Những yếu tố khiến cuộc đàm phán nhận việc có nguy cơ “lạc trôi”

nguyen6495

Thành viên thân thiết
Thành viên thân thiết
Tham gia
31/7/2018
Bài viết
407
Công việc mơ ước gần như đã về tay, hoá ra lại “lạc trôi” mất vì một vài câu đàm phán vào phút chót. Cảm giác này chẳng dễ chịu, nhưng lại là thực tế không thể chối bỏ của khá nhiều ứng viên.

Vậy cách nào để chúng ta lường trước xem liệu việc thương thảo thêm có khiến công việc yêu thích vuột khỏi tầm tay? Hãy cùng CareerBuilder.vn tham khảo quan điểm của Lydia Dishman chia sẻ trên trang Fast Company về những yếu tố quan trọng có thể trở thành nguy cơ khiến bạn lỡ mất cơ hội làm việc nhé!

Tìm hiểu tính khả thi trước
Một trong những nguyên tắc tốt nên áp dụng khi ứng tuyển việc làm là chờ đến khi nhận được lời mời làm việc hãy nhắc đến tiền lương. Amanda Augustine – Chuyên gia về tìm kiếm việc làm tại TheLadders – nhận xét rằng không hiếm trường hợp các nhà tuyển dụng và chuyên viên nhân sự hỏi về mức lương yêu cầu trong quá trình trao đổi trước qua điện thoại về cơ hội việc làm với ứng viên.

Bạn được khuyên là nên bước vào cuộc thảo luận sau khi đã nắm bắt được các dữ liệu về “giá trị” hiện hành của vị trí này. Tại Việt Nam, các chuyên trang về lương như VietnamSalary có thể giúp xác định mức lương bình quân thị trường dành cho một vị trí theo cấp bậc, ngành nghề, địa điểm và quy mô của công ty. Amanda gợi ý, “chọn một con số hơi thấp hơn mức bạn mong đợi một chút để dễ vượt qua vòng sàng lọc bằng điện thoại và bước vào vòng phỏng vấn trực tiếp”.

“Nếu lời đề nghị của nhà tuyển dụng đưa ra thấp hơn mức lương thị trường, vẫn còn chỗ để bạn đàm phán tăng thêm một chút”. Trừ khi bạn đang đàm phán với một tổ chức phi lợi nhuận hoặc một doanh nghiệp rất nhỏ đã chốt ngân sách lương cố định, các vị trí tuyển dụng luôn có một phạm vi “co giãn” nhất định trong chừng mực.

Không nhất thiết phải nghe lời bố mẹ
Không nghi ngờ gì nữa, bố mẹ là người hâm mộ lớn nhất của bạn. Các bậc sinh thành là đối tượng luôn có phần thiên vị khi nói về sự thông minh, tài giỏi của con cái. Họ tin tưởng, đánh giá cao và chờ đợi nhìn thấy bạn thành công. Song song đó, bố mẹ cũng sẽ là những người đầu tiên thấy lo lắng, xót xa nếu bạn phải làm việc vất vả, cực khổ mà lợi ích nhận về không như ý. Tuy nhiên, bạn phải hiểu “con ngoan” không hẳn sẽ trở thành “nhân viên giỏi”.

Kevin Mercuri, chủ tịch và nhà sáng lập của Propheta Communications có trụ sở tại thành phố New York, nhớ lại câu chuyện khi ông phỏng vấn một vị trí trợ lý cấp thấp. Một trong những ứng viên cố gắng mặc cả thêm 10.000 USD trên mức lương được đề nghị. Mercuri kể rằng, thật không may, ứng viên lại chẳng đưa ra được lý do gì thuyết phục hơn là than thở chi phí sinh hoạt đắt đỏ. Đồng thời, nhằm tăng trọng lượng cho lời nói, ứng viên đó đã chuyển tiếp cho Mercuri bức email động viên mà cha anh ấy gửi với nội dung: “Con xứng đáng hơn như thế, hãy yêu cầu nó!”.

Mercuri chia sẻ rằng việc chuyển tiếp email cho thấy sự thiếu sáng kiến và chủ động. “Nếu ứng viên đưa ra được các lập luận hợp lý, tôi có thể xem xét”, Mercuri khẳng định. “Ý thức về quyền lợi và sự thiếu chuẩn bị đã giết chết cơ hội của anh ấy. Sự cạnh tranh khốc liệt của ngành nghề đã giết chết các cơ hội của ứng viên vào phút chót một cách đau đớn. Còn bản thân anh ấy đã tự chộp lấy thất bại về mình ngay ngưỡng cửa chiến thắng.”
Không phải lúc nào cũng nghe lời bố mẹ

Kiểm soát cái tôi của bạn
Jane Perdue, người đứng đầu của Braithwaite Innovation Group, cảnh báo rằng: Đừng đàm phán chỉ vì mọi người thường nói về lợi ích của việc đàm phán. “Đây không phải thời gian dành cho cái tôi. Bạn phải biết mục tiêu cuối cùng là gì, nhu cầu của mình ra sao để hành động phù hợp.”

“Đàm phán vừa là nghệ thuật mà cũng là khoa học”, Perdue giải thích. Các ứng viên cần đong đếm tác dụng của hành động lẫn ngữ điệu trong suốt quá trình phỏng vấn. Perdue khuyên, “Đừng đối đầu gay gắt hoặc quá hạ mình nhún nhường! Cần tìm hiểu xem có khoảng trống nào để linh hoạt điều chỉnh cho tình huống của bạn không.” Nếu bạn sở hữu kỹ năng và văn hoá phù hợp, luôn có cách để thương lượng. Và “hành động như thế nào” cũng quan trọng như “mục tiêu là gì”.

Tiền không hẳn lúc nào cũng là vấn đề
Một nghiên cứu của BambooHR đã phát hiện ra rằng, trong số hơn 1.000 người lao động Mỹ tham gia khảo sát, nhiều nhân viên được tuyển mới quan tâm đến việc công ty có cung cấp những sự hướng dẫn và đào tạo tại chỗ cho nhân viên hay không nhiều hơn các quyền lợi như ăn trưa miễn phí hay các trò giải trí giữa giờ.

Augustine nói rằng điều quan trọng là bạn phải đặt nhiều câu hỏi trong các buổi phỏng vấn để khám phá ra những thách thức và nhu cầu của công ty. Như vậy thì bạn mới có thể dễ dàng sử dụng chúng nhằm tăng giá trị cho bản thân, thông qua việc chứng minh khả năng giải quyết vấn đề, cắt giảm chi phí, hoặc tăng trưởng doanh thu… Nếu đề nghị phản hồi của bạn chưa khớp với nhà tuyển dụng, diễn biến tiếp theo vẫn tuỳ thuộc vào bạn. Bạn có thể cố gắng để thương lượng về các đãi ngộ khác như phụ cấp điện thoại, đi lại hoặc cơ hội thăng tiến nghề nghiệp.

Đối với những ai còn đang tự hỏi nên làm gì, Donna Svei tại Avid Careerist đã cung cấp một biểu đồ đơn giản giúp bạn vẽ nên kế hoạch hành động:
Sơ đồ đàm phán
 
×
Quay lại
Top Bottom