Nhân dân tệ - tiền tệ dự trữ toàn cầu trong tương lai?

tranxuanlan

Banned
Tham gia
25/9/2012
Bài viết
42
Nhân dân tệ - tiền tệ dự trữ toàn cầu trong tương lai?

(Gafin.vn) Hệ thống tài chính giới hạn cùng danh tiếng mờ nhạt của Trung Quốc là rào cản chính ngăn nhân dân tệ trở thành tiền tệ dự trữ toàn cầu.

Khi Trung Quốc vươn lên trở thành nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới, nước này đã cố gắng thúc đẩy nhân dân tệ, biến đồng nội tệ này trở thành lựa chọn thay thế USD.

Bên cạnh đó, chính phủ Trung Quốc cũng nuôi tham vọng thiết lập các trung tâm hoán đổi tiền tệ ở nước ngoài, nơi các công ty có thể huy động vốn bằng nhân dân tệ, quốc tế hóa đồng nội tệ của mình và biến nhân dân tệ thay thế USD trở thành tiền tệ dự trữ toàn cầu.

Nhân tố Trung Quốc trong cuộc bầu cử Mỹ

Trung Quốc và chính sách thương mại của nước này là một trong những chủ đề chính trong cuộc tranh luận giành chức tổng thống Mỹ. Trong suốt cuộc tranh luận lần 2 diễn ra vào tối ngày 16/10, ứng viên đảng Cộng hòa Mitt Romney đã nhiều lần lặp lại cam kết định danh Trung Quốc là một nước "thao túng tiền tệ" ngay ngày đầu tiên tại chức nếu ông thắng cử.

Điều này phản ánh mối lo ngại của Washington đối với vị thế tương đối giữa nền kinh tế của Mỹ và Trung Quốc, đồng thời phản ánh sự thay đổi vị trí đồng nhân dân tệ sẽ tác động sâu sắc đến chính trị của nền kinh tế lớn nhất thế giới này. Mặc dù vậy, USD vẫn duy trì được vị thế thống trị của mình.

USD vẫn là nơi trú ẩn an toàn

USD không hoàn toàn là tiền tệ dự trữ toàn cầu - do các nước vẫn dự trữ ngoại hối bằng euro và yên - nhưng USD đã trở thành đồng tiền chi phối thế giới kể từ hội nghị Bretton Woods diễn ra vào năm 1944.

Người Mỹ được hưởng lợi từ sức mạnh của đồng USD. Do thế giới cần đồng USD, chính phủ cũng như người tiêu dùng của Mỹ có thể đi vay với chi phí thấp hơn. Ngoài ra, bằng cách thực hiện các giao dịch thông qua chính đồng nội tệ của mình, các công ty Mỹ có thể giảm rủi ro vì tỷ giá hối đoái thay đổi đột ngột.

Mỹ cũng có thể nhận ra một điều rằng ngay cả khi nền kinh tế nước này đang gặp khó khăn, tất cả các quốc gia trên thế giới vẫn sẽ xem USD là tài sản trú ẩn an toàn nhất trong dự trữ ngoại hối của họ.

vzp1oql0s1m.jpg
USD vẫn được coi là nơi trú ẩn an toàn

Tuy nhiên, thế giới vẫn có nhu cầu đối với các đồng tiền tệ khác. Các thị trường tài chính sử dụng USD đã bị chấn động trong suốt cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008-2009, do đó hoạt động kinh doanh ở châu Á và các nền kinh tế mới nổi đòi hỏi một lựa chọn tiền tệ mới cho dự trữ quốc tế và thanh toán trong thương mại.

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã kích thích sự phục hồi của kinh tế Mỹ thông qua đợt nới lỏng định lượng - tăng nguồn cung tiền bằng cách mua trái phiếu kho bạc và chứng khoán có đảm bảo bằng tài sản thế chấp. Đồng thời, Mỹ cũng hạ giá trị của các khoản nợ mà các nước bên ngoài như Trung Quốc nắm giữ, làm suy yếu USD và kích thích luồng vốn chảy vào các thị trường mới nổi làm tăng lạm phát.

Trung Quốc và các nước nắm giữ nợ của Mỹ xem động thái của Fed như một dấu hiệu cho thấy nước này sẽ luôn đặt mục tiêu chính sách trong nước trước mục tiêu ổn định tài chính và tiền tệ toàn cầu.

Nếu nhân dân tệ thành tiền tệ dự trữ toàn cầu

Nếu nhân dân tệ soán ngôi USD trở thành tiền tệ dự trữ toàn cầu, hệ thống tài chính thế giới sẽ phụ thuộc rất nhiều vào Trung Quốc. Không những thế, chính sách kinh tế cũng như tài chính của Mỹ sẽ chịu rất nhiều áp lực từ quốc tế, bao gồm cả mối đe dọa giảm giá trị USD.

Có 3 cấp độ quốc tế hóa của nhân dân tệ. Thứ nhất, Trung Quốc và các đối tác thương mại chính của mình sẽ giao dịch bằng nhân dân tệ. Trên thực tế, xu hướng này đã bắt đầu kể từ năm 2009.

Bước tiếp theo, nước thứ 3 sử dụng nhân dân tệ trong giao dịch thương mại và tài chính một cách rộng rãi. Nói cách khác, chỉ khi các bên thực hiện giao dịch sử dụng nhân dân tệ một cách thường xuyên không có sự tham gia của Trung Quốc thì đồng tiền này mới thực sự trở thành tiền tệ dự trữ toàn cầu.

Ở cấp độ cuối cùng của việc biến nhân dân tệ thành tiền tệ dự trữ toàn cầu, các ngân hàng trung ương trên thế giới sẽ phải dự trữ một số lượng lớn nhân dân tệ để chống lại rủi ro tài chính. Nói cách khác, nhân dân tệ sẽ được coi là nơi trú ẩn an toàn như vai trò của USD và yên hiện nay.

Xu hướng sử dụng nhân dân tệ

Kể từ khi Trung Quốc bắt đầu cho phép các công ty nước này thanh toán bằng nhân dân tệ trong hoạt động xuất nhập khẩu bên ngoài lãnh thổ trong năm 2009, việc sử dụng nhân dân tệ trên phạm vi thế giới đã phát triển nhanh chóng.

Vào tháng 6, tất cả công ty của Trung Quốc đại lục có thể sử dụng nhân dân tệ trong việc thanh toán các giao dịch thương mại quốc tế. Đầu tư trực tiếp nước ngoài của các công ty Trung Quốc và đầu tư vào Trung Quốc của các công ty nước ngoài cũng chủ yếu sử dụng nhân dân tệ.

Các công ty Hong Kong hiện tại đã được cho phép bán cho các nhà đầu tư toàn cầu các quỹ giao dịch ngoại hối chủ yếu bằng nhân dân tệ (những quỹ đầu tư vào các thị trường trái phiếu và cổ phiếu ở Trung Quốc đại lục).

Các thỏa thuận hoán đổi tiền tệ song phương giữa Trung Quốc với các quốc gia gồm Nhật Bản, Nga, Ấn Độ, Brazil và Chile đã giúp ngân hàng trung ương của những nước này tiếp cận với nhân dân tệ, khuyến khích các công ty sử dụng nhân dân tệ khi họ giao dịch với Trung Quốc.

rmb0.jpg
Nhân dân tệ ngày càng được sử dụng rộng rãi

Trong năm nay, Trung Quốc đã thực hiện 18 thỏa thuận hoán đối ngoại tệ song phương với tổng giá trị hơn 250 tỷ USD.

Theo ngân hàng nhân dân Trung Quốc (PBOC) - ngân hàng trung ương Trung Quốc, 6,6% giao dịch mua bán của Trung Quốc trong năm 2011 được thực hiện bằng nhân dân tệ, tăng so với 2% trong năm 2010. Các tài khoản tiền gửi bằng nhân dân tệ ở các ngân hàng Hong Kong đã tăng từ 46,5 tỷ USD trong năm 2010 lên 91 tỷ USD trong năm 2011.

Một quan chức thuộc PBOC vào tháng 6 tiết lộ rằng ngân hàng này sẽ cho phép hơn 60.000 công ty trên thế giới giao dịch bằng nhân dân tệ. Chỉ tính riêng Hong Kong, khu vực này đã giao dịch khoảng 300 tỷ nhân dân tệ vào năm 2010, gần 1/3 tổng kim ngạch thương mại của Hong Kong.

Các công ty Trung Quốc, cũng như các công ty nước ngoài thực hiện giao dịch với Trung Quốc thích sử dụng nhân dân tệ bởi việc sử dụng đồng tiền này sẽ giảm rủi ro nếu USD biến động. Nếu các nhà xuất khẩu của Trung Quốc có thể thanh toán bằng nhân dân tệ thay vì USD, họ sẽ không phải lo lắng tình trạng USD giảm giá mạnh so với nhân dân tệ làm ảnh hưởng đến thu nhập trong tương lai.

Các nhà đầu tư kỳ vọng Trung Quốc định giá lại nhân dân tệ

Kể từ quý IV năm 2011, biến động của tỷ giá hối đoái trong tương lai cho thấy kỳ vọng việc Trung Quốc định giá lại nhân dân tệ đã đảo ngược hướng. Các nhà đầu tư hiện nay dự đoán rằng chính phủ Trung Quốc sẽ giảm giá nhân dân tệ để tăng tính cạnh tranh cho hàng xuất khẩu của Trung Quốc.

Những người tham gia thị trường ở Hong Kong và Trung Quốc đã sẵn sàng đặt cược cho USD cao hơn để có thể thực hiện giao dịch bằng USD 1 năm kể từ bây giờ, có nghĩa là các nhà đầu tư đặt cược nhân dân tệ sẽ giảm giá.

Vì vậy, số lượng hóa đơn xuất khẩu bằng nhân dân tệ tăng do các công ty mua nhân dân tệ rẻ từ Hong Kong và dùng trở lại ở Trung Quốc nhằm thu lợi nhuận trên mức chênh lệch tỉ giá (giá tương đối cao hơn giá chính thức).

Tài khoản tiền gửi bằng nhân dân tệ ở Hong Kong, dấu hiệu đáng tin cậy cho thấy sự sẵn lòng sử dụng nhân dân tệ ở nước ngoài - đã giảm từ cuối năm ngoái.

Tự do hóa dòng vốn

Câu hỏi đặt ra là đến lúc nào nhân dân tệ mới thực sự được giao dịch rộng rãi trên toàn cầu? Điều này phụ thuộc rất nhiều vào quyết định của các nhà lập pháp Trung Quốc có sẵn sàng chấp nhận các rủi ro liên quan đến việc cho phép dòng vốn tự do đổ vào và chảy ra khỏi Trung Quốc đại lục hay không.

Một trong những rủi ro của việc tự do hóa tài khoản vốn là tạo ra bất ổn tài chính. Thực tế ở các nước đang phát triển, việc tự do hóa tài khoản vốn đã giúp kinh tế tăng trưởng cao hơn, lạm phát thấp hơn và lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu cao hơn từ 2 đến 3 năm sau khi thực hiện cải cách.

Tuy nhiên, trong ngắn hạn, tự do hóa tài khoản vốn có thể gây biến động đối với dòng vốn, dẫn đến giảm phát hoặc lạm phát và thậm chí gây ra khủng hoảng kinh tế.

Các nhà lãnh đạo Trung Quốc nên cân nhắc về việc nếu họ tạo điều kiện để dòng vốn chảy ra khỏi Trung Quốc, sẽ ngày càng có nhiều người giàu Trung Quốc lựa chọn phương án an toàn bằng cách cho con em ra nước ngoài du học, mua nhà và gửi các khoản tiết kiệm ở nước ngoài. Bởi sự giàu có tập trung rất nhiều ở Trung Quốc nên xu hướng rút vốn một cách đột ngột có thể làm tiêu hao một lượng tiền gửi đáng kể trong hệ thống ngân hàng Trung Quốc.

Trung Quốc cần tự do hóa lãi suất

Để giảm thiểu rủi ro liên quan đến tự do hóa tài khoản vốn, Trung Quốc cần phải tự do hóa lãi suất. Hệ thống ngân hàng Trung Quốc giữ lãi suất thấp để hỗ trợ các khoản vay cho doanh nghiệp. Điều này gây bất lợi cho các hộ gia đình, những người kiếm được rất ít từ tiền tiết kiệm - thay vì đầu tư vào bất động sản. Miễn là lãi suất trong nước thấp một cách giả tạo, việc tự do hóa dòng vốn sẽ khiến dòng tiền chảy sang các nước láng giềng để tận dụng lãi suất cao.

pbocimaginechina.jpg
Trung Quốc cần tự do hóa lãi suất

Tự do hóa lãi suất không được coi là giải pháp phổ biến của nền kinh tế Trung Quốc trong một số thời điểm bởi quyết định này sẽ làm tăng chi phí đi vay của hàng ngàn doanh nghiệp nhà nước chìm ngập trong nợ nần. Tuy nhiên, tự do hóa lãi suất là một trong những giải pháp giúp ngăn chặn dòng vốn rút ra khỏi thị trường Trung Quốc.

Rào cản đối với nhân dân tệ

Hệ thống tài chính giới hạn của Trung Quốc và danh tiếng toàn cầu mờ nhạt của nước này (chứ không phải là nỗi lo ngại của Mỹ đối với sự trỗi dậy của Trung Quốc) là rào cản chính ngăn nhân dân tệ trở thành tiền tệ dự trữ toàn cầu.

Việc mở rộng lưu hành nhân dân tệ bên ngoài Trung Quốc đại lục, một yếu tố tiên quyết để nhân dân tệ trở thành tiền tệ dự trữ toàn cầu đã gặp nhiều thách thức hơn dự kiến, đặc biệt trong bối cảnh cuộc khủng hoảng toàn cầu làm giảm nhu cầu đối với các mặt hàng xuất khẩu của Trung Quốc và gây áp lực giảm giá đối với nhân dân tệ.

Trở ngại lớn nhất để quốc tế hóa nhân dân tệ chính là danh tiếng của Trung Quốc. Trong suốt cuộc khủng hoảng tài chính 2008-2009, nhân dân tệ đã phải chịu áp lực đáng kể, dấu hiệu cho thấy đồng tiền này vẫn không được coi là nơi trú ẩn an toàn.

Trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế toàn cầu trong năm 2008 và cuối năm 2011, các nhà đầu tư quốc tế vẫn coi USD và yên là nơi trú ẩn an toàn thay vì nhân dân tệ, đồng nội tệ của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới.

Lý do chính là vì Trung Quốc thiếu các quy định của pháp luật, theo cách gọi của các nhà phân tích là "cam kết đáng tin cậy" cho thị trường tài chính về sự ràng buộc của các khoản nợ và các công cụ phái sinh.

Mặc dù Trung Quốc có quy mô hệ thống tài chính lớn với gần 21 nghìn tỷ USD tài sản (theo cơ quan đánh giá của Fitch Ratings) nhưng các tài sản chính như ngân hàng và các công ty bảo hiểm vẫn thuộc sở hữu của nhà nước.

Chính phủ Trung Quốc đã không thể chứng minh cho các nhà đầu tư tư nhân tin rằng nước này sẽ không can thiệp vào dòng vốn. Bởi vì các đối tác trong các giao dịch tài chính quốc tế chủ yếu là các tổ chức nhà nước, các nhà đầu tư toàn cầu không chắc chắn liệu những tổ chức nhà nước có giữ cam kết với thỏa thuận hay không. Hơn nữa, họ cũng không thể chắc chặn liệu hệ thống luật pháp không rõ ràng của Trung Quốc có thể phân xử những khiếu nại chống lại các đối tác nhà nước hoặc thậm chí chống lại chính phủ nước này hay không?

Nếu Trung Quốc cải cách những tổ chức quan trọng của nước này để vượt qua những mối nghi ngờ, nhân dân tệ sẽ trở thành tiền tệ dự trữ toàn cầu chính và Trung Quốc cũng sẽ trở thành một cường quốc toàn cầu đích thực. Tuy nhiên, Trung Quốc sẽ còn một chặng đường dài phía trước để biến nhân dân tệ trở thành tiền tệ thống trị toàn cầu.


Nguồn: https://gafin.vn/20121021122527240p0c32/nhan-dan-te-tien-te-du-tru-toan-cau-trong-tuong-lai.htm
Xem thêm tin khác tại đây: https://gafin.vn
 
Hiệu chỉnh bởi quản lý:
×
Quay lại
Top