- Tham gia
- 19/11/2010
- Bài viết
- 1.453
Khi đi đến một vùng đất xa xôi nào đó, các bạn nhớ nhất điều gì? Tôi thì nhớ nhất là những nụ cười. Dường như mỗi nơi có những cách cười riêng. Có nơi cười nhiều, nơi cười ít, có nơi hầu như không cười.
Từ đó nụ cười trở thành một trong những cách thể hiện tính cách rõ ràng nhất.Ở góc độ tâm sinh lý, nụ cười đem lại nhiều điều tốt đẹp cho sức khỏe là vấn đề quá nhiều người nói rồi. Cười làm tăng tuổi thọ, cười làm tim mạch khỏe mạnh hơn... Nhưng tôi nghĩ ở góc độ xã hội, trong quan hệ hàng ngày giữa người với người, cười là một tấm danh thiếp tuyệt vời, ấn tượng nhất.
Ở nhiều nước châu Á, rất dễ bắt gặp những nụ cười lễ phép. Cười để thể hiện lòng tôn trọng với người đối diện.
Ở châu Âu và Mỹ thì nhan nhản những nụ cười kiểu công nghệ. Người ta cười tự nhiên thành thói quen như là điều không thể thiếu khi giao tiếp trong lối sống hiện đại, văn minh.
Ở Trung Đông là nụ cười để... cười. Cười thoải mái để thỏa mãn sự bộc lộ cảm xúc. Nụ cười đôi khi không nhất thiết phải thể hiện trên gương mặt.
Cách đây không lâu, tôi lần đầu đến Hàn Quốc. Tôi là người không mê phim Hàn nên cũng không có cảm tình gì đặc biệt với đất nước này trước chuyến đi, Tuy nhiên, chỉ với cái nhìn đầy vẻ đôn hậu và cử chỉ trao hộ chiếu bằng hai tay trọng thị thật lòng của anh an ninh cửa khẩu đã để lại cho tôi ấn tượng dễ chịu về đất nước này trong suốt chuyến đi và cả về sau. Tôi cho đó cũng là một kiểu cười, cười qua hành động.
Nhưng không phải ở đâu, lúc nào người ta cũng thích rút tấm danh thiếp cười ra để đưa cho người đối diện.
Một anh bạn kể chuyện lần nọ anh đang đứng xếp hàng ở cửa khẩu để làm thủ tục xuất nhập cảnh từ Trung Quốc qua vùng lãnh thổ Hồng Kông. Một người khách đứng gần đưa máy chụp hình lên chụp. Bỗng một anh trật tự chạy lao đến nắm lấy cổ áo người khách đó và giựt lấy chiếc máy chụp hình. Lý do lúc đó mới biết là ở khu vực cửa khẩu cấm chụp hình. Nhưng với phản ứng thiếu nụ cười kiểu như anh trật tự viên nọ thì cả trăm người đứng xung quanh sẽ nghĩ gì?
Hành động đó cũng giống hệt như bây giờ khi bạn vào nhiều văn phòng, cao ốc... đặc biệt là nơi công quyền sẽ thấy rất ít những nụ cười thân thiện hay lời nói ân cần từ anh bảo vệ đến các quan chức. Có lẽ theo họ cười sẽ làm giảm vị thế của mình. Nhưng thật ra là ngược lại, tôi tin rằng tiếng cười luôn nâng giá trị con người lên.Mỗi khi đi đâu xa quay về Tân Sơn Nhất hay Nội Bài là tôi thấy buồn. Rất ít nụ cười tự nhiên từ các nhân viên an ninh, hải quan cho đến nhân viên sân bay. Có thể người ta đang quan niệm rằng cái cười sẽ làm mất uy một người đang thi hành công vụ.
Không phải chỉ có những nơi công quyền mới ít tiếng cười. Hàng ngày trong các cuộc họp, các hội nghị chúng ta thường hay rất mệt mỏi với những lời phát biểu, những bài diễn văn cứng nhắc, khô khan. Cứ như thể người ta cho rằng tiếng cười sẽ phá hỏng sự nghiêm túc. Nhưng thử nghĩ xem, tại các hội nghị lớn trên thế giới vẫn có rất nhiều những lời nói đùa duyên dáng tạo ra nụ cười thoải mái, thư giãn từ các nhân vật nổi tiếng. Và chắc chắn không ai nói rằng những hội nghị đó, những nhân vật tạo ra tiếng cười đó là thiếu nghiêm túc.
Ở nơi họp chợ nhộn nhịp cũng rất ít tiếng cười trong quan hệ mua bán. Phần lớn là những lời nói thách, trả giá qua lại, liếc xéo, lườm nguýt... Không lẽ người ta sợ rằng tiếng cười làm cho buôn bán ế ẩm???
Vào năm 1980 ở châu Âu xuất hiện cuốn tiểu thuyết được xếp vào hàng “bestseller” của nhà văn Ý Umberto Eco. Cuốn “Tên của hoa hồng” nói về một tên sát nhân đã giết những người đi tìm hiểu về tiếng cười vì cho rằng cười làm tổn hại đạo đức. Tôi không cho rằng nhiều người quanh ta không cười vì suy nghĩ cực đoan như vậy. Có lẽ vì nhiều lý do, chúng ta không biết cười.Tôi nhớ lại một lần ghé vào gian hàng bán đồ lưu niệm nhỏ ở Angkor (Campuchia). Người đàn ông bán hàng có khuôn mặt rám nắng nhăn nheo đầy vẻ cực nhọc cũng nói thách. Sau một hồi trả giá, người đàn ông đồng ý bán với một nụ cười hết sức đôn hậu như muốn tỏ thái độ ân hận là đã bắt tôi tốn thời gian đứng kỳ kèo. Tự nhiên tôi thấy trong lòng nảy sinh thiện cảm và trả thêm chút tiền để mua món đồ lưu niệm. Cười đâu có phá hoại chuyện buôn bán!
Có lần tôi đến một cửa hàng bánh nổi tiếng ở trung tâm TPHCM, tình cờ nghe bà chủ cửa hàng phàn nàn nhân viên của mình “bán hàng gì mà mặt cứ đăm đăm không bao giờ cười”. Sau khi bà chủ quay đi, cô nhân viên bán hàng nói nhỏ với người bên cạnh “tự nhiên cười, người ta nói mình điên thì sao?”. Đúng là chúng ta phải học cười để xã hội chúng ta nhiều hơn những tiếng cười nhân ái.