cũng có thể làm các bạn bị tổn thương.

Và khi không có ai bên cạnh để chia sẻ, tâm sự, an ủi giúp vượt qua những rắc rối mà “người lớn” cứ tưởng là bình thường này thì trong một lúc nghĩ quẩn có bạn lại chọn cho mình cái chết để giải thoát bế tắc.

Theo các chuyên gia tâm lí ở tuổi mới lớn, những hành động này như là cách phản kháng lại để mọi người thấy rằng mình không sai, một cách đáp trả khiến những người ở lại phải hối hận …

Trong khi nhà trường và gia đình vẫn hay đổ lỗi cho nhau về trách nhiệm quản lí, giáo dục học trò thì cũng mới đây nổi lên sự kiện “vô tiền khoáng hậu” khi một bạn nữ lớp 12, THPT Diễn Châu 2 (Nghệ An) bất ngờ đau đẻ ngay trong lớp học mà không ai, từ gia đình, bạn bè, thầy cô nhận ra những sự thay đổi bên ngoài phải có của bạn nữ này trước đó khiến dư luận sôi lên.

Thật ra câu chuyện này mới nhưng không lạ bởi chỉ mới hơn năm trước, báo Mực Tím đã từng có bài viết gây xôn xao dư luận Bà mẹ tuổi teen sinh con trong toilet trường (MTO 11 - 19/11/2010) https://muctim.com.vn/vietnam/the-gioi-tuoi-moi-lon/2010/11-19/41265/. Cũng như bạn nữ sinh Nghệ An, gia đình và nhà trường nơi bé Thảo học không hề hay biết cho đến khi bạn đẻ rớt trong toilet.

Bạn Tuấn Khanh (THPT Gia Định) bức xúc: "Những chuyện động trời như vậy mà gia đình và nhà trường bảo không biết thì rõ là thiếu quan tâm quá. Chả trách sao nhiều bạn bi quan rồi muốn trốn chạy khỏi cuộc sống mà các bạn ấy bảo là đáng chán ghét...".

Không chỉ dừng lại ở chuyện "không quan tâm, không hay không biết" cũng có gia đình và cả nhà trường sau khi sự việc xảy ra đã tránh né, bưng bít thông tin và không hợp tác cùng mọi người và giới truyền thông để ngăn chặn những vụ việc tương tự có thể xảy ra tiếp theo.

"Gia đình được định nghĩa là tế bào xã hội là nơi nuôi dưỡng tâm hồn con người và là gốc rễ của mọi điều tốt đẹp nhất cuộc sống.
Gia đình vừa là nơi đáp ứng nhu cầu riêng tư vừa thực hiện chức năng phát triển nòi giống và là trường học đầu tiên hình thành, phát triển nhân cách con người.
Tuy vậy, quá trình trưởng thành và hình thành nhân cách của mỗi người là khác nhau, ngay cả với anh em trong một nhà. giáo dục gia đình có tác động hình thành nhân cách cho trẻ.
Đó là kinh nghiệm sống của cha mẹ truyền dạy cho con cháu qua hành vi ứng xử trong gia đình. “Dạy con từ thuở còn thơ”, các bậc cha mẹ cần thường xuyên giáo dục con trẻ thái độ, cử chỉ, ăn nói lễ phép, tôn kính người trên, tôn sư trọng đạo, nhường nhịn lẫn nhau để khi trưởng thành con cái biết ơn sinh thành, nuôi dưỡng, chăm sóc ông bà, cha mẹ.
Cha mẹ cũng cần uốn nắn, ngăn chặn thái độ, cử chỉ bất nhã, bất hiếu của con cái. Kết hợp giữa giáo dục truyền thống và hiện đại, phát huy mặt tích cực của Nho giáo, Đạo giáo trong quan hệ lễ nghĩa tương kính…
Gia đình có vai trò quan trọng đối với sự hình thành và phát triển nhân cách mỗi con người. Nếu nhân cách của con người bao gồm hai mặt đức và tài, thì gia đình là nơi nuôi dưỡng đạo đức và gieo mầm tài năng đễ có một gia đình hạnh phúc”

(Th.S Nguyễn Thị Kim Hồng)
 
Hiệu chỉnh bởi quản lý:
×
Quay lại
Top Bottom