Những đại dịch thảm khốc thay đổi chúng ta thế nào

Mèo Cọp

“This world is merciless.”
Thành viên thân thiết
Tham gia
25/11/2012
Bài viết
351
(kenhsinhvien.vn) Các đợt bùng phát chết người giáng tai hoạ xuống xã hội hàng thế kỷ qua. Nhưng nếu biết rút ra bài học thích đáng từ đó, chúng ta có thể đạt được những đột phá về mặt y tế.

past-pandemics-dead-body-plastic_16x9.jpg
Thi thể của một nạn nhân nghi nhiễm COVID-19 nằm trong bệnh viện ở Indonesia. Sau khi bệnh nhân chết, các y tá đã bọc xác trong nhiều lớp ni lông và xịt chất khử khuẩn để ngăn chặn virut lây lan.
ẢNH CHỤP BỞI JOSHUA IRWANDI


Vào một ngày chủ nhật đầu tháng 3, khi đợt bùng phát COVID-19 đang lan nhanh khắp toàn cầu, tàu tuần dương Pike của Cảnh sát Duyên hải Hoa Kỳ đã rẽ sóng lên đường tới du thuyền Grand Princess đang lênh đênh cách bờ biển California 22,5 km. Tàu tuần dương đưa một nhóm cứu trợ y tế đến để tách người bệnh khỏi 3.500 hành khách dường như còn khoẻ mạnh và chuẩn bị mang họ lên bờ. Trên tàu Pike, chuyên gia dịch tễ Michael Callahan với hàng chục năm kinh nghiệm ở nhiều “điểm nóng”, đang đợi với nhóm của mình, nôn mửa “chả ra làm sao”, ông kể.

past-pandemics-autoworkers-lunch-masks-distance.jpg
Công nhân ô tô ăn trưa trong một nhà máy ở Vũ Hán, Trung Quốc. Họ phải đeo khẩu trang, kiểm tra thân nhiệt và giữ khoảng cách an toàn.
ẢNH CHỤP BỞI STR/AFP TRÊN GETTY IMAGES


callahanfinal.jpg

MICHAEL CALLAHAN
TRANH MINH HOẠ CỦA JOE MCKENDRY

Không lâu trước hoàng hôn, Pike tiếp cận tàu phụ được thả xuống từ Grand Princess. Callahan, 57 tuổi, và nhóm của ông vẫn còn say sóng, hiện cũng nửa điếc nửa mù trong bộ đồ bảo hộ. Từng người một nhảy lên tàu phụ, rồi sau đó, khi con tàu va vào thân chiếc du thuyền cao 57 mét, họ lại nhảy tới cái thang và leo lên thân tàu để bắt tay vào việc.

Giây phút ấy cả thế giới cũng nhảy vào vô định. Hay đúng hơn là vào quên lãng. Con người luôn bị giày vò bởi dịch bệnh và đại dịch, kể từ lần đầu tiên chúng ta tản đi khắp địa cầu. Dịch bệnh đã dạy chúng ta nhiều bài học quan trọng, giá như ta có thể nhớ hết được chúng trong lúc kiệt sức và thở phào nhẹ nhõm khi hiểm nguy đã qua đi. Những đại dịch mới như COVID-19 biết cách nhắc chúng ta nhớ bản thân dễ lây nhiễm cho nhau thế nào, nhất là với những người ta yêu. Nỗi sợ lây bệnh buộc ta chia lìa lớn đến đâu. Tình trạng cô lập có thể khủng khiếp đến mức nào, còn người bệnh thường phải chết trong khổ sở và cô độc ra sao. Hơn ai hết, những đại dịch mới đã nhắc chúng ta nhớ mình luôn phụ thuộc vào một nhóm ít người dũng cảm như Callahan rất nhiều – chúng ta sẽ trở lại với ông, những người đánh cược cả mạng sống để chiến đấu với bệnh tật.


past-pandemics-passegers-ship.jpg
Hành khách tập trung trên boong khi du thuyền Grand Princess chuẩn bị cập cảng Oakland, California ngày 9 tháng 3. Giới chức trách đã buộc con thuyền chạy lòng vòng trên biển trong nhiều ngày; cuối cùng hơn 100 hành khách và thuỷ thủ đoàn được xét nghiệm dương tính với COVID-19. Sau khi cập cảng, nhiều thuỷ thủ đoàn người nước ngoài vẫn ở trên tàu, không thể về nước vì lệnh cấm di chuyển.
ẢNH CHỤP BỞI GABRIELLE LURIE, SAN FRANCISCO CHRONICLE TRÊN GETTY IMAGES


Những con người này thường có quá nhiều khuyết điểm, quá nhân tính, không thích hợp với khuôn mẫu anh hùng truyền thống. Trong những đại dịch ở quá khứ, họ có xu hướng là những cá nhân sẵn sàng không màng đến lời người đời, tìm hiểu từ những manh mối nhỏ dường như không đáng kể hoặc lắng nghe những tiếng nói không ai ngờ đến. Họ sẵn sàng tìm ra chuyện gì đã xảy ra ở đó, trong khu phố đìu hiu hoặc ngóc ngách quên lãng nào đó trên thế giới, dễ có khi cũng xảy ra ở đây. Để thấu hiểu những con người chuyên giúp chấm dứt đại dịch này, điểm khởi đầu tốt nhất là từ một trong những dịch bệnh khủng khiếp nhất lịch sử loài người.

Năm 1721, Boston: Từ tiêm chủng đến tiêm vắc-xin

Tại buổi diễn thuyết ở Boston đầu năm 1721, mục sư Thanh giáo Cotton Mather tuyên bố về sự xuất hiện của “thiên sứ huỷ diệt,” một căn bệnh quái ác đang giáng xuống thành phố. Nước Anh đã bị vây h.ãm.

Tân Thế Giới đã cảm nhận được tác động kinh hãi của nó trước đây, trải qua những làn sóng dịch bệnh không thể đoán định hơn 200 năm qua, gây ra hoảng loạn và khốn cùng lên các thuộc địa và quét sạch toàn bộ thổ dân châu Mỹ. Nhưng đã 19 năm kể từ khi dịch bệnh cuối cùng xảy ra ở Boston, quãng thời gian đủ lâu để nuôi lớn một thế hệ nạn nhân mới.


cottonmatherfinal.jpg

COTTON MATHER
TRANH MINH HOẠ CỦA JOE MCKENDRY

Khi những nốt mụn màu đỏ nhạt đầu tiên xuất hiện, có thể bạn mong đó chỉ là bệnh thuỷ đậu. Nhưng sau đó, những nốt mụn chuyển thành nốt sần, chứa đầy dịch, và nổi lên như những đảo núi lửa trên da. Hàng trăm nốt sần ấy có thể đông lại trên mắt, khí quản, toàn bộ cơ thể, khiến ngay cả hít thở thôi cũng đau đớn. Những mụn mủ ấy có mùi hôi của d.a thịt thối rữa. Người sống sót thường bị mù, què quặt hoặc biến dạng nặng. (Vị bác sĩ chăm sóc một phụ nữ người Anh từng được căn dặn, “Không giữ được nhan sắc thì cô ấy thà chết.”) Tháng 4 đó, bệnh đậu mùa âm thầm len lỏi vào cảng Boston.

Thoạt đầu, người ta phớt lờ đợt bùng phát như đã xảy ra nhiều lần ở thời chúng ta. Nhưng bắt đầu từ năm 1721, bệnh đậu mùa đã dạy phương Tây một bài học mới: Con người có thể phòng ngừa đại dịch. Chúng ta có thể ngăn chặn chúng, và nếu có quyết tâm, đôi khi còn là xoá sổ chúng. Có 3 người hùng bất đắc dĩ đã tham gia vào cuộc chiến ở Boston năm đó. Gồm một nô lệ được sinh ra ở châu Phi là Onesimus – tên thánh mà Mather đã đặt cho ông – và một bác sĩ kiêm nhà cải cách phẫu thuật Zabdiel Boylston. Nhưng bất đắc dĩ nhất trong số đó là bản thân Mather, một nhân vật rắc rối, tự phụ, cảm xúc không ổn định, và vẫn bị nhiều người ghét bỏ như chính thế lực lượng đen tối đứng sau các cuộc xét xử phù thuỷ Salem 29 năm trước.

Nhưng giờ đây, việc đó như thể Mather đã dành cả đời để chuẩn bị cho giây phút này, và cho sự chuộc tội. Ông là một học sinh say mê khoa học và y học từ nhỏ, rồi hẳn nhiên điều đó cũng trở nên linh ứng vào đời ông: Hai người vợ và 13 trong số 15 đứa con đã chết trước cả ông, phần lớn là do bệnh truyền nhiễm. Vì vậy ông đọc các tạp chí khoa học của Anh và nghiên cứu thuốc men của thổ dân châu Mỹ. Và ông lưu tâm khi “người hầu” Onesimus của mình, “một chàng trai sáng dạ,” kể ông nghe về phương pháp phòng bệnh đậu mùa ở châu Phi và cho ông thấy những vết sẹo để lại. Thông tin chi tiết về phương pháp này cũng được lưu truyền ở Anh dựa trên những báo cáo từ Thổ Nhĩ Kỳ.


past-pandemics-portrait-smallpox-scars.jpg
Bác sĩ da liễu đầu tiên William Corlett đã chụp lại những vết sẹo bệnh đậu mùa của một nạn nhân còn sống năm 1902. Vắc-xin đã tồn tại 100 năm, nhưng Hoa Kỳ vẫn phải hứng chịu các đợt bùng phát đến năm 1949.
ẢNH CHỤP BỞI TRUNG TÂM Y TẾ DITTRICK, ĐẠI HỌC CASE WESTERN RESERVE


Khi đợt bùng phát bắt đầu lan rộng, Mather cấp báo với các bác sĩ ở Boston về “phương pháp tuyệt vời được sử dụng gần đây ở một số khu vực trên thế giới” để chấm dứt căn bệnh. Kỹ thuật đó là chọn một bệnh nhân bị đậu mùa và chọc thủng một mụn mủ đã chín để hút mủ, hay còn gọi là “mủ đậu mùa.” Một phần của chất mủ này sau đó đưa vào vết cắt trên da của một người vẫn còn khoẻ mạnh hoàn toàn. Phương pháp tiêm chủng này hứa hẹn sẽ tạo ra miễn dịch, sau ca nhiễm có lẽ chỉ là dạng nhẹ của một trong số những căn bệnh chết người nhất trên Trái Đất.

Mather tìm ra những người làm chứng và các vết sẹo từ phương pháp đó giữa “một con số đáng kể” những người Boston sinh ra ở châu Phi. Đoàn thể y tế của Boston thì e dè. Nhưng Zabdiel Boylston biết nỗi kinh hoàng của bệnh đậu mùa khi suýt chết vì nó 19 năm trước, và ông lo rằng việc hành nghề y của mình sẽ đặt 8 đứa con vào “nguy hiểm hằng ngày.” Ngày 26 tháng 6, sau khi xem xét các bằng chứng, ông đã tiêm chủng bệnh đậu mùa lên đứa con trai 6 tuổi của mình và hai gia đình nô lệ. Kết quả là “bệnh đậu mùa biểu hiện tốt,” và ông bắt đầu tiêm chủng cho các bệnh nhân muốn được an toàn khỏi căn bệnh đang bùng phát.


past-pandemics-variola.jpg
Một trong những bệnh nhân bệnh đậu mùa của William Corlett tạo dáng chụp ảnh tại Ohio khoảng năm 1900. Corlett đã chụp lại bệnh đậu mùa bằng ảnh trắng đen, nhưng theo yêu cầu của ông, một số bức ảnh được tô màu bằng tay để làm nổi bật vết ban của căn bệnh.

past-pandemics-variola-blisters.jpg
Bức ảnh được tô màu bằng tay cho thấy một bệnh nhân khác của Corlett khoảng năm 1900. Janet Parker, bệnh nhân cuối cùng được biết là đã chết do bệnh đậu mùa là nhiếp ảnh gia y tế ở Birmingham, Anh, vô tình phơi nhiễm căn bệnh trong lúc đang nghiên cứu trong phòng thí nghiệm năm 1978.
(HAI) ẢNH CHỤP BỞI TRUNG TÂM LỊCH SỬ Y HỌC DITTRICK, ĐẠI HỌC CASE WESTERN RESERVE


past-pandemics-manuscript-smallpox2.jpg
Tranh minh hoạ trong di cảo “Những điều cần biết về bệnh đậu mùa” của người Nhật, xuất bản khoảng năm 1720, khắc hoạ vết ban thấy rõ của căn bệnh. Tuy nguồn gốc của virut đậu mùa vẫn chưa xác định, nhưng người ta tin rằng nó đã giày vò người Ai Cập hơn 3000 năm trước. Sau chiến dịch tiêm vắc-xin toàn cầu, Tổ chức Y tế Thế giới cuối cùng cũng tuyên bố bệnh đậu mùa bị xoá sổ vào năm 1980.
ẢNH CHỤP BỞI WELLCOME COLLECTION, ATTRIBUTION 4.0 INTERNATIONAL


Một số cư dân trong thành phố thoạt đầu xem việc điều trị đó cũng ghê sợ như chính căn bệnh. Họ lo rằng những người nhiễm bệnh chưa hồi phục hoàn toàn vẫn có thể lây lan. Các bác sĩ phản đối cách làm đi ngược lại với y học chính thống đã tồn tại 2.000 năm, vốn cho rằng bệnh tật bắt nguồn từ sự mất cân bằng của 4 “thể dịch” trong cơ thể, thường do những mùi hôi và “miasmas” được định nghĩa mập mờ, hay còn gọi là khí xấu, gây ra.

Tiểu thương và dân lao động không đủ tiền để bảo vệ gia đình họ vì chi phí đắt đỏ của việc tiêm chủng và chăm sóc y tế trước và sau đó. Nỗi kinh hoàng và lòng oán hận giai cấp, cùng với cái bóng vất vưởng của những phiên xét xử phù thuỷ, đã góp phần biến Mather thành mục tiêu. Vào tối nọ, một quả bom cháy bay qua cửa sổ phòng ngủ nhà ông. Tình cờ thay, kíp nổ rơi ra và quả bom tiếp đất với một tiếng “thịch” vô hại. Quấn trên nó là dòng chữ: “COTTON MATHER, Đồ chó, Chết đi: Tao sẽ tiêm đậu mùa vào mày.”

Vào thời điểm dịch bệnh chấm dứt, gần như 6.000 cư dân, chiếm hơn một nửa nửa dân số Boston, đã mắc bệnh đậu mùa và 844 người, chiếm khoảng 15%, đã chết. Mặt khác, chỉ 2% những người đã tiêm chủng bị chết. Những cải tiến đã mau chóng đưa con số đó xuống dưới 0,5%, và việc tiêm chủng trở thành quy trình tiêu chuẩn. Khi dịch đậu mùa một lần nữa tấn công Boston năm 1792, phản ứng đã hoàn toàn đảo ngược: Khoảng 9.200 người dân địa phương được tiêm chủng, và chỉ 232 người mắc bệnh đậu mùa tự nhiên.

Không ai trong 3 người đàn ông đã đưa tiêm chủng đến Bắc Mỹ trên được vinh danh nhiều. Onesimus biến mất khỏi sổ sách sau khi chuộc lại được tự do, và đóng góp của người châu Phi bị phủi sạch khỏi tầm mắt. Zabdiel Boylston cũng gần như bị quên lãng. Phố xá, công trình và thị trấn gần đó mang tên Boylston thật ra đang vinh danh cháu trai của ông, một thương gia giàu có. Đến cuối cùng, Cotton Mather đã không chuộc tội được với những con tim ở Boston. Nhưng ông vẫn tiếp tục nghiên cứu về những vấn đề y tế, viết về nguyên nhân thật sự gây ra mọi dịch bệnh: Trong điều khiện thích hợp, những sinh vật tí hon, về sau mới bắt đầu được nhìn thấy dưới kính hiển vi, “sẽ sớm sinh sôi một cách bất thường; và có thể góp phần lớn hơn trong việc tạo ra nhiều căn bệnh cho chúng ta hơn ta thường nghĩ.” Nhưng bản thảo có phần kỳ dị này của ông đã không được xuất bản. Các nhà khoa học phải dành ra thêm 150 năm nữa mới nhận ra vi khuẩn đóng vai trò là những tác nhân gây bệnh truyền nhiễm thiết yếu.


Bắt đầu từ năm 1721, bệnh đậu mùa đã dạy phương Tây một bài học mới: Con người có thể phòng ngừa đại dịch. Chúng ta có thể ngăn chặn chúng, và nếu có quyết tâm, đôi khi còn là xoá sổ chúng.

Việc thúc đẩy tiêm chủng ở Bắc Mỹ và châu Âu tạo ra một hiệu ứng không ngờ khác. Năm 1757, tại một thị trấn nhỏ ở miền nam nước Anh, một “cậu bé hồng hào khoẻ mạnh” 8 tuổi đã được tiêm chủng. Đó là một câu chuyện đáng thương, vì các bác sĩ bị trói buộc bởi truyền thống đã yêu cầu một phác đồ dự trù cho việc cầm máu và thanh lọc cơ thể. Ông viết, khi bản thân cậu bé trở thành bác sĩ, “một ý kiến mơ hồ đã thắng thế” giữa các công ty sản xuất bơ sữa cho rằng căn bệnh ở gia súc được gọi là đậu bò có thể là “phương pháp phòng ngừa bệnh đậu mùa.” Khả năng có một phương pháp tốt hơn đã gây ấn tượng mạnh với Edward Jenner. Nhưng suốt nhiều thập kỷ, không ai đưa cách điều trị được đồn đại này vào thực tiễn, cho đến khi cuối cùng chính Jenner đã thấy được cơ hội của mình.

Ngày 14/5/1796, ông thực hiện tiêm chủng lên một cậu bé 8 tuổi khác tên là James Phipps, nhưng bằng cách sử dụng mủ từ một phụ nữ trẻ nhiễm đậu bò. Đó là khởi đầu của việc tiêm vắc-xin thời hiện đại, một thuật ngữ được tạo ra từ tiếng Latin vacca, nghĩa là “bò”. Những người chống vắc-xin đầu tiên lập tức nổi lên phản đối dữ dội. Giữa nhiều nỗi lo khác, họ sợ rằng con người ta có thể phát triển giống như bò, mắc các bệnh của động vật, hay thậm chí là mọc sừng. Nhưng việc tiêm vắc-xin đã được chứng minh là an toàn và hiệu quả hơn rất nhiều so với tiêm chủng đến mức nó nhanh chóng phổ biến khắp hành tinh.


past-pandemics-sanitary-team-madagascar.jpg
DỊCH HẠCH
Đại dịch hạch thứ ba bùng phát ở Trung Quốc năm 1855 và lan tới mọi châu lục ngoại trừ Nam Cực khoảng năm 1894 đến 1900. Vi khuẩn dịch hạch tấn công Madagascar năm 1898 và vẫn còn đến ngày nay. Trong những năm 1990, các nhà nghiên cứu đã khám phá ra một chủng kháng thuốc mới của dịch hạch ở Madagascar. Đội vệ sinh này đang đặt một bệnh nhân dịch hạch vào quan tài trong đợt bùng phát ở Madagascar khoảng năm 1935. Một số bác sĩ lo rằng truyền thống famadihana của người Malagasy, hay tục cải táng, đã khiến dịch bệnh lây lan. Nghi thức này được thực hiện phần lớn ở vùng cao nguyên trung tâm của hòn đảo, đòi hỏi người đưa tang phải bốc mộ, làm sạch, tẫn liệm lại và nhảy múa với xác chết trước khi chôn cất trở lại. Bất chấp những nỗ lực của chính quyền nhằm ngăn chặn tục famadihana, nhưng một số ca mắc dịch hạch mới ở Madagascar có nguyên nhân từ những cuộc tụ tập cải táng gây ra.
ẢNH CHỤP BỞI VIỆN PASTEUR


past-pandemics-body-incinerating-plague-china.jpg
Hài cốt của nạn nhân dịch hạch được hoả thiêu ở Mãn Châu, vùng đông bắc Trung Quốc năm 1911. Hoàng đế được các quan chức y tế thuyết phục ban hành sắc lệnh đặc biệt cho phép hoả táng hàng loạt, vốn bị coi là xúc phạm thi thể, nhằm giảm thiểu lây lan dịch bệnh.

past-pandemics-health-wokers-plague-outbreak.jpg
Các nhân viên y tế ở Mãn Châu tạo dáng chụp ảnh trong đợt bùng phát dịch hạch năm 1911. Các quan chức kêu gọi mọi người đeo khẩu trang vải bông, đặt ra lệnh phong toả và cách ly để ngăn lây lan. Dịch bệnh cuối cùng lan đến mọi châu lục có người sinh sống.
ẢNH CHỤP BỞI VIỆN PASTEUR


past-pandemics-church-human-skulls-bones.jpg
Xương cốt của 30.000 nạn nhân dịch hạch chết trong đợt bùng phát thế kỷ 14 được trang hoàng trong Nhà thờ xương Sedlec, Cộng hoà Séc.
ẢNH CHỤP BỞI CHARLIE HAMILTON JAMES


past-pandemics_ai2html-desktop-small.jpg

Bệnh đậu mùa tiếp tục giết chết nhiều người, khoảng 300 triệu người chỉ riêng thế kỷ 20. Tháng 5/1980, Tổ chức Y tế Thế giới tuyên bố bệnh đậu mùa đã bị xoá sổ nhờ vào chiến dịch tiêm vắc-xin toàn cầu đầy quyết tâm. Lúc bấy giờ, vắc-xin của Jenner đã trở thành hình mẫu cho nhiều loại vắc-xin khác. Vắc-xin đẩy lùi nhiều bệnh truyền nhiễm ra khỏi cuộc sống chúng ta đến mức tưởng chừng như trong một khoảng khắc hoan hỉ ngắn ngủi, đại dịch có thể sẽ không bao giờ bùng phát nữa.

Những năm 1800, London: Nước sạch và nước thải chung

Dân chúng đang sẵn sàng đón nhận bài học lớn kế tiếp về việc chấm dứt các đại dịch chỉ vì một trong số những căn bệnh đáng sợ nhất họ từng trải qua. Khi tai hoạ này bùng phát năm 1817 tại thành phố Jessore, hiện là một phần của Bangladesh, độc lực mới của nó đã khiến cả người dân sống ở đó bị sốc dù cho đã biết nỗi kinh hoàng từ những đợt bùng phát trong quá khứ.

“Thật là vụ tấn công bất ngờ và khủng khiếp,” một quan chức quận viết, đến nỗi các cư dân còn đang kinh ngạc phải “chạy theo những đám đông đến đất vùng nông thôn như kế sách duy nhất thoát khỏi cái chết đang treo lơ lửng.” Chỉ trong vài tuần, 10.000 người trong quận đã chết.


chadwickfinal.jpg

EDWIN CHADWICK
TRANH MINH HOẠ CỦA JOE MCKENDRY

Giao thương và bóc lột thuộc địa bùng nổ đưa đến đợt bùng phát mới trên đất liền, rồi băng qua các đại dương và trở thành đại dịch. Độc giả báo chí có thể theo dõi các bài tường thuật từ tuyến đầu khi căn bệnh đáng sợ từ từ trườn đến họ. Nó không chỉ giết một nửa số nạn nhân của mình mà còn với tốc độ nhanh khủng khiếp. Nỗi kinh hoàng đặc biệt hiện hữu ở cách người ta chết. Một người đang ngời ngời sức sống trong khoảnh khắc dường như hoá lỏng và chảy ra qua nôn mửa và tiêu chảy không kiểm soát. Cơn khát dữ dội kéo đến sau đó. Các cơn co thắt và chuột rút khiến cơ bắp đau nhức cùng cực. Việc hít thở cũng trở thành “cơn đói không khí” hổn hển tuyệt vọng. Nạn nhân chết với tâm trí tưởng chừng như còn tỉnh táo, nhìn chằm chằm, kinh hoàng, chất dịch lỏng vẫn vắt ruột chảy ra.

Khi người ta thảo luận về nguyên nhân của mối đe doạ mới này, miasmas và mùi hôi là tình nghi số một. Phần lớn những người cải cách vệ sinh thời kỳ đầu đều quá chú trọng vào mùi hôi, một phần vì chúng có mặt ở khắp nơi – mùi hôi nồng nặc từ các nhà máy, chuồng lợn cạnh nhà, hàng tấn phân ngựa và gia súc, xưởng thuộc da, mộ chôn cạn của người chết và dĩ nhiên phân người cũng ở khắp nơi. Đối với phong trào vệ sinh, “hơi thở có mùi” là nguyên nhân của căn bệnh.

Vào thế kỷ 19, khi người dân rời nông trại và đến xếp hàng tìm việc ở các nhà máy trong thành phố, nhân loại vẫn thiết tha cần những bài học về cách chung sống mà không gây nguy hại chết người. Những thông tục tưởng chừng vô hại ở nông trại, như thiếu hệ thống xử lý nước thải bài bản, hoá ra lại là điểm chí tử ở thành phố. Nhiều gia đình túm tụm trong các khu ổ chuột tồi tàn làm lây lan và tái phát bệnh sốt thương hàn, kiết lỵ, lao, tả và nhiều bệnh truyền nhiễm khác.


past-pandemics-cholera-victims.jpg
Thi thể của những nạn nhân dịch tả tháng 7/1994 nằm bên ngoài một bệnh xá, nơi ngày nay là Cộng hoà Dân chủ Congo. Trong vòng chưa đầy một tuần, gần một triệu người tị nạn chạy khỏi Rwanda sau cuộc thảm sát diệt chủng đã băng qua biên giới gần Goma. Đám đông gây quá tải trại tị nạn và dịch vụ vệ sinh, khiến dịch bệnh lây lan và giết chết 50.000 người.
ẢNH CHỤP BỞI TEUN VOETEN, PANOS PICTURES


Người thầy vĩ đại của cải cách vệ sinh là một công chức người Anh tên là Edwin Chadwick, thuộc tuýp người Dickens điển hình, cao ráo, mặt tròn, vài lọn tóc loà xoà trên mái đầu hói, đôi mắt quầng thâm chăm chăm nhìn phán xét, nếu không muốn nói là khinh thường. Theo ý kiến của người viết tiểu sử, ông là “mẫu người buồn chán đặc biệt nổi bật, trong kỷ nguyên các loài sinh vật phát triển mạnh mẽ.” Nhưng ông cũng nổi danh vì nắm vững các sự kiện của bất kỳ vấn đề nào từng học và mang đến nguồn năng lượng phi thường để giải quyết vấn đề.

Năm 1842, một tác phẩm ăn khách đến không ngờ có tựa đề “Báo cáo vệ sinh” do Chadwick chấp bút đã được chính phủ Anh xuất bản. Dựa trên những số liệu từ khắp nước Anh, báo cáo miêu tả chi tiết thế giới của tầng lớp lao động thành thị có vẻ xa lạ như Jessore với phần lớn độc giả có học thức thời đó. Chadwick dẫn dắt người đọc vào những hầm phân sâu một mét từ các bể chứa tràn, và những ngôi nhà nơi “mọi đồ ăn thức uống đều phải đậy lại” để tránh “mùi phân nồng nặc” do ruồi nhặng mang đến. Ông miêu tả đô thị nơi “rác rến” của một nhà tù giam giữ 65 tù nhân “đang trôi nổi dưới đường đi chung cứ mỗi hai ngày hoặc ba ngày,” cùng với máu đổ ra từ các lò mổ địa phương.


past-pandemics-london-map-cholera-pandemic.jpg
Năm 1849, Tổng Hội đồng Y tế mới của Anh đã xuất bản “Bản đồ dịch tả của thành phố,” cho thấy sự phân bố của dịch bệnh ở London. Bản đồ tô các vùng có tỷ lệ tử vong cao nhất của thành phố bằng màu xanh thẫm và chú giải các khu vực “nước nhiễm độc,” “cống lộ thiên” và “quá đông dân” – tất cả các yếu tố làm lây lan dịch bệnh.
ẢNH CHỤP BỞI WELLCOME COLLECTION, ATTRIBUTION 4.0 INTERNATIONAL


Chadwick là người tin vào “thuyết ô uế” và sức mạnh tử thần của mùi hôi thối. May mắn thay, các khuyến nghị tường tận của ông cũng vô tình có tác dụng chống lại nguyên nhân gây bệnh thật sự.

Phủ tạng rùng rợn của Báo cáo vệ sinh đã khuyến khích các chính trị gia cần phải làm gì đó. Năm 1848, chính phủ Anh đã thành lập một trong những cơ quan y tế công cộng quốc gia đầu tiên trên thế giới và giao cho Chadwick phụ trách. Năm sau, một đợt bùng phát bệnh tả bất ngờ bẻ gãy chiếc roi đại diện cho cải cách vệ sinh đó. Chadwick đã sớm phát động một chiến dịch toàn quốc nhằm thúc đẩy các thành phố và đô thị xây dựng hệ thống công cộng trung tâm để cấp nước sạch cho các hộ gia đình, cùng với hệ thống nước thải được thiết kế thích hợp để thoát nước. Đó là một công việc cực kỳ tốn kém nhưng tạo ra những cải tiến ngoạn mục về sức khoẻ và tuổi thọ. Các quốc gia khác tiếp bước theo sau, và lần đầu tiên các thành phố bắt đầu trở nên thực sự đáng sống.


past-pandemics-iron-lungs-polio.jpg
BỆNH BẠI LIỆT
Là loài virut lây nhiễm cao chủ yếu ở trẻ em, bệnh bại liệt đã bị xoá sổ ở nhiều nơi trên thế giới nhờ vào chiến dịch tiêm vắc-xin toàn cầu. Nhưng căn bệnh vẫn tồn tại ở một số vùng Á-Phi. Trước khi vắc-xin trở nên phổ biến rộng rãi vào cuối những năm 1950, căn bệnh đã làm bại liệt hơn 15.000 người ở Hoa Kỳ mỗi năm. Tại khoa cấp cứu của bệnh viện Boston, những thiết bị giống xe tăng được gọi là “phổi sắt” giúp bệnh nhân bại liệt hô hấp trong đợt bùng phát năm 1955. Vào đầu thế kỷ 20, bệnh bại liệt trở thành một trong những căn bệnh đáng sợ nhất thế giới. Các bậc cha mẹ kinh hoàng khi chứng kiến con mình đột ngột đau đớn và thỉnh thoảng tê liệt. Khi virut tấn công các cơ kiểm soát hô hấp, bệnh nhân sẽ được đặt trong phổi sắt, tiền thân của máy thở hiện đại. Mùa xuân năm 1955, vắc-xin được triển khai và làm giảm 99% số ca mắc trên toàn thề giới.
ẢNH CHỤP BỞI AP PHOTO


Năm 1904-1906, các bác sĩ ở Philadelphia chụp bức ảnh bệnh nhân bị hội chứng hậu bại liệt, là một chứng rối loạn thần kinh xuất hiện nhiều năm sau khi bệnh bại liệt khởi phát và có thể ảnh hưởng đến bệnh nhân còn sống từ 25-40%.
Năm 1904-1906, các bác sĩ ở Philadelphia chụp bức ảnh bệnh nhân bị hội chứng hậu bại liệt, là một chứng rối loạn thần kinh xuất hiện nhiều năm sau khi bệnh bại liệt khởi phát và có thể ảnh hưởng đến bệnh nhân còn sống từ 25-40%.

Một bệnh nhân bại liệt ở Philadelphia vào đầu thế kỷ 20 cho phép chụp ảnh đôi chân của mình. Một số bệnh nhân đã phục hồi sức mạnh cơ bắp sau đó lại trải qua đợt suy yếu dần dần những cơ trước đây bị ảnh hưởng bởi căn bệnh. (HAI) ẢNH ĐƯỢC CHỤP BỞI THƯ VIỆN Y HỌC LỊCH SỬ CỦA ĐẠI HỌC BÁC SĨ PHILADELPHIA
Một bệnh nhân bại liệt ở Philadelphia vào đầu thế kỷ 20 cho phép chụp ảnh đôi chân của mình. Một số bệnh nhân đã phục hồi sức mạnh cơ bắp sau đó lại trải qua đợt suy yếu dần dần những cơ trước đây bị ảnh hưởng bởi căn bệnh.
(HAI) ẢNH ĐƯỢC CHỤP BỞI THƯ VIỆN Y HỌC LỊCH SỬ CỦA ĐẠI HỌC BÁC SĨ PHILADELPHIA


Không sự kiện nào kể trên là lịch sử lâu đời. Quá trình chuyển biến từ nông trại thành đô thị bắt đầu từ thời cách mạng công nghiệp, nhưng loài người bắt đầu chủ yếu sống trong thành thị lần đầu tiên năm 2008. Liên Hiệp Quốc ước tính rằng đến giữa thế kỷ 21, 68% dân số sẽ sống trong các khu đô thị. Điều đó nghĩa là người dân lại một lần nữa cần phải biết rằng sự chuyển dịch đó thay đổi cuộc sống họ thế nào. Họ cũng cần những hệ thống giúp bản thân thực hiện thay đổi đó một cách an toàn. Nhưng nhiều quốc gia đang phát triển không có đủ tài chính để chi trả cho cải cách vệ sinh.

Ngày nay, có 2.1 tỷ người không được tiếp cận nguồn cung nước sạch tại gia, và 4.5 tỷ người thiếu hệ thống xử lý nước thải được quản lý một cách an toàn. Sự thiếu vắng của cả hai là nhân tố chính kéo dài dịch tả ở Haiti gần đây, khiến ít nhất 800.000 người mắc bệnh và giết chết 10.000 người trong 9 năm qua. Những nạn nhân khác thì sống trong các đại đô thị mới nổi ở châu Á, châu Phi và châu Mỹ Latin. Tại các khu vực rộng lớn của những thành phố đó, việc uống nước nhiễm phân giống hệt London năm 1848, và tiếp cận chăm sóc y tế cơ bản gần như không tồn tại. Vì vậy họ vẫn mắc những bệnh cũ, như viêm phổi, tiêu chảy ở trẻ em và lao, căn bệnh chỉ riêng nó đã giết 1.5 triệu người năm 2018, cũng như các bệnh khá mới như HIV/AIDS, vẫn đang giết chết 770.000 người mỗi năm. Thậm chí còn đáng ngại hơn, nhiều thành phố khổng lồ ấy nằm gần các khu vực có đa dạng sinh học cao – với nguồn cung dồi dào những mầm bệnh tiềm năng mới có khả năng lây lan sang con người. Đó là công thức tạo ra các đại dịch mới. Có lẽ sức tàn phá của COVID-19, giống dịch tả ở London của Chadwick, sẽ trở thành đòn roi thúc đẩy chính phủ đưa ra cải cách vệ sinh đến mọi cộng đồng đô thị, như một biện pháp để ngăn chặn các đại dịch đó xảy ra.


Cuối những năm 1800, châu Âu: Vi khuẩn gây bệnh

Trong suốt 200 năm, nhiều tiếng nói đã làm dấy lên những đề xuất cho rằng “vi sinh vật”, hay vi trùng, gây ra bệnh. Nhưng những người ủng hộ y học dịch thể và thuyết ô uế đã hạ bệ thành công họ được một thời gian.

Tuy nhiên vào thế kỷ 19, khi kính hiển vi trở nên mạnh mẽ hơn và được phân bổ rộng rãi hơn, các nhà nghiên cứu khác bắt đầu mở cánh cửa thế giới của các vi sinh vật. Ý tưởng cho rằng những vi sinh vật cụ thể có thể gây ra những bệnh truyền nhiễm cụ thể, và còn phá huỷ xã hội loài người, trở nên thuyết phục hơn.


robertkochfinal.jpg

ROBERT KOCH
TRANH MINH HOẠ CỦA JOE MCKENDRY

Lịch sử ngày nay thường vinh danh Louis Pasteur và Robert Koch như cha đẻ của lý thuyết mầm bệnh và lãng quên công trình đời trước đã tạo dựng nên. Một phần bởi bản chất con người hay hưởng ứng với một vài tên tuổi lớn nhiều hơn là với phương pháp tích luỹ và hợp tác mà hầu hết các khám phá diễn ra. Nhưng Pasteur và Koch cũng là những bậc thầy về khoa học thí nghiệm, cẩn trọng về phương pháp và khéo chọn con đường đúng đắn từ thí nghiệm này đến thí nghiệm kế tiếp. Họ ghét nhau như đối thủ trong cùng một lĩnh vực khám phá – cảm tính nhiều hơn – và như những người yêu nước vào thời điểm có chiến tranh giữa Pháp và Đức. Nhưng những đột phá then chốt họ tạo ra đã đưa nhân loại bước vào thế giới mới màu nhiệm của lý thuyết mầm bệnh.

Pasteur là một nhà hoá học, không phải bác sĩ, nên quan điểm của người ngoài cuộc như thế tỏ ra hữu ích khi bỏ qua những niềm tin y học thông thường. Những năm 1850, nghiên cứu của ông bắt đầu với mục tiêu bình dân là giúp đỡ một xưởng sản xuất địa phương xác định nguyên nhân của mùi vị khó chịu trong các lô rượu củ cải đường. Pasteur nhanh chóng tìm ra thủ phạm là một loại vi khuẩn, và khuyên nên đun nóng nước cốt củ cải đường để ngăn tình trạng ấy tái diễn. Đó được coi là xuất phát điểm của quá trình khử khuẩn.

Với bản tính luôn muốn tìm hiểu sâu hơn một chút, Pasteur đã trình bày tỉ mỉ từng giai đoạn của quá trình lên men. Đó không chỉ là một quá trình hoá học thuần tuý như nhiều nhà tư tưởng “hiện đại” lúc bấy giờ tin vào, mà là một quá trình sinh học: Men rượu, một sinh vật sống, sử dụng chất dinh dưỡng trong hỗn hợp và chuyển hoá chúng thành rượu và các sản phẩm khác. Công trình về lên men đã khuyến khích Pasteur quan sát vi sinh vật ở khắp nơi và chứng minh rằng chúng là sản phẩm của quá trình sinh sản sinh học bình thường chứ không phải tự phát. Trực giác của ông tiếp tục làm nên một bước tiến ngoạn mục: Nhiều sinh vật sống tí hon tạo ra quá trình lên men, và những sinh vật không mong muốn có thể làm hỏng lô rượu, chúng cũng có thể gây ra bệnh truyền nhiễm.


past-pandemics-microscopic-photos-bacteria.jpg
Cuối những năm 1800, nhiếp ảnh gia Andrew Pringle đã sử dụng kính hiển vi để chụp lại hình ảnh của vi khuẩn lao, vi khuẩn bệnh than và các loài vi khuẩn khác.
ẢNH CHỤP BỞI WELLCOME COLLECTION, ATTRIBUTION 4.0 INTERNATIONAL


Pasteur là một người ủng hộ bản thân nhiệt tình. (Một số sử gia hiện đại cho rằng ông cũng chiếm đoạt công trình của người khác mà không ghi công, phóng đại bằng chứng và lừa dối về phương pháp của mình.) Ông trình bày những phát hiện của mình bằng ngôn từ táo bạo và kêu gọi các nguồn lực của hệ thống cấp bậc Pháp nhằm hỗ trợ cho công việc của mình. Ông cũng tham gia vào các cuộc công kích dữ dội bất kỳ ai ngu ngốc đến mức không đồng tình với ông về bất kỳ việc gì, đặc biệt là lý thuyết mầm bệnh. Nhưng phải cần đến Robert Kock, lúc bấy giờ là bác sĩ của một thị trấn nhỏ làm việc độc lập trong một phòng thí nghiệm tại gia, để chứng minh rằng trực giác tuyệt vời của Pasteur là đúng.

Ngạc nhiên thay, ngày nay Kock vẫn rất ít được biết đến; phần lớn mọi người nhận ra tên tuổi người phụ tá tên là Petri nhanh hơn. Ông đã phát minh ra đĩa Petri trong phòng thí nghiệm. Có thể cảm giác chống đối nước Đức vào thế kỷ 20 đã khiến thôi thúc trở thành anh hùng của Koch không còn nữa. Ông cũng đánh mất một số người hâm mộ khi ly hôn vợ để cưới một nữ diễn viên trẻ xinh đẹp và, vào cùng thời điểm đó, thất hứa việc đưa ra cách chữa trị bệnh lao.

Koch xứng đáng được nhiều hơn. Là một bác sĩ trẻ giữa những năm 1870 sống trong vùng quê ngày nay là Ba Lan, ông đã chia một phần phòng khám của mình thành phòng thí nghiệm nhỏ. Tại đó, giữa các bệnh nhân, ông nghiên cứu các mẫu vật có kích thước hiển vi từ thế giới tự nhiên, kể cả máu của cừu đã chết vì bệnh than. Bằng sự nhẫn nại và kiên trì quan sát, ông đã dần vén bức màn bí ẩn được giấu kín về căn bệnh thú y có thể giết chết cả con người.


Pasteur and Koch ghét nhau như những đối thủ và những người yêu nước vào thời điểm xảy ra chiến tranh giữa Pháp và Đức. Nhưng những đột phá mà họ tạo ra đã đưa nhân loại bước vào thế giới màu nhiệm của lý thuyết mầm bệnh.

Thông thường, vi khuẩn sinh sản bằng cách phân đôi. Nhưng trong điều kiện thuận lợi, sự nhân đôi liên tục của mầm bệnh như bệnh than có thể nhanh chóng làm vật chủ quá tải. Trước thời của Koch, người ta không biết được rằng khi điều kiện chuyển biến xấu, vi khuẩn bệnh than cũng có thể tạo ra một loại vỏ thoát. Bào tử này được bao bọc trong một lớp vỏ cứng, có thể sống trong đất ở trạng thái bất hoạt hàng thế hệ như một quả mìn sinh học. Đó là câu trả lời vì sao bệnh than thỉnh thoảng bất ngờ xuất hiện, khi không có con vật mới nào nhập đàn và ở những nơi không có ca bệnh nào xảy ra nhiều năm hay thậm chí là nhiều thập kỷ.

Koch đã sớm phát minh ra cách nuôi cấy vi khuẩn trong môi sinh nhân tạo, trên một mảnh thuỷ tinh ông có thể nghiên cứu dưới kính hiển vi. Tại đó, ông quan sát sự xuất hiện của bào tử và thấy chúng trở thành vi khuẩn sống một lần nữa. Những con vi khuẩn đó lại tạo ra một thế hệ bào tử thứ hai. Để chứng minh bào tử có thể lây nhiễm cho động vật sau một thời gian bất hoạt, ông đã tiêm chúng vào chuột hoang – thời đó không có chuột thí nghiệm – và chúng nhanh chóng hình thành một quần thể vi khuẩn bệnh than mới chết người.


past-pandemics-coffin-ebola-victim.jpg
EBOLA
Từ năm 1976, khi lần đầu tiên xuất hiện ở Sudan và gần sông Ebola, khu vực giờ là Cộng hoà Dân chủ Congo, virut Ebola đã thỉnh thoảng xuất hiện trở lại ở Trung Phi và Tây Phi. Lây truyền qua tiếp xúc dịch cơ thể, Ebola gây xuất huyết và suy cơ quan nội tạng. Ebola đã giết chết khoảng một nửa người nhiễm bệnh. Người đưa tang đang khiêng quan tài của Liliane Kapinga Ebambe, một đứa trẻ 3 tuổi chết do Ebola tháng 7/2019 tại thành phố Beni phía đông Cộng hoà Dân chủ Congo. Bất chấp các chiến dịch tiêm vắc-xin mở rộng, virut vẫn cứ tồn tại dai dẳng ở đây, nguyên nhân một phần bởi mất lòng tin ở quan chức y tế, thông tin sai lệch rộng rãi và xung đột bạo lực kéo dài. Cha mẹ của Liliane tin rằng con gái mình bị đầu độc và Ebola là âm mưu quét sạch người dân Congo của các nước khác.
ẢNH CHỤP BỞI MARCO GUALAZZINI, CONTRASTO/REDUX


Bài báo của Koch tháng 10/1876 về vi khuẩn bệnh than là một bước ngoặt trong lịch sử loài người. Bằng cách tạo ra triệu chứng bệnh than trên động vật thí nghiệm lặp đi lặp lại và có thể dự đoán, ông đã chứng minh thực tế bị tranh cãi kéo dài về sự lây nhiễm và chứng minh Bacillus anthracis là tác nhân gây lây nhiễm. Nói ngắn gọn, ông đang chứng minh lý thuyết mầm bệnh.

Pasteur và Koch chắc hẳn đã dựa vào công trình của nhau, trong khi lại đồng thời công kích nhau trước công chúng. Pasteur phát minh ra vắc-xin đầu tiên sau 85 năm kể từ vắc-xin đậu mùa của Jenner, kể cả vắc-xin của bệnh than và bệnh dại. Koch không chữa bệnh nào, nhưng ông tiếp tục xác định mầm bệnh gây ra những căn bệnh đáng sợ nhất từng được nhân loại biết đến, gồm cả bệnh tả và bệnh lao, giúp ông đạt được giải Nobel năm 1905. Ông cũng giúp nhiều phương pháp chữa trị có thể thực hiện bằng cách phát minh các công cụ vi sinh vẫn còn được sử dụng đến ngày nay để xác định danh sách mầm bệnh chết người. Lần đầu tiên, con người có thể điều trị đích và phòng ngừa các bệnh truyền nhiễm.


Ngày nay

Vào thời điểm chuyên gia dịch tễ Michael Callahan bước chân lên boong du thuyền Grand Princess, ông đã là một tay dày dạn kinh nghiệm đối phó đại dịch COVID-19. Vào tháng 1, ông bắt đầu trao đổi ghi chú với mạng lưới dày đặc các chuyên gia đồng nghiệp của mình về mầm bệnh xuất hiện ở Vũ Hán, Trung Quốc. Ông nhìn thấy những bệnh nhân ở Singapore khi dịch bệnh bùng phát ở đó. Ông cung cấp thông tin cho các cơ quan chính phủ Hoa Kỳ ở Washington, D.C. về nơi căn bệnh có thể xảy ra tiếp theo. Ông cũng giúp sơ tán một du thuyền ở Yokohama, Nhật Bản.

Sau đó, ông điều trị những bệnh nhân đầu tiên khi căn bệnh lan đến Boston, nơi ông đang làm bác sĩ điều trị tại bệnh viện đa khoa Massachusetts. Khi ông theo dõi, làm việc và động não suy nghĩ các vấn đề về máy thở, ông đã phát hiện dịch bệnh tiết lộ “hoạt động lây nhiễm dữ dội” của nó, khả năng nó nằm “như một quả bom nhỏ bé thông minh thầm lặng trong cộng đồng của bạn,” đến khi tìm thấy một người “và chỉ việc giết họ.”


past-pandemics-mask-decontaminating.jpg
Khẩu trang N95 được khử nhiễm bên trong một hệ thống mới cho phép vật tư y tế dùng một lần được tái sử dụng một cách an toàn. Được phát triển bởi tổ chức phi lợi nhuận Battelle tại Columbus, Ohio, hệ thống ứng dụng hydro peroxit hoá hơi theo quy trình có thể được lặp lại tối đa 20 lần với mỗi chiếc khẩu trang N95. Hệ thống đã được sử dụng ở nhiều bang.
ẢNH CHỤP BỞI BRIAN KAISER, NEW YORK TIMES/REDUX


“Khi tôi tiếp nhận bệnh nhân thứ 500 của mình, tôi thấy sợ hãi,” Callahan nói. “Đó là một bệnh nhân hôn mê.”

Suốt nhiều thập kỷ, Callahan là gương mặt quen thuộc trực tuyến đầu của các dịch bệnh ở khắp nơi, nỗ lực để chấm dứt những đợt bùng phát Ebola, SARS, H5N1 và nhiều chữ cái viết tắt tử thần của những bệnh khác. Ông phù hợp với miêu tả của chính mình về những chuyên gia hay được nhìn thấy trên hiện trường của những đợt bùng phát mới: “những con người dễ xúc động, di chuyển nhanh và nói năng súc tích.” Trả lời câu hỏi qua điện thoại, ông đưa ra những câu trả lời dài, phức tạp theo từng đợt dâng tràn năng lượng, với xu hướng nhảy chủ đề đến chóng mặt giữa thế giới y học và địa lý.

Nhưng so với những đồng nghiệp thạo nghề và năng động, Callahan cũng nổi bật bởi khả năng tổng hợp thông tin giữa khủng hoảng để nhanh chóng nắm bắt tốt nhất lựa chọn hiện có. Do đó, ông thường trực đường dây nóng cho rất nhiều tổ chức, từ các bệnh viện và tổ chức y tế phi lợi nhuận toàn cầu đến chính phủ Hoa Kỳ, nơi ông là cố vấn đặc biệt về COVID cho trợ lý bộ trưởng đặc trách sẵn sàng và đáp ứng. Thỉnh thoảng ông cũng về nhà tề tựu bên gia đình ở Colorado, nơi ông làm việc qua điện thoại và laptop, hay bị gián đoạn bởi tiếng chó sủa, con trẻ cần sửa xe đạp và tiếng gọi không hồi kết của việc nội trợ bị bỏ bê như mọi người khác giữa thời phong toả.

Callahan chọn con đường sự nghiệp này bởi khoảng thời gian làm việc tại các trại tị nạn phía đông Cộng hoà Dân chủ Congo vào cuối những năm 1990. Nó đã dạy ông bài học rằng bệnh truyền nhiễm ở các nước đang phát triển là một “thảm hoạ từ từ. Và nó cứ tiếp diễn mãi. Sự bất công của nó đã tạo động lực cho tôi rất nhiều.”


Chúng ta đã bước vào một thế giới mới đáng sợ. Hoặc có thể chúng ta chỉ đang trở về với thế giới cũ của tổ tiên bị quấy nhiễu bởi bệnh dịch. Dù là hướng nào đi nữa, bài học lớn nhất chúng ta nên rút ra là đừng quên thảm cảnh này đã từng xảy ra.

Kinh nghiệm của ông với Ebola và các đợt bùng phát khác ở Tây Phi cũng dạy ông bài học rằng việc điều trị từng ca bệnh riêng rẽ là chưa đủ. Thay vào đó, việc tập huấn hoặc tiếp tế vật tư đến nhân viên y tế địa phương “sẽ tạo ra những thay đổi lớn trong một ngôi làng, cộng đồng hoặc bệnh viện. Và những thay đổi đó sẽ kéo dài sau khi bạn rời đi.”

Điều đó trở thành triết lý chỉ nam của ông. Khi làm việc cho chương trình do Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ điều hành, ông đã giúp các bác sĩ và nhà khoa học bị thuyên chuyển khỏi những chương trình vũ khí hoá sinh ở Nga thời hậu Xô Viết được đào tạo lại để trở thành những nhà nghiên cứu dịch tễ thời bình. Gần một thập kỷ ông làm việc tại DARPA (Cơ quan Dự án Nghiên cứu Quốc phòng Tiên tiến của Lầu Năm Góc). Ở đó, ông phát triển chương trình “Dự ngôn” để dự đoán và phòng ngừa các căn bệnh mới nổi.

Nền tảng của Callahan đã cho ông cái nhìn sâu sắc khác thường về phương thức chúng ta có thể thích nghi với COVID-19 và các căn bệnh mới nổi khác còn chưa biết rõ. Ông cho rằng việc bảo vệ sức khoẻ có thể dựa vào việc tìm cách giúp các nước khác đáp ứng nhu cầu của chính họ, ngay cả khi chính phủ quốc gia ấy tỏ ra thù địch và những nhu cầu đó có thể không phải lúc nào cũng nhằm phục vụ lợi ích quốc gia trong ngắn hạn của chúng ta. Đó là câu chuyện về cuộc chơi dài hơi hơn.

Ví dụ, ở Indonesia, đánh bắt quá mức đã làm suy giảm trữ lượng thuỷ sản ven bờ, luật Hồi giáo lại cấm ăn thịt lợn. Điều đó khiến việc duy trì nguồn đạm ổn định trở thành một vấn đề lớn, đặc biệt là sau đợt bùng phát cúm gia cầm gây ra tổn thất nghiêm trọng đến ngành chăn nuôi gà vịt. Vì vậy, chương trình “Dự ngôn” bước đầu âm thầm tập trung vào việc bảo vệ trữ lượng thịt gà. Trong số nhiều biện pháp, chương trình còn cung cấp khả năng giải trình tự gen nội địa cho phép Indonesia tự lực xác định mầm bệnh, làm giảm tính phụ thuộc vào các cường quốc phương Tây.

Đó là kiểu sáng kiến có thể dễ dàng thu hút sự giám sát của Quốc hội, hoặc của các nhà phê bình có tư tưởng độc lập. Nhưng ở Indonesia, “vốn sở hữu của chúng tôi đã tăng lên,” Callahan cho biết, “và chúng tôi đã bắt đầu những điều tốt đẹp,” nghĩa là giám sát mầm bệnh ở con người. “DARPA, hay một cơ quan quân sự bí mật, là một đối tác đáng hoan nghênh.”

Chiến lược quan trọng khác của “Dự ngôn” là tìm ra những bác sĩ chuyên khoa nhiễm trẻ và giỏi giang ở các nước đang phát triển và tạo dựng mối quan hệ lâu dài. Điều đó có thể đồng nghĩa với việc cung cấp cho họ công nghệ mới, đưa họ đi tu nghiệp ở các trường y khoa Hoa Kỳ, hoặc tài trợ cho các nghiên cứu mới.


past-pandemics-coffin-italy.jpg
Cỗ quan tài chứa thi thể của một người ngoại quốc chết trong đại dịch COVID-19 được giữ trong một nhà xác ở Milan cho đến khi có thể được gửi về nước. Nhà xác vùng Lombardy của Italia trở nên đầy rẫy những thi thể đến mức phải gửi đến các khu vực khác để hoả táng. Giới chức Italia đã cấm tổ chức lễ tang trên cả nước, buộc các gia đình phải để tang người thân tại nhà.
ẢNH CHỤP BỞI GABRIELE GALIMBERTI


“Bằng cách ủng hộ đối tác nước ngoài, họ tự ủng hộ bản thân, và trở thành người dẫn đầu trong lĩnh vực của mình, dẫn đến hai việc sẽ xảy ra,” Callahan nói. “Họ phát triển nguồn tài trợ bền vững cho quốc gia chủ nhà. Và bạn có một đại sứ rất đáng biết ơn, người giờ đây đang ở đỉnh cao của… trí thông minh về mầm bệnh.”

Một trong các đối tác ngoại quốc như vậy là nhà nghiên cứu tại Nga mà Callahan đã giúp thuyên chuyển vị trí từ vũ khí sinh học sang phát hiện bệnh. Năm 2005, phòng thí nghiệm của nhà nghiên cứu đó đã phát hiện một đợt bùng phát H5N1, loại cúm gia cầm có thể tuyệt diệt gà vịt và chim chóc. Nó cũng có khả năng lây sang con người và giết chết thế hệ trẻ bằng cách phá huỷ phổi. Dịch bệnh di chuyển về phía đông nam nơi đường hàng không của châu Á và châu Mỹ gặp nhau ở khu vực eo biển Bering. Báo động đầu tiên đó đã giúp các nhà khoa học của Hoa Kỳ triển khai một chương trình thử nghiệm lớn lên các loài chim di cư ở Alaska và ngăn chặn dịch bệnh khỏi xâm nhập vào châu lục.

Chương trình “Dự ngôn” hết hạn vài năm sau khi nhiệm kỳ của Callahan tại DARPA kết thúc. (Callahan cho biết, nhiệm vụ của DARPA là phát minh ra các chương trình mới, chứ không phải quản lý chúng. Nhưng một số công cụ mà chương trình này giới thiệu đã tiếp tục giúp ích trong việc điều chế nhanh chóng các loại vắc-xin mới và dự đoán khi nào các căn bệnh sẽ trở nên kháng thuốc kháng sinh.) Xu hướng lớn hơn giữa các chính phủ ở nhiều nơi là giảm rủi ro của đại dịch và giảm tài trợ những chương trình được thiết kế để ngăn ngừa đại dịch. Do đó, vào cuối tháng 10 vừa qua, chính phủ Hoa Kỳ đã “cho phép” một chương trình khác chuyên nghiên cứu những căn bệnh mới nổi là “Dự đoán” kết thúc sứ mệnh. Chưa đầy một tháng sau, ca mắc COVID-19 đầu tiên đã xảy ra ở Trung Quốc. Và không lâu sau đó, những nạn nhân người Mỹ bắt đầu tham gia vào bảng xếp hạng số ca tử vong trên toàn cầu.

Đại dịch hiện tại chắc chắn sẽ làm tăng thêm những nỗ lực nhằm dự đoán và kiểm soát bệnh dịch, ít nhất là trong một khoảng thời gian. Nhưng không ai biết biện pháp ngăn ngừa chúng ta nên thực hiện có hình dạng gì, sẽ tốn kém bao nhiêu hoặc các nền kinh tế bị phá huỷ sẽ phải trả giá thế nào.

Liệu các quốc gia có chơi ván cờ hợp tác quốc tế lâu dài? Hay xu hướng tư lợi quốc gia trong ngắn hạn sẽ trở nên rõ ràng hơn? Liệu một xã hội hầu như không chỉ trích việc chi tiêu số tiền 13 tỷ đô cho một tàu sân bay, phần lớn phục vụ cho việc ngăn chặn xung đột vũ trang, cũng sẽ chấp nhận chi tiêu trên một quy mô còn khổng lồ hơn nhằm ngăn chặn dịch bệnh? Liệu chúng ta sẽ tiếp tục chi tiêu vô tội vạ, mặc dù loại ngăn ngừa này đồng nghĩa với việc không có gì hữu hình để chứng minh cho số tiền của ta, không có đối tượng anh hùng hữu hình nào, mà chỉ là những tri thức không mấy hài lòng rằng thảm hoạ chúng ta lo sợ đã không xảy ra?

Chúng ta đã bước vào một thế giới mới đáng sợ. Hoặc có thể chúng ta chỉ đang trở về với thế giới cũ của tổ tiên bị quấy nhiễu bởi dịch bệnh. Một bài học lớn chúng ta nên rút ra từ lịch sử là: Khi đại dịch hiện tại lắng xuống, chúng ta không được phép quên thảm cảnh này đã từng xảy ra. Chúng ta không thể chỉ cứ thế mà bước tiếp. Đâu đó trên hành tinh này, đại dịch khổng lồ tiếp theo, thiên sứ huỷ diệt tiếp theo, đã sẵn sàng sải cánh.

Richard Conniff đang tham gia dự án lịch sử khám phá bệnh truyền nhiễm “Dịch bệnh kết thúc” của Nhà xuất bản Đại học Princeton. Nghiên cứu của ông được trợ cấp bởi Tổ chức Alfred P. Sloan. Brendan Borrell đã đóng góp báo cáo bổ sung.


Dịch bởi Kenhsinhvien.vn
(Theo National Geographic)
 
×
Quay lại
Top Bottom